Friday, February 28, 2020

Chay1b - Bị cám dỗ ngoài ý muốn là hồng ân của Thiên Chúa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ I Mùa Chay

(05-02-2020)

Bài đào sâu

Bị cám dỗ ngoài ý muốn
là hồng ân của Thiên Chúa





  TIN MỪNG: Mt 4,1-11

Đức Giêsu chịu cám dỗ




Câu hỏi gợi ý:
1.   Có cám dỗ nào mà ta có chấp nhận cho xảy ra thì nó mới xảy ra không? Có cám dỗ nào ta không muốn mà nó vẫn đến không? Hai loại cám dỗ ấy, có loại nào có lợi hay có hại cho ta không? 
2.   Ý chí tự do của ta đóng vai trò nào khi bị cám dỗ? Ta có chịu trách nhiệm khi chiều theo cơn cám dỗ không? 
3.   Ma quỷ có lợi dụng những gì có trong ta để cám dỗ ta không? Nếu ta không có những thứ ấy thì ma quỷ có còn cám dỗ được ta nữa không?


Suy tư gợi ý:


Trong đời sống tâm linh và đạo đức, chúng ta thường gặp hai loại cám dỗ mà chúng ta cần phân biệt: những cám dỗ mà ta tự cho phép xảy ra, và những cám dỗ hoàn toàn ngoài ý muốn của ta.



1.   Tự cho phép bị cám dỗ là sự liều mình nguy hiểm

Nhiều khi ta bị cám dỗ là do ta tự nguyện hay liều mình chấp nhận để mình bị cám dỗ. Cám dỗ loại này có ý chí tự do của ta tham dự vào. Vì thế, nếu ta thua cơn cám dỗ thì ta phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, nghĩa là tội ta nặng hơn. Do đó, nếu tự lượng sức thấy không nắm chắc phần thắng, thì người khôn ngoan không bao giờ liều chấp nhận để mình bị cám dỗ. Chẳng hạn muốn giữ đức khiết tịnh trong đời sống tu trì cũng như đời sống hôn nhân thì không nên tự cho phép mình giao du quá thân mật và tùy tiện với những người khác phái. Tương tự như muốn kiêng ăn thì đừng để những thức ăn thật ngon trước mặt.

Câu chuyện sau đây minh họa vấn đề này: «Hai vị tăng kia khi trở về chùa phải băng qua một dòng suối rộng đầy nước. Lúc đó, trời sắp tối, có một cô gái cũng muốn băng qua suối nhưng không biết làm cách nào vì không có phương tiện. Thấy thế, vị sư già bèn bồng cô gái qua suối. Khi về tới cổng chùa, vị sư trẻ hỏi vị sư già: “Tại sao thầy lại liều mình đụng chạm tới thân thể phụ nữ như vậy? Giới luật chùa đâu cho phép như vậy” Vị sư già trả lời: “Tôi đã bỏ cô gái đó ở ngay bờ suối, tại sao thầy lại đem cô gái về tới tận đây?”».

Vị sư trẻ không dám giúp đỡ cô gái là rất khôn ngoan, vì thầy thấy đó là một sự liều mình nguy hiểm. Nếu thầy đụng chạm tới thân thể cô gái, có thể thầy sẽ phát sinh những tư tưởng không lành mạnh, chẳng những ngay lúc ấy mà còn lâu dài về sau, ảnh hưởng tai hại cho việc tu tập của thầy. Sự sa ngã trong tư tưởng và kết quả tai hại của nó đối với thầy có thể lớn hơn nhiều so với sự thiệt hại của cô gái nếu cô không được giúp đỡ.

Tuy nhiên vị sư già giúp đỡ cô gái như thế cũng rất đúng, vì ông đã già không còn ham muốn nhiều nữa, thêm vào đó, bản lãnh tu tập cũng đã cao, việc thắng lướt cơn cám dỗ là chuyện dễ dàng đối với ông. Vả lại, lòng từ bi đòi hỏi ông phải ra tay giúp đỡ. Vì thế, sự đụng chạm đến thân thể cô gái chẳng làm ông bị thiệt hại gì. Thật vậy, dù ông đã bồng cô gái qua suối, nhưng tư tưởng của ông «đã bỏ cô gái đó ở ngay bờ suối». Còn vị sư trẻ, tuy không đụng chạm đến cô gái, nhưng bằng tư tưởng, thầy đã đem cô gái về tới tận cổng chùa! May mà thầy từ chối giúp đỡ cô gái! Nếu không thì tư tưởng thầy còn đem cô gái về tới tận đâu nữa!?

Không biết xa tránh những cám dỗ, tự tìm cám dỗ cho mình, hoặc liều mình dấn thân vào những hoàn cảnh khiến mình bị cám dỗ… là những hành động thiếu khôn ngoan và rất nguy hiểm. Và những người tự nguyện để chịu cám dỗ như vậy thường là chẳng chóng thì chầy, cũng bị sa chước cám dỗ. Vì hành động như thế chứng tỏ mình đã có một chiều hướng là sẵn sàng chấp nhận phạm tội rồi!



2.   Bị cám dỗ ngoài ý muốn là hồng ân của Thiên Chúa

Tuy nhiên, những cơn cám dỗ hoàn toàn ngoài ý muốn của ta, không do ta mong muốn, lại là những gì cần thiết và ích lợi để ta trưởng thành hơn về tâm linh. Thật vậy, ta phải cám ơn Thiên Chúa đã để ta bị cám dỗ, vì nhờ đó ta mới biết được mình đã yêu Thiên Chúa và thương tha nhân đến mức độ nào, sự thánh thiện của ta được tới đâu. Những cơn cám dỗ giống như những bài trắc nghiệm để chính ta hoặc người khác biết bản lãnh tâm linh ta tới đâu. 

