Thursday, August 18, 2016

Bàn về chuyện đúng sai




Bàn về chuyện đúng sai



Chuyện đúng sai rất là tương đối. Nói chung, những người suy nghĩ theo lương tri − chứ không phải những người suy nghĩ theo một khuôn mẫu cố định − thường đi từ cái đúng thấp đến cái đúng cao hơn. Và cứ thế người ta tiếp tục đi từ cái đúng này đến cái đúng khác cao hơn suốt cả cuộc đời. Sự tiến triển trong lãnh vực khoa học kỹ thuật cũng tương tự như vậy.

Chẳng hạn, Lavoisier, nhà khoa học đã khám phá ra một định luật mang tên ông, nói về hai vế của một phương trình hóa học phải cân bằng về số lượng nguyên tử. Nhưng khi một nhà khoa học khác khám phá ra rằng trong một phản ứng hóa học, các nguyên tử có thể biến từ nguyên tử này thành nguyên tử khác, thì định luật Lavoisier chỉ còn áp dụng cho những phương trình hóa học ở cấp trung học thôi.

Tất cả những khoa toán học, vật lý, hóa học, cơ học, v.v... của thế kỷ 19 khi bước sang thế kỷ 20 và 21 đều được nâng cấp thành khoa tân toán học, tân vật lý, tân hóa học, tân cơ học, v.v... với những khái niệm mới có phần khác với những khái niệm cũ. Chính vì thế người ta mới có câu: «Khoa học là một nghĩa trang chôn các giả thuyết», vì hễ có nhà khoa học nào đưa ra một giả thuyết nào đó thì sẽ được cả thế giới công nhận là đúng suốt một khoảng thời gian nào đó. Nhưng chỉ một thời gian sau lại có một nhà khoa học khác đưa ra những giả thuyết mới hơn phủ nhận tính tổng quát hay tính toàn bộ của giả thuyết cũ. Nghĩa là giả thuyết cũ chỉ còn đúng trong một không gian giới hạn nào đó thôi chứ không đúng trong tất cả mọi trường hợp. Và cái giả thuyết mới này cũng sẽ bị một giả thuyết mới hơn nữa phủ nhận tương tự.

Để dễ hiểu hơn, xin đưa ra một ví dụ khác: Ông tiến sĩ toán khi dạy toán cho đứa con tiểu học của mình thì cũng phải nói y hệt như cô giáo dạy tiểu học: không được lấy số nhỏ trừ số lớn, vì điều đó là phi lý. Ông giải thích: Thật vậy, nếu ta chỉ có 3 cái kẹo, thì ta chỉ có thể ăn 1 cái và còn lại 2 cái, hoặc ăn 2 cái và còn lại 1 cái, hoặc nhiều nhất là ăn hết cả 3 cái thôi, chứ không thể nào ăn tới 4 cái được. Ở trình độ đó các em thấy nói như thế là hoàn toàn hợp lý. Không thể nói khác hơn được. Và nói điều ấy là hoàn toàn đúng cho các em ở trình độ tiểu học.

Nhưng khi các em lên trung học, cũng ông tiến sĩ toán ấy lại dạy các em về khái niệm số âm, lúc đó các em trung học sẽ thấy việc lấy số nhỏ trừ số lớn là hiểu được và không có gì phi lý cả. Chẳng hạn trong thẻ tín dụng, mình chỉ có $100, nhưng mình vẫn có thể dùng nó để mua một món đồ $300, để rồi mình còn −$200, nghĩa là mình nợ nhà băng $200.

Cũng tương tự như vậy đối với việc dùng căn số bậc 2 (hay các bậc chẵn khác): khi còn ở lớp 11 trở xuống, dưới căn hiệu bậc 2, bắt buộc phải là một số dương (Ѵx [x ≥ 0]), vì nếu là một số âm thì căn số đó hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng với các em ở lớp 12 trở lên, sau khi học về số ảo, thì căn số bậc 2 của một số âm không còn là vô nghĩa nữa, mà vẫn có giá trị thực tế của nó.

