Wednesday, June 27, 2018

Thánh Phêrô-Phaolô − «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?»




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Thánh Phêrô & Phaolô

(29-6-2018)


«Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?»



ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 12,1-11: (11) Lúc ấy ông Phêrô mới hoàn hồn và nói : «Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do-thái mong muốn tôi phải chịu».

  2Tm 4,6-8.17-18: (17) Có Chúa đứng bên cạnh tôi, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.

  TIN MỪNG: Mt 16,13-19

Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa

(13) Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: «Người ta nói Con Người là ai?» (14) Các ông thưa: «Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ». (15) Đức Giêsu lại hỏi: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» (16) Ông Simôn Phêrô thưa: «Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống». (17) Đức Giêsu nói với ông: «Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy».




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu Đức Giêsu hỏi bạn: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?», thì bạn trả lời theo những gì bạn chứng nghiệm về Ngài, hay theo sự hiểu biết học được từ người khác? 
2. Là Kitô hữu, bạn đã có những cảm nghiệm thực tế và cụ thể về Đức Giêsu chưa, hay chỉ có một mớ những hiểu biết lý thuyết về Ngài, dù rất uyên bác sâu rộng? 
3. Bạn có muốn thật sự cảm nghiệm về Ngài không? Bạn đã từng nỗ lực làm điều này chưa? Theo bạn, phải làm sao để cảm nghiệm được Ngài?

Suy tư gợi ý:

1. «Người ta nói…», nhưng «còn anh em…» thì sao?

Khi trình bày về Thiên Chúa, về Đức Giêsu, chúng ta thường trình bày một cách lý thuyết, dựa trên những bài bản có sẵn, do người khác soạn sẵn, suy nghĩ sẵn, chúng ta chỉ việc nói theo đó. Điều đó cũng phần nào hợp lý, vì có dựa trên những bài bản có sẵn đó, thì những người nói về Thiên Chúa hay Đức Giêsu mới có sự đồng nhất với nhau. Nếu mỗi người đều nói theo quan niệm hay suy tư riêng của mình, thì sẽ thành ra mỗi người nói một kiểu, người nghe biết tin theo ai. 

Nhưng lý thuyết vẫn luôn luôn là lý thuyết, là cái gì ở ngoài mình, và được áp đặt xuống cho mình. Xét cho cùng đó chỉ là cái «người ta nói», còn ta chỉ là người nói theo thôi. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy Đức Giêsu hỏi các môn đệ hai câu khác hẳn nhau: «Người ta nói Con Người là ai?» (Mt 16,13b) và «còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» (Mt 16,15). Rõ ràng trong hai câu hỏi, Đức Giêsu coi câu sau quan trọng hơn câu trước rất nhiều. Ngài chỉ dựa vào câu trả lời cho câu hỏi sau để xem ai là người đáng Ngài tin cậy nhất.



2. Điều quan trọng là cảm nghiệm thực tế về Đức Giêsu

Điều quan trọng không phải là những điều chúng ta nghe biết về Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Đó là những điều chúng ta học được trong các sách giáo lý, hay đọc được từ những tác phẩm thần học… Đó toàn là những điều «người ta nói» về Ngài, chứ không phải là những điều chính bản thân ta cảm nghiệm được về Ngài. Chính những cảm nghiệm đích thực về Ngài mới có khả năng làm ta yêu mến Ngài và dám dấn thân sống chết cho Ngài. Thật vậy, làm sao có thể yêu mến và dấn thân cho một người mà mình chỉ biết trên lý thuyết, chứ chưa từng gặp mặt, chưa từng có một quan hệ ngoại giao hay tình cảm nào? 

Nhưng làm sao có được những cảm nghiệm về Thiên Chúa hay Đức Giêsu? Làm sao có được quan hệ tình cảm riêng tư với Ngài, khi mà Ngài vô hình, ta chẳng hề thấy hay gặp bao giờ?



3. Làm sao cảm nghiệm được Ngài?

Vấn đề rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu đích thực là phải cảm nghiệm được sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong đời sống của ta, và có được một quan hệ riêng tư và tình cảm với Ngài. Nếu không có được cảm nghiệm và quan hệ này, Thiên Chúa hay Đức Giêsu vẫn chỉ là một ý niệm trong đầu óc ta không hơn không kém. Ý niệm ấy chẳng khác gì ý niệm về ánh sáng hay mầu sắc của một người mù bẩm sinh, sở dĩ có được là do nghe người khác nói.


a) Cần thường xuyên ý thức Ngài hiện diện trong bản thân ta

Cảm nghiệm về Thiên Chúa hay Đức Giêsu phải khởi đi từ niềm tin này, là tin Ngài thật sự hiện diện trong tâm hồn ta. Đây là sự thật làm nền tảng cho đời sống tâm linh của ta, và là một tiêu chuẩn để biết mình có đức tin Kitô hữu hay không. Thật vậy, thánh Phaolô nói: «Anh em hãy tự xét xem mình có còn sống trong đức tin hay không. Hãy tự kiểm điểm xem: anh em chẳng nhận thấy có Đức Giêsu Kitô ở trong anh em sao?» (2Cr 13,5)

Chúng ta không có may mắn gặp hay cảm nghiệm được Ngài bằng xương bằng thịt cách hữu hình như các tông đồ xưa. Tuy nhiên, dẫu có may mắn đó, chưa chắc ta đã «gặp» được Ngài thật sự. Biết bao người sống vào thời Đức Giêsu – chẳng hạn những người Pharisêu hay các kinh sư Do-thái – đã từng thấy Ngài, nói chuyện với Ngài, nhưng đâu có «gặp» được Ngài, đâu có quan hệ riêng tư và tình cảm với Ngài! Vì sao? Vì «hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng» (có duyên với nhau thì dù xa cách ngàn dặm cũng vẫn có thể gặp nhau, còn không có duyên với nhau thì có mặt chạm mặt cũng không thể gặp nhau). Hễ có duyên với Ngài thì sẽ khao khát muốn gặp Ngài và sẽ đi tìm Ngài. Mà hễ đã thật sự đi tìm thì ắt nhiên sẽ gặp, vì «ai tìm sẽ thấy» (Mt 7,8).

Sự hiện diện của Ngài trong bản thân ta đã được chính Ngài xác nhận: «Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20). Thánh Phaolô cũng nói: «Chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người» (Cl 3,11); «Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em» (Gl 4,6)

Vấn đề hết sức quan trọng là ta phải thường xuyên ý thức sự hiện diện ấy, đồng thời tin tưởng rằng Ngài là nguồn sức mạnh, nguồn yêu thương; và với Ngài, ta có thể làm được tất cả mọi sự (x. Pl 4,13).


b) Cần tạo điều kiện để Ngài tự do hoạt động trong ta

Điều quan trọng thứ hai để Ngài có thể hoạt động hữu hiệu trong ta là phải để cho Ngài được tự do hoạt động. Điều làm cho Ngài không thể tự do hoạt động trong ta chính là ý riêng của ta và sự thiếu cộng tác của ta. Nếu ta coi nhẹ ý riêng mình để lúc nào cũng sẵn sàng cộng tác với Ngài thực hiện những gì Ngài muốn làm trong ta, thì ta sẽ thấy Ngài dần dần thực hiện được trong ta những thay đổi lớn lao. 

Chính Đức Giêsu cũng coi nhẹ ý riêng của Ngài, và luôn cộng tác với thánh ý Chúa Cha: «Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi» (Ga 6,38); «Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi» (Ga 5,30); «Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy» (Ga 4,34). – Nhưng làm sao biết được ý của Ngài thế nào?

Ý của Ngài được biểu lộ:
(1) trước hết và đặc biệt trong lời của Ngài, được ghi chép trong Kinh Thánh(2) trong luật của Ngài (được tóm lại trong hai chữ yêu thương), (3) trong tiếng lương tâm của ta,(4) trong các bổn phận và trách nhiệm của ta đối với Thiên Chúa, bản thân, tha nhân, gia đình, xã hội và Giáo Hội, (5) trong các biến cố khách quan –tức xảy ra độc lập với ý muốn của ta– trong đời sống. Ngài dùng những biến cố này để thánh hóa ta.
Chỉ cần thực hiện được hai điều quan trọng trên thì tự nhiên giữa ta với Đức Giêsu càng ngày càng có một quan hệ mật thiết hơn. Dần dần, ta nhận ra Ngài đúng là một nhân vật, tuy vô hình nhưng rất «cụ thể», có thể cảm nghiệm được cách sống động và rõ rệt. Ngài đóng một vai trò quan trọng trong đời sống ta, ảnh hưởng và biến đổi đời sống ta một cách mạnh mẽ, hữu hiệu.


4. Người có đức tin sống động là nền tảng của Giáo Hội

Có cảm nghiệm được Ngài, ta mới có thể trả lời đúng ý Ngài câu hỏi: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» (Mt 16,15) Ngài muốn ta trả lời dựa trên chính kinh nghiệm của ta, chứ không phải dựa trên những bài bản, hay trên những gì ta chỉ được nghe và ép lòng mình phải tin. Chỉ lúc đó, đức tin của ta mới trở thành đức tin đích thực, đến từ cảm nghiệm thực tế, chứ không chỉ đến từ một chấp nhận xuông của lý trí với tác động của ý chí. Chỉ đức tin ấy mới đủ sức mạnh để thúc đẩy ta thật sự dấn thân cho Thiên Chúa và tha nhân. Ta phải làm sao nói được như những người Samari xưa: «Không phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin, mà vì chính chúng tôi đã đích thân nghe Người nói và nhận ra rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian» (Ga 4,41).

Chỉ lúc đó, Đức Giêsu mới có thể nói với ta như đã nói với Phêrô: «Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi» (Mt 16,18). Theo ngữ cảnh của bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nói với Phêrô câu ấy vì ông là người có đức tin mạnh mẽ, chứ không phải vì ông là trưởng nhóm các tông đồ

Thật vậy, trong thực tế từ xưa đến nay, Giáo Hội được xây dựng và tồn tại trên những đá tảng vững chắcnhững người có đức tin sống động, dù họ là giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ. Chứ Giáo Hội không được xây trên những người đạt được những quyền cao chức trọng trong Giáo Hội nhưng lại không có đủ đức tin và tình yêu, không có một tương quan thật sự với Đức Giêsu. Lịch sử Giáo Hội đã chứng tỏ những người này chẳng những không làm vững chắc mà còn làm lung lay tòa nhà Giáo Hội nữa.

Ước gì mỗi người chúng ta có thể nói tương tự như Phêrô, nghĩa là nói bằng chính cảm nghiệm của mình, chứ không phải lập lại một cách máy móc lời của một người khác: «Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống» (Mt 16,16). Đức Giêsu mong muốn chúng ta nói được như thế!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, đức tin và tình yêu đích thực không hề đến từ những hiểu biết có tính lý thuyết, mà đến từ khát vọng muốn cảm nghiệm được Cha và lòng quyết tâm đi tìm cảm nghiệm ấy. Xin đừng để con thỏa mãn và dừng lại nơi những hiểu biết về Cha, mà quyết tâm tìm cách cảm nghiệm Cha. Đừng để con giống như kẻ «nhai lại bã mía», thấy người ta ăn mía khen ngọt, mình cũng nhai lại những bã ấy và bắt chước họ khen ngọt. Xin hãy cho con cảm nếm được Cha, thưởng thức được sự ngọt ngào của tình yêu Cha dành cho con.

Nguyễn Chính Kết



Tuesday, June 26, 2018

TN13b − Đức tin làm nên sức mạnh




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 13 Thường Niên

(1-7-2018)

Bài đào sâu

Đức tin làm nên sức mạnh




1. Đức tin cần thiết cho đời sống

Nói đến đức tin, rất nhiều Kitô hữu nghĩ đến một số những tín điều mình đang chấp nhận là đúng. Đức tin thật sự không phải là kết quả của việc chấp nhận xuông một số tín điều nào đó là đúng, hoặc là tuyên xưng những tín điều ấy ra một cách thật mạnh mẽ, rao giảng những tín điều ấy thật hùng hồn, như rất nhiều Kitô hữu đang làm. Rất nhiều Kitô hữu có thứ đức tin kiểu ấy. Nhưng đó không phải là đức tin đích thực. 

Đức tin đích thật phải là một lực mạnh mẽ từ nội tâm, thúc đẩy người tin phải hành động, bất chấp hy sinh hay đau khổ. Thánh Giacôbê nói: «Đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2,26). Nghĩa là đức tin đích thực thì tự nó phải hướng đến việc làm, nếu không có việc làm thì đó chỉ là thứ đức tin giả hiệu. 

Nhiều người tưởng mình có đức tin, nhưng thật ra đức tin của họ là đồ giả, vì nó chẳng đem lại một lợi ích thực tế nào cho đời sống của họ. Nghĩa là chẳng làm họ hạnh phúc hơn, mạnh mẽ hơn, yêu thương tha nhân hơn… Nếu có đức tin hay không có đức tin, đời sống của ta cũng chẳng thay đổi bao nhiêu, thì thứ đức tin ấy chỉ là đức tin giả hiệu. Nếu ta có đức tin đích thực, đức tin ấy sẽ làm đời sống ta thay đổi lớn lao.

Ta thử tưởng tượng một anh chàng chuyên môn ăn trộm. Khi có người nói cho anh biết gần nhà anh có một người rất giàu có với một gia tài kếch xù, và gia tài ấy đang được để trong một cái tủ chắc chắn trong nhà người ấy. Anh trộm ấy sẽ không hành động gì nếu anh cho rằng thông tin đó chỉ xác thực được 30, 40%. Nhưng nếu anh biết nguồn tin đó là xác thực, có thể đúng tới 80, 90%, thì anh bắt đầu ăn ngủ không yên. Lòng trí của anh không thể không tính toán xem có cách nào chiếm đoạt được kho tàng ấy. Và sau khi suy nghĩ ra kế hoạch an toàn nhất để xâm nhập nhà đó, anh ta không thể không hành động. Chắc chắn anh ta phải thực hiện dự tính của mình. 

Cũng thế, chúng ta không thể không hành động nếu chúng ta có đức tin thật sự.



2. Tác dụng của đức tin đích thực

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho thấy hiệu lực rõ rệt của đức tin đích thực. Nếu là đức tin đích thực, thì dù chỉ là một chút, cũng có tác dụng to lớn: «Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em» (Lc 17,6). Đương nhiên chúng ta không nên hiểu lời Kinh Thánh này theo nghĩa đen, vì Thánh Kinh hay dùng những hình ảnh cụ thể để diễn tả những thực tại trừu tượng. Câu trên có nghĩa: đức tin đích thực, dù chỉ nhỏ bé, cũng có tác dụng thật sự, khiến người có đức tin có được một năng lực hay sức mạnh tinh thần lớn lao để thực hiện được những việc mình muốn.

Không có đức tin, không cậy dựa vào Thiên Chúa, chúng ta không thể làm được gì, đúng như Đức Giêsu nói: «Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được»(Ga 15,5). Nhưng nếu tin vào Thiên Chúa, ta sẽ có năng lực để làm được tất cả mọi sự, như thánh Phaolô đã từng cảm nghiệm: «Tôi có thể làm được tất cả nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Vì lúc đó, năng lực mà tôi sử dụng không phải đến từ bản thân bất lực của tôi, mà đến từ Thiên Chúa, nguồn của mọi sức mạnh trong vũ trụ, là Đấng «không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37)

Lời Chúa rõ ràng như vậy, nên nếu ta không có đủ năng lực, chính là vì ta chưa có đức tin đích thực, mà chỉ có đức tin trên lý thuyết. Nghĩa là ta chỉ chấp nhận là đúng những gì Chúa hay Giáo Hội dạy, và ta chỉ tuyên xưng những điều đó ra ngoài miệng mà thôi, chứ chưa xác tín thật sự từ trong đáy lòng, và cũng chẳng biến thành hành động để đời sống ta khác với những kẻ không tin. Chỉ cần một chút thử thách là ta có thể nghi ngờ những điều đó ngay.



3.Những sự kiện trong Kinh Thánh về đức tin

Một vài sự kiện trong Kinh Thánh đáng chúng ta lưu ý suy gẫm:

a. Khi về Nazarét, Đức Giêsu không làm được nhiều phép lạ. Tin Mừng Matthêu nêu rõ lý do: «vì họ không tin» (Mt 13,58). Như vậy, điều kiện để phép lạ có thể xảy ra là phải có đức tin.

b. Khi chữa lành bệnh cho ai, Đức Giêsu không nói rằng «Tôi đã cứu anh», mà nói: «Đức tin của anh đã cứu anh» (Mt 9,22; Mc 5,34; Lc 8,48; Lc 17,19). Như vậy, đức tin là yếu tố chủ quan chính yếu nhất để ta được cứu hay làm được chuyện này việc kia.

c. Đức Maria được bà Êlizabét khen: «Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em» (Lc 1,45). Như vậy, điều khiến cho Đức Maria có phúc chính là Mẹ đã dám tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta cũng có phúc nếu chúng ta dám thật sự tin vào Thiên Chúa như Mẹ.

d. Khi Phêrô thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển, ông tin rằng ông cũng có thể đi trên mặt biển đến với Ngài, và với niềm tin ấy, ông đã đi trên mặt nước không khác gì đi trên mặt đất. Nhưng khi thấy gió thổi mạnh thì ông đâm ra nghi ngờ, đức tin của ông bị chao đảo. Chính vì thế ông bị chìm xuống (x. Mt 14,22-33). Điều đó cho thấy việc Phêrô đi được trên mặt nước hay bị chìm xuống là do đức tin của ông có mạnh mẽ hay không. Trường hợp này có thể nói: ông đi trên đức tin của ông, hay đức tin của ông chính là mặt đất nâng đỡ bước chân ông đi, cũng như nâng đỡ toàn bộ cuộc đời ông. Cũng vậy, khi đức tin ta vững vàng, đời sống nội tâm của ta luôn luôn an bình hạnh phúc bất chấp nghịch cảnh. Nhưng khi đức tin của ta bị chao đảo, đời sống của ta cũng bị chao đảo theo.

Phân tích những sự kiện Kinh Thánh trên, ta thấy: để thành tựu được một phép lạ, phải có hai yếu tố quan trọng: 
(1) quyền năng của Thiên Chúa và (2) lòng tin của con người vào quyền năng của Ngài. 
Thiếu một trong hai thì phép lạ không thể thành tựu được. Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa thì bao giờ cũng có, lúc nào cũng sẵn sàng tác động, không bao giờ thay đổi hay mất đi. Nên yếu tố thường hằng ấy không cần xét tới nữa. Vấn đề còn lại chỉ là lòng tin của con người. Phép lạ hay điều ta cầu xin Thiên Chúa có xảy ra hay không, hoàn toàn do ta: do ta có thật sự tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa hay không.


4. Hãy tự xét xem mình có đức tin đích thực không

Khi nói về đức tin, người Kitô hữu nào cũng đều tưởng rằng mình có đức tin. Nhưng trong thực tế, chỉ cần trải qua một vài thử thách nho nhỏ là ta có thể chứng tỏ mình có đức tin thật sự hay không. Lúc đó, nếu hồi tâm phản tỉnh, nhiều người sẽ khám phá ra mình hành xử chẳng khác gì người không có đức tin. Thông thường, người Kitô hữu nào cũng tuyên xưng mạnh mẽ vào sự quan phòng đầy tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, thậm chí rao giảng rất hùng hồn về niềm tin ấy. Chính vì tuyên xưng và rao giảng như thế, ta cứ ngỡ rằng mình tin rất vững vào sự quan phòng của Ngài. 

Nhưng khi tình yêu hay lương tâm ta đòi buộc phải hành động, phải hy sinh, phải chấp nhận nguy hiểm, hay khi gặp những giông tố của cuộc đời, bấy giờ ta mới thấy ta lo sợ đủ thứ và hành động y hệt như những kẻ không tin. Ta không dám phó thác vận mệnh của mình trong tay Thiên Chúa để có thể an tâm làm theo đòi hỏi của tình yêu hay lương tâm mình. Lúc ấy ta mới thấy niềm tin của ta rất mong manh, chỉ mong nó lớn «bằng hạt cải» thôi cũng không chắc đã được.

Nếu «ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?» (Nguyễn Công Trứ), thì cũng vậy, nếu không có những thử thách, khó khăn trong cuộc sống, người có đức tin và người không có đức tin chẳng khác nhau bao nhiêu. Nhưng chính trong những thử thách, giống tố của cuộc đời, người có đức tin đích thực sẽ chứng tỏ được đức tin của mình.



Sunday, June 24, 2018

TN13 - Đức tin rất cần thiết để ta có khả năng phục vụ tha nhân




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 13 Thường Niên

(1-7-2018)


Đức tin rất cần thiết
để ta có khả năng phục vụ tha nhân



ĐỌC LỜI CHÚA

  Kn 1,13-15; 2,23-24: (13) Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.

  2Cr 8,7.9.13-15: (9) Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. 

  TIN MỪNG: Mc 05,21-43

Ðức Giêsu chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Giaia sống lại

(21) Ðức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. (22) Có một ông trưởng hội đường tên là Giaia đi tới. Vừa thấy Ðức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, (23) và khẩn khoản nài xin: «Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.» (24) Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

(25) Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, (26) bao phen khổ sở vì chạy thầy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. (27) Ðược nghe đồn về Ðức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. (28) Vì bà tự nhủ: «Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.» (29) Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. (30) Ngay lúc đó, Ðức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: «Ai đã sờ vào áo tôi?» (31) Các môn đệ thưa: «Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?”» (32) Ðức Giêsu ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. (33) Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. (34) Người nói với bà ta: «Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.»

(35) Ðức Giêsu còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: «Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?» (36) Nhưng Ðức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: «Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.» (37) Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan. (38) Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Ðức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. (39) Người bước vào nhà và bảo họ: «Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Ðứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!» (40) Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. (41) Người cầm lấy tay nó và nói: «Talithakum», nghĩa là: «Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!» (42) Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. (43) Ðức Giêsu nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Yếu tố nào nơi Đức Giêsu khiến người dân tìm tụ tập quanh Ngài đông như thế?

2. Khả năng cứu giúp người khác một cách hữu hiệu đến từ đâu? Chúng ta có thể cứu giúp người khác cách hữu hiệu phần nào giống như Ngài không?
3. Nếu đức tin là cần thiết, thì làm sao để niềm tin của ta ngày càng mạnh mẽ hơn?


Suy tư gợi ý:

Đức Giêsu vừa từ bên này sông, xuống thuyền để sang bờ bên kia, thì «một đám rất đông tụ lại quanh Ngài» (Mc 5,21b). Và ngay sau đó, khi Ngài đi đến nhà ông Giaia, thì «Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người» (5,24b.31). Rất nhiều trường hợp khác cũng tương tự như vậy (x. Mt 4,25; 8,1; 9,36; 12,15; 13,2; 14,13-14; 15,30; 19,2; 20,29; 21,8; v.v...) Dường như Đức Giêsu đi đâu thì cũng hấp dẫn quần chúng đến với mình, trong đó có cả những người bệnh tật, những người đau khổ.



1. Tại sao người ta theo Đức Giêsu đông thế?

Quần chúng bị hấp dẫn không chỉ bởi lời giảng dạy khôn ngoan đầy sự thật của Ngài, vì «Ngài giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ» (Mt 7,29), mà còn vì cảm nhận được tình thương của Ngài dành cho họ. Thánh Matthêu viết: «thấy đám đông, Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt» (Mt 9,36). Tình thương này đã khiến Ngài luôn luôn xoa dịu những đau khổ của họ.

Nhân loại thời nào cũng chìm đắm trong đau khổ. Con người có đủ mọi thứ khổ: giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ; có địa vị cũng khổ, không có địa vị cũng khổ; có con cũng khổ, không có con cũng khổ; bệnh thì khổ đã đành, mà không bệnh cũng vẫn thấy khổ… Vì thế, biết ai có thể giúp mình thoát khổ thì mình sẽ chạy đến người ấy. Vì thế, sở dĩ rất đông người đi theo Đức Giêsu vì Ngài luôn luôn «chạnh lòng thương» những ai đau khổ (x. Mt 9,36; 14,14; 15,32; 20,34, v.v...)sẵn sàng cứu giúp họ, đồng thời Ngài cũng có quyền năng giúp họ thoát khổ.

Chung quanh ta cũng thế, có biết bao người đang đau khổ, nhiều người đau khổ tột cùng. Nhưng có được bao nhiêu người chạy đến với ta, hy vọng ta cứu giúp họ? Họ không hy vọng nơi ta, vì ta chưa có đủ lòng yêu thương để sẵn sàng hy sinh cứu giúp họ, và cũng vì ta không có khả năng cứu giúp họ nữa.



2. Điều kiện phải có để có thể cứu giúp tha nhân đau khổ

a) Muốn cứu giúp những người đau khổ, điều quan trọng trước tiên là chính ta phải yêu thương họ, phải «chạnh lòng» khi thấy họ đau khổ và thật sự muốn cứu giúp họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, đau khổ cho họ. Đó là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất phải có. Thiếu nó, thì dù ta có nhiều khả năng cứu giúp, chưa chắc ta đã chịu ra tay cứu giúp. Còn người ít khả năng, nhưng có tình thương vượt bực, vẫn có thể cứu giúp được. Thật vậy, tại sao một người mẹ dám chạy vào trong một căn nhà đang cháy để cứu con mình đang khi những người khác mạnh mẽ hơn lại không dám? Vì bà yêu thương con bằng một tình yêu mãnh liệt, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho con mình.

Đức Giêsu yêu thương mọi người đến nỗi sẵn sàng chịu đau khổ và chết cho họ. Tình yêu đích thực và mãnh liệt ấy đã thúc đẩy Ngài «đi tới đâu thì thi ân giáng phúc tới đó và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế» (Cv 10,38)

Điều quan trọng thứ hai là ta phải có khả năng cứu giúp họ. Không có khả năng ấy thì có muốn cứu giúp họ cũng không được. Nếu người mẹ vừa nói trên bị què chân không đi được thì dù có yêu con mãnh liệt, bà cũng không thể xông vào căn nhà cháy được. Nhưng làm sao để có khả năng cứu giúp ấy? Nhờ đâu mà Đức Giêsu có khả năng ấy?



3. Nhờ đâu mà Đức Giêsu có khả năng cứu giúp người khác?

Nếu có ai hỏi ta câu ấy, ta thường trả lời: Ngài là Thiên Chúa đầy quyền năng, làm gì mà chả được? vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37). Nói thế rất đúng, nhưng ta quên rằng Ngài cũng hoàn toàn là con người, cũng bị giới hạn như chúng ta khi Ngài nhập thể làm người. Ngài không còn vô hạn và quyền năng vô biên như bản tính Thiên Chúa của Ngài. Ngài cũng sợ hãi, cũng yếu đuối, mệt nhọc, buồn bã, cũng bị cám dỗ, cũng bị thử thách về đức tin, về lòng trung thành… như chúng ta. Nhưng tình thương của Ngài khiến Ngài đã cố gắng vượt qua những giới hạn, những yếu đuối ấy, và đã thành công. (Xin xem thêm chú thích ở cuối bài).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với những người được Ngài cứu giúp, chẳng hạn như với người đàn bà bị băng huyết: «Lòng tin của con đã cứu chữa con» (Mc 5,34), hay nói với ông Giaia: «Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi» (5,37)Như vậy, để được cứu giúp, đức tin là chuyện tối cần. Và đó cũng là điều kiện tối cần để có khả năng cứu giúp người khác. Tuy Thánh Kinh không nói trực tiếp như thế, nhưng ta có thể suy ra từ những lời của Đức Giêsu như: «Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em» (Lc 17,5-6).

Ngài nói ra câu ấy vì chính Ngài đã cảm nghiệm được chân lý ấy khi tin vào quyền năng của Thiên Chúa ở trong Ngài. Thánh Phaolô cũng nói: «Tôi có thể làm được tất cả, nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Cũng vậy, chúng ta có thể làm được tất cả nhờ tin vào quyền năng của Thiên Chúa trong bản thân chúng ta. Chính nhờ tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa, cộng với tình yêu và ý chí mãnh liệt muốn cứu giúp tha nhân mà Đức Giêsu có thể chữa lành bệnh tật, đuổi quỷ cho tha nhân, và làm cho người đã chết sống lại. 

Chúng ta chưa có sức mạnh, chưa làm được những gì chúng ta muốn, chính vì niềm tin vào Thiên Chúa của chúng ta quá yếu kém. Chúng ta chỉ tuyên xưng đức tin mạnh mẽ, rao giảng hùng hồn đức tin ấy, chứ thật sự chúng ta chưa tin đủ vào quyền năng của Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta nhiều khi chỉ là đức tin lý thuyết chứ chưa phải là đức tin sống động, đích thực.



4. Làm để có đức tin sống động, đích thực?

Muốn tin mãnh liệt và thật sự vào một người nào, ta phải thử nghiệm tính đáng tin của người ấy. Nếu không, ta chỉ là một kẻ cả tin và rất dễ bị lừa dối. Giả như ta là giám đốc một công ty, khi muốn nhận một ai làm quản lý tiền bạc cho mình, hay khi muốn làm ăn lớn với một người khác, ta phải làm gì? Ta cần thử nghiệm tính đáng tin của người đó. Sau khi thử nghiệm cách thật khéo léo, sáng suốt, ta mới dám tin người ấy. Chẳng hạn, ta thử tạo cho người ấy những cơ hội để họ có thể gian lận hay ăn trộm của mình. Ban đầu thử họ bằng một món tiền nhỏ, rồi đến những món tiền lớn hơn, rồi đến những món tiền thật lớn, nếu người ấy vẫn không hề tỏ ra một dấu hiệu muốn gian lận, thì ta mới dám nhận họ làm việc hay làm ăn với mình. Và trong quá trình làm việc hay làm ăn với họ, nếu họ vẫn tỏ ra ngay thẳng, chân thật, thì ta mới giao cho người ấy những công việc quan trọng hơn, hay làm ăn lớn hơn với người ấy.

Cũng vậy, muốn đức tin ta thật sự lớn mạnh chứ không chỉ lớn mạnh trên nguyên tắc hay lý thuyết, ta cũng phải sống đức tin của mình trong những chuyện rất cụ thể hằng ngày. Ban đầu ta cần thật sự dấn thân tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa trong những trường hợp nho nhỏ đòi hỏi sự tin tưởng phó thác. Chắc chắn ta sẽ cảm nghiệm được quyền năng của Ngài tỏ ra những trường hợp ấy nếu ta dám thật sự tin tưởng phó thác cho Ngài. Nhờ kinh nghiệm đó, ta dám dấn thân tin tưởng Ngài trong những trường hợp lớn hơn, và rồi sẽ cảm nghiệm được quyền năng của Ngài trong những trường hợp lớn hơn ấy. Cứ tiếp tục như thế, niềm tin của ta vào Thiên Chúa sẽ lớn mạnh theo thời gian. Nếu không thực nghiệm như vậy, đức tin của ta mãi mãi vẫn chỉ là thứ đức tin lý thuyết, chưa phải là thứ đức tin thực nghiệm và sống động.

Người viết bài này đã và đang thử nghiệm như vậy, nhờ đó ngày càng chứng nghiệm được sự hữu hiệu của niềm tin vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào việc tôi có «dám» dấn thân thật sự cho niềm tin trong những biến cố hay thử thách lớn hơn mà Ngài để xảy đến cho cuộc đời tôi hay không.

Đặc biệt trong những việc đòi hỏi tôi phải «dám» bất chấp nguy hiểm, bấp bênh … để dấn thân làm theo đòi hỏi của lương tâm, của thánh ý Ngài. Nếu tôi vẫn cố bám vào những bảo đảm của trần gian mà không dám liều làm theo thánh ý Ngài, tôi sẽ không chứng nghiệm được quyền năng của Ngài trong những trường hợp ấy, và niềm tin của tôi sẽ ngừng tại đấy, không phát triển nữa. Nhưng quả thật, bất cứ trường hợp dấn thân nào, tôi cũng đều nhận thấy quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện thật sự. Nhờ đó, đức tin của tôi ngày càng tăng trưởng và trở nên vững mạnh hơn.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, qua bài Tin Mừng hôm nay, con nhận ra rằng để được Cha cứu giúp, và để có thể cứu giúp được người khác, con cần có đủ đức tin vào tình thương và quyền năng của Cha, và đủ tình thương đối với những người cần con cứu giúp. Xin giúp con cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Cha, để đức tin của con trở nên mạnh mẽ hơn, và giúp con dám dấn thân nhiều hơn theo sự đòi hỏi của lương tâm và tình yêu đối với Cha và tha nhân, để con ngày càng cảm nghiệm rõ ràng hơn tình thương và quyền năng của Cha, hầu đức tin của con ngày càng mạnh mẽ hơn.

Nguyễn Chính Kết


Chú thích:

Thánh Kinh nói rất rõ về sự giới hạn của Đức Giêsu, Vị Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người, Ngài đã trút bỏ hầu hết tính vô biên, vô giới hạn của một vị Thiên Chúa.
● Ngài phải «mang thân phận yếu hèn» (2Cr 13,4; x. 1Tm 3,16)
● «Ngài đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện» (Dt 2,17)
● «Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội» (Dt 4,15);
● Thiên Chúa đã «sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta» (Rm 8,3b);
● «Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8).
Ngài bị giới hạn không khác gì chúng ta, như vậy Ngài mới trở thành gương mẫu cho chúng ta được. Nếu Ngài làm gì cũng được, không cần nỗ lực hay cố gắng gì cả, thì ta bắt chước Ngài sao nổi?
______________

Bấm vào đây để đọc bài đào sâu:
Đức tin làm nên sức mạnh
(http://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/06/tn13b.html)


Sunday, June 17, 2018

SN Gioan Tẩy Giả 2 − Lời chứng do chứng kiến hay cảm nghiệm thật sự mới có giá trị




CHIA SẺ TIN MỪNG

Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả

(24-6-2018)

Bài đào sâu

Lời chứng do chứng kiến
hay cảm nghiệm thật sự mới có giá trị




ĐỌC LỜI CHÚA


  TIN MỪNG: Ga 1,6-12

Gioan đến để làm chứng

(6) Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. (7) Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. (8) Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. (9) Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. (10) Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. (11) Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. (12) Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.




CHIA SẺ

Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trước Đức Giêsu để chuẩn bị cho Ngài đến. Sứ mạng và vai trò của ông là làm sứ giả và làm chứng cho Ngài trước dân chúng Do Thái. Ông đã hoàn thành sứ mạng ấy một cách tuyệt vời. Vì thế, Gioan Tẩy Giả là một mẫu gương và là thầy dạy chúng ta về việc làm chứng cho Thiên Chúa. 

Ta thử tìm hiểu cách làm chứng của Gioan để áp dụng trong cuộc đời Kitô hữu và chứng nhân của ta.



1. «Ông đến để làm chứng và làm chứng cho ánh sáng» (Ga 1,7)

Gioan Tẩy Giả sinh ra và sống trong thế gian là để làm chứng. Trong các tòa án, người làm chứng phải là người chứng kiến tận mắt sự việc xảy ra, và phải chịu trách nhiệm về lời chứng của mình. Nếu lời chứng bị phát hiện là gian dối, họ phải chịu một hình phạt của tòa án. Để lời chứng có giá trị, đôi khi người làm chứng phải thề để mọi người tin rằng điều mình nói là sự thật. Có những người sẵn sàng chấp nhận chịu những đau khổ khủng khiếp và cả cái chết để chứng tỏ lời chứng của mình là sự thật. Một lời chứng như thế thật đáng tin.

Người làm chứng phải là người có kinh nghiệm thật sự về điều mình làm chứng: hoặc thấy tận mắt sự việc, hoặc cảm nghiệm được sự việc. Nếu mình làm chứng về một điều mà mình chỉ nghe nói, nghe thuật lại, thì lời chứng của mình kém hẳn giá trị. Vì thế, để là một người làm chứng cho Thiên Chúa, thì chính người ấy phải có kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa, phải cảm nhận được tình yêu và quyền năng của Ngài trong đời sống mình. 

Nếu mình chỉ học được một mớ lý thuyết thần học, chỉ nghiên cứu Kinh Thánh hay Lời Chúa như một nhà khoa học nghiên cứu một bản văn, thì mình chưa đủ tư cách làm chứng. Nếu mình chỉ tin Thiên Chúa cách lý thuyết, chính mình chưa xác tín và thật sự sống điều mình làm chứng, thì mình chẳng thể sống chết cho niềm tin ấy, lời chứng của mình sẽ chẳng mấy giá trị

Do đó, chỉ những ai có kinh nghiệm thật sự về Thiên Chúa mới có thể làm chứng cho Ngài một cách hợp tình hợp lý mà thôi. Mình chưa có kinh nghiệm mà đã làm chứng, nhất là làm chứng một cách quả quyết, thì lời chứng ấy đã vượt quá khả năng của mình. Chẳng khác gì một người chỉ nghe nói một sự việc mà đã quả quyết 100% là sự việc ấy có thật như thể mình chứng kiến sự việc ấy.

Gioan đến để «làm chứng cho ánh sáng» (Ga 1,7b.8b). Ánh sáng tượng trưng những gì tích cực, như chân lý, công lý, tình thương… Ngược với ánh sáng là tối tăm. Tối tăm tượng trưng những gì tiêu cực như gian dối, bất công, hận thù… Người của ánh sáng không thể làm chứng cho tối tăm, cũng không thể đồng lõa với tối tăm bằng sự bất động, không phản ứng gì trước những gian dối, bất công, hận thù… Im lặng bất động trong những trường hợp này không phải là tư cách của một người làm chứng đích thực. 

Để làm chứng, đôi khi phải chấp nhận trả giá. Không chấp nhận trả giá thì lời chứng của mình không đáng tin. Chấp nhận trả giá càng cao, lời chứng càng giá trị, càng đáng tin. Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả, các tông đồ đã chấp nhận trả giá cho lời chứng của mình bằng cái chết. Chính vì thế, lời chứng của các ngài mới được thế giới tin theo.



2. Tinh thần xóa mình khi làm chứng

Thánh sử Gioan nói về Gioan Tẩy giả: «Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng» (Ga 1,8). Khi làm chứng cho ánh sáng, ông không tự đồng hóa mình với ánh sáng, không tự nhận mình là đại diện hay biểu trưng của ánh sáng để được mọi người nể trọng, và cũng không lợi dụng ánh sáng để tìm vinh danh hay lợi lộc cho mình. Ông chỉ biết sứ mạng của mình là làm chứng cho ánh sáng thôi. 

Khi làm chứng, người ta tưởng ông là Đấng Kitô. Ông thành thật nói mình không phải. Người ta nghĩ ông là một ngôn sứ, nhưng ông không tự nghĩ mình là ngôn sứ, mặc dù đời sau coi ông là ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước. Như vậy, tuy ông thực hành vai trò ngôn sứ, nhưng ông không hề tự phong cho mình danh hiệu ấy. Danh hiệu ngôn sứ là do người đời sau ban tặng cho ông. 

Ông hoàn toàn xóa mình, không tự coi mình là quan trọng, là một nhân vật cao cả. Ông chỉ tự xưng «là tiếng người hô trong hoang địa» (Ga 1,23), một người xem ra chẳng là gì cả, chẳng mấy ai quan tâm chú ý tới. Đối với Đức Giêsu, người mà ông làm chứng cho, ông luôn chủ trương: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30). Người làm chứng có chịu để cho mình nhỏ đi, thì người mình làm chứng mới lớn lên được!

Còn chúng ta, khi làm việc cho Chúa, làm tông đồ, ta muốn được mọi người tôn vinh, ta thích tự đề cao mình, tự phong cho mình một chức vụ quan trọng, tự xưng là đại diện cho một nhân vật cao cả để mọi người trọng vọng ta. Ta muốn mọi người phải gọi ta bằng danh này hiệu nọ, nếu không được thì ta buồn bực, khó chịu… Đang khi đó, có thể ta chẳng làm chứng cho Thiên Chúa, cho ánh sáng, cho chân lý hay công lý được bao nhiêu, là vì ta muốn mình lớn lên nên Ngài phải nhỏ đi. Trước mặt Thiên Chúa, có khi ta chẳng hơn ai, nhưng ta muốn mọi người phải kính nể ta và dành nhiều ưu đãi cho ta, chỉ vì ta nghĩ mình đang làm việc cho Thiên Chúa…


3. «Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết» (Ga 1,26)

Gioan muốn làm chứng về «một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết» (Ga 1,26). Rất có thể chính Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, trong chúng ta, bên cạnh chúng ta… mà chúng ta không mấy khi ý thức được. Thật vậy, ít khi ta ý thức Ngài đang hiện diện trong chính bản thân ta. Do đó, sự hiện diện của Ngài trong ta trở nên thụ động tương tự như khi Ngài ngủ trên thuyền của các tông đồ giữa cơn phong ba bão tố (x. Mt 8,23-27). Vì thế, giữa cuộc đời bão tố, ta vẫn cảm thấy cô đơn, lo lắng, sợ hãi, tưởng như chẳng ai sẵn sàng cứu giúp ta, chẳng ai tiếp sức mạnh cho ta, khiến ta vẫn yếu đuối, khiếp nhược. Ta vẫn muốn chạy đến cầu khẩn, van xin một Thiên Chúa, một Đức Giêsu ở bên ngoài ta, ở xa ta, qua trung gian một ai đó. Vì thế, ta không nhận được sức mạnh từ một Thiên Chúa ở trong ta.

Ngoài ra, Thiên Chúa còn hiện diện rất sống động bên cạnh ta, nơi những người đang sống quanh ta, nhưng ta không hề nghĩ đến sự hiện diện ấy. Ta vẫn không hề cảm nhận được Thiên Chúa đang ở nơi họ, để đối xử với họ như những hiện thân cụ thể của Ngài.

Do đó, Thiên Chúa đối với ta dường như vẫn rất trừu tượng, vô hình, im lặng, vắng mặt, không sao cảm nhận được! Và lời chứng của ta về Thiên Chúa vẫn là lời chứng của một người chỉ biết Ngài cách lý thuyết, vì chỉ nghe người khác nói về Ngài. Nên lời chứng ấy không phải là lời chứng sống động, mạnh dạn và đầy thuyết phục về một Thiên Chúa mà đúng ra chính ta phải cảm nhận được cách rất cụ thể.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhiều khi con tự hào rằng con là chứng nhân của Cha, của Thiên Chúa, của Đức Giêsu. Nhưng thật ra, con chưa có kinh nghiệm nhiều về Cha, về Thánh Thần, về Đức Giêsu, chưa có quan hệ mật thiết với Cha, với Đức Giêsu, và chưa gắn bó với Cha đến độ có thể sống chết vì Cha. Con chỉ biết và tin vào Cha cách lý thuyết sau khi đã học hỏi một mớ giáo lý hay thần học về Thiên Chúa, về Đức Giêsu một thời gian. Thế là con đã cảm thấy mình có thể làm chứng về Thiên Chúa, về Đức Giêsu cho mọi người, như một nhà làm chứng chuyên nghiệp. Nghĩ lại, nhiều khi con cảm thấy mình hơi hợm hĩnh. Xin Cha giúp con cảm nghiệm được đích thực về Cha, về Đức Giêsu đang sống động trong bản thân con và trong đời sống của con, đồng thời thật sự sống những gì con cảm nghiệm, để lời chứng của con trở nên xác đáng hơn, giá trị hơn, đáng tin hơn. Amen.


SN Gioan Tẩy Giả − Sống và làm chứng cho Tin Mừng quan trọng hơn rao giảng hay loan báo Tin Mừng




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

(24-6-2018)


Sống và làm chứng cho Tin Mừng
quan trọng hơn rao giảng
hay loan báo Tin Mừng 




ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 49,1-6: (1b) Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. (2) Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, đã giấu tôi dưới bàn tay của Người.

  Cv 13,22-26: (24) Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ítraen chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. (25) Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố : «Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người».

  TIN MỪNG: Lc 1,57-66.80

Gioan Tẩy Giả ra đời và chịu phép cắt bì

(57) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. (58) Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

(59) Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. (60) Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : «Không, phải đặt tên cháu là Gioan». (61) Họ bảo bà : «Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả». (62) Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. (63) Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : «Tên cháu là Gioan». Ai nấy đều bỡ ngỡ. (64) Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. (65) Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. (66) Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: «Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?» Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

(80) Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen.





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.  Giữa việc rao giảng và làm chứng, việc nào khó hơn, cần thiết hơn, đòi hỏi phải dấn thân và hy sinh nhiều hơn? Người Kitô hữu thường quan tâm hơn đến việc nào? Có cần sửa đổi gì trong cách suy nghĩ và hành động của chúng ta không? 
2. Nhân loại hiện nay –nhất là người nghèo, người chịu áp bức– mong Giáo Hội rao giảng chân lý và công lý cho họ, hay muốn Giáo Hội làm chứng cho chân lý, cho công lý và tình thương, bằng cách thật sự sống những gì mà Giáo Hội đang rao giảng để biến đổi thế giới nên tốt đẹp hơn? Trước mắt họ cần cái nào hơn? 
3. Nhờ đâu các ngôn sứ của Thiên Chúa dám mạnh dạn làm chứng cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý và tình thương, bất chấp thiệt thòi nguy hiểm?


Suy tư gợi ý:

1. Gioan Tẩy giả, một ngôn sứ dám làm chứng cho công lý

Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương: một đằng bị đế quốc Rôma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân muốn nổi loạn, đằng khác vị vua cai trị, Hêrôđê, là một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân. Hoàn cảnh xã hội thời của Gioan tương tự như thời CSVN hiện nay, có điều là ít tệ hại hơn thời CSVN hiện nay rất nhiều. Thời nay, dưới chế độ độc tài cộng sản, tội ác và bất công lớn hơn và phổ biến hơn thời Gioan rất nhiều. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, mong nhà vua trở về với đường ngay nẻo chính. Vì thế, ông đã bị nhà vua hãm hại (xem Mt 14,3-12; Mc 6:17-29).

Là Kitô hữu, chúng ta đều có chức năng ngôn sứ mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa. Nhưng đa số chúng ta có khuynh hướng chỉ muốn là ngôn sứ của chân lý, chứ không phải của công lý và tình thương. Chúng ta thường chỉ muốn rao giảng, tuyên xưng chân lý, nhất là những chân lý vô thưởng vô phạt, không đụng chạm đến ai, và chúng ta sẵn sàng kết án những đồng đạo nào có tư tưởng khác với những gì chúng ta cho là chân lý. Nhưng chúng ta lại không muốn hoặc không dám làm chứng cho những điều mình rao giảng, nhất là làm chứng cho công lý và tình thương. 

Điều ấy cũng dễ hiểu, vì rao giảng xuông thì dễ dàng, không đòi hỏi phải hy sinh và dấn thân cho bằng làm chứng. Chẳng hạn, rao giảng rằng bản chất của Kitô giáo là công bằng và bác ái, rằng công bằng là nền tảng của bác ái, rằng tình yêu là cao cả, là tuyệt vời, là quí giá, và mọi người phải yêu thương nhau, thì chẳng mất mát hay phải hy sinh gì nhiều. Nhưng chứng tỏ điều mình rao giảng ấy là xác thực, là chân lý, bằng chính đời sống của mình, thì phải chấp nhận mất mát, thiệt thòi và hy sinh, có khi phải hy sinh cả «nồi cơm», cả sự ổn định hay bình an của cuộc sống, thậm chí đôi khi cả mạng sống nữa (như trường hợp TGM Oscar Romero, TGM Nguyễn Kim Điền, v.v...).

Khổ một nỗi là hiện nay, tinh thần khoa học thực nghiệm của người thời đại đòi hỏi mọi phát biểu đều phải được chứng minh bằng hành động, bằng thực tế thì mới tạo được niềm tin. Thật vậy, làm sao tin được một người quảng cáo một thứ thuốc nào đó là tuyệt vời nhất, hữu hiệu nhất, tiết kiệm nhất, nhưng khi bị bệnh thì người ấy lại dùng một loại thuốc khác hẳn? Cũng vậy, ai mà tin được một người rao giảng rằng tình yêu là quí giá hơn tất cả, rằng cần thiết phải yêu thương nhau, nhưng chính người ấy lại đối xử với mọi người chẳng tình nghĩa chút nào? Nếu chính người rao giảng về tình yêu lại coi tình yêu không quí bằng những quyền lợi nhỏ nhoi, và sẵn sàng hy sinh tình nghĩa chứ không để bị mất quyền lợi, thì lời rao giảng ấy ai mà dám tin? Rất nhiều nơi trong Giáo Hội, việc loan báo Tin Mừng bị thất bại vì chúng ta chỉ biết rao giảng mà không dám làm chứng bằng đời sống cho điều mình rao giảng.


2. Do đâu mà người ngôn sứ lại dám làm chứng, bất chấp… nguy hiểm?

Người Kitô hữu không những phải làm chứng cho Thiên Chúa, cho Đức Giêsu, mà còn cho chân lý, cho công lý, cho tình yêu nữa. Mà muốn làm chứng thì phải dám chấp nhận thiệt thòi, mất mát, nguy hiểm. Làm ngôn sứ mà lại muốn được an toàn bản thân, và bảo toàn đủ mọi mặt những gì mình đang có, không muốn hy sinh hay mất mát điều gì, thì như thế chỉ có thể là «ngôn sứ kiểng» (dùng làm cảnh) mà thôi.

Nhưng chúng ta ai cũng cảm thấy mình yếu đuối, thì lấy can đảm hay dũng khí ở đâu để làm chứng? Các ngôn sứ nổi tiếng xưa có cảm thấy mình yếu đuối như chúng ta không? Điều gì khiến họ «dám»? 

Chúng ta hãy trở lại bài Tin Mừng hôm nay.


a. Tin vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa

Sức mạnh và lòng can đảm của người ngôn sứ hệ tại niềm tin vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy hai vợ chồng Dacaria và Êlisabét đều đã lớn tuổi đến nỗi không ai nghĩ được rằng họ còn có thể sinh con nữa, thế mà quyền năng Thiên Chúa đã thực hiện điều ấy. Vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37). Vả lại, Ngài luôn luôn quan phòng, không để chuyện gì xảy ra ngoài thánh ý Ngài, như Ngài đã quả quyết: «Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ» (Lc 12,7); Ngài cũng xáv định: «Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu!» (Lc 21:17-18)

Tuy nhiên, dù tin cậy nơi Chúa tới mức độ nào, người ngôn sứ vẫn luôn luôn có những nỗ lực riêng của mình, trong mọi trường hợp, vẫn luôn luôn cố gắng hết sức mình, và hành động với tất cả sự khôn ngoan mà Chúa ban cho mình, chứ không ỷ lại vào quyền năng và sự quan phòng của Chúa. Trong đời thường, người ngôn sứ vẫn luôn tập luyện bản thân, làm quen với gian khổ, để khi phải sống trong khó khăn, tâm hồn người ngôn sứ vẫn không hề nao núng. Gioan Tẩy giả đã tập sống kham khổ trong sa mạc ngay từ nhỏ. Còn Phaolô thì: «Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết» (Pl 4,13).


b. Tin vào sự khôn ngoan và hợp lý của Thiên Chúa

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: cứ theo sự hợp lý bình thường của con người, thì con ông Dacaria cũng phải tên là Dacaria (là tên của mọi người trong dòng họ) mới đúng. Nhưng Thiên Chúa lại yêu cầu ông đặt tên cho con là Gioan. Tại sao lại như thế thì lúc ấy chẳng ai hiểu được. Nhưng chắc chắn Thiên Chúa có lý của Ngài. Điều hợp lý đối với Thiên Chúa không hẳn đã là hợp lý đối với con người. Vì thế, đối với người tin yêu Thiên Chúa, thì vâng lời Ngài luôn luôn là khôn ngoan hơn là làm theo ý mình. Dacaria đã làm theo ý Chúa chứ không phải ý mình khiến mọi sự rốt cuộc đều tốt đẹp.

Khi làm mọi công việc, người ngôn sứ luôn nghĩ rằng mình chỉ là công cụ mà Thiên Chúa dùng để làm công việc của Ngài chứ không phải của mình. Mình làm ngôn sứ cho Ngài chứ không phải cho mình. Thiên Chúa luôn luôn là chủ, nên mọi việc mình làm cho Ngài đều phải theo thánh ý của Ngài, chứ không phải theo ý riêng của mình. Vì thế, người ngôn sứ luôn an tâm khi thấy mình đã hành động đúng với ý Chúa, được biểu hiện qua tiếng lương tâm và sự khôn ngoan Thiên Chúa ban cho mình, đồng thời qua những dấu chỉ thời đại (những sự kiện đã và đang xảy ra). Nếu chúng ta làm theo ý Chúa thì Ngài sẽ chịu trách nhiệm về mọi hậu quả do việc chúng ta làm. Và hậu quả xảy ra thế nào đều là do thánh ý của Ngài, người ngôn sứ không cần phải bận tâm hay thắc mắc. 


c. Có bàn tay Thiên Chúa trong cuộc đời ta

Thấy sự việc lạ lùng đối với trẻ Gioan, «ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em» (Lc 1,66). Người ngôn sứ khi làm công việc của Chúa chứ không phải của mình, thì luôn luôn có bàn tay Thiên Chúa ở với mình, phù hộ và hướng dẫn cuộc đời mình. Chỉ khi nào mình bắt đầu làm theo ý riêng mình, và làm vì mục đích của mình chứ không phải của Chúa khiến ta từ chối sự hướng dẫn của Chúa, thì ta mới bắt đầu mất đi sự khôn ngoan và phù trợ của Thiên Chúa. Gương của vua Saolê ngày xưa rất rõ nét về vấn đề này (xem 1Sm 15,24-28).

Niềm tin có bàn tay Thiên Chúa ở với mình là một trong những động lực mạnh nhất khiến các ngôn sứ – mặc dù bản tính có thể rất nhút nhát – vẫn dám làm những việc mà ngay cả người có bản tính can đảm tự nhiên vẫn không dám làm, miễn là việc đó là việc của Chúa, là việc mà lương tâm mình đòi buộc phải làm.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết can đảm như Gioan, dám sống ngay chính và dám làm chứng cho Cha, cho chân lý, công lý và tình thương giữa lòng thế giới đảo điên hôm nay. Xin giúp con biết tin cậy vào quyền năng vô biên và sự quan phòng đầy khôn ngoan của Cha, để con luôn an tâm và mạnh dạn khi thi hành chức vụ ngôn sứ mà Cha đã trao cho con, cũng như đã trao cho bất kỳ người Kitô hữu nào khi họ lãnh nhận phép Rửa. Amen