Sunday, January 19, 2020

TN3b - Ðức Giêsu xuống trần để làm một cuộc đại canh tân và cách mạng về tôn giáo




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Thường Niên

(26-01-2020)

Bài đào sâu

Ðức Giêsu xuống trần
để làm một cuộc đại canh tân
và cách mạng về tôn giáo


  TIN MỪNG: Mt 4,12-23

Ðức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Theo bài Tin Mừng hôm nay, thì Galilê là vùng đất của dân ngoại, thế nhưng Ðức Giêsu lại sinh trưởng và xuất thân từ vùng này. Các môn đệ của Ngài cũng thế. Ðiều đó có ý nghĩa gì không? Tại sao Ngài không sinh trưởng ở vùng đất của dân có đạo như Giuđê (Giêrusalem)? 
2. Tại sao để canh tân tôn giáo, Ðức Giêsu không chọn các môn đệ là người có học thức, hay có nhiều hiểu biết về tôn giáo như các kinh sư, Pharisiêu, mà lại chọn những người ít học, đơn sơ, nghèo nàn, nhút nhát? 
3. Các môn đệ có những đặc điểm nào mà Ðức Giêsu lại thích chọn họ hơn là các kinh sư? Có thể rút ra bài học gì cho chính bạn?

Suy tư gợi ý:

1.  Ðức Giêsu đến để canh tân lại đạo Do Thái

Vào thời Ðức Giêsu, đạo Do Thái chỉ còn là cái vỏ bên ngoài, bên trong thì trống rỗng. Các tín hữu chỉ còn giữ đạo một cách hình thức. Họ đặt quá nặng việc tham dự những lễ nghi tôn giáo, những vẻ thấy được bên ngoài. Vì thế, lễ nghi thì ngày càng rườm rà, càng gia tăng vẻ long trọng, luật lệ ngày càng nhiều, càng phức tạp và gây nên lắm phiền hà, các cơ sở vật chất cũng gia tăng. Còn tinh thần bên trong tức kính sợ Thiên Chúa và yêu thương đồng loại là hai điều răn lớn nhất trong lề luật (xem Mt 22,35-40) thì bị coi nhẹ. Và công lý, tình thương và sự chân thật là yếu tố cốt tủy nhất của tôn giáo thì bị xem thường  (xem Mt 23,23)

Trong Tin Mừng Matthêu đoạn 23, Đức Giêsu mô tả những người Pharisêu, những người giảng dạy tôn giáo thời ấy chỉ còn là những người thích ăn trên ngồi trốc, hưởng thụ những đặc quyền đặc lợi mà luật lệ tôn giáo đã dành cho (x. Mt 23,6-7), nhiều khi lại cấu kết với thế quyền để đàn áp bóc lột dân chúng (x. Mt 23,14). Họ dạy người khác làm những điều tốt đẹp mà chính họ lại không chịu làm (23,3). Nhiều khi họ không biết cái nào là cái chính cái nào là cái phụ trong tôn giáo (23,16-22) để dạy người ta giữ: nên cái chính yếu thì bị coi nhẹ, còn cái phụ thì lại được quan trọng hóa lên. Vì thế, họ trở thành những kẻ dẫn đường mù quáng (23,24), mù lại dắt mù (Lc 6,39).

Thế nên sứ mạng của Ðức Giêsu là đến để làm một cuộc đại canh tân và cách mạng về tôn giáo. Có thể nói Ngài lập nên một đạo mới trên chính nền tảng của đạo cũ, hoặc Ngài đưa vào đạo cũ một tinh thần mới

Ðiều này khiến ta phải tự hỏi: tình trạng sống đạo của người Kitô hữu hiện nay có cần canh tân hay cách mạng như thế không? Và ai có nhiệm vụ ấy?



2.  Nơi xuất xứ và cộng sự viên của Ðức Giêsu trong việc canh tân và cách mạng của Ngài

Là một nhà cách mạng tôn giáo, nhưng Ðức Giêsu lại xuất thân từ Nadarét, thuộc vùng Galilê (miền Bắc) là miền đất của dân ngoại (x. Mt 4,15b), chứ Ngài không sống ở vùng Giuđê (miền Nam) là vùng của Do thái giáo với kinh đô và đền thờ Giêrusalem. Vì thế, Ðức Giêsu được gọi là người Galilê (x. Mt 21,10; 26,69; Lc 23,6; 26,59; Mt 21,11). 

Theo quan niệm của dân chúng thì Galilê chẳng phát sinh được điều gì đáng giá: «Kẻ nói rằng: “Ông này là Ðấng Kitô”. Nhưng có kẻ lại nói: “Ðấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? (42) Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít và từ Bêlem, làng của vua Ðavít sao?”» (Ga 7,41-42). Khi ông Nicôđêmô cho rằng Đức Giêsu là một ngôn sứ, thì bị người Pharisêu phản bác: «Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả» (Ga 7,52).

Các môn đệ mà Ngài chọn để làm cộng sự viên với Ngài trong cuộc canh tân này, cũng không phải là người Giuđê mà đều là người Galilê. Các ông là những ngư dân ít học, mặc dù theo đạo Do Thái, nhưng biết rất ít những kiến thức tôn giáo. Ngài không chọn làm môn đệ những người thuộc giới kinh sư hay luật sĩ của Do Thái giáo, là những người có rất nhiều kiến thức tôn giáo. Cách lựa chọn môn đệ của Ngài đáng cho chúng ta suy nghĩ. Tại sao Ngài không chọn các kinh sư giỏi giang làm môn đệ? (trừ Phaolô − được chọn sau này làm tông đồ thay thế Giuđa − là một kinh sư).


Ðể làm một cuộc canh tân, Thiên Chúa đã dùng những yếu tố hầu như hoàn toàn mới, vì «không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!» (Mc 2,22). Làm sao có thể đổi mới tôn giáo được với những con người cũ, có những quan niệm cũ, nề nếp suy tư cũ, lối sống cũ với nhiều sai lạc mà họ vẫn cố chấp cho là chân lý không thể thay đổi được? Bằng chứng: cho tới ngày nay, Ðức Giêsu đến đã 20 thế kỷ rồi, nhưng đạo Do Thái vẫn còn đang trông chờ một Ðấng Cứu Tinh!

Ðức Giêsu đến đã làm thay đổi rất nhiều: tinh thần mới, quan niệm mới, lề luật mới, cơ cấu mới, v.v. Sự thay đổi này đã gây nên một sự phản kháng mạnh mẽ nơi giới trí thức, giới lãnh đạo trong Do Thái giáo. Chắc chắn họ có lý của họ, và cái lý ấy cũng dựa rất chắc chắn trên nền tảng Kinh Thánh! Ðiều đó cho thấy không phải cứ có lý, có nền tảng Kinh Thánh là đủ, mà còn phải có tinh thần của Thiên Chúa, tức công lý, tình thương và sự chân thật (Mt 23,23), và nhất là tinh thần phó thác và đổi mới theo Thánh Linh, Ðấng luôn luôn đổi mới mọi sự (x. Tv 104,30; Ep 4,23; Kh 21,5).

