Tuesday, December 22, 2020

Thanh-Gia ‒ Gia đình là môi trường lý tưởng nhất để thực tập yêu thương




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Thánh Gia

(27-12-2020)


Gia đình là môi trường lý tưởng nhất 
để thực tập yêu thương





ĐỌC LỜI CHÚA

  Hc 3,3-7.14-17a: (3) Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, (4) ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. (5) Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. (6) Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.

  Cl 3,12-21: (18) Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. (19) Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. (20) Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. (21) Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.


  TIN MỪNG: Lc 2,22-24.39-40

Tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa

(22) Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, (23) như đã chép trong Luật Chúa rằng: «Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa», (24) và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

Hài nhi Giêsu tại Nadarét

(39) Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê. (40) Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Thiên Chúa có ba ngôi, sống và yêu thương nhau tương tự như trong một gia đình. Như vậy gia đình phải chăng là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi? Nếu như thế, gia đình phải sống thế nào mới đúng bản chất của mình?
2. Lý do thông thường nhất khiến cho một gia đình trở nên bất hạnh là gì? Muốn gia đình trở nên hạnh phúc phải bắt đầu từ đâu?
3. Vai trò của gia đình trong việc huấn luyện con người biết yêu thương như thế nào? Vậy, các bậc cha mẹ phải tập cho con cái yêu thương như thế nào?

Suy tư gợi ý:

1.  Gia đình là hình ảnh 
        của Ba Ngôi Thiên Chúa

Nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì có thể nói rằng gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa sống đơn độc, mà là một Thiên Chúa mang tính gia đình, trong đó Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng yêu thương nhau, sống chung, làm việc chung, và kết hợp với nhau thắm thiết như trong một gia đình, tới mức độ tuy là Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì «Tập Thể Ba Ngôi» là một môi trường để Ba Ngôi Thiên Chúa thể hiện tình yêu của mình với nhau. Vì Ba Ngôi yêu thương nhau vô cùng, nên sự hiệp nhất của Ba Ngôi đạt được mức độ tối đa là trở thành một Thiên Chúa duy nhất. Tình yêu và sự hiệp nhất ấy tạo nên thiên đàng hay hạnh phúc của Ba Ngôi.

Cũng vậy, nếu gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi, thì mọi thành viên trong đó phải yêu thương nhau, hòa hợp với nhau đến mức hiệp nhất với nhau. Nhờ đó gia đình trở thành một thiên đàng tại thế. Như vậy, mọi thành viên của gia đình đã được hưởng nếm trước phần nào hạnh phúc của thiên đàng mai sau. Hạnh phúc trong những gia đình yêu thương nhau – được biểu lộ và hình thành cụ thể bằng việc quan tâm, lo lắng và hy sinh cho nhau – chính là hình ảnh trung thực của thiên đàng vĩnh cửu. Trái lại, nếu các thành viên trong gia đình không yêu thương nhau, không sẵn sàng hy sinh cho nhau, thì họ sẽ biến gia đình thành hỏa ngục tại thế, là hình ảnh của hỏa ngục vĩnh cửu. Trong 8 cái khổ mà Đức Phật kể ra, có cái khổ gọi là «oán tắng hội khổ», nghĩa là khổ vì không ưa nhau, ghét nhau mà lại phải sống chung với nhau.




2.  Tính ích kỷ, nguồn gốc bất hạnh 
           của mọi gia đình

Nhìn vào bất cứ một gia đình bất hạnh nào – nghĩa là một gia đình không hạnh phúc – ta luôn luôn thấy bóng dáng tính ích kỷ của một thành viên nào đó trong gia đình. Chính tính ích kỷ của thành viên này là nguồn gây nên đau khổ trong gia đình. Nếu thành viên ích kỷ ấy là người cha hay người mẹ, thì đau khổ trong nhà sẽ hết sức lớn lao. Gia đình nào càng có nhiều người ích kỷ, gia đình ấy càng bất hạnh. Gia đình mà càng có nhiều người sống vị tha, biết hy sinh cho người khác, gia đình ấy càng ít bất hạnh. Một gia đình mà mọi thành viên đều vị tha, đều quan tâm, chăm sóc và hy sinh cho nhau, đều sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho nhau, gia đình ấy chắc chắn hạnh phúc.

Câu chuyện minh họa về thiên đàng và hỏa ngục sau đây thật phù hợp với thiên đàng và hỏa ngục của gia đình. Cả thiên đàng và hỏa ngục đều dùng bữa với những thức ăn y như nhau, trong khung cảnh giống y hệt nhau, trong đó mỗi người đều phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. 

Thiên đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau ở chỗ này: trên thiên đàng, mọi người không ai tự gắp thức ăn cho mình, mà gắp cho người khác ăn, vì thế, ai cũng được ăn no. Còn trong hỏa ngục, mọi người chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn cho mình, nhưng vì đũa quá dài, chẳng ai gắp cho mình được gì cả, thế rồi chẳng ai được no, hết giờ ăn mà đói vẫn hoàn đói, từ đó họ trở nên căm thù nhau. 

– Cũng vậy, trong gia đình, không ai tự tạo hạnh phúc cho mình được mà không cần đến người khác, nên nếu ai cũng chỉ biết lo cho hạnh phúc của mình, thì chẳng ai hạnh phúc cả, và rồi sẽ phát sinh đủ thứ đau khổ. Tuy nhiên trong gia đình, người ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác, vì thế, nếu mọi người trong nhà đều biết lo cho nhau, tạo hạnh phúc cho nhau, thì ai nấy đều hạnh phúc.

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình thương, nên bản chất của con người cũng là tình thương. Vì thế, chỉ khi con người sống phù hợp với bản tính của mình là yêu thương, và thể hiện cụ thể tình yêu thương ấy với những người chung quanh, thì con người mới hạnh phúc. Nếu con người sống ích kỷ, tức ngược lại bản chất yêu thương của mình, con người sẽ đau khổ và làm cho những người chung quanh đau khổ.




3.  Làm sao để có tình yêu thương?

Nhưng làm sao người ta có thể yêu thương nếu không có một động lực, một nguồn yêu thương ngay từ trong lòng mình phát xuất ra? Làm sao có được nguồn yêu thương ấy? – Vì «tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa» (1Ga 4,7), nên chính «Thiên Chúa là nguồn yêu thương» (2Cr 13,11). Vì thế, muốn yêu thương, muốn loại trừ tính vị kỷ, con người phải kết hợp làm một với Thiên Chúa, nguồn tình thương. Kết hợp với Thiên Chúa là luôn luôn ý thức rằng mình «là hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,27; 9,6; Ep 4,24), được tạo dựng giống như Thiên Chúa (x. St 1,26; 5,1), và «được thông phần bản tính của Thiên Chúa» (2Pr 1,4), một Thiên Chúa mà bản chất là yêu thương (x.1Ga 4,8.16)

Nếu bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, mà ta giống Ngài, là hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính Ngài, tất nhiên bản chất của ta cũng là yêu thương. Ta không yêu thương hay không yêu thương đủ, là ta sống không đúng với bản chất của ta. Nhờ thường xuyên ý thức như thế, tình yêu và sức mạnh của tình yêu ngày càng lớn mạnh trong ta, khiến ta ngày càng yêu thương mọi người cách dễ dàng, và sẵn sàng làm tất cả để mọi người được hạnh phúc. Sống đúng với bản chất của mình là yêu thương, là hình ảnh Thiên Chúa, chính là sống thánh thiện.




