Sunday, October 20, 2019

TN30b - Khiêm nhường tự hạ có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện, bất chính thành công chính




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 30 Thường Niên

(23-10-2022)

Bài đào sâu


Ôi kỳ diệu thay sự khiêm nhường tự hạ!
Nó có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện,
bất chính thành công chính!



  TIN MỪNG: Lc 18,9-14

Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế


Câu hỏi gợi ý:
1. Theo cách suy nghĩ thông thường của bạn, khi nghe hai người trong bài Tin Mừng cầu nguyện, bạn đánh giá ai công chính hơn ai? Cách phán đoán của Đức Giêsu về sự công chính có khác với cách của bạn không? Khác chỗ nào? 
2. Những người tập luyện được nhiều nhân đức hơn người, làm được nhiều việc tốt lành hơn người, nhưng lại tự hào và lên mặt về sự hơn người đó, thì sẽ được Thiên Chúa đánh giá thế nào? 
3. Đọc bài Tin Mừng bạn rút ra được bài học gì cho mình? cho cách xử sự hằng ngày và cho công việc nên thánh của mình?



Suy tư gợi ý:

1.  Cách phán đoán của Đức Giêsu khác với cách của ta

Qua lời cầu nguyện của hai người trong bài Tin Mừng này, ta biết tất cả những điều tốt lành mà người Pharisêu khoe với Chúa rằng mình đã làm đều là sự thật, và tình trạng tội lỗi mà người thu thuế thú nhận trước mặt Chúa cũng đều là sự thật. Nếu để ta xét đoán, ta sẽ dễ cho rằng người Pharisêu kia mới là người công chính, còn người thu thuế đích thực là tội lỗi. 

Nhưng câu kết luận của Đức Giêsu làm chúng ta phải ngạc nhiên: «Tôi nói cho các ông biết: người này (tức người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (tức người Pharisêu) thì không» (Lc 14,18). Ta thấy phán đoán của Đức Giêsu về sự công chính khác hẳn cách phán đoán của chúng ta. Đương nhiên, chúng ta phải lấy cách phán đoán của Ngài làm mẫu mực cho cách phán đoán của ta, và phải chỉnh lại cách suy nghĩ của ta theo cách của Ngài.



2.  Tự đề cao mình khiến mình bớt giá trị trước mặt Thiên Chúa

Như vậy, điều khiến cho một người nên công chính không phải là những việc tốt lành mà họ làm được cho bằng động lực đã thúc đẩy họ làm những việc ấy. Nếu họ làm những điều tốt để được mọi người khen thưởng, khâm phục, chứ không phải vì yêu Chúa hay thương tha nhân mà làm, thì những điều tốt ấy chỉ có giá trị trước mặt người đời chứ không chắc có giá trị trước mặt Thiên Chúa

Đức Giêsu đã nói về những hành động ấy như sau: «Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi» (Mt 6,1-2).

Làm điều tốt đẹp để được khen đó là làm vì một động lực vị kỷ, tự kiêu. Đương nhiên, chẳng mấy ai trên đời thoát được tính vị kỷ, muốn tự đề cao mình: người ta chỉ hơn nhau ở chỗ vị kỷ ít hay nhiều mà thôi. Muốn nên thánh, ta phải tập luyện hằng ngày để tính vị kỷ hay tính thích được đề cao của ta càng ngày càng giảm đi. Sự thánh thiện và tính vị kỷ hay độ phình lớn của cái tôi tỷ lệ nghịch với nhau. Lời của Gioan Tẩy giả có thể coi là một định luật: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30)

Cái tôi của ta càng nhỏ đi thì đời sống thần linh hay sự sống của Đức Kitô càng lớn lên trong ta, và giá trị của ta trước mặt Thiên Chúa càng lớn. Ngược lại, cái tôi của ta càng phình lớn, thì sự sống của Đức Kitô ở trong ta hay giá trị của ta trước mặt Thiên Chúa càng nhỏ đi. «Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên» (Mt 23,12; Lc 14,11; 18,14).

Người nào hay tìm cách để được mọi người đề cao, khen thưởng thì cũng thường tự coi mình là hơn người và thích chê bai người khác: hạ người khác xuống để mình được nổi bật lên. Những người này dù có làm được biết bao điều tốt lành, thực tập biết bao nhân đức để được người khác nể phục, dù có lên được những bậc thang cao trong Giáo Hội hay xã hội thì vẫn là con số 0 trước mặt Thiên Chúa. Họ không được Thiên Chúa coi là người công chính.



3.  Tự hạ, tự coi thường mình lại làm mình tăng giá trị lên trước mặt Thiên Chúa

Qua bài Tin Mừng ta thấy tội lỗi hay những hành động xấu không làm người ta mất sự công chính cho bằng tính tự mãn hay kiêu ngạo. Người thu thuế đã thật sự phạm nhiều tội lỗi, nên đã làm mất đi sự công chính của mình. Nhưng hành động khiêm nhường, biết nhìn nhận sự bất chính và tội lỗi của mình đã lập tức biến anh ta nên người công chính trước Thiên Chúa, bất chấp quá khứ tội lỗi của mình. Tương tự như vậy, tên trộm bị đóng đinh bên phải Chúa, tôi nghĩ chưa chắc anh ta đã phạm ít tội hơn tên trộm bên trái, nhưng chỉ vì anh ta nói được câu: «Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!» mà đã được Đức Giêsu hứa: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (Lc 23,41-43)

Ôi thật là kỳ diệu sự khiêm nhường tự hạ, biết nhìn nhận thực trạng hèn kém của mình! Nó có khả năng biến tội lỗi thành thánh thiện, bất chính thành công chính! Ngược lại, cũng thật quái lạ, tính kiêu ngạo, tự mãn, tự đề cao, có thể biến những điều tốt thành xấu, công chính thành bất chính!



4.  Bài học về khiêm nhường tự hạ

Nếu thế thì tại sao ta lại không rút ra một bài học cho mình? cho lý tưởng nên thánh của mình? Khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện, của nhân đức. Tất cả những tài năng, nhân đức dường như không có giá trị tự nó (en soi) trước mặt Thiên Chúa. Chúng chỉ trở nên có giá trị khi đi chung với sự khiêm nhường, tự hạ. Cũng như những số 0 (không, zéro) dù nhiều tới đâu cũng chẳng làm cho con số do chúng tạo thành có giá trị gì. Nhưng nếu chúng được dẫn đầu bởi số 1, thì lập tức mỗi số 0 sau đó đều trở nên có giá trị: càng nhiều số 0 đi sau số 1, thì giá trị con số do chúng tạo thành càng tăng lên. Mỗi số 0 sau số 1 đều làm cho con số đã có tăng giá trị lên gấp 10 lần.