Cuộc canh tân của Ðức Giêsu phải được xây dựng trên những yếu tố mới mẻ, không thể dính líu nhiều với đạo cũ. Ðiều này khiến cho những ai thường tự hào mình là đạo gốc phải suy nghĩ. Là người đạo gốc mà cách sống đạo chẳng có gốc (=chẳng có nền tảng) là công lý, tình thương và sự chân thật (Mt 23,23) thì thật đáng xấu hổ!



3.  Thiên Chúa cần những người cộng tác

Ðức Giêsu không thực hiện cuộc canh tân tôn giáo một mình, Ngài cần rất nhiều người cộng tác. Người cộng tác ấy không nhất thiết phải là người có học, thông minh, nhiều tài năng, hiểu biết nhiều về Kinh Thánh, hay có quyền thế, v.v… Các môn đệ mà Ngài tuyển chọn chẳng phải là hạng trí thức. Sách Công vụ viết: «Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân» (Cv 4,13). Chính Ðức Giêsu cũng chẳng phải là người có học. Thật vậy, Tin Mừng Gioan có câu nói về Đức Giêsu: «Người Dothái lấy làm ngạc nhiên. Họ nói: "Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!» (Ga 7,15). Về đức độ, các môn đệ cũng chẳng phải là hơn người: khi Ðức Giêsu bị bắt, tất cả các ông đều bỏ trốn, để mặc Ngài chịu trận một mình, Phêrô thậm chí còn chối phắt Thầy mình. So với các anh hùng của dân tộc ta (như Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Huệ) thì các ông thua xa.

Ðiều Ngài cần nơi những người cộng tác với Ngài là: mau mắn, không chần chừ tính toán. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: vừa được Ðức Giêsu mời gọi, thì Phêrô và Anrê lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Giacôbê và Gioan cũng vậy: «lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người» (Mt 4,20). Sự mau mắn, không chần chừ tính toán được Mátthêu diễn tả bằng hai chữ «lập tức». Nó đòi hỏi phải có một chút liều lĩnh, phó thác, tin tưởng vào Ðức Giêsu. Chính nhờ những đức tính này mà khi được Thánh Thần tác động, các ông trở nên có đủ mọi thứ đức tính, mọi thứ tài năng hơn người. Từ những con người chết nhát, các ông đã trở nên những tông đồ can đảm, luôn luôn mạnh dạn làm chứng cho Ðức Giêsu, không chút sợ hãi (xem Cv 4,29.31; 9,27-28; 18,26; 19,8; 28,31).

Ngày nay, để canh tân Giáo Hội, Ðức Giêsu vẫn tiếp tục cần rất nhiều người cộng tác với Ngài. Ngài luôn luôn mời gọi tất cả mọi Kitô hữu làm điều ấy. Bạn có nghe thấy tiếng Ngài mời gọi trong thẳm sâu tâm hồn không? Bạn đáp lại thế nào? Bạn lập tức chấp nhận, hay còn phải suy nghĩ xem mình có đủ khả năng, có đủ thì giờ, có đủ đức độ không? 

Nếu bạn có đủ khả năng, đủ thì giờ, đủ đức độ như các kinh sư Do Thái xưa, thì chắc hẳn Ngài đã chẳng kêu gọi bạn đâu, vì bạn sẽ cậy vào sức riêng bạn, chứ không thèm nhờ cậy vào Ngài nữa! Chính vì biết bạn thiếu tất cả những thứ ấy Ngài mới kêu gọi bạn, như đã từng kêu gọi các tông đồ xưa. Ðiều quan trọng khi đi theo Ngài là bạn phải biết rằng bạn thiếu những thứ ấy để bạn khiêm nhường cậy dựa vào sức của Ngài, chứ không phải sức của mình. 

Bạn không nghe thấy Ngài cầu nguyện với Cha Ngài như vầy sao? «Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha» (Mt 11,25). Ðiều lạ lùng và hết sức nghịch lý nhưng lại là thực tế, đó là ta sẽ làm được tất cả khi thật tình nghĩ rằng «không có Thầy, anh em chẳng làm gì được» (Ga 15,5), nhưng «tôi có thể làm được tất cả nhờ Ðấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13), vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37).

Vậy, nếu nghe thấy Ngài mời gọi bạn cộng tác với Ngài, bạn nên mau mắn chấp nhận. Chính nhờ sự mau mắn này, bạn −cũng như các tông đồ xưa− sẽ được biến đổi để làm được tất cả những gì Ngài mong muốn.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nếu cần con cộng tác với Cha trong bất kỳ việc gì, thì đây con sẵn sàng, mặc dù con chẳng tài đức gì. Con chỉ muốn bắt chước các tông đồ xưa, nghe Ðức Giêsu kêu gọi, là lập tức bỏ tất cả mà đi theo, không suy nghĩ, đắn đo, tính toán. Xin ban cho con tinh thần tin tưởng và phó thác nơi quyền năng vô biên của Cha trong mọi sự. Amen.


TN3a - Chúa luôn chúc phúc và nâng cao những ai khiêm nhường sám hối




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Thường Niên

(26-01-2020)


Chúa luôn chúc phúc và nâng cao
những ai khiêm nhường sám hối



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 8,23b–9,3: (8:23) Thời đầu, Người đã hạ nhục đất Dơvulun và đất Náptali, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Giođan, vùng đất của dân ngoại.

  1Cr 1,10-13.17: (12) Tôi thấy trong anh em có những luận điệu như: «Tôi thuộc về Phaolô, tôi thuộc về Apôlô, tôi thuộc về Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô». (13) Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?

  TIN MỪNG: Mt 4,12-23

Đức Giêsu khởi đầu rao giảng tại Galilê

(12) Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. (13) Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, (14) để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: (15) Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! (16) Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. (17) Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: «Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần».

(18) Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. (19) Người bảo các ông : Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. (20) Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (21) Ði một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. (22) Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.


(23) Thế rồi Ðức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Thiên Chúa lại muốn Đức Giêsu xuất thân tại xứ Galilê, là «miền đất của dân ngoại» (Mt 4,15), chứ không xuất thân ở xứ Giuđa là miền đông dân theo đạo Do Thái?

2. Tại sao tôn giáo của Tân ước mà Đức Giêsu thiết lập lại chủ yếu do dân ngoại gia nhập, còn người Do Thái giáo lại gia nhập rất ít? Liệu người Kitô hữu hiện nay có đi vào vết xe cũ đã đổ của dân Do Thái giáo xưa không?

3. Người đang được Thiên Chúa ưu đãi, nâng đỡ, cần có thái độ nào để Thiên Chúa vẫn tiếp tục ưu đãi và nâng đỡ?


Suy tư gợi ý:

1.  Xứ Galilê được chọn làm nơi xuất thân Đấng Cứu Thế

Nước Do Thái có ba miền: Galilê (miền bắc), Samari (miền trung)Giuđa (miền nam). Thủ đô tôn giáo của Do Thái giáo là Giêrusalem thuộc xứ Giuđa, xứ này là vùng đông người có đạo Do Thái nhất. Xứ Samari là miền tạp chủng, tuy theo đạo Do Thái, nhưng đạo này bị pha trộn với tôn giáo của dân ngoại, nghĩa là mang tính lạc giáo, nên bị người Giuđa khinh thường và coi như dân ngoại. Còn xứ Galilê là miền đất của dân ngoại –vì đa số dân chúng là ngoại đạo– như được nói trong bài Tin Mừng: «Hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại» (Mt 4,15). Galilê «thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali», là vùng đất bị Thiên Chúa nguyền rủa vì trong quá khứ, dân đã phạm một lầm lỗi nặng nề nào đó (x. Is 8,23b)

Thế mà Đức Giêsu lại là người Nadarét thuộc xứ Galilê, Ngài sinh trưởng và xuất thân từ đó. Các tông đồ mà Ngài tuyển chọn, tất cả đều là người dân Galilê. Đến đây, ta phải tự hỏi: tại sao Thiên Chúa không để Đức Giêsu và các tông đồ của Ngài xuất thân ở vùng đất Giuđa là vùng của đạo Do Thái, mà lại xuất thân từ vùng Galilê là vùng của dân ngoại?

Quả thật, việc làm của Thiên Chúa không mấy ai hiểu được: «Dù lãnh thổ Dơvulun và Náptali sắp bị Chúa đoán phạt, nhưng trong tương lai chính các lãnh thổ đó tức là vùng Galilê và bắc Giôđan, trên con đường ra biển sẽ đầy dẫy vinh quang» (Is 9,1; x. 8,23b). Đúng là «Người nâng ai lên hay hạ ai xuống đều tuỳ ý Ngài» (Đn 5,19; x. Tv 147,6; Hc 33,12; Ed 17,24; Ed 21,31). Đương nhiên không phải Ngài nâng cao hay hạ thấp một cách tùy tiện theo ý ngông của Ngài, mà theo tiêu chuẩn này: «Chúa hạ bệ những ai quyền thế, kiêu căng; Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường» (Lc 1,52). Do biết khiêm nhường sám hối, vùng Caphácnaum (thuộc miền Galilê) đang được Thiên Chúa chúc phúc và nâng lên. Nhưng khi được nâng lên, dân này lại sinh ra kiêu căng và tự hào, nên Đức Giêsu mới cảnh báo: «Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!» (Lc 10,15).

Cũng vậy, dân Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Ngài, đó là điều thật hạnh phúc cho họ. Nhưng thay vì sống theo giới luật hay tinh thần của Ngài để xứng đáng với ân huệ đặc biệt đó, họ lại lên mặt và khinh chê dân ngoại. Vì thế, khi Đấng Cứu Thế đến, Thiên Chúa đã không để cho vùng Giuđa −vùng đông người có đạo nhất– được vinh dự là nơi xuất thân của Đấng Cứu Thế. 

Mang danh là tuyển dân của Thiên Chúa, tuy vẫn giữ đúng những tập tục tôn giáo Ngài truyền lại qua Môsê, nhưng họ chỉ thực hiện một cách hoàn toàn hình thức, thiếu tình yêu và lòng thành bên trong, họ đã trở nên nguội lạnh và gian ác. Bằng chứng là khi Đấng Cứu Thế đến, họ đã bách hại Ngài ngay khi Ngài sinh ra, và còn tiếp tục bách hại và giết chết Ngài khi Ngài xuất hiện ở tuổi trưởng thành. Vì thế, Thiên Chúa đã hạ bệ họ: «Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy; bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen» (Tv 147,6). Thật vậy, đến năm 70, Thiên Chúa đã khiến cho Giêrusalem, kinh đô của Do Thái giáo, trở thành «không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, vì đã không nhận biết thời giờ họ được Thiên Chúa viếng thăm» (Lc 19,44). Và dân Do Thái đã mất nước từ đó –suốt 19 thế kỷ– cho đến khi lập quốc trở lại vào năm 1947. Lập quốc trở lại mà vẫn phải chịu đựng chiến tranh liên miên. 

Về mặt tôn giáo, Thiên Chúa đã lập nên một Giáo Hội mới mà chủ yếu do dân ngoại gia nhập, còn người Do Thái thì chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ bé trong Giáo Hội mới ấy. Sự việc đã xảy ra đúng như tinh thần dụ ngôn người thợ vườn nho sát nhân (Mt 21,33-46) và dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22,1-14) của Đức Giêsu.



2.  Bài học cho mỗi người chúng ta

Những sự kiện nêu trên đáng cho chúng ta suy nghĩ và rút ra bài học. Rất có thể chúng ta đang được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, được ưu đãi hơn rất nhiều người khác. Nhưng thay vì ta biết ơn Ngài và sống cho xứng đáng với ơn ấy, thì chúng ta lại lên mặt kiêu căng với những người kém may mắn hơn, đồng thời sống giả hình (có bề ngoài mà không có thực chất bên trong), thiếu tình thương, không đúng với tinh thần quên mình, từ bỏ mình, hoặc vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. 

Chúng ta tưởng rằng quên mình hay từ bỏ mình thì sẽ bị thiệt hại, bị vong thân, và tưởng rằng vác thập giá mình thì sẽ bị đau khổ. Vì thế, chúng ta tìm cách đề cao mình, thổi phồng «cái tôi» cá nhân hoặc tập thể của mình lên. Nhưng thật ra, việc thổi phồng «cái tôi» đó đồng thời tìm cách đạt cho bằng được những địa vị, quyền bính, tiền bạc, để hưởng những vinh quang, lạc thú, thoải mái do chúng mang lại, mới chính là cách hủy hoại mình và đời sống tâm linh của mình hữu hiệu nhấtlà tự chuốc đau khổ cho mình cách tệ hại nhất. Chúng ta quên rằng «Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường» (Lc 1,51-52).



3.  Bài học cho các tập thể

Thiên Chúa đối xử với những cá nhân kiêu căng thế nào, thì Ngài cũng đối xử với những tập thể ngạo mạn như vậy. Lịch sử của dân Do Thái là một bài học đích đáng về chân lý ấy. Vì thế, nhiều khi chúng ta phải tự xét: liệu Giáo Hội –dân được Thiên Chúa tuyển chọn trong Tân ước– có đi vào vết xe cũ đã đổ của dân Do Thái –là dân được Ngài tuyển chọn trong Cựu ước– không? Giáo Hội có quá tự hào vì được Thiên Chúa ưu đãi và tuyển chọn cách đặc biệt không? có coi thường các tôn giáo khác không? có sống xứng đáng với hồng ân cao cả Thiên Chúa dành cho mình không? Người Kitô hữu ngày nay –giáo dân cũng như giáo sĩ– có rập khuôn theo tinh thần cũ của dân Do Thái xưa không?

Nếu dân Do Thái xưa mà suy gẫm lời cảnh báo của Đức Giêsu xưa: «Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham”. Vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham» (Mt 3,9), và sống phù hợp với tinh thần của Ngài, thì có lẽ họ đã không đến nỗi như hiện nay. Thánh Phaolô từng cảnh báo về lòng tự hào của họ: «Bạn mang tên là người Do-thái, ỷ rằng mình có Lề Luật, tự hào vì có Thiên Chúa; được biết ý Người, được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải; (…) bạn tưởng mình có Lề Luật là có tất cả tri thức và chân lý» (Rm 2,17-20). Tự hào như thế thì cũng chính đáng, nhưng nếu vì sự tự hào ấy mà lên mặt với người khác là điều không hay, nhất là khi không sống cho xứng với niềm tự hào ấy: «Bạn dạy người khác, mà lại không dạy chính mình! (…) Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa!» (Rm 2,21-23). Người Kitô hữu sẽ làm nhục Đức Kitô khi họ tự hào về Ngài nhưng lại sống giới răn mới của Ngài (x. Ga 13,34) không bằng người ngoại.