Thật vậy, mặc dù tổ chức những kỳ thi rất tốn kém, nhưng mọi trường học (từ tiểu học đến đại học), mọi quốc gia, đều phải tổ chức các kỳ thi để xác định được trình độ học vấn và tài năng của các học sinh, sinh viên. Điều đó cho thấy việc trắc nghiệm tài năng – tức các kỳ thi – là một nhu cầu cần thiết và tự nhiên trong đời sống con người.

Trong đời sống tâm linh cũng vậy, ai cũng muốn tiến tới trong đời sống tâm linh, nên cần phải có những cơn cám dỗ, là những dịp trắc nghiệm để ta biết bản lãnh và sự tiến triển tâm linh của ta tới đâu, lòng yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân của ta thế nào để tiếp tục tiến tới. Thiên Chúa trắc nghiệm ta không phải để Ngài biết – vì Ngài không cần trắc nghiệm thì cũng đã biết – mà để chính ta và mọi người biết. Con người thực của ta được bày tỏ rõ rệt hơn khi bị cám dỗ. Cuộc đời ông Gióp là một trường hợp điển hình. Thiên Chúa đã biết rõ lòng trung thành của ông, nhưng Ngài muốn ông Gióp chứng tỏ cho chính ông và mọi người thấy sự trung thành ấy (G 1,11-12; 2,5-6).

Nếu ta thật sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, thì mọi cám dỗ đều trở thành những dịp để ta chứng tỏ tình yêu thương ấy và bản lãnh tâm linh của ta. Chỉ những người không có bản lãnh, không có trình độ mới sợ bị trắc nghiệm, vì qua trắc nghiệm họ mới lòi cái dốt, cái kém của họ ra. Vì thế, cần nhìn một cách tích cực về những cơn cám dỗ, đừng nhìn nó như một cái gì tiêu cực. Nếu cám dỗ là một điều xấu, bất lợi cho tâm linh của ta, chắc hẳn Thiên Chúa đã không để nó xảy ra cho ta. Có nhìn tích cực về nó, hiểu được sự cần thiết và ích lợi của nó, ta mới lợi dụng được nó, nó mới trở nên ích lợi cho ta. Vả lại, còn có ơn Chúa luôn giúp ta thắng cám dỗ nữa.



3.   Cơ cấu tâm lý của cám dỗ

Tất cả mọi người, ai cũng đều thấy trong bản thân mình có hai khuynh hướng nội tại ngược chiều nhau:

– Khuynh hướng tốt lôi ta lên để ta trở thành người vị tha, yêu Thiên Chúa và thương tha nhân, sẵn sàng hy sinh cho Thiên Chúa và tha nhân. Người tốt là người để cho lực này thắng thế và càng ngày càng đi lên. Lực này chính là ân sủng của Thiên Chúa nâng đỡ ta.

– Khuynh hướng xấu kéo ta xuống để ta trở thành người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình và làm lợi cho mình, sẵn sàng hy sinh vinh quang Thiên Chúa và quyền lợi tha nhân cho lợi ích của mình. Người xấu là người để cho lực này thắng thế và càng ngày càng đi xuống. Khi khuynh hướng xấu này đang cố kéo ta xuống, đó chính là lúc ta bị cám dỗ.

Trong hầu hết mọi trường hợp, hai lực đó ngang bằng với nhau. Và chính ý chí tự do của ta là yếu tố quyết định lực nào thắng: vào chính lúc bị giằng co giữa hai lực ấy, ta thật sự muốn ngả theo lực nào thì lực đó sẽ thắng. Chính vì thế ta chịu trách nhiệm về việc ta thắng hay thua cơn cám dỗ.

Khi bị cám dỗ, nếu không sáng suốt, ta sẽ bị đánh lừa vì sự khéo léo ngụy trang của Satan; hắn là tiêu biểu cho khuynh hướng xấu ở trong ta. 

Đối với những người có tham vọng, hắn dùng chính những tham vọng hết sức hấp dẫn ấy để cám dỗ ta: hắn dụ hễ làm theo ý hắn thì ta sẽ đạt được tất cả những gì ta ham muốn. Chẳng hạn đối với bà Eva, hắn khơi lên trong bà tham vọng muốn được bằng Thiên Chúa, và đề nghị thực hiện tham vọng ấy bằng cách ăn trái cấm. 

Đối với những người tương đối đạo đức, Satan thường dùng những chiêu bài thánh thiện để dụ dỗ: chẳng những có lợi cho mình mà còn đúng ý Chúa nữa. Chẳng hạn, khi cám dỗ Đức Giêsu, Satan luôn dùng những câu có thật trong Kinh Thánh để thuyết phục Đức Giêsu, để Ngài lầm tưởng làm theo ý hắn thì không chỉ lợi cho mình mà còn hợp với ý Thiên Chúa nữa. Được cái này lại được luôn cả cái kia thì còn gì khôn ngoan bằng!? Hắn còn có thể sử dụng ngay những nhu cầu hết sức chính đáng của con người – như cái ăn, cái mặc, tiền bạc, nhà cửa – để cám dỗ con người làm theo ý hắn. Chẳng hạn khi Đức Giêsu đói, hắn dụ Ngài sử dụng quyền năng Thiên Chúa để hóa đá thành bánh mà ăn. Hắn khéo léo lắm! Nên phải cẩn thận!

