Monday, May 28, 2018

Lễ Mình Máu Thánh 2 − Đức Giêsu là lương thực tâm linh, làm sao ăn được lương thực tâm linh ấy?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa

(3-6-2018)

Bài đào sâu



Đức Giêsu là lương thực tâm linh, 
làm sao ăn được lương thực tâm linh ấy?


1. Hai loại sự sống, hai loại đồ ăn thức uống
Đức Giêsu nói về bánh hằng sống sau khi dân chúng đến tìm kiếm Ngài để mong Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều như Ngài vừa mới làm trước đó một ngày (x. Ga 6,1-15). Ngài biết rõ tâm ý họ khi đến với Ngài là để tìm của ăn vật chất: «Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê» (Ga 6,26). Lợi dụng việc họ tìm kiếm bánh vật chất, Đức Giêsu giới thiệu cho họ bánh hằng sống hay bánh tâm linh. Cũng như khi gặp người phụ nữ Samari muốn kín nước vật chất để uống, Đức Giêsu lợi dụng cơ hội này để giới thiệu nước hằng sống hay nước tâm linh. Bánh hay nước hằng sống đều chính là Đức Giêsu.
Thông thường, con người thời nào cũng ham mê tìm của ăn thức uống vật chất, là nhu cầu cấp thiết của con người về sự sống, vì không ai sống được mà không cần ăn hoặc uống. Ngoài mục đích duy trì sự sống thể chất, con người còn muốn hưởng thụ khoái lạc trong việc ăn uống và trong mọi phương diện thể chất khác nữa. Nói chung, con người quá mải mê lo lắng cho sự sống thể chất. 
Nhưng con người đâu chỉ có sự sống thể chất, mà còn một sự sống khác nữa quan trọng hơn gấp bội, đó là sự sống tâm linh. Sự sống thể chất kéo dài nhiều lắm chừng trăm năm, sự sống ấy dù hạnh phúc hay đau khổ thì cũng chỉ hạnh phúc hay đau khổ khoảng trăm năm, rồi chấm dứt. Còn sự sống tâm linh, là sự sống chủ yếu của con người, ngoài việc tạo cho sự sống thể chất một ý nghĩa, và làm cho sự sống thể chất hạnh phúc hay đau khổ hơn bội phần, còn là thứ sự sống kéo dài muôn đời. Nếu đời sống tâm linh đau khổ thì sẽ là đau khổ muôn đời, và nếu nó hạnh phúc thì cũng sẽ hạnh phúc muôn đời. 
Do đó, đúng ra con người phải quan tâm tới sự sống tâm linh nhiều hơn bội phần. Nếu sự sống thể chất có thức ăn thức uống để nuôi dưỡng và phát triển nó, thì sự sống tâm linh cũng có đồ ăn và thức uống riêng của nó. Đức Giêsu muốn giới thiệu và giúp con người ý thức về thứ đồ ăn thức uống nuôi dưỡng sự sống tâm linh ấy.

2. Đồ ăn thức uống tâm linh
Khi giới thiệu nước hằng sống, Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari: «Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời» (Ga 4,14). Còn giới thiệu về bánh hằng sống, Đức Giêsu nói: «Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống» (Ga 6,51)
Nghe câu ấy, lập tức người Do Thái hiểu ngay theo nghĩa đen: «Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?» (Ga 6,52). Cũng tương tự như người phụ nữ Samari: «Xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước» (Ga 4,15). Ngay cả các tông đồ đã được Đức Giêsu giáo dục mấy năm, khi nghe Ngài nói: «Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết» (Ga 4,32), cũng chỉ biết hiểu theo nghĩa đen. Họ sầm xì với nhau: «Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?» (Ga 3,33). Nhưng Đức Giêsu cho biết chữ «lương thực» mà Ngài dùng ở đây không có nghĩa vật chất: «Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người» (Ga 4,34).
Người hướng về vật chất mà hiểu về tâm linh thì ngây ngô làm sao! Làm sao tâm linh lại có thể sống bằng thức ăn vật chất được? Thức ăn cho tâm linh đương nhiên cũng phải là tâm linh! Và chỉ tâm linh mới ăn được thức ăn tâm linh thôi! Thể xác làm sao ăn được thức ăn tâm linh?
Thật vậy, giả như Đức Giêsu có lấy thịt và máu vật chất trong thân xác của Ngài cho con người ăn, thì thịt và máu ấy chỉ có thể nuôi sống thể xác họ, chứ làm sao nuôi sống tâm linh họ được? Cũng tương tự như việc gặp gỡ Đức Giêsu: gặp gỡ Ngài chỉ là gặp gỡ đích thực và có ích lợi nếu sự gặp gỡ đó là gặp gỡ bằng tâm linh. Nếu chỉ gặp gỡ mặt thể chất thì chẳng ích lợi gì cho tâm linh cả. Biết bao kinh sư Do Thái xưa đã từng gặp Ngài, nói chuyện với Ngài nhiều lần, nhưng sự gặp gỡ ấy có ích lợi gì cho tâm linh họ đâu?! Vì «hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng» (=Có duyên thì dù ở xa nhau ngàn dặm vẫn có thể gặp nhau, không có duyên thì dù có đối diện cũng không gặp nhau). Có duyên với nhau thì đã là gặp gỡ nhau trong tâm linh rồi!

3. Đức Giêsu là lương thực tâm linh
Đức Giêsu nói: «Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy» (Ga 6,55-56). Câu này phải hiểu thế nào? – Thịt và máu là cái gì chính yếu nhất cấu tạo nên con người, nên nó tượng trưng cho bản thân con người ấy. Thức ăn là vật dùng để nuôi sống. Nó hiện hữu không vì chính nó, mà hoàn toàn vì sự sống của người ăn nó. Không gì mang tính vị tha bằng thức ăn. Đức Giêsu hiện hữu tại trần gian không phải vì bản thân Ngài, mà vì sự sống vĩnh cửu của con người. Nên một cách nào đó, Ngài chính là thức ăn cho sự sống vĩnh cửu của trần gian

Ý nghĩa ấy còn trở nên rõ ràng hơn khi Ngài nói trong bữa tiệc ly: «Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy» (Mt 26,26), «Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội» (Mt 26,28). Chung quy lại là Ngài chết vì sự sống của con người. Vì thế, Ngài đã trở nên của ăn để nhân loại được sống. Ngài đã trở nên «chiếc bánh bị ăn», nói theo ngôn từ của linh mục Prado.

4. Phải dùng thức ăn tâm linh thế nào?
Đức Giêsu chính là lương thực tâm linh, nhưng ăn Ngài thế nào là cả một vấn đề cần phải nắm vững. Nhiều Kitô hữu quan niệm rằng cứ nuốt Đức Giêsu vào bụng một cách vật chất dưới hình dạng bánh thánh, thì chính là ăn Ngài, nhờ đó ích lợi cho linh hồn và đời sống tâm linh mình. Bánh và rượu sau khi được linh mục chủ tế truyền phép thì trở nên thịt và máu Đức Giêsu như chúng ta và toàn Giáo Hội tuyên xưng, nhưng hành động ăn Đức Giêsu dưới dạng vật chất −nghĩa là thịt thật, máu thật− cũng cần phải được thực hiện một cách tâm linh từ trong nội tâm. Điều quan trọng là phải có hành động ăn Ngài một cách tâm linh ở bên trong thì hành động ăn một cách thể chất kia mới thật sự có ý nghĩa và đem lại lợi ích thật sự cho tâm linh.
Ăn uống Mình và Máu Đức Giêsu chính là nội tâm hóa Ngài, biến Ngài thành bản thân ta.
• Nội tâm hóa Ngài là gì? – Trước đây, ta quan niệm Đức Giêsu như là một con người hoàn toàn ở bên ngoài ta. Việc Ngài sinh ra, sống, chịu đau khổ, chết đi và sống lại đều là những biến cố độc lập xảy ra bên ngoài bản thân ta, tương tự như bao biến cố lịch sử khác. Nội tâm hóa Đức Giêsu là làm cho Ngài trở thành thực tại sống động ở ngay trong ta, có khả năng ảnh hưởng thật sự trên mọi quan niệm, tư tưởng, lời nói, hành vi của ta. Những biến cố trong cuộc đời Ngài không còn là những biến cố xảy ra trong quá khứ bên ngoài ta, mà là đang xảy ra cách sống động trong ta, tại đây và lúc này .
• Biến Ngài thành bản thân ta là gì? – Khi ta ăn một thức ăn gì, thức ăn đó sẽ được tiêu hóa để trở thành máu xương, da thịt của ta. Nghĩa là thức ăn đó sẽ trở thành cái gì đó của ta, thành bản thân ta. Cũng vậy, ăn Đức Giêsu là biến Đức Giêsu trở thành một phần của bản thân ta. Nghĩa là: con người của Ngài, cùng với quan niệm, tư tưởng, cách nói năng, cách hành xử thấm nhuần yêu thương của Ngài sẽ trở thành con người ta, thành quan niệm, tư tưởng, cách nói năng, cách hành xử thấm nhuần yêu thương của ta. Và đến một lúc nào đó, ta có thể nói được: «Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20).
Cuối cùng, ta trở thành một con người được nội tâm hóa, được tâm linh hóa, hay được kitô hóa, thành một «con người mới» (Ep 4,24; Cl 3,10), «thụ tạo mới» (2Cr 5,17; Gl 6,15), với một «đời sống mới» (Rm 6,4; 8,11) và «tinh thần mới» (Rm 7,6), chủ yếu «sống theo thần khí» (=sống bằng tinh thần, sống nội tâm, có đời sống tâm linh) hơn là «sống theo xác thịt» (Rm 8,4-6; 1Cr 3,1; Gl 5,17). Lúc đó ta mới cảm nghiệm được thiên đàng tại thế là gì? Và Thiên Chúa hay Đức Giêsu dịu ngọt dường bao!
Đức Giêsu chính là của ăn tâm linh. Biết bao người biết rất rõ điều ấy, nhưng đã hiểu điều ấy một cách rất vật chất, nên đã chẳng «ăn» được Ngài. Vì «ăn» Ngài một cách rất vật chất, nên suốt bao năm «ăn» Ngài, tâm linh ta chẳng tiến bộ được bao nhiêu. Ta vẫn «sống theo xác thịt» chẳng khác gì bao người chưa hề «ăn» Ngài. Tệ nhất là thay vì «ăn» Ngài, hoặc bắt chước Ngài trở nên «bánh» cho người khác «ăn» (ý tưởng của linh mục Prado), thì ta lại «ăn» người khác, bắt người khác phải hy sinh và chịu đau khổ, thiệt thòi vì mình. 

Điều kỳ diệu là tâm linh ta chỉ mạnh mẽ lên khi ta «ăn» Ngài hoặc trở nên «bánh» cho người khác «ăn» mình; và trở nên yếu đuối hoặc bị bệnh trầm trọng khi ta lại «ăn» người khác. Xin Chúa giúp chúng ta biết cách «ăn» thức ăn tâm linh bằng chính tâm linh của ta chứ không phải bằng thể xác của ta; đồng thời biết trở nên «bánh» cho mọi người cùng «ăn». Có thế ta mới nhận được sức mạnh tâm linh thật sự từ Thiên Chúa, qua Đức Giêsu.


Nguyễn Chính Kết


Sunday, May 27, 2018

Lễ Mình Máu Thánh − Lễ toàn thiêu của Đức Giêsu biểu lộ tình yêu của Ngài: vừa đối với Thiên Chúa, vừa đối với con người




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa

(3-6-2018)


Lễ toàn thiêu của Đức Giêsu
cho thấy tình yêu vô biên của Ngài:
vừa đối với Thiên Chúa, vừa đối với con người




ĐỌC LỜI CHÚA

  Xh 24,3-8: (5) Ông Môsê sai các thanh niên trong dân Ítraen dâng những lễ toàn thiêu. (8) Ông lấy máu rảy lên dân và nói: «Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em».

  Dt 9,11-15: (14) Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.


  TIN MỪNG: Mc 14,12-16.22-26

Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua

(12) Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: «Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?» (13) Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: «Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. (14) Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?” (15) Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta». (16) Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua. 




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể khi ăn mừng lễ Vượt Qua, và Ngài cũng tử nạn và phục sinh vào dịp đại lễ này? Điều đó có ý nghĩa gì? 
2. Khác với lễ vật bị đốt cháy hoàn toàn trong hy lễ toàn thiêu, con chiên bị sát tế vào dịp lễ Vượt Qua lại trở nên của ăn cho con người. Bạn có nhìn thấy tương quan giữa hy lễ thập giá và bí tích Thánh Thể không? 
3. Đức Giêsu không chỉ chịu đau khổ và chết cho con người, mà còn trở nên của ăn cho họ. Bạn có thấy đó là mẫu gương để chúng ta bắt chước không?


Suy tư gợi ý:

1. Sự trùng hợp giữa ba biến cố quan trọng

Đã đến thời điểm Đức Giêsu phải sát tế chính bản thân mình làm lễ vật hy sinh để thờ phượng Thiên Chúa và đền tội thay cho toàn thể nhân loại. Thời điểm ấy trùng vào dịp mừng lễ Vượt qua hàng năm của người Do-thái. Và cũng nhân dịp này Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể, ngay trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua với các tông đồ. Sự trùng hợp giữa ba biến cố này –lễ Vượt Qua, việc lập bí tích Thánh Thể, và cuộc tử nạn phục sinh của Đức Giêsu– ắt phải có một ý nghĩa rất lớn, và ba biến cố này ắt phải liên hệ với nhau rất mật thiết. Chúng ta hãy tìm hiểu.



2. Lễ Vượt Qua của người Do-thái

Đại lễ này bắt nguồn từ biến cố Thiên Chúa giải phóng dân Do-thái khỏi ách thống trị của Ai Cập, xảy ra trước Đức Giêsu khoảng 1250 năm (x. Xh 7,8–15,21). Nhờ sự can thiệp giải phóng của Thiên Chúa, dân Do-thái được vượt từ cảnh nô lệ qua tự do

Đức Giêsu cũng đến để giải phóng con người, làm cho họ vượt từ ách nô lệ tội lỗi và ma quỉ qua tình trạng tự do của con cái Thiên Chúa, vượt từ tình trạng chết trong tội lỗi qua tình trạng sống trong ân sủng, vượt từ đau khổ qua hạnh phúc. Ngài thực hiện sự giải phóng đó bằng cả cuộc đời của một vị Thiên-Chúa-Nhập-Thể, đặc biệt bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. 

Cuộc tử nạn và phục sinh này cũng là một cuộc vượt qua: vượt từ cõi chết qua cõi sống, từ tình trạng hay hư nát qua tình trạng bất diệt. Như vậy, cuộc vượt qua của dân Do-thái qua Biển Đỏ là biến cố đi trước làm hình bóng hay ẩn dụ cho cuộc vượt qua của Đức Giêsu, cũng là cuộc vượt qua của những ai tin vào Ngài: vượt từ cảnh nô lệ tội lỗi qua cảnh tự do của con cái Thiên Chúa. Vì thế, việc Đức Giêsu chọn thời điểm mừng lễ Vượt Qua để thực hiện cuộc tử nạn và phục sinh của mình bao hàm một ý nghĩa hết sức sâu xa.



3. Hy tế toàn thiêu và hy tế chiên vượt qua

Để cứu chuộc và giải phóng nhân loại, Đức Giêsu phải trả giá bằng đau khổ tột cùng và chết thê thảm như một lễ vật bị sát tế dâng lên Thiên Chúa. Để hiểu được sự đau khổ và cái chết của Đức Giêsu là một hy tế thờ phượng Thiên Chúa Cha và đền tội nhân loại, và để hiểu được việc lập bí tích Thánh Thể như một của ăn tâm linh mà Đức Giêsu để lại khi bị sát tế như một lễ vật, chúng ta cần hiểu sự khác biệt giữa lễ hy sinh toàn thiêulễ sát tế chiên Vượt Qua của người Do-thái.


Hy lễ toàn thiêu: 

Ngày xưa –ít nhất kể từ ông Nôê trở về sau (x. St 8,20)– dân Do-thái thờ phượng Thiên Chúa bằng cách dâng lên Ngài những hy lễ toàn thiêu. Theo tập tục được đặt ra sau này từ thời Môsê, thì người muốn dâng hy lễ toàn thiêu phải đặt tay trên con vật khi nó bị giết để nói lên mình là người chủ muốn dâng lễ vật ấy. Vị tư tế lấy máu của con vật rẩy quanh bàn thờ. Rồi con vật được chặt ra thành mảnh. Vị tư tế đặt các mảnh thịt lên bàn thờ để thiêu hủy hoàn toàn, chứ không phải thiêu cho chín để sau đó đem ăn. 

Ý nghĩa của lễ toàn thiêu là con người muốn biểu lộ sự toàn phục của mình đối với Thiên Chúa, là Chúa Tể của vũ trụ, có toàn quyền sinh sát trên toàn thể tạo vật. Đáng lẽ con người phải tự sát tế chính mình, nhưng nếu như thế, con người sẽ phải chết, là điều Thiên Chúa không muốn. Vì thế, con người dùng một con vật nào đó tượng trưng cho sinh mạng của mình để giết và thiêu cháy hoàn toàn. Điều này muốn nói lên lòng thành của con người, không tiếc với Thiên Chúa điều gì, vì tất cả đều thuộc về Ngài. Lễ vật toàn thiêu vừa để thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa, vừa để đền tội và xin ơn cho mình.


Hy lễ sát tế chiên Vượt Qua: 

Nhưng trước ngày giải phóng dân Do-thái khỏi ách nô lệ Ai Cập, Thiên Chúa truyền dạy một hình thức sát tế mới được thực hiện vào các dịp đại lễ Vượt Qua hàng năm. Cách hy tế mới khác với cách cũ ở chỗ: trong hy tế cũ –tức hy lễ toàn thiêu– thì lễ vật bị thiêu hủy hoàn toàn, còn trong hy lễ Vượt Qua thì lễ vật cũng bị sát tế, nhưng không bị thiêu hủy hoàn toàn: thịt con vật chỉ được nướng lên để sau đó con người ăn nó (xem Xh 12,3-14). Trong nghi thức sát tế mới này con người cũng được dự phần vào lễ vật, và lễ vật trở thành của ăn nuôi dưỡng con người. Đây chính là hình bóng hay ẩn dụ cho bí tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập vào dịp này.



4. Cuộc tử nạn của Đức Giêsu với hy lễ Thánh Thể

Cuộc tử nạn của Đức Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Ngài vừa là chủ dâng, vừa là tư tế, vừa là lễ vật. Bình thường ba khoản này khác nhau; tuy nhiên, cũng có thể chủ dâng cũng là tư tế, nhưng cả hai người ấy dường như không bao giờ lại là lễ vật. Vì lễ vật là đối tượng bị giết, chịu đau khổ và chết thay cho chủ dâng hay thay cho kẻ có tội phải đền mạng. 

Trong hy lễ toàn thiêu này, Đức Giêsu tự nguyện làm lễ vật bị sát tế, chẳng những để thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa thay cho con người, mà còn để đền tội cho toàn thể nhân loại, đồng thời xin ơn tha thứ cho họ. Sự tự nguyện khủng khiếp này chỉ có thể phát xuất từ tình yêu cao cả đối với Thiên Chúa và đối với toàn thể con người, đồng thời từ sự toàn phục đối với Thiên Chúa Cha.

Nhưng hy lễ này, Đức Giêsu không muốn thực hiện theo kiểu hy lễ toàn thiêu, trong đó lễ vật hoàn toàn bị thiêu hủy. Kiểu hy tế ấy biểu hiện tính «vì Thiên Chúa» một cách triệt để. Nhưng Ngài muốn thực hiện hy lễ của Ngài theo kiểu hy lễ chiên vượt qua, trong đó lễ vật ngoài việc dâng hiến cho Thiên Chúa, còn trở nên của ăn cho con người. Kiểu hy tế của Ngài mang tính hai chiều: vừa «vì Thiên Chúa» mà cũng vừa «vì con người». Đó là hai chiều kích căn bản trong việc nhập thể của Ngài và trong Giao Ước Mới do Ngài thiết lập. Khi tự nguyện làm lễ vật bị giết, Ngài chọn chết trên thập giá –là bàn thờ của hy tế này– được cấu tạo bằng hai chiều: ngang và dọc, tượng trưng cho hai chiều kích căn bản ấy.



5. Tình yêu Đức Giêsu dành cho con người

Vì thế, trước khi ra đi chịu tử hình thập giá, tự nguyện làm «Con Chiên Vượt Qua» bị sát tế, Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy −là chính Ngài− trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người. 

Tôi thật xúc động khi nghĩ đến điều này. Ngài vốn là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài lại yêu thương con người chúng ta vô hạn. Tình yêu của Ngài đối với chúng ta là một đối trọng cho tình yêu của Ngài đối với Thiên Chúa. Và chính Thiên Chúa cũng hài lòng khi thấy Con mình chia sẻ cho nhân loại tình yêu mà đáng lẽ phải dành trọn vẹn cho mình. Tại sao? Chính vì Thiên Chúa cũng yêu thương con người

Điều này có phần nào tương tự như người chồng đòi hỏi người vợ phải dành trọn vẹn tình yêu và sự trìu mến cho mình, nhưng lại rất hài lòng khi thấy vợ mình chia sẻ tình yêu và sự trìu mến ấy cho con cái, vì chính người chồng cũng yêu thương con cái không kém gì người vợ. Như vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa đã chia sẻ cho chúng ta tình yêu mà đáng lẽ các Ngài phải dành trọn vẹn cho nhau. Điều đó chúng ta thấy được nơi Đức Giêsu.

Ngài đến thế gian không chỉ nghĩ đến việc thi hành thánh ý Chúa Cha, đến việc biểu lộ tình yêu, sự vâng phục đối với Chúa Cha, mà còn nghĩ rất nhiều đến con người, đến việc sáng kiến ra những điều Ngài có thể làm cho con người. Ngài yêu con người, chắc chắn không chỉ vì con người là tạo vật của Thiên Chúa được nâng lên hàng con cái Ngài, mà còn vì thấy con người rất đáng thương, quá đau khổ do tội lỗi

Càng chia sẻ đau khổ với con người, càng cảm nghiệm được sự dày vò khó chịu của đau khổ, Ngài càng yêu thương con người hơn. Tình yêu đầy tính cảm thông đó khiến Ngài không chỉ đau khổ và chết thay cho chúng ta, mà còn mà trở nên của ăn để nuôi dưỡng chúng ta, để ở lại với chúng ta, để có thể ban sức mạnh thần thiêng cho chúng ta, để đời sống chúng ta nên mạnh mẽ, hạnh phúc hơn.



6. Áp dụng tinh thần yêu thương của Đức Giêsu vào đời sống 

Thiên Chúa cảm thông và yêu thương chúng ta như vậy, lẽ nào chúng ta lại không cảm thông và yêu thương nhau? Tình yêu của Đức Giêsu có hai chiều kích: yêu Thiên Chúa và thương con người, lẽ nào chúng ta cùng là con người với nhau lại chỉ quan tâm đến Thiên Chúa mà không quan tâm đến nhau? Là một Thiên Chúa yêu thương, chắc chắn Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau, quan tâm đến nhau hơn là quan tâm đến Ngài. Tại sao? Vì những người chung quanh chúng ta cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta hơn Ngài rất nhiều. Ngài không ích kỷ đến nỗi muốn chúng ta dành trọn tình yêu cho Ngài, mà muốn chúng ta chia sẻ tình yêu ấy cho tha nhân chung quanh chúng ta càng nhiều càng tốt.

Ngài là Thiên Chúa –Đấng không thiếu thốn sự gì và cũng không hề ích kỷ, không hề ghen tương khi chúng ta yêu thương tha nhân bằng một tình yêu vị tha− Ngài không cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta cho bằng những người chung quanh đang sống với chúng ta cần đến tình yêu và sự quan tâm của chúng ta. Tại sao chúng ta lại quá quan tâm tới Ngài mà bỏ rơi anh chị em mình? Trong thực tế, chính khi ta yêu thương và quan tâm đến anh chị em mình, là chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Điều này đã quá rõ ràng trong Kinh Thánh (x. Mt 25,40/45; Ga 13,1Ga 4,20-21; 5,1; 2Cr 2,8; Rm 13,8.10; Gl5,14; Gc 2,8). Nếu yêu mến Thiên Chúa thì hãy bắt chước Đức Giêsu: chẳng những chấp nhận chịu khổ để anh chị em mình đỡ khổ, mà còn trở nên «của ăn» cho anh chị em mình nữa.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu là Thiên Chúa mà lại yêu thương con người như vậy, đang khi chúng con cùng là con người với nhau, cùng chịu đau khổ như nhau, mà chúng con lại không thông cảm với nhau, không yêu thương nhau, không quan tâm tới nhau. Chúng con quá ích kỷ, tình yêu của chúng con quá nghèo nàn. Chúng con phải củng cố tình yêu của chúng con đối với nhau, nhất là đối với những người cần chúng con yêu thương và cần sự quan tâm của chúng con.



Thursday, May 24, 2018

Vấn đề độc thân của các linh mục



Vấn đề độc thân của các linh mục

Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

«Càng sống trong trắng, chí khí càng vững, vì đã được rèn luyện qua nhiều trận anh dũng » (ĐHV 459).

Nhiều lần chúng tôi đã nghe đề cập đến vấn đề sống độc thân của các linh mục. Đối với giáo dân Việt Nam và đại đa số giáo dân trên thế giới thì đó là điều được mọi người tự nhiên chấp nhận và đòi hỏi: «Người tận hiến cho Chúa thì phải dâng tất cả cuộc đời để làm chứng nhân tình yêu vô hạn của Chúa, và để đủ điều kiện phục vụ dân Chúa cách tích cực, hữu hiệu hơn» .

 Trước tiên cần xác định như sau: «Sống độc thân không chỉ có giá trị thuần siêu nhiên, mà cả trong địa hạt nhân bản nữa. Người sống độc thân không trực tiếp nhằm đến việc từ chối hôn nhân, nhưng coi độc thân là điều kiện để quy hướng con tim về một đích điểm khác hẳn một thiếu nữ, tức là Nước Thiên Chúa» .

Họ tìm thực  hiện bản ngã, và điều ấy làm họ vui sướng, thỏa mãn con tim trong Chúa Kitô. Một thái độ rất «người» với một nguyên do siêu việt! Khi nói rằng đời độc thân thánh hiến là dấu chỉ cuộc sống vĩnh cửu, điều ấy không ám chỉ đến một sự trốn thoát cuộc sống hiện tại. Vì cuộc sống vĩnh cửu, chính là Nước Thiên Chúa, là sự hiện diện của hồng ân Thiên Chúa ngay trong đời sống hiện tại, một sự hiện diện thúc đẩy con người mong ước hiến trọn tình yêu.

 Độc thân và hôn nhân là hai tiếng gọi, hai ngã đường khác nhau để thực hiện lời mời gọi của Chúa Kitô:

«Hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo» (Mt 5,48).

Nhưng sở dĩ truyền thống vẫn cho bậc độc thân thánh hiến là cao trổi hơn bậc sống đôi bạn, là vì truyền thống không xét đến phương diện cá nhân: mỗi người đều hoàn hảo nếu thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Kitô, nhưng xét đến bình diện thực hiện cuộc sống vĩnh cửu, mà cuộc sống vĩnh cửu giá trị hơn cuộc sống trần gian rất mực. Do đó sứ mạng của đời sống độc thân là ôm trọn đời sống vĩnh cửu và đem tỏ lộ cho trần gian.

 Đời sống độc thân có ý nghĩa và sứ mệnh tuyệt vời như thế, nhưng cũng không thiếu những tranh luận, chống đối xảy ra trong lòng Hội Thánh, nhất là trong thời đại hậu Công đồng Vatican II và sau ngày Thông điệp «Sacerdotalis coelibatus»  của Đức Phao lô VI (24.6.1967) ra mắt. Nhiều linh mục đã bỏ ra đi. Nhiều giáo dân lên tiếng đề nghị:

«Cứ làm như bên giáo hội Tin lành và giáo hội Chính thống: chấp nhận cho Mục sư và linh mục của họ được tự do sống độc thân hay lập gia đình. Như thế có phải là đơn giản hơn không!»

 Thay vì tranh biện với kiểu luận lý sơ sài như trên, ta hãy nghe đôi lời tâm sự của các bậc có uy tín trong vấn đề độc thân nói lên kinh nghiệm của họ.

 Mục sư Jungmann nói: «Quý vị đừng có chỉ nghĩ Giáo Hội Công giáo của quý vị gặp khủng hoảng. Bên Tin lành chúng tôi còn gặp khủng hoảng hơn bên quý vị rất nhiều!»

 Trong một cuộc họp mặt giữa các Linh mục Công giáo và các Mục sư Tin lành, một Mục sư đã nói cảm tưởng của mình về đời sống độc thân như sau:

«Tôi bắt đầu hiểu giá trị đời sống độc thân trong Giáo Hội Công giáo. Tôi cảm thấy các cha là anh em với nhau và tạo nên một gia đình thực sự. Chúng tôi không thể nói như thế đối với chúng tôi...

«Nếu một Mục sư nào đó thành công, tôi không sung sướng gì, nếu một Mục sư nào đó đau khổ, tôi không đau khổ với họ... Giữa chúng tôi không có bầu khí gia đình, họa chăng chỉ có giữa vợ chồng chúng tôi thôi!»

 Dịp Thượng Hội Đồng Giám mục năm 1971, trong đó hai vấn đề chính là thừa tác vụ của linh mục và công bình trên thế giới, Đức Tổng Giám mục Công giáo ở Beyrouth (Liban) đã tâm sự những lời sau đây:

«Các Đức Cha hãy cố giữ lấy kho tàng quý báu của Giáo Hội La tinh, tức là luật độc thân linh mục. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm nhiều trong vấn đề này, vì giáo phận tôi, giáo phận theo nghi thức Đông phương, có những linh mục độc thân và những linh mục lập gia đình. Lắm vấn đề phức tạp mà quý vị không thể tưởng tượng được!

«Các giáo phận Công giáo chúng tôi, cũng như bên Chính thống, luôn luôn ở Toà Giám mục có