Saturday, October 27, 2018

Điều cốt yếu nhất trong việc sống đạo của người Kitô hữu


Điều cốt yếu nhất trong việc sống đạo 
của người Kitô hữu
Cần hiểu điều cốt yếu nhất của Kitô giáo là gì để thi hành
Mt 7, 21-23 => «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!»
________________________
Ngày phán xét, nhiều người tưởng mình sẽ là người ưu tiên được Chúa xếp vào hàng những người công chính để được thưởng, nhưng không ngờ họ bị xếp vào hạng không công chính, vì những gì họ tưởng là việc đạo đức mà họ đã làm suốt cả cuộc đời, đều không phải là điều chính yếu Chúa muốn họ làm. Cả đời họ, họ không biết được điều quan trọng nhất mà họ phải làm để trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa là gì, và họ cũng không biết được điều Ngài muốn họ thi hành là điều gì, vì họ không hề đọc những gì Chúa nói, mà chỉ nghe người này dạy, người kia bảo phải làm thế này thế kia.
Tương tự như trong việc làm ruộng, điều quan trọng nhất là phải có hạt giống lúa, rồi mới tới việc dẫn nước, bón phân, làm cỏ, v.v... Nếu họ không biết điều quan trọng nhất phải làm là gieo hạt giống xuống ruộng, mà chỉ chăm làm những việc sau, thì tất cả những việc sau dù có làm hoàn chỉnh cách mấy cũng trở thành vô ích hoàn toàn. Đương nhiên những việc sau cũng cần phải làm mới có được lúa, không làm những việc sau thì cũng thất bại.)


Điều cốt yếu nhất của Kitô giáo 
(= điều quan trọng nhất Thiên Chúa muốn con người thi hành) 
là tình yêu của họ dành cho tha nhân

Yêu thương tha nhân là điều luật quan trọng nhất
● Ga 13,34 => «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em»
● Ga 15,12 => «Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em».
● Lc 6,31 => «Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy».
● Rm 13,8 => «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật».
● Rm 13,10 => «Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại ; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy».
● Gc 2,8 => «Luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình».
● Gl 5,14 => «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình».
● Lc 10,29-37 => Dụ ngôn người Samari tốt lành (Đức Giêsu định nghĩa «người thân cận» của ta là người khốn khổ mà ta gặp trong cuộc đời cần được ta cứu giúp hay nâng đỡ.)
● 2Cr 2,8 => «Tôi khuyên anh em hãy đặt tình bác ái lên trên hết».

Tình yêu quan trọng hơn cả đức tin
● 1Cr 13,1-3 => Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
________________________ 
Những việc tốt lành dù có lớn lao tới đâu, nhưng không xuất phát từ cái tâm yêu thương, mà chỉ nhắm để được mọi người khen là đạo đức, thánh thiện, hay vì một động lực vị kỷ nào khác... thì cũng đều không có giá trị thật sự trước mặt Thiên Chúa.
● 1Cr 13,13 => «Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến»

Tin và yêu đích thực phải có hành động phù hợp
● Gc 2,17-20 => «Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ.” Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không?»
● Gc 2,14-16 => «Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?»
● Gc 2,24 => «Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi
● Gc 2,26 => Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.
(Có thể thay thế hai chữ “đức tin” trong các câu trên bằng hai chữ “đức ái”, hay “tình yêu”)

Yêu thương tha nhân là dấu chỉ của người Kitô hữu
● Ga 13,34-35 => «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau».
Diễn tả cách khác: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau» (bài ca của Kim Long).

Ba điều quan trọng nhất trong lề luật
● Mt 23,23 => «Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luậtcông bình, lòng nhân và thành thật. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia».
● Mt 5,37 => «Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ».

