Friday, August 30, 2019

TN22b - Hãy khiêm nhường thật, đừng khiêm nhường giả




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 22 Thường Niên

(28-08-2022)

Bài đào sâu

Hãy khiêm nhường thật,
đừng khiêm nhường giả
  

● TIN MỪNG: Lc 14,1.7-14

«Hãy ngồi chỗ cuối»
«Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo khó»


Câu hỏi gợi ý:
1.      Có bao giờ bạn làm ra vẻ yêu thương ai, giả bộ khiêm nhường, tỏ ra mình là người có giá trị, có tư cách không? Bạn nghĩ gì về sự giả bộ này? Nó có phổ biến nơi tâm lý mọi người không?
2.      Hành động theo khuynh hướng giả trá ấy có lợi ích lâu dài không? có phải là khôn ngoan không? Tại sao?
3.     Khi người khác thành công hơn bạn, được ca tụng hơn bạn, bạn có tự nhiên cảm thấy có gì đó làm mình khó chịu, ganh tức, buồn phiền không?

Suy tư gợi ý:

1.  Ai cũng muốn bản thân mình là một cái gì có giá trị, và được mọi người công nhận và tôn trọng giá trị của mình

Thiên Chúa đã dựng nên con người giống như Ngài, theo hình ảnh Ngài (xem St 1,26-27; 9,6), nhưng ở mức độ hoàn hảo của một tạo vật giới hạn, đương nhiên kém Ngài rất xa vì Ngài ở mức độ hoàn hảo của một Thiên Chúa vô hạn. Mức hoàn hảo của con người về sau lại bị tổn thương vì tội nguyên tổ. Vì thế, từ sâu thẳm, con người vẫn muốn vươn lên hoàn hảo, muốn sống yêu thương, muốn thực hiện Chân Thiện Mỹ, nghĩa là muốn càng ngày càng trở nên giá trị hơn, giống Thiên Chúa hơn. Đấy quả là một chiều hướng rất tốt.

Nhưng do tội lỗi và nhất là tính kiêu ngạo, sự xấu đã xâm nhập vào bản thể con người, khiến cho chiều hướng tốt ấy bị lạc hướng. Thay vì cố gắng trở nên hoàn hảo, có giá trị thật sự (điều này khó, đòi hỏi con người phải cố gắng nhiều và quên mình đi), thì con người lại muốn trở nên có vẻ hay được coi như hoàn hảo, như yêu thương, như có giá trị, như giống Thiên Chúa. Điều này giảm bớt cho con người biết bao khó khăn và nỗ lực. Thay vì tìm cách tạo nên giá trị thật sự từ bên trong, con người tìm cách để mình có vẻ như, hay được coi như, và được đối xử như có giá trị, bất chấp bên trong có giá trị đích thực hay không.

Vì thế, khi xét mình, nếu thành thật với lòng mình, ai cũng đều cảm nhận khuynh hướng này: «
Tôi biết anh nịnh tôi, nhưng tôi vẫn thấy thích thú», và nếu ai nói về một tật xấu hay điều dở của ta, cho dù có đúng 100%, ta cũng cảm thấy khó chịu. Từ đó, thay vì nỗ lực hoàn thiện cái tôi, làm cho nó có giá trị đích thực, thì ta lại tìm đủ mọi cách để cái tôi được tôn trọng, được coi là có giá trị. Chẳng hạn, khi dự tiệc thì thích lên ngồi ở chỗ danh dự, chỗ dành cho những bậc vị vọng, trong giáo xứ hay trong xã hội thì tìm cách vận động để ngoi lên những chức vụ quan trọng. Ngoài ra còn tìm đủ mọi cách để che bớt những cái xấu, cái dở của mình, để đừng có ai nhìn thấy. Khuynh hướng giả trá này còn đi xa hơn: bên trong càng ít giá trị, thì bên ngoài lại càng phải tỏ ra nhiều giá trị. Vì thế nên mới có tình trạng «xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ», «thùng rỗng kêu to», càng tự ty thì lại càng tự tôn. Thậm chí sẵn sàng đánh lừa cả chính mình: nghĩ mình đích thực có giá trị đúng như mình đang muốn làm ra vẻ như thế.



2.  Phải vạch mặt khuynh hướng giả trá ấy ngay trong bản thân mình

Chính khuynh hướng này, xem ra rất tự nhiên nơi mỗi người và mọi người, là đầu mối gây nên biết bao nhiêu tội lỗi, xấu xa và rắc rối cuộc đời. Tại sao? Vì nó chính là một khuynh hướng giả trá, ma mãnh, nên kết quả cuối cùng bao giờ cũng là thất bại thê thảm, mặc dù nhất thời nó có thể đem lại nhiều vinh quang, lợi lộc. 

Ta dễ ganh tị khi thấy người khác hơn mình (tốt hơn, đẹp hơn, hạnh phúc hơn, đạo đức hơn, tài năng hơn, giàu có hơn, được yêu mến hơn.) Sự ganh tị ấy khiến ta vô tình hoặc cố ý tìm cách hạ người khác xuống bằng lời nói hoặc bằng hành động, thậm chí làm hại hoặc trừ khử họ. Nhưng rồi tới một lúc nào đó, chẳng sớm thì muộn, sự ganh tị ấy cũng sẽ bị lột mặt nạ, để rồi tất cả những gì giả tạo mình vất vả xây dựng được, có thể bằng tội ác, bằng những phương tiện bất chính, sẽ sụp đổ hoàn toàn. Lúc đó trước mặt người khác, mình lại trở thành kẻ vô giá trị, hơn thế nữa, bị nguyền rủa thậm tệ.

Khuynh hướng giả trá này, bao hàm sự ganh tị, là mẫu số chung tự nhiên của tất cả mọi con cháu Ađam-Eva, cho dù người ấy thánh thiện tới đâu. Sự thánh thiện của một con người không phải nằm ở chỗ không có hay tiêu diệt khuynh hướng ấy, mà thắng vượt được khuynh hướng ấy. Thật vậy, cho dù tôi có thánh thiện tới đâu, khi có ai nịnh tôi, hay khi tôi được đề cao (dù không xứng đáng) thì phản ứng tâm lý đầu tiên của tôi là cảm thấy thích thú, và khi có ai chê bai (dù là chê đúng), hay khi thấy bạn bè hơn mình, tôi vẫn thấy khó chịu. Nếu không thế thì chắc hẳn tôi đã thoát khỏi hậu quả xấu ác của tội nguyên tổ rồi! 


Phản ứng đầu tiên hay sơ cấp phát xuất từ tâm lý ấy, dù tôi không muốn phản ứng như thế cũng không được, trừ trường hợp tôi đã tu luyện rất nhiều năm. Và phản ứng tuy xuất phát từ một khuynh hướng xấu, nhưng không phải là tội lỗi, vì nó xảy ra ngoài ý muốn của tôi. Nhưng sau đó, tôi bắt đầu phản tỉnh lại và nhận ra đó là một khuynh hướng xấu. Vấn đề là sau khi phản tỉnh, tôi có hành động theo khuynh hướng xấu đó hay không. Phản ứng sau này hay thứ cấp có sự can dự của ý chí, nghĩa là ta có thể hành động theo hoặc không theo khuynh hướng đó tùy quyết định của ta. Thánh thiện hay tội lỗi là tùy thuộc phản ứng thứ cấp này. Như vậy, người thánh thiện hay tội lỗi đều giống nhau ở phản ứng sơ cấp, nhưng khác hẳn nhau ở phản ứng thứ cấp.



