Monday, April 3, 2017

LeLab - Nếu sống vào thời Đức Giêsu, ta sẽ ủng hộ các tư tế kết án Ngài, hay sẽ quyết tâm bênh vực Ngài?



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Lá

(9-4-2017)

Nếu sống vào thời Đức Giêsu,
ta sẽ ủng hộ các tư tế kết án Ngài, hay sẽ quyết tâm bênh vực Ngài?




ĐỌC LỜI CHÚA

  Mt 21,1-11: (9) Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy : Hoan hô Con vua Ða-vít ! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời. (10) Khi Ðức Giê-su vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau : Ông này là ai vậy ? (11) Dân chúng trả lời : Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy.

  Is 50,4-7: (6) Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.

  Pl 2,6-11: (8) Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.

  TIN MỪNG: Mt 27,11-54 (Bài thương khó)

Ðức Giêsu ra trước toà tổng trấn Philatô


(11) Ðức Giêsu bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: Ông là vua dân Dothái sao? Ðức Giêsu trả lời: Chính ngài nói đó. (12) Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng. (13) Bấy giờ ông Philatô hỏi Người: Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao? (14) Nhưng Ðức Giêsu không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.

(15) Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tuỳ ý họ muốn. (16) Mà khi ấy có một người tù khét tiếng, tên là Baraba. (17) Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Philatô nói với họ: Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây? Baraba hay Giêsu, cũng gọi là Kitô? (18) Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người.

(19) Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy.

(20) Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Baraba mà giết Ðức Giêsu. (21) Tổng trấn hỏi họ: Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người? Họ thưa: Baraba! (22) Tổng trấn Philatô nói tiếp: Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây? Mọi người đồng thanh: Ðóng đinh nó vào thập giá! (23) Tổng trấn lại nói: Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác? Họ càng la to: Ðóng đinh nó vào thập giá! (24) Tổng trấn Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy! (25) Toàn dân đáp lại: Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi! (26) Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Baraba cho họ, còn Ðức Giêsu, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.


Ðức Giêsu phải đội vòng gai

(27) Bấy giờ lính của tổng trấn đem Ðức Giêsu vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. (28) Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, (29) rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Ðức Vua dân Dothái! (30) Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. (31) Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.


Ðức Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá

(32) Ðang đi ra, thì chúng gặp một người Kyrênê, tên là Simôn; chúng bắt ông vác thập giá của Người. (33) Khi đến nơi gọi là Gôlgôtha, nghĩa là Ðồi Sọ, (34) chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. (35) Ðóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. (36) Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.

(37) Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: Người này là Giêsu, vua dân Dothái. (38) Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.


Ðức Giêsu bị nhục mạ

(39) Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu (40) vừa nói: Mi là kẻ phá được Ðền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! (41) Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: (42) Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ítraen! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! (43) Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa! (44) Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.


Ðức Giêsu trút linh hồn

(45) Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. (46) Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: Êli, Êli, lêma xabácthani , nghĩa là Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (47) Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: Hắn ta gọi ông Êlia! (48) Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. (49) Còn những người khác lại bảo: Khoan đã, để xem ông Êlia có đến cứu hắn không! (50) Ðức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.

(51) Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Ðền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Ðất rung đá vỡ. (52) Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. (53) Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. (54) Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Ðức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.       Trong thâm tâm, các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái và Philatô có nhìn nhận Ðức Giêsu là vô tội không? Tại sao họ lại kết án Ngài? 
2.       Philatô rửa tay để làm gì? Ông muốn chứng tỏ điều gì? Có thật là ông vô can trong việc đổ máu Ðức Giêsu không? 
3.       Trong đời sống thường ngày, chúng ta có hành động theo kiểu các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái và Philatô không?

