Sunday, August 26, 2018

TN22b - Tình yêu và luật lệ, điều nào quan trọng hơn cho việc nên thánh?


CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 22 Thường Niên

(02-9-2018)


(bài tham khảo)

Tình yêu và luật lệ,
điều nào quan trọng hơn cho việc nên thánh?




1. Hai cung cách giữ đạo khác nhau

Trong đoạn Tin Mừng về việc Đức Giêsu làm sáng mắt một người mù bẩm sinh vào ngày sabát (Ga 9,1-41), ta thấy hai não trạng hay hai cung cách giữ đạo khác nhau giữa Đức Giêsu và người Pharisêu. Một đằng nhìn thấy con người để yêu thương, còn một đằng chỉ nhìn thấy lề luật, nguyên tắc để tuân giữ. Nghĩa là một đằng quan trọng hóa con người, còn một đằng quan trọng hóa lề luật. 

Khi thấy một người mù cần được giúp đỡ, thì Đức Giêsu động lòng thương và ra tay cứu giúp, bất chấp hôm đó là ngày sabát, là ngày mà luật Môsê cấm ngặt không được làm việc. Như vậy, Ngài coi việc cứu người quan trọng hơn việc giữ luật sabát, cho dù đây là luật buộc rất ngặt: người vi phạm ở mức nghiêm trọng có thể bị tử hình (x. Xh 31,14-15; 35,2). Thế mà Ngài lại «hay chữa bệnh vào ngày sabát» (Ga 5,16). Còn người Pharisêu coi việc giữ luật sabát quan trọng hơn việc cứu người, vì họ cho đây là luật buộc rất ngặt. Theo họ, thà để người khác tiếp tục bị mù, bị thiệt hại, bị chết, còn hơn là vi phạm lề luật của Thiên Chúa.



2. Quan niệm khác nhau giữa người Pharisêu và Đức Giêsu

Hai thái độ ngược nhau đó luôn luôn tồn tại trong cách giữ đạo của các tín đồ trong mọi tôn giáo. Thái độ nào cũng có những lý do chính đáng và hợp lý của nó. Thái độ nào cũng đúng, nhưng đúng ở những mức độ tâm linh cao thấp khác nhau, tùy theo quan niệm cao thấp khác nhau.

Theo quan điểm của người Pharisêu thì luật giữ ngày sabát là luật Môsê, cũng là luật của Thiên Chúa. Vì thế, người công chính phải tuân giữ lề luật, càng công chính thì càng phải giữ luật một cách chi tiết. Do đó, khi thấy Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày sabát, họ bàn thảo với nhau: «Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát» (Ga 9,16). Họ quan niệm: nếu Đức Giêsu là người của Thiên Chúa thì tất nhiên Ngài phải giữ luật Môsê, thậm chí còn nghiêm chỉnh hơn chính họ nữa. Quan điểm của họ quả hết sức hợp lý vì nó hoàn toàn được xây dựng trên rất nhiều đoạn Kinh Thánh khuyên, thậm chí buộc người ta phải giữ luật (x. Đnl 27,26; 30,10; Gs 22,5; 23,6; 1V 2,3; v.v…). Vì thế, đối với họ, việc giữ luật tôn giáo là vô cùng quan trọng. Do đó, nếu có sự xung đột giữa một bên là giữ luật Chúa, một bên là đòi hỏi của lương tâm và đức ái, thì phải ưu tiên cho việc giữ lề luật.

Nhưng quan điểm của Đức Giêsu thì khác hẳn. Đành rằng luật Môsê là luật của Thiên Chúa, nhưng đó không phải là luật cho Thiên Chúa, mà là cho con người. Luật đó được lập nên vì con ngườicho con người, để phục vụ con người, con người mới là mục đích của luật đó. Do đó, nó phải thích ứng với bản tính tự nhiên và hoàn cảnh cá biệt của con người, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với bản chất yêu thương của Thiên Chúa. Hoàn cảnh của con người thì thay đổi tùy thời tùy nơi, còn bản chất yêu thương của Thiên Chúa thì bất biến, không bao giờ thay đổi [*].
 [*] Luật Chúa cho con người cũng như mọi lề luật khác áp dụng cho con người luôn luôn phải tùy thuộc 2 yếu tố:
● Bản chất, đường lối hay ý chí của Thiên Chúa (đây là cốt tủy của lề luật, bất biến, là hằng số, và hằng số này chính là lòng yêu thương) và
● Bản chất, hoàn cảnh hay trình độ của con người (thường thay đổi, là biến số).
Như vậy, luật Chúa cho con người tương tự như một hàm số y = ax (a=hằng số, x=biến số, do đó, y thay đổi theo 2 yếu tố đó, chứ không bất biến).
Yếu tố bất biến ở đây là lòng yêu thương, tức bản chất của Thiên Chúa, thì vô cùng quan trọng, thiếu nó, thì việc giữ luật, cũng như mọi việc làm dù tốt đẹp tới đâu cũng trở thành vô giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã xác định điều quan trọng ấy trong đoạn văn: «Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,1-3).
Giữa lề luật và lòng yêu thương, Thánh Phaolô còn xác định rõ ràng hơn nữa:
● Rm 13,10 => «Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy».
● Rm 13,8 => «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật».
● Gl 5,14 => «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình».
● Rm 3,20 => «Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy».
● Rm 3,28 => «Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy» (Đức tin thật sự phải được thể hiện ra thành đức ái, nếu không thì chỉ là đức tin chết hay đức tin giả hiệu [x. Gc 2,17-18]).
Gl 5,18 => «Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa» (Thần Khí [ở đây viết hoa] là Thần Khí của Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Do đó, để Thần Khí hướng dẫn, phần nào đồng nghĩa với để cho tình yêu thương hướng dẫn, đúng như lập trường của Thánh Augustinô: «Ama, et fac quod vis» = «Cứ yêu đi, rồi làm gì thì làm»).

Vì thế, khi có xung đột giữa luật của Thiên Chúa với những đòi hỏi của tình yêu hay đức ái, thì phải ưu tiên tuân theo luật của đức ái. Nếu vào ngày sabát mà tình yêu hay đức ái đòi buộc phải làm việc, phải chữa bệnh, phải cứu người, thì phải chấp nhận lỗi luật sabát mới đúng với ý Thiên Chúa. Đức Giêsu đưa ra trường hợp rất cụ thể khi chữa bệnh cho một người phụ nữ bị quỷ ám: «Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?» (x. Lc 13,10-17).

Vì thế, cho dù lỗi luật sabát có thể dẫn đến tử hình, nhưng Đức Giêsu hoặc các tông đồ đã nhiều lần lỗi luật sabát vì lý do bác ái hay vì một lý do chính đáng khác. Chẳng hạn, các môn đệ Đức Giêsu bứt bông lúa mì (x. Mt 12,1-8; Mc 2,23-28; Lc 6,1-5); Đức Giêsu chữa người bị bại tay (x. Mt 12,9-14; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11); chữa một phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-17); chữa người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6); chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bếtdatha (Ga 5,1-18); chữa một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41), tất cả đều được làm vào ngày sabát. Vì theo Ngài, luật lệ chỉ là phương tiện, con người mới là mục đích. Luật lệ để phục vụ con người, chứ không ngược lại. Ngài nói: «Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát» (Mc 2,27).

Ngài đã bị các kinh sư và luật sĩ cảnh cáo nhiều lần về việc Ngài lỗi luật ngày sabát, và tìm cách giết Ngài, nhưng Ngài vẫn cứ «lỗi luật» sabát (x. Ga 5,16) vì lý do đức ái, bất chấp nguy hiểm. Ngài không hề khuyên bảo người bệnh hãy đến với Ngài vào ngày khác thì Ngài mới chữa bệnh cho như những người Pharisêu đã từng khuyên họ: «Ðã có sáu ngày phải làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!» (Lc 13,14). Ngài không hề bảo họ đừng đến với Ngài vào ngày sabát để Ngài giữ luật sabát cho trọn vẹn, mà phản đối kịch liệt lời khuyên trên của người Pharisêu (x. Lc 13,15-17)

Cách hành xử của Ngài như thế chẳng phải là một mẫu gương để chúng ta noi theo sao, hỡi những người theo Đức Giêsu và những kẻ tự hào mình theo Ngài?



3. Tình yêu hay đức ái ví như hiến pháp, luật lệ khác ví như các khoản luật

Điều ấy cho thấy luật bác ái cao trọng hơn bất cứ loại luật lệ nào, dù là luật thành văn của Thiên Chúa như luật Môsê, hay luật của Giáo Hội và những luật lệ do con người lập ra. Vì trong Kitô giáo, đức ái được ví như hiến pháp, còn tất cả những luật lệ thành văn khác đều chỉ được ví như luật pháp mà thôi. 

Luật pháp phải thể hiện tinh thần của hiến pháp, giúp hiến pháp được thực hiện trong những trường hợp cụ thể hơn trong đời sống. Vì thế, trường hợp nào mà thi hành một điều khoản của luật pháp trở thành vi phạm hiến pháp thì trường hợp ấy, ta không nên thi hành khoản luật ấy. Nếu ai vẫn cứ thi hành khoản luật ấy, thì người ấy vi phạm hiến pháp. Nếu vì muốn thi hành cho đúng hiến pháp mà đành phải vi phạm một điều khoản trong luật pháp, thì việc vi phạm đó không còn là vi phạm nữa. Vì mục đích của luật pháp là để thực hiện hiến pháp, chứ không ngược lại.

Đức ái chính là hiến pháp, là luật tối thượng bao trùm tất cả mọi khoản luật, nên thánh Phaolô đã dám quả quyết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8; x. 18,10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2). Thánh Giacôbê thì cho đức bác ái là luật cao nhất của Kinh Thánh: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). Lời tuyên bố của hai vị thánh này thật rõ ràng. Thánh Âu Tinh cũng nói: «Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm» (Ama et fac quod vis).

Luật Môsê là luật của Thiên Chúa, được chính Thiên Chúa truyền qua Môsê. Thế mà khi có sự xung đột giữa luật Môsê và đức ái hay điều lương tâm đòi buộc, thì Đức Giêsu đã chấp nhận lỗi luật Môsê (tức luật Chúa) chứ không chấp nhận lỗi đức ái hay lỗi luật lương tâm. Hiện nay, luật của Đức Giêsu đã thay thế luật Môsê, và luật của Ngài là luật yêu thương, nên yêu thương chính là luật tối thượng, đúng như thánh Giacôbê đã nói ở trên (x. Gc 2,8)

Luật Môsê là luật của Thiên Chúa mà còn vậy, huống chi những luật do con người lập ra. Ai coi việc thi hành đức ái nhẹ hơn bất kỳ một khoản luật nào đó do con người lập ra, thì câu sau đây của Đức Giêsu đáng để cho họ suy nghĩ: «Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân» (Mt 15,8-9)

Vậy, chúng ta phải theo lập trường của Đức Giêsu hay của người Pharisêu?



4. Mục đích của lề luật là hình thành đức ái trong lòng con người

Cũng như một cây non cần phải buộc vào một cọc thẳng để cây mọc thẳng lên. Nhưng khi cây đã mọc thẳng và các mô mộc trong cây đã cứng cát rồi, thì người ta bỏ cọc đi. Luật lệ giống như cái cọc thẳng ấy để giúp cho tâm linh còn non yếu mọc thẳng lên. Nó có nhiệm vụ hình thành đức ái ở trong ta. Khi đức ái của ta đã được hình thành và trở nên vững chắc, thì ta phải hành động theo sự đòi hỏi của đức ái đã được hình thành ấy ở trong ta. Lúc ấy lề luật đã đóng hết vai trò và nhiệm vụ của nó.

Thật vậy, theo thánh Phaolô, lề luật được lập nên không phải cho người công chính, mà cho người tội lỗi tức chưa hiểu biết được cốt tủy của sự công chính (x. 1Tm 1,8-10). Ngài cũng nói: «Không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy. Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê» (Rm 3,20-21; x. Gl 3,11)

Sự công chính không hệ tại việc giữ luật lệ: «Nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích» (Gl 2,21); mà do việc có đức ái hay tình thương đích thực ở trong lòng hay không. Vì sự công chính hay thánh thiện hệ tại việc mình có trở nên giống Thiên Chúa hay không, có Thiên Chúa ở trong mình hay không. Mà Thiên Chúa tự bản chất chính là tình yêu, là đức ái (x. 1Ga 4,8.16). Giống Thiên Chúa là giống ở yếu tố này, chứ không phải ở bất kỳ điều gì khác.


Nguyễn Chính Kết


TN22a - Quan niệm của Đức Giêsu về sự công chính hay thánh thiện




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 22 Thường Niên

(02-9-2018)

Quan niệm của Đức Giêsu
về sự công chính hay thánh thiện



ĐỌC LỜI CHÚA

  Đnl 4,1-2.6-8: (2) Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, mà tôi truyền cho anh em.

  Gc 1,17-18.21b-22.27: (21) Hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. (22) Hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

  TIN MỪNG: Mc 7,1-8.14-15.21-23

Tật giữ luật một cách hình thức

(1) Có những người Pharisêu và kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. (2) Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. (3) Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do thái đều giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; (4) thức gì mua ngoài chợ về cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. (5) Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: «Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?» (6) Người trả lời họ: «Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, ông viết: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta. (7) Chúng có thờ phượng Ta cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”. (8) Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm».


Cái gì làm cho con người ra ô uế?

(14) Sau đó, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: «Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: (15) Không có gì từ bên ngoài vào trong lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ trong xuất ra mới làm con người ra ô uế. (21) Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, (22) ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. (23) Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra, và làm con người ra ô uế».


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Nhiều người quan niệm: càng giữ luật cho nhiệm nhặt, thậm chí đến từng chi tiết, thì càng nên công chính thánh thiện. Quan niệm như thế có đúng không? Người quan niệm như thế thường gặp những nguy hiểm nào? 
2. Đức Giêsu thánh thiện hơn các kinh sư Do-thái rất nhiều, nhưng Ngài có giữ luật Thiên Chúa nhiệm nhặt hơn họ không? Tại sao vậy? Ngài quan niệm việc giữ lề luật Thiên Chúa như thế nào? 
3. Hành động bên ngoài tự nó có giá trị không? Hay nó còn tùy thuộc vào cái tâm ở bên trong? vào động cơ thúc đẩy ta thực hiện hành động ấy? Vậy: phải có những hành động tốt hay phải làm sao có cái tâm cho tốt?


Suy tư gợi ý:

1. Quan niệm của các kinh sư Do-thái về sự công chính

Đọc bốn sách Tin Mừng, tôi phải nể phục sự nghiêm túc giữ luật của các kinh sư Do-thái: họ giữ luật Môsê cẩn thận từng chi tiết, cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ngoài những điều khoản của lề luật, họ còn giữ cả những chi tiết nhỏ mọn trong truyền thống Do-thái giáo. Bài Tin Mừng hôm nay cho biết: «Người Pharisêu cũng như mọi người Do thái đều giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng» (Mt 7,3-4). Họ hành động như vậy vì họ cho rằng sự công chính và thánh thiện hệ tại việc giữ luật và tuân theo truyền thống tôn giáo cho thật cẩn thận. Càng giữ luật kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhặt thì càng công chính hay thánh thiện.

Chắc chắn trong họ có những người nghĩ và thực hành như vậy một cách rất chân thành, với mục đích rất tốt lành là nên công chính hay nên thánh. Họ nghĩ rằng tất cả những ai thánh thiện thì đều phải giữ luật như họ. Nếu có ai thánh thiện hơn họ, ắt người ấy phải giữ luật và những tập tục truyền thống một cách nhiệm nhặt và chi ly hơn họ nữa. Chính vì thế, họ ngạc nhiên khi thấy các môn đệ của một thầy dạy đạo như Đức Giêsu lại không giữ luật và truyền thống một cách nhiệm nhặt như họ. Họ hỏi Ngài: «Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?» (Mt 7,5).



2. Sự công chính và thánh thiện theo quan niệm của Đức Giêsu

Nhưng Đức Giêsu đã cho họ –và cả ta nữa– thấy rằng sự thánh thiện không hệ tại việc giữ luật một cách chi tiết như thế, hay giữ theo hình thức bên ngoài, mà hệ tại một cái gì đó sâu xa hơn nhiều. Cái sâu xa đó nằm ở trong nội tâm, chứ không phải ở bên ngoài. Người ta vẫn nói: «Đạo tại tâm!» Cái «tâm» đó mới chính là cái quan trọng nhất trong lề luật, là cốt tủy của lề luật. 

Điều đáng tiếc là những người đặt nặng những chi tiết hay những hình thức bên ngoài của lề luật, thì lại thường coi nhẹ cái cốt tủy của lề luật. Đức Giêsu đã tố giác điều ấy: «Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng (=tức những điều phụ thuộc), mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ» (Mt 23,23). Như vậy, theo Đức Giêsu, ba điều quan trọng nhất trong lề luật, là tinh thần của lề luật, cũng là cốt tủy của sự thánh thiện, chính là chân lý, công lý và tình thương

Thiết tưởng người Kitô hữu không nên đi vào vết xe đã đổ của người Do-thái, là cứ quan trọng hóa những điều phụ thuộc, mang tính bên ngoài, như giữ cho thật kỹ lưỡng đến từng chi tiết luật này luật nọ, mà coi nhẹ cốt tủy của lề luật, vốn là tinh thần ở bên trong. Điều thiết yếu là phải có tinh thần hay cốt tủy đó ở bên trong đã, rồi tinh thần đó sẽ tự nhiên thúc đẩy ta thể hiện nó ra bên ngoài thành thái độ hay hành động.



3. Hãy nắm vững cái cốt tủy và ưu tiên thực hiện cốt tủy ấy trước

Nếu chỉ có những hành động giữ luật bên ngoài mà không có tinh thần cốt tủy bên trong, thì việc giữ luật đó sẽ ít giá trị trước Thiên Chúa. Còn những người mà luật Chúa thì không giữ, lại chỉ lo giữ những tập tục tôn giáo truyền thống, chẳng hạn một số thói quen được gọi là «việc đạo đức», những nghi thức do con người sáng tạo, việc rước sách đình đám… thì việc giữ những tập tục ấy lại càng ít giá trị hơn. Nên nhớ: tất cả những tập tục này đều tốt, nhưng không phải là cốt tủy: thực hiện được thì tốt mà không thực hiện được cũng chẳng sao. Đức Giêsu đã chỉ cho những người này thấy cái sai của họ: «Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông, là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”(Is 29,13). Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm» (Mt 7,6-8).

Tôi thấy nhiều hội nghị trong giới Kitô hữu cũng như ngoài xã hội, người ta thường tuân thủ những qui ước minh nhiên (= được qui định rõ ràng) hoặc mặc nhiên (= tự nhiên phải hiểu, phải biết, không cần nói ra). Chẳng hạn như: vấn đề thuộc phạm vi của người nào thì chính người ấy phải nêu lên để bàn. Tuân thủ những qui định ấy là điều rất tốt để bảo vệ trật tự trong hội nghị. Nhưng có những trường hợp mà những vấn đề rất quan trọng có liên quan đến lương tâm của cả hội nghị thì lại không được đem ra bàn, lý do là người có trách nhiệm chính vì một lý do nào đó không chịu đưa ra bàn. Những người khác tuy bị lương tâm thúc giục phải đưa vấn đề ra, nhưng lại vị nể hay quá tôn trọng quyền ưu tiên của người có trách nhiệm chính, nên cuối cùng vấn đề lương tâm cần thiết phải bàn lại bị cho «chìm xuồng», vì thế công ích bị thiệt hại nặng nề. Khi vị nể hay tôn trọng qui ước kiểu ấy phải chăng người ta đã coi qui ước của phàm nhân quan trọng hơn cả luật của lương tâm, cũng là luật của Thiên Chúa? Đạo đức kiểu đó là đạo đức gì? Hoặc chỉ vì có luật nào đó của con người đặt ra cho rằng «tôn giáo không làm chính trị», mà người ta đã không làm theo tiếng lương tâm, theo sự đòi hỏi của luật công bình và bác ái vốn là cốt tủy của luật Chúa, chỉ vì sự đòi hỏi ấy có hơi hướng chính trị!



4. «Đạo tại tâm». Đúng rồi! nhưng coi chừng… tâm giả!

Tuy nhiên, nhiều người lại đi đến một thái cực khác là không thèm làm những thể hiện tốt đẹp bên ngoài. Họ ngụy biện rằng «Đạo tại tâm». Họ cho rằng họ đã có cái cốt tủy của lề luật ở bên trong, nên đã đủ giá trị trước Thiên Chúa rồi. Nhưng thánh Giacôbê tố cáo họ: «Đức tin không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,17.26). Nếu tinh thần cốt tủy kia không được thể hiện ra thành những hành động bên ngoài, thì đó là một nghịch lý, mâu thuẫn. Hãy coi chừng cốt tủy kia chỉ là cốt tủy giả hay tâm giả.



5. Điều quan trọng là bên trong chứ không phải bên ngoài

Đức Giêsu nói: «Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình… Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế» (Mt 7,21-23). Ngài cho thấy: yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bên ngoài. Chính ý hướng ở bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài có giá trị hay không. Nhiều người có những hành động «được coi là rất tốt» nhưng lại làm vì những động lực ích kỷ hay gian ác, thì hành động ấy trở nên xấu. Chẳng hạn những hành động giả nhân giả nghĩa nhằm được một lợi lộc nào đó, như bố thí thật nhiều để được khen, để có tiếng là đạo đức hầu lừa đảo người khác, hay làm việc tích cực chỉ nhằm để được lên chức, để nắm được quyền hành hầu thao túng lũng đoạn tập thể. Ngược lại, có những người «tình ngay mà lý gian», hành động thì có vẻ như xấu, bị kết án, nhưng ý hướng thì tốt lành, nhằm ích lợi cho tha nhân. Họ tuy bị người đời kết án, nhưng lại được Thiên Chúa chúc lành.

Vì thế, trong đời sống tâm linh, người ta phải tu dưỡng cái «tâm» ở bên trong trước: phải có tâm ngay thẳng, thành thật, luôn tôn trọng sự công bằng, biết yêu thương mọi người không phân biệt sang hèn tốt xấu. Khi đã có tâm tốt thật sự, những việc làm của người ấy sẽ tự nhiên đẹp lòng Chúa. Thánh Âu-Tinh nói: «Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm!» (Ama et fac quod vis). Khi tâm đã quanh quéo, ích kỷ, sẵn sàng hại người, thì bất kỳ việc làm nào do tâm ấy thúc đẩy –dù bên ngoài có tốt lành đến đâu– cũng đều mang dấu ấn của tâm ấy, nên không mấy giá trị trước Thiên Chúa.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho chúng con hiểu rằng sự thánh thiện hệ tại tình trạng tốt đẹp tâm hồn hơn là tại những hành động bên ngoài. Xin cho chúng con biết ưu tiên quan tâm đến việc tu tâm dưỡng tánh, nghĩa là có một tâm hồn ngay thẳng, luôn thành thật, luôn tôn trọng và bênh vực công lý, luôn yêu thương mọi người. Tâm tốt lành ấy mới chính là điều cốt yếu làm nên sự công chính thánh thiện của chúng con, hơn là việc giữ luật lệ một cách chi tiết hay việc làm cho thật nhiều những hành động tốt. Và tâm tốt lành ấy tất nhiên sẽ thúc đẩy con phải thể hiện ra bên ngoài bằng hành động cụ thể.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây . 


Friday, August 24, 2018

TN21b − Những suy tư và hiểu biết của con người về Thiên Chúa sẽ phải thay đổi để hoàn hảo hơn




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 21 Thường Niên

(26-8-2018)


Bài tham khảo

Những suy tư và hiểu biết 
của con người về Thiên Chúa 
sẽ phải thay đổi để hoàn hảo hơn




1. Những gì con người biết về Thiên Chúa là vô cùng ít 
so với những gì họ không biết về Ngài

Qua dòng lịch sử, ta thấy con người ngày càng hiểu biết nhiều hơn về đủ mọi phương diện. Nhưng càng biết nhiều, con người càng khám phá ra sự bao la của những gì mình chưa biết. Vì thế, nhiều bậc thức giả nói: «Càng biết nhiều, càng thấy mình dốt». Thật vậy, những gì con người đã biết giống như diện tích bên trong một vòng tròn, còn những gì chưa biết giống như diện tích bao la bên ngoài vòng tròn. Vòng tròn càng nhỏ thì phần tiếp xúc với bên ngoài vòng tròn càng nhỏ, vòng tròn càng lớn thì phần tiếp xúc với bên ngoài vòng tròn càng lớn. Tương tự, khi biết ít thì ta thấy những điều mình chưa biết cũng ít, nhưng càng biết nhiều thì càng khám phá ra những điều mình chưa biết càng nhiều lên.

Thế giới vật chất tuy hữu hạn, nhưng con người khám phá suốt mấy chục thế kỷ mà vẫn không hết. Trái lại, càng khám phá thì càng nhận ra những điều mình chưa biết, chưa khám phá ra nhiều lên gấp bội. Thế thì những gì con người biết về Thiên Chúa, Đấng vô hạn, lại càng nhỏ bé gấp triệu triệu lần hơn nữa khi so với những điều họ chưa biết về Ngài! Tuy nhiên, Ngài vẫn tiếp tục cho con người biết về Ngài. Ngài đã tự mặc khải cho con người qua vũ trụ, qua các ngôn sứ, qua Đức Giêsu, và hiện nay vẫn tiếp tục qua Thánh Thần của Ngài. Nhưng nhiều khi con người tự mãn về những hiểu biết của mình về Ngài, nên con người đã không biết thêm về Ngài được bao nhiêu so với những gì con người biết về thế giới vật chất.




2. Thiên Chúa mặc khải về Ngài một cách rất tiệm tiến

Nếu kiến thức về vật chất hữu hạn này mà con người không thể tiếp thu một lúc mà phải tiếp thu dần dần qua thời gian mấy chục thế kỷ, thì những kiến thức về Thiên Chúa vô hạn cũng thế: con người chỉ có thể tiếp thu dần dần qua thời gian. Vì thế, trước khi từ giã các tông đồ, Đức Giêsu nói: «Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi» (Ga 16,12). Có lẽ Ngài cũng muốn nói như Đức Phật: Điều ta đã nói ra so với điều ta biết chỉ như nắm lá trong tay so với lá của cả khu rừng.

Khi mặc khải cho con người, Đức Giêsu tương tự như một tiến sĩ toán dạy toán cho học sinh cấp một, ông không thể nhồi nhét hết kiến thức toán học trong đầu ông cho các em trong một hai năm được. Ông phải chờ các em tiêu hóa hết những điều mình đã dạy rồi mới dạy tiếp những kiến thức khác. Và thường là ông phải nhường cho những ông thầy khác dạy tiếp cho các em trong những năm sau. 

Đức Giêsu cũng vậy, Ngài còn rất nhiều điều phải nói về Thiên Chúa cho các tông đồ, cho con người, nhưng không thể nói hết được, vì các tông đồ cũng như con người «không có sức chịu nổi», nghĩa là không thể tiếp thu hết được. Nay Ngài không thể tiếp tục ở trần thế để mặc khải về Thiên Chúa cho con người, Ngài phải nhờ người khác tiếp nối công việc ấy. Người ấy chính là Thánh Thần.

Ngài nói: «Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn» (Ga 16,13). Nhưng Thánh Thần không mặc khải cho con người bằng lời nói rõ ràng như Đức Giêsu, mà theo cách riêng của Ngài, là linh hứng cho con người. Con người phải thích ứng với cách của Ngài.



3. Thái độ cần có để tiến bộ trong hiểu biết

Để tiếp nhận thêm kiến thức, người học trò cần phải nhận ra rằng mình còn rất nhiều điều chưa biết. Ai nghĩ rằng những điều mình đã học là tất cả, là hoàn hảo, là đầy đủ rồi, và không thể thay đổi, thì không thể hiểu biết thêm được nữa. Cũng vậy, nếu con người cho rằng những gì mình biết về Thiên Chúa đã quá đầy đủ rồi, không cần biết thêm, thì con người sẽ tự mãn và dậm chân tại chỗ về mặt tâm linh. Nếu con người hay Giáo Hội cho rằng hình thái mà mình đang có là hoàn hảo rồi, không cần phải đổi mới gì hết, thì Thánh Thần dù có muốn đổi mới và thăng tiến Giáo Hội, cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Người học trò cấp một được thầy dạy rằng không được lấy số nhỏ trừ số lớn; điều đó thật hợp lý với khối óc nhỏ bé của em. Nhưng khi lên cấp hai, nếu em cứ nhất định rằng không thể lấy số nhỏ trừ số lớn, thì em không thể học lên cao được, vì ở cấp hai người ta bắt đầu dùng số âm, việc số nhỏ trừ số lớn không có gì là phi lý. Cũng vậy, tại cấp hai, thầy giáo dạy rằng không được để số âm trong căn hiệu bậc chẵn, vì điều đó là phi lý. Nhưng khi học giải tích về số ảo, thì số âm trong căn hiệu bậc chẵn là điều bình thường và hữu lý. Nếu học sinh cứ nhất định cho những gì mình đã biết là chân lý không thể thay đổi, thì em không thể tiến cao hơn được. 

Việc hiểu biết về sự vật hữu hạn mà còn đòi hỏi phải «phá chấp» như vậy mới tiến bộ được, chẳng lẽ muốn tiến bộ trong việc hiểu biết Thiên Chúa vô hạn lại chẳng cần «phá chấp»?



4. Không nên tự mãn về những gì đã biết hay đã có

Nhìn vào sự tiến triển về vật chất, chúng ta có thể nhận ra mình cần phải làm gì để tiến bộ về tâm linh. Khi con người làm ra được chiếc xe đạp, nếu họ tự mãn rằng thế là đủ rồi, và cho đó là hết cỡ rồi, thì sẽ không bao giờ họ phát minh được xe gắn máy hay xe hơi. Muốn tiến triển, con người phải cải thiện không ngừng về kiến thức. 

Rất nhiều điều con người thế hệ trước cho là đúng và khó có thể khác được, thì thế hệ sau không còn cho là đúng nữa. Nhiều định luật mới đã phủ định hoặc bổ túc cho những định luật cũ, các giả thuyết cũ cũng được hoàn chỉnh bằng những giả thuyết mới. Chính nhờ ý thức mình còn thiếu, còn phải thay đổi mà con người tiến bộ. Nếu cứ khư khư giữ những quan niệm cũ, cho đó là những chân lý không thể thay đổi, thì con người ngày nay làm sao có được những máy vi tính, những điện thoại di động, những mạng lưới điện toán (internet), những phương tiện di chuyển tối tân?

Nhân loại phát triển và tiến bộ được là do có những người dám xét lại những quan niệm cũ mà mọi người đều đã cho là đúng. Nhờ đó họ đã đưa ra được những quan niệm mới đúng hơn. Những người đó nhiều khi phải trả giá rất đắt cho sự đổi mới táo bạo ấy, nhất là trong môi trường tôn giáo. Họ thường bị người đồng thời kết án là phá hoại, đó là số phận của các ngôn sứ và ngay cả chính Đức Giêsu. Nhưng nếu không có những con người táo bạo ấy, con người sẽ dậm chân tại chỗ, và sẽ không có tiến bộ.



5. Luật của Chúa nhưng lại được lập ra cho con người

Hiện nay, trong Giáo Hội, có những điềurất nhiều người cho là những chân lý bất biến, là luật của Thiên Chúa, là truyền thống của Giáo Hội, là tông truyền… nên không bao giờ được thay đổi. Họ rất có lý. Nhưng thiết tưởng cần phải phân biệt giữa chân lý cách hiểu hay cách diễn tả chân lý. Chân lý thì bất biến, nhưng cách hiểu hay diễn tả chân lý thì thay đổi tùy theo trình độ hiểu biết của con người. Tương tự như bản chất của sự vật thì không hề thay đổi, nhưng cách hiểu và diễn tả của con người về sự vật thì mỗi thời mỗi khác.

Nếu đọc Thánh Kinh, ta sẽ thấy có những điều mà con người nghĩ rằng không bao giờ thay đổi, nhưng rồi cuối cùng cũng đã thay đổi. Quả thật, luật của Môsê được người Do Thái quan niệm là luật của Thiên Chúa, nên họ tưởng luật đó sẽ được áp dụng cho cả nhân loại đến muôn đời. Nhưng thật ra, luật đó chỉ được áp dụng khoảng 1300 năm cho người Do Thái, nghĩa là tính từ khi có Môsê đến thời các tông đồ. Vì đến thời các tông đồ, chính các tông đồ được Thánh Thần soi sáng đã tuyên bố bãi bỏ luật Môsê (x. Cv 15,1-29). Vì thế, hiện nay, người Kitô hữu trong Giáo Hội đâu phải tuân giữ luật Môsê, mà chỉ tuân giữ luật yêu thương của Đức Giêsu và luật Giáo Hội thôi. Nếu luật Môsê là luật của Thiên Chúa mà con người, dưới tác động của Thánh Thần, đã từng thay đổi, thì còn luật nào trên thế giới này lại tuyệt đối không thể thay đổi?

Vả lại, luật của Thiên Chúa, cho dù do Thiên Chúa lập ra, thì cũng lập ra cho con người: «Ngày sabát được dựng nên cho con người, chứ không phải con người được dựng nên cho ngày sabát» (Mc 2,27). Mà con người thì luôn luôn biến đổi, nên luật cho con người cũng phải biến đổi mới có thể phù hợp với trình độ tâm linh và quan niệm khác nhau của con người từng thời đại. Quan niệm về Thiên Chúa cũng vậy. Nếu quan niệm thời Cựu ước về Thiên Chúa đã bị thay đổi, thì liệu quan niệm của chúng ta hiện nay về Thiên Chúa có thể không thay đổi chăng?

Khi con người cố chấp vào một điều nào đó mà không chịu lắng nghe Thánh Thần, thì con người sẽ không theo kịp Thánh Thần, và có nguy cơ chống lại Thánh Thần. Các tư tế, kinh sư Do Thái xưa chính vì quá cố chấp vào lề luật, vào những điều họ cho là chân lý bất biến, nên họ đã không theo kịp và không tiếp nhận được những đổi mới của Thánh Thần qua Đức Giêsu và các tông đồ. Cuối cùng họ đã giết chết các Ngài. Họ đã cản trở những đổi mới của Thánh Thần. Họ đã phạm đến Thánh Thần: «Ai phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau» (Mt 12,32).

Nhiều khi chúng ta phải hồi tâm tự hỏi xem: sự phát triển của Giáo Hội về chất lượng cũng như số lượng trong những thế kỷ qua có khả quan không? Chúng ta có thể hài lòng về sự phát triển ấy không? Có phát triển như lòng Thiên Chúa hay Thánh Thần mong muốn không? Nếu không thì tại sao? Giáo Hội có cần phải thay đổi để phát triển hơn nữa không?



Wednesday, August 22, 2018

Tâm thư kính gửi Đức Tổng Giám Mục Huế, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam


Tâm thư kính gửi: Đức Tổng Giám Mục Huế,
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,


Đồng kính gửi: Các Linh Mục Tổng Giáo Phận Huế.



Huế, Lễ Đức Mẹ Maria Trinh Vương 22-8-2018

Kính thưa Đức Tổng Giám Mục !

Chúng con là một nhóm Linh mục nhỏ bé, rất đau lòng thấy Đức Tổng Giám Mục luôn mang một Thánh Giá rất quý đẹp trên ngực, nhưng đang lãnh đạo Hội Thánh Công Giáo Việt Nam và Tổng Giáo Phận Huế theo một hướng đi quá lạc xa, ngược tận nền tảng với Tin Mừng Cứu Độ của Thập Giá Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, kính xin Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam bảo trợ, dù chúng con biết tiếng nói của chúng con quá cô đơn, Đức TGM không muốn nghe, nhưng để Lịch sử Hội Thánh hiểu rằng trong giai đoạn đầy thử thách này, vẫn có một số Chứng Nhân của Thập Giá Chúa Kitô, thấy trách nhiệm phải nói lên tiếng nói lương tâm, vì Vinh Danh Chúa và Hội Thánh. May ra Đức TGM can đảm, khiêm hối, sáng suốt, lắng nghe, thì chắc chắn hữu ích cho Hội Thánh CGVN, Tổng Giáo phận Huế và Dân Tộc Việt Nam, về 5 điều nổi bật cụ thể sau đây :

1. Tòa TGM Huế đang mê du lịch, đoàn xe hơi đời mới của đoàn Linh mục ngày càng dài, mua sắm xa hoa, tiệc tùng sang trọng phù phiếm, mù lòa sắp đập phá 4 tòa nhà đang sử dụng được, gồm Tòa TGM Huế, khu Nhà Chung, khu Nhà Hưu Dưỡng, khu Nhà Chủng Sinh Dự Bị Vào Đại Chủng Viện, trong đó có 3 tòa nhà vừa tu sửa - xây dựng xong 3-4 năm nay, lạm dụng tiền người nghèo, để xây 1 Tòa Nhà Liên Hoàn 6 Tầng Tiện Nghi Hiện Đại, chưa thực sự cần thiết và hợp lý trong giai đoạn Giặc Tàu Ác Cộng Đang Cướp Nước hôm nay, phí phạm tiền bạc của Dân Chúa, ngày càng xa cách Dân Nghèo.

2. Hội Thánh mọi thời chỉ có bổn phận phải làm 1 việc cốt lõi nhất gồm 2 nhịp : Lấy Đức Tin chiếu sáng cho mọi người thấy Cha Trời-Chúa Kitô-Mẹ Maria-Hội Thánh, rồi lấy Đức Ái mời đón mọi người vào Nhà Cha. Kết quả là phải có đông Lương Dân gia nhập Công Giáo ngày càng tăng. Từ 1975-2018, Tổng Giáo phận Huế chỉ cứ mãi ở mức 60-70 ngàn Kitô Hữu !

*** Nhìn vào Công trình 6 tầng hoành tráng đồ sộ sắp xây, những chuyến du lịch tiền tỷ đội lốt hành hương, các bữa ăn nhà hàng nấu dọn với rượu ngoại xa xỉ, mỗi khẩu phần gấp 7-8 lần tiền ăn cả ngày của 1 gia đình nghèo… có Lương Dân nào xin theo Công Giáo không, hay chỉ xa lánh Đạo Chúa thêm ? Giáo Dân nào thêm tự hào về Tòa Giám mục Huế không, hay chỉ cúi đầu Hiệp Thông Khổ Tâm với Đức Mẹ đang khóc ra máu ngay tại Việt Nam ?

*** Tòa nhà 6 tầng đồ sộ sắp xây đã hấp dẫn 100% Linh mục Hội Đồng Tư Vấn đã bị lạc hướng rằng : Đây là cơ hội mấy trăm năm mới có, nếu không tận dụng, sau này không còn dịp để xây nữa. Xin Đức TGM hiểu thật rõ và chắc chắn hoàn toàn chính xác 2 điều này :

a) Tòa nhà hoành tráng 6 tầng sắp xây khi đã hoàn thành, thay vì trở thành niềm tự hào của hàng Giáo sĩ và Cộng đồng Dân Chúa Tổng Giáo phận Huế, thì chắc chắn sẽ trở thành NỖI NHỤC VÀ KHỔ TÂM RAY RỨT TRIỀN MIÊN cho nhiều Giáo sĩ và Kitô hữu có đời sống nội tâm, của Tổng Giáo phận Huế và của cả Hội Thánh Việt Nam, vì nó phí phạm tiền bạc quá lớn của Dân Chúa, lỗi Đức Phúc Nghèo - Đức Công Bình quá nặng, ngày càng xa cách Dân Nghèo, phát sinh một gánh rất nặng chi phí điện nước cho Tòa Tổng Giám mục Huế lâu dài, nhất là nó chưa thực cần phải xây, trong lúc lẽ ra Giáo Hội phải ưu tiên hợp tác Cứu Nước.

b) Tất cả Kitô Hữu có Đức Tin bằng hạt cải, đều thấy rõ : Nếu Tòa Nhà này thực cần cho Vinh Danh Chúa và Hội Thánh phát triển, thì một Linh mục hay một Kitô Hữu rất nhỏ bé nào cũng thừa sức xây bất cứ lúc nào, trong Bàn Tay Chúc Lành của Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh.

*** Để phản đối việc đập phá 4 tòa nhà đang sử dụng được, vừa tu sửa - xây dựng xong 3-4 năm nay, lạm dụng tiền người nghèo, để xây cất Tòa Nhà 6 Tầng Liên Hoàn Tiện Nghi Hiện Đại, chưa thực cần thiết và hợp lý, trong lúc lẽ ra Giáo Hội phải Ưu Tiên Hợp Tác Cứu Nước hiện nay, Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý sẽ tuyệt thực Hiệp Thông Cầu Nguyện ngay ngày khởi công đập phá, sau chuyến các Giáo sĩ Huế du lịch đội lốt hành hương Palestine vào tháng 10-2018, hoàn toàn không phù hợp vào chính lúc Nước Đang Mất !

3. Trong lúc Giặc Tàu Ác Cộng Đang Cướp Nước, không tập trung CỨU NƯỚC, vô cảm với Tổ Quốc, quanh co, biện minh thế nào được trước Lịch Sử ngàn đời của Tổ Quốc Dân Tộc ? Hôm nay Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân nào né tránh, viện cớ, im lặng, bỏ mặc, thì rõ ràng ĐANG ĐỒNG LÕA HỢP TÁC BÁN NƯỚC, đang ủng hộ, tăng sức cho giặc Tàu Ác Cộng cướp Nước, dù đang giữ chức vụ gì, chắc chắn không xứng đáng lãnh đạo và làm Quốc Dân Việt, đáng được chào là Tàu Chệt, mời qua Tàu Chệt sống !

*** Nếu Toàn Dân Cứu Nước thành công, Đức TGM ray rứt xấu hổ mãi, vì Nước Đang Mất, mà Đức TGM vô cảm với Tổ Quốc, hoàn toàn im lặng, dù một lời nguyện công khai cho Tổ Quốc đang lâm nguy cũng không có, chỉ mê xây cất-du lịch-mở miệng quyên tiền ! Nếu Toàn Dân Cứu Nước thất bại, Đức TGM muôn đời quá khổ tâm, bị Lịch Sử lên án rất nặng, đã đồng lõa hợp tác với Giặc Tàu !

4. Giáo Hội mọi thời đều luôn có 4 loại người phải gặp gỡ :

- Giáo Hội gần gũi người có quyền, mọi người sẽ ghét Giáo Hội.
- Giáo Hội gần gũi người có tiền, mọi người sẽ khinh Giáo Hội.
- Giáo Hội gần gũi người có học, mọi người sẽ sợ Giáo Hội.
- Hội Thánh hòa đồng, gần gũi, yêu thương, chăm sóc, quý trọng, phục vụ người yếu thế, bất hạnh, bệnh tật, cô đơn, ít học, nghèo khổ… thì mọi người và 3 loại người trên phải quay lại ủng hộ Hội Thánh.

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đương nhiệm luôn nêu gương hòa đồng và chăm sóc người nghèo rất rõ. Rất tiếc bài học lịch sử mọi thời này, 2000 năm rồi, nhiều Vị Lãnh đạo Hội Thánh Công Giáo Việt Nam đến nay vẫn chưa thuộc, mong gì lãnh đạo đúng !!!

*** Thánh Phó Tế Tử Đạo Lôrensô (+ 258), Quản lý Tòa Thánh, bị bắt, bị Hoàng đế Rôma Valêrianus bắt nộp tài sản Tòa Thánh. Ngài trả lời Tài Sản của Hội Thánh là vô giá, hẹn 3 ngày sẽ trao nộp hết. Sau 3 ngày, Ngài dẫn 1,500 người nghèo Ngài thường giúp đỡ đến cung điện vua để dâng nộp. Dân chúng thấy lạ đi theo cả chục ngàn. Vua tức giận, ra lệnh đánh đập tra tấn Ngài rất dã man, rồi nướng Ngài trên vỉ sắt như bò quay chín vàng. Hôm nay, nếu Việt Nô Cộng buộc Tổng Giáo phận Huế nộp tài sản, có lẽ Tòa Tổng Giám mục Huế đã có sẵn cả chồng visa Palestine, các tours du lịch Âu Mỹ, Tòa nhà 6 tầng đồ sộ sẽ xây, đoàn xe hơi đời mới ngày càng dài, cả chồng thức ăn nhà hàng nấu với rượu ngoại, cả kho rượu “ut sint unum” say xỉn đáng hổ thẹn… để trao nộp Việt Nô Cộng, thay cho đoàn Dân nghèo !!!

5. Đan viện Thiên An Huế cách đây 10 năm đã bị Việt Nô Cộng cướp mất hồ Thủy Tiên, cách đây 1-2 năm đã bị đập hạ Thánh Giá 3 lần. Riêng năm 2018 này, đã bị đốt rừng 3 lần, tháng 6-2018, các Tu sĩ trồng lại một số thông con, bị VC nhổ bỏ. Tháng 7-2018, chính VC trồng lại thông con trên đất của Đan Viện để ranh ma cướp chiếm đất rừng của Đan viện. 2 Đức nguyên TGM trước rủ bỏ trách nhiệm với lập luận xảo biện Đan Viện Thiên An thuộc quyền Tòa Thánh, Tòa TGM Huế không xen vào. Còn nay, trước các thảm nạn của Đan Viện, chỉ có ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên GM Kontum, các Giáo xứ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, một số Tăng Ni, Phật tử Phật giáo, 1 Giáo xứ nhỏ thuộc thành phố Huế, 2 LM rất nhỏ bé chúng con đã thăm Thiên An. Ngoài ra, 2 Đức TGM Huế, hầu hết tất cả các LM, các giáo xứ không hề nhắc đến 1 lời về Thiên An trong Nhà Thờ, gần như hoàn toàn bỏ rơi Thiên An.

Chúng con sẵn lòng gánh chịu mọi bệnh tật, bỏ rơi, chê ghét, chụp mũ, đánh phá, đau khổ, đày đọa, né tránh, treo chén, trừng phạt, vu khống, xa lánh…, để Hy Sinh Hiệp Nguyện cho Danh Chúa hiển vinh, Đức Mẹ Maria La Vang bớt Khổ Tâm, cho Hội Thánh mở rộng, nhờ ngày càng được nhiều Đồng Bào tự hào yêu quý Hội Thánh hơn.

Kính chào Đức TGM. Xin Đức TGM luôn Hy Sinh Hiệp Nguyện cho chúng con.

Lm Tađêô Nguyễn Văn Lý,
đại diện một nhóm Linh mục Tổng Giáo phận Huế.

Sunday, August 19, 2018

TN21a − Sự hiểu biết của con người về Thiên Chúa cần được nâng cấp theo thời gian


Tình yêu và luật lệ,
điều nào quan trọng hơn?




1. Hai cung cách giữ đạo khác nhau

Trong đoạn Tin Mừng về việc Đức Giêsu làm sáng mắt một người mù bẩm sinh vào ngày sabát (Ga 9,1-41), ta thấy hai não trạng hay hai cung cách giữ đạo khác nhau giữa Đức Giêsu và người Pharisêu. Một đằng nhìn thấy con người để yêu thương, còn một đằng chỉ nhìn thấy lề luật, nguyên tắc để tuân giữ. Nghĩa là một đằng quan trọng hóa con người, còn một đằng quan trọng hóa lề luật. 

Khi thấy một người mù cần được giúp đỡ, thì Đức Giêsu động lòng thương và ra tay cứu giúp, bất chấp hôm đó là ngày sabát, là ngày mà luật Môsê cấm ngặt không được làm việc. Như vậy, Ngài coi việc cứu người quan trọng hơn việc giữ luật sabát, cho dù đây là luật buộc rất ngặt: người vi phạm ở mức nghiêm trọng có thể bị tử hình (x. Xh 31,14-15; 35,2). Thế mà Ngài lại «hay chữa bệnh vào ngày sabát» (Ga 5,16). Còn người Pharisêu coi việc giữ luật sabát quan trọng hơn việc cứu người, vì họ cho đây là luật buộc rất ngặt. Theo họ, thà để người khác tiếp tục bị mù, bị thiệt hại, bị chết, còn hơn là vi phạm lề luật của Thiên Chúa.



2. Quan niệm khác nhau giữa người Pharisêu và Đức Giêsu

Hai thái độ ngược nhau đó luôn luôn tồn tại trong cách giữ đạo của các tín đồ trong mọi tôn giáo. Thái độ nào cũng có những lý do chính đáng và hợp lý của nó. Thái độ nào cũng đúng, nhưng đúng ở những mức độ tâm linh cao thấp khác nhau, tùy theo quan niệm cao thấp khác nhau.

Theo quan điểm của người Pharisêu thì luật giữ ngày sabát là luật Môsê, cũng là luật của Thiên Chúa. Vì thế, người công chính phải tuân giữ lề luật, càng công chính thì càng phải giữ luật một cách chi tiết. Do đó, khi thấy Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày sabát, họ bàn thảo với nhau: «Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát» (Ga 9,16). Họ quan niệm: nếu Đức Giêsu là người của Thiên Chúa thì tất nhiên Ngài phải giữ luật Môsê, thậm chí còn nghiêm chỉnh hơn chính họ nữa. Quan điểm của họ quả hết sức hợp lý vì nó hoàn toàn được xây dựng trên rất nhiều đoạn Kinh Thánh khuyên, thậm chí buộc người ta phải giữ luật (x. Đnl 27,26; 30,10; Gs 22,5; 23,6; 1V 2,3; v.v…). Vì thế, đối với họ, việc giữ luật tôn giáo là vô cùng quan trọng. Do đó, nếu có sự xung đột giữa một bên là giữ luật Chúa, một bên là đòi hỏi của lương tâm và đức ái, thì phải ưu tiên cho việc giữ lề luật.

Nhưng quan điểm của Đức Giêsu thì khác hẳn. Đành rằng luật Môsê là luật của Thiên Chúa, nhưng đó không phải là luật cho Thiên Chúa, mà là cho con người. Luật đó được lập nên vì con ngườicho con người, để phục vụ con người, con người mới là mục đích của luật đó. Do đó, nó phải thích ứng với hoàn cảnh của con người, nhưng cũng phải phù hợp với bản chất yêu thương của Thiên Chúa. Hoàn cảnh của con người thì thay đổi tùy thời tùy nơi, còn bản chất yêu thương của Thiên Chúa thì bất biến, không bao giờ thay đổi [*].
 [*] Luật Chúa cho con người cũng như mọi lề luật khác áp dụng cho con người luôn luôn phải tùy thuộc 2 yếu tố:
● bản chất, đường lối hay ý chí của Thiên Chúa (đây là cốt tủy của lề luật, bất biến, là hằng số, và hằng số này chính là lòng yêu thương) và
● hoàn cảnh hay trình độ của con người (thay đổi, là biến số). Tương tự như một hàm số y = ax (a=hằng số, x=biến số, do đó, y thay đổi theo 2 yếu tố đó, chứ không bất biến).
Yếu tố bất biến ở đây là lòng yêu thương, tức bản chất của Thiên Chúa, thì vô cùng quan trọng, thiếu nó, thì việc giữ luật, cũng như mọi việc làm dù tốt đẹp tới đâu cũng trở thành vô giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã xác định điều quan trọng ấy trong đoạn văn: «Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,1-3).
Giữa lề luật và lòng yêu thương, Thánh Phaolô còn xác định rõ ràng hơn nữa:
● Rm 13,10 => «Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy».
● Rm 13,8 => «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật».
● Gl 5,14 => «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình».
● Rm 3,20 => «Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy».
● Rm 3,28 => «Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy» (Đức tin thật sự phải được thể hiện ra thành đức ái, nếu không thì chỉ là đức tin chết hay đức tin giả hiệu [x. Gc 2,17-18]).
Gl 5,18 => «Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa» (Thần Khí [ở đây viết hoa] là Thần Khí của Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Do đó, để Thần Khí hướng dẫn, phần nào đồng nghĩa với để cho tình yêu thương hướng dẫn, đúng như lập trường của Thánh Augustinô: «Ama, et fac quod vis» = «Cứ yêu đi, rồi làm gì thì làm»).
Thánh Giacôbê cũng đồng quan điểm với Thánh Phaolô:
● Gc 2,8 => «Luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình».

Vì thế, khi có xung đột giữa luật của Thiên Chúa với những đòi hỏi của tình yêu hay đức ái, thì phải ưu tiên tuân theo luật của đức ái. Nếu vào ngày sabát mà tình yêu hay đức ái đòi buộc phải làm việc, phải chữa bệnh, phải cứu người, thì phải chấp nhận lỗi luật sabát mới đúng với ý Thiên Chúa. Đức Giêsu đưa ra trường hợp rất cụ thể khi chữa bệnh cho một người phụ nữ bị quỷ ám: «Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?» (x. Lc 13,10-17).

Vì thế, cho dù lỗi luật sabát có thể dẫn đến tử hình, nhưng Đức Giêsu hoặc các tông đồ đã nhiều lần lỗi luật sabát vì lý do bác ái hay vì một lý do chính đáng khác. Chẳng hạn, các môn đệ Đức Giêsu bứt bông lúa mì (x. Mt 12,1-8; Mc 2,23-28; Lc 6,1-5); Đức Giêsu chữa người bị bại tay (x. Mt 12,9-14; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11); chữa một phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-17); chữa người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6); chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bếtdatha (Ga 5,1-18); chữa một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41), tất cả đều được làm vào ngày sabát. Vì theo Ngài, luật lệ chỉ là phương tiện, con người mới là mục đích. Luật lệ để phục vụ con người, chứ không ngược lại. Ngài nói: «Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát» (Mc 2,27).

Ngài đã bị các kinh sư và luật sĩ cảnh cáo nhiều lần về việc Ngài lỗi luật ngày sabát, và tìm cách giết Ngài, nhưng Ngài vẫn cứ «lỗi luật» sabát (x. Ga 5,16) vì lý do đức ái, bất chấp nguy hiểm. Ngài không hề khuyên bảo người bệnh hãy đến với Ngài vào ngày khác thì Ngài mới chữa bệnh cho như những người Pharisêu đã từng khuyên họ: «Ðã có sáu ngày phải làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!» (Lc 13,14). Ngài không hề bảo họ đừng đến với Ngài vào ngày sabát để Ngài giữ luật sabát cho trọn vẹn, mà phản đối kịch liệt lời khuyên trên của người Pharisêu (x. Lc 13,15-17)

Cách hành xử của Ngài như thế chẳng phải là một mẫu gương để chúng ta noi theo sao, hỡi những người theo Đức Giêsu và những kẻ tự hào mình theo Ngài?



3. Tình yêu hay đức ái ví như hiến pháp, luật lệ khác ví như các khoản luật

Điều ấy cho thấy luật bác ái cao trọng hơn bất cứ loại luật lệ nào, dù là luật thành văn của Thiên Chúa như luật Môsê, hay luật của Giáo Hội và những luật lệ do con người lập ra. Vì trong Kitô giáo, đức ái được ví như hiến pháp, còn tất cả những luật lệ thành văn khác đều chỉ được ví như luật pháp mà thôi. 

Luật pháp phải thể hiện tinh thần của hiến pháp, giúp hiến pháp được thực hiện trong những trường hợp cụ thể hơn trong đời sống. Vì thế, trường hợp nào mà thi hành một điều khoản của luật pháp trở thành vi phạm hiến pháp thì trường hợp ấy, ta không nên thi hành khoản luật ấy. Nếu ai vẫn cứ thi hành khoản luật ấy, thì người ấy vi phạm hiến pháp. Nếu vì muốn thi hành cho đúng hiến pháp mà đành phải vi phạm một điều khoản trong luật pháp, thì việc vi phạm đó không còn là vi phạm nữa. Vì mục đích của luật pháp là để thực hiện hiến pháp, chứ không ngược lại.

Đức ái chính là hiến pháp, là luật tối thượng bao trùm tất cả mọi khoản luật, nên thánh Phaolô đã dám quả quyết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8; x. 18,10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2). Thánh Giacôbê thì cho đức bác ái là luật cao nhất của Kinh Thánh: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). Lời tuyên bố của hai vị thánh này thật rõ ràng. Thánh Âu Tinh cũng nói: «Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm» (Ama et fac quod vis).

Luật Môsê là luật của Thiên Chúa, được chính Thiên Chúa truyền qua Môsê. Thế mà khi có sự xung đột giữa luật Môsê và đức ái hay điều lương tâm đòi buộc, thì Đức Giêsu đã chấp nhận lỗi luật Môsê (tức luật Chúa) chứ không chấp nhận lỗi đức ái hay lỗi luật lương tâm. Hiện nay, luật của Đức Giêsu đã thay thế luật Môsê, và luật của Ngài là luật yêu thương, nên yêu thương chính là luật tối thượng, đúng như thánh Giacôbê đã nói ở trên (x. Gc 2,8)

Luật Môsê là luật của Thiên Chúa mà còn vậy, huống chi những luật do con người lập ra. Ai coi việc thi hành đức ái nhẹ hơn bất kỳ một khoản luật nào đó do con người lập ra, thì câu sau đây của Đức Giêsu đáng để cho họ suy nghĩ: «Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân» (Mt 15,8-9)

Vậy, chúng ta phải theo lập trường của Đức Giêsu hay của người Pharisêu?



4. Mục đích của lề luật là hình thành đức ái trong lòng con người

Cũng như một cây non cần phải buộc vào một cọc thẳng để cây mọc thẳng lên. Nhưng khi cây đã mọc thẳng và các mô mộc trong cây đã cứng cát rồi, thì người ta bỏ cọc đi. Luật lệ giống như cái cọc thẳng ấy để giúp cho tâm linh còn non yếu mọc thẳng lên. Nó có nhiệm vụ hình thành đức ái ở trong ta. Khi đức ái của ta đã được hình thành và trở nên vững chắc, thì ta phải hành động theo sự đòi hỏi của đức ái đã được hình thành ấy ở trong ta. Lúc ấy lề luật đã đóng hết vai trò và nhiệm vụ của nó.

Thật vậy, theo thánh Phaolô, lề luật được lập nên không phải cho người công chính, mà cho người tội lỗi tức chưa hiểu biết được cốt tủy của sự công chính (x. 1Tm 1,8-10). Ngài cũng nói: «Không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy. Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê» (Rm 3,20-21; x. Gl 3,11)

Sự công chính không hệ tại việc giữ luật lệ: «Nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích» (Gl 2,21); mà do việc có đức ái hay tình thương đích thực ở trong lòng hay không. Vì sự công chính hay thánh thiện hệ tại việc mình có trở nên giống Thiên Chúa hay không, có Thiên Chúa ở trong mình hay không. Mà Thiên Chúa tự bản chất chính là tình yêu, là đức ái (x. 1Ga 4,8.16). Giống Thiên Chúa là giống ở yếu tố này, chứ không phải ở bất kỳ điều gì khác.


Nguyễn Chính Kết


Saturday, August 18, 2018

Nhận định và đề nghị trước hiện tình Đất Nước và Giáo Hội Việt Nam






Hải ngoại, ngày 08 tháng 08 năm 2018

«Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.» (Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong Thế giới Ngày nay)

Là những người Công giáo Việt Nam phải lưu lạc xa quê hương, chúng tôi vẫn luôn hướng về tổ quốc Việt Nam thân yêu, nơi đại đa số đồng bào đang sống trong lo âu và đau khổ dưới một chế độ chính trị hà khắc. Đặc biệt chúng tôi luôn hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam, nơi nhiều người con Chúa đang phải đối diện với đàn áp và bách hại. Qua bản Nhận Định Và Lên Tiếng nầy, chúng tôi muốn trình bày quan điểm của chúng tôi về những sự việc đáng quan tâm.

I. Thực trạng Đất Nước

1. Đại họa mất nước: Từ nhiều năm nay Trung Quốc đã tiến hành cuộc thôn tính có kế hoạch trong nhiều lãnh vực trước sự đồng lõa của chính quyền cộng sản Việt Nam. Không những lấn cướp đất đai, chiếm lĩnh biển đảo, họ còn đưa người Hoa vào sinh sống khắp nơi, mua chuộc các quan chức cầm quyền từ trung ương tới địa phương, để lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam.

2. Băng hoại văn hoá - đạo đức: Sự đổ vỡ các hệ thống giá trị đang được thể hiện nơi việc đánh mất ý thức trách nhiệm cá nhân và nơi mọi môi trường xã hội: tan vỡ gia đình, bạo lực học đường, sa sút đạo đức nghề nghiệp ngay cả trong những lĩnh vực vốn được truyền thống tôn vinh như giáo dục, y tế và cả tôn giáo. Đặc biệt trong lãnh vực công quyền nạn hối lộ và tham nhũng đã trở thành nguyên tắc ứng xử của cán bộ nhà nước. Từ đó bất công xã hội và khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng gay gắt.

3- Chà đạp nhân phẩm và tước đoạt nhân quyền: Để bảo vệ độc tôn chính trị của đảng CSVN, nhà cầm quyền đã gia tăng trấn áp những tiếng nói đối lập bằng hành hung, bắt bớ, giam cầm tùy tiện với những bản án quy chụp bất công. Các quyền căn bản của người dân như quyền an ninh thân thể, quyền tư hữu, quyền được xét xử công minh bởi một tòa án độc lập, quyền tự do ngôn luận, và quyền tự do tín ngưỡng - thờ phượng v.v... đã bị vi phạm trắng trợn.

II Thực trạng của Giáo Hội

1- Sống đạo hình thức: Dù phải sống trong một xã hội tha hóa về mọi mặt và đạo Chúa có nguy cơ ngày càng biến chất, Ki-tô hữu Việt Nam nói chung vẫn «giữ» được đức tin. Tuy nhiên, cuộc sống đạo quá chuộng hình thức, đặc biệt chú trọng vào những tiện nghi và lễ hội bề ngoài, như xây dựng nhà thờ, trung tâm hành hương, rước kiệu... hơn là vào những sinh hoạt thiết thực sống đạo giữa đời. Từ đó, Giáo Hội xa rời những âu lo và khắc khoải của người dân, những người bị đàn áp, bị bóc lột và bỏ rơi bên lề xã hội. Việc truyền giáo vì thế đã không kết quả như mong muốn.

2 – Lời chủ chăn thiếu hiệu quả: Trong cương vị đại diện cho toàn thể dân Chúa tại Việt Nam, các chủ chăn đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan điểm trước những tệ nạn của xã hội, bất cập của chính quyền và cơ nguy của đất nước, như Thư ngỏ gởi Nhà Nước (2002), Quan điểm về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay (2008), Thư nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp (2013), Nhận định về tình hình Biển Đông (2014), Nhận định và góp ý Dự thảo 4 luật tín ngưỡng, tôn giáo (2015)... Và gần đây nhất là Thư ngỏ gửi Quốc Hội về dự thảo luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (2018). Lời của chủ chăn quả có đem lại hứng khởi ban đầu cho một số người, nhưng rồi sớm đi vào quên lãng, vì những nội dung hiếm hoi đó đã không thẩm thấu được tới mọi Ki-tô hữu. Nghĩa là thiếu sự hưởng ứng và khai triển tiếp tục từ các giáo phận tới giáo xứ, để giúp Ki-tô hữu học hỏi tìm hiểu, hầu có thể chia sẻ quan điểm của chủ chăn, đồng thời nâng cao nhận thức của mình về giáo huấn của Giáo Hội.

3 – Thiếu hiệp thông và đồng trách nhiệm: Sự hiệp thông trong Giáo hội là một ân sủng, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn thể mọi thành phần dân Chúa. Bao nhiêu năm qua có một sự vắng bóng lạ lùng về hiệp thông và đồng trách nhiệm trong lòng Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt nơi các chủ chăn mọi cấp trước những vấn nạn của đất nước, của xã hội và của con người. Dù với lý do nào đi nữa thì sự im lặng, thờ ơ, né tránh cũng là hành động đi ngược lại vai trò ngôn sứ và bổn phận làm người Việt Nam. Đây cũng là một trong những lý do làm cho các văn kiện giáo huấn và các lên tiếng của chủ chăn thiếu khả tín và không hữu hiệu.

III. Những đề nghị

1. Thực hiện hiệp thông: Đây là điều kiện tiên quyết để giải quyết các bất cập. Hiệp thông trước hết qua sự đoàn kết và đồng trách nhiệm trong những tiếng nói chung và đều đặn của chủ chăn trước những vấn đề sống còn của đất nước, trước những vấn nạn lớn của xã hội và trước những xúc phạm trầm trọng tới phẩm giá và quyền con người. Thứ đến là hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa qua những sáng kiến sinh hoạt chung của cộng đồng dân Chúa, chẳng hạn qua những chiến dịch bác ái chung, những liên kết sinh hoạt đoàn thể tiến hành hoặc những sinh hoạt thi đua học hỏi giáo huấn xã hội chung.

2. Chấn chỉnh sống đạo: Sự đổ vỡ các hệ thống giá trị làm cho Ki-tô hữu việt nam mất phương hướng. Vì thiếu neo vững nơi đức tin và thiếu gương sáng, họ buông xuôi sống theo trào lưu xã hội: vô cảm, ích kỉ, bạo hành, dối trá, lừa đảo. Hơn bao giờ hết, đây là lúc cần những định hướng tinh thần và gương sáng của các chủ chăn, để không những người theo Chúa mà tất cả những ai thiện chí còn đặt niềm tin vào sự Thiện trong cuộc sống và can đảm sống niềm tin đó giữa một xã hội băng hoại.

3. Sống đạo giữa đời: Hoa trái của hiệp thông là sự đồng cảm và niềm vui sống đạo. Đồng cảm giữa các thành phần con Chúa và với đồng bào tha nhân. Có được như vậy là Giáo Hội Việt Nam đang thể hiện sống đạo giữa đời. Qua đó, Giáo Hội hoà nhịp lại với «vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng» của đồng bào, nhất là của những thành phần dân oan, của những kẻ bị áp bức giam cầm bất công, của đa phần dân tộc đang thất vọng trước tương lai đất nước và trước cuộc sống. Hòa nhịp bằng những chia sẻ vật chất cụ thể, bằng những hỗ trợ tinh thần cần thiết, bằng những tiếng nói bênh vực can đảm.

Phạm Hồng-Lam (Điều Hợp Viên)
Max Gutmann Str. 6 1/7 – 86159 Augsburg BRD –
Tel.: (49) 821-455-0609