3.  Hãy nhận định hậu quả cuối cùng rất tai hại của khuynh hướng giả trá ấy để dứt khoát không chiều theo

Hành động theo khuynh hướng giả trá này có thể đem lại một số lợi lộc nhất thời, chóng qua, nhưng kết quả cuối cùng và lâu dài thì rất tai hại. Chúng ta rất dễ bị hấp dẫn, lôi cuốn vì những lợi lộc nhất thời ấy, nhất là khi chúng ta không nghĩ tới hậu quả cuối cùng rất tai hại và kéo rất dài của nó. Chẳng hạn, trường hợp một người không xứng đáng ngồi vào chỗ danh dự trong bàn tiệc, nhưng lại chiều theo khuynh hướng muốn có vẻ là có giá trị, hay muốn được coi là danh giá nên ngồi vào đó. Khi ngồi đấy, anh ta cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ đến những cặp mắt đang nhìn anh ta với sự nể phục. Nhưng hạnh phúc đó không thể kéo dài được nếu nó không có nền tảng là sự xứng đáng. Chỉ trong chốc lát, khi có nhiều bậc vị vọng tới dự tiệc, họ xứng đáng ngồi ở chỗ đó hơn, thì chủ nhà nhận ra ngay sự không xứng đáng của anh ta. Thế là anh ta bị mời xuống. Niềm hãnh diện và hạnh phúc chỉ kéo dài được dăm ba phút khi bữa tiệc mới bắt đầu, nhưng sự nhục nhã và đau khổ thì kéo dài suốt cả bữa tiệc, thậm chí nhiều ngày tháng sau bữa tiệc nữa.

Ngược lại, nếu ta không màng gì tới những cái có vẻ bên ngoài ấy, thì cuối cùng ta cũng chẳng mất chúng. Vì cuối cùng chúng sẽ trở lại với người xứng đáng với chúng. Chẳng hạn, trong bữa tiệc, nếu ta là người xứng đáng ngồi ở chỗ danh dự, nhưng vì nghĩ mình không xứng đáng nên ta lại chọn một chỗ hèn kém, thì khi chủ tiệc nhận ra sự có mặt của ta ở chỗ hèn kém ấy, ông ta sẽ mời ta lên chỗ cao hơn. Như thế, ta chẳng những không bị mất danh dự xứng đáng với ta, mà người khác còn thấy được phong cách cao thượng của ta nữa.

Tuy nhiên, điều quan trọng ta cần phải đạt được là sự khiêm nhường đích thực bên trong, chứ không phải là sự khiêm nhường giả bộ bên ngoài. Khuynh hướng giả trá nói trên cũng có thể thúc đẩy chúng ta làm ra vẻ khiêm nhường. Chẳng hạn, trong bữa tiệc, ta cố ý chọn một chỗ kém hơn địa vị của ta với mục đích được được nâng lên. Nhưng nếu người chủ vô ý không mời ta lên bàn trên, thì ta trở nên bực bội trong lòng. Người khiêm nhường đích thực không tự coi mình là gì cả, nên không cảm thấy bực bội khi bị xúc phạm, cũng không cảm thấy có gì đáng phải lên mặt vinh vang khi được ca ngợi tôn vinh. Chỉ những người khiêm nhường đích thực mới luôn luôn cảm thấy mình hạnh phúc, thanh thản, nhẹ nhàng, và được Thiên Chúa yêu quí.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin giúp con thắng được khuynh hướng giả trá muốn làm ra vẻ có giá trị hơn giá trị đích thực của con. Xin giúp con thành thật với chính mình, và với mọi người, đừng để con ham được đánh giá cao hơn bản chất thực của con. Xin giúp con đừng coi mình là gì cả, đừng quan trọng hóa mình, để con trở nên một con người chân thực, một phản ảnh quan trọng của Cha ở trong con. Amen.


TN22a - Thái độ về «cái tôi» khiến ta nên thánh thiện hay tội lỗi




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 22 Thường Niên

(28-08-2022)


Thái độ về «cái tôi»
khiến ta nên thánh thiện hay tội lỗi




ĐỌC LỜI CHÚA

  Hc 3,19-21.30-31: (18) Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. (20) Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.

  Dt 12,18-19.22-24a: (23) Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. (24) Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu.

  TIN MỪNG: Lc 14,1.7-14

«Hãy ngồi chỗ cuối»

(1) Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. (7) Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: (8) «Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, (9) và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. (10) 

Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. (11) Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên».

«Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo khó»

(12) Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: «Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. (13) Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. (14) Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại».




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.  Bạn nghĩ gì về «cái tôi» của bạn? Nó tốt hay xấu, thuận lợi hay bất lợi cho việc nên thánh của bạn?
2.  Người thánh thiện có còn «cái tôi» của mình không? «cái tôi» của người thánh thiện khác với «cái tôi» của kẻ tội lỗi ở điểm nào?
3.  Bạn nghĩ gì về một người chọn chỗ kém nhất trong bàn tiệc rồi ngồi mong người ta mời lên chỗ cao hơn? Đó có phải là kẻ khiêm nhường không?
4.  Trong việc kết hiệp với Thiên Chúa và sống hòa hợp với tha nhân, «cái tôi» giúp ta hay cản trở ta? Giúp hay cản trở thế nào?

Suy tư gợi ý:

1.  «Cái tôi» hay ngôi vị của mỗi người là hồng ân cao quý nhất mà Thiên Chúa ban cho con người

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa có ngôi vị hay bản vị (persona), nghĩa là một Thiên Chúa có «cái tôi». Con người được Ngài dựng nên theo hình ảnh của Ngài, nên mỗi người cũng có một «cái tôi». Vì thế, «cái tôi» là một giá trị căn bản và thâm sâu nhất của một con người. Không có bản vị hay «cái tôi» thì chúng ta chỉ hiện hữu giống như đất đá, cỏ cây, là những thứ không có bản vị. Do đó, chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta một hồng ân rất cao quý là có «cái tôi» như Ngài đã có. Phải nói rằng không có hồng ân nào cao quý cho bằng hồng ân ấy.



2.  Thái độ về «cái tôi» quyết định sự thánh thiện hay tội lỗi

Tuy nhiên, «cái tôi» vô cùng cao quý ấy lại gây ra những vấn đề vô cùng rắc rối. Cũng «cái tôi» ấy có thể làm cho con người trở thành thánh thiện mà cũng có thể trở thành tội lỗi.

Thánh thiện là khi «cái tôi» biết tự xóa mình đi trước «cái tôi» của Thiên Chúa và của tha nhân. Chính Thiên Chúa, nguồn mạch mọi sự thánh thiện, luôn luôn tự xóa mình; chúng ta có thể thấy điều này qua hành động tự xóa mình của Ngôi Hai trước Hai Ngôi kia: 
«Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình hơn nữa, là vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự» (Pl 2,6-8).

Tội lỗi là khi ta đặt «cái tôi» của ta lên trên «cái tôi» của Thiên Chúa và của tha nhân. Tội lỗi của thiên thần Lucifer và ông bà nguyên tổ của con người nằm ở chỗ đã đặt «cái tôi» của mình lên trên «cái tôi» của Thiên Chúa.

Vì thế, «cái tôi» là một con dao hai lưỡi. Chính thái độ của «cái tôi» của ta đối với «cái tôi» của Thiên Chúa và của tha nhân khiến ta trở nên thánh thiện hay tội lỗi.




3.  Nghịch lý của «cái tôi»

Theo niềm tin Kitô hữu, Thiên Chúa đã dựng nên linh hồn con người –yếu tố chủ yếu làm nên «cái tôi» của ta– mang tính bất tử hay vĩnh cửu. Vì thế, dù «cái tôi» ấy có tự xóa mình đến thế nào thì nó cũng vẫn tồn tại. Điều rất nghịch lý nhưng cũng rất hữu lý là «cái tôi» càng tự xóa mình hay tự làm nhỏ mình đi bao nhiêu, thì nó càng trở nên vĩ đại, nổi bật và có giá trị hơn trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Trái lại, «cái tôi» càng muốn phình to và nổi bật lên để lấn át những «cái tôi» khác thì nó càng trở nên nhỏ bé, lu mờ và kém giá trị trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Đúng như lời Đức Giêsu trong bài Tin Mừng: «Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên» (Lc 14,11).

Hai lời khuyên của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng ứng dụng cái nghịch lý trên. Trong bữa tiệc, hay trong rất nhiều tình huống khác của cuộc đời, ta nên chọn chỗ hèn kém hơn tha nhân. Chọn chỗ hèn kém không phải để sau đó mong chờ người ta đưa mình lên. Nếu còn ý hướng mong chờ đó thì việc chọn chỗ hèn kém ấy chỉ là giả hình, giả khiêm nhượng, không phải là xóa mình thật sự. Chọn chỗ hèn kém như một thái độ tự xóa mình thật sự –nghĩa là vì không muốn ai để ý đến mình, không làm theo khuynh hướng tự nhiên của «cái tôi» là muốn được trọng vọng, đề cao– thì mới thật sự là khiêm nhường. Khiêm nhường thật sự như thế mới có giá trị cao cả trước mặt Thiên Chúa.

