CHIA SẺ TIN MỪNG
Lễ THÁNH GIA THẤT
(30-12-2016)
(bài 2)
(bài 2)
Quên mình & chấp nhận hy sinh
là bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình
là bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình
ĐỌC LỜI CHÚA
• Hc 3,3-7.14-17a: (3) Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, (4) ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. (5) Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. (6) Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Ðức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.
• Cl 3,12-21: (18) Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. (19) Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. (20) Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. (21) Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.
• TIN MỪNG: Mt 2,13-15.19-23
Đức Giêsu trốn sang Ai Cập và các anh hài bị giết
(13) Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: «Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!» (14) Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. (15) Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập.
Từ Ai Cập về đất Ítraen
(19) Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, (20) báo mộng cho ông rằng: «Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi». (21) Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen. (22) Nhưng vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, (23) và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nadarét.
Câu hỏi gợi ý:
1. Qua bài Tin Mừng, bạn thấy Giuse có những nỗi khó khăn nào? Và ông đã có thái độ nào khi giải quyết những khó khăn ấy?
2. Hạnh phúc gia đình tùy thuộc vào ai nhiều nhất? Tại sao?
3. Ðể gia đình được hạnh phúc, mọi người trong gia đình cần có tinh thần nào?
Suy tư gợi ý:
1. Giuse, người chủ gia đình gương mẫu
Bài Tin Mừng hôm nay chủ yếu nói về thánh Giuse với tư cách chủ của gia đình Nadarét. Ngài đã phải hết sức cực nhọc vất vả vì gia đình của mình, nhất là vì con trẻ Giê-su, kể từ khi thấy Ðức Maria mang thai, một cái thai không phải là của mình, nhưng trước mắt mọi người thì lại chính thức là của mình. Thử đặt mình vào địa vị Giuse, ta sẽ thấy vai trò của ngài không phải dễ dàng.
Ðối với con trẻ Giêsu, cho đến lúc lìa đời, thánh nhân luôn luôn phải dùng con mắt đức tin, tin vào lời sứ thần hiện ra trong giấc mơ, để khỏi nghĩ rằng mình đang phải nuôi đứa con của người đàn ông khác. Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng phẳng lặng để Giuse có thể yên ổn với niềm tin ấy. Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ, đức tin của Giuse chắc chắn bị thử thách nhiều phen, nhất là những lúc phải vượt thắng những khó khăn vượt quá sức mình như tình huống của bài Tin Mừng hôm nay.
Từ khi nhận Maria về nhà mình đến giờ, khó khăn cứ dồn dập xảy tới. Chưa yên thân với Maria tại nhà mình, thì có lệnh phải đưa Maria - đang mang thai đã đến thời sinh nở - từ miền Bắc vào miền Nam, từ Nadarét xứ Galilê đến Bêlem xứ Giuđê theo lệnh kiểm tra dân số của Hoàng Ðế Augústô (x. Lc 2,1-5 [a*]). Cuộc hành trình mà theo đường chim bay đã dài tới 120km, và đương nhiên phải đi bằng một phương tiện rất thô sơ của những người nghèo thời đó, có thể chỉ là một con ngựa hay con la. Người nghèo đi tới đâu cũng gặp khó khăn, chẳng mấy ai giúp đỡ. Và Maria đã bị buộc phải sinh hạ con trẻ Giêsu - mà Giuse tin là đấng Thiên Sai - trong một chuồng bò lừa (x. Lc 2,6 [b*]). Là chủ gia đình, chắc chắn Giuse không tránh khỏi đau lòng và nhục nhã trước sự nghèo nàn và bất lực của mình! Nhưng nào đã hết! Con trẻ mới sinh chưa được bao lâu, đang chuẩn bị đưa hai mẹ con hồi hương, thì lại có lệnh của thiên thần - cũng lại trong giấc mơ - buộc phải đưa cả hai mẹ con trốn sang Ai-Cập (x. Mt 2,13-15 [c*]). Chỉ thẳng đường chim bay từ Bêlem tới biên giới Ai Cập thôi đã phải là 100km. Hành trình lần này chắc chắn vất vả hơn lần trước, vì có thêm con trẻ Giêsu hết sức yếu đuối, dễ nhiễm bệnh. Ở nơi đất khách quê người, Giuse phải tìm cho ra chỗ ở, việc làm tạm thời để nuôi sống cả gia đình, chắc hẳn điều ấy không luôn luôn dễ dàng. Rồi cuối cùng lại phải đưa cả gia đình về Nadarét (x. Mt 2,19-23 [d*]). Tại đây Giuse phải bao bọc, che chở và nuôi sống gia đình, đồng thời giáo dục con trẻ Giêsu nên người. Ðối với Ðức Giêsu, câu «công Cha như núi Thái Sơn» chắc chắn cũng rất đúng khi áp dụng cho cha nuôi của mình.