4.  Hãy sám hối

Đức Giêsu xuất thân và khởi đầu việc rao giảng của Ngài tại Galilê, là «miền đất của dân ngoại». Để giúp cho Galilê được «đầy dẫy vinh quang» hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia (x. Is 9,1; 8,23), Đức Giêsu khuyên dân chúng tại đó: «Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần» (Mt 4,17). Cho dù tội lỗi, bị Thiên Chúa nguyền rủa, nhưng nếu biết sám hối, biết sửa đổi lại cách sống theo đường lối của Ngài, thì sẽ được Ngài nâng lên, chúc phúc. Dụ ngôn người thu thuế và người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18,9-14) chứng minh điều đó. Trái lại, khi được Ngài nâng lên mà lại trở nên kiêu căng tự hào thì sẽ lại bị Ngài hạ xuống, như Đức Giêsu đã cảnh báo dân Caphácnaum (x. Lc 10,15)

Vậy, sám hối –tức khiêm nhường nhận ra sự sai trái của mình và quyết tâm sửa đổi cho đúng– là điều kiện cần thiết để được Thiên Chúa chúc phúc và nâng lên. Trong tinh thần sám hối ấy, thiết tưởng người Kitô hữu chúng ta – dù là cá nhân hay tập thể – cần tránh tự hào và kiêu hãnh trước người khác về những nhân đức mình có, những việc tốt đẹp mình làm được, những hồng ân đặc biệt Thiên Chúa ban cho mình một cách ưu đãi. Đồng thời cần cố gắng sống cho xứng đáng với những ân huệ đặc biệt ấy với tâm tình biết ơn.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha không ưa thích và sẵn sàng hạ bệ những tâm hồn kiêu hãnh, tự đưa mình lên. Ngày xưa, không ai tốt lành, đẹp đẽ, sáng láng và thánh thiện cho bằng Tổng Lãnh Thiên Thần Luxiphe, nhưng chỉ vì kiêu hãnh về những phẩm tính tốt lành ấy và chống lại Cha mà trở nên vô cùng xấu xa, đau khổ. Xin giúp con hiểu rằng Cha vẫn ưa thích một tâm hồn tuy tội lỗi nhưng biết khiêm nhường, sám hối, hơn những tâm hồn trong sạch và đầy nhân đức như thiên thần nhưng lại kiêu ngạo, thích khinh chê người khác. Người trước sẽ được Cha nâng lên, còn người sau sẽ bị Cha hạ xuống. Xin cho con dù thánh thiện hay nhân đức tới đâu, dù chức vụ có cao cả tới đâu, cũng vẫn luôn khiêm nhường và yêu thương mọi người, nhất là biết nâng đỡ những người hèn kém hơn mình.


Sunday, January 12, 2020

TN2b - Đặc tính nơi những ngôn sứ thật của Thiên Chúa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Thường Niên

(19-01-2020)

Bài đào sâu

Các đặc tính 
nơi những ngôn sứ thật 
của Thiên Chúa 



  TIN MỪNG: Ga 1,29-34

Ðây Chiên Thiên Chúa


Câu hỏi gợi ý:
Tại sao Gioan lại giới thiệu Ðức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian? Ý nghĩa sâu xa của những từ ngữ đó thế nào? 
2.   Vai trò của Gioan Tẩy Giả đối với Ðức Giêsu như thế nào? Tư cách của ông có xứng với vai trò hay sứ mạng của ông không? Tư cách ấy là gì? 
3.   Qua tư cách và hành động của Gioan, bạn có thể rút ra kết luận gì cho cuộc đời ngôn sứ của bạn? (nên nhớ mỗi Kitô hữu phải là một ngôn sứ!)

Suy tư gợi ý:

1.  Lời giới thiệu đầu tiên của Gioan về Ðức Giêsu

Ðức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài bằng nghi thức sám hối thay cho cả nhân loại qua phép rửa của Gioan, và kết thúc cuộc đời công khai của Ngài bằng nghi thức đền tội thay cho cả nhân loại qua cái chết thê thảm trên thập giá. Và hôm nay, ít ngày sau khi Gioan rửa tội cho Ðức Giêsu, ông liền giới thiệu cho dân chúng biết Ngài là ai, và một phần nào báo trước cái chết của Ngài: «Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá bỏ tội trần gian!» (Ga 1,29). Muốn hiểu hết ý nghĩa lời giới thiệu ấy, ta cần biết tập tục sau đây của người Do Thái:

Theo truyền thống Do Thái trong sách Xuất Hành (Xh 29,38-42), thì mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên nhỏ cỡ một tuổi làm của lễ toàn thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy tội lỗi của cả dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước Thiên Chúa. Tội lỗi của dân chúng đối với Thiên Chúa đáng lẽ phải trả giá bằng sinh mạng của chính con người, nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận để con chiên chết thay con người. Ðức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh như thế: «Ðức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta» (1Cr 5,7).


Lời giới thiệu của Gioan còn ngầm nói lên bản tính Thiên Chúa của Ðức Giêsu: «Chính Người là Ðấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi» (Ga 1,30). Theo lời thiên thần nói khi truyền tin cho Ðức Maria, ta biết khi Ðức Maria thụ thai thì bà Êlisabét, đã có thai Gioan được 6 tháng (x. Lc 1,36b). Nghĩa là xét về mặt thể chất, Gioan đã ra đời trước Ðức Giêsu nửa năm. Nhưng Gioan lại giới thiệu Ðức Giêsu là Ðấng «có trước» mình. Như vậy từ ngữ «có trước» ở đây không thể hiểu theo nghĩa thể chất, mà phải theo nghĩa tâm linh, nghĩa là ông ám chỉ nguồn gốc thần linh của Ðức Giêsu.



2.  Gioan, người dọn đường cho Ðức Giêsu

Ðể chuẩn bị xa cho việc Ðức Giêsu đến với nhân loại, Thiên Chúa đã nhờ các ngôn sứ tiên báo biến cố ấy hàng mấy trăm năm trước, bằng cách này hay cách khác. Ðể chuẩn bị gần, Ngài dùng một người tiền hô, có nhiệm vụ dọn đường và giới thiệu. Người đó là Gioan Tẩy Giả.