Khi làm ơn cho ai, nếu còn mong người ta nhớ ơn hay trả ơn mình –khiến ta chỉ muốn làm ơn cho những ai mà ta hy vọng họ sẽ trả ơn ta– thì ta vẫn còn đặt nặng «cái tôi» của mình. Người thánh thiện hay trọn hảo, khi làm ơn cho ai, không mong được họ đáp trả, nên sẵn sàng làm ơn cho cả những người không thể trả ơn được, và họ ưu tiên làm ơn cho những đối tượng này. Làm được việc gì, dù to tát đến đâu cũng không cậy công, không tự hào rằng mình đã làm được như thế. Đức Giêsu dạy: «Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi» (Lc 17,10). Có như thế mới thật sự là xả kỷ, quên mình. Nhưng chính khi quên mình thật sự như thế, ta mới thật sự gặp lại chính mình: «Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân» (Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Khó Khăn). Người biết xóa mình hay quên mình thì thường xuyên sống trong bình an và hạnh phúc.




4.  Quan trọng hóa «cái tôi» là một trở ngại rất lớn cho việc sống kết hiệp với Thiên Chúa và hòa hợp với tha nhân

Trong đời sống Kitô hữu, điều quan trọng nhất phải thực hiện là mến Chúa và yêu người, hay nói cách khác là sống kết hiệp với Thiên Chúa và hòa hợp với tha nhân. Trong việc kết hiệp với Thiên Chúa, dụ ngôn sau đây trong Ấn Độ giáo có một ý nghĩa sâu sắc:

«Xưa có một linh hồn tu nhiều kiếp đến gõ cửa Thiên Đàng. Thượng Đế hỏi:
 

+ Ai đó?
– Con, linh hồn trả lời.

+ Con là ai? Thượng Đế hỏi lại.
– Con là con, linh hồn đáp.

+ Ở đây không đủ chỗ cho Ta và con cùng ở, con hãy đi nơi khác! Thượng Đế nói.

Linh hồn ấy trở lại trần gian tu luyện thêm 1000 năm nữa, sau đó lên Trời gõ cửa lại. Thượng Đế hỏi:
 

+ Ai đó?
– Con, linh hồn trả lời.
+ Con là ai? Thượng Đế hỏi lại.
– Con là Ngài, linh hồn đáp.

Khi ấy, Thượng Đế mở cửa Thiên Đàng cho linh hồn ấy vào
».

Dụ ngôn trên cho thấy muốn kết hiệp với Thiên Chúa, con người phải xóa mình đi, nghĩa là phải biết coi nhẹ «cái tôi» của mình, coi nó như không là gì cả. Lúc ấy, «cái tôi» của ta như bị mất cái vỏ bên ngoài chỉ còn cái lõi bên trong là chính Thiên Chúa, nên rất dễ kết hợp với Ngài. Vì Thiên Chúa chính là nền tảng, là cốt tủy cho sự hiện hữu và tồn tại của «cái tôi» mỗi người. Đúng như thánh Âu Tinh nói: Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn chính nội tâm tôi» (Deus intimior intimo meo). Chỉ khi kết hiệp với Thiên Chúa trong tình trạng tự xóa như thế, sự kết hiệp mới trọn vẹn và đem lại hạnh phúc tuyệt vời.

Đối với tha nhân, ta chỉ có thể yêu thương và hòa hợp với tha nhân khi ta tự xóa mình. Đối với ta, «cái tôi (của ta) là cái đáng yêu» nhất, nhưng đối với tha nhân, «cái tôi (của ta) là cái đáng ghét» nhất. Vì thế, tự đề cao mình, tự làm cho mình nổi bật lên, tự quan trọng hóa mình… trước tha nhân chỉ làm cho «cái tôi» của mình thêm đáng ghét, khiến ta và tha nhân tự nhiên xa cách nhau. Khi tự xóa mình trước tha nhân, coi tha nhân là quan trọng, làm cho tha nhân được nổi bật lên, thì đối với tha nhân, «cái tôi» của ta sẽ trở nên đáng yêu, khiến ta và họ trở nên gần gũi, dễ hòa hợp với nhau. Nhờ đó việc sống chung, làm việc chung trở nên vui thú và hạnh phúc.





CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã dựng nên con có một ngôi vị hay một «cái tôi» giống như Cha. Chính nhờ «cái tôi» này mà con có thể trở nên thánh thiện như Cha, mà cũng có thể tội lỗi như ma quỉ. Vấn đề là con đã hành xử với «cái tôi» của con thế nào: con coi nó quan trọng hơn Cha, hơn tha nhân, là trung tâm của vũ trụ, hay coi nó chỉ một «cái tôi» nhỏ bé cần đặt dưới tất cả những «cái tôi» khác!? Tội lỗi hay thánh thiện nằm ở thái độ này. Xin cho con biết coi nhẹ «cái tôi» của mình trước Cha và tha nhân.

Nguyễn Chính Kết




Saturday, August 24, 2019

TN21b - Nên thánh bằng «cửa hẹp» nghĩa là gì?


CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 21 Thường Niên

(21-08-2022)


Nên thánh bằng «cửa hẹp» nghĩa là gì?



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 66,18-21: (18) Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta. (19) Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến với các dân tộc, đến những hải đảo xa xăm chưa hề nghe nói đến Ta, chưa hề thấy vinh quang của Ta. Họ sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các dân tộc.

  Dt 12,5-7.11-13: (5) Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. (6) Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. (7) Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? (11) Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.

•  TIN MỪNG: Lc 13,22-30

Thiên Chúa ruồng bỏ người Do-thái bất trung
và kêu mời dân ngoại


(22) Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. (23) Có kẻ hỏi Người: «Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?» Người bảo họ: (24) «Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. 

(25) «Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: «Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!» thì ông sẽ bảo anh em: «Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!» (26) Bấy giờ anh em mới nói: «Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi». (27) Nhưng ông sẽ đáp lại: «Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!»  

(28) «Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. (29) Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. (30) Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Câu Kinh Thánh «Hãy đi đường hẹp. Đừng đi đường rộng» có thể áp dụng cho việc nên thánh không? Áp dụng thế nào?

2. Nên thánh bằng con đường rộng, và bằng con đường hẹp là gì?

Suy tư gợi ý:

1.  Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào

Thông thường, ai cũng thích đi vào những con đường rộng rãi, cao cấp, vì tại đó có thể đi bằng những loại xe lớn, mắc tiền, tốc độ cao, có thể phóng xe thoải mái, đỡ mệt trí. Không mấy ai thích đi đường hẹp, nhỏ, vì chỉ có thể đi bằng xe nhỏ hay đi bộ, vừa mệt lại vừa chậm chạp.

Cũng vậy, để đạt tới sự thánh thiện, theo tâm lý tự nhiên, ai cũng thích đi con đường rộng, vừa làm những việc lớn lao, tiếng tăm lừng lẫy, được mọi người coi là vĩ đại, tôn là thần thánh, vừa đỡ phải hy sinh, đỡ chịu thiệt thòi, vừa có danh, lợi, quyền, nhờ đó được hưởng biết bao ưu đãi, đặc quyền đặc lợi mà thế gian dành cho. 


Biết bao người muốn nên thánh bằng con đường siêu xa lộ này. Người chủ trương nên thánh kiểu này chủ trương rằng phải nên thánh làm sao để được hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Quả là một tính toán hết sức khôn ngoan, nhưng theo kiểu trần gian! Chẳng mấy ai muốn nên thánh bằng con đường hẹp, nhỏ, là con đường làm những việc nhỏ bé, tầm thường, âm thầm, vừa phải hy sinh nhiều mà chẳng được ai biết đến, lại chẳng được chút ưu đãi gì của trần gian. Quả là thiệt thòi nhiều chuyện!

