CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 2 Mùa Chay
(12-3-2017)
(12-3-2017)
(Bài đào sâu)
Hành trình và sự thành tựu của đức tin
ĐỌC LỜI CHÚA
• TIN MỪNG: Mt 17,1-9
Ðức Giêsu hiển dung
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Việc biến hình của Đức Giêsu xảy ra sau những sự kiện liên tiếp nhau: Phêrô tuyên xưng đức tin, Đức Giêsu báo trước cuộc tử nạn và nói ra những điều kiện để theo Ngài. Điều đó có ý nghĩa gì?
2. Sự biến hình của Đức Giêsu có phải là một hứa hẹn cho sự biến hình của ta không?
3. Ta có thể được biến đổi từ một con người yếu đuối, khiếm khuyết hiện tại thành một con người mới mạnh mẽ, thánh thiện trong tương lai, như một con sâu xấu xí biến thành một con bướm đẹp rực rỡ không? Muốn thế, ta phải làm gì?
Suy tư gợi ý:
Trong bài Tin Mừng Mátthêu hôm nay và đoạn trước đó (Mt 16), ta thấy có 4 sự kiện xảy ra liên tiếp nhau. Trước hết, Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (x. Mt 16,13-20). Kế đến Ngài báo cho ông và các môn đệ cuộc tử nạn thảm thương của Ngài (x. Mt 16,21-23). Rồi Ngài cho các ông biết những điều kiện phải có để có thể theo Ngài (x. Mt 16,24-28). Và cuối cùng Ngài tỏ thiên tính và vinh quang của Ngài ra cho ông và 2 môn đệ thân tín khác của Ngài (Mt 17,1-9).
Không phải vô tình mà 4 sự kiện ấy xảy ra liên tiếp như vậy. Đó là một trình tự đầy ý nghĩa cho chúng ta thấy một hành trình phải trải qua để người Kitô hữu trưởng thành trong đời sống tâm linh.
1. Thành hình đức tin
Những người sống đồng thời với Đức Giêsu, được nghe biết bao lời giảng dạy đầy quyền uy và khôn ngoan của Ngài, được chứng kiến bao điều lạ lùng Ngài làm, nhưng nhiều người không tin Ngài, tuy nhiên cũng có một số người tin Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế. Phêrô là một trong những người tin vào Ngài vững chắc nhất.
Trong số những người tin, có những người tin do tính dễ tin của họ: ai nói gì cũng tin, vì họ ít suy nghĩ, ít khả năng suy xét, phán đoán. Niềm tin của họ vì thế không có nền tảng vững chắc, do đó họ cũng dễ dàng mất đức tin khi nghe những người có uy tín nói hay lý luận ngược lại. Có những người tin rất vững chắc mặc dù họ không phải là người dễ tin, thậm chí còn rất khó tin nữa: họ tin vì họ biết suy nghĩ, nhận định, phán đoán, biết thực nghiệm đức tin.
Ngoài những lý do siêu nhiên là ơn Chúa ban, đức tin còn tùy thuộc vào lương tri và sự yêu mến chân lý hơn là vào trình độ học thức hay văn hóa. Trong đời sống tâm linh, người có lương tri và lòng chân thành thường phán đoán chính xác và đúng đắn hơn người chỉ có trình độ học thức hay văn hóa, cho dù là học thức về tôn giáo. Thật vậy, giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái có trình độ học thức và giáo lý cao hơn Phêrô các các tông đồ rất nhiều, nhưng họ không tin Đức Giêsu. Vì càng cậy vào trình độ văn hóa hay giáo lý hơn là vào lương tri, thì chính trình độ ấy nhiều khi lại càng cản trở họ tin hơn. Đương nhiên đức tin luôn luôn là kết quả của ơn Chúa luôn sẵn sàng ban trên mọi người, nhưng có lãnh nhận được ơn Chúa hay không lại tùy thuộc rất nhiều vào lòng khiêm tốn và chân thành, là hai yếu tố quan trọng của lương tri con người.
Tuy nhiên, đức tin ban đầu thường pha trộn nhiều ảo tưởng và tham vọng. Chẳng hạn như Phêrô, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (x. Mt 16,13-20), là Đấng Cứu Thế, thì Đấng Cứu Thế ấy là một Đấng Cứu Thế theo quan niệm đầy ảo tưởng của ông: Ngài sẽ giải phóng dân tộc, rồi làm vua, và ông sẽ là một cận thần của Ngài, một vị quan lớn trong triều đình. Một đức tin như vậy cần phải được tinh luyện, như vàng quặng phải được tinh luyện thành vàng ròng mới có giá trị.
2. Tinh luyện đức tin
Phêrô tưởng tin vào Đức Giêsu thì sau này mình sẽ trở thành một nhận vật tên tuổi, «cái tôi» của ông sẽ được phình to lên trước mặt mọi người. Vì ông tin rằng Đức Giêsu, Thầy mình, sẽ làm vua ở trần gian. Nhưng Đức Giêsu phá đổ ảo tưởng đó để đức tin của ông trở nên thực tế và tinh ròng hơn. Ngài tiên báo rằng Ngài sẽ bị bắt, bị tra tấn, và sẽ chết cách nhục nhã. Điều này khiến Phêrô ban đầu không hiểu và không chấp nhận được, vì như thế, mọi ảo tưởng của ông đều mất chỗ dựa và sụp đổ. Nhưng đó là quá trình phải trải qua của đức tin để trở thành một đức tin trưởng thành. Qua sự dạy dỗ, Đức Giêsu đã biến đức tin của ông thành tinh ròng, đúng đắn, vị tha, một đức tin trưởng thành, đầy sức mạnh. Chỉ với đức tin đó ông mới có thể thành nền tảng cho Giáo Hội mà Đức Giêsu thiết lập.
