CHIA SẺ TIN MỪNG
Lễ Chúa Ba Ngôi
(11-6-2017)
(11-6-2017)
Ba Ngôi Thiên Chúa
tuy đa dạng nhưng hiệp nhất
tuy đa dạng nhưng hiệp nhất
ĐỌC LỜI CHÚA
• Xh 34,4b-6.8-9: (6) Thiên Chúa phán: Ta là Chúa Hằng Hữu, là Thượng Ðế có lòng thương xót, từ ái, chậm giận, đầy bác ái và chân thành. (7) Ta giữ lòng bác ái hàng ngàn đời, tha thứ sự bất chính, vi phạm và tội lỗi; nhưng không để kẻ phạm tội thoát hình phạt, và phạt con cháu họ đến ba bốn đời vì tội cha ông
• 2 Cr 13,11-13: (11) Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.
Thiên Chúa yêu thương thế gian
(Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô:) (16) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (18) Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Ba Ngôi Thiên Chúa khác biệt nhau hay giống nhau? Nếu khác biệt, làm sao Ba Ngôi lại hiệp nhất thành một Thiên Chúa duy nhất được? Ta có thể rút ra bài học gì? Muốn hiệp nhất thì phải tôn trọng sự khác biệt hay phải dẹp bỏ sự khác biệt?
2. Giữa một đằng là tôn trọng sự khác biệt và đa dạng, và một đằng là dẹp bỏ mọi khác biệt để thống nhất thành một dạng duy nhất, đằng nào là hợp tự nhiên, đằng nào là phản tự nhiên? Đằng nào hợp ý Thiên Chúa, đằng nào ngược lại ý Ngài?
3. Sự đa dạng về tôn giáo trên thế giới có thể là ý muốn của Thiên Chúa không? Tại sao?
Suy tư gợi ý:
1. Ba Ngôi khác biệt nhau, nhưng hiệp nhất thành một Thiên Chúa duy nhất
Một trong những đặc điểm khiến Kitô giáo khác với những tôn giáo hữu thần khác, đó là quan niệm Thiên Chúa có ba ngôi. Trong khi Hồi giáo chẳng hạn, quan niệm Thiên Chúa chỉ có một ngôi duy nhất. Ba ngôi Thiên Chúa tuy không giống nhau, nhưng hoàn toàn bằng nhau. Nói cách khác, giữa Ba Ngôi, có sự khác biệt và đa dạng, nhưng lại có sự bình đẳng tuyệt đối. Thật vậy, trong Ba Ngôi, mỗi Ngôi có một đặc tính riêng, một nhiệm vụ riêng phù hợp với bản chất riêng của mình. Ngôi Nhất là Cha: là Đấng Sáng Tạo, tạo dựng nên vũ trụ muôn loài. Ngôi Hai là Con: là Lời, là phát ngôn viên của Chúa Cha, cũng là Đấng Cứu Chuộc vũ trụ. Ngôi Ba là Thánh Thần: là tình yêu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, cũng là Đấng thánh hóa, đổi mới muôn loài.
Tuy khác biệt và đa dạng, nhưng Ba Ngôi luôn yêu thương nhau và hiệp nhất với nhau thành một Thiên Chúa duy nhất, chứ không phải là ba Thiên Chúa khác nhau. Vì thế, Ba Ngôi chính là một mẫu gương tuyệt vời cho nhân loại về sự «hiệp nhất trong đa dạng».
2. Ba Ngôi khác biệt và đa dạng đã tạo dựng một vũ trụ cũng đầy khác biệt và đa dạng
Do khác biệt và đa dạng từ bản tính, Ba Ngôi cũng tạo dựng nên một vũ trụ mang đầy dấu ấn bản tính của mình là đa dạng và khác biệt. Thật vậy, vũ trụ có hàng tỷ tỷ tinh tú, khác nhau đủ kiểu: về tính chất, hình dạng, về cấu tạo, độ lớn… Vạn vật, chỉ riêng trên trái đất ta đang sống, đã có hàng tỷ loài khác nhau. Riêng loài người – là một trong muôn loài của vũ trụ – cũng có nhiều chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, quốc gia… khác nhau. Ngay trong cùng một chủng tộc, một tôn giáo hay một gia đình, con người cũng khác biệt nhau: «bá nhân bá tính». Thiên Chúa muốn duy trì sự khác biệt và đa dạng ấy, vì nó làm cho vũ trụ luôn phong phú, muôn màu muôn vẻ.