Do đó, nếu ta từ bỏ mọi tham vọng, diệt trừ tham sân si, đừng ham sướng sợ khổ, sẵn sàng chấp nhận nhu cầu của mình không được thỏa mãn, nhất là quyết tâm «từ bỏ chính mình» – tức coi nhẹ «cái tôi» của mình, đừng coi nó quan trọng quá – để có thể «vác thập giá mình mà theo Chúa» (Mt 16,24) thì Satan sẽ khó tìm ra cách để cám dỗ ta.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, khi Cha để con bị cám dỗ hầu con trưởng thành hơn trong tình yêu và bản lãnh tâm linh, thì Cha luôn ban cho con không chỉ đủ mà còn dư tràn sức mạnh để con chiến thắng cám dỗ. Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm: «Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội» (Rm 5,20). Điều quan trọng để con nhận được sức mạnh và ân sủng đó là con phải tin tưởng vào quyền năng và sự dư tràn của ân sủng và sức mạnh Cha ban. Xin cho con tin tưởng vững chãi vào ân sủng Cha.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
ii (https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/02/chia-se-tin-mung-chua-nhat-thu-i-mua.html)


Chay1a - Qua những cơn cám dỗ, ta mới chứng tỏ được tình yêu và sự thánh thiện của ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ I Mùa Chay

(01-03-2020)


Qua những cơn cám dỗ,
ta mới chứng tỏ được
tình yêu và sự thánh thiện của ta 



ĐỌC LỜI CHÚA

  St 2,7-9.3,1-7: (4) Rắn nói với người đàn bà: Chẳng chết chóc gì đâu! (5) Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác. (6) Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.

  Rm 5,12.17-19: (19) Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.

  TIN MỪNG: Mt 4,1-11

Ðức Giêsu chịu cám dỗ

(1) Bấy giờ Ðức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. (2) Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. (3) Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! (4) Nhưng Người đáp: Ðã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.

(5) Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, (6) rồi nói với Người: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.

(7) Ðức Giêsu đáp: Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.

(8) Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, (9) và bảo rằng: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi. (10) Ðức Giêsu liền nói: Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.

(11) Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Ðức Giêsu cũng bị cám dỗ. Ðiều ấy mạc khải cho ta biết những gì? Bị cám dỗ có phải là điều gì xấu xa không? 
2.   Cơn cám dỗ đưa ta đến một tình thế phải lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu, hoặc giữa hai điều tốt, tốt nhiều và tốt ít. Như thế những dịp bị cám dỗ giúp chúng ta chứng tỏ điều gì? Cám dỗ là điều tốt hay điều xấu?


Suy tư gợi ý:

1.  Ðã là con người, ai cũng bị cám dỗ

Nếu không có bài Tin Mừng hôm nay, người ta dễ dàng nghĩ rằng sở dĩ Ðức Giêsu hoàn toàn vô tội là vì Ngài không bị hề cám dỗ. Nhưng đoạn Tin Mừng này cho thấy chính Ðức Giêsu −dù là Con Thiên Chúa, có bản tính thần linh hoàn toàn trong sạch− cũng bị ma quỉ cám dỗ. Thật là một mạc khải bất ngờ, đáng ngạc nhiên và rất lý thú, đồng thời cũng là điều an ủi chúng ta, tạo động lực cho chúng ta thắng những cơn cám dỗ xảy đến.

Ðức Giêsu là Thiên Chúa mà cũng bị cám dỗ, nên chúng ta vốn là người phàm, nếu có bị cám dỗ, dù nặng nề tới đâu, cũng là chuyện dễ hiểu. Ðiều đó có nghĩa: đã là con người thì đều bị cám dỗ. Và sự kiện Ðức Giêsu bị cám dỗ chứng tỏ Ngài đích thực là con người y như chúng ta

Kinh Thánh cho biết Ngài cũng là con người yếu đuối như chúng ta, nhờ vậy Ngài rất thông cảm với sự yếu đuối cũng như tội lỗi của chúng ta: «Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội» (Dt 4,15). Qua câu Kinh Thánh trên, ta lại được biết rằng tuy bị cám dỗ như ta, nhưng Ngài khác với ta ở chỗ không hề phạm tội, nghĩa là Ngài đã luôn luôn thắng mọi cơn cám dỗ, không bao giờ sa ngã.



2.  Tội lỗi có thể là sự chọn lựa SAI giữa hai điều tốt

Thiên Chúa đã chấp nhận để cho chúng ta −kể cả Ðức Giêsu− bị cám dỗ. Ðiều đó cho thấy bị cám dỗ không phải là một điều xấu. Trái lại có thể đó là một điều cần thiết. Thật vậy, bị cám dỗ là một dịp để ta chứng tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân, và sự vâng phục của ta đối với Ngài. Vì một người không thể chứng tỏ rằng mình yêu mến, vâng phục. nếu không hề bị thử thách, nghĩa là chưa có cơ hội để không vâng lời, không yêu mến. «Lửa thử vàng, gian nan thử người công chính» (Cn 17,3), «Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?» (Nguyễn công Trứ).

Khi bị cám dỗ, có khi ta phải chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu. Ðiều này thường xảy ra cho người có tâm linh còn non yếu, để họ có dịp chứng tỏ họ đứng hẳn về phía tốt. Còn những người đã lên tới những bậc thang tâm linh cao, thì khi bị cám dỗ, họ thường phải lựa chọn giữa hai điều đều là tốt cả, nhưng lương tâm buộc họ phải chọn điều tốt hơn, để chứng tỏ sự quyết tâm tiến tới trọn hảo. 