Gioan là bà con với Ðức Giêsu, vì mẹ của ông Gioan là chị họ của Ðức Giêsu (x. Lc 1,35a). Vì thế, chắc chắn ông Gioan và Ðức Giêsu đã quen biết nhau, nhưng Gioan không biết hoặc biết không chắc chắn Giêsu là Ðấng Thiên Sai. Chỉ khi Ðức Giêsu đến với ông xin chịu phép rửa và sau đó có những dấu chứng từ trời cao, ông mới biết điều đó cách chính xác. Vì chính Thiên Chúa đã báo trước cho ông điều ấy, như ông từng nói: «Chính Ðấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Ðấng Thiên Chúa tuyển chọn”» (Ga 1,33-34). Khi đã biết đích xác Ðức Giêsu là ai, Gioan bắt đầu làm chứng về Ngài.



3.  Những ngôn sứ của Thiên Chúa

Câu Kinh Thánh vừa trưng dẫn cho ta thấy: những người làm ngôn sứ trong các thời đại, luôn luôn có sự giao tiếp với Thiên Chúa, và được chính Thiên Chúa kêu gọi, sai phái, không nhất thiết phải qua một trung gian người nào (xem Is 6,1-12; Gr 1,5-19). Lời kêu gọi đó có những trường hợp khó có thể chối từ như trường hợp của ngôn sứ Giona (x. Gn 1,1-2,11). Các ngôn sứ cũng được Ngài soi sáng, cho biết hết kế hoạch của Ngài (x. Am 3,7), được Ngài hướng dẫn cụ thể những việc phải làm (rất nhiều câu bàng bạc trong các sách ngôn sứ chứng tỏ điều ấy)

Các ngôn sứ được chính Thiên Chúa kêu gọi, sai phái,
không nhất thiết phải qua một trung gian người nào
(xem Is 6,1-12; Gr 1,5-19)

Nhờ sự rõ ràng đó, các ngôn sứ mới tin tưởng vào sứ mệnh và lời chứng của mình, và lời chứng của họ mới có sức mạnh thuyết phục. Nếu không, lời chứng của họ chỉ là những xác quyết thiếu căn cứ, dựa trên những tin tưởng rất chủ quan, hoặc chỉ là những lời tuyên xưng xuông (không thực tín). Nếu chỉ dựa trên những tin tưởng chủ quan, không dựa trên những nền tảng chắc chắn mà lại dám lấy cả mạng sống mình để làm chứng thì thật là ngu dại, thậm chí có thể khiến những kẻ nghe mình đi vào sai lầm trầm trọng.

Tương tự như Ðức Giêsu và Gioan Tẩy Giả, các ngôn sứ thường không thuộc hàng chức sắc trong tôn giáo. Nhiều trường hợp, các ngôn sứ còn lên tiếng quở trách, kết án, chỉ dẫn và sửa sai chẳng những hàng chức sắc này (x. Is 56,10-12; Gr 23,1-4; Ed 34,1-31; 44,15-31; Hs 4,4-10; 5,1; đặc biệt Mt 23,13-32), mà cả vua chúa quan quyền nữa (x. Is 10,1-3; 10,5.12; 14,24-27, đặc biệt Mt 14,4). Ðiều này chứng tỏ không phải cứ thuộc hàng chức sắc trong tôn giáo thì ngoại trừ bề trên mình là chức sắc cao cấp hơn, không còn ai có quyền chỉ dạy hay sửa sai mình.

đã là ngôn sứ thật, thì phải dám nói lên tiếng nói của chân lý, công lý và tình thương, đồng thời dám chịu đau khổ và dám chết vì lời chứng của mình giống như Gioan. Ðó là đặc điểm không thể thiếu của những ngôn sứ thật đến từ Thiên Chúa

Đã là ngôn sứ thật, thì phải dám nói lên tiếng nói của chân lý, công lý và tình thương,
đồng thời dám chịu đau khổ và dám chết vì lời chứng của mình giống như Gioan.

Người vì sợ liên lụy đến bản thân nên không dám bênh vực cho Thiên Chúa và tha nhân, cho chân lý, công lý và tình thương, thì chắc chắn không phải là ngôn sứ thật, dù họ có mang danh là đại ngôn sứ đi chăng nữa! Ðó là dấu chứng chắc chắn để phân biệt thật giả. Và cũng chính vì yếu tố đặc trưng này mà luôn luôn số phận của các ngôn sứ thật là bị ném đá và bạc đãi, còn ngôn sứ giả thì được ưu đãi, trọng vọng, được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi do những thế lực phản công lý dành cho để thưởng công cho sự im lặng rất lợi hại của họ (xem Lc 6,22.26).



4.  Ngôn sứ phải sống vì Thiên Chúa và tha nhân, không vì mình

Trong cách giới thiệu của Gioan về Ðức Giêsu, ta thấy ông luôn luôn làm cho Ðức Giêsu nổi bật lên, đồng thời tự làm cho mình lu mờ đi: «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30). Chẳng hạn: «Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi» (Ga 1,30), «Tôi đây không phải là Ðấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người» (Ga 3,28), «Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người» (Ga 1,27). «Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi» (Mt 3,11), «Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần» (Mc 1,8). Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, Gioan rút lui vào bóng tối, để Ðức Giêsu đóng trọn vẹn vai trò của Ngài.

Ðây cũng là một dấu chứng của ngôn sứ thật. Người ngôn sứ thật phải từ bỏ được chính cái tôi của mình, và thể hiện được tinh thần quên mình, tự hủy như Ðức Giêsu (x. Pl 2,6-8). «Không làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình; không tìm lợi ích cho riêng mình, mà tìm lợi ích cho người khác» (Pl 2,3-4). Một người coi cái tôi của mình quá lớn chắc chắn không phải là ngôn sứ thật. Họ không thể sống vì Chúa, vì tha nhân được, mặc dù họ có thể tạo được cái vẻ như vậy: có vẻ yêu Chúa, có vẻ yêu người.

Rất nhiều người làm ngôn sứ, làm tông đồ, rao giảng Tin Mừng, làm nhiều việc lành phúc đức, bố thí một cách rộng rãi. nhưng không do lòng yêu mến Chúa hay tình thương đối với tha nhân thúc đẩy, mà do tính ham được tiếng khen, lời ca tụng, muốn nổi danh là đạo đức, là có lòng thương người, v.v... Họ đã dùng danh nghĩa Thiên Chúa để tạo nên danh thơm tiếng tốt cho mình, để có những cấp bậc cao sang trong Giáo Hội và xã hội. 

Tâm lý này đã được Ðức Giêsu vạch mặt: «Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen» (Mt 6,1), Và thánh Phaolô cho biết sự vô giá trị của những hành động như vậy: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3). Tính chất khoa trương, thích phình to bản ngã này, Ðức Giêsu gọi là men Pharisiêu: «Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả» (Lc 12,1, x. Mt 16,6.11; Mc 8,15). Là người Kitô hữu, là ngôn sứ, chúng ta cần phải tránh loại men rất khó tránh này.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Ðức Giêsu đã đến để thiết lập Giáo Hội, tức một dân tộc ngôn sứ cho Cha ở trần gian. Giáo Hội không chỉ có sứ mạng tư tế (thờ phượng Thiên Chúa), mà còn có sứ mạng vương đế (làm chủ bản thân, tập thể, ngoại cảnh, lịch sử), và sứ mạng ngôn sứ (làm chứng cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý và tình thương) nữa. Nhưng Giáo Hội đã làm tròn sứ mạng ngôn sứ ấy trước mặt các dân tộc chưa? Xin cho chính bản thân con, cũng như mọi Kitô hữu khác ý thức được sứ mạng ngôn sứ tức làm chứng của mình trong môi trường mình sống, trong xã hội và Giáo Hội, nhất là khi chân lý, công lý và tình thương bị coi thường, bị chà đạp. Xin cho con đức can đảm phải có của một ngôn sứ như Gioan Tẩy Giả, để con thực hiện tốt sứ mạng ngôn sứ của mình. Amen.