Nhưng Đức Giêsu dạy chúng ta, đương nhiên ngay cả trong việc nên thánh, rằng hãy đi con đường nhỏ hẹp, khiêm nhu, ít người thích đi. Điều hết sức nghịch lý nhưng lại rất chí lý là con đường nhỏ hẹp ấy đem lại nhiều kết quả cho việc nên thánh đích thực hơn là con đường rộng rãi thênh thang. Vì đặc trưng của việc nên thánh là như vậy. Muốn nên thánh mà lại muốn đi vào đường lớn, muốn làm những việc to tát để ai cũng biết tiếng, để có được những thứ mà người trần gian thường ao ước! 


Coi chừng kẻo mình đang làm mọi sự vì mình, vì vinh danh mình, vì lòng kiêu ngạo, để làm phình to bản ngã, chứ không phải vì vinh danh Chúa hay vì yêu mến Chúa và vì lợi ích của tha nhân. Mang tiếng là vì Chúa, cho Chúa, nhưng thực ra là vì mình tất cả! Chúa chỉ là phương tiện phục vụ cho những mục đích của mình! Chính vì thế, con đường thênh thang rộng rãi đầy mầu mè thánh thiện này nhiều khi lại dẫn đến đổ vỡ trước mặt Thiên Chúa. Sự đổ vỡ ấy được đề cập đến ngay trong bài Tin Mừng này.



2.  Một sự đảo ngược không ngờ

Những người muốn nên thánh kiểu khôn ngoan kia thường nghĩ rằng: đời này mình được thần thánh hóa, được mọi người tôn vinh, nể trọng, kính phục, ắt đời sau mình cũng là một nhân vật đáng kể ở trên trời. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho thấy vào ngày ấy, có một sự đảo lộn không ngờ được: «Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót» (Lc 13,30). Đứng chót cũng còn đỡ, bài Tin Mừng còn cho thấy một viễn ảnh đen tối hơn: «Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài» (Lc 13,28)

Đương nhiên sẽ có biết bao người lấy làm lạ, vì thấy mình đã làm cho Chúa biết bao nhiêu điều to tát ở trần gian. Họ hỏi Chúa: «Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi» (Lc 13,26). Hoặc «Nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?» (Mt 7,22). Nhưng câu trả lời của Chúa thật như tát vào mặt họ một cách bất ngờ: «Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!» (Lc 13,25b). Thật ít ai hiểu được tại sao những người mà trần gian tưởng rằng đầy công nghiệp trước mặt Chúa lại bị Chúa trả lời phũ phàng và vô ơn đến như vậy!



3.  Muốn nên thánh, hãy chọn con đường nhỏ hẹp mà đi

Bài Tin Mừng trên quả thật đáng làm cho chúng ta ngạc nhiên và suy nghĩ, nhất là những người Kitô hữu đang theo lý tưởng nên thánh. Liệu sự đảo lộn ấy có áp dụng ngay trên chính bản thân ta không? Điều quan trọng là chúng ta cần xác định xem mình đang đi trên con đường loại nào để nên thánh? Đường nhỏ hay đường lớn? Đường mòn hay xa lộ? Nếu chúng ta thật sự muốn thành công trong việc nên thánh, hãy cẩn thận, đừng ham con đường rộng rãi, vì «cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó» (Mt 7,13). Hãy chọn con đường nhỏ hẹp, vì «cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy» (Mt 7,14). Nhưng thế nào là nên thánh bằng con đường rộng? Và thế nào là nên thánh bằng con đường hẹp?

Ta đang đi trên đường rộng, nếu... ta vừa muốn nên thánh, mà lại vừa muốn và tìm cách dùng sự nên thánh ấy để hưởng được ít nhiều những thứ mà mọi người thế tục mong ước: quyền lực, tiếng tăm, địa vị, tiền bạc, được ca tụng, tôn vinh, quí trọng, được thần thánh hóa, được mọi người coi là đạo đức thánh thiện, được ưu đãi trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội bất chấp tài đức hèn mọn của mình, được ăn ngon mặc đẹp, và những thú vui trần tục khác. Những người nên thánh kiểu này có thể làm rất nhiều việc được coi là đạo đức, tốt đẹp, thậm chí dạy mọi người nên thánh nữa. Họ thường có vẻ bên ngoài rất thánh thiện, đạo mạo


Đức Giêsu nói về họ: «Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế» (Lc 6,24-26). Các nhà tu đức thường nói về họ: «sanctus videtur sed non est» (có vẻ thánh mà thực ra không phải). Vì họ phải có vẻ thánh như thế thì mới được mọi người nghĩ họ là thánh!  

Đặc tính không dấu được của những người này là để lộ ra «cái tôi» rất lớn của mình! Họ khó có thể chấp nhận có ai xúc phạm đến họ. Và họ không bao giờ dám dấn thân vào những gì nguy hiểm đến sự sống còn, đến địa vị hay nồi cơm của họ, khi lý tưởng vì Chúa vì tha nhân và tư cách thánh thiện của họ đòi hỏi!  

Đức Giêsu đã định nghĩa rất rõ về những người thật sự theo Ngài: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24). «Từ bỏ chính mình» thì không thể còn «cái tôi» rất lớn được! và «vác thập giá mình mà theo Chúa» thì không thể từ chối hy sinh hay đau khổ, thậm chí cả cái chết khi lương tâm và thánh ý Thiên Chúa đòi buộc. Đức Giêsu còn xác định rõ rệt: «Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,38).

Ta đang đi trên đường hẹp, nếu ta muốn nên thánh mà không ham được ai biết đến, cũng không tìm cách dùng cái vẻ thánh thiện của mình để hưởng được những thứ hấp dẫn trần tục ấy. Đặc tính dễ nhận ra của những người này là họ coi «cái tôi» của họ rất nhỏ! Không cảm thấy có vấn đề gì lớn khi bị ai xúc phạm, hiểu lầm. Họ không thích làm ra vẻ thánh thiện, đạo mạo. Và họ cũng sẵn sàng hy sinh khi lý tưởng vì Chúa vì tha nhân đòi hỏi. Các nhà tu đức thường nói về họ: «sanctus non videtur sed est» (không có vẻ thánh nhưng lại là thánh).



4.  Hãy tự xét mình để đừng ảo tưởng về mình

Quả thật, nhiều khi chúng ta tưởng mình rất tốt lành trước mặt Thiên Chúa, chỉ vì ta đã làm được biết bao việc tốt lành, nhiều hơn biết bao người khác! Vì những việc tốt đẹp ấy, biết bao người đã nể phục, kính trọng ta, khen ta là thánh thiện, tốt lành, đạo đức. Nhưng có bao giờ ta tự hỏi: trước con mắt của Thiên Chúa, ta cũng được đánh giá tốt lành như người chung quanh ta đánh giá không? Ta làm được biết bao việc tốt lành, nhưng động lực gì thúc đẩy ta làm những việc ấy? 

Vì yêu Chúa thương người khác được bao nhiêu phần trăm? Hoặc làm để được tiếng khen, để tạo uy tín, để được kính nể, để nhờ đó ta được bề trên và nhiều người tín nhiệm hơn, được lên chức, được nắm nhiều quyền hơn, vì sự khôn ngoan trần gian đòi buộc như thế bao nhiêu phần trăm? 

Nếu thành thực với lòng mình, nhiều khi ta thấy mình vì Chúa, vì người khác rất ít, mà vì mình thì rất nhiều. Hãy coi chừng kẻo ta đang muốn nên thánh bằng con đường rộng rãi thênh thang, tuy được người trần gian ca tụng là thánh thiện, được thế gian tôn trọng ưu đãi, nhưng trước mặt Chúa lại là con số không to tướng! Cần luôn tỉnh thức và hồi tâm xét lại những động cơ của mình!




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, thế lực xấu ở ngay trong bản thân con thật tài tình! Nó có thể đánh lừa chính con ngay cả trong việc cao cả nhất là việc nên thánh. Nó làm con tưởng rằng mình đang tiến bộ rất nhanh trên con đường nên thánh, vì làm được biết bao việc tốt lành cho Chúa và tha nhân! Nhưng thực ra con đang xây dựng cho vinh quang của con trước mặt người đời. Con đã ăn cắp vinh quang của Cha để hưởng cho con. Xin cho con biết phản tỉnh sâu xa để nhận ra tình trạng tệ hại ấy, và trở lại với con đường nên thánh nhỏ bé mà Cha muốn con đi. Amen.