Đức Gioan-Phaolô I (1912-1978) nói: «Trên thiên đàng không thiếu bọn thu thuế và đĩ điếm nhưng không có kẻ kiêu ngạo. Dưới hỏa ngục có cả hồng y giám mục nhưng không có người khiêm nhường». Nếu đúng như vậy thì bí quyết để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu là khiêm nhường, tự hạ, và ai khiêm nhường tự hạ thì dường như không thể xuống hỏa ngục được! Còn muốn xuống hỏa ngục thì chỉ cần kiêu ngạo là đủ, và kẻ kiêu ngạo thì dường như không thể vào thiên đàng được!

Trong cuộc đời, ta thấy có nhiều người sống trong sạch như các thiên thần, hoặc làm được rất nhiều việc lành như những vị thánh, nhưng họ lại kiêu ngạo, tự hào không kém gì ma quỉ về sự tốt lành của họ. Chính vì thế, họ không phải là đối tượng của Nước Trời. Thật là uổng, tất cả những nhân đức họ tập được, những việc lành họ làm được, chỉ vì kiêu ngạo mà biến thành công dã tràng! Như vậy, ai tự đưa mình lên thì coi chừng kẻo bị hạ xuống tới tận hỏa ngục! 

Còn ai tự hạ mình xuống thì rất có thể sẽ được đưa lên tới tận thiên đàng! Đức Giêsu đã chẳng nói: «Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu sao?» (Mc 10,31; xem Mt 20,16; Lc 13,30). Vậy thì dại gì mà kiêu căng, khoe khoang, tự mãn! dại gì mà lên mặt chê bai kẻ khác! Chính khi ta chê bai kẻ khác với mục đích để mình nổi bật lên, thì hành động của ta lại trở thành đáng chê hơn kẻ bị ta chê!

Về sự khiêm nhường và kiêu ngạo, Karl Marx nói: «Khiêm nhường bao nhiêu đều không đủ, Chỉ chút kiêu ngạo cũng quá nhiều!»Vì thế, hãy khiêm nhường được chừng nào hay chừng nấy, và đừng kiêu căng hay tự mãn chút nào cả!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Thánh Kinh cho con biết Cha rất thích kẻ khiêm nhường, và rất ghét kẻ kiêu căng. Đức Giêsu là hình ảnh trung thực nhất của Cha đã sống một cuộc đời hết sức khiêm nhường, đầy tinh thần tự hủy và vị tha tới tận cùng, đến nỗi Ngài không còn sống cho bản thân mình mà hoàn toàn sống cho Cha và tha nhân. Xin cho con biết sống như Đức Giêsu: quên mình, tự hạ, để có thể sống yêu thương và hòa đồng với tất cả mọi người chung quanh con. Amen.


TN30a - Sự công chính theo quan niệm của Đức Giêsu rất khác với quan niệm của chúng ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 30 Thường Niên

(23-10-2022)


Sự công chính theo quan niệm của Đức Giêsu
rất khác với quan niệm của chúng ta



ĐỌC LỜI CHÚA

  Hc 35,12-14.16-18: (12) Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. (13) Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.

  2Tm 4,6-8.16-18: (8) Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.

  TIN MỪNG: Lc 18,9-14

Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế

(9) Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: (10) «Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. (11) Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. (12) Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. (13) Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. (14) Tôi nói cho các ông biết, người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên».





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có ngạc nhiên về cách đánh giá của Đức Giêsu về hai người trong bài Tin Mừng trên không? Nếu là bạn, bạn đã đánh giá hai người ấy thế nào?

2. Bạn rút ra bài học gì về quan điểm của Đức Giêsu về sự thánh thiện? Bạn phải thay đổi cách đánh giá của bạn theo Đức Giêsu hay theo người đời?

3. Theo Đức Giêsu, sự công chính hệ tại điều gì? tại sự vô tội? tại những việc đạo đức mình làm được? tại việc giữ luật nhiệm nhặt? hay tại tình yêu? tại lòng khiêm nhượng? tại sự hối cải?

Suy tư gợi ý:
1.  Cách đánh giá của Đức Giêsu thật đáng ngạc nhiên

Đọc đoạn Tin Mừng trên, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và kinh sợ. Ngạc nhiên vì kết luận rất bất ngờ của Đức Giêsu so với cách suy nghĩ đánh giá của chúng ta. Kinh sợ vì thấy chính mình nhiều khi cũng hành xử y hệt người Pharisêu ấy. Người Pharisêu trong đoạn Tin Mừng tự hào về những việc mình làm, điều đó không phải là không có lý do chính đáng. Chắc hẳn ông ta đã thật sự làm được những điều mà ông ta kể ra với Thiên Chúa. Bài Tin Mừng viết, «Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng…». Từ «nguyện thầm» cho ta thấy những việc tốt lành đạo đức ông kể ra là chỉ để cho Chúa nghe, chứ không phải để khoe khoang với mọi người. Cho nên những việc ấy là có thật. Chẳng những ông tuân giữ luật Môsê cũng là luật Chúa một cách nhiệm nhặt, mà còn làm tốt hơn những gì luật ấy buộc nữa. Chẳng hạn luật Môsê chỉ buộc kiêng ăn mỗi năm một lần vào ngày lễ tạ tội, tức ngày 10 tháng 7 của lịch Do Thái (x. Lv 16,29), thế mà ông đã ăn chay mỗi tuần hai lần. Nghĩa là nhiều hơn gấp 104 lần luật buộc! (104 = 52 tuần x 2). Chính những việc làm xem ra tốt lành ấy đã khiến ông tự hào mình đạo đức, khiến ông rơi vào tình trạng mà sách Cách Ngôn nói: «Có hạng người cứ cho mình là trong sạch, dù chưa được gột rửa khỏi vết nhơ» (Cn 30,12).

Nhưng rõ ràng theo quan điểm của Đức Giêsu thì ông không phải là người công chính trước mặt Thiên Chúa, mặc dù trước mặt mọi người, ai cũng phải công nhận ông ta là người rất đạo đức. Điều đó hẳn phải làm ta ngạc nhiên. Nhưng ta còn ngạc nhiên hơn nữa khi Đức Giêsu lại coi người thu thuế tội lỗi kia là người công chính sau khi ông cầu nguyện cách khiêm cung như thế. Mặc dù người thu thuế chắc chắn đã phạm nhiều tội hơn người Pharisêu kia. Quả thật, cách suy nghĩ, đánh giá của Đức Giêsu ngược hẳn với cách thường tình của chúng ta, kể cả của những Kitô hữu «cao cấp». Nhưng là người Kitô hữu, chúng ta phải học cách suy nghĩ và đánh giá của Đức Giêsu, chứ không phải tiếp tục cố chấp với cách suy nghĩ của mình.

Thiên Chúa cũng sẽ xét xử chúng ta dựa trên cách suy nghĩ và đánh giá của Đức Giêsu chứ không theo cách của chúng ta. Do đó, tới ngày phán xét, sẽ có một sự đảo lộn không ngờ so với những suy nghĩ hay dự đoán của con người, vì có «những điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa» (Lc 16,15). Vì thế, ngày ấy có thể xảy ra như sau: 

− «Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót» (Mt 20,16; Mc 10,31; Lc 13,30)

− «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12)

− «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác» (Mt 7,22-23).