4.  Gia đình là trường thực tập yêu thương

Để giúp con người có một môi trường thuận lợi để phát triển và thực tập tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng và đặt con người sống trong gia đình. Khi vừa sinh ra, mọi người đều nhận được một tình thương dồi dào, vô điều kiện và vô vị lợi của cha mẹ – một tình yêu thuộc loại tốt đẹp nhất trên thế gian – đồng thời được mời gọi đáp lại tình yêu thương ấy. Đó là một bài tập hết sức dễ dàng về yêu thương mà mỗi người đều có thể thực tập ngay từ thuở nhỏ. Không gì dễ dàng bằng yêu thương người đã hết lòng yêu thương mình và hy sinh cho mình. Tình yêu đáp trả này tự phát sinh do mình nhận được từ cha mẹ mình quá nhiều. Đây là thứ tình yêu nhận nhiều hơn cho. 

Lớn lên một chút, mỗi người khám phá ra, ngoài cha mẹ mình, thì các anh chị em mình cũng yêu thương mình bằng một tình yêu tương đối vô vị lợi. Với tình yêu này, con người phải tập cho nhiều hơn và nhận ít hơn so với tình yêu đối với cha mẹ. 

Ngoài gia đình, mỗi người còn có bạn bè do chính mình chủ động chọn lựa và yêu thương. Đến khi trưởng thành, con người có tình yêu hôn nhân. Tình yêu này là một tình yêu do mình chọn lựa và tương đối có điều kiện: mình yêu và đòi hỏi người kia phải yêu lại, nếu đơn phương thì tình yêu sẽ khó tồn tại. Con người chủ động hiến thân và hy sinh cho người mình yêu với một ý chí tương đối tự do. 

Đến khi có con cái, con người tự nhiên yêu thương con bằng một tình yêu vô vị lợi, vô điều kiện, không lựa chọn. Đó là tình yêu cao cả nhất và phản ảnh trung thực nhất tình yêu của Thiên Chúa mà con người kinh nghiệm được trong đời sống gia đình.

Như vậy con người thực tập yêu thương – từ dễ đến khó – trong môi trường gia đình. Trong gia đình, con người kinh nghiệm tình yêu một cách tự nhiên và sâu xa: con người được yêu và chủ động yêu, nhận hy sinh từ người khác và chính mình cũng hy sinh cho người khác. Nhưng con người còn được mời gọi yêu một cách rộng rãi hơn, vượt khỏi phạm vi gia đình, để đến với những người ngoài, không ruột thịt máu mủ. Các tín đồ trong các tôn giáo, đặc biệt người Kitô hữu, còn được mời gọi yêu thương cả những người không hề quen biết, thậm chí cả kẻ thù. Yêu như thế khó hơn rất nhiều, nhưng nhờ áp dụng những kinh nghiệm về yêu thương đã có trong gia đình, việc yêu thương người ngoài gia đình, thậm chí kẻ thù, trở nên khả thi hơn. Như vậy, vai trò của gia đình trong việc đào luyện tình yêu cho con người thật hết sức quan trọng, không gì thay thế được. 

Nếu những người trong gia đình – là những người cùng máu mủ ruột thịt, những người tự nhiên yêu thương ta nhất và ta dễ yêu thương nhất – mà ta không yêu thương được, thì làm sao ta có thể yêu những người xa lạ, những người khó có cảm tình, nhất là những người thường gây bất lợi cho ta? Kinh nghiệm cho tôi thấy, những ai đối xử không tốt với chính cha mẹ, vợ/chồng con, anh em mình, thì khi họ đối xử tốt với những người khác, sự tốt ấy thật đáng nghi ngờ! Rất có thể chỉ là giả tạo để đạt một mục đích nào đó, chứ không thể là thực tình được!

Vậy, các bậc cha mẹ hãy cho con cái mình những kinh nghiệm về yêu thương tốt đẹp nhất có thể. Đó là những gì tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho con cái họ!




CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, Mẹ và thánh Giuse đã làm cho gia đình của mình trở thành một gia đình gương mẫu vì mọi trong đó đều yêu thương nhau. Xin cho mọi người trong gia đình con thực tập từ bỏ tính ích kỷ để biết yêu thương nhiều hơn, hy sinh cho nhau nhiều hơn, để nên thánh thiện hơn.

Nguyễn Chính Kết



Saturday, December 19, 2020

Giang-sinh ‒ Đối tượng ưu tiên trong sứ mạng của Đức Giêsu là những người nghèo hèn, đau khổ, tội lỗi




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Giáng Sinh

(25-12-2020)


Đối tượng ưu tiên trong sứ mạng của Đức Giêsu
là những người nghèo hèn, đau khổ, tội lỗi 
ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 9,1-3.5-6: (3) Cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, ngọn roi hà hiếp họ, Ngài đều bẻ gãy. (4) Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị Ngài đem thiêu, làm mồi cho lửa.

  Tt 2,11-14: (14) Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.


  TIN MỪNG: Lc 2,1-14

Đức Giêsu ra đời.
Những người chăn chiên đến viếng thăm

(1) Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.  (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri.  (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.  (4) Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít.  (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai.  (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.  (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

(8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.  (9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.  (10) Nhưng sứ thần bảo họ: «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:  (11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.  (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ».  (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:  (14) «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương».





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Thiên Chúa lại để hoàn cảnh lịch sử gây khó khăn đau khổ cho Giuse và Maria, là những người đang cộng tác vào công việc quan trọng của Ngài? Ngài có thật sự thương các vị ấy không? Sao Ngài lại làm như vậy?
2. Tại sao Con Thiên Chúa vô cùng giàu sang lại sinh ra trong cảnh cơ cực, nghèo nàn và nhục nhã đến như vậy? Muốn người mình yêu thương được hạnh phúc nhưng ta không chấp nhận đau khổ cho họ thì có được không?
3. Tại sao thiên sứ lại báo tin cho các mục đồng mà chẳng hề báo tin cho các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái? Thiên Chúa hành động ngược đời quá chăng?
4. Đối tượng cần được quan tâm phục vụ nhất của những người theo Chúa, những người loan báo Tin Mừng là hạng người nào? Thực tế thế nào?