Friday, August 23, 2019

TN21a - Điều quan trọng nhất trong việc sống đạo là tuân hành thánh ý Thiên Chúa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 21 Thường Niên

(21-08-2022)

Bài đào sâu

Điều quan trọng nhất trong việc sống đạo
là tuân hành thánh ý Thiên Chúa




  TIN MỪNG: Lc 13,22-30

Thiên Chúa ruồng bỏ người Do-thái bất trung
và kêu mời dân ngoại



Câu hỏi gợi ý:
1. Trong đời sống thường nhật, người làm việc không có phương pháp, không có đường lối thì có thành công không? Còn trong đời sống tâm linh thì sao?

2. Có bao giờ bạn nghĩ rằng có những người mang danh giữ đạo suốt cả đời, thế mà không vào được Nước Trời, chỉ vì họ giữ đạo cách sai lầm không? Phải giữ đạo hay sống đạo cách nào mới đúng?

3.  Cốt tủy của Kitô giáo là gì? Nói chung, bạn đã nghiêm túc giữ đúng cốt tủy này chưa, hay chỉ giữ những điều tùy phụ?

Suy tư gợi ý:

1. Muốn thành công, phải đi đúng đường, làm đúng lối?

Trong đời sống thường nhật, làm việc gì mà muốn thành công thì cần phải làm cho đúng phương pháp hay cách thức của nó. Để thực hiện những kế hoạch lớn, cần phải đi cho đúng hướng, nếu không đúng hướng, sẽ thất bại ê chề: «sai một ly, đi một dặm». Nhiều người khi làm việc gì thì chỉ biết cắm cúi làm, không cần biết làm thế nào cho đúng để có thể chắc chắn thành công và đạt hiệu quả cao nhất. Dường như họ quan niệm: «cần cù bù thông minh»! Làm không đúng cách, đi không đúng hướng, chẳng những không đạt được mục đích, mà còn gây thiệt hại nữa. Vì thế, có danh nhân đưa ra công thức: «Nhiệt thành + ngu xuẩn = phá hoại».

Dù việc nhỏ hay việc lớn ở trần gian này, muốn thành công, đều cần phải làm cho đúng cách, đúng phương pháp. Việc nên thánh, việc đạt được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, theo quan niệm của người Kitô hữu, là việc quan trọng nhất trên đời. Thế mà nhiều Kitô hữu chẳng cần biết phải làm cách nào để chắc chắn đạt được mục đích ấy, và điều gì cần thiết nhất để đạt được mục đích ấy. Việc quan trọng như thế mà họ cứ thực hiện theo kiểu mò mẫm, làm theo những hiểu biết không chắc chắn, thiếu chính xác! 


Vì thế, sẽ có nhiều trường hợp người Kitô hữu trung thành giữ đạo cả một đời, tưởng sẽ được Thiên Chúa thưởng công bội hậu, nhưng… rất tiếc không phải như thế! Bài Tin Mừng hôm nay cho ta biết điều không may ấy có thể xảy ra.



2. Muốn vào Nước Trời, phải thi hành thánh ý Thiên Chúa

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho biết: «Có nhiều người tìm cách vào Nước Trời mà không thể được» (Lc 13,24b) vì họ đã sử dụng những cách không đúng, không hiệu quả. Ngài cho thấy cảnh thất bại của họ vào ngày phán xét: họ tưởng những việc họ đã làm ở trần gian để vào Nước Trời sẽ giúp họ vào được Nước ấy. Nhưng sự việc xảy ra thật phũ phàng! Những việc họ đã làm với mục đích vào được Nước Trời là hoàn toàn vô ích, vì những việc không cần thiết thì họ làm một cách thật chăm chỉ, còn việc cần thiết phải làm thì họ lại không thèm làm

Đức Giêsu mô tả cảnh ấy cách rõ rệt hơn trong Tin Mừng Matthêu: «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,22-23).

Theo đoạn Tin Mừng này thì vào ngày phán xét, nhiều người được tiếng là tốt lành thánh thiện – vì đã làm được những việc đạo đức ít ai làm được, như nói tiên tri, trừ quỉ, làm phép lạ – họ tưởng rằng làm được như thế thì chắc chắn mình đã đủ hoặc dư tiêu chuẩn để vào Nước Trời rồi. Nhưng không ngờ Chúa phán một câu khiến họ bật ngửa: «Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!»
(Mt 7,23). Thì ra những việc đạo đức ấy tuy được người đời nể phục và ca tụng, nhưng hoàn toàn không ích lợi gì cho việc vào Nước Trời của họ nếu không muốn nói là có hại. Có hại vì chúng làm họ lầm tưởng rằng mình thánh thiện thật sự rồi sinh tự hào, kiêu ngạo.

Vậy thì việc gì là cần thiết để vào được Nước Trời? Đức Giêsu nói rất rõ: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi» (Mt 7,21). Lời Chúa nói thật rõ ràng: điều cần thiết nhất và duy nhất để được vào Nước Trời là thi hành ý muốn của Thiên Chúa (cụm từ «chỉ… mà thôi» nói lên tính duy nhất của điều cần thiết ấy)


Thực hiện thánh ý Chúa, đó là điều phải làm trong thực tế, nghĩa là phải hành động thật sự chứ không chỉ nói hay tuyên xưng xuông. Phần đầu của câu Tin Mừng trên còn nhấn mạnh sự vô ích của những lời nói, lời tuyên xưng, hoặc những lời cầu nguyện rỗng tuếch không dẫn đến hành động.

Vậy điều quan trọng và cần thiết để vào Nước Trời là thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Nhưng thánh ý Thiên Chúa là gì? Ngài muốn chúng ta làm gì?




3. Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?

Thiên Chúa là Tình Yêu, và Nước Trời là vương quốc của Tình Yêu, trong đó, Tình Yêu thống trị tất cả. Vì thế, chỉ những ai có tình yêu đích thực mới phù hợp với Nước Trời. Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Ngài chủ yếu muốn chúng ta – vốn được dựng nên theo hình ảnh của Ngài – phản ảnh trung thực bản tính yêu thương của Ngài. 

Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài chỉ đưa ra một lề luật duy nhất là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Ngài không hề đưa ra một giới luật nào khác để mọi Kitô hữu theo Ngài hiểu được tầm quan trọng duy nhất của nó mà tập trung mọi nỗ lực của mình vào đó

Để nhấn mạnh tầm quan trọng duy nhất này, Ngài còn mô tả ngày phán xét cuối cùng, Thiên Chúa chỉ xét theo một tiêu chuẩn duy nhất: ta đã yêu thương tha nhân ra sao bằng hành động cụ thể: «Xưa Ta đói (khát, là khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù…), các ngươi đã (không) cho ăn (uống, tiếp rước, cho mặc, thăm viếng, đến hỏi han…)» ; «mỗi lần các ngươi (không) làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã (không) làm cho chính Ta vậy» (Mt 25,31-46). Không thấy Ngài phán xét theo một tiêu chuẩn nào khác. Vậy, điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta chủ yếu là tình yêu đích thực, nghĩa là biết tích cực yêu thương tha nhân.

Điều rất lạ là Kitô hữu nào cũng biết cốt tủy Kitô giáo là công bằng và yêu thương, nhưng số Kitô hữu – kể cả những người giảng dạy về Kitô giáo – tập trung cố gắng để thực hành điều cốt tủy này dường như không nhiều. Nếu nhiều thì chắc chắn bộ mặt Kitô giáo đã khác hẳn hiện nay. Lời Chúa nói về điều cốt tủy ấy thật chắc chắn và rõ ràng, nhưng người Kitô hữu dường như tập trung cố gắng vào những gì khác chứ không phải vào điều cốt tủy ấy


Hiện nay, đa số Kitô hữu vẫn còn đi vào vết xe cũ đã đổ của người Do Thái, là quá coi trọng hình thức tôn giáo bên ngoài, những tập tục, nghi thức, chỉ biết lãnh nhận các bí tích một cách chiếu lệ thiếu hẳn chiều kích nội tâm, v.v… Đó là những điều mà các ngôn sứ bao đời và cả Đức Giêsu đã đả phá kịch liệt (x. Is 1,11-17; Am 5,21-24; Gr 6,20; 14,12; Mk 3,4; 6,6-8; Mt 5,23-24; 9,13; Mc 12,33; v. v…). Hoặc họ tập trung nỗ lực vào việc giữ những luật này lệ nọ, đủ mọi thứ luật, nhưng luật quan trọng nhất phải tuân giữ là công bằng và yêu thương thì lại bỏ qua (x. Mt 23,23b).

Chính vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay «có kẻ hỏi Người: Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?» và Đức Giêsu đã khẳng định: «Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít» (Mt 22,14; 20,16). Vậy chúng ta phải sống đạo thế nào cho đúng thánh ý Chúa, kẻo cả đời giữ đạo Chúa của chúng ta trở thành «xôi hỏng, bỏng không», hay thành «công dã tràng» thì thật đáng tiếc! 


Đừng để câu Kinh Thánh sau đây đúng với chính chúng ta: «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, chúng con mang danh là Kitô hữu, nhưng nhiều khi chúng con không sống theo quan niệm và tinh thần của Đức Kitô, mà sống theo quan niệm và tinh thần của ai đấy mà chúng con cho là đúng, hoặc tưởng rằng là của Đức Kitô. Xin giúp chúng con biết rõ Cha muốn chúng con làm gì, và tinh thần của Đức Kitô là gì, bằng cách tham chiếu Lời của Ngài. Đừng để chúng con quan trọng hóa những điều tùy phụ mà coi nhẹ điều chính yếu nhất là thực hiện công lý và tình thương trong cuộc đời mình (x. Mt 23,23b).

Nguyễn Chính Kết




Sunday, August 11, 2019

TN20b - Sự khác biệt trong nhận thức và mức độ dấn thân trong điều tốt cũng là nguyên nhân gây chia rẽ và xung đột




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 20 Thường Niên

(14-08-2022)

Bài đào sâu

Sự khác biệt trong nhận thức
và mức độ dấn thân trong điều tốt
cũng là nguyên nhân gây chia rẽ và xung đột


  TIN MỪNG: Lc 12,49-53

Thầy đến để gây chia rẽ


Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu bạn triệt để sống tinh thần Tin Mừng vượt mức bình thường của mọi người, hoặc hăng say dấn thân làm việc cho Thiên Chúa, nhân loại và Giáo Hội đến nỗi phải hy sinh rất nhiều, thì thái độ của những người chung quanh bạn thế nào? khen ngợi hay chê bai? ủng hộ hay chống đối?

2. Đức Giêsu nói:
Ngài đến không phải để đem lại hòa bình mà là sự chia rẽ (x. Lc 12,51), điều đó có đúng trong thực tế không? Xin đan cử vài trường hợp cụ thể.

Suy tư gợi ý:

1.  Tâm lý chung của con người

Những ai đã từng sống cuộc đời sa đọa, bê bối, hoặc dưới trung bình về mặt đạo đức, chắc chắn sẽ được những người thân (cha mẹ, thầy cô, vợ con, anh chị em, bạn bè.) chung quanh mình nâng đỡ, vực dậy, kéo ra khỏi vũng bùn. Nhưng những người đã từng sống một cuộc đời vượt hẳn mức trung bình, chẳng hạn muốn triệt để sống theo tinh thần Tin Mừng, muốn hy sinh, quên mình thật sự để phục vụ tha nhân, hoặc triệt để sống phó thác vào Chúa, thì sẽ bị những người chung quanh khuyên can, lôi mình xuống. Nếu khuyên can không được, họ sẽ nói mình dại dột, khùng, mát... thay vì nể phục. 

Nhiều vị thánh, khi quyết tâm triệt để sống theo lời khuyên của Tin Mừng, thì bị chính những người thân mình nhất cản trở, như trường hợp thánh Phanxicô Khó Khăn. Khi ngài quyết tâm từ bỏ đời sống giàu sang, bán mọi thứ mình có để bố thí, chấp nhận sống nghèo khó hầu hòa mình và phục vụ những người khốn khổ, thì cha mẹ ngài cản trở. Cản không được, hai ông bà bèn cho gia nhân chửi mắng ngài là đồ khùng, ngu xuẩn, và cho phép họ ném cà chua, đồ dơ vào ngài mỗi khi ngài đi ngang qua nhà.



2.  Tâm lý ấy bất lợi cho các ngôn sứ

Tâm lý của con người là như vậy. Mình xuống thấp thì họ nâng mình lên, điều đó thật là tốt! Nhưng mình lên quá cao thì họ lôi mình xuống. Các ngôn sứ của Thiên Chúa đều cảm nghiệm được tâm lý này nơi những người thân mình. Khi ý thức được tiếng Chúa gọi mình làm chứng cho Ngài, cho chân lý, công lý và tình thương, đồng thời muốn đáp trả ơn gọi ấy một cách quảng đại, can đảm, người ngôn sứ sẽ phải đối phó hoặc chiến đấu với chính những người thân yêu nhất của mình, những đồng đạo của mình

Chính điều này làm cho người ngôn sứ trở nên hết sức đơn độc, và nỗi khổ tâm chủ yếu của người ngôn sứ không phải ở chỗ phải hy sinh những điều mà Chúa trực tiếp đòi hỏi cho bằng phải chịu sự bách hại của chính những người thân yêu mình: cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè. Nhiều khi càng là người thân thì lại càng cản trở mình mạnh hơn. Tuy nhiên, người ngôn sứ không thể vì sự chống đối của người thân mà bực bội hay ghét bỏ họ, vì họ không thể làm gì khác hơn điều họ nghĩ.

Như thế, người ngôn sứ phải hy sinh nhiều mặt:
 

Những hy sinh đến từ sự đòi hỏi của Thiên Chúa, của ơn gọi, của lương tâm: Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi người ngôn sứ phải hy sinh và chịu đau khổ cao độ hơn người khác;
Những hy sinh đến từ những bách hại của những người có hành vi sai trái mà người ngôn sứ cảm thấy phải lên tiếng cảnh báo;
Những hy sinh đến từ những người thân yêu nhất của mình: những người này rất yêu thương mình, sẵn sàng hy sinh cho mình, nhưng lại không chấp nhận cho mình dấn thân ở mức độ mà họ cho là quá mức cần thiết. Vì sự dấn thân bị coi là quá mức ấy có thể gây thiệt hại cho họ (khiến họ bị liên lụy, bị mất quyền lợi, phải lo lắng và buồn phiền nhiều chuyện, phải khổ tâm khi thấy mình khổ, hoặc phải lo sợ cho sự an nguy của mình). Chẳng hạn, một người chồng muốn dấn thân cho Chúa nhiều hơn làm sao tránh được tình trạng buộc người thân mình cũng phải phần nào chấp nhận hy sinh, thiệt thòi và cực khổ nhiều hơn vì mình? Một linh mục hay một tu sĩ muốn làm ngôn sứ làm sao tránh được chuyện làm phiền hà các bề trên mình, tập thể của mình (linh mục đoàn, nhà dòng), và những người mình có nhiệm vụ chăm sóc?



3.  Chúa và ơn gọi có thể là nguyên nhân gây chia rẽ

Người ta thường nghĩ Đức Giêsu hay các ngôn sứ là những người đem lại bình an cho tâm hồn con người, và là nguyên lý nối kết mọi người lại với nhau. Điều đó rất đúng, nhưng chỉ đúng một mặt, vì xét trên một bình diện khác, thì chính Đức Giêsu và các ngôn sứ lại là những người đem lại sự bất ổn cho tâm hồn, và là nguyên lý gây nên chia rẽ giữa mọi người.
 

Đem lại bất ổn, vì các ngài luôn luôn đặt mọi người trước một vấn đề lương tâm buộc họ phải có một thái độ: hoặc theo tiếng lương tâm, hoặc không theo. Theo tiếng lương tâm thì phải hy sinh nhiều thứ, phải chấp nhận thiệt thòi, đau khổ, phải sống cao thượng, anh hùng. nhưng tâm hồn được bình an. Còn không theo tiếng lương tâm thì không bị thiệt thòi hay đau khổ gì, nhưng lại bị chính lương tâm mình cắn rứt, dày vò, và cũng có thể bị dư luận chê trách.
Gây chia rẽ, vì trước sự đòi hỏi của Đức Giêsu, của tiếng lương tâm, con người sẽ có nhiều thái độ khác nhau. Những người không nghe theo lương tâm vì sợ phải hy sinh và đau khổ sẽ có đủ những lý lẽ biện minh cho thái độ của họ, để tự đánh lừa lương tâm mình hầu được bình an. Và để chứng tỏ mình hành động đúng, họ có thể kết án những người kia là thiếu khôn ngoan, dại dột, quá khích, là gây hại, gây chia rẽ. 

Chính ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc I cũng bị nhiều người đồng thời đánh giá: «Những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai họa» (Gr 38,4). Thế là vì lời mời gọi của Chúa, của tiếng lương tâm mà trong nội bộ gia đình, đoàn thể, Giáo Hội. có sự chia rẽ, xung đột, tranh đấu, chống đối nhau. Đương nhiên phần thua thiệt đau khổ sẽ nghiêng về những người làm đúng theo sự đòi hỏi của ơn gọi, của lương tâm.



4.  Sự chia rẽ đến từ những nhận thức khác nhau

Do cách nhìn cao thấp, rộng hẹp, nông sâu khác nhau, và do mức độ dấn thân khác nhau, mà có sự mâu thuẫn và xung đột giữa những người cùng dấn thân theo Chúa, phục vụ xã hội hay Giáo Hội. Sự khác biệt là tất yếu: người biết hoặc quảng đại ở mức 100 không thể nhận thức và hành động theo cùng một cách với người ở mức 50, và người ở mức 50 không thể giống với người ở mức 10. Người biết 100 điều này, không thể có cùng một cách nhìn và hành động với người biết 100 điều khác, hay chỉ biết 50 hoặc 10 điều thôi. 

Có những người nhìn thấy những giá trị lớn mà xa, có những người chỉ thấy được những giá trị nhỏ trước mắt. Vì thế, người trước chủ trương hy sinh giá trị nhỏ trước mắt để đạt được giá trị lớn về sau, và được thúc đẩy làm như vậy. Còn người sau nhận thấy không nên thả mồi bắt bóng, nên quyết tâm bảo thủ những giá trị đang nắm trong tay, không quan tâm tới những gì chưa thấy. Vậy là cùng theo đuổi và quyết tâm thực hiện điều tốt, nhưng người ta bất đồng và chia rẽ nhau. Vấn đề không còn là chọn giữa cái tốt và cái xấu, mà giữa hai cái đều tốt: cái tốt nhỏ và cái tốt lớn, cái cần thiết và cái ích lợi.

Chẳng hạn, Chúa vừa đòi buộc ta phải hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương con cái, nhưng cũng vừa đòi buộc ta phải sẵn sàng hy sinh mọi sự cho Nước Trời. Cả hai điều đều tốt và đều buộc ta phải thực hiện. Nhưng cũng có những trường hợp hai điều tốt ấy xung đột nhau: chẳng hạn, nếu quá lo lắng cho cha mẹ, con cái thì không thể lo cho đại cuộc Nước Trời, và ngược lại. Vì thế, Chúa bảo: «
Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,37). Nếu ai cũng chỉ lo bảo vệ gia đình mình, thì ai sẽ là người lo bảo vệ xã hội, quốc gia?

Vậy, nhận thức khác nhau về những điều tốt, và mức độ quảng đại khác nhau trước tiếng gọi của Chúa hay trước sự đòi buộc của lương tâm có thể khiến người trong cùng gia đình, cùng tập thể, xứ đạo, giáo phận chia rẽ nhau, chống đối nhau. Tình trạng có thể trầm trọng đến mức «
Kẻ thù của mình chính là người trong nhà» (Mt 10,36). Những người dấn thân triệt để cho Thiên Chúa nên nhận thức và sẵn sàng chấp nhận điều này.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, ngay từ khi con lãnh nhận bí tích rửa tội, con đã lãnh nhận thiên chức ngôn sứ của Cha. Là ngôn sứ từ thuở ấy, nhưng đã mấy khi con sống đúng tư cách ngôn sứ của mình! đã mấy khi con sống cho ra ngôn sứ của Cha! Xin cho con dám can đảm chấp nhận tất cả những khó khăn đau khổ xảy đến, khi hoàn cảnh buộc lương tâm con phải lên tiếng làm chứng cho Cha, cho chân lý, công lý và tình thương. Xin đừng bao giờ để con lấy cớ khôn ngoan để hành xử một cách hèn nhát trước bạo lực. Xin hãy cho con dám nói hoặc làm khi lương tâm người Kitô hữu buộc con phải nói hay làm một điều gì đó xứng hợp với chức năng ngôn sứ của mình. Xin ban ơn can đảm để con sống đúng thiên chức ngôn sứ của người Kitô hữu trong con. Amen.


TN20a - Đức Giêsu nói Ngài đến để đem gươm giáo và chia rẽ, điều đó nghĩa là gì?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 20 Thường Niên

(14-08-2022)


Đức Giêsu nói:
Ngài đến để đem gươm giáo và chia rẽ,
điều đó nghĩa là gì?



ĐỌC LỜI CHÚA

  Gr 38,4-6.8-10: (4) Các thủ lãnh thưa với vua Xítkigiahu: «Xin ngài cho giết Giêrêmia đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ».

  Dt 12,1-4: (3) Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí.

  TIN MỪNG: Lc 12,49-53

Thầy đến để gây chia rẽ

(49) Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! (50) Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.

(51) Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. (52) Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. (53) Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có thái độ nào khi thấy người khác suy nghĩ và hành động khác với bạn? Bạn có thường nghĩ rằng bạn đúng hơn những người nghĩ khác bạn không?

2. Bạn có ngạc nhiên khi Đức Giêsu nói rằng Ngài đến không phải để đem lại hòa bình, nhưng là đem đến gươm giáo và chia rẽ? Bạn hiểu lời ấy của Ngài thế nào?

3. Tại sao Kitô giáo lại có nhiều giáo phái khác nhau như thế? Có giáo phái nào cho rằng mình không đúng bằng giáo phái khác không?

Suy tư gợi ý:

1.  Con người với đủ mọi khác biệt và trình độ

Thế giới hay vũ trụ này được Thiên Chúa tạo dựng nên hết sức phong phú và đa dạng: đủ mọi loài mọi giống. Mỗi loài mỗi giống lại có đủ mọi hình thái, mọi kích cỡ khác nhau: chẳng hạn loài cá có thứ chỉ nhỏ bằng cây kim, có thứ to như cái nhà… Loài người thì đủ mọi thứ tính tình, khuynh hướng, trình độ khác nhau. Từ đó phát sinh đủ mọi thứ văn hóa, triết lý, thần học, tôn giáo, lập trường, chủ nghĩa, lề lối suy nghĩ khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau… 

Tuy nhiên, mọi người đều có khuynh hướng chung và tự nhiên là hướng về chân, thiện, mỹ. Ai cũng đều cảm thấy có nhu cầu và bổn phận thực hiện chân, thiện, mỹ trong đời sống của mình. Nhưng quan niệm, sự hiểu biết và mức độ gắn bó hay dấn thân cho chân, thiện, mỹ lại rất khác nhau. Và bình thường ai cũng cho rằng quan niệm của mình là đúng nhất, và mức độ gắn bó của mình là thích đáng hoặc hợp lý nhất. Chính vì thế, ai cũng khư khư giữ lấy quan điểm và lập trường của mình.

Nhưng nguyên nhân gây rắc rối, xung đột và chia rẽ là ai cũng muốn mọi người phải thống nhất với quan điểm của mình mà mình tự cho là đúng nhất, hợp lý nhất. Nhiều người tìm đủ mọi cách để áp lực người khác phải theo lập trường của mình: áp lực
bằng tình cảm (thường xảy ra giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng...), bằng uy thế (dùng địa vị, bằng cấp, tuổi tác, uy tín về hiểu biết hay khôn ngoan), thậm chí bằng bạo lực (dùng cảnh sát, khủng bố, đe dọa). Nếu con người không chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng và khác biệt tự nhiên này, con người sẽ không thể hiệp nhất với nhau, sẽ phát sinh chia rẽ và xung đột nhau.