Nguyễn Chính Kết




TN2a - Đức Giêsu thờ phượng Thiên Chúa bằng cách chịu «sát tế» để cứu chuộc nhân loại




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Thường Niên

(19-01-2020)


Đức Giêsu thờ phượng Thiên Chúa 
bằng cách chịu «sát tế» 
để cứu chuộc nhân loại



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 49,3.5-7: (6) Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta, (7) để ngươi mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.

  1 Cr 1,1-3: (3) Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.

  TIN MỪNG: Ga 1,29-34

Lời chứng của Gioan

(29) Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: «Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. (30) Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

(31) Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa trong nước». (32) Ông Gioan còn làm chứng: «Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. (33) Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. (34) Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn».

«Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian»


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Việc sát tế chiên trong đạo Do Thái bắt nguồn từ đâu, có ý nghĩa gì? Sự việc ấy có liên quan gì đến danh xưng «Chiên Thiên Chúa» mà Gioan Tẩy Giả dùng để giới thiệu Đức Giêsu? 
2.   Việc Đức Giêsu làm «chiên bị sát tế» trên thập giá cho ta bài học gì? Trong lễ toàn thiêu thập giá này, có sự liên hệ gì giữa việc thờ phượng Thiên Chúa và việc yêu thương nhân loại không? Phải chăng Ngài thờ phượng Thiên Chúa bằng cách chết cho nhân loại?

Suy tư gợi ý:

1.  Chiên bị sát tế để hy sinh đền tội thay cho con người

Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam: «Aben làm nghề chăn chiên» (St 4,2), nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, «Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng» lên Ngài (St 4,4)

Cảnh chiên bị sát tế làm của lễ toàn thiêu trong đạo Do Thái

Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (x. Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên trên khung cửa, đều bị chết đứa con trai đầu lòng (x. Xh 12,29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người

Về sau, theo sách Xuất hành (Xh 29,38-46) thì tại đền thờ, các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho dân. Đúng ra ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt, mà phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa nhân lành không muốn con người phải chết, như Ngài nói qua ngôn sứ Êdêkiel: «Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống» (Ed 18,23)

Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Ngài chấp nhận cho con người lấy chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để hy sinh chết thay cho con người lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.



2.  Đức Giêsu là «Chiên Thiên Chúa» bị sát tế để cứu nhân loại

Theo lẽ thường, gọi Đức Giêsu là chiên thì quả là xúc phạm. Nhưng để cứu chuộc nhân loại, theo kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, Đức Giêsu phải bị giết chết để đền tội thay cho con người, tương tự như những con chiên bị sát tế trong đền thờ để chết thay cho người tội lỗi. Gioan đã thấy trước số phận tương lai của Đức Giêsu như thế, nên ông giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người: «Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian». Sách Khải Huyền cũng dùng rất nhiều lần từ «Con Chiên» để chỉ về Đức Giêsu.


Đức Giêsu đã trở thành của lễ toàn thiêu trên thập giá

Thánh Phaolô viết: «Nếu máu các con dê, con bò còn thánh hóa được con người, làm cho họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy» (Dt 9,13-14). Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần chết một lần là đủ xóa được tội lỗi toàn nhân loại: «Chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ» (Dt 10,10), vì Ngài là «Con Chiên vẹn toàn, không tỳ vết» (1Pr 1,19), nhất là vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, nên giá trị cứu chuộc của Ngài là vô cùng. «Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben» (Dt 12,24). «Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời» (Cl 1,20).



3.  Cách thờ phượng mới của Đức Giêsu đối với Thiên Chúa

Lễ toàn thiêu – mà chính Đức Giêsu là của lễ, là chiên bị sát tế, đồng thời cũng chính là chủ tế, lấy thập giá làm bàn thờ – được thực hiện để thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa. Trong lễ toàn thiêu này, Ngài đã chịu đau khổ tột cùng và bị giết để cứu chuộc nhân loại, để nhân loại «được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10). Tất cả chỉ vì yêu thương con người đến tận cùng của tình yêu (x. Ga 13,1). Trong lễ toàn thiêu này, Đức Giêsu đã thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa bằng chính tình yêu hoàn toàn vị tha và vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại, được thể hiện cụ thể bằng cái chết thê thảm của Ngài. Đó chính là cách thờ phượng mới của Ngài.

Ngài không thờ phượng Thiên Chúa bằng những lễ toàn thiêu, trong đó chỉ có chiên bị giết chứ chủ tế hay người dâng lễ chẳng bị thiệt hại mảy may. Ngài không tôn vinh Thiên Chúa bằng những lời ca tụng, đề cao Thiên Chúa đến tận mây xanh, mà người tôn vinh chẳng phải mất mát điều gì. Ngài không thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa bằng những thể thức vắng bóng tình yêu đối với tha nhân. Trái lại, Ngài đã bầy tỏ lòng yêu mến của Ngài đối với Thiên Chúa bằng chính tình yêu của Ngài đối với tha nhân. Yêu Thiên Chúa được thể hiện thành yêu tha nhân. Nơi Ngài, yêu Thiên Chúa và thương tha nhân chỉ là một tình yêu duy nhất, không độc lập hay tách biệt nhau. Ngài thờ phượng Thiên Chúa bằng cách phục vụ và chết cho tha nhân. Đó là cách yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa của Ngài.

Còn cách yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa của chúng ta dường như độc lập và tách biệt hẳn với việc yêu mến, hy sinh và phục vụ tha nhân. Chúng ta có thể yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa một cách hết sức nhiệt tình, sốt sắng mà không hề nghĩ gì đến những những người chung quanh chúng ta đang cần đến tình yêu, sự quan tâm, giúp đỡ, hy sinh của chúng ta. Ai động chạm đến quyền lợi hay tự ái của ta là ta nổi xung lên và quyết chí ăn thua đủ. Ai vượt trội hơn ta, nổi tiếng hơn ta, được mọi người đề cao hơn ta thì ta bực bội và muốn tìm cách chê bai, hạ nhục người ấy. Ai túng nghèo, khổ cực, bệnh tật, bị áp bức bất công thì ta coi chuyện ấy như không liên can gì đến ta cả. Liệu yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa như thế có giá trị gì trước mặt Ngài không?

Thiên Chúa đã trả lời cho chúng ta qua ngôn sứ Isaia: «Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! (…) Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sabát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ» (Is 1,11-17).

Chính Đức Giêsu cũng nói: «Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế» (Mt 9,13; 12,7). Ngài đặt nặng tình yêu và sự hòa thuận đối với tha nhân hơn cả việc dâng của lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa: «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24).