Các em tiểu học mà mở sách toán của bậc trung học, các em không thể nào hiểu nổi. Cũng vậy, các em ở bậc trung học mà mở sách toán của sinh viên bậc đại học thì cũng chẳng hiểu nổi. Nhiều điều được phát biểu ở bậc trung học hay đại học, các em bậc tiểu học sẽ cho là phi lý, là sai, nhưng thật ra không phải là phi lý, cũng chẳng phải sai, mà chỉ là những điều ấy vượt khỏi tầm suy nghĩ của các em mà thôi. Ông tiến sĩ giỏi toán cách mấy cũng không thể nào giải thích được cho các em bậc tiểu học hiểu được về hàm số, đạo hàm, về tích phân, về số ảo, v.v... Nhiều người khi nghe trình bày về thuyết tương đối của Einstein thì cứ y như là «vịt nghe sấm», chẳng hiểu gì cả. Nhưng không thể vì thế mà nói rằng ông Einstein này điên hay phi lý.

Ông tiến sĩ toán khi dạy ở những trình độ khác nhau, ông buộc phải nói nhiều điều có vẻ như mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra đều đúng cả, nhưng đúng ở những trình độ khác nhau. Tất cả những điều có vẻ mâu thuẫn và khác biệt nhau ấy thật ra đều mang tính nhất quán.

(Xin mở ngoặc một chút: Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là không có cái sai, cũng không có nghĩa là ai nói cái gì cũng đúng. Khi nói 2 + 2 = 3, thì rõ ràng là sai trong hầu hết mọi trường hợp. Tuy nhiên, cũng có thể sẽ có một vài trường hợp đặc biệt, nó vẫn đúng, chẳng hạn trong câu: 2 cha 2 con tổng cộng là 3 người thì vẫn đúng khi nói về 3 thế hệ trong cùng một đại gia đình. Xin xem thêm chú thích 1 và 2 bên dưới)

Trong lãnh vực tâm linh cũng vậy, hiện nay cả thế giới con người đều ở một trình độ rất thấp so với các thiên thần. Và các thiên thần thì cũng ở trình độ vô cùng thấp so với Thiên Chúa. Chính vì thế trước khi đi chịu chết, Chúa Giêsu mới nói với các tông đồ: «Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi» (Ga 16,12). Vì lúc đó các ông phần nào vẫn còn là «trẻ con về mặt tâm linh» cho tới khi các ông nhận được Thánh Thần ngày lễ Ngũ Tuần.

Về vấn đề này, thánh Phaolô nói: «Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con» (1Cr 13,11). «Bỏ tất cả những gì là trẻ con» không có nghĩa là phải bắt trẻ con không được suy nghĩ như trẻ con, vì trẻ con mà suy nghĩ như trẻ con là điều phải lẽ. Nhưng đã là người lớn mà cứ suy nghĩ như trẻ con thì... quả là có vấn đề về trí não. Trẻ con nó quý con búp bê của nó gấp trăm lần cục vàng, hay nó coi con búp bê có giá trị hơn tờ giấy bạc có thể mua được cả trăm con búp bê. Đó là điều tự nhiên chứ không hề phi lý. Nhưng người lớn mà cũng hành xử như nó thì người ấy quả là… «đứa trẻ con lớn tuổi».

Tương tự, nếu đã là Kitô hữu quá lâu năm mà ta vẫn cứ suy nghĩ như «trẻ con về mặt tâm linh» thì đó là điều đáng trách, cũng như học cả chục năm ở trường mà đứa trẻ vẫn cứ ở mãi bậc tiểu học thì không ổn chút nào. Chính vì thế thánh Phaolô mới trách cứ: «Về vấn đề này, chúng tôi còn có nhiều điều phải nói, nhưng khó mà cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên uể oải không muốn nghe. Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ» (Dt 5,11-14)

Trong đoạn trên, có câu «phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính» (Dt 5,13). Điều đó cho thấy, muốn hiểu được «đạo lý liên quan đến sự công chính» thì những ai «còn phải dùng đến sữa», nghĩa là chưa trưởng thành về mặt tâm linh, khó mà hiểu được. Một cách nào đó, sự trưởng thành về mặt tâm linh đồng nghĩa với sự công chính, hoặc ít nhất là điều kiện cần thiết để nên công chính.

Vì thế, thánh Phaolô khuyên ta nên tiến bộ hơn: «Gác một bên giáo huấn sơ đẳng về Đức Kitô, chúng ta hãy vươn tới trình độ giáo huấn trưởng thành mà không trở lại những điều căn bản, là lòng sám hối ăn năn vì những việc đưa tới sự chết, là niềm tin vào Thiên Chúa, là giáo lý về mấy loại phép rửa; là nghi thức đặt tay, là vấn đề kẻ chết sống lại và cuộc phán xét cuối cùng...» (Dt 6,1-2).