Suy tư gợi ý:

1.  Sự việc xảy ra trong lịch sử không vượt ra ngoài sự an bài của Thiên Chúa

Việc Đức Giêsu sinh ra ứng nghiệm những lời tiên báo trước đó về Đấng Cứu Thế: Ngài là con người chứ không phải thiên thần (x. St 3,15; Dt 2,16), là người Do Thái, con cháu Abraham, chứ không phải dân tộc khác (St 12,1-3; Ds 24,17), thuộc dòng tộc Giuđa (St 49,10), là con cháu Đavít (2Sm 7,1-17), sinh tại Bêlem (Mk 5,2) bởi một người nữ đồng trinh (Is 7,14)

Sự việc hoàng đế Augúttô ra lệnh kiểm tra dân số khiến Giuse và Maria phải rời Nadarét ở miền Bắc để vào Bêlem, quê hương của Giuse ở miền Nam, để khai tên tuổi xem ra là ý muốn của vị hoàng đế này. Điều này khiến gia đình vừa thành lập của Giuse và Maria phải điêu đứng khổ sở, và Đức Giêsu cũng phải chịu cực theo từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Nhưng sự việc này không nằm ngoài sự xếp đặt của Thiên Chúa. Ngài là chủ tể của lịch sử, là Đấng điều khiển lịch sử. Nhờ đó, lời tiên tri nói Ngài sẽ sinh ra tại Bêlem mới ứng nghiệm. Ta nên nhận ra thánh ý và cách thế hành động của Ngài qua những biến cố lịch sử.

Qua sự việc trên, ta nhận ra rằng có những sự việc trong đời ta và trong lịch sử có vẻ hết sức phi lý dưới con mắt loài người, nhưng chúng không bao giờ vượt khỏi quyền năng và sự an bài khôn ngoan kỳ diệu của Thiên Chúa. Cũng qua sự việc này, ta thấy cách Thiên Chúa huấn luyện những người mà Ngài đặc biệt yêu thương như thế nào. Gia đình Ngài yêu thương nhất mà còn phải trải qua biết bao thử thách, đau khổ và nhục nhã như thế để được thánh hóa, để góp phần vào công việc cứu chuộc của Thiên Chúa, lẽ nào chúng ta muốn nên hoàn thiện, muốn góp phần vào việc của Ngài lại không phải trải qua đau khổ?




2.  Tại sao Đức Giêsu sinh ra nghèo hèn, nhục nhã như thế?

Điều đáng chúng ta suy nghĩ là Ngôi Hai Thiên Chúa giàu sang vinh hiển vô cùng lại hạ sinh làm người trong một hoàn cảnh nghèo khổ, cơ cực nhất trần gian. Ngài đã giáng sinh trong một chuồng súc vật hôi hám, lấy máng ăn dơ bẩn của chúng làm nôi để nằm. Tự đặt mình trong hoàn cảnh của Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy nhục nhã lắm! Ngài chấp nhận như thế chỉ vì yêu thương con người, vì muốn nâng con người lên và muốn họ được hạnh phúc

Thánh Phaolô viết: «Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có» (2Cr 8,9). Thật vậy, muốn tha nhân hạnh phúc mà mình lại không muốn hy sinh, không chấp nhận ít nhiều đau khổ vì họ, thì đó là một ước muốn không tưởng! Muốn nâng người khác lên mà lại cứ muốn trèo lên đầu lên cổ họ là một ước muốn phi lý! Người thật sự theo Chúa không thể hành động ngược lại với phương cách mà Ngài đã dùng. Nếu không theo cách của Ngài, ta chỉ là một kẻ theo Chúa giả hiệu mà thôi.



3.  Tại sao các mục đồng lại được loan báo đầu tiên?

Tại sao tin mừng về việc Đức Giêsu sinh ra lại được loan báo trước tiên cho các mục đồng chứ không phải là các thượng tế, giới chức sắc và kinh sư trong tôn giáo? Đúng ra giới lãnh đạo Do Thái giáo phải được loan báo tin này trước nhất mới phải chứ? Thiên Chúa không hành động như thế. Các mục đồng tượng trưng cho giai cấp thấp hèn nhất, bị bỏ rơi nhất trong xã hội và tôn giáo. Điều này cho thấy trước rằng sứ mạng của Đức Giêsu là đến vì những người nghèo khổ, bị áp bức, những kẻ thấp cổ bé miệng nhất trong xã hội… 

Tin Mừng Ngài đem đến là thứ tin mừng giải phóng, chỉ những ai đang bị áp bức, bị giam hãm trong đau khổ, tội lỗi, mới cần được giải phóng. Vì thế, nó phải được loan báo đặc biệt ưu tiên và trước tiên cho những hạng người này. Cũng như Đức Giêsu, các ngôn sứ đích thực đều ưu tiên phục vụ, tranh đấu, lên tiếng bênh vực những người nghèo hèn, bé mọn hoặc tội lỗi. Hành động như thế thường gây bất lợi cho giới cầm quyền trong xã hội cũng như tôn giáo, vì thế các ngôn sứ thường bị họ căm ghét, mạ lị và bách hại (x. Lc 6,23)

Chỉ có các ngôn sứ giả mới ưu tiên phục vụ những kẻ giàu sang, quyền thế, nhờ vậy mà họ được giới này ca tụng và ưu đãi (x. Lc 6,26). Họ chỉ muốn phục vụ cho cơ cấu hay tập thể đang đem lại địa vị, sự ưu đãi và quyền lợi cho họ. Phục vụ Thiên Chúa hay phục vụ tha nhân nhiều khi chỉ là chiêu bài họ dùng để được quần chúng ủng hộ mà thôi. Họ chỉ quan tâm phục vụ và củng cố những cơ cấu đem lại lợi ích trần tục cho họ, chứ không thật sự quan tâm phục vụ Thiên Chúa hay những người cùng khổ. Ngôn sứ thật và ngôn sứ giả khác nhau ở điểm này, mặc dù bên ngoài họ không mấy khác nhau

Tuy nhiên phân biệt ngôn sứ thật và ngôn sứ giả rất dễ, chỉ cần nhìn vào việc làm hay cách hành xử của họ là nhận ra ngay. Đức Giêsu nói: «Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt» (Mt 7,17-18). Những ai chỉ ưu đãi hoặc coi trọng những người giàu sang quyền thế, đồng thời coi thường hay bạc đãi những người nghèo hèn khốn khổ, chắc chắn không thể là một ngôn sứ đích thực. 