Cách đây 2700 năm, ngôn sứ Isaia đã cảnh báo về kiểu thờ phượng Thiên Chúa độc lập với tình yêu tha nhân; và cách đây 2000 năm, chính Đức Giêsu cũng lập lại tinh thần ấy của Isaia. Nhưng tiếc thay, cho đến nay, sau mấy ngàn năm, rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa học được bài học của các ngài. Thật đáng tiếc! Trách nhiệm này thuộc về ai?



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã trở nên «con chiên bị sát tế», đã chết cách thê thảm để cứu chuộc nhân loại cũng vì tha thiết yêu thương nhân loại. Và sự hy sinh ấy chính là cách Ngài thờ phượng và bày tỏ tình yêu đối với Cha. Xin cho con cũng biết thờ phượng và yêu mến Cha theo cách thức ấy. Nếu không thể hy sinh một cách lớn lao cho tha nhân chung quanh con thì hãy giúp con quảng đại hy sinh cho tha nhân trong những chuyện nhỏ nhặt và cụ thể của đời sống, đó là cách biểu lộ tình yêu đối với Cha mà Cha yêu thích nhất.


Tuesday, January 7, 2020

TN01b - Đức Giêsu sẵn sàng nhận lỗi của cả nhân loại và đền tội thay nhân loại




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Chúa chịu phép Rửa

(12-01-2020)

Bài đào sâu

Đức Giêsu sẵn sàng nhận lỗi của cả nhân loại và đền tội thay nhân loại


  TIN MỪNG: Mt 3,13-17

Ðức Giêsu chịu phép rửa


Câu hỏi gợi ý:
1. Bản thân Ðức Giêsu hoàn toàn vô tội, thế mà Ngài lại sẵn sàng chịu rửa tội, một nghi thức chỉ dành cho kẻ có tội. Tại sao vậy? Ngài làm một chuyện phi lý hay giả dối chăng? 
2. Qua việc chịu phép rửa, một cách nào đó, Ðức Giêsu đã nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, dù bản thân Ngài hoàn toàn vô tội. Ta có bao giờ hành động như Ngài chưa? nhất là khi cần chấm dứt sự giận dữ của ai đó? hoặc cần đem lại hạnh phúc cho ai đó? 
3. Là cấp lãnh đạo mà ta không dám nhận trách nhiệm về phía mình khi có chuyện đáng tiếc xảy ra trong tập thể của mình, lại hoàn toàn đổ lỗi cho người khác, thì có xứng đáng là cấp lãnh đạo không?


Suy tư gợi ý:

1.  Ðức Giêsu đại diện nhân loại tội lỗi tỏ lòng sám hối trước Thiên Chúa qua phép rửa của Gioan

Theo niềm tin Kitô giáo, Ðức Giêsu là Thiên Chúa xuống làm người để cứu chuộc nhân loại, Ngài hoàn toàn vô tội, nghĩa là không vướng phải một khuyết điểm hay một tội lỗi nào, dù là nhỏ nhất. Ngài trong sạch hoàn toàn, và tuy có bị cám dỗ, Ngài không bao giờ sa ngã hay để ma quỉ chiến thắng. Thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu lại chịu phép rửa bởi ông Gioan, người tiền hô cho Ngài. Theo sự thường, đúng ra Ngài không nên chịu phép rửa, vì phép rửa là một dấu hiệu sám hối, chỉ dành cho những kẻ có tội. Có tội lỗi thì mới cần sám hối, có dơ bẩn thì mới cần tẩy rửa, còn «ai đã sạch rồi, thì không cần phải rửa» (Ga 13,10)

Nhưng ở đây, việc rửa tội của Ðức Giêsu mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Cá nhân Ngài tuy hoàn toàn vô tội, nhưng Ngài mang một sứ mạng đặc biệt là «gánh tội trần gian» (Ga 1,29b), và chịu chết để đền tội cho trần gian trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, Ngài đã «trở thành hiện thân của tội lỗi» trước mặt Thiên Chúa, như thánh Phaolô nói: «Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta» (2 Cr 5,21). Chính trong chiều hướng ấy, việc rửa tội của Ngài mới có ý nghĩa. Nếu không, việc ấy thật là phi lý. 


Nếu Ngài chịu chết để đền tội thay cho cả loài người chứ không phải cho Ngài, thì cũng vậy, Ngài tỏ lòng sám hối và rửa tội, Ngài sám hối và rửa tội thay cho cả nhân loại chứ không phải là cho bản thân Ngài. Vì thế, Thiên Chúa đã tỏ ra hài lòng về hành động khiêm nhượng ấy của Ngài, nên ngay sau đó Thiên Chúa đã phán về Ngài: «Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người» (Mt 3,17).

Hai điều tối quan trọng để được Thiên Chúa tha tội là sám hối và đền tội. Thiếu một trong hai thì tội không thể tha được. Vì đại diện cho cả một nhân loại tội lỗi, Ngài đã tự coi mình là tội lỗi, nên Ngài thấy cần phải biểu lộ sự sám hối qua nghi thức rửa tội của Gioan. Ngài cũng đại diện cho cả nhân loại để đền tội cho họ bằng cái chết thảm thương trên thập giá vào trưa thứ sáu trước lễ Vượt Qua năm Ngài 33 tuổi. Như vậy giữa việc rửa tội hôm nay và cái chết của Ngài có một tương quan sâu sắc và đầy ý nghĩa.



2.  Bài học từ biến cố chịu phép rửa của Ngài

Ngài là người hoàn toàn vô tội: «Nơi Người không có tội lỗi» (1Ga 3,5). Thế mà vì yêu thương nhân loại, Ngài đã sẵn sàng nhận hết tội lỗi của cả nhân loại về cho mình. Ðiều đó chẳng làm cho chúng ta suy nghĩ và rút ra một bài học sao?

Chúng ta ai nấy đều có tội không nhiều thì ít, thế mà rất nhiều khi ta lại không muốn nhìn nhận mình là kẻ có tội. Ta tìm đủ cách để người khác nghĩ về ta tốt hơn thực trạng hay bản chất của ta. Nhiều khi ta còn giả hình để người khác lầm tưởng rằng ta rất tốt, ta vô tội. Nếu có ai nói xấu ta, thậm chí rất đúng, ta cũng tỏ ra bực bội hay thù ghét người ấy. Ta không muốn nhìn nhận thực trạng xấu xa của mình. Trong những cuộc tranh luận, nhiều khi ta thấy mình sai trái, đuối lý, nhưng ta không có can đảm nhận phần sai trái về phía mình, mà cứ cãi chầy cãi cối để khỏi phải nhận lỗi, thậm chí còn kết án ngược lại cho người khác. Như thế, ta đã tự chứng tỏ mình thiếu thành thực và không ngay thẳng.

Khi một người khác bực bội, tức giận vì một thiệt hại nào đó mà họ nghĩ là do ta gây ra, lúc đó ta thường xử sự thế nào? Nếu ta có lỗi thật sự, ta có dám nhìn nhận mình có lỗi để người kia nguôi cơn giận không? Thiết tưởng nhận lỗi mình lúc đấy là một bổn phận của đức công bằng. Nếu không nhận lỗi, ta còn làm cho sự bất công ấy nặng thêm, vì làm cho người kia tức giận hơn nữa, tức làm khổ họ, và có thể gây hại cho họ về tâm lý hoặc thể lý. Việc can đảm nhận lỗi trong những trường hợp như thế không bao giờ làm giảm giá trị con người ta, mà còn khiến người khác thêm kính phục ta. Trái lại, có lỗi mà không chịu nhận mới đáng hổ thẹn và đáng khinh bỉ.