2.  Sự công chính theo quan điểm của Đức Giêsu

Rõ ràng Đức Giêsu không phán đoán theo kiểu con người, kể cả những Kitô hữu «cao cấp». Sự công chính không chính yếu hệ tại những việc đạo đức, những lễ nghi tôn giáo mà ta làm được, cho dù nhiều tới đâu. Lời của thánh Phaolô soi sáng cho ta phần nào: «Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,2-3). Như vậy, tất cả những việc tốt lành mà ta làm được, dù nhiều đến đâu, nếu không phát xuất từ tình yêu đích thực, thì trước mặt Thiên Chúa, vẫn chỉ là một con số không to tướng.

Những việc làm tốt đẹp ấy nếu thật sự phát xuất từ tình yêu, thì ta sẽ không bao giờ kể ra để được mọi người khen ngợi, kể cả việc kể ra với Thiên Chúa. Khi kể ra để được khen ngợi, thì việc kể ra đó chứng tỏ ta làm những việc ấy không phải do tình yêu, mà do ý muốn được khen ngợi là đạo đức, là có tình yêu, là giỏi giang, là tuyệt hảo. Và như thế thì ta «đã được phần thưởng rồi» (Mt 5,2.5), nên Thiên Chúa không còn phải thưởng cho ta nữa.

Nếu ta kể công với Thiên Chúa, thì hóa ra ta làm những việc ấy chỉ để Ngài trả công như thể ta là người làm công. Họ làm việc để được trả lương hơn là làm vì tình yêu, khác với con cái trong nhà làm vì yêu thương cha mẹ chứ không để được cha mẹ trả công. Trường hợp này, Thiên Chúa, Đấng vô cùng công bằng, luôn trả công cho ta xứng đáng bằng một phần thưởng nào đó có thể ngay ở đời này; nhưng Ngài không thể kể ta là người công chính đáng được hưởng thứ phần thưởng vốn chỉ dành cho những người có tình yêu đích thực. Cũng như ông chủ có thể trả lương sòng phẳng cho những người làm công, nhưng không bao giờ chia gia tài cho họ, mà chỉ chia gia tài cho con cái, cho dẫu con cái làm được ít việc cho ông hơn người làm công. Cũng vậy, trước con mắt Thiên Chúa, giá trị của một công việc dù nhỏ bé nhưng được làm vì tình yêu thì vẫn vô cùng lớn hơn giá trị của một công việc dù to tát nhưng lại làm vì một động lực khác.



3.  Trường hợp hai người cầu nguyện trong dụ ngôn

Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng trên, người Pharisêu tưởng rằng ông có thể cậy vào việc giữ lề luậtnhững việc đạo đức của mình để tự hào là công chính trước mặt Thiên Chúa. Nhưng thánh Phaolô cho biết, «Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy» (Rm 3,20; Gl 2,16); «Dân Ítraen tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó.  Tại sao thế? Vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm» (Rm 9,31-32). Sự công chính không đến từ việc làm hay việc tuân giữ lề luật, mà đến từ việc tin vào ân sủng của Thiên Chúa và sống phù hợp với niềm tin ấy.

Do đó, càng cậy vào việc giữ luật và những việc mình làm để tự hào về sự công chính của mình thì càng trở nên bất chính trước mặt Thiên Chúa. Vì «Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường» (Gc 4,6; Pl 5,5). Do đó, ta đừng bao giờ tự hào về sự thánh thiện hay những việc làm tốt đẹp của mình. Thánh Phaolô nói rất rõ: «Người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin sẽ làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính» (Rm 4,5)

Trước khi sa ngã, chắc chắn thiên thần Lucifer còn trong trắng, thánh thiện và hiểu biết về Thiên Chúa hơn ta bây giờ rất nhiều. Nhưng ‘ông’ đã trở nên xấu xa tội lỗi vì tính kiêu ngạo và vì niềm tự hào về sự trong sạch, thánh thiện của ‘ông’. Do đó, kiêu ngạo là đầu mối mọi tội lỗi, nó xấu xa và tác hại hơn bất kỳ tội ác nào, và nó biến mọi điều tốt lành có thể rất lớn lao của ta thành vô giá trị trước Thiên Chúa.

Còn người thu thuế, tuy rằng ông tội lỗi thật, ông đã từng phạm nhiều tội ác, nhưng ông đã hối hận và thành thật nhận chân tình trạng tội lỗi của mình. Qua sự đánh giá của Đức Giêsu, ta thấy đối với Thiên Chúa, tuy tội lỗi làm mất lòng Thiên Chúa nặng nề, nhưng tình yêu được thể hiện bằng tâm hồn khiêm nhượng lại làm đẹp lòng Ngài. Thật vậy, thánh Phêrô nói: «Lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi» (1Pr 4,8; x. Tb 12,9)

Kẻ thánh thiện nhất trên đời cũng vẫn có tội, vì trước mặt Thiên Chúa, «không ai là người công chính, dẫu một người cũng không» (Rm 3,10). Vấn đề không phải là mình tội lỗi nhiều hay ít, mà là mình có được Thiên Chúa tha thứ hay không: «Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!» (Rm 4,7-8). Chính tình yêu và lòng khiêm nhường thống hối khiến Chúa tha thứ tất cả và «không kể là có tội». Do đó, một người vô cùng tội lỗi nhưng một khi đã thật lòng thống hối, thì trước mặt Thiên Chúa, người ấy công chính hơn một người ít phạm tội, làm được nhiều việc phúc đức, nhưng lúc nào cũng tự hào về sự vô tội hay đạo đức của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta biết điều ấy. Đó là tin vui cho những người tội lỗi, vì họ chỉ cần thật lòng thống hối là được nên công chính; nhưng lại là tin buồn cho những người kiêu ngạo, thích tự hào về sự đạo đức hay thánh thiện của mình.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, có thể nói: trước mặt Cha, tính ích kỷ và kiêu ngạo của một người che lấp tất cả mọi sự tốt đẹp của người ấy, khiến người ấy trở thành bất chính. Và tình yêu thương và lòng khiêm nhượng của một người có thể che lấp được những tội lỗi xấu xa của người ấy. Vậy, xin Cha giúp con biết sống yêu thương, khiêm nhượng và trừ tuyệt tính ích kỷ và kiêu ngạo trong con.


Sunday, October 13, 2019

TN29b - Hãy cầu xin như một người con, đừng xin như một ăn mày




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 29 Thường Niên

(16-10-2022)

Bài đào sâu


Hãy cầu xin như một người con, đừng xin như một ăn mày



  TIN MỪNG: Lc 18,1-8

Dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy



Câu hỏi gợi ý:
1. Thiên Chúa có muốn ta phải xin cho thật lâu thật nhiều, và phải lập đi lập lại nhiều lần điều ta muốn xin, thì Ngài mới ban cho không?