Yêu tha nhân là yêu chính Thiên Chúa
● Mt 25,34/41.40/45 => «Bấy giờ (=ngày phán xét), Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải (/bên trái) rằng: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm (/không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (/không làm) cho chính Ta vậy».
● Mc 10,17-21 => Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: «Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?» Đức Giêsu đáp: «Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ». Anh ta nói: «Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ». Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: «Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi».
(Điều rất lạ là để được sự sống đời đời, Đức Giêsu không nói gì đến việc phải chu toàn những bổn phận đối với Thiên Chúa (lạ thật!), vì dường như đối với Ngài, yêu và phục vụ tha nhân cũng chính là yêu và phục vụ Thiên Chúa rồi. Ngài chuyên đồng hóa tha nhân của ta với chính Ngài!)
(Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Khó Khăn: «Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người». Nhưng dường như chúng ta chỉ biết phụng sự Chúa… trong nhà thờ, chứ không phải trong mọi người).

Thiên Chúa ở với những ai yêu thương tha nhân
● 1Ga 4,16 => «Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy».
● 1Ga 4,8 => Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

Điều kiện để theo Chúa, để yêu thương tha nhân
● Mt 16, 24 => «Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”».
● Mt 10,38 => «Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy».

Tình yêu quan trọng hơn các nghi thức tôn giáo
● Mt 12,7 => «Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế».
● Mt 5,23-24 => «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình».
● Is 1,10-17 => «Hỡi những kẻ làm đầu Xơ-đôm, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA phán. Hỡi dân Gô-mô-ra, hãy lắng tai nghe Thiên Chúa chúng ta dạy bảo. ĐỨC CHÚA phán: Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta? Thôi, đừng đem những lễ vật ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho nhi, biện hộ cho quả phụ
Nguyễn Chính Kết

TN30 - Sứ mạng giải phóng của những người theo Chúa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 30 Thường Niên

(28-10-2018)


Sứ mạng giải phóng
của những người theo Chúa



ĐỌC LỜI CHÚA

  Gr 31,7-9: (8) Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về. (9) Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã, vì Ta là một người Cha.

  Dt 5,1-6: (2) Vị thượng tế ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối.

  TIN MỪNG: Mc 10,46-52

Người mù ở Giêrikhô

(46) Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Giêrikhô. Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Batimê, con ông Timê. (47) Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: «Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!» (48) Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: «Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!» (49) Đức Giêsu đứng lại và nói: «Gọi anh ta lại đây!» Người ta gọi anh mù và bảo: «Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!» (50) Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. (51) Người hỏi: «Anh muốn tôi làm gì cho anh?» Anh mù đáp: «Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được». (52) Người nói: «Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!» Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Thái độ của người mù trong bài Tin Mừng là la to lên để Đức Giêsu nghe thấy, và khi bị quát nạt, anh lại càng la to hơn nữa. Đó có phải là thái độ khôn ngoan không? Những kẻ cùng khốn có thể rút ra bài học gì không? 
2. Cảnh người mù kêu cứu mà bị quát nạt có gì tương tự với những cảnh đang xảy ra trong xã hội hôm nay không? Tại sao lại có người quát nạt anh? quát nạt anh để làm gì? 
3. Những người theo Đức Giêsu cần có thái độ nào trước cảnh người cùng khốn kêu cứu mà bị quát nạt? Im lặng mặc kệ họ hay kêu cứu dùm họ?


Suy tư gợi ý:

1.  Người mù lên tiếng kêu cứu và bị quát nạt

Trên trần gian này, có biết bao người cùng khổ như anh chàng Batimê trong bài Tin Mừng trên. Anh bị mù, không làm được việc gì để sinh sống, nên đành phải đi ăn xin. Đời anh thật khốn khổ, nên khi nghe tin Đức Giêsu –người nổi tiếng chữa lành bằng phép lạ– sắp đi qua, anh kêu to lên xin Ngài cứu chữa. Đó quả là nhu cầu vô cùng chính đáng của anh. 

