CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 26 Thường Niên
(26-9-2004)
Người giàu có không nên sống ích kỷ,
mà hãy sống yêu thương, chia sẻ
mà hãy sống yêu thương, chia sẻ
· Am 6,1a.4-7: (1) Khốn cho những kẻ
sống yên ổn tại Xion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari (…), (6) nhưng chẳng biết đau
lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ ! (7) Vì thế, chúng sẽ bị lưu đày, và dẫn
đầu những kẻ bị lưu đày.
· 1Tm 6,11-16: (11) Phần anh, hỡi người
của Thiên Chúa, hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và
lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa.
· TIN MỪNG: Lc
16,19-31
Dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó
(19) «Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm
vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. (20) Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước
cổng ông nhà giàu, (21)
thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy
con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (22) Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông
Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
(23) «Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta
ngước mắt lên, thấy tổ phụ Abraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng
tổ phụ. (24) Bấy giờ ông
ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng
đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt
khổ lắm!” (25) Ông Abraham
đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi;
còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi
đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. (26) Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi
bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây
cũng không được. ”
(27) «Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con
xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, (28) vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin
sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” (29) Ông Abraham đáp: “Chúng đã có Môsê và các
Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. (30) Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Abraham, họ
không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn
năn sám hối”. (31) Ông
Abraham đáp: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có
sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”»
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Giàu sang
và hưởng thụ cảnh giàu sang của mình có phải là một tội ác không? Tại sao người
giàu có trong bài Tin Mừng lại bị phạt?
2. Nghèo khó
và sống đau khổ vì cảnh nghèo khó của mình có phải là điều thiện, là nhân đức
không? Tại sao Ladarô, người nghèo trong bài Tin Mừng này lại được thưởng?
3. Để mọi
người sống tốt đẹp, yêu thương và được ân thưởng trên thiên đàng, sao Thiên
Chúa không tạo điều kiện để con người thấy trước mắt cảnh thiên đàng hạnh phúc
thế nào, và cảnh hỏa ngục đau khổ thế nào?
Suy tư gợi ý:
1. Tại sao người giàu bị phạt?
Người nhà giàu trong bài Tin Mừng bị
Thiên Chúa phạt, không phải vì ông ta giàu có hay vì đã hưởng thụ những thú vui
từ sự giàu có của mình. Tình trạng giàu có và sự hưởng thụ cảnh giàu sang của mình không phải
là một thứ tội hay một tình trạng tội lỗi. Nếu giàu có đến từ vận may, hay do
cần cù làm ăn liêm chính, thì sự giàu có ấy là hồng ân hay sự chúc lành của
Thiên Chúa. Giàu có mà biết giúp đỡ và chia sẻ của cải với người cùng khốn thì thật đáng
khen và đáng thưởng. Giàu có chỉ là xấu xa, tội lỗi khi nó là kết quả của tội ác, của bất
công, ức hiếp, tham nhũng, nhận hối lộ, hoặc gian lận…
Bài Tin Mừng không nói sự giàu sang
của ông nhà giàu đến từ đâu. Vậy thì tại sao ông lại bị trừng phạt? – Thưa: chính vì
ông không có tình thương: thấy Ladarô vô cùng nghèo khổ trước mắt như thế mà
không hề quan tâm, thương xót, cứu giúp hay chia sẻ, chỉ biết hưởng thụ một
mình hay chỉ với gia đình mình, và hoàn toàn vô tình với người nghèo khổ.
2. Tại sao Ladarô
nghèo khổ được ân thưởng?
Còn Ladarô, anh được thưởng không
phải vì anh nghèo, cũng không phải vì Thiên Chúa muốn bù trừ cho cái nghèo khổ mà anh đã phải chịu khi ở trần gian. Nhiều người nghèo mà lòng đầy tham lam, độc ác, ích
kỷ, vì nếu họ trở nên giàu có, nhiều khi họ còn tham lam, độc ác và tỏ ra ích kỷ hơn cả những người giàu mà hiện nay họ đang bực tức vì ganh tị. Những người nghèo mà
lòng dạ như thế thì chẳng đáng khen hay đáng thưởng chút nào.