2. Nếu ta xin những điều ta thấy thật là cần thiết cho ta, mà chẳng thấy Ngài ban cho, thì ta nên nghĩ thế nào?

3. Cầu nguyện có nhất thiết phải dùng lời không? Có những cách cầu nguyện nào không dùng tới lời nói không? Cách nào hay hơn?


Suy tư gợi ý:

1.  Thiên Chúa không thể làm ngơ trước lời cầu xin của con người

Đời sống con người quả thật có những lúc đau khổ, thiếu thốn, mà con người không thể làm gì được, cũng không thể cầu cứu ai được ngoài Thiên Chúa. Những lúc đó, con người nên kêu cầu Thiên Chúa, và tin tưởng rằng Ngài là người Cha nhân hậu, luôn luôn thỏa mãn những gì mà con người cần cho đời sống của họ.

Đức Giêsu đưa ra một lập luận để chứng tỏ điều đó. Ngay cả một ông quan vô đạo đức mà cũng phải nhậm lời cầu xin của một bà góa nếu bà ta cứ xin mãi. Ông ta nhậm lời bà không phải vì ông ta tốt lành gì, mà vì để mình khỏi bị quấy rầy nữa. Một người vô lương tâm, thiếu đạo đức mà còn phải nhậm lời những người cầu xin mình mãi, huống gì những người có đạo đức, có lòng thương người! Mà Thiên Chúa là Đấng nhân lành hơn ai hết, chẳng lẽ lại có thể làm ngơ được trước những người thành tâm, có nhu cầu thật sự, kêu cầu Ngài. Vì thế, khi cầu nguyện, ta hãy tin tưởng vào tình thương và lòng nhân từ của Thiên Chúa.



2.  Giá trị của lời cầu xin nằm ở chất chứ không phải lượng

Khi nói dụ ngôn này, Đức Giêsu không có ý nói phải cầu xin cho thật dai dẳng thì mới được Thiên Chúa nhậm lời, làm như thể Ngài cũng giống như ông quan kia, cứ phải để cho người ta xin cho thật nhiều thật lâu thì mới ban cho. Qua dụ ngôn này, Ngài muốn ta tin tưởng vào hiệu lực của lời cầu xin, chứ không phải khuyên ta cầu xin cho dài hay phải lập lại cho thật nhiều lần lời cầu xin của mình. Chính Ngài cũng đã khuyên: «Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin» (Mt 6,7-8).

Phẩm chất của lời cầu nguyện nằm ở chất lượng chứ không phải số lượng hay thời gian cầu nguyện. Một lời cầu nguyện có giá trị trước mặt Thiên Chúa là một lời cầu nguyện thấm nhuần tinh thần tin yêu, xuất phát từ niềm tin tưởng và phó thác vào tình yêu, vào sự quan phòng của Thiên Chúa, đồng thời từ tâm tình yêu thương đích thực của mình đối với Thiên Chúa được biểu hiện cụ thể thành hành động. Một lời cầu xin rất ngắn, thậm chí không được phát thành lời, mà chỉ là tâm tình yêu thương tin tưởng như trên, thì giá trị gấp triệu lần những lời cầu xin dài dòng mà thiếu những tâm tình cần thiết ấy. Không khéo, chúng ta sẽ biến đạo của mình thành một đạo xin, và tự biến mình thành những kẻ ăn mày.



3.  Hãy cầu xin như một người con, đừng xin như một ăn mày

Cách xin của kẻ ăn mày khác hẳn với cách xin của một người con. Người con thì biết cha mẹ là người yêu thương mình nhất trên đời, và tin tưởng chắc chắn rằng các ngài luôn luôn thỏa mãn những gì mình cần. Vì thế, người con chỉ cần nói với cha mẹ mình một tiếng và chờ đợi cha mẹ mình thoả mãn nhu cầu của mình. Còn người ăn mày thì không dám tin tưởng rằng người mình xin thương yêu mình thật sự để sẵn sàng bố thí cho mình, nên xin với tâm tình được chăng hay chớ, được thì mừng mà chẳng được thì đành chịu vậy. Vì thế, người ăn mày phải lải nhải van xin để đánh động lòng thương của người khác.

Thiên Chúa là Cha đầy tình thương, và chúng ta là con cái Ngài. Ngài không cần ta phải đánh động lòng thương của Ngài, làm như tình thương của Ngài đã đi vắng hay ngủ quên. Coi chừng kẻo chúng ta đánh giá tình thương Ngài quá thấp, và đó là một cách vô tình xúc phạm đến Ngài. Đồng thời có thể chúng ta cũng đã tự hạ thấp phẩm giá của mình trước mặt Thiên Chúa: thay vì làm một đứa con được yêu thương chăm sóc, thì lại làm như một kẻ ăn mày xa lạ từ đâu tới trước cửa nhà.

Chính vì thế, đã 30 năm nay, tôi chẳng cầu xin bằng lời cho bằng dùng tâm tình thật sự của một người con, tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào tình thương, vào sự quan phòng đầy khôn ngoan sáng suốt của Thiên Chúa. Vì thế, dường như không một nhu cầu chính đáng nào của tôi mà không được Ngài thỏa mãn, cho dù tôi chẳng hề lên tiếng cầu xin. Tôi nghĩ, cần gì phải lên tiếng khi mà chưa mở miệng thì Ngài đã biết mình nghĩ gì, muốn gì, xin gì rồi. Và khi nhận thấy Thiên Chúa đã thỏa mãn nhu cầu hay điều tôi mong muốn, thì tôi nhận ngay ra tình thương phụ tử của Ngài đối với mình, nên cố gắng đáp lại tình thương ấy một cách quảng đại, đầy yêu thương, bằng hành động thật sự.



4.  Trường hợp Thiên Chúa không thỏa mãn điều mình mong ước

Nếu có một nhu cầu hay một điều mong muốn nào của mình không được thỏa mãn, dù mình nghĩ nó rất chính đáng và thật sự cần thiết, thì sao? Lúc đó ta nên nghĩ rằng Ngài khôn ngoan sáng suốt hơn mình gấp triệu lần, cách hành động của Ngài chắc chắn có lợi cho mình hơn cách mình nghĩ. Ta hãy phó thác mọi sự cho Ngài, và để mặc Ngài hành động. Nếu Ngài ban cho, thì việc ban cho ấy chắc chắn là điều có lợi cho ta. Nếu Ngài không ban cho thì việc không ban cho ấy chắc chắn cũng vì ích lợi cho ta.