Nếu các em bậc tiểu học mà cứ nhất định không chịu thay đổi những gì mình đang cho là đúng, để chấp nhận những điều đúng hơn, thì các em sẽ cứ ở mãi bậc tiểu học, không lên được bậc trung học. Khi nghe thầy ở bậc trung học nói về số nhỏ vẫn trừ được số lớn mà các em liền kết luận rằng thầy nói sai rồi, và không chịu học nữa, thì các em không thể nào lên học ở bậc trung học, và càng không thể tiến lên đại học được.

Về tâm linh, không gian tâm linh còn rộng lớn gấp ngàn lần không gian toán học. Nếu chúng ta cứ mãi mãi «còn là trẻ con, nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con» (1Cr 13,11), cứ «thay vì thức ăn đặc, anh em lại chỉ chấp nhận dùng sữa» (Dt 5,12) thì đến bao giờ chúng ta mới trưởng thành về tâm linh được?

Để lên cầu thang từ bậc 1 đến bậc thứ 100, ta phải bước chân phải vào bậc 1, rồi để chân trái lên bậc 2. Sau đó, chân phải lại phải rời khỏi bậc 1 để bước lên bậc 3, rồi chân trái phải rời bậc 2 để bước lên bậc 4. Cứ thế mà tiến dần đến bậc 100. Từ bậc 1 đến bậc 100, bậc nào cũng đều cần thiết và đúng hết. Nhưng nếu cứ dừng lại ở bậc nào đó mà không chịu rời bậc ấy để bước lên bậc cao hơn, thì ta sẽ dừng lại ở đó, không tiến lên được nữa. Các bánh xe của xe hơi hay xe đạp, đều phải tựa vào điểm A đã, rồi bỏ điểm A để đến điểm B kế đó, rồi lại bỏ điểm B để bám vào điểm C… cứ thế mà tiến tới. Không như vậy thì chiếc xe cứ ở một chỗ, hoặc sẽ ngừng lại mãi ở điểm mà nó bám cứng vào, không chịu rời điểm đó để bám vào điểm khác.

Các vị giáo chủ khi giảng dạy cho một khối quần chúng có nhiều trình độ tâm linh khác nhau, không thể tránh được những trường hợp tương tự như ông tiến sĩ toán phải dạy cho đám con cái của mình: đứa thì ở bậc tiểu học, đứa thì trung học, đứa thì đại học, đứa thì cao học... So sánh những lời ông nói ở những trình độ khác nhau, chắc chắn là có những lời có vẻ như mâu thuẫn lẫn nhau, nhưng tất cả đều đúng và đều nhất quán.

Người nào cho rằng: điều mình nghĩ là đúng thì cũng là duy nhất đúng, và tiên thiên không chấp nhận một cách nghĩ khác, phần nào tương tự như em bé tiểu học cho rằng 5 cộng 4 chỉ có thể bằng 9, chứ không thể có một kết luận nào khác. Nếu em tiếp tục học lên những cấp cao hơn, em sẽ thấy sự hiểu biết hay suy nghĩ kiểu «duy nhất đúng» của mình ở cấp tiểu học quả là quá «ấu trĩ». Các chế độ độc tài, độc đoán (trong lãnh vực chính trị, tri thức, tâm linh, tôn giáo, khoa học, v.v...) cũng tương tự như vậy.

«Ai có tai nghe thì nghe!» (Mt 11,15; 13,9; 13,43; Mc 4,9; 4,23; 7,16; Lc 8,8; 14,35; Kh 2,7).

Nguyễn Chính Kết

______________________________________

Chú thích 1:
Trong môn số học cấp tiểu học, thì 5 + 4 tất yếu phải là 9, nói khác đi tất nhiên là sai. Nhưng trong tân toán học, với những khái niệm về tập hợp, khi các tập hợp giao nhau, thì 5 + 4 không nhất thiết phải là 9. 

Chẳng hạn, bài toán sau đây: nhóm A có 5 người, nhóm B có 4 người, hỏi 2 nhóm có bao nhiêu người? 