Tất cả những khó nhọc vất vả ấy đòi hỏi Giuse phải có rất nhiều tình yêu và nhiều đức tính mới có thể vượt qua một cách tốt đẹp. Nếu Giuse và Maria sống đời vợ chồng bình thường, thì những khó nhọc của Giuse sẽ được bù đắp bởi những giây phút hạnh phúc thân mật bên Maria. Nhưng theo niềm tin Công giáo, Giuse bảo vệ cho Maria sống đồng trinh trọn đời, nên tình yêu đầy tính thiên thần và hết sức cao thượng của Giuse đối với Maria phải hết sức lớn lao. Ngài thật là một người đàn ông cao cả, và là một người chủ gia đình hết sức gương mẫu. Thiết tưởng bất kỳ người chủ gia đình nào bắt chước Giuse cũng sẽ làm cho gia đình mình yên vui hạnh phúc.
2. Hạnh phúc gia đình tùy thuộc người chồng rất nhiều
Hạnh phúc gia đình có hay không, và đến mức nào, tùy thuộc vào tất cả mọi thành viên trong gia đình, nhất là vào cách đối xử của hai vợ chồng đối với nhau. Muốn gia đình hạnh phúc, mọi thành viên phải thực hiện những điều Thánh Phaolô đề nghị trong bài đọc 2: «Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng» (Cl 3,18-21).
Nhưng nếu so sánh giữa hai vợ chồng, thì theo sự thường, nghĩa là trong đa số các trường hợp, hạnh phúc và sự êm ấm trong gia đình tùy thuộc vào người chồng nhiều hơn. Câu nói trên của thánh Phaolô hàm ẩn những điều kiện trong đó. Muốn vợ phục tùng chồng, thì trước đó, người chồng cần phải tỏ ra yêu thương vợ một cách cụ thể, qua việc đối xử độ lượng, không cay nghiệt với vợ, biết thông cảm, hy sinh, thường xuyên giúp đỡ vợ trong mọi việc, nỗ lực bao bọc che chở vợ mình trong mọi hoàn cảnh. Người vợ có cảm thấy được chồng yêu thương, có cảm phục chồng vì tính quảng đại, cao thượng, biết bỏ qua mọi lầm lỗi nhỏ nhặt, thì mới dễ dàng phục tùng chồng. Nói chung, tâm lý của mọi người là chỉ tự nguyện phục tùng những ai mình nể phục và yêu mến mà thôi. Người vợ không thoát ra ngoài tâm lý chung ấy. Người chồng không nên lấy quyền làm chồng, hoặc dùng bạo lực hay áp lực kinh tế để ép buộc vợ phải phục tùng mình. Làm như thế thì có khác gì mình đang thực hiện một chế độ độc tài nho nhỏ trong gia đình. Người vợ cảm thấy mình bị áp bức một cách bất công, tất nhiên - như một định luật - là sẽ có ngày nổi loạn, nhất là khi người chồng trở nên yếu thế, không còn khả năng về kinh tế hay thể chất nữa. Lúc đó người chồng không thể chỉ biết trách vợ, mà trước tiên hãy nhận ra lầm lỗi của mình.