Ta thử tưởng tượng theo chiều ngược lại xem: nếu các loại hoa trên thế giới được thống nhất để chỉ thành một loại hoa duy nhất, theo mẫu một loại hoa đẹp nhất, diễm lệ nhất hiện nay, thì thế giới sẽ đẹp hơn, phong phú hơn, hay sẽ đơn điệu và buồn thảm hơn? Nếu các loại khác trên thế giới cũng đều được thống nhất tương tự như thế, thì thế giới sẽ ra sao? tốt hơn hay dở hơn? Xét thế để ta biết đường lối của Thiên Chúa thế nào: thích khác biệt hay thích đồng dạng? Ta phải suy nghĩ và sống theo hướng nào mới phù hợp với đường lối Ngài?
3. Khác biệt là để bổ túc lẫn nhau hầu cùng tồn tại và phát triển, chứ không phải để tranh đấu với nhau một mất một còn
Sách Sáng Thế viết: «Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ» (St 1,27). Câu này có cấu tạo về lý luận tương tự như: «Ông A sinh ra một đứa con giống hệt ông, nó là hình ảnh của ông, nó rất trắng trẻo và đẹp trai». Đọc câu này, ai cũng có thể kết luận: như vậy là ông A cũng «rất trắng trẻo và đẹp trai», mặc dù câu trên không trực tiếp nói ông A như thế.
Cũng vậy, cứ theo ngữ cảnh của câu Kinh Thánh trên, nếu hình ảnh của Thiên Chúa là con người mà có nam có nữ, thì ắt hẳn Thiên Chúa cũng có nam có nữ, mặc dù Kinh Thánh không trực tiếp nói như thế. Vì hình ảnh của Ngài – là con người – được Kinh Thánh mô tả thế nào thì chính Ngài ắt hẳn cũng tương tự như vậy. Người và ảnh ắt phải giống nhau, nếu không thì ảnh không còn là ảnh nữa.
Một số nhà thần học có khuynh hướng cho rằng Ngôi Ba Thánh Thần có nhiều nữ tính, nên có thể Ngài là nữ. Đây chỉ là một tư tưởng thần học trong Giáo Hội chưa được khai thác và bàn luận nhiều: tuy chưa được Giáo Hội xác nhận, nhưng không phải là kém hợp lý.
Không chỉ con người mới có nam có nữ, các loài động vật khác cũng có đực có cái, có trống có mái, v.v… Ngay cả vật chất cũng được phân thành âm dương: nguyên tử có âm điện tử và dương điện tử, các hợp chất chẳng hạn như muối ăn (NaCl) cũng được cấu tạo bởi phần dương Na+ và phần âm Cl–.
Trong vũ trụ và đời sống con người, âm dương, nam nữ… tuy khác biệt nhau, mâu thuẫn nhau, nhưng không phải là để đấu tranh đến độ một mất một còn, mà để cả hai cùng bổ túc cho nhau hầu cùng tồn tại và phát triển. Trong gia đình, vợ chồng khác biệt nhau không phải để xung đột nhau, để người mạnh ép người yếu phải nên giống mình, mà để bổ túc cho nhau, để cần lẫn nhau, và để yêu thương nhau, hiệp nhất với nhau nên một. Sự khác biệt và đa dạng trong thế giới và nhân loại quả là cần thiết và ích lợi tương tự như vậy.
4. Chiều hướng phản tự nhiên của con người
Nhưng con người – một khi nắm quyền hành trong tay – thường bị cám dỗ muốn thống nhất tất cả theo khuôn mẫu của mình, là khuôn mẫu mà mình cho là hay là đẹp nhất. Họ muốn «kéo cẳng vịt ra cho dài, thu cẳng cò lại cho ngắn», để biến tất cả thành đồng dạng. Vì thế, họ gây nên bao đau khổ cho con người. Đó là khuynh hướng chung của những chế độ độc tài, của những tôn giáo cuồng tín…
Hiện nay, nhiều nhà thần học Á châu nhận ra rằng ngay cả tình trạng đa tôn giáo trên thế giới cũng có thể là chính ý muốn của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa chỉ muốn Kitô giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới, ắt hẳn Ngài đã để Đức Giêsu sinh ra trước các giáo chủ của những tôn giáo khác, hầu tranh thủ truyền đạo Kitô giáo trước. Vì nếu người ta đã tin và hiểu rõ sự hợp lý của một tôn giáo nào rồi, thì rất khó và rất ít khi họ theo một tôn giáo khác.