Suy tư gợi ý:

1. Ðức Giêsu bị án tử hình, dù ai cũng nhận thấy Ngài vô tội

Cả cuộc đời Ðức Giêsu, Ngài không làm một điều gì nên tội, nhưng Ngài đã bị kết án ở mức độ nặng nhất: tử hình. Lý do chính khiến Ngài bị kết án chính là sự ganh ghét của giới lãnh đạo tôn giáo (x. Mt 27,18), và sự hèn nhát của cơ quan công quyền mà đại diện là Philatô. Giới lãnh đạo tôn giáo biết Ngài vô tội: Các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Ðồng tìm chứng gian buộc tội Ðức Giêsu để lên án tử hình. Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian (Mt 26,59-60). Nhưng họ quyết tâm giết Ngài vì Ngài được dân chúng mến phục và ủng hộ: việc đón rước Ngài vào thành long trọng chứng tỏ điều ấy. Dân chúng còn đánh giá giáo huấn của Ngài cao hơn của họ: «Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư» (Mc 1,22). Ảnh hưởng của Ngài trên dân chúng ngày càng lớn, lấn át ảnh hưởng của họ, và họ cảm thấy điều ấy rất nguy hiểm cho chiếc ghế cũng như quyền lợi của họ. Vì thế, để tự bảo vệ, họ quyết tâm giết Ngài, vì Ngài, mặc dù chẳng làm chi sai trái, đã trở thành đối thủ rất nguy hiểm của họ.

Họ muốn giết Ngài, nhưng họ không thể tự ý làm điều ấy, vì làm như thế họ sẽ bị chính quyền truy tố trước pháp luật. Họ đã khôn ngoan dùng kế «tá đao sát nhân» bằng cách dùng chính tay chính quyền để giết Ngài. Và họ đã thành công. Philatô - kẻ đại diện cho công lý, pháp quyền của đế quốc Rôma - biết Ngài vô tội: «ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người» (Mt 26,27). Nhưng ông hèn nhát không dám tha Ngài vì sợ quần chúng đang bị giới lãnh đạo tôn giáo sách động. Ông lo sợ nguy hiểm cho chiếc ghế của mình, và ông đã chủ trương thà bảo vệ chiếc ghế còn hơn bảo vệ công lý.

Ðiều đó cũng có thể thông cảm được với một người ngoại giáo như ông, vốn không được giáo dục tâm linh như các nhà lãnh đạo tôn giáo. Nhưng điều đáng ghê tởm là sự thiếu thẳng thắn và giả hình của ông: ông lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: «Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!» (Mt 27,24). Ông là đại diện cho công lý mà không chịu lên tiếng bênh vực công lý, để cho công lý bị chà đạp. Tội của ông rành rành ra đấy: đồng loã với sự ác để giết một người vô tội, nhưng ông lại muốn được mọi người coi là vô tội. Ông muốn biện minh cho hành động vô trách nhiệm của mình. 

Thật ra, cứ nhận rằng mình hèn nhát, mình ham địa vị thì lại đỡ tội, nhưng ông lại còn muốn tỏ ra mình vô tội, nên tội ông nặng lên rất nhiều. Tương tự như ý nghĩa của câu: «Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng : "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn!» (Ga 9,41). Trước mặt Thiên Chúa, chính cái tội giả hình, muốn tỏ ra mình vô tội ấy còn nặng hơn tội hèn nhát và vô trách nhiệm kia rất nhiều. Khi tôi còn nhỏ, hễ tôi phạm một lỗi nào, cha tôi chỉ đánh một hai roi, nhưng nếu đã phạm mà lại chối, thì lỗi nặng lên gấp hai ba lần, có thể bị phạt tới 5 hay 10 roi, vì đã phạm tới hai lỗi, mà lỗi sau nặng hơn rất nhiều.