Các em tiểu học thì có thể trả lời ngay: 2 nhóm cộng lại phải là 9 người; không thể có một giải đáp nào khác. Nhưng một người lớn có đầu óc toán học phải nghĩ tới trường hợp sau đây có thể xảy ra: có một vài người vừa thuộc nhóm A cũng vừa thuộc nhóm B, nên 5 + 4 không nhất thiết phải là 9. 


Đối với các em tiểu học, nếu em nào có đáp số là 9 sẽ được điểm 10; còn nếu khác với 9, cô giáo sẽ cho điểm 0. Nhưng cũng chính cô giáo ấy, khi dậy tân toán học ở lớp cao hơn, nếu có em nào cho đáp số x chỉ là 9, thì em đó sẽ bị bớt điểm, mà đáp số x phải viết   
5  x  9
Nghĩa là đáp số x có thể biến thiên từ 5 đến 9.

Toán học còn có nhiều cấp độ cao hơn nữa. Nói chung, cấp độ thấp khó mà hiểu được cách suy nghĩ của cấp độ cao, mà thường chỉ có thể suy nghĩ trong sự hạn hẹp của mình. Những người suy nghĩ cấp độ thấp thường cho rằng chỉ có suy nghĩ của mình là đúng, và duy nhất đúng. Ai suy nghĩ cao hơn, khác hơn thì dễ bị kết án là sai lạc, điên khùng. Đây cũng chính là lý do khiến các ngôn sứ hay các tiên tri bị người đời bạc đãi, kết án (x. Cv 7,52; Rm 11,3; Lc 11,49-51; 13,34; Mt 5,12b; 17,11-12; 23,29-31.37)Họ là những người biết trước, thấy trước, và muốn giúp người khác thay đổi cách suy nghĩ cho đúng hơn, cao hơn trong các lãnh vực sống của mọi thời đại (trong đó có Đức Giêsu, các tông đồ, và một số các triết nhân, khoa học gia như Socrate, Galilée, v.v...)
Chú thích 2:
Phép lý luận (logic) thông thường của chúng ta, dù có đúng logic tới đâu, không phải lúc nào cũng đúng hay phù hợp với thực tại. Xin đưa ra một vài thí dụ điển hình.

Một bài toán hay một câu đố như sau: «Em A vẽ 1 hình chữ nhật, rồi em B vẽ thêm 2 hình chữ nhật nữa. Hỏi có tất cả mấy hình chữ nhật?»



Nếu cứ theo lý luận thông thường, thì đáp số là 3 (vì 1 + 2 = 3), nhưng đáp số này chỉ đúng trong trường hợp các em vẽ 3 hình riêng biệt. Còn nếu các em vẽ chồng lên nhau, thì có nhiều kiểu chồng lên nhau cách khác nhau, và mỗi kiểu ấy ứng với một đáp số khác nhau.

Như vậy, bài toán (1 + 2 = ?) này có thể có nhiều đáp số khác nhau tùy theo cách em B vẽ và những đáp số khác nhau ấy có thể đều đúng (đương nhiên không phải cứ nói đại một đáp số bất kỳ nào thì cũng đều đúng cả, chỉ có một số giới hạn nào đó đúng thôi).

Có những mệnh đề mâu thuẫn nhau, mà theo logic thông thường thì hễ mệnh đề này đúng thì tất cả những mệnh đề mâu thuẫn với nó ắt phải sai. Nhưng trong thực tế thì mọi vật đều đa diện… nên có nhiều mệnh đề mâu thuẫn nhau mà đều đúng cả. Chẳng hạn, nói về cùng một cái chén ăn cơm, người nói «nó lõm», người nói «nói lồi», hai mệnh đề ấy rõ ràng mâu thuẫn nhau nhưng đều đúng cả.

Hoặc hôm trước, có người nói: «Trong cái lồng ấp trứng này có một vài quả trứng». Không ai động tới hay làm gì thay đổi cái lồng ấy cả, nhưng một người đến sau đó một hai ngày nói: «Trong cái lồng này có một vài con gà». Cả hai người nói hai mệnh đề khác nhau ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cả hai đều đúng. Nhưng nếu người thứ hai đến sau, không thèm tận mắt nhìn vào trong, mà lại bắt chước nói y hệt người thứ nhất, vì nghĩ rằng người kia luôn luôn nói sự thật, thì người thứ hai đã nói một câu sai sự thật.

No comments:

Post a Comment