Nhưng những người Pharisêu –những kẻ không muốn Đức Giêsu có ảnh hưởng trong xã hội vì lời giảng dạy và những phép lạ của Ngài– đã dọa nạt anh, bịt miệng anh để anh im đi. Họ sợ Ngài có thêm cơ hội làm phép lạ khiến Ngài nổi tiếng và có ảnh hưởng trên dân chúng nhiều hơn. Họ muốn độc quyền ảnh hưởng trên dân chúng. Đáng lẽ anh mù phải sợ những người Pharisêu này, vì họ có quyền thế về tôn giáo. Họ có thể «dứt phép thông công» anh (nói theo kiểu hiện đại cho dễ hiểu), khiến anh bị cô lập giữa những người đồng đạo, và đời anh đã khốn khổ sẽ vì thế lại càng khốn khổ hơn. 

Nhưng sự cùng khốn của anh khiến anh không còn sợ gì nữa, anh quyết tranh đấu cho nhu cầu chính đáng của mình. Vì thế, anh càng la to hơn để Đức Giêsu nghe thấy. Nhờ kiên quyết tranh đấu, anh đã toàn thắng kẻ cố tình bịt miệng anh: Đức Giêsu nghe thấy tiếng anh kêu, đã đến với anh và chữa lành bệnh cho anh. Anh đã «nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi» (Mc 10,52b)



2.  Những người cùng khốn đang bị áp bức, bị bịt miệng, bịt tai

Bài Tin Mừng hôm nay mô tả một cách thu gọn cảnh áp bức bất công vẫn thường xảy ra trong xã hội. Những người nghèo khổ, thấp cổ bé họng, không có tiếng nói như anh Batimê luôn luôn phải chịu cảnh áp bức: bị bịt miệng không cho phát biểu, bị bịt mắt không cho thấy, bị bịt tai không cho nghe những diễn biến đang xảy ra trong xã hội. Vì càng để họ ở trong cảnh dốt nát mù mịt thì kẻ nắm quyền càng dễ bề áp bức, hà hiếp, bóc lột họ. Để họ biết nhiều quá, nắm thông tin nhiều quá, nhất là để họ biết được quyền lợi của họ, hay biết được những thối nát, ngu xuẩn, bất công của những kẻ đang cầm quyền, thì khó mà duy trì ách thống trị trên họ mãi.

Vì thế, tất cả những kẻ cầm quyền áp bức trên thế gian này, trong môi trường đời thường cũng như trong môi trường tôn giáo, đều muốn bưng bít thông tin, trấn áp dư luận, tìm cách bịt miệng tất cả những ai muốn nói, bịt tai tất cả những ai muốn nghe. Họ chỉ cho phép những gia nô của họ bốc thơm họ, bất chấp những tồi tệ ngu xuẩn của họ. Họ chỉ cho phép đám dân ngu cu đen nghe những lời tán tụng giả dối ấy, để đám dân này ảo tưởng rằng mình đang được sống trên thiên đàng, và coi bọn cầm quyền là ân nhân của họ. 

Trong bài Tin Mừng, nếu anh mù Batimê mà sợ oai sợ vía bọn Pharisêu nên im lặng trước sự quát nạt của họ, thì rất có thể anh sẽ không gặp được Đức Giêsu, anh sẽ không được chữa lành, và anh sẽ phải sống trong tăm tối suốt cả cuộc đời. Nhưng anh đã can đảm không sợ hãi, và sự can đảm ấy đã giải phóng anh! Sự can đảm ấy đã được Đức Giêsu chúc lành.

Anh đáng làm gương cho chúng ta về lòng can đảm, về tinh thần tranh đấu cho nhu cầu và quyền lợi chính đáng của mình. Những kẻ nhát sợ trước bạo lực, không dám lên tiếng tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của mình, đành chấp nhận làm thân giun dế, thật đáng xấu hổ trước tấm gương can đảm này. 



3.  Những người theo Đức Giêsu, niềm hy vọng của những nạn nhân thời đại?

Trên khắp thế giới hiện nay, nhất là trong những quốc gia bị cai trị bởi những chế độ độc tài như Việt Nam, có biết bao người khốn khổ, nghèo đói, bị những kẻ quyền thế đàn áp bất công, cướp đất cướp nhà, bị họ chà đạp quyền sống, quyền phát triển... Họ nghe nói về một Kitô giáo chủ trương giải phóng những người bị áp bức như họ, vì Đức Giêsu, người sáng lập Kitô giáo đã nói về sứ mạng của những người theo Ngài: «Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để  tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa» (Mt 4,18-19). Kitô giáo vì thế trở thành niềm hy vọng cho họ, những kẻ đau khổ, bệnh tật, bị giam cầm, bị áp bức bất công.