Nghèo không phải là một nhân đức hay là dấu hiệu của sự thánh thiện. Trái lại nghèo có thể là một sự dữ mà ai cũng muốn tránh. Nghèo có thể là kết quả của sự kém may mắn, của sự bất tài, của thất bại. Nghèo cũng có thể do lười biếng, không chịu làm ăn, hay làm ăn thiếu tính toán. Và nghèo cũng có thể là một hình phạt của Thiên Chúa như những trường hợp «ác giả ác báo», «cha ăn mặn, con khát nước».
Nghèo không phải là một nhân đức hay là dấu hiệu của sự thánh thiện. Trái lại nghèo có thể là một sự dữ mà ai cũng muốn tránh. Nghèo có thể là kết quả của sự kém may mắn, của sự bất tài, của thất bại. Nghèo cũng có thể do lười biếng, không chịu làm ăn, hay làm ăn thiếu tính toán. Và nghèo cũng có thể là một hình phạt của Thiên Chúa như những trường hợp «ác giả ác báo», «cha ăn mặn, con khát nước».
Tuy nhiên, nghèo có thể là kết quả
của sự lương thiện nhưng thiếu may mắn. Nghèo cũng có thể do hành động tự
nguyện chấp nhận của một tâm hồn thánh thiện: muốn sống nghèo theo gương Đức Giêsu, muốn
thực hiện điều kiện để theo Ngài là bán hết của cải để chia cho người nghèo
khổ, hoặc muốn chia sẻ thân phận nghèo với người nghèo vì yêu thương họ. Chỉ
cái nghèo tự nguyện như thế mới là nhân đức: nhân đức thanh bần.
Vậy tại sao Ladarô được ân thưởng? –
Tin Mừng không nói rõ thái độ sống của anh. Về cuộc sống của anh, Tin Mừng chỉ
mô tả vắn tắt: «Có một người nghèo khó
tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những
thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến
liếm ghẻ chốc anh ta» (Lc 16,20-21). Nếu anh được Thiên Chúa thưởng, ắt phải là vì anh đã
sống cảnh nghèo khổ ấy phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Qua đoạn Tin Mừng ngắn ngủi trên, ta có thể đoán được anh đã vui lòng chấp nhận cảnh nghèo của mình với tất cả những niềm đau, nỗi khổ, những màn nhục nhã cùng cực của nó: «mụn nhọt đầy mình, chó liếm ghẻ». Nhưng anh không phàn nàn, kêu trách, không ghen tị với người giàu có. Dù thèm thuồng những thứ thừa thãi của người giàu có, anh cũng không vì nghèo mà làm những chuyện trái lương tâm (trộm, cướp, gian trá, lường gạt…). Anh vẫn trung thành với chủ trương «đói cho sạch, rách cho thơm», nên vẫn giữ được tâm hồn trong sáng.
Qua đoạn Tin Mừng ngắn ngủi trên, ta có thể đoán được anh đã vui lòng chấp nhận cảnh nghèo của mình với tất cả những niềm đau, nỗi khổ, những màn nhục nhã cùng cực của nó: «mụn nhọt đầy mình, chó liếm ghẻ». Nhưng anh không phàn nàn, kêu trách, không ghen tị với người giàu có. Dù thèm thuồng những thứ thừa thãi của người giàu có, anh cũng không vì nghèo mà làm những chuyện trái lương tâm (trộm, cướp, gian trá, lường gạt…). Anh vẫn trung thành với chủ trương «đói cho sạch, rách cho thơm», nên vẫn giữ được tâm hồn trong sáng.
3. Tại sao Thiên Chúa không cho
người chết hiện về cảnh cáo?
Khi thấy tình trạng của mình không
thể cứu vãn gì được, người nhà giàu đang bị phạt dưới âm phủ mới nghĩ đến anh
em của mình đang sống cuộc đời sang giàu nhưng ích kỷ y như ông ta trước đây.
Nếu cứ tiếp tục sống như thế, số phận của họ cũng sẽ khốn khổ y như ông ta hiện nay. Mặc dù đã
có Môsê và các ngôn sứ cảnh cáo mọi người, nhưng ông và anh em ông đâu chịu
tin. Vì thế, ông muốn cứu họ bằng cách xin tổ phụ Abraham sai Ladarô về cảnh
cáo họ với tư cách một người chết hiện về. Ông nghĩ rằng phải có người chết
hiện về thì họ mới tin. Nhưng tổ phụ Abraham trả lời: «Nếu Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có
sống lại, họ cũng chẳng chịu tin» (Lc 16,31).