Cũng vậy, nơi mọi người, đức tin ban đầu rất thường pha trộn với ít nhiều ảo tưởng, sai lầm, mê tín, và vị kỷ. Ban đầu người ta thường tưởng đức tin sẽ đem lại cho họ những thuận lợi cho cuộc đời họ, giúp họ thực hiện những mơ ước hay tham vọng trần tục vị kỷ của họ. Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn chấp nhận thứ đức tin ấy, và Ngài biến đổi nó, miễn là người ta trung thành với Ngài. Sẽ có những lúc vì đức tin mà họ bị mất mát, thiệt thòi, bị bách hại, đau khổ. Sẽ có lúc đức tin bị thử thách vì những tai họa, bệnh hoạn, nghịch cảnh… Và đức tin dường như chẳng đem lại cho người ta những thuận lợi của trần gian. Những mối phúc mà Đức Giêsu hứa cho những người thực hành niềm tin nơi Ngài toàn là những gì mà thế gian cho là bất lợi: nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khao khát công chính, biết thương xót người, trong sạch, hòa bình, bị bách hại… (x. Mt 5,1-12). Đây là giai đoạn thanh luyện đức tin, gột bỏ những gì là tham vọng, ảo tưởng, sai lầm trong đức tin.
3. Thực thi đức tin
Sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin rất mạnh mẽ, Ngài liền phá đổ các ảo tưởng trong đức tin của ông bằng việc báo trước cuộc tử nạn của Ngài. Tiếp đến, Ngài lột bổ tính cách vị kỷ trong đức tin của ông, bằng cách đòi hỏi ông và những ai tin theo Ngài phải từ bỏ con người vị kỷ của mình: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy» (Mt 16,24-25). Từ bỏ con người vị kỷ là coi nhẹ «cái tôi» của mình, sẵn sàng chấp nhận đau khổ, thậm chí mất tất cả, kể cả mạng sống mình vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Đức tin vị kỷ ban đầu phải trở thành đức tin vị tha: nghĩa là phải vì vinh quang của Thiên Chúa và hạnh phúc của đồng loại.
Đây chính là giai đoạn thực thi đức tin trong đời sống cụ thể của con người. Nó hoàn thành việc tinh luyện đức tin. Đức tin phải thể hiện thành đời sống, thành cách suy nghĩ, cách nói năng, cách phản ứng, cách đối xử, cách hành động… Nếu không, đó chỉ là đức tin giả hiệu, mà thánh Giacôbê còn gọi là «đức tin chết» (Gc 2,17.26). Thỉnh thoảng chúng ta nên nghiêm túc xét lại xem đức tin của mình là loại đức tin nào? sống hay chết, đích thực hay giả hiệu?
4. Thành tựu của đức tin
Một đức tin đích thực, trưởng thành và vị tha như thế sẽ dẫn ta tới đâu? Sau khi đòi hỏi Phêrô và các môn đệ khác phải «từ bỏ chính mình», «vác thập giá mình» vì đức tin, Đức Giêsu cho ông và hai môn đệ thân tín khác – là ba người tin vào Ngài vững mạnh nhất – thấy thiên tính và sự vinh quang của Ngài khi Ngài biến hình trên núi. Qua việc biến hình này, trước hết Ngài cho các ông thấy niềm tin của họ vào Ngài là chính xác, và họ không hề tin lầm: Ngài chính là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa đúng như Phêrô đã tin và tuyên xưng. Kế đến Ngài cho các ông thấy, một cách biểu tượng, phần thưởng vĩ đại cho đức tin trưởng thành của các ông, một đức tin đã được thử thách và tinh luyện. Phần thưởng vĩ đại ấy không phải thứ vinh quang trần tục chóng qua mà các ông từng mong đợi được hưởng ở đời này, mà là thứ vinh quang thần linh và vĩnh cửu của Ngài mà các ông sẽ được dự phần vào như Môsê và Êlia.
So với vinh quang vĩ đại ấy, những gì ông hy sinh từ bỏ ở đời này chẳng đáng vào đâu: «Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta» (Rm 8,18). Vinh quang đó không chỉ được mặc khải cho chúng ta – những kẻ tin vào Ngài – mà là nơi chúng ta; nghĩa là vinh quang đó là của chúng ta, được thể hiện ngay trong bản thân chúng ta.
Đó là quá trình phải trải qua của đức tin mỗi người, từ khi thành hình đến khi thành tựu viên mãn. Mỗi Kitô hữu hãy tự hỏi: đức tin của mình đang ở giai đoạn nào? đã được tinh luyện bằng gian nan thử thách để trở nên trưởng thành chưa? khi đức tin bị thử thách, thái độ của ta thế nào?
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, vàng ban đầu ở dạng quặng bao giờ cũng phải được tinh luyện mới thành vàng ròng. Tương tự, đức tin của con – cũng như của Phêrô và các tông đồ xưa – cần phải được tinh luyện mới trở nên tinh tuyền, mới có giá trị. Xin cho con biết kiên trì khi đức tin được tinh luyện, thử thách, nhất là cho con biết tích cực góp phần chủ động của mình trong việc tinh luyện này, bằng cách sống đức tin trong đời thường qua việc «từ bỏ mình», coi nhẹ «cái tôi» của mình và những gì của mình, để thật sự «vác thập giá mình» mà theo Đức Giêsu. Để rồi chính con sẽ được biến hình – như một con sâu biến thành con bướm – từ con người cũ thành con người mới, từ con người tự nhiên thành con người siêu nhiên.
No comments:
Post a Comment