Theo tinh thần câu Kinh thánh trên, những người nhận được Thần Khí, được Thiên Chúa xức dầu, là những người đặc biệt không chỉ quan tâm đến người nghèo, người bị giam cầm, người bị mù, bị áp bức… mà còn được sai đi để «công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa» (nt), nghĩa là để lên tiếng bênh vực cho quyền lợi và quyền tự do của họ. 



4.  Các ngôn sứ hãy lên tiếng thay cho kẻ không có tiếng nói

Cái cảnh quát nạt không cho người mù lên tiếng như trong bài Tin Mừng hôm nay vẫn đang hằng ngày xảy ra trong xã hội con người. Nhưng có biết bao người khốn khổ, bị hà hiếp, đàn áp như thế không có khả năng hay dũng khí để gào to lên như anh mù trong bài Tin Mừng. Họ sợ bị ám hại, họ có miệng nhưng không dám kêu, hoặc không biết kêu với ai… Tội nghiệp những con người ấy biết bao! Ai sẽ lên tiếng thay cho họ?

Thật may mắn cho họ, Đức Giêsu đã đến với sứ mạng «loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn (…) trả lại tự do cho người bị áp bức» (Lc 4,18). Ngài có cả một đạo quân tiếp nối sứ mạng của Ngài, đạo quân của những người tận hiến đời mình để theo Ngài. Sứ mạng của họ được sách Châm Ngôn mô tả: «Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng xét xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ» (Cn 31,8-9)Isaia cũng mô tả sứ mạng của họ: «Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ» (Is 1,17)

Giữa xã hội, hiện đang có cả một đạo quân hùng hậu gồm những người mang danh theo Đức Giêsu, thường tự hào mình tiếp nối sứ mạng của Ngài, tự hào mình là ngôn sứ, khiến những kẻ cùng khốn trong xã hội đặt biết bao hy vọng nơi họ. Nhưng tiếc thay, nhiều khi đạo quân đông đảo này lại sẵn sàng cùng nhau câm lặng trước những cảnh áp bức, đau thương, những cảnh ngang trái đầy bất công của xã hội… 

Ôi, phải chi những người ấy đừng vỗ ngực xưng tên mình là môn đệ Đức Giêsu, là người theo Ngài, là ngôn sứ của Ngài thì chẳng ai phiền trách họ về sự câm lặng ấy! Và chẳng ai thèm hy vọng nơi họ để khỏi phải thất vọng! Xưng mình là ngôn sứ mà chẳng làm công việc của ngôn sứ thì còn chính danh gì nữa? còn chân thật gì nữa? Thiên Chúa sẽ xét xử ra sao những người đang vui hưởng vinh quang của các ngôn sứ, nhưng lại muốn trốn tránh sứ vụ ngôn sứ? 



5.  Thái độ của người Pharisêu

Bọn Pharisêu trong bài Tin Mừng không muốn anh Batimê la to lên để Đức Giêsu nghe thấy mà chữa lành cho anh. Đối với họ, cảnh mù lòa xin ăn, sự khốn cùng của anh chẳng có gì đáng để họ bận tâm. Lòng họ đã ra chai đá rồi! Họ không muốn anh được chữa lành, khi mà việc ấy không thuận lợi cho sự độc quyền ảnh hưởng của họ trên dân chúng. Họ sợ bị mất ảnh hưởng hơn sợ dân chúng phải đau khổ. Vì thế, họ muốn bịt miệng anh, không muốn anh nói lên sự cùng quẫn của anh.

