Wednesday, January 4, 2017

Tinh-yeu-va-le-luat

Tình yêu và lề luật

Anh A mong muốn luật Chúa dễ dễ một chút để nhiều người vào được thiên đàng hơn. Còn chị B muốn luật Chúa phải gắt gao một chút để những ai vào thiên đàng thì xứng đáng là công dân của thiên đàng hơn..

Theo Anh Chị thì ai là người yêu tha nhân hơn? Ai giống Thiên Chúa hơn? và Thiên Chúa thích ai hơn? − Hãy thử trả lời, đồng thời nói tại sao mình trả lời như vậy.

Sở dĩ tôi muốn đặt vấn đề với các Anh Chị như vậy, vì tôi thấy trong Giáo Hội, có nhiều người muốn hạn chế ơn cứu rỗi ở trong đạo Công giáo thôi. Họ muốn bênh vực quan niệm “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” của Giáo Hội thời xưa hơn là mong cho nó không đúng để cho cả những người ngoại giáo cũng vào được thiên đàng.

Nhiều người muốn những người đã ly dị vì một lý do nào đó thì không được hưởng những bí tích cần thiết cho phần rỗi của họ, chỉ vì họ sợ sẽ có người lạm dụng sự dễ dãi ấy. Như vậy, đối với những người đã ly dị, họ sẵn sàng chấp nhận để họ bị thiệt hại về tâm linh hầu tránh cho người khác lạm dụng tình thương, sự thông cảm của Giáo Hội mà cố tình ly dị.

(Mở ngoặc: Nếu Giáo Hội gắt gao với những người đã ly dị, không cho họ nhận những ơn ích cần thiết từ Thiên Chúa, thì liệu có phải vì thế mà những kẻ muốn lạm dụng kia sẽ không còn dám ly dị hay sẽ bớt ly dị chăng? − Tôi nghĩ rằng không! Nếu họ đã sẵn sàng lạm dụng, thì dù Giáo Hội có gắt gao, họ cũng vẫn làm theo ý họ. Quá khứ đã chứng minh như vậy.)

Tôi e rằng khi khắt khe với những người tội lỗi như vậy, họ chứng tỏ rằng chính họ không có tình thương đối với những người tội lỗi ấy. Mà không có tình thương thì chính họ cũng khó mà vào được thiên đàng, nơi chỉ chấp nhận những người có tâm yêu thương!

Lòng yêu thương của tổ phụ Abraham đối với những người tội lỗi ở hai thành phố Sodoma và Gomora khiến ông cố gắng mặc cả nhiều lần với Thiên Chúa để cứu họ (xem St 18:20-32) chắc chắn làm Thiên Chúa hài lòng hơn là nếu ông cứ để mặc Thiên Chúa  phạt họ chiếu theo sự công bình của Ngài.

Chúng ta không nên có thái độ của người anh đối với đứa em hoang đàng trong dụ ngôn "người cha nhân hậu" (x. Lc 15,11-32). Nếu anh ta yêu thương người em thật sự, thì anh sẽ phải vui mừng như người cha, vì "em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy" (Lc 15,32).

Để trả lời cho câu hỏi ở trên về anh A và chị B, thì đây là câu trả lời và cũng là suy nghĩ của tôi:

Việc vào thiên đàng tùy thuộc tình yêu của mỗi người đối với Thiên Chúa và tha nhân, hơn là tùy thuộc vào việc họ có giữ luật hay không.

Nếu tùy thuộc vào việc giữ luật, thì những người Pharisêu sẽ là những người ưu tiên vào thiên đàng hơn cả, vì họ giữ luật nghiêm chỉnh hơn cả Chúa Giêsu và các tông đồ (x. Mt 9,14; Lc 11,38; Mt 12,2). Thế nhưng tại sao Chúa Giêsu lại nói với họ: "Bọn thu thuế và đĩ điếm sẽ vào thiên đàng trước các ông" (Mt 21,31).

Vậy thì bọn thu thuế và đĩ điếm hơn được người Pharisêu ở điểm nào? − Phải chăng họ có nhiều tình yêu hơn người Pharisêu trong cách đối xử với nhau? (nên xem lại Mt 23 để biết lòng dạ của người Pharisêu).




No comments:

Post a Comment