Kinh nghiệm làm cha mẹ đã dạy tôi điều ấy. Trước hết, tôi không hề để cho con tôi phải xin nhiều lời rồi mới cho. Việc gì tôi thấy cần thiết và ích lợi cho nó, thì dù nó có xin hay không xin, tôi cũng cho. Thậm chí nhiều thứ nó không xin vì thấy không cần, nhưng tôi thấy chúng cần thiết cho nó, thì tôi cho và buộc nó phải nhận lấy mà dùng. Còn việc gì tôi thấy cho có hại hơn không cho, hoặc không cho có lợi hơn là cho, thì dù nó có năn nỉ xin tới đâu tôi cũng không cho. Nhiều khi quan điểm của tôi và nó trái ngược nhau: nhiều điều nó nghĩ là cần thiết hoặc ích lợi thì tôi lại cho là không cần thiết hoặc không có lợi. Lúc đó tôi phải theo sự khôn ngoan của tôi −là người nhiều kinh nghiệm và khôn ngoan hơn nó− chứ không phải theo sự suy nghĩ còn non nớt của nó. Nếu tôi đã quyết không cho mà nó cứ nằng nặc đòi thì tôi nổi quạu lên ngay. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa có lẽ cũng hành xử tương tự như vậy đối với con cái Ngài.



5.  Cầu nguyện không nhất thiết phải dùng lời

Thiên Chúa thấu hiểu hết tâm can tôi, Ngài biết hết mọi tư tưởng của tôi trước khi nó thành hình trong đầu tôi. Vì thế, tôi cảm thấy lời nói của tôi đối với Ngài trở thành thừa thãi, không cần thiết, nếu không muốn nói là có nhiều khi không hợp lý. Không nói với Ngài không có nghĩa là tôi không cầu nguyện. Tôi nghĩ rằng có nhiều cách để cầu nguyện tốt hơn là cầu nguyện bằng lời nói. Đó là cầu nguyện bằng tâm tình và bằng hành động.

Nếu lời cầu nguyện không xuất phát từ những tâm tình có thực trong tâm hồn được biểu hiện cụ thể thành hành động, thì đó chỉ là những lời trống rỗng hoặc giả dối, chẳng có giá trị trước Thiên Chúa. Mà nếu đã có tâm tình yêu thương, biết ơn, cảm tạ đối với Ngài thì chắc chắn Ngài đã biết: nói ra hay không nói ra không phải là điều quan trọng, điều quan trọng chính là có những tâm tình đó thật sự hay không.

Vì thế, những lúc cầu nguyện, tôi chỉ để cho những tâm tình yêu thương, biết ơn, cảm tạ. tự động trào lên từ đáy lòng. Những tâm tình ấy tự động phát sinh khi tôi nhìn vào bản tính đầy tình phụ tử và yêu thương của Ngài, và vào những ân huệ lớn lao Ngài đã dành cho tôi. Những tâm tình ấy có thể khiến tôi bật thành lời, mà cũng có thể không. Và tôi cũng dành nhiều phút im lặng để lắng nghe Ngài nói trong tâm hồn, xem Ngài muốn nói gì với mình. Tôi cho rằng khi cầu nguyện, nói với Ngài là chuyện không cần thiết, vì Ngài đã hiểu hết mọi sự tôi muốn nói. Nhưng lắng nghe Ngài mới là chuyện hết sức cần thiết, vì tôi đâu biết được ý Ngài thế nào, phải lắng nghe Ngài thì mới biết Ngài muốn gì. Muốn thực hiện thánh ý Ngài mà lại không thèm nghe Ngài nói lên điều Ngài muốn thì thật là phi lý. Im lặng lắng nghe Ngài, ta sẽ học được nhiều điều khôn ngoan, và múc được rất nhiều sức mạnh từ nơi Ngài.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin làm cho con yêu mến Cha và những người chung quanh con một cách nồng nhiệt. Chính tình yêu ấy là cốt tủy cho đời sống cầu nguyện của con. Và cầu nguyện chính là hơi thở không thể không có của tình yêu ấy. Xin cho con hiểu được bản chất và cốt tủy của cầu nguyện chính là tình yêu. Không yêu thì không thể cầu nguyện đúng nghĩa được. Không yêu thì mọi lời cầu đều chỉ là những lời nói trống rỗng, không hồn. Vì thế, xin cho con biết quan tâm vun trồng tình yêu. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây trở trở về bài chia sẻ:
Hiệu lực của việc kiên trì cầu nguyện


TN29a - Hiệu lực của việc kiên trì cầu nguyện




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 29 Thường Niên

(16-10-2022)


Hiệu lực của việc kiên trì cầu nguyện



ĐỌC LỜI CHÚA

  Xh 17,8-13: (11) Khi nào ông Môsê giơ tay lên, thì dân Ítraen thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalếch thắng thế. (12) Khi ông Môsê mỏi tay, người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông Aharon và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên. Nhờ vậy, tay ông Môsê cứ giơ lên được mãi, cho đến khi mặt trời lặn. (13) Ông Giôsuê đã dùng lưỡi gươm đánh bại Amalếch và dân của ông ta.

  2Tm 3,14-4,2: (2) Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.

  TIN MỪNG: Lc 18,1-8

Dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy

(1) Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. (2) Người nói: «Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. (3) Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho". (4) Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, (5) nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc"». (6) Rồi Chúa nói: «Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! (7) Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? (8) Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?»




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu đã từng khuyên ta khi cầu nguyện đừng nên dài dòng, vì Thiên Chúa biết rõ những điều ta cần trước khi ta mở miệng cầu xin (x. Mt 6,7-8). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại khuyên ta phải kiên trì cầu nguyện. Như thế Ngài có tự mâu thuẫn không?

2. Kiên trì cầu nguyện là gì? Là giáo dân, bận đủ mọi thứ chuyện, làm sao có đủ thì giờ để kiên trì cầu nguyện?

3. Có phải hễ cứ kiên trì cầu nguyện thì việc gì ta xin cũng đều được Thiên Chúa nhậm lời? Nếu không được nhậm lời, thì ta phải hiểu thế nào? Nếu đứa con còn nhỏ của ta cứ năn nỉ hoài xin ta con bọ cạp để chơi, ta có cho nó không?


Suy tư gợi ý:

1. Cầu nguyện kiên trì ắt phải được Thiên Chúa nhận lời

Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng này, Đức Giêsu cố ý đưa ra hai hình ảnh tương phản rất nổi bật để nói lên sự bảo đảm được nhận lời của việc cầu nguyện kiên trì. Đó là sự tương phản giữa Thiên Chúa nhân từ đầy tình thương và viên quan tòa thiếu lòng nhân; và giữa người Kitô hữu và bà góa trong xã hội Do Thái.

Ông quan tòa mà Đức Giêsu mô tả là một người «chẳng kính sợ Thiên Chúa, và cũng chẳng coi ai ra gì», nghĩa là một người có chức quyền, nhưng không có lương tâm, đạo đức, chẳng biết thương người và luôn khinh thường dân chúng. Một quan tòa vô lương tâm như vậy thế mà đã phải nhậm lời yêu cầu của một người dân quèn! không phải vì tốt bụng mà vì không muốn bị quấy rầy mãi do người dân kia cứ kêu cầu mình hoài. Kẻ vô lương tâm mà còn hành xử như thế, huống gì một Thiên Chúa nhân lành! Làm sao Ngài có thể từ chối lời cầu xin của người Kitô hữu kiên trì cầu xin Ngài với lòng thành khẩn?