Là những người lãnh đạo tinh thần trong dân chúng, đúng ra họ phải lên tiếng nói thay cho dân, nhất là cho những kẻ đang bị cùng quẫn vì áp bức. Đằng này họ lại muốn bịt miệng người dân lại khi người dân lên tiếng. Là lãnh đạo tinh thần, đúng ra họ phải đặt quyền lợi người dân lên trên quyền lợi của họ. Đằng này, họ lại đặt quyền lợi của họ trên quyền lợi của dân.

Thấy thái độ của họ đối với dân chúng như vậy, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh «kẻ chăn thuê» để nói về họ: «Kẻ chăn thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên» (Ga 10,12-13).

Ước gì những người lãnh đạo tinh thần thời nay không giống như các Pharisêu xưa, mà giống như Đức Giêsu, để vị nào cũng có thể nói được như Ngài: «Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên» (Ga 10,11). Amen. 




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, cảnh người mù kêu cứu bị quát nạt vẫn hằng xảy ra trong thế giới hôm nay. Là những người theo Đức Giêsu, nhưng chúng con chẳng muốn làm theo Ngài. Chúng con chẳng muốn quan tâm tới những người nghèo khổ, những kẻ bị áp bức bất công như Ngài vẫn luôn quan tâm. Chúng con chỉ thích bắt chước những người Pharisêu, đặc biệt quan tâm tới những nghi thức tôn giáo, những hình thức đạo đức bên ngoài, những luật lệ… Có phải chúng con thiếu đức tin và nghèo tình thương không? Xin Cha đừng để chúng con ảo tưởng mình đầy đủ đức tin chỉ vì chúng con đang làm thầy dạy về đức tin, vì chúng con tuyên xưng đức tin một cách thật hùng hồn, vì chúng con thường kết án những kẻ tin khác chúng con; hay chúng con tưởng mình giàu tình thương chỉ vì chúng con đang rao giảng về đức ái, khuyên lơn mọi người hãy yêu thương nhau. Sự sợ hãi hằng trấn áp chúng con chứng tỏ đức tin của chúng con còn rất yếu kém. Sự lãnh đạm với những người nghèo khổ chứng tỏ tình thương của chúng con còn rất nghèo nàn. Lạy Cha, xin thêm đức tin và tình thương cho chúng con.


Monday, October 15, 2018

TN29b - Một chân lý đầy nghịch lý về «cái tôi» của mỗi người


CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 29 Thường Niên

(21-10-2018)

Bài đào sâu

Một chân lý đầy nghịch lý
về «cái tôi» của mỗi người



1. «Cái tôi» hay ngôi vị của mỗi người là hồng ân cao quý nhất mà Thiên Chúa ban cho con người

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa có ngôi vị hay bản vị (persona), nghĩa là một Thiên Chúa có «cái tôi». Con người được Ngài dựng nên theo hình ảnh của Ngài, nên mỗi người cũng có một «cái tôi». Vì thế, «cái tôi» là một giá trị căn bản và thâm sâu nhất của một con người. Không có bản vị hay «cái tôi» thì chúng ta chỉ hiện hữu giống như đất đá, cỏ cây, là những thứ không có bản vị. Do đó, chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta một hồng ân rất cao quý là có «cái tôi» như Ngài đã có. Phải nói rằng không có hồng ân nào cao quý cho bằng hồng ân ấy.


2. Thái độ về «cái tôi» quyết định sự thánh thiện hay tội lỗi

Tuy nhiên, «cái tôi» vô cùng cao quý ấy lại gây ra những vấn đề vô cùng rắc rối. Cũng «cái tôi» ấy có thể làm con người trở thành thánh thiện mà cũng có thể trở thành tội lỗi.

Thánh thiện là khi «cái tôi» của ta biết tự xóa mình đi trước «cái tôi» của Thiên Chúa và của tha nhân. Chính Thiên Chúa, nguồn mạch mọi sự thánh thiện, luôn luôn tự xóa mình. Chúng ta có thể thấy điều này qua hành động tự xóa mình của Ngôi Hai trước hai Ngôi kia: «Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự» (Pl 2, 6-8).

