CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 6 Phục Sinh
(21-5-2017)
(21-5-2017)
Có thể yêu Thiên Chúa mà không yêu đồng loại chăng?
ĐỌC LỜI CHÚA
• Cv 8,5-8.14-17: (15) Hai ông (Phêrô và Gioan) cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. (16) Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su. (17) Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần
• 1Pr 3,15-18: (15) Ðức Kitô là Ðấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. (16) Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng.
• TIN MỪNG: Ga 14,15-21
Báo trước Ðấng Bảo Trợ
Khi ấy, Ðức Giê-su nói với các môn đệ: (15) Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. (16) Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. (17) Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. (18) Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. (19) Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy.
Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. (20) Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. (21) Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.
Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. (20) Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. (21) Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Ðức Giêsu nói: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy» (Ga 14,15). Các điều răn của Thầy ở đây là những điều răn cụ thể nào? Hãy lấy Kinh Thánh chứng tỏ điều ấy.
2. Ðức Giêsu có đưa ra một tiêu chuẩn nào để dựa vào đó ta có thể biết ai là người yêu mến Thiên Chúa đích thực, là môn đệ đích thực của Ngài không?
3. Ðức Giêsu hứa ban Thánh Thần cho những ai? Bạn quan niệm thế nào về Thánh Thần? Và muốn lãnh nhận Thánh Thần ta phải làm gì?
Suy tư gợi ý:
1. Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy
Người Kitô hữu, theo định nghĩa, là người «có Ðức Kitô» nhờ theo Ngài và yêu mến Ngài. Người không yêu mến Ngài, không theo Ngài, thì không có Ngài, nên không phải là Kitô hữu đích thực. Khi yêu mến Ngài, thì ta sống trong tình trạng: «Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em» (Ga 14,20). Thật vậy, người ta chỉ sống trong nhau, vì nhau, cho nhau, khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Ðức Kitô, và được Ðức Kitô sống trong ta, khi ta yêu mến Ngài.
Nhưng làm sao yêu mến Ngài được, khi mà một cách hữu hình ta không hề thấy Ngài, nghe Ngài nói, động chạm đến Ngài? Ngài cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy» (Ga 14,15). Nhưng điều răn của Ngài là gì? Có phải là đi lễ, đọc kinh hay cầu nguyện hằng ngày? Ðiều ấy chắc chắn là đúng, nhưng có thể chưa phải là điều cốt yếu.
Ðiều cốt yếu trong giới răn của Ngài đã được chính Ngài xác định rõ ràng như sau: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau» (Ga 12,34). Ngài cũng xác định luôn cả mức độ yêu: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (nt). Như vậy, câu nói của Ngài «nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy» (Ga 14,15) có nghĩa là nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau. Nói khác đi, ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa hay Ðức Giêsu.
Nói cách khác nữa, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này rõ hơn nữa: «Nếu ai nói : "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (Ga 4,20).
2. Làm sao phân biệt Kitô hữu đích thực và không đích thực?
Ðức Giêsu còn đưa ra một tiêu chuẩn để nhận ra ai là môn đệ đích thật của Ngài: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 12,35). Ðọc lời Kinh Thánh trên, tôi nghĩ ngay đến những tiêu chuẩn mà tôi thường dùng để phân biệt hàng hóa nào là thật, hàng nào là giả mạo. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều hàng giả mạo, thậm chí tiền cũng bị giả mạo nữa. Nhưng những người có kinh nghiệm nghề nghiệp vẫn luôn luôn có những tiêu chuẩn để phân biệt, nhờ vậy họ ít khi bị lầm. Chẳng hạn tôi đã có dịp so sánh hai loại tiền 50.000đ thật và giả. Loại giả thì giấy mỏng hơn, không cứng và dai bằng loại thật, màu sắc cũng không tươi nhuận bằng. Nhờ tiêu chuẩn ấy, cứ nhìn và cầm tiền giả trong tay là tôi biết ngay.
Cũng vậy, Ðức Giêsu đã đưa ra một tiêu chuẩn để mọi người có thể nhận ra ai là môn đệ đích thực của Ngài và ai là người chỉ mang danh hiệu môn đệ Ngài mà thôi. Ðó là dựa trên tình yêu của người ấy đối với đồng loại, cụ thể là những người gần gũi sống chung quanh họ. Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Ðức Giêsu. Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Ðức Giêsu. Ai không có đặc trưng ấy, thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ hữu danh vô thực, giả hiệu mà thôi.