2. Ta có hành động như Philatô hay các tư tế không?

Thấy người lại nghĩ đến ta. Ta thấy Ðức Giêsu đã bị giết bởi giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái vì lòng ganh tị của họ và bởi Philatô vì sự hèn nhát của ông. Nhưng liệu ta có hành động như thế đối với các ngôn sứ đồng thời với mình không? Có thể ta sẽ nói như bọn kinh sư ngày xưa: «Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ» (Mt 23,29). Nhưng họ có ngờ đâu họ lại phạm chính tội mà tổ tiên họ đã phạm, cái tội mà họ đang dựa vào để chê trách tổ tiên. Và họ còn phạm nặng nề hơn tổ tiên họ rất nhiều, vì họ giết chính Ðấng Mêsia mà họ đang trông chờ. Tại sao? Chỉ vì cái mối tội muốn bảo vệ cái ghế của mình hơn bảo vệ công lý, mối tội ấy họ cũng có không kém gì cha ông mình. Và cái mối tội thứ hai còn lớn hơn thế nữa, đó là: đã có tội, lại còn muốn chứng minh mình vô tội. Khi muốn chứng minh mình vô tội, hay muốn biện minh cho tội của mình, người ta dễ có khuynh hướng tìm cho ra một tội nào đấy để gán ghép cho kẻ vô tội mà mình không muốn bênh vực, hầu chứng tỏ sự im lặng hay kết án của mình là hợp lý.

Rất có thể ta cũng đang hành động như thế trong đời sống thường ngày của ta. Nhiệm vụ làm chứng - tức chức năng ngôn sứ - mà ta đã lãnh nhận khi lãnh bí tích rửa tội, thêm sức, hoặc truyền chức đòi buộc ta phải làm chứng cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý và tình thương. Nhiệm vụ hay chức năng ấy đòi hỏi ta phải sống đúng điều mình chủ trương và rao giảng. Ta rao giảng rằng những thực tại siêu nhiên, những giá trị tâm linh cao quí hơn những thực tại trần gian, thậm chí hơn cả mạng sống: «Ðược cả thế giới mà mất linh hồn thì ích lợi gì?» (Mt 16,26). Nhưng trong đời sống thực tế, qua hành động và cách sống của ta, ta lại đích thực coi những thực tại trần gian cao quí hơn những thực tại mà ta vô cùng đề cao khi rao giảng. Ta sẵn sàng hy sinh những giá trị tâm linh để đổi lấy những thực tại cụ thể của trần gian: tiền bạc, quyền lực, địa vị, lạc thú. Ðể bảo vệ những thứ ấy, ta sẵn sàng phạm chính cái tội của các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái sẵn sàng hãm hại hoặc giết những Ðức Kitô trong chính thời đại của chúng ta, hoặc của Philatô xưa đã im lặng đồng lõa để người vô tội bị hãm hại. Những Ðức Kitô ấy có thể là những kẻ thấp cổ bé miệng đang chịu đủ thứ bất công trong xã hội cũng như Giáo Hội, có thể là những người công chính mà sự có mặt hay hành động của họ đang ảnh hưởng bất lợi cho cái ghế của ta.

Nếu nhận ra mình đang lỗi bổn phận làm chứng theo chức năng ngôn sứ của người Kitô hữu, ta hãy thành thực nhận lỗi của mình và tìm cách sửa chữa. Không nên làm như Philatô, đã có tội lại còn muốn chứng tỏ mình vô tội, khiến ta lại càng lún sâu hơn vào tội lỗi hơn.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con là người yếu đuối, con rất dễ trở nên hèn nhát. Ðiều đó chắc hẳn Cha, cũng như Ðức Giêsu, rất dễ cảm thông và tha thứ cho con. Nhưng xin đừng để con hành động như Philatô, đã hèn nhát không dám bênh vực người vô tội, để mặc người vô tội bị giết, lại còn rửa tay để chứng tỏ mình vô tội. Xin đừng để con mắc tội giả hình như thế, là tội mà Ðức Giêsu ghét hơn tất cả mọi thứ tội. Amen. 

No comments:

Post a Comment