Sứ điệp của Môsê, các ngôn sứ, của Đức
Giêsu, các tông đồ và của những người đang tiếp tục công việc của các ngài đã
đến với hầu hết mọi người trên thế giới. Kết quả là có người bỏ ngoài tai không
thèm nghe, có người nghe nhưng không tin, nhưng cũng có người nghe, tin theo rồi thực
hành. Thiết tưởng sứ điệp ấy không thể có tính ép buộc hay đe dọa, mà chỉ để
giúp con người nhận ra con đường phải theo và phải làm. Có theo có làm hay
không là do thiện tâm và lòng tự nguyện của mỗi người. Thiên Chúa có thể mặc
khải cho con người nhìn thấy rõ ràng trước mắt sự đau khổ mà con người phải
chịu khi sống ích kỷ, vô tình, độc ác, thiếu tình yêu. Thấy như thế, ắt con
người sẽ sợ hãi và thay đổi cách sống. Nhưng nếu thay đổi cách sống tốt hơn chỉ
vì sợ hãi, thì tính ích kỷ, vô tình, độc ác, thiếu tình yêu vẫn còn nằm trong
bản tính của họ. Và sự tốt đẹp hay tình thương họ thể hiện chỉ là bề ngoài và
giả dối thôi. Thật vậy, thánh Phaolô viết: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không vì tình yêu thương, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3)
Thiên Chúa muốn con người thay đổi
nên tốt hơn và sống yêu thương nhau hơn, chứ không phải vì sợ hãi, vì áp lực bên
ngoài mà làm những hành động có vẻ yêu thương. Ngài muốn con người được tự do đúng theo phẩm giá cao cả của họ.
Nếu có thay đổi khiến cuộc sống của họ tốt đẹp và yêu thương nhiều hơn thì phải
do chính con người tự nhận ra điều đó là tốt đẹp, rồi họ tự nguyện và cố gắng
thực hiện điều đó, nghĩa là hoàn toàn xuất phát từ thiện chí và tình yêu đầy tự
do của họ. Vì thế, Thiên Chúa chỉ dùng những sứ điệp qua người này người kia
Ngài sai đến để gợi ý giúp con người giác ngộ con đường họ phải theo, rồi để họ
tự do theo hay không theo tùy ý họ. Như thế cái tốt đẹp của họ mới là tốt đẹp
từ trong bản chất, và sự yêu thương họ tỏ lộ ra mới là tình thương đích thực.
Chỉ có thứ yêu thương ấy mới có giá trị và mới phù hợp với những công dân của
Nước Trời.
Vậy, cho dù hiện nay chúng ta giầu
hay nghèo thì chúng ta cần phải sống theo thánh ý của Thiên Chúa là sống có tình thương
thật sự. Nếu giàu có, ta cần biết chia sẻ với những người nghèo khổ hơn chúng
ta. Nếu nghèo khó, chúng ta vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh sống ấy đồng thời nỗ lực
vươn lên trong tinh thần «đói cho sạch,
rách cho thơm». Đừng bao giờ vì thiếu thốn, nghèo khổ mà làm điều gì trái
với lương tâm, trái với sự công bằng hay tình thương của mình. Có thế, ta mới
xứng đáng được Thiên Chúa ân thưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên trời.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin
cho con biết sống yêu thương, dù trong cảnh giàu hay trong cảnh nghèo khổ. Tình
yêu đối với Cha và với tha nhân luôn luôn có thể thể hiện ra thành hành động cụ
thể dù trong cảnh giàu hay cảnh nghèo. Thật vậy, dù nghèo đến đâu, nếu có tình
yêu, con cũng đều có thể biểu lộ tình yêu đó ra bằng cách này hay cách khác, và
luôn luôn vẫn có cái gì đó để chia sẻ với mọi người. Còn không có tình yêu, thì
dù giàu đến đâu, con vẫn có thể sống ích kỷ, không hề biết chia sẻ cho ai điều gì.
Xin Cha hãy củng cố tình yêu ở trong con, để con yêu thương thật sự và thể hiện
tình yêu thương ấy trong bất kỳ cảnh ngộ nào của đời sống con.
Nguyễn Chính Kết
jus
No comments:
Post a Comment