– Tội lỗi là khi ta đặt «cái tôi» của ta lên trên «cái tôi» của Thiên Chúa và của tha nhân. Tội lỗi của thiên thần Lucifer và ông bà nguyên tổ loài người nằm ở chỗ đã đặt «cái tôi» của mình lên trên «cái tôi» của Thiên Chúa.

Vì thế, «cái tôi» là một con dao hai lưỡi. Chính thái độ của «cái tôi» của ta đối với «cái tôi» của Thiên Chúa và «cái tôi» của mỗi tha nhân khiến ta trở nên thánh thiện hay tội lỗi.


3. Nghịch lý của «cái tôi»

Theo niềm tin Kitô hữu, Thiên Chúa đã dựng nên linh hồn con người –yếu tố chủ yếu làm nên «cái tôi» của ta– mang tính bất tử hay vĩnh cửu. Vì thế, dù «cái tôi» ấy có tự xóa mình đến thế nào thì nó cũng vẫn tồn tại. Điều rất nghịch lý nhưng cũng rất hữu lý là «cái tôi» càng tự xóa mình hay tự làm nhỏ mình đi bao nhiêu, thì nó càng trở nên vĩ đại, nổi bật và có giá trị hơn trước mặt Thiên Chúa và tha nhân bấy nhiêu. Trái lại, «cái tôi» càng muốn phình to và nổi bật lên để lấn át những «cái tôi» khác thì nó càng trở nên nhỏ bé, lu mờ và kém giá trị trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Đúng như lời Đức Giêsu nói trong Tin Mừng: «Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên» (Lc 14, 11).

Để ứng dụng cái nghịch lý trên vào đời sống xã hội, Đức Giêsu khuyên chúng ta: trong rất nhiều tình huống của cuộc đời, chẳng hạn trong bất kỳ bữa tiệc nào mà ta được mời tham dự, khi tới trước, ta nên chọn một chỗ tương đối hèn kém mà ngồi (x. Lc 14, 8-11). Chọn chỗ hèn kém không phải để sau đó mình mong chờ người ta đưa mình lên một chỗ ngồi cao hơn. Nếu còn ý hướng mong chờ đó, thì việc chọn chỗ hèn kém ấy chỉ là giả hình, giả khiêm nhượng, không phải là xóa mình thật sự. 

Hãy chọn chỗ hèn kém như một thái độ tự xóa mình thật sự –nghĩa là vì không muốn ai để ý đến mình, hay không muốn được trọng vọng, đề cao– thì mới thật sự là khiêm nhường. Khiêm nhường thật sự như thế mới có giá trị cao cả trước mặt Thiên Chúa, và thường được mọi người trong xã hội mến phục, kính nể,

Một thí dụ khác của việc xóa mình mà Đức Giêsu đưa ra là: khi làm ơn cho ai, nếu ta còn mong được nhớ ơn hay trả ơn thì ta chỉ muốn làm ơn cho những ai mà ta hy vọng họ sẽ trả được ơn cho ta (x. Lc 14, 12-14). Như thế là ta vẫn còn đặt nặng «cái tôi» của mình. Người thánh thiện hay trọn hảo, khi làm ơn cho ai, không mong được họ đáp trả, nên sẵn sàng làm ơn cho cả những người không thể trả ơn được. Chẳng những thế, họ còn ưu tiên làm ơn cho những đối tượng này. 

Làm được việc gì, dù to tát đến đâu, người thánh thiện hay trọn hảo cũng không cậy công, không tự hào rằng mình đã làm được như thế. Đức Giêsu dạy: «Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi» (Lc 17, 10). Có như thế mới thật sự là xả kỷ, quên mình. 

Nhưng chính khi quên mình thật sự như thế, ta mới thật sự gặp lại chính mình: «Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân» (Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Khó Khăn). Người biết xóa mình hay quên mình thì thường xuyên sống trong bình an và hạnh phúc ngay ở đời này. Và phần thưởng trên trời mà Thiên Chúa dành cho những người biết sống «xóa mình» như thế –là vinh quang và hạnh phúc– thật vô cùng lớn lao.


4. Quan trọng hóa «cái tôi» là một trở ngại rất lớn cho việc sống kết hiệp với Thiên Chúa và hòa hợp với tha nhân

Trong đời sống Kitô hữu, điều quan trọng nhất phải thực hiện là mến Chúa và yêu người, hay nói cách khác là sống kết hiệp với Thiên Chúa và hòa hợp với tha nhân. 

Trong việc kết hiệp với Thiên Chúa, dụ ngôn sau đây trong Ấn Độ giáo có một ý nghĩa sâu sắc:
«Xưa có một linh hồn tu nhiều kiếp đến gõ cửa Thiên Đàng. Thượng Đế hỏi:
– Ai đó?
– Con, linh hồn trả lời.
– Con là ai? Thượng Đế hỏi lại.
– Con là con, linh hồn đáp.
– Ở đây không đủ chỗ cho Ta và con cùng ở, con hãy đi nơi khác! Thượng Đế nói. 
Linh hồn ấy trở lại trần gian tu luyện thêm 1000 năm nữa, sau đó lên Trời gõ cửa lại. Thượng Đế hỏi:
– Ai đó?
– Con, linh hồn trả lời.
– Con là ai? Thượng Đế hỏi lại.
– Con là Ngài, linh hồn đáp.
Khi ấy, Thượng Đế mở cửa Thiên Đàng cho linh hồn ấy vào».
Dụ ngôn trên cho thấy muốn kết hiệp với Thiên Chúa, con người phải xóa mình đi, nghĩa là phải biết coi nhẹ «cái tôi» của mình, coi nó như không là gì cả. Lúc ấy, «cái tôi» của ta như bị mất cái vỏ bên ngoài chỉ còn cái lõi bên trong là chính Thiên Chúa, nên rất dễ kết hợp với Ngài. Vì Thiên Chúa chính là nền tảng, là cốt tủy cho sự hiện hữu và tồn tại của «cái tôi» mỗi người. Đúng như thánh Âu Tinh nói: «Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn chính nội tâm tôi» (Deus intimior intimo meo). Chỉ khi kết hiệp với Thiên Chúa trong tình trạng tự xóa như thế, sự kết hiệp mới trọn vẹn và đem lại hạnh phúc tuyệt vời.

Còn đối với tha nhân, ta chỉ có thể yêu thương và hòa hợp với tha nhân khi ta tự xóa mình. Vì đối với ta, «cái tôi (của ta) là cái đáng yêu» nhất, nhưng đối với tha nhân, «cái tôi (của ta) là cái đáng ghét» nhất. Vì thế, tự đề cao mình, tự làm cho mình nổi bật lên, tự quan trọng hóa mình… trước tha nhân chỉ làm cho «cái tôi» của mình thêm đáng ghét, khiến ta và tha nhân tự nhiên xa cách nhau. Khi tự xóa mình trước tha nhân, coi tha nhân là quan trọng, làm cho tha nhân được nổi bật lên, thì đối với tha nhân, «cái tôi» của ta sẽ trở nên đáng yêu, khiến ta và họ trở nên gần gũi, dễ hòa hợp với nhau. Nhờ đó việc sống chung, làm việc chung trở nên vui thú và hạnh phúc.

***

Tóm lại, trên đời, trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống chung với tha nhân, có một chân lý rất nghịch lý. Đó là càng tự đưa mình lên thì càng bị hạ xuống; và càng tự hạ mình xuống thì càng được đưa lên. Càng tự coi mình là nhỏ bé thì tâm hồn ta càng được bình an, càng dễ hạnh phúc, và ta càng trở nên vĩ đại trước Thiên Chúa và tha nhân; còn càng tự coi mình là vĩ đại thì ta dễ rơi vào bất an, đau khổ, và càng trở nên nhỏ bé trước Thiên Chúa và tha nhân.

Thiết tưởng người Kitô hữu nên theo gương Đức Giêsu sống triệt để cái chân lý đầy nghịch lý này để cuộc sống của mình luôn hạnh phúc và có giá trị cao cả trước mặt Thiên Chúa.