Chẳng hạn trong cơn cám dỗ đầu tiên của Ðức Giêsu, việc biến đá thành bánh để ăn khi đói chẳng có gì là xấu. Trái lại, ăn khi đói còn là một điều cần thiết để sống còn. Sớm muộn gì thì Ngài cũng phải ăn để sống, nhưng có thể lúc đó chưa tới thời hạn ăn như Ngài đã quyết định từ đầu. Như vậy Ngài phải chọn lựa giữa hai điều đều là tốt cả: một là thỏa mãn nhu cầu ăn để sống, hai là tự chủ để thực hiện đúng điều mình đã quyết định từ trước về thời hạn nhịn ăn khi mà nhịn thêm ít lâu nữa cũng chẳng hại gì. Quyết định nào cũng đều chứng tỏ lập trường của mình là đã coi trọng cái nào hơn cái nào.

Nhờ có hai đối tượng phải lựa chọn mà ta chứng tỏ được ta quí đến mức độ nào cái giá trị mà ta chọn lựa. Nếu phải lựa chọn một viên kim cương khá to với một lượng vàng, chắc chắn ai cũng chọn viên kim cương, và sự lựa chọn ấy không chứng tỏ được giá trị đích thực của viên kim cương. Nhưng nếu phải lựa chọn giữa 100 lượng vàng với viên kim cương, mà ta chọn viên kim cương, thì chứng tỏ ta đã coi viên kim cương có giá trị hơn số vàng ấy (đương nhiên có người chọn khác ta)

Thiên Chúa cũng muốn ta chứng tỏ rằng ta coi tình yêu của Ngài giá trị hơn nhà cửa, ruộng vườn, của cải, thậm chí hơn cả anh em, cha mẹ, vợ con của ta, bằng cách tạo dịp để ta lựa chọn giữa Ngài và những giá trị ấy. Và đó chính là sự cám dỗ dành cho những người tương đối tốt.



3.  Những nhu cầu chính đáng trong những cơn cám dỗ

Trong ba cơn cám dỗ của Ðức Giêsu, ta thấy những cơn cám dỗ luôn luôn dựa trên những nhu cầu và giá trị hết sức thực tế và chính đáng của đời sống con người. Những cơn cám dỗ luôn luôn đặt ta giữa hai loại giá trị: một là những giá trị hết sức thực tế của đời sống, hai là những giá trị tâm linh (tình yêu đối với Thiên Chúa, với tha nhân, chân lý, công lý, lý tưởng, v.v.). Nhờ đó ta có dịp chứng tỏ ta coi trọng giá trị nào hơn

Sau đây là những nhu cầu thực tế của đời sống được dùng trong những cơn cám dỗ:

a. Ứng với cám dỗ thứ nhất của Ðức Giêsu là nhu cầu sự sống (sự an toàn bản thân, ăn uống, tình dục, sự thoải mái, giàu sang): Sự sống là một giá trị rất lớn Thiên Chúa ban cho ta, ta có nhiệm vụ quí trọng và bảo vệ nó, nhưng không phải là với bất cứ giá nào. Có những giá trị còn cao hơn sự sống. Chẳng hạn giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và chính sự sống mình, các thánh tử đạo xưa đã chọn tình yêu Thiên Chúa và sẵn sàng chấp nhận cái chết. 

Trong cuộc đấu tranh cho công lý, chống áp bức bất công, những người đấu tranh như Martin Luther King (Mỹ da đen), ÐGM Oscar Romero (Salvador), LM Jerzy Popieluszko (Ba Lan) đã coi công lý, tình yêu đối với người nghèo, người bị áp bức hơn sự an toàn bản thân, thậm chí hơn cả mạng sống. Chắc chắn họ cũng rất quí sự sống và sự an toàn bản thân, nghĩa là cũng sợ chết, sợ bị tra tấn, phiền nhiễu. Nhiều khi họ bị cám dỗ chọn lựa sự sống, sự an toàn bản thân hơn những giá trị kia. Nhưng lựa chọn cuối cùng và dứt khoát của họ là công lý xã hội và tình thương đối với với những kẻ bị áp bức. 

Ngược lại, ta cũng thấy có biết bao người vì muốn được an toàn bản thân, muốn bảo vệ nồi cơm hay sự thoải mái đang có được của mình, của gia đình mình, mà sẵn sàng câm lặng trước bất công, sẵn sàng đồng lõa hoặc làm tay sai cho những thế lực gây bất công. Họ đã quí sự sống và nồi cơm, địa vị của họ hơn công lý.

b. Ứng với cám dỗ thứ hai của của Ðức Giêsu là nhu cầu phình to bản ngã (muốn được nổi danh, được nể phục, được coi là quan trọng, được khen tặng, được thỏa mãn tự ái và tính kiêu ngạo): Ai cũng cho cái tôi của mình là quan trọng, muốn mình là cái rốn của vũ trụ, và không muốn bị ai xúc phạm. Trong một chừng mực nào đó, thì điều đó là tốt, nhờ đó mới phát sinh lòng tự trọng, giữ uy tín, muốn thăng tiến, v.v. Nhưng vượt quá chừng mực đó thì trở thành điều xấu. Nói chung, danh thơm tiếng tốt, uy tín, sĩ diện. đều là những giá trị hết sức cao quí, đến nỗi Nguyễn công Trứ để phải thốt lên: «Ðã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông», hoặc «Không công danh thà nát với cỏ cây», «Trót sinh ra thì phải có chi chi, chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu»

So với những loại giá trị bình thường, ta nên coi danh dự, công danh của mình cao hơn. Vì không coi trọng danh dự, uy tín, ta sẽ bị coi là tiểu nhân. Nhưng vẫn có những giá trị cao hơn công danh, uy tín, đó là những giá trị tâm linh như đã nói trên. Nếu để thăng tiến, phát triển bản thân mà ta phải đối xử thiếu tình người, phải hạ kẻ khác xuống, coi người khác là công cụ, là bàn đạp, là vật hy sinh cho mình, sẵn sàng đội trên đạp dưới, thì có nghĩa là ta đã coi những giá trị ấy cao hơn công lý và tình thương. Tội lỗi phát sinh từ sự lựa chọn sai trái ấy.