Ngôn sứ thật thì hành động như Đức Giêsu: luôn luôn dành thì giờ và năng lực của mình ưu tiên cho những người bé mọn, hèn kém, đau khổ. Tâm tư Ngài lúc nào cũng hướng đến hạng người này, luôn tìm cách nâng đỡ, bênh vực họ. Dấu hiệu để nhận ra Ngài có phải là Đấng Cứu Thế hay không, được chính Ngài xác nhận: «Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng» (Mt 11,5-6). Ngài thường tự đồng hóa mình với người nghèo hèn đau khổ, đến nỗi ai làm gì cho những người này là làm cho chính Ngài (x. Mt 25,40.45)

Ngài đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải yêu thương người nghèo như một điều kiện tiên quyết phải có để theo Ngài và để có sự sống đời đời: «Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mt 19,16.21; x. Mc 10,17.21). Các ngôn sứ đích thực xưa nay đều có tinh thần ấy. Trong thời đại chúng ta, vẫn luôn có những con người như Martin Luther King (Mỹ da đen), ĐGM Oscar Romero (Salvador), LM Jerzy Popieluszko (Ba Lan)… Các vị này đã coi việc bênh vực người nghèo, người bị áp bức quan trọng hơn cả sự an toàn bản thân, thậm chí hơn cả mạng sống mình. Họ chính là gương mẫu của những người theo Chúa đích thực.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã sinh ra nghèo hèn, đã sống như người nghèo, đã chịu biết bao đau khổ, đã bị bách hại áp bức. Ngài đã yêu thương người nghèo khổ, tội lỗi, đã ưu tiên dành thì giờ và sức lực để phục vụ họ. Con là một Kitô hữu, một người muốn theo Ngài. Xin giúp con nhận thức được rằng, theo Đức Giêsu không phải chỉ là lãnh nhận bí tích rửa tội, thêm sức hay bất kỳ bí tích nào khác. Không phải chỉ là vào một hội đoàn, một dòng tu hay chủng viện. Cũng không phải chỉ là làm một giáo dân, linh mục hay tu sĩ, v.v… Mà là sống theo tinh thần của Ngài, tức tinh thần từ bỏ mình, quên mình, để xả thân cho anh chị em mình, nhất là những người đau khổ, nghèo hèn, thấp cổ bé miệng. Chính Đức Giêsu là gương mẫu cho con về tinh thần này, suốt từ khi sinh ra nghèo hèn đến khi chết thê thảm trên thập giá. Xin giúp con bắt chước Ngài, sống đúng tinh thần của Ngài.

Nguyễn Chính Kết

Sunday, December 13, 2020

Vong4 ‒ Hãy tập nhìn mọi sự theo cách nhìn của Thiên Chúa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Mùa Vọng

(20-12-2020)


Hãy tập nhìn mọi sự
theo cách nhìn của Thiên Chúa




ĐỌC LỜI CHÚA

  2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16: (12) Ta sẽ cho dòng dõi ngươi một người do chính ngươi sinh ra đứng lên kế vị ngươi, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. (14) Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con.

  Rm 16,25-27: (25) Tin Mừng mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa (26) nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.


  TIN MỪNG: Lc 1,26-38

Truyền tin cho Đức Maria

(26) Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, (27) gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. (28) Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: «Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà». (29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (30) Sứ thần liền nói: «Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. (32) Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. (33) Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận». (34) Bà Maria thưa với sứ thần: «Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!» (35) Sứ thần đáp: «Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (36) Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được». (38) Bấy giờ bà Maria nói: «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói». Rồi sứ thần từ biệt ra đi.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Thiên Chúa lại muốn Con của Ngài thụ thai, sinh trưởng và sống suốt 30 năm ở Nadarét, một vùng của dân ngoại, mà không phải tại Giêrusalem, thủ đô của Do Thái giáo, là tôn giáo mà Ngài lập nên?? 
2. Tại sao Thiên Chúa không chọn cho Con của Ngài làm con một vị tư tế hay chức sắc của Do Thái giáo, mà lại chọn làm con một thiếu nữ đơn sơ nghèo hèn, chẳng có gì là «danh gia vọng tộc», trong tôn giáo cũng như ngoài xã hội?
3. Điều gì nổi bật nơi thiếu nữ Maria khiến Thiên Chúa chọn cô làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Con của Ngài? Quan niệm và cách suy nghĩ của Ngài khác với của ta thế nào? Ta có cần quan niệm và suy nghĩ theo cách của Ngài không?

Suy tư gợi ý:

1. Tại sao Thiên Chúa chọn Nadarét làm nơi sinh trưởng của Đức Giêsu?

Đức Giêsu thụ thai và sinh trưởng tương đối bình yên tại Nadarét tức miền Bắc nước Do Thái, cách rất xa Giêrusalem, thủ đô tôn giáo của Do Thái ở miền Nam. Nadarét thuộc xứ Galilê, là vùng đất của dân ngoại. Tại sao Thiên Chúa lại chọn Nadarét chứ không phải Giêrusalem để Đức Giêsu thụ thai và trưởng thành? 

Tuy nhiên vì hoàng đế Rôma là Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số, buộc mọi người phải về nguyên quán để khai tên tuổi, mà Giuse thuộc dòng dõi Đavít, nên Giuse, phải đưa Maria sắp đến ngày sinh về khai tên tuổi tại quê quán của mình ở Bêlem thuộc miền Giuđê ở miền Nam, là quê quán dòng họ Ðavít (x. Lc 2,1-7). Do đó, Đức Giêsu phải sinh ra tại Bêlem, rất gần Giêrusalem, nhưng oái oăm thay, nơi đây chẳng những không tiếp nhận Ngài, mà còn bách hại và tìm cách giết Ngài dù Ngài vừa mới sinh ra. Ngài cũng đã chết tại Giêrusalem, trung tâm tôn giáo của đất nước Ngài, và chết vì tay của chính những vị lãnh đạo tôn giáo của Ngài. Điều đó không phải là không có ý nghĩa. Và đó chính là điều chúng ta nên suy nghĩ. 

Cũng chính vì Đức Giêsu sinh trưởng tại Nadarét mà người Do Thái có cớ để không tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Vì theo cách suy nghĩ của loài người, họ cho rằng đã là Đấng Cứu Thế thì phải sinh trưởng tại vùng có truyền thống tôn giáo mạnh mẽ nhất. Họ nghĩ Thiên Chúa cũng phải suy tính giống như họ. Thật vậy, khi nghe Philípphê giới thiệu về Đức Giêsu, Natanaen đã thốt lên: «Từ Nadarét, làm sao có được điều gì hay?» (Ga 1,46). Thế nhưng con người tuyệt vời nhất trần gian, đặc biệt về mặt tôn giáo, lại xuất phát từ cái địa danh bị mang tiếng là «miền đất của dân ngoại» (Mt 4,15), và sinh ra bởi một người nữ mà dưới mắt người đời chẳng có gì đặc biệt!

Thiên Chúa nhìn vào tâm linh con người, vào cốt lõi của vấn đề, và đánh giá theo cái nhìn ấy, chứ không nhìn vào những thứ bên ngoài, cho dù là tính tôn giáo, địa vị hay giai cấp trong tôn giáo, v.v… Trong cuộc đời Đức Giêsu, ta không hề thấy Ngài tỏ ra nể trọng ai chỉ vì người ấy giàu có, có địa vị hay quyền bính trong tôn giáo cũng như ngoài xã hội vốn được mọi người nể trọng. Ngài không ngần ngại khiển trách những người này khi họ ham được ca tụng, đề cao, lợi dụng quyền bính để hà hiếp kẻ yếu thế, hay làm ra vẻ đạo đức, v.v… Ta cũng không thấy Ngài tỏ ra khinh thường ai chỉ vì người ấy nghèo hèn, khốn khó, có địa vị thấp hèn trong tôn giáo hay xã hội. Nói chung Ngài quý trọng và yêu thương mọi người, bất kỳ ai, kể cả những kẻ thù ghét Ngài, vì họ đều là con cái Thiên Chúa, là anh em với Ngài.

Vì thế, những người theo Chúa cũng cần phải tập nhìn và đánh giá như thế. Thế nhưng đôi khi chúng ta, những người tự hào là theo Chúa, vẫn thường nhìn và đánh giá, theo những gì bên ngoài chứ không phải theo bản chất bên trong, để rồi trọng vọng hay khinh thường. Ta vẫn có cái nhìn và đánh giá kiểu người đời, coi trọng những thực tại trần gian chẳng kém gì dân ngoại.




2.  Tại sao Thiên Chúa chọn cô Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế?

Maria là một thiếu nữ thuộc thành phần nghèo nàn, gia thế không có gì đặc biệt, chắc hẳn sắc đẹp và tài năng cũng chẳng có gì trổi vượt. Thế mà Thiên Chúa lại chọn cô làm mẹ của Đấng Cứu Thế? Tại sao vậy? Điều gì khiến Thiên Chúa lại chọn cô chứ không phải chọn một cô gái nào đó con của một tư tế, một luật sĩ, hay một vị nào có thế giá trong tôn giáo Do Thái? Ta cần suy nghĩ để nhận ra cách quan niệm và hành động của Thiên Chúa.

Điều quan trọng đối với Thiên Chúa không phải là sắc đẹp, tài năng, kiến thức, gia thế, địa vị trong xã hội hay tôn giáo… Điều Ngài ưa thích là tính chân thật, khiêm cung, coi nhẹ «cái tôi» hay ý riêng của mình, nhưng coi Thiên Chúa và thánh ý của Ngài là trên hết, luôn yêu thương và sẵn sàng phục vụ tha nhân. Những đặc tính ấy ta có thể thấy được nơi thiếu nữ Maria.

Tâm lý của các phụ nữ Do Thái thời ấy là muốn lập gia đình, vì họ mong được vinh dự làm mẹ Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã loan báo trước đó mấy trăm năm. Tâm lý này phần nào tương tự như trong cộng đoàn Kitô hữu xưa nay vẫn có những bậc cha mẹ cho con đi tu, với mong ước con mình làm linh mục, tu sĩ, để mình được mọi người trọng vọng, gọi mình bằng «ông cố», «bà cố»… Còn Maria, cô chủ trương «không biết đến việc vợ chồng» (Lc 1,34), cô không màng vinh dự ấy. Ham muốn vinh dự ấy là điều rất tự nhiên, không có gì xấu, nhưng nó nói lên khuynh hướng mong «cái tôi» của mình được đề cao. Chiều theo khuynh hướng này là điều thuận lợi cho tính kiêu ngạo và các tham vọng phát sinh.

Chính vì tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, không tơ vương chuyện này, mà tâm hồn cô nổi bật lên trước con mắt Thiên Chúa. Tính khiêm cung phát xuất từ tình yêu nơi con người vốn là một vẻ đẹp hấp dẫn Thiên Chúa hơn bất kỳ điều gì: «Đấng muôn trùng cao cả vẫn ở với tâm hồn khiêm cung» (Is 57,15). Một điểm khác khiến Maria rất đẹp, rất có giá trị trước mặt Thiên Chúa, đó là tính coi rất nhẹ ý riêng của mình, nhưng luôn nhạy cảm trước thánh ý Thiên Chúasẵn sàng làm theo ý Ngài. Maria không muốn «biết đến việc vợ chồng», không màng đến chuyện có con, nhưng khi Thiên Chúa muốn cô sinh con, cô sẵn sàng chấp nhận, bất chấp những khó khăn sẽ xảy đến: nào là Giuse bạn cô có thể hiểu lầm, người đời sẽ dị nghị chuyện chưa chồng đã có thai, cho cô là đồ mất nết, nào là luật pháp có thể trừng trị rất nghiêm khắc, ném đá cô đến chết… Nhưng cô phó thác cho Thiên Chúa mọi việc, để tùy Ngài sắp xếp tất cả.

Khiêm cung và coi nhẹ ý mình để sẵn sàng thuận phục ý Thiên Chúa chính là hai điều cốt yếu nhất của sự thánh thiện. Đó là hai hệ quả tất yếu của một tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân.




3.  Tại sao Maria lại được gọi là «Người đầy ân phúc»?

Maria được thiên sứ chào là «Người đầy ân phúc». Nhưng rõ ràng cuộc đời cô là một cuộc đời đầy nghịch cảnh, bị thử thách trăm chiều vì người con của mình. Do đó, điều gọi là «ân phúc» trước mặt Thiên Chúa có thể lại là điều mà thế nhân chẳng mong muốn chút nào nếu không cho là tai họa. Ngược lại, điều mà thế nhân coi là có phúc thì rất có thể Thiên Chúa chẳng coi là có phúc (x. Lc 6,24-26). Vì Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn, nhìn vào những gì có tính lâu dài, vĩnh cửu, còn con người chỉ nhìn thấy những cái bên ngoài, nhất thời, ngay trước mắt. Người có phúc trước mặt Thiên Chúa là người có tâm hồn trong sáng, không bị hoen ố vì khuynh hướng vị kỷ, biết xả kỷ, yêu thương. Tinh thần «tám mối phúc thật» (Mt 5,1-12) nói lên điều ấy.

Tương tự như các bậc cha mẹ, khi thấy con cái mình lười biếng, ham chơi, vô trách nhiệm, thì tuy thấy chúng đang được vui thú hay đắc chí trong hiện tại, nhưng vẫn thấy chúng vô phúc và tội nghiệp cho chúng, vì thấy trước tương lai của chúng rất mờ mịt. Trái lại, khi thấy con cái chịu khó học hành, thì tuy thấy chúng mệt mỏi, vất vả trong hiện tại, nhưng lại mừng cho chúng, vì thấy tương lai của chúng rất tươi sáng. Cũng vậy, khi sứ thần đến truyền tin, lúc đó Maria chỉ là một thôn nữ nghèo, và cuộc đời trước mắt của Maria đầy dẫy những khổ đau vất vả, nhưng sứ thần thấy cả một tương lai vĩnh cửu sáng lạn đang chờ đợi cô. Vì thế, sứ thần đã chào Maria là «Đấng đầy ân phúc». Cách nhìn của sứ thần phản ánh cách nhìn của Thiên Chúa. Chúng ta phải tập cho mình có cách nhìn như thế.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, cách nhìn của con quả là quá thiển cận và rất trần tục, không vượt ra khỏi những gì thấy được bên ngoài hoặc trước mắt. Xin cho con có được cách nhìn của Cha, nhìn vào chiều sâu tâm hồn và xuyên suốt thời gian. Xin đừng để những vẻ hào nhoáng bên ngoài của trần gian, của tôn giáo cản trở cái nhìn tâm linh của con. Chỉ cái nhìn vào chiều sâu tâm hồn và xuyên suốt thời gian mới là cái nhìn trung thực và đúng nhất. Có được cái nhìn ấy, con mới dễ dàng sống đúng với thánh ý của Cha.

Nguyễn Chính Kết

Monday, December 7, 2020

Vong3 - Để làm chứng cho Thiên Chúa, phải thật sự cảm nghiệm về Ngài




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng

(13-12-2020)


Để làm chứng cho Thiên Chúa,
phải thật sự cảm nghiệm về Ngài




ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 61,1-2a.10-11: (1) Thần khí Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, (2) công bố năm hồng ân của Chúa.

  1Tx 5,16-24: (16) Anh em hãy vui mừng luôn mãi (17) và cầu nguyện không ngừng. (18) Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. (19) Anh em đừng dập tắt Thần Khí. (20) Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. 


  TIN MỪNG: Ga 1,6-8.19-28

Lời chứng của Gioan Tẩy Giả

(6) Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. (7) Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. (8) Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. (19) Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Dothái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: «Ông là ai?» (20) Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: «Tôi không phải là Đấng Kitô». (21) Họ lại hỏi ông: «Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?» Ông nói: «Không phải». «Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?» Ông đáp: «Không». (22) Họ liền nói với ông: «Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?» (23) Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói. 

(24) Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. (25) Họ hỏi ông: «Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?» (26) Ông Gioan trả lời: «Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. (27) Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người». (28) Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Gioan đến để làm chứng. Bình thường, muốn làm chứng điều gì, thì điều quan trọng là gì? Một người chỉ nghe ai kể lại một sự kiện, thì có thế làm chứng cho sự kiện ấy không? Muốn làm chứng cho Thiên Chúa thì sao? Chỉ học hỏi hay nghiên cứu về Ngài thì có thể làm chứng về Ngài không?
2. Gioan làm chứng cho ai? Ông có tìm cách dựa vào thế của Đấng mình làm chứng để tìm vinh quang cho mình không? Ông tự xưng mình là gì?
3. Thiên Chúa hay Đức Giêsu mà ta làm chứng, là người mà ta chỉ nghe nói tới, học hỏi và nghiên cứu, hay là một con người sống động, có quan hệ mật thiết và cụ thể với ta, đồng thời ảnh hưởng mãnh liệt trên đời sống ta?

Suy tư gợi ý:

Chủ đề của đoạn Tin Mừng trên là «làm chứng cho Thiên Chúa». Gioan Tẩy Giả là một mẫu gương và là thầy dạy chúng ta về làm chứng. Ta thử tìm hiểu cách làm chứng của Gioan để áp dụng trong cuộc đời Kitô hữu và chứng nhân của ta.


1.  
«Gioan đến để làm chứng và làm chứng cho ánh sáng» (Ga 1,8)

Gioan Tẩy Giả sinh ra và sống trong thế gian là để làm chứng. Trong các tòa án, người làm chứng phải là người chứng kiến tận mắt sự việc xảy ra, và phải chịu trách nhiệm về lời chứng của mình. Nếu lời chứng bị phát hiện là gian dối, họ phải chịu một hình phạt của tòa án. Để lời chứng có giá trị, đôi khi người làm chứng phải thề để mọi người tin rằng điều mình nói là sự thật. Có những người sẵn sàng chấp nhận chịu những đau khổ khủng khiếp và cả cái chết để chứng tỏ lời chứng của mình là sự thật. Một lời chứng như thế thật đáng tin. 

Người làm chứng phải là người có kinh nghiệm thật sự về điều mình làm chứng: hoặc thấy tận mắt sự việc, hoặc cảm nghiệm được sự việc. Nếu mình làm chứng về một điều mình chỉ nghe nói, nghe thuật lại, thì lời chứng của mình kém hẳn giá trị. Vì thế, để là một người làm chứng cho Thiên Chúa, thì chính người ấy phải có kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa, phải cảm nhận được tình yêu và quyền năng của Ngài trong đời sống mình

Nếu mình chỉ học được một mớ lý thuyết thần học, chỉ nghiên cứu Kinh Thánh hay Lời Chúa như một nhà khoa học nghiên cứu một bản văn, thì mình chưa đủ tư cách làm chứng. Nếu mình chỉ tin Thiên Chúa cách lý thuyết, chính mình chưa xác tín điều mình làm chứng, thì mình chẳng thể sống chết cho niềm tin ấy, lời chứng của mình sẽ chẳng mấy giá trị. Do đó, chỉ những ai có kinh nghiệm thật sự về Thiên Chúa mới có thể làm chứng cho Ngài một cách hợp tình hợp lý mà thôi. Mình chưa có kinh nghiệm mà đã làm chứng, nhất là làm chứng một cách quả quyết, thì lời chứng ấy đã vượt quá khả năng của mình. Chẳng khác gì một người chỉ nghe nói một sự việc mà đã quả quyết 100% là sự việc ấy có thật như thể mình chứng kiến sự việc ấy.

Gioan đến để «làm chứng cho ánh sáng». Ánh sáng tượng trưng những gì tích cực, như chân lý, công lý, tình thương… Ngược với ánh sáng là tối tăm. Tối tăm tượng trưng những gì tiêu cực như gian dối, bất công, hận thù… Người của ánh sáng không thể làm chứng cho tối tăm, cũng không thể đồng lõa với tối tăm bằng sự bất động, không phản ứng gì trước những gian dối, bất công, hận thù… Im lặng bất động trong những trường hợp này không phải là tư cách của một người làm chứng đích thực. Để làm chứng, đôi khi phải chấp nhận trả giá. Không chấp nhận trả giá thì lời chứng của mình không đáng tin. Chấp nhận trả giá càng cao, lời chứng càng giá trị, càng đáng tin. Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả, các tông đồ đã chấp nhận trả giá cho lời chứng của mình bằng cái chết. Chính vì thế, lời chứng của các ngài mới được thế giới tin theo.




2.  Tinh thần xóa mình khi làm chứng

«Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30). Người làm chứng có chịu để cho mình nhỏ đi, thì người mình làm chứng mới lớn lên được!