Mặc dù Thiên Chúa dựng nên con người với sự khác biệt nhau rất lớn, nhưng rất nhiều người thờ phượng Thiên Chúa vẫn không thể chấp nhận sự khác biệt mà Thiên Chúa tạo nên ấy. Người ta có khuynh hướng ghét bỏ và tẩy chay những người có tư tưởng hay lối sống khác với mình. Chính Đức Giêsu và những người theo Ngài từng là nạn nhân của khuynh hướng tẩy chay dị biệt ấy.




2.  Đức Giêsu đến để đem gươm giáo và chia rẽ

Khi Đức Giêsu đến để đem chân lý cho nhân loại, Ngài đưa ra những quan niệm mới, những lập trường tư tưởng mới đúng đắn hơn quan niệm hay lập trường đang được mọi người cho là đúng nhất. Điều này khiến cho những người theo Ngài trở nên khác biệt (về tư tưởng, đời sống, về sự dấn thân) với những người còn lại vốn đã khác biệt nhau rồi. Chính vì thế, Ngài và các tông đồ Ngài đã bị những người khác, đặc biệt những người đồng đạo ghét bỏ, tẩy chay, hãm hại và thậm chí giết chết. Các Kitô hữu tiên khởi cũng bị các vua chúa và những người đồng hương bách hại.

Quả đúng như lời Ngài nói: «Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất. Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo» (Mt 10,34). Các Kitô hữu bao thế hệ, kể cả hiện nay – nhất là tại những quốc gia kỳ thị tôn giáo – cũng bị bách hại, và phải chiến đấu rất anh dũng mới có thể tồn tại và phát triển. Nhưng thật là lạ kỳ, mặc dù bị bách hại trăm bề, Kitô giáo vẫn phát triển mạnh mẽ và hiện nay đã lôi kéo được một phần ba thế giới. Đúng như lời Ngài nói trong bài Tin Mừng: «Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!» (Lc 12,49).
 

Trong một gia đình Kitô hữu gồm toàn những người mang danh theo Đức Giêsu, nếu có ai theo Chúa một cách thờ ơ, nguội lạnh, hoặc đi vào con đường tội lỗi, thì mọi người còn lại đều tìm cách nâng người ấy lên. Nếu không được thì sẽ tìm biện pháp mạnh để ép người ấy sống tốt hơn. Nhưng nếu có ai theo Đức Giêsu một cách tích cực và đúng nghĩa vượt hẳn mọi người, hoặc với một cách thức khác thường thì những người còn lại trong gia đình thường phản đối và cản trở, nghĩa là tìm cách kéo người ấy xuống mức chung của gia đình mà họ cho là mức hợp lý nhất. Thánh Alêxù (Alexis), thánh Phanxicô Khó Khăn, thánh Gioan Thiên Chúa… là những bằng chứng điển hình.

Trong các cộng đoàn Kitô hữu cũng thường xảy ra tương tự như vậy. Người theo Chúa một cách tích cực, triệt để và đúng nghĩa nhất thường bị coi là lập dị, là người bất bình thường, nếu chưa bị nói là khùng, là «mát» … Chính Đức Giêsu cũng bị người đời cho là «mất trí» (Mc 3,21). Thế là có sự chia rẽ trong nội bộ khi có người theo Chúa một cách tích cực hoặc quyết liệt. Những người này thường bị tẩy chay và sống trong cô độc, tuy nhiên họ lại lôi kéo được một số ít người theo họ. 


Những người tích cực gắn bó với chân lý, công lý và tình thương –vì thế có những tư tưởng tiến bộ hoặc thấy xa hơn người bình thường– cũng bị tẩy chay và cô lập như thế, thậm chí bởi ngay những người thân trong gia đình: cha mẹ, con cái, anh chị em mình… Đức Giêsu đã từng tiên báo số phận của họ: «Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét» (Mt 10,21-22).

Như vậy, việc triệt để theo Đức Giêsu hay theo sự đòi hỏi của chân, thiện, mỹ có thể là cớ gây chia rẽ, thù oán giữa những người cùng gia đình, cùng cộng đoàn, cùng là con dân một đất nước. Như thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, dân Việt bị phân chia thành lương và giáo, và đôi bên kỳ thị hoặc nghi ngờ nhau. Khi công lý bị xâm phạm, con người bị đàn áp, xã hội tự nhiên bị phân ra thành hai khối: một số rất ít hành động theo lương tâm, theo tiếng Chúa, sẵn sàng tranh đấu sống chết cho công lý, và đa số hành động theo quyền lợi hay «nồi cơm» của mình. Số người rất ít trước thường bị số người đông đảo sau chê bai, thậm chí bách hại.




3.  Sự chia rẽ trong Kitô giáo

Chính vì lý tưởng bênh vực cho chân lý, vì lý tưởng thống nhất Giáo Hội, mà Kitô giáo hiện nay bị phân hóa một cách thê thảm thành hàng trăm giáo phái khác nhau. Giáo phái nào cũng tự hào mình theo Đức Giêsu một cách đúng đắn nhất, và tìm đủ mọi cách để bênh vực và truyền bá lập trường của mình. Từ đó sinh ra chia rẽ, thù hận nhau: tuy cùng nhận Đức Giêsu là thầy, cùng lấy Ngài làm gương mẫu, lý tưởng, nhưng họ lại không chấp nhận nhau là đồng đạo, là anh em với nhau

Người được giáo phái này rửa tội mà chuyển sang giáo phái khác thì phải chịu phép rửa tội lại theo nghi thức của giáo phái mới, làm như phép rửa tội được các Kitô hữu giáo phái khác làm là không thành sự! Như thể các Kitô hữu thuộc giáo phái khác không phải là người theo Đức Kitô! Nhiều khi giáo phái này đả phá, kết án, nói xấu giáo phái kia một cách không nhân nhượng. Nhiều giáo phái còn quả quyết là những ai ở ngoài giáo phái của mình thì không thể được cứu rỗi. Nhiều giáo phái muốn hạn chế ơn cứu rỗi và dành độc quyền được cứu rỗi cho giáo phái của mình! 

Thật đúng như trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: «Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ» (Lc 12,51). Đúng là càng muốn thống nhất, càng không chấp nhận khác biệt, càng tìm cách để mọi người nên một với mình, thì càng mất hiệp nhất! Đó là điều Đức Giêsu đã cảnh báo trong bài Tin Mừng trên để chúng ta có thể đề phòng và tránh cho cộng đoàn của mình, cho Giáo Hội và cho toàn nhân loại.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu luôn mong muốn những người theo Ngài được «nên một» (x. Ga 17,11.21-23). Ngài không muốn họ chia rẽ và xung đột lẫn nhau. Nhưng Ngài đã thấy trước và báo trước tình trạng chia rẽ và xung đột ấy. Mặc dù được báo trước như thế, những người theo Ngài vẫn không tránh được tình trạng không tốt đẹp ấy. Chỉ vì không mấy ai chấp nhận sự đa dạng và khác biệt theo luật tự nhiên mà Cha đã tạo dựng trong vũ trụ

Xin Cha cho tất cả những ai thờ phượng Cha biết tôn trọng luật tự nhiên ấy để họ có thể hiệp nhất với nhau, yêu thương nhau và coi nhau như anh chị em. Sự hiệp nhất mà Cha và Đức Giêsu muốn chính là sự hiệp nhất trong đa dạng như Giáo Hội sau công đồng Vatican II chủ trương. 

Xin cho mọi người tin Cha biết đặt nặng tinh thần yêu thương, đoàn kết và hiệp nhất với nhau hơn là đòi hỏi phải thống nhất với nhau về lý thuyết. Xin cho mọi người ý thức rằng sự chia rẽ giữa những người thờ phượng Cha luôn luôn là một gương xấu vô cùng lớn cho thế giới.