Trong xã hội Do Thái cũng như nhiều xã hội khác, phụ nữ vốn đã bị coi thường so với nam giới; các góa phụ còn bị coi thường hơn nữa, vì họ là thành phần tương đối nghèo khổ nhất trong xã hội. Chồng chết, họ trở nên cô thân cô thế, phải vô cùng vất vả tự kiếm sống để nuôi bản thân và nuôi con, nên rất dễ bị bắt nạt và đối xử bất công. Vì thế, người «công dân hạng hai» như bà góa này chẳng là cái gì đáng kể trước con mắt khinh đời khinh dân của ông quan tòa vô lương tâm kia. Thế mà bà ấy đã làm cho ông kia phải nhận lời cầu xin của mình, chỉ vì sự kiên trì van xin.

Trái lại, trước mắt của Thiên Chúa, con người rất có giá trị. Có giá đến nỗi Ngài đã phải cho Con Một của Ngài xuống trần, hy sinh mạng sống mình để cứu họ, cho dù họ đang trong tình trạng tội lỗi, chống đối mình. Thánh Kinh mô tả sự chăm sóc của Ngài đối với con người: Con người được «Chúa luôn ấp ủ, dưỡng dục, giữ gìn chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa» (Đnl 32,10; x. Tv 17,8; Hc 17,22; Dc 2,12). Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người được thể hiện qua cách hành xử của Đức Giêsu: «Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga 13,1). Thế thì lời cầu xin kiên trì của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa sao lại không được nhận lời?

Nhưng kinh nghiệm cho thấy: rất nhiều khi chúng ta cầu nguyện mà đâu được Thiên Chúa nhận lời! Tại sao? Có thể vì hai lý do: hoặc ta đã không kiên trì cầu nguyện, hoặc điều ta xin không thật sự ích lợi cho ta. Vậy, trước hết, ta phải kiên trì cầu nguyện. Muốn kiên trì cầu nguyện, trước hết, ta phải biết kiên trì cầu nguyện là gì?



2. Kiên trì cầu nguyện không chỉ là một hành động

Nhiều Kitô hữu tưởng kiên trì cầu nguyện là cứ liên tục lập đi lập lại hoài những điều mình muốn cầu xin. Họ làm như Thiên Chúa không có trí nhớ và chẳng quan tâm lắm tới những nhu cầu của mình, nên cứ phải nhắc đi nhắc lại kẻo Ngài quên. Cách cầu nguyện của họ không khác gì cách của những người thờ thần Baan, bị ngôn sứ Êlia chế nhạo: «Hãy kêu lớn tiếng nữa lên, vì người là một vị thần mà! Người đang mải suy nghĩ, hay là đi vắng hoặc trẩy đường xa; cũng có khi người đang ngủ, người sẽ thức dậy thôi!» (1V 18,27). Chính Đức Giêsu cũng đả phá cách cầu nguyện như thế: «Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin» (Mt 6,7-8).

Nếu kiên trì cầu nguyện là cứ phải liên tục lập đi lập lại lời cầu xin như thế thì đa số giáo dân sẽ không có thì giờ để cầu nguyện, vì suốt ngày bận bịu với công việc nghề nghiệp, gia đình, giao tế xã hội… Nhưng rất may, kiên trì cầu nguyện không phải là như thế. Cầu nguyện không chỉ là một hành động, nó vượt lên trên hành động của môi miệng, của trí óc, của tay chân. Đã là hành động thì không thể kéo dài liên tục ngày này sang ngày khác được. Các thánh coi cầu nguyện là sự sống của mình. Trong đời sống tâm linh của các ngài, nó cần thiết như hơi thở. Hơi thở cần thiết đến mức không thở thì chết. Vì thế, các thánh cầu nguyện liên tục: khi thức, khi ngủ, khi làm việc, khi chơi đùa, khi giao tiếp… Tất cả mọi việc của các ngài đều chìm đắm trong cầu nguyện. Nếu cầu nguyện là một hành động, thì không một vị thánh nào có thể cầu nguyện liên tục như thế được.



3. Cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện, đúng hơn, là một tình trạng của tâm linh luôn hướng về Thiên Chúa, là một thái độ sống khôn ngoan nhất đem lại bình an và sức mạnh. Tình trạng tâm linh hay thái độ sống thì có thể kéo dài liên tục, không đứt đoạn, kể cả khi ngủ, khi làm việc, ngay cả khi không ý thức rõ ràng về Thiên Chúa hay về việc cầu nguyện. Cầu nguyện là tình trạng kết hiệp với Thiên Chúa, được cấu thành bởi:

– ý thức Thiên Chúa luôn hiện diện trong chính bản thân mình. Người cầu nguyện đích thực luôn ý thức mình đang sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài đang nhìn mình bằng ánh mắt yêu thương, đang theo dõi từng hơi thở, từng bước đi, từng hành động của mình như người mẹ luôn quan tâm theo dõi đứa con nhỏ bé của mình. Vì thế, người cầu nguyện đích thực luôn cảm thấy mình đang sống trong một «cảnh vực thần linh» (milieu divin, từ của cha Teillard de Chardin), hay cảnh giới thần thiêng.

– tin tưởng, phó thác tuyệt đối: Người cầu nguyện đích thực luôn tin tưởng mình xuất phát từ Thiên Chúa, nên Ngài là bản thân sâu thẳm nhất của mình, Ngài còn «gần gũi và thân mật với mình hơn cả chính bản thân mình» (Deus intimior intimo meo, câu của thánh Âu-Tinh). Nói cách khác dễ hiểu hơn, Ngài chính là Cha Mẹ đích thực nhất của mình, yêu thương mình vô hạn (hơn cả cha mẹ sinh ra xác thịt mình). Đồng thời Ngài cũng khôn ngoan và quyền năng vô biên. Vì thế, họ luôn sống trong bình an và vui tươi, do biết rằng Thiên Chúa luôn che chở, dẫn dắt mình, ban cho mình tất cả những gì cần thiết cho đời sống của mình, để mình sống hạnh phúc ngay ở đời này, nhất là được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

– ý thức Thiên Chúa là nguồn tình yêu và sức mạnh của mình: Vì tình yêu và sức mạnh của Ngài vô biên, nên khi kết hiệp với Thiên Chúa, mình cũng trở nên mạnh mẽ và đầy khả năng yêu thương.

– tuyệt đối tuân hành thánh ý Thiên Chúa: Ý thức rằng Thiên Chúa yêu thương mình và khôn ngoan hơn mình vô cùng, người cầu nguyện đích thực cho rằng cứ để Chúa dẫn dắt mình theo đường lối của Ngài thì ích lợi cho mình hơn là mình tự ý đi theo đường lối riêng của mình. Để Chúa dẫn dắt chẳng những là sẵn sàng làm theo ý muốn của Ngài trong bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời, mà còn là muốn những gì Ngài muốn. Cho dẫu trong nhiều trường hợp, làm theo thánh ý Ngài thì trước mắt là bất lợi hay thiệt hại cho mình, làm cho mình đau khổ.