Còn chúng ta, khi làm việc cho Chúa, làm tông đồ, ta muốn được mọi người tôn vinh, ta thích tự đề cao mình, tự phong cho mình một chức vụ quan trọng, tự xưng là đại diện cho một nhân vật cao cả để mọi người trọng vọng ta. Ta muốn mọi người phải gọi ta bằng danh này hiệu nọ, nếu không được thì ta buồn bực, khó chịu… Đang khi đó, có thể ta chẳng làm chứng cho Thiên Chúa, cho ánh sáng, cho chân lý hay công lý được bao nhiêu, là vì ta muốn mình lớn lên nên Ngài phải nhỏ đi. Trước mặt Thiên Chúa, có khi ta chẳng hơn ai, nhưng ta muốn mọi người phải kính nể ta và dành nhiều ưu đãi cho ta, vì ta đang làm việc cho Thiên Chúa



3.  «Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết» (Ga 1,26)

Gioan muốn làm chứng về «một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết» (Ga 1,26). Rất có thể chính Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, trong chúng ta, bên cạnh chúng ta… mà chúng ta không mấy khi ý thức được. Thật vậy, ít khi ta ý thức Ngài đang hiện diện trong chính bản thân ta. Do đó, sự hiện diện của Ngài trong ta trở nên thụ động tương tự như khi Ngài ngủ trên thuyền của các tông đồ giữa cơn phong ba bão tố (x. Mt 8,23-27). Vì thế, giữa cuộc đời bão tố, ta vẫn cảm thấy cô đơn, lo lắng, sợ hãi, tưởng như chẳng ai sẵn sàng cứu giúp ta, chẳng ai tiếp sức mạnh cho ta, khiến ta vẫn yếu đuối, khiếp nhược. Ta vẫn muốn chạy đến cầu khẩn, van xin một Thiên Chúa, một Đức Giêsu ở bên ngoài ta, ở xa ta, qua trung gian một ai đó. Vì thế, ta không nhận được sức mạnh từ một Thiên Chúa ở trong ta

Ngoài ra, Thiên Chúa còn hiện diện rất sống động bên cạnh ta, nơi những người đang sống quanh ta, nhưng ta không hề nghĩ đến sự hiện diện ấy. Ta vẫn không hề cảm nhận được Thiên Chúa đang ở nơi họ, để đối xử với họ như những hiện thân cụ thể của Ngài. 

Do đó, Thiên Chúa đối với ta dường như vẫn rất trừu tượng, vô hình, im lặng, vắng mặt, không sao cảm nhận được! Và lời chứng của ta về Thiên Chúa vẫn là lời chứng của một người chỉ biết Ngài cách lý thuyết, vì chỉ nghe người khác nói về Ngài. Nên lời chứng ấy không phải là lời chứng sống động, mạnh dạn và đầy thuyết phục về một Thiên Chúa mà đúng ra chính ta cảm nhận được cách rất cụ thể.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhiều khi con tự hào là chứng nhân của Cha, của Đức Giêsu. Nhưng thật ra, con chưa có kinh nghiệm nhiều về Cha, về Đức Giêsu. Con chỉ biết và tin cách lý thuyết, sau khi đã học hỏi về Cha, về Đức Giêsu một vài năm. Thế là con đã cảm thấy mình có thể làm chứng về Cha, về Đức Giêsu cho mọi người, như một nhà chuyên môn làm chứng, hay một người làm chứng chuyên nghiệp. Nghĩ lại, nhiều khi con cảm thấy mình hợm hĩnh quá. Xin Cha giúp con cảm nghiệm đích thực về Cha, về Đức Giêsu sống động trong đời sống của con, để lời chứng của con trở nên giá trị hơn, đáng tin hơn.

Nguyễn Chính Kết


Monday, November 30, 2020

Vong2 - Dọn đường và đón mừng Chúa đến bằng cách nào?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng

(06-12-2020)



Dọn đường và đón mừng Chúa đến bằng cách nào?



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 40,1-11: (3) Có tiếng hô: «Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. (4) Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu».

  2 Pr 3,8-14: (11) Muôn vật phải tiêu tan như thế, thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao. 


  TIN MỪNG: Mc 1,1-8

Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng

(1) Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa: (2) Trong sách ngôn sứ Isaia có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. (3) Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. (4) Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. (5) Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. 

(6) Ồng Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. (7) Ồng rao giảng rằng: «Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. (8) Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần».





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Tin Mừng Máccô lại bắt đầu bằng câu chuyện của Gioan Tẩy giả, mà không bắt đầu bằng chuyện Đức Giêsu giáng sinh? Việc dọn đường của Gioan có ý nghĩa gì đặc biệt đối với người Rôma?
2. Dựa theo tinh thần bài Tin Mừng, để dọn đường đón Chúa đến, chúng ta cần làm gì một cách cụ thể? Những hình ảnh «dọn sẵn con đường của Đức Chúa», «sửa lối cho thẳng để Người đi» có ý nghĩa gì?
3. Việc dọn đường Chúa đến có liên hệ gì với những quan hệ của ta với tha nhân không?

Suy tư gợi ý:

1. Gioan Tẩy Giả, người dọn đường để Đức Giêsu đến 

Khởi đầu Tin Mừng Máccô là chuyện Gioan Tẩy Giả loan báo và dọn đường cho Đức Giêsu đến, khác với Tin Mừng Mátthêu và Luca khởi đầu bằng chuyện Đức Giêsu giáng sinh. Tại sao? Vì Tin Mừng Máccô được viết cho người Rôma. Theo quan niệm và thông tục của người Rôma, các nhân vật quan trọng đi đến đâu đều phải có người dùng loa thông báo cho dân chúng biết trước mấy ngày, vừa để làm nổi bật sự quan trọng của nhân vật đó, vừa để dân chúng sửa sang những con đường trong vùng cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch sẽ, vừa để dân chúng đón tiếp hai bên đường cho long trọng nếu vấn đề an ninh cho phép. Vì thế, để giới thiệu Đức Giêsu cho các Kitô hữu Rôma mà khởi đầu Tin Mừng bằng câu chuyện của Gioan Tẩy Giả thì sẽ hiệu quả và lôi cuốn sự chú ý của người Rôma hơn. Ngoài ra, để nói lên tính cách đặc biệt thần thiêng của việc dọn đường ấy, thánh sử Máccô còn trích dẫn lời của 2 ngôn sứ Isaia và Malakia đã loan báo trước đó khoảng 450-550 năm (tương đương với thời của các vị giáo chủ các tôn giáo châu Á): Ngôn sứ Malakia loan báo: «Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta» (Ml 3,1), còn ngôn sứ Isaia viết: «Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi» (x. Is 40,3).

Phần chúng ta, khởi đầu năm phụng vụ mới, chúng ta cũng cần chuẩn bị đón mừng kỷ niệm Đức Giêsu đến trong nhân loại, đồng thời đón mừng Ngài đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Vì thế, thiết tưởng bản thân mỗi người cũng như toàn Giáo Hội hãy dọn đường đón mừng Ngài. Dọn đường thế nào thì Isaia và Gioan Tẩy Giả đã chỉ cho chúng ta.




2. Dọn đường đón mừng Chúa đến

Ngôn sứ Isaia viết: «Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng phải được lấp đầy, mọi núi đồi phải bạt xuống, nơi lồi lõm phải hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề phải trở nên vùng đất phẳng phiu» (Is 40,3-4). Như vậy, theo ngôn sứ Isaia, để đón Chúa đến, việc đầu tiên là phải «mở một con đường». Muốn thế, phải bạt núi, san đồi, lấp thung lũng, đổ đầy các hố rãnh. Đó là nói theo ngôn ngữ hình tượng. Còn trong thực tế thì phải làm gì?

a) Phải mở một con đường, nghĩa là phải mong muốn và quyết tâm gặp gỡ Chúa

Chúa đến để gặp gỡ và đem lại cho chúng ta sự cứu độ, không chỉ ở đời sau mà còn ở ngay đời này nữa. Sự cứu độ ở ngay đời này là đạt được một sự bình an và hạnh phúc siêu nhiên, tuyệt vời, không phải thứ bình an hạnh phúc kiểu thế gian vốn bị lệ thuộc vào những điều kiện trần tục (x. Ga 14,27). Nhưng để việc gặp gỡ đó thành hiện thực, chính chúng ta cũng phải mong muốn và quyết tâm gặp gỡ Ngài. Ngài không thể đến với ta nếu chính ta không tích cực muốn điều đó. 