Ngược lại, muốn được chồng yêu thương, người vợ cũng cần phải tỏ ra mình là một người dễ thương, nghĩa là nói năng dịu dàng, ngọt ngào, biết chiều ý chồng, biết hy sinh tận tụy phục vụ gia đình, làm tròn mọi bổn phận của mình trong gia đình, nhất là biết tỏ ra nể phục chồng. Mình không dễ thương thì dù là chồng mình cũng chẳng thể thương mình được.
Tâm lý chung của mọi người đàn ông là dễ đem lòng yêu thương những phụ nữ tỏ ra nể phục mình, và tâm lý chung của mọi phụ nữ là dễ yêu thương những người mà mình nể phục. Nhưng làm sao người phụ nữ có thể yêu thương một người mà mình khinh thường vì thấy không có gì đáng nể phục? Và làm sao người đàn ông có thể yêu thương được người vợ không kính nể mình? Do đó, để gia đình hạnh phúc, yếu tố rất quan trọng là người chủ gia đình phải có một điều gì đấy, một đức tính nào đấy khiến người vợ cũng như con cái trong nhà nể phục. Có thể chỉ cần một đức tính nào đó thật nổi bật, không cần nhiều. Nhưng càng nhiều thì càng tốt! Nhưng đức tính không thể thiếu được là lòng độ lượng, bao dung, và sự hy sinh quả cảm.
Gia đình thánh gia rất dễ có hạnh phúc, một phần rất lớn là vì Giuse, người chủ gia đình, có rất nhiều đức tính đáng để Maria kính phục. Có thể nói bản lĩnh, cách hành xử cao thượng, và sự quảng đại trong yêu thương của người đàn ông là nền tảng và là yếu tố đầu tiên cần thiết cho hạnh phúc của cả gia đình. Thiếu nó, gia đình khó có hạnh phúc.
3. Quên mình để yêu thương hữu hiệu, là bí quyết gây hạnh phúc gia đình
Một trong những trở ngại lớn nhất của hạnh phúc gia đình là «cái tôi» và ý riêng của mỗi thành viên. Nói chung, ai cũng coi «cái tôi» của mình là quan trọng và ý riêng của mình là đúng, thậm chí đúng nhất, và tỏ ra rất bực mình khó chịu khi thấy «cái tôi» và ý muốn của mình bị coi thường, hoặc không được ai để ý tới. Ai cũng bị «cái tôi» và ý riêng của mình thu hút đến độ quên đi «cái tôi» và ý muốn của người khác vốn cũng thu hút hết tâm trí của họ. Ai cũng muốn «cái tôi» và ý kiến của mình được mọi người quan tâm chú ý, nhưng chẳng mấy ai muốn quan tâm đến «cái tôi» và ý kiến của kẻ khác. Chính vì thế, chẳng ai được thỏa mãn, cuộc sống chung do đó chẳng hạnh phúc, thậm chí biến thành hỏa ngục.
Muốn làm cho người khác hạnh phúc, nghĩa là làm cho họ được thỏa mãn vì cảm thấy «cái tôi» và ý kiến của họ được tôn trọng, thì chính tôi phải quên «cái tôi» và ý riêng của mình đi để đặt nặng «cái tôi» và ý kiến của họ lên. Như thế họ cảm thấy hạnh phúc khi ở bên cạnh tôi. Nếu người ấy cũng biết làm như thế đối với tôi, thì tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi ở bên cạnh họ, và thế là cả hai đều hạnh phúc. Nhưng cách tốt nhất và bảo đảm nhất để được hạnh phúc là tôi lấy hạnh phúc của người tôi thương làm hạnh phúc của mình. Như thế tôi sẽ hạnh phúc khi làm cho họ được hạnh phúc.
Đức Giêsu đã cho người Kitô hữu, những người theo Ngài, hai bí quyết để tạo hạnh phúc gia đình, đó là: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, và vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24). Ngài nhấn mạnh bí quyết thứ hai: «Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,38). «Từ bỏ chính mình» chính là biết coi nhẹ «cái tôi» của mình và ý muốn của mình. Còn «vác thập giá mình» là chấp nhận đau khổ, thiệt thòi, mất mát, nguy hiểm, khó khăn khi tình yêu đòi hỏi. «Vác thập giá mình» chính là thể hiện cụ thể bí quyết thứ nhất «từ bỏ chính mình». Không chấp nhận «vác thập giá mình» thì cũng đồng nghĩa với chưa «từ bỏ chính mình» một cách đích thực.
Hạnh phúc gia đình luôn luôn đòi hỏi phải có một ai đó trong nhà biết quên mình, biết quên «cái tôi» của mình đi, để quan trọng hóa «cái tôi» của người khác lên. Thái độ ấy như một cái ngòi khởi động, làm cho những người khác trong nhà cũng hành động như vậy, và nhờ đó, hạnh phúc gia đình mới bùng lên. Thái độ khởi động ấy phải được lập lại hàng ngày hàng giờ trong đời sống gia đình. Ai sẽ khởi sự thái độ quan trọng ấy nếu không phải là chính bạn, là người ý thức được bí quyết hạnh phúc đó, bất kể bạn là vợ hay chồng? Thật vô phúc cho gia đình nào không có ai tự nguyện làm cái ngòi khởi động tình yêu thương ấy hàng ngày trong cuộc sống!
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha đã chọn thánh Giuse là người đứng đầu gia đình Nadarét với những đức tính rất cần thiết của một người làm chủ gia đình để gia đình ấy được hạnh phúc. Xin cho tất cả những người làm chủ trong các gia đình Kitô hữu biết noi gương bắt chước Ngài, biết coi nhẹ «cái tôi» của mình để thường xuyên quan tâm đến hạnh phúc của mọi thành viên khác trong gia đình. Xin cho những người làm vợ và làm mẹ noi gương Ðức Maria biết luôn tỏ ra dễ thương, dịu dàng, và biết hy sinh ý riêng của mình cho hạnh phúc gia đình. Và xin cho mọi con cái trong gia đình Kitô hữu biết noi gương Ðức Giêsu luôn kính trọng và vâng phục cha mẹ mình. Amen
Nguyễn Chính Kết
_________________________
Một số câu Kinh thánh được giới thiệu nhưng không trưng dẫn trong bài. Xin trưng ra đây để tiện cho những ai muốn đào sâu thêm:
[a*] Lc 2,1-5 => «Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành Bêlem, miền Giuđê, là thành vua Ðavít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Ðavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai.»
[b*] Lc 2,6 => « Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.»
[b*] Lc 2,6 => « Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.»
[c*] Mt 2,13-15 => « Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai cập.»
[d*] Mt 2,19-23 => «Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Aicập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen. Nhưng vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: "Người sẽ được gọi là người Nadarét".»
Một số câu Kinh thánh liên quan đến đời sống gia đình hay vợ chồng. Xin trưng ra đây để tiện cho những ai muốn đào sâu thêm:
1Cr 7,1-6 => «Đàn ông không gần đàn bà là điều tốt. Nhưng để tránh hiểm hoạ dâm ô, thì mỗi người hãy có vợ có chồng. Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng ; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện ; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xatan lợi dụng để cám dỗ. Điều tôi nói đó là một sự nhân nhượng chứ không phải là một mệnh lệnh.»
1Cr 7,10-11 => «Với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa : vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng ; và chồng cũng không được rẫy vợ.»
Ep 5,21-25 => «Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.»
Ep 5,28-32 => «Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng : Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.»
Ep 5,25 => «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.»
Cl 3,18-19 => « Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ.»
Tt 2,2-5 => (Lời Thánh Phaolô khuyên Titô, đồ đệ của mình) «Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Như vậy, họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm.»
Tt 2,2-5 => (Lời Thánh Phaolô khuyên Titô, đồ đệ của mình) «Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Như vậy, họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm.»
1Pr 3,7 => «Anh em là những người chồng, trong cuộc sống chung, anh em nên hiểu rằng đàn bà thuộc phái yếu ; hãy tỏ lòng quý trọng vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban.»
No comments:
Post a Comment