Thánh Phaolô nói: «Người Do-thái chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, phép cắt bì chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, nơi thân xác. Nhưng người Do-thái chính hiệu là người Do-thái tận đáy lòng, phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật» (Rm 2,28-29). Nếu đúng như vậy, thì một cách tương tự, không thể căn cứ vào danh hiệu Kitô hữu, vào việc có rửa tội hay không để xác định người ấy có phải là Kitô hữu đích thực hay không, mà phải căn cứ vào việc người ấy có tình yêu đối với tha nhân hay không.
3. «Thầy sẽ xin cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác»
Ðức Giêsu hứa ban Thánh Thần cho những ai giữ các điều răn của Ngài là yêu thương tha nhân: «Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em» (Ga 14,15-17). Như vậy, phần thưởng lớn nhất mà Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến Ðức Giêsu, được thể hiện cụ thể bằng việc yêu thương tha nhân, chính là được Ngài ban Thánh Thần cho. Nhưng Thánh Thần là ai? Ðược ban Thánh Thần thì có gì đặc biệt?
Trước hết, theo Ðức Giêsu, Thánh Thần là một «Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi» (Ga 14,16b). Theo tinh thần của câu này, thì Ðức Giêsu là một Ðấng Bảo Trợ đến trước, còn Thánh Thần là một «Ðấng Bảo Trợ khác» đến sau Ngài. Thánh Thần là «Thần Khí sự thật» (Ga 14,17a). Ai yêu sự thật, muốn biết rõ sự thật, ắt hẳn sẽ thấy Thần Khí sự thật này rất cần thiết cho mình và xã hội, hay thế giới. Nhưng vì thế gian không yêu sự chân thật, nên Ðức Giêsu mới nói Thánh Thần là «Ðấng mà thế gian không thể đón nhận» (Ga 14,17a).
Thánh Thần hay «Thần Khí Thiên Chúa» (Mt 3,16; Rm 8,14; 1Cr 2,14; v.v...) là một thực tại được nói đến rất nhiều trong Thánh Kinh, nhất là Tân Ước. Có thể nói Thánh Thần là sức sống, là tình yêu, sức mạnh, là sự khôn ngoan, thánh thiện của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã ban Thánh Thần của Ngài cho Giáo Hội, cho chúng ta, nhất là cho những ai yêu mến Thiên Chúa hay Ðức Giêsu, được thể hiện qua việc yêu thương tha nhân.
Ðọc sách Tông đồ Công vụ, ta nhận thấy mọi hoạt động trong Giáo Hội thời ấy đều do Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, thúc đẩy. Ngài tác động trực tiếp trên tâm trí người này người kia. Và những người được tràn đầy Thánh Thần qua việc đặt tay của các tông đồ (x. Cv 8,17-18; 19,6; ) để được biến đổi một cách kỳ diệu: họ trở nên yêu mến Thiên Chúa, Giáo Hội và sẵn sàng hy sinh cho tha nhân một cách hăng say, trở nên mạnh mẽ, can đảm, không sợ khó khăn, nguy hiểm, hay cả cái chết, trở nên khôn ngoan, sáng suốt phi thường, có thể làm nên những phép lạ. Ðặc biệt họ trở nên bình an, hạnh phúc bất chấp những hoàn cảnh khó khăn bên ngoài như bị bách hại, ghen ghét. Tư cách của những người được tràn đầy Thánh Thần hết sức phi thường. Thánh Phao-lô đã diễn tả những đức tính mà những người đã lãnh nhận Thánh Thần có được như sau: «Hoa quả của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ» (Gl 5,22-23).
Theo lời Ðức Giêsu hứa, nếu ta tuân giữ các giới răn của Ngài, cụ thể là yêu thương tha nhân như chính Ngài đã yêu thương ta và yêu thương họ, thì ta sẽ nhận được Thánh Thần (x. Ga 14,15-16). Nhờ đó, đời sống của ta sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu và phi thường. Và chắc chắn ta sẽ đạt được sự sống vĩnh cửu, vì kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời (Gl 6:8). Vậy muốn được tràn đầy Thánh Thần, ta phải yêu thương tha nhân.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, qua bài Tin Mừng trên, con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Cha và Ðức Giêsu yêu mến, tỏ mình ra cho, đồng thời được ban tràn đầy Thánh Thần, đó là tuân giữ giới răn yêu thương của Ðức Giêsu. Xin cho con xác tín rằng tình yêu của con đối với Cha hay Ðức Giêsu phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xưởng thợ, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp hằng ngày. Xin giúp con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.
No comments:
Post a Comment