Do đó, trở ngại lớn nhất khiến chúng ta không thể gặp gỡ Ngài chính là chúng ta không thật sự muốn gặp gỡ Ngài. Vì khi gặp gỡ Ngài, Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta phải đối diện với sự thật của chính bản thân chúng ta. Nhưng chúng ta thường muốn trốn tránh sự thật, tránh việc phải đối diện với lương tâm mình… Vì điều này đòi buộc ta phải chỉnh đốn lại cách sống của mình, phải từ bỏ những đam mê, những thói xấu, những bất công vốn đem lại cho ta vui thú, lợi lộc, quyền lực, danh vọng là những thứ ta rất ham thích. 

Như vậy muốn Chúa đến với ta, ta phải khai phá một con đường, con đường ấy chính là tâm trạng sẵn sàng đón Chúa đến, sẵn sàng đến với Ngài, gặp gỡ Ngài với bất cứ giá nào.

b) Con đường phải thẳng ngay, bằng phẳng, nghĩa là tâm hồn ta phải chính trực, ngay thẳng

Với những ai muốn đón Chúa đến, Gioan Tẩy Giả yêu cầu: «Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi» (Mc 1,3). Khi đón một nhân vật quan trọng đến một vùng nào, người vùng đó phải dọn dẹp đường cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch đẹp. Cũng vậy, để đón Chúa đến, ta cũng phải sửa lại những con đường trong tâm hồn ta cho ngay thẳng, bằng phẳng, sạch đẹp. Nghĩa là tâm hồn ta phải luôn ngay thẳng, chính trực, không quanh co, gian dối, giả tạo…

Ngay thẳng là một trong những yếu tố chính yếu của sự công chính, thánh thiện. Thiết tưởng người Kitô hữu cần phải tạo cho mình một tư cách ngay thẳng, chính trực, nói gì hay làm gì cũng phải «công minh chính đại», «đường đường chính chính», không lén lút, giấu giếm, không làm ai phải nghi ngờ điều gì. Tư cách của người Kitô hữu phải là tư cách của một người quân tử, tôn trọng sự thật, nghĩ thế nào nói thế nấy, và nói thế nào làm thế nấy, như Đức Giêsu đòi buộc: «Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”, thêm thắt điều gì là do ác quỷ» (Mt 5,37). Nghĩ một đằng nói một nẻo, hay nói một đằng làm một nẻo là tư cách của tiểu nhân, của phường gian ác, không thể là tư cách của người Kitô hữu. Sách Châm Ngôn viết: «Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng» (Cn 21,28); Thánh Phaolô cũng viết: «Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác» (Thư Do Thái 1,9); Sách Châm Ngôn cũng thêm: «Ngài ghê tởm tâm địa quanh co» (Cn 11,20).

Nguyên nhân biến con người thành quanh co, giả hình, mưu mô… chính là tâm địa ích kỷ, lắm tham vọng, muốn phình to bản ngã. Tâm địa này khiến người ta cố gắng đạt được những điều mình ham muốn –là danh vọng, quyền lực, tiền bạc– với bất cứ phương tiện nào, kể cả phương tiện xấu, và bằng bất cứ giá nào, kể cả tội ác. Từ đó con người bị tham vọng và đam mê của mình thu hút, mê hoặc, dẫn đưa mình vào con đường cong queo của tội ác. 

Do đó, «sửa lối cho thẳng để Người đi» một cách căn bản là dần dần diệt bỏ khuynh hướng ích kỷ, thích đặt nặng «cái tôi» của mình. Khuynh hướng này gây nên tất cả mọi lồi lõm, mọi cản trở khiến Chúa khó đến với ta, và ta khó đến với Chúa. Hãy noi gương Gioan Tẩy giả, sống thanh đạm: ông «mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng» (Mc 1,6); không tham vọng, không ham đề cao «cái tôi» của mình, sẵn sàng nhìn nhận sự thật hèn kém của mình. Khi có người tưởng ông là Đấng Cứu Thế, ông nói: «Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người».

c) Đường đến với Chúa cũng là con đường đến với tha nhân

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa luôn luôn tự đồng hóa với tha nhân của ta. Do đó, người Kitô hữu không thể quan niệm Thiên Chúa độc lập với tha nhân của mình, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu tha nhân, không thể đến với Thiên Chúa bằng một con đường khác với con đường đến với tha nhân

Ngược lại, con người không thể thật sự yêu thương tha nhân mà không yêu mến Thiên Chúa, không thể đến với tha nhân bằng con đường khác với con đường đến với Thiên Chúa. Chủ trương chỉ yêu tha nhân không cần đếm xỉa gì đến Thiên Chúa, hay ngược lại, chỉ yêu Thiên Chúa mà không đếm xỉa gì đến tha nhân đều là những tình yêu giả tạo, không thực tế. Do đó, muốn đến và gặp gỡ Thiên Chúa không gì tốt đẹp và chắc chắn bằng đến hay gặp gỡ Ngài nơi tha nhân của ta. Và muốn đến và gặp gỡ tha nhân không gì bảo đảm và tạo hạnh phúc cho họ bằng đến và gặp gỡ họ trong Thiên Chúa. Đối với người Kitô hữu, không thể tách rời Thiên Chúa khỏi tha nhân, và tách rời tha nhân khỏi Thiên Chúa.

Vậy, đón Chúa đến, không gì làm Chúa hài lòng bằng sửa sang lại mọi quan hệ của ta với tha nhân cho tốt đẹp hơn, tình nghĩa hơn: làm sao để cha mẹ ta cảm thấy ta thật sự là con hiếu thảo, con cái ta thấy ta thật sự là cha mẹ tốt, anh chị ta thấy ta là người em tốt, các em ta thấy ta là người anh tốt, bạn bè ta thấy ta là người bạn tốt, những nhà chung quanh ta thấy ta là hàng xóm tốt… Hãy sống làm sao để không mấy ai có thể chê trách ta được, ai cũng cảm nhận được tình thương của ta.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha là một Thiên Chúa luôn luôn đồng hóa với tha nhân của con. Nhờ đó, con có thể gặp gỡ Cha trong những người sống chung quanh con, đồng thời yêu thương và phục vụ Cha bằng việc yêu thương phục vụ họ. Vì thế, chuẩn bị đón Cha đến trần gian, không gì tốt đẹp hơn làm cho môi trường con đang sống biến thành một môi trường yêu thương. Xin giúp con thực hiện điều Cha mong muốn nhất ấy.

Nguyễn Chính Kết