Nhưng Thiên Chúa đã không làm thế, mà để Đức Giêsu xuống thế sau các vị giáo chủ khác cả hàng mấy trăm năm. Nhiều nhà thần học cũng nhận ra rằng suốt mấy thập niên qua, dân số của Kitô giáo (gồm Công giáo, Tin Lành, Chính Thống…) trên thế giới ngừng ở tỷ lệ 1/3 và tỷ lệ ấy khó có thể tăng lên. Nhiều nhà tư tưởng cũng nhận ra rằng con người càng cố thống nhất mọi người, cố ép mọi người đi theo chiều hướng phe phái mình, thì càng tạo nên chia rẽ, và càng gây nên đau khổ, tai họa cho con người.
Nói chung, con người cứ muốn thống nhất mọi sự, muốn mọi sự trở nên đồng dạng giống như mình, như tập thể hay bè phái của mình, và sẵn sàng cưỡng ép mọi người theo mục đích ấy. Điều này rõ ràng ngược lại tự nhiên và phản lại đường lối của Thiên Chúa.
5. Hiệp nhất khác với thống nhất
Thiên Chúa của chúng ta có Ba Ngôi. Ba ngôi tuy khác biệt nhau, nhưng lại hiệp nhất thành một Thiên Chúa duy nhất. Sự hiệp nhất này rõ ràng không đòi hỏi phải hy sinh sự khác biệt giữa Ba Ngôi. Trái lại, chính vì tuyệt đối tôn trọng sự khác biệt và bình đẳng của nhau mà Ba Ngôi có thể hoàn toàn hiệp nhất với nhau nên một. Sự hiệp nhất trong đa dạng này khác hẳn với sự thống nhất trong đồng dạng mà con người thường hay theo đuổi.
Hiệp nhất (trong đó, chữ «hiệp» giả thiết có nhiều phần tử khác biệt nhau) là tập hợp những con người hay tập thể khác nhau, có chủ trương khác nhau, thành một tập thể lớn có một đường hướng chung, nhưng vẫn tôn trọng và duy trì sự khác biệt giữa nhau. Còn thống nhất là dẹp bỏ tất cả những khác biệt để trở nên một khối đồng nhất, đồng dạng. Như vậy, hiệp nhất trong đa dạng thì tôn trọng tính tự nhiên, phù hợp với ý muốn và bản tính của Thiên Chúa, nên dễ thực hiện và tạo được sự hòa hợp. Còn thống nhất trong đồng dạng thì phản lại tự nhiên, phản lại ý muốn và bản tính của Thiên Chúa, nên thường có tính áp đặt, tạo chống đối, gây chia rẽ, và làm cho nhiều người đau khổ.
Thiết tưởng dịp lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để mọi Kitô hữu chiêm ngắm mẫu gương «hiệp nhất trong đa dạng» của Ba Ngôi, để bắt chước và áp dụng gương ấy trong gia đình, Giáo Hội, xã hội và trong cả cộng đồng nhân loại. Thiên Chúa luôn luôn muốn chúng ta hiệp nhất (Ut sint unum – Ga 17,11) mà vẫn duy trì sự khác biệt và đa dạng, chứ không muốn chúng ta phải trở thành đồng dạng. Vả lại đồng dạng không hẳn đã dẫn tới hiệp nhất.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, người xưa nói: «Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa»: người quân tử vẫn có thể sống hòa hợp yêu thương nhau và thành một với nhau cho dù họ rất khác biệt nhau; còn kẻ tiểu nhân, tuy giống nhau, đồng dạng với nhau, nhưng vẫn không thể sống hòa hợp với nhau. Xin đừng để con hay bất kỳ ai trong Giáo Hội cho rằng cứ phải đòi hỏi mọi người tin giống y như nhau, chủ trương giống y như nhau, thậm chí trong từng chi tiết, thì mới hiệp nhất với nhau được. Xin cho chúng con nhận ra bí quyết của sự hiệp nhất nằm trong việc tôn trọng tính khác biệt và đa dạng chứ không nằm trong sự đồng dạng về niềm tin. Xin giúp chúng con noi gương Ba Ngôi tuy khác biệt và đa dạng nhưng vẫn yêu thương nhau và nên một với nhau.
No comments:
Post a Comment