c. Ứng với cám dỗ thứ ba của của Ðức Giêsu là nhu cầu thống trị (thích quyền lực, thích làm chủ để điều khiển, muốn mọi sự phải xẩy ra theo ý mình): đây cũng là một nhu cầu rất lớn trong tâm lý con người. Ai cũng thích người khác chiều ý mình, thích áp đặt ý mình lên người khác. Quyền lực cũng là một giá trị. Trong xã hội, cần phải có những người có quyền lực, có quyền ép buộc người khác làm theo lệnh mình. Nhưng quyền lực ấy là để phục vụ xã hội, để tạo an ninh, trật tự và công lý trong xã hội, làm xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Quyền lực này có thể đạt được một cách chính đáng bằng tài năng và đức độ của mình nhằm phục vụ xã hội. Nhưng cũng có thể đạt được bằng những phương tiện không chính đáng nhằm được hưởng những đặc quyền đặc lợi trong xã hội chứ không phải để phục vụ. 

Người sử dụng quyền lực luôn luôn phải lựa chọn giữa hai giá trị: lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Nếu hành động vì lợi ích tập thể thì là thánh thiện, nếu chỉ vì lợi ích cá nhân thì là tội lỗi.

Thiên Chúa luôn luôn muốn chúng ta đặt nặng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân trên hết mọi sự, mọi giá trị: «Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ» (Mc 12,33). Chính trong những cơn cám dỗ, chúng ta mới có dịp chứng tỏ lòng yêu mến ấy của chúng ta.



CẦU NGUYỆN

Chúa nói với tôi: Những cám dỗ xảy đến với con là do thánh ý của Cha. Cha muốn con có dịp chứng tỏ tình yêu của con đối với Cha, và đối với những giá trị tâm linh mà Cha hằng yêu quí, như Công Lý, Tình Thương và Lòng Thành Thật (Mt 23,23). Nếu con yêu mến Cha thật sự, con phải chứng tỏ được tình yêu ấy trong những cơn thử thách ấy. Sự thành công hay thất bại trong những cơn cám dỗ ấy giúp con xác định được tình yêu của con đối với Cha như thế nào, nó giúp con hiểu biết chính con hơn

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây 

()


Tuesday, February 25, 2020

Lễ Tro 1 - Ăn chay cách đẹp lòng Thiên Chúa chủ yếu hệ tại tâm tình yêu thương ở bên trong tâm hồn




CHIA SẺ TIN MỪNG

Thứ Tư Lễ Tro

(26-02-2020)


Ăn chay cách đẹp lòng Thiên Chúa
chủ yếu hệ tại tâm tình yêu thương
ở bên trong tâm hồn

ĐỌC LỜI CHÚA

  Ge 2,12-18: (12) Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: «Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van». (13) Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.

  2Cr 5,20–6,2: (20) Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa(21) Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.


  TIN MỪNG: Mt 6,1-6.16-18

Bố thí cách kín đáo

(1) «Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Cầu nguyện nơi kín đáo

(5) «Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.


Ăn chay cách kín đáo

(16) «Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Trong các tôn giáo, đặc biệt trong Kitô giáo, ăn chay có những ý nghĩa và tác dụng nào? 
2.   Ăn chay như thế nào mới đẹp lòng Thiên Chúa? Mới đem lại ích lợi đích thực cho tâm linh ta? Hình thức ăn chay và tinh thần chay tịnh, cái nào quan trọng hơn? 
3.   Tại sao nên ăn chay và cầu nguyện một cách kín đáo?

Suy tư gợi ý:

1.  Ăn chay trong đời sống tâm linh và tôn giáo

Bất kỳ tôn giáo nào cũng đề cao việc ăn chay và cầu nguyện, vì ăn chay và cầu nguyện có nhiều tác dụng tốt đẹp về mặt tâm linh.

a. Trước hết, ăn chay -thường đi đôi với hãm mình- là để tỏ lòng thống hối và đền tội, làm hòa với Thiên Chúa, quyết tâm trở về với đường ngay nẻo chính, với công lý và tình thương. Câu chuyện thành Ninivê là một điển hình (x. Gn 3,1-10). Ðây là một thành phố tội lỗi, Thiên Chúa dự định trừng phạt bằng cách phá hủy thành. Dân thành biết vậy nên đồng lòng ăn chay và quyết tâm thống hối. Vì thế, Thiên Chúa đã hủy bỏ dự định phá hủy thành ấy.

b. Ăn chay - phối hợp với những việc thực thi công bình và bác ái - là một cách thể hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, muốn chia sẻ những nỗi thống khổ mà Ðức Giêsu hay người nghèo, người bị áp bức phải chịu. Ðây là một việc làm rất đẹp lòng Thiên Chúa. Người ăn chay nên dùng tiền tiết kiệm được do việc ăn chay để thực hành đức ái: giúp đỡ người nghèo túng, ủng hộ những việc làm từ thiện, những công trình cải thiện xã hội hoặc Giáo Hội.

c. Ăn chay - phối hợp với cầu nguyện, tĩnh tâm, chiêm niệm - để có một sức mạnh tâm linh. Khi ăn chay, ta phải chống lại sự đòi hỏi của bản năng thèm ăn, nhờ đó sự tự chủ lên cao, sức mạnh tâm linh cũng tăng lên. Ăn chay cũng lôi kéo ơn Chúa và sức mạnh thần linh xuống trên ta. Nhờ đó ta có thể thực hiện những việc làm hay những tiến bộ về tâm linh. Ðiều đó được Ðức Giêsu đề cập đến qua câu nói: «Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện» (Mt 17,21). Vì để trừ quỉ, cần có một sức mạnh tâm linh rất cao, tức sự thánh thiện, và để đạt được sức mạnh ấy, ăn chay cầu nguyện là một phương cách hữu hiệu.

Chính Ðức Giêsu đã ăn chay 40 đêm ngày trước khi bắt đầu cuộc đời công khai của mình. Ðó là một mẫu gương cho ta: khi bắt đầu thực hiện hay quyết định một việc gì quan trọng về tâm linh, ta nên ăn chay và cầu nguyện để được nhiều ơn Chúa hầu quyết định sáng suốt và thực hiện công việc có hiệu quả.



2.  Tinh thần chay tịnh

Cốt yếu của việc ăn chay không nằm trong việc nhịn ăn, kiêng ăn hay ăn ít đi, mà nằm trong tinh thần mà việc ăn chay muốn biểu lộ. Ăn chay chỉ là một hình thức cụ thể để biểu lộ tâm tình bên trong: thống hối, muốn đền tội, quyết tâm trở về với Thiên Chúa, hay muốn thể hiện tinh thần bác ái, thông cảm với những người đau khổ, hay muốn tăng cường sức mạnh tâm linh. Nếu không có những tâm tình bên trong ấy làm nội dung, thì việc ăn chay chỉ là một hình thức trống rỗng, không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Ngôn sứ Giêrêmia cho biết Thiên Chúa không đoái hoài đến việc ăn chay theo kiểu thuần hình thức ấy: «Chúng có ăn chay, cầu khẩn, Ta cũng chẳng thèm nghe tiếng; có dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm, Ta cũng chẳng tỏ lòng xót thương» (Gr 14,12).

Như vậy, ăn chay cốt yếu là một việc làm trong nội tâm, không ai thấy được hơn là việc thể hiện ra bên ngoài ai cũng thấy được. Ngôn sứ Giôen trong bài đọc 1 hôm nay cũng nhấn mạnh đến cái cốt tủy bên trong của việc chay tịnh: «Ðừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em» (Ge 2,13). Ðiều quan trọng là trở về với Thiên Chúa hơn là ăn chay bên ngoài.

Ngôn sứ Isaia lại nhấn mạnh đến cốt lõi của việc ăn chay là tinh thần yêu thương và tôn trọng công lý, chứ không phải là hình thức khổ chế bên ngoài: «Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Ðức Chúa? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?» (Is 58,3-7)

Như vậy, ăn chay bằng những việc làm bác ái, bằng việc lên tiếng cho công lý, để đập tan những bất công, để bênh vực kẻ nghèo khổ, sống ngoài lề xã hội, những kẻ bị áp bức, thì thực tế và đẹp lòng Thiên Chúa hơn là việc nhịn ăn một cách hình thức.

Nói như thế không có nghĩa là không cần ăn chay mà chỉ cần đối xử với nhau cho có tình nghĩa, hay chỉ cần thực hiện công lý và bác ái thôi. Thiên Chúa muốn rằng «các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ» (Mt 23,23). Vì hình thức và nội dung phải đi đôi với nhau: hình thức đòi buộc phải có nội dung, nhưng nội dung cũng đòi hỏi phải có hình thức. Vì thế, khi ăn chay, chúng ta vừa nhịn ăn hoặc ăn ít để thực hiện mặt hình thức, mà vừa phải có những tâm tình thâm sâu bên trong, được thể hiện cụ thể bằng việc thực thi công bằng và bác ái để thực hiện mặt nội dung.



3.  Ăn chay và cầu nguyện một mình với Thiên Chúa

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu nhấn mạnh đến sự kín đáo khi ăn chay và cầu nguyện. Ăn chay và cầu nguyện là những hành vi đối thoại với Thiên Chúa, vì thế, nó cần được thực hiện một cách riêng tư, trong thầm lặng với Ngài. Nó củng cố tình thân hay sự thân mật giữa ta với Thiên Chúa. Thật ngược đời và quái dị nếu sự thân mật riêng tư giữa vợ chồng hay bạn bè với nhau lại được phơi bày ra trước mặt mọi người. Cũng vậy, sự thân mật riêng tư giữa ta với Thiên Chúa thì chỉ nên giữa Thiên Chúa với ta biết với nhau, không nên cố ý thực hiện trước công chúng để ai cũng biết. Cố ý ăn chay và cầu nguyện trước mặt mọi người thì đó không còn là sự đối thoại thật sự với Thiên Chúa nữa, mà nó đã bị biến chất thành một hành vi đóng kịch. Như thế có khác gì hai người hôn nhau để người khác chụp hình.

Càng muốn cho mọi người thấy tình yêu riêng tư của mình thì tình yêu ấy chỉ là tình yêu biểu diễn, có vẻ yêu thương, mang nặng tính hình thức và giả dối, chứ không phải tình yêu đích thực. Chỉ những người đạo đức giả mới thích biểu diễn việc ăn chay và cầu nguyện của mình trước mặt người khác (x. Mt 6,1-2).  Trái với tinh thần giả hình ấy, Ðức Giêsu khuyên ta nên cố ý dấu không cho người khác biết mình ăn chay, thậm chí nên đánh lạc hướng để người khác không thể đoán ra hay nghi ngờ mình ăn chay: «Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo» (Mt 6,17-18).




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, hôm nay là ngày mở đầu mùa Chay, Cha muốn con ăn chay trong mùa này như thế nào? Suy gẫm lời của ngôn sứ Isaia, con biết rằng lối ăn chay mà Cha thích nhất nơi con, đó là con biết quan tâm đến hạnh phúc và đau khổ của tha nhân, đến những vấn đề xã hội, đến những người nghèo khổ, người bị áp bức chung quanh con. Cha muốn con ăn chay bằng cách làm một điều gì đó thật cụ thể và thực tế để những người đang đau khổ ấy được hạnh phúc hơn, giảm được phần nào đau khổ của mình. Cha muốn con ăn chay bằng cách nỗ lực làm cho xã hội trở nên công bằng và tốt đẹp hơn, bằng sự lên tiếng, can thiệp, hỗ trợ. trong khả năng của mình. Xin cho con quảng đại và can đảm thực thi tinh thần ăn chay ấy trong mùa chay này, để chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Giêsu, Con Cha trong những tháng sắp tới. Amen.


Lễ Tro 2 - Hãy yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng một tình yêu đích thực




CHIA SẺ TIN MỪNG

Thứ Tư Lễ Tro

(26-02-2020)

Bài đào sâu

Hãy yêu Thiên Chúa và tha nhân
bằng một tình yêu đích thực





  TIN MỪNG: Mt 6,1-6,16-18


Câu hỏi gợi ý:
1.   Khi làm điều gì tốt đẹp mà ta muốn mọi người đều biết, thì mục đích của ta là gì? Như vậy, ta làm điều đó vì ta, hay vì Thiên Chúa? 
2.   Nếu ta làm điều gì tốt đẹp mà ta chỉ muốn một mình Thiên Chúa biết thôi –vì nếu để mọi người biết thì ta không còn công nghiệp gì trước mặt Thiên Chúa– hầu Thiên Chúa trả công cho ta, ân thưởng ta, thì ta làm điều đó là vì ta, hay vì yêu mến Thiên Chúa? 
3.   Người con hiếu thảo với cha mẹ, khi làm điều gì cho cha mẹ, có mong cha mẹ trả công cho mình không? Nếu mong cha mẹ trả công thì ta hành xử có khác gì một người thợ làm thuê không? Cũng vậy, người yêu mến Thiên Chúa thật sự có mong Ngài trả công cho những gì mình làm vì Ngài không?

Suy tư gợi ý:

1.  Hai khuynh hướng tâm lý

Trong đời sống gia đình và xã hội, ai cũng đều đối diện với hai thực tại căn bản này, là «mình» và «người khác». Dựa trên hai thực tại căn bản này, người ta có hai khuynh hướng tâm lý khác nhau:

– Khuynh hướng vị kỷ: coi «cái tôi» của mình là quan trọng, là trên hết, là mục đích cho mọi hoạt động của mình. Vì thế, cũng coi hạnh phúc hay đau khổ của mình, ý kiến hay ước muốn của mình là quan trọng. 

Tính vị kỷ có thể là thô thiển mà cũng có thể rất vi tế. Người vị kỷ cách thô thiển thì ai cũng nhìn vào cũng thấy họ vị kỷ, vì họ chỉ làm những gì trực tiếp có lợi cho họ mà thôi. Còn người vị kỷ cách tinh vi là người dấu kỹ bản tính vị kỷ của mình dưới vẻ bên ngoài vị tha. Người ta thấy họ hy sinh cho người khác khá nhiều, nhưng thật ra nếu có hy sinh cho người khác thì họ cũng đều nhắm sự hy sinh ấy cuối cùng phải có lợi cho mình thì mình mới hy sinh.

– Khuynh hướng vị tha: coi người khác và sự đau khổ hay hạnh phúc của người khác là quan trọng; ngược lại, coi bản thân mình và đau khổ hay hạnh phúc của mình không quan trọng bằng. Vì thế, người có khuynh hướng vị tha sẵn sàng hy sinh cho tha nhân một cách vô vị lợi.



2.  Hai thứ tình yêu

Từ hai khuynh hướng căn bản trên phát sinh hai thứ tình yêu: tình yêu vị kỷtình yêu vị tha.

– Tình yêu vị kỷ là một tình cảm hướng đến người khác nhưng cuối cùng lại quy về chính mình. Người đời, ai cũng bị hấp dẫn bởi những cái hay, cái đẹp, cái có lợi cho mình nơi sự vật hoặc nơi người khác, khiến cho mình thích thưởng thức cái hay, đẹp, có lợi ấy để được vui thú, hạnh phúc hơn. Tình yêu vị kỷ là sự gắn bó với một vật hay một người để có thể thưởng thức cái hay, đẹp, có lợi cho mình nơi vật hay người đó. Chẳng hạn, ta thích tiếng hót của một con chim vì nó làm ta thích thú, quên đi sầu não. Vì thế, ta nuôi nó, trìu mến nó, vì nó có lợi cho ta. Chung quy ta gắn bó với nó cũng vì nhu cầu của hay hạnh phúc của ta. Khi ta yêu một người chỉ vì người ấy đẹp, người ấy dễ thương, vì ở bên người ấy thì ta dễ chịu, thoải mái, và vì người ấy thỏa mãn được một số nhu cầu (tình cảm, kinh tế, v.v…) của ta. Tình yêu đó là một tình yêu vị kỷ.

– Tình yêu vị tha là một sự dấn thân của ý chí tự do hơn là một tình cảm tự nhiên. Nó là sự thúc đẩy của lương tri, của lương tâm khiến ta gắn bó và hy sinh cho một đối tượng nào đó. Đối tượng này có thể không có được những cái hay, cái đẹp, cái có lợi cho ta. Và ta yêu họ không phải chỉ vì những cái hay, cái đẹp, cái có lợi ấy. Thậm chí họ có thể là cái gì bất lợi cho ta, làm hại ta. Ta yêu họ chỉ vì ta nhận thức được họ là hình ảnh hay hiện thân của Thiên Chúa, cũng là «cái tôi nối dài» của ta trong Nhiệm Thể của Thiên Chúa. Sự hy sinh của ta cho họ là vô vị lợi, vì hạnh phúc của họ chứ không phải của ta. Đó mới chính là tình yêu mà Thiên Chúa muốn ta có. Và với tình yêu này thì yêu tha nhân cũng chính là yêu Thiên Chúa.



3.  Hai khuynh hướng đạo đức

Từ hai thực tại căn bản nói trên –là «mình» và «người khác»– và từ hai thứ tình yêu nói trên, phát xuất ra hai khuynh hướng đạo đức khác nhau: đạo đức vị kỷđạo đức vị tha.

– Đạo đức vị kỷ là thứ đạo đức của người có khuynh hướng vị kỷ, và có tình yêu vị kỷ. Mọi việc làm đạo đức của họ đều lấy chính họ làm mục đích. Họ chỉ làm những việc tốt đẹp khi nào việc ấy có lợi cho họ, cho hạnh phúc của họ, hoặc ở đời này hoặc ở đời sau. Họ phải «yêu Chúa», «yêu tha nhân» –tạm gọi như vậy– vì luật Chúa đòi hỏi như vậy: nếu không yêu Chúa, không yêu tha nhân thì không được lên thiên đàng. Làm việc gì thì họ cũng đều phải nghĩ đến chuyện Chúa sẽ trả công bội hậu cho công việc ấy, ở đời này hoặc đời sau. Nếu Chúa mà không trả công thì làm làm gì cho mệt? Đó là những người đạo đức vị kỷ kiểu vi tế.

Còn những người đạo đức vị kỷ kiểu thô thiển thì họ thực tế hơn nhiều, họ không nhắm Chúa trả công cho bằng được người khác hay được mọi người «trả công». Chẳng hạn khi làm một việc tốt lành nào thì họ muốn mọi người đều biết để khen ngợi, nể phục họ, để họ được tiếng là thánh thiện, đạo đức, tốt lành, nhân hậu, biết thương người, v.v… Nhờ vậy, họ có uy tín trước mặt người đời, được mọi người trọng vọng, và có thể vì thế mà họ được nhiều cái lợi khác về mặt xã hội: làm ăn dễ dàng hơn, dễ thăng quan tiến chức, dễ có những địa vị cao ngoài xã hội, trong Giáo Hội. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mô tả thứ đạo đức này và khuyên ta nên vượt lên trên.

Tóm lại, người đạo đức vị kỷ kiểu thô thiển hay vi tế, trong các hoạt động của họ, đều không thể có một động lực nào khác hơn lợi ích của chính bản thân họ.

– Đạo đức vị tha là thứ đạo đức của người có khuynh hướng vị tha và có tình yêu vị tha. Họ yêu Chúa là vì Chúa, yêu tha nhân là vì tha nhân, không cần một sự trả công hay phần thưởng nào cho những hy sinh hay hoạt động của họ, cho dù ở đời này hay đời sau. Tình yêu tự nó là động lực duy nhất thúc đẩy họ làm tất cả cho người mình yêu. Họ đúng là người thật sự quên mình, từ bỏ mình như Đức Giêsu đòi buộc đối với những ai theo Ngài (x. Mt 16,24). Tuy dù họ không làm vì ích lợi cho họ, nhưng họ chính là người có khả năng hy sinh nhiều nhất cho Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, tuy dù họ chẳng cần một phần thưởng hay sự trả công nào cả, nhưng họ mới chính là những người đáng thưởng nhất, và phần thưởng dành cho họ sẽ là bội hậu nhất. Vì họ mới chính là người yêu thật sự.

Hôm nay chúng ta bước vào mùa Chay, thiết tưởng đây là thời điểm thuận tiện nhất để ta sám hối, để ta suy nghĩ về tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Hãy nghiêm túc phản tỉnh, hồi tâm, xét lại xem tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân có đích thực là tình yêu hay không? Hay đó chỉ là một tình yêu giả hiệu, tình yêu vị kỷ: có vẻ như ta yêu Thiên Chúa và tha nhân, nhưng thực ra là ta chỉ yêu chính bản thân ta thôi. Và đạo đức của ta là thứ đạo đức gì? Đạo đức vị kỷ hay đạo đức vị tha? Muốn biết được tình yêu và đạo đức của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân có đích thực hay không, khi làm điều gì tốt đẹp, hãy tự hỏi: Nếu tôi làm việc tốt lành này mà không ai biết tới, mà Thiên Chúa không trả công cho tôi, thì tôi có còn muốn làm hay không?




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, yêu Cha và yêu tha nhân bằng một tình yêu đúng nghĩa thật là khó. Hồi tâm phản tỉnh lại, con nhận ra rằng tình yêu con dành cho Cha và tha nhân chỉ là thứ tình yêu vị kỷ. Nghĩa là xét cho cùng, con chỉ yêu bản thân con thôi, chứ chưa thật sự yêu Cha và yêu tha nhân chung quanh con. Và thứ đạo đức con đang có chỉ là thứ đạo đức vị kỷ. Nhưng con thường nghe được tiếng Cha mời gọi con yêu thương bằng một tình yêu đích thực, vị tha, như tình yêu mà Cha yêu thương con, yêu thương nhân loại. Con biết rằng chỉ khi con yêu được như vậy, con mới trở nên hình ảnh trung thực của Cha.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để đọc bài đào sâu:

(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2020/02/le-tro-2.html)