Nếu ta hoàn toàn không có lỗi, nhưng vì người kia hiểu lầm, nên trong cơn tức giận, họ nhất quyết đổ lỗi cho ta, thì ta xử sự thế nào? Ta có thể trước hết giải tỏa cơn giận cho họ đã, chẳng hạn bằng cách tạm thời nhận lỗi về phía mình, rồi chờ khi họ bớt giận, nghĩa là có đủ sáng suốt và khách quan, thì cho họ thấy rõ ai phải ai trái. Ðó là một hành động khôn ngoan và bác ái, vì trong cơn tức giận vì bị thiệt hại quá mức, theo tâm lý thường tình, người ta có nhu cầu tâm lý là phải trút cơn giận đó lên người khác để cơn giận được thỏa mãn. Lúc đó, họ không đủ sáng suốt để nhận ra lỗi của mình, vì giận chính là tình trạng điên khùng hay mất trí trong giây lát. Những lúc đó họ chỉ biết đổ lỗi lên đầu người khác cho hả giận. Khi có người nhận lỗi, cơn giận của họ giảm đi ngay như lửa bị tạt nước vào. Biện minh cho việc mình vô tội lúc ấy thường giống như đổ thêm dầu vào lửa, chỉ làm cơn giận của họ bùng lên mạnh mẽ hơn, không làm cho họ nhận ra lỗi của họ, và cũng chẳng giải quyết được gì. 

Kinh nghiệm cho tôi thấy: thường sau khi họ được thỏa mãn cơn giận, tâm trí họ sáng suốt hơn, và họ dễ dàng nhận ra lỗi của họ. Thói đời là ta càng đổ lỗi cho người khác, thì họ càng có khuynh hướng chữa lỗitìm cách đổ lỗi lại cho ta. Còn nếu ta khiêm nhượng nhận lỗi về phía mình, thì người kia tự nhiên có khuynh hướng tự xét mình, nhờ đó dễ dàng nhận ra sai trái của họ. Và sau đó họ thường nể phục tư cách và lối xử sự của ta. Trong mọi trường hợp, hãy bắt chước Ðức Giêsu, dù hoàn toàn vô tội, vẫn sẵn sàng mặc lấy thân phận kẻ tội lỗi và chịu đối xử như kẻ có tội.



3.  Dám nhận trách nhiệm về phía mình là một dấu chứng của người lãnh đạo trưởng thành

Trong các tập thể - như gia đình, xã hội, Giáo Hội - ta thường thấy những chuyện như: khi có chuyện thành công hay tốt đẹp xảy ra, người lãnh đạo thường nhận ra công của mình trong đó, và sẵn sàng đón nhận những lời tán tụng, tri ân, và những lợi lộc từ sự thành công ấy. Nhưng khi thất bại hoặc có sự cố đáng tiếc xảy ra, cấp lãnh đạo thường tìm cách đổ lỗi hoặc qui trách nhiệm cho cấp dưới, hoặc cho hoàn cảnh, còn mình thì lấy nước rửa tay kiểu Philatô: «Ta vô can trong vụ này» (Mt 27,24). Và sau đó thì cấp dưới lãnh đủ những thiệt hại do sự cố đáng tiếc ấy: bị la rầy, bị phạt, mất uy tín, phải bồi thường, tù tội, v.v. Còn người lãnh đạo thì hoàn toàn vô sự, mặc dù trong thực tế sự đáng tiếc ấy chủ yếu hoặc phần nào là do sự lãnh đạo thiếu sáng suốt của mình. 

Phải chăng Kinh Cáo Mình với câu «lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng» chỉ được đọc duy nhất ở trong thánh lễ và những buổi đọc kinh, chứ rất ít khi được đọc (=thể hiện) trong đời sống thường nhật. Ðạo của chúng ta phải chăng chỉ được thực hành ở trong chứ không phải ở ngoài nhà thờ, đang khi 99% thì giờ của chúng ta lại là ở ngoài nhà thờ! Theo tinh thần Kinh Cáo Mình, ta cần nhạy bén trong việc nhận ra phần lỗi - trực tiếp hay gián tiếp - của mình trong mọi điều xấu xảy ra nơi gia đình, đoàn thể, ngoài xã hội hay trong Giáo Hội của ta. Có những việc hết sức đáng tiếc xảy ra mà ta tưởng chừng mình vô can, nhưng xét cho kỹ rất có thể ta có lỗi vì đã tỏ ra thờ ơ, không can thiệp theo lương tâm khiến cho những việc ấy xảy ra.

Không dám nhận trách nhiệm về phía mình dù là cấp lãnh đạo hay cấp dưới đều là dấu chứng của sự thiếu trưởng thành về mặt tâm linh và xã hội hay Giáo Hội. Thiết tưởng chúng ta nên suy niệm bài Tin Mừng hôm nay để chỉnh sửa lại cách hành xử sai trái ấy.

Ðức Giêsu vô tội hoàn toàn, nhưng Ngài sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm của cả nhân loại về phía mình. Ngài đã hành xử như một kẻ có tội cần phải sám hối, phải xin lỗi trước mặt Thiên Chúa bằng nghi thức rửa tội. Không chỉ như thế, Ngài còn sẵn sàng đền bù với giá cao nhất là mạng sống của Ngài những tội lỗi mà Ngài đã tự qui về cho mình thay cho cả nhân loại. Hành động của Ngài thật hết sức anh hùng và dũng cảm. 

Ðức Kitô thì hành động như thế, chẳng lẽ các Kitô hữu, những kẻ theo Ðức Kitô, những môn đệ của Ngài, những «Kitô khác» lại hành động khác với Ðức Kitô sao? Nếu không giống Ngài 100% thì ít ra cũng phải được 50%, hay ít nhất cũng phải 40 hay 30%! Nếu không thì sao ta lại dám tự nhận mình theo Ngài? là môn đệ Ngài? Ta theo Ngài ở chỗ nào? là môn đệ Ngài ở chỗ nào? Cần xét lại xem: coi chừng kẻo ta chính là môn đệ của Philatô mà lại cứ lầm tưởng và tự xưng là môn đệ của Ngài!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con lòng can đảm như Ðức Giêsu, dám sẵn sàng nhận lỗi về phía mình, cho dẫu mình hoàn toàn vô tội! Khi có những chuyện đáng tiếc xảy ra, xin cho con đủ can đảm để dám nhận lãnh trách nhiệm về phía mình, không đổ lỗi cho người khác, nhất là cho những người cấp dưới mà con có bổn phận phải bao bọc chở che! Nếu họ có lỗi, họ sẽ chịu trách nhiệm trước con, chứ không phải trước mặt ai khác. Nhưng con phải sẵn sàng chịu trách nhiệm thay cho họ trước mặt mọi người. Amen.