4. Cũng có lúc Thiên Chúa không nhận lời ta cầu xin

Khi đã có thái độ tuyệt đối tuân hành thánh ý Thiên Chúa rồi, thì ta không còn thắc mắc gì về những điều ta cầu xin có được nhận lời hay không. Vì ta biết chắc chắn những gì cần cho ta thì bảo đảm là Thiên Chúa luôn luôn ban cho ta đúng lúc. Tuy nhiên, cũng có những điều ta cầu xin, do lòng mong muốn thiếu sáng suốt của ta, nhiều khi có hại hoặc không có lợi cho tâm hồn ta, thì Thiên Chúa vì thương ta nên không ban cho ta. Cũng như khi ta còn nhỏ, cha mẹ ta không chấp thuận cho ta đi chơi như ta mong muốn và cầu xin, mà bắt ta học bài, thì đó là chuyện hợp lý. Chỉ vì các ngài thương ta, muốn ta nên người và tương lai ta được hạnh phúc. Chính Thiên Chúa đã không nhậm lời Đức Giêsu khi Ngài cầu xin cho khỏi uống chén đắng của Ngài (x. Mt 26,39.42). Vì thế, khi không được như ý cầu xin, người cầu nguyện đích thực vẫn luôn bình an, vui tươi, vì biết điều mình cầu xin không ích lợi cho mình, ít ra là vào lúc này.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con trưởng thành trong việc cầu nguyện. Xin đừng để đời sống tâm linh của con bị mòn mỏi, kém phát triển vì cách cầu nguyện ấu trĩ của con, tương tự cách cầu nguyện của dân ngoại. Mỗi lần cầu nguyện là họ lại lải nhải lập đi lập lại những lời cầu xin đầy ích kỷ của họ. Xin dạy con biết cầu nguyện, để con có thể cầu nguyện liên tục, cả những khi con ăn, con ngủ, con chơi, con làm việc, giống như Đức Giêsu đã cầu nguyện trong cuộc đời của Ngài.


Sunday, October 6, 2019

TN28b - Lòng biết ơn là đặc tính của người cao thượng




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 28 Thường Niên

(09-10-2020)


Lòng biết ơn là đặc tính của một người cao thượng



  TIN MỪNG: Lc 17,11-19

Mười người phong hủi



ĐỌC LỜI CHÚA

  2V 5,14-17: (Sau khi được ngôn sứ Êlisa chữa khỏi bệnh cùi)(17) ông Naaman nói: «Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa».

  2Tm 2,8-13: (10) Tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời.

  TIN MỪNG: Lc 17,11-19

Mười người phong hủi

(11) Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. (12) Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa (13) và kêu lớn tiếng: «Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!» (14) Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: «Hãy đi trình diện với các tư tế». Đang khi đi thì họ được sạch. (15) Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. (16) Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. (17) Đức Giêsu mới nói: «Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? (18) Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?» (19) Rồi Người nói với anh ta: «Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Có thể tín nhiệm vào lương tâm của những người thường tỏ ra vô ơn với những ân nhân của mình không? Tại sao?

2. Người Kitô hữu có nhiều tâm tình biết ơn hơn những người khác không? Nếu không thì bạn nghĩ thế nào?

3. Trong đời sống Kitô hữu, chúng ta cần phải biết ơn những ai? Và phải làm những gì để tỏ lòng biết ơn đối với những người ấy?

Suy tư gợi ý:

1.  Làm ơn đừng nên nhớ, chịu ơn chớ nên quên

Bài đọc I đưa ra cho ta một hình ảnh rất đẹp. Tướng của Syri là Naaman bầy tỏ lòng biết ơn của mình đối với ngôn sứ Êlisa một cách cụ thể bằng lễ vật mà ông tha thiết xin ngôn sứ nhận cho. Còn ngôn sứ Êlisa thì cương quyết từ chối, mặc dù lễ vật ấy chắc chắn sẽ giúp ngài sống đỡ thiếu thốn, và nhất là −theo cách suy nghĩ bình thường của người đời− có thể tạo cho ngài nhiều phương tiện hơn để thi hành sứ mạng của mình.

Cả hai thái độ tốt đẹp trên có thể làm chúng ta suy nghĩ và xét lại thái độ của chúng ta khi hàm ơn ai hoặc làm ơn cho ai. Thông thường người ta có tâm lý hay quên hoặc không nhận ra những điều tốt người khác làm cho mình, nhưng lại dễ nhớ những gì tốt đẹp mình làm được cho người khác. Không những thế, mình còn mong họ nhớ ơn và trả ơn mình. Nếu họ vô tình quên ơn, thì ta buồn phiền, oán trách, thậm chí sẵn sàng lên tiếng chê bai.

Đức Giêsu cũng như các bậc cổ nhân xưa dạy ta thái độ nhớ và biết ơn đối với những người hy sinh cho ta, những người làm những điều tốt lành cho ta. Không phải chỉ nhớ và biết ơn, mà còn phải đền đáp lại ơn đó khi nào có thể. Nhưng đối với những người mà ta làm ơn cho, thì trái lại, không nên nhớ, cũng không nên đòi hỏi họ phải biết ơn hay trả ơn ta. Trang Tử, một triết gia Trung Hoa, khuyên ta nên «
vô kỷ, vô công, vô danh» trong các việc làm của ta, nghĩa là không làm vì mình, làm rồi không cậy công, cũng không mong được khen ngợi, biết ơn (x. Lc 7,10).



2.  Suy nghĩ về lòng biết ơn

Một trong những nguyên nhân hay động lực quan trọng của tình yêu thương là lòng biết ơn. Không phải tình yêu thương nào cũng phát xuất và đặt nền móng trên lòng biết ơn: Thiên Chúa hay cha mẹ yêu thương ta không phải vì mang ơn ta. Nhưng rõ ràng là tình thương của ta đối với Thiên Chúa, cha mẹ và nhiều ân nhân khác phát sinh và đặt nền tảng trên lòng biết ơn. Thiên Chúa và cha mẹ yêu thương ta trước, sinh thành tạo dựng, nuôi dưỡng giáo dục ta. Tình thương đó, công ơn đó làm nẩy sinh nơi ta lòng biết ơn, khiến ta đáp lại tình thương đó bằng chính tình yêu thương của ta đối với các Ngài. Lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và cha mẹ lại là tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mọi thứ biết ơn khác. Một người vô ơn đối với Thiên Chúa và cha mẹ, thì khó mà biết ơn thật sự đối với người khác.

Khi làm ơn cho ai, giúp ai việc gì, mà về sau người đó vô ơn, tự nhiên ta cảm thầy buồn, có khi đau khổ. Khuynh hướng tự nhiên của mọi người là mong muốn hoặc đòi hỏi người thụ ơn mình phải biết ơn (mặc dù khi làm ơn cho ai, tính cao thượng đòi hỏi ta vượt khỏi khuynh hướng tự nhiên ấy). Do đó, lòng biết ơn là một đức tính rất cần thiết trong giao tế xã hội, trong tư cách một con người. Trong xã hội, tiếng cám ơn luôn luôn nở trên môi những con người có giáo dục, lịch thiệp, lễ độ. Lòng biết ơn, tiếng cám ơn xuất phát từ đáy lòng luôn luôn làm vui lòng những người tốt bụng, khuyến khích họ tiếp tục thi ân làm phúc. Trong đời sống tâm linh, tinh thần hay tôn giáo, lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và các ân nhân cần phải được biểu lộ trong các kinh nguyện, lễ nghi, trong tâm tình và cử chỉ của các tín hữu.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy 10 người được Đức Giêsu chữa lành, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Ngài. Và mỉa mai thay, người biết ơn đó lại là một người ngoại giáo! Điều này làm ta phải tự hỏi: người Kitô hữu có nhiều tâm tình biết ơn hơn các tín đồ tôn giáo khác không? Nếu ta không tốt bằng họ hoặc không hơn họ, thì việc ta nỗ lực truyền giáo cho họ quả thật có phần nào nực cười


Việc Đức Giêsu −với tư cách là thầy dạy về tâm linh− đã trách móc 9 người vô ơn kia không biết tạ ơn Thiên Chúa cho thấy: rõ ràng là lòng biết ơn không thể nào thiếu được trong đời sống tu đức, đời sống hướng về sự toàn thiện. Không những thế, nó có thể là căn bản cho một lương tâm đứng đắn. Một người vô ơn, thường xuyên vô ơn, khó có thể có một lương tâm tế nhị và đúng đắn. Nhưng mỉa mai thay, biết bao người mang danh theo Chúa lại tỏ ra vô ơn với những người làm ơn cho mình nhiều hơn người thường!



3.  Biết ơn ai? − Bốn trọng ân trong đời sống con người

Trong Phật giáo, có bốn trọng ân mà người Phật tử thường được các sư tăng nhắc nhở, nhất là vào dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch): ơn cha mẹ, ơn tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), ơn tổ quốc xã hội, và ơn thầy bạn. Chúng ta thử khai triển bốn trọng ân ấy trong chiều hướng Kitô giáo.

• Ơn cha mẹ: Cha mẹ trước tiên của chúng ta là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã tạo dựng và sinh thành chúng ta, cho ta sự sống siêu nhiên lẫn tự nhiên, đồng thời ban cho ta đủ mọi ơn để duy trì và phát triển sự sống ấy. Kế đến là cha mẹ ruột thịt của ta, là người sinh ra ta, nuôi dưỡng giáo dục ta nên người. Công ơn của cha mẹ ta to lớn biết bao! Ca dao có câu: «
Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra». Người trần gian mà ta phải biết ơn nhiều nhất chính là cha mẹ ta.

• Ơn tam bảo: là công ơn của những người đã đem lại cho ta đời sống tâm linh, làm cho đời sống tâm linh ta phát triển và trở nên phong phú.

− Người đầu tiên mà ta phải nói tới là Đức Giêsu, Đấng chủ chốt đem lại đời sống tâm linh cũng là vị Thầy lớn nhất về đời sống này cho mọi người Kitô hữu. Ngài cũng là Đấng cứu chuộc để ta có lại đời sống thần linh, siêu nhiên của Thiên Chúa đã bị mất từ thời nguyên tổ, trước khi ta sinh ra. Bên cạnh Đức Giêsu có Mẹ của Ngài là Đức Maria. Theo niềm tin của người Công giáo, tất cả mọi ơn Thiên Chúa ban, đều nhờ Mẹ và qua tay Mẹ.

− Kế đến là Lời Chúa, hay Kinh Thánh và Tin Mừng, là phương tiện hữu hiệu nhất Thiên Chúa dùng để soi sáng cho ta đi đúng đường, hầu phát triển đời sống thần linh và tâm linh của ta. Ta cần phải biết ơn bằng cách năng đem ra suy gẫm để thực hành những gì Lời Chúa chỉ dạy.

Giáo Hội các cấp (toàn cầu, địa phương, giáo xứ, cộng đoàn cơ bản), là yếu tố nhân sự để tiếp nối công trình của Đức Giêsu, đồng thời là môi trường đào tạo và nuôi dưỡng đời sống tâm linh của ta. Nói một cách cụ thể hơn đó là các tông đồ, các vị chủ chăn các cấp mà gần nhất là cha xứ, những người dạy dỗ ta về mặt tâm linh (các nhà thần học, tu đức, các giáo lý viên, các huynh trưởng hội đoàn, v.v.)

Đó là Tam Bảo của Kitô giáo, là các đại ân nhân của chúng ta, mà chúng ta phải luôn luôn yêu mến và tỏ lòng biết ơn.

• Ơn tổ quốc và xã hội: Chúng ta không chỉ sống trong gia đình và Giáo Hội, mà còn sống trong lòng quốc gia dân tộc nữa. Quốc gia xã hội đã tạo cho chúng ta những điều kiện dễ dàng để có một đời sống ấm no, yên vui, hạnh phúc, một cách bao trùm, tổng quát, vượt khỏi khả năng hạn hẹp của cha mẹ, gia đình ta. Chúng ta được sống trong an vui, là do công sức của biết bao người đã từng hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, đã vắt óc ra để đưa ra những chính sách sáng suốt hầu phát triển xã hội về kinh tế, văn hóa, v.v… làm cho đời sống của ta tươi đẹp. Để thấy được công lao của quốc gia xã hội, ta thử tưởng tượng nếu mình sống một mình trong rừng, ta sẽ thấy thiếu thốn và không được bảo vệ như thế nào!

• Ơn thầy bạn: Trong đời sống của ta, ta còn biết bao người phải mang ơn, trước hết là những vị thầy đem lại cho ta đời sống tri thức, những người giáo dục ta nên người. Sau là những bà con thân thuộc, bạn bè, những người quen biết. Biết bao người đã vô tình hoặc cố ý làm ơn cho ta trong tất cả mọi lãnh vực mà ta có thể biết hoặc không biết. Chúng ta có bổn phận phải biết ơn và tìm cách trả ơn những người ấy.





CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con ý thức được rằng lòng biết ơn chính là thước đo của tình yêu đối với Thiên Chúa, nhân loại, Giáo Hội, xã hội, và tha nhân, và cũng là tiêu chuẩn đánh giá lương tâm và tư cách một con người. Xin giúp con ý thức được những hồng ân mà Chúa ban cho con từng giây từng phút, để con nhận ra được hạnh phúc Chúa ban hầu cảm tạ Chúa. Xin cho con luôn nhạy bén nhận ra tình thương, sự hy sinh, những ơn huệ, những cử chỉ yêu thương của những người chung quanh đối với con, để con cảm thấy hạnh phúc vì được yêu thương, đồng thời biết đáp trả bằng chính tình yêu chân thành và sự hy sinh của con. Xin cho con biết luôn cầu nguyện và mong ước những sự tốt lành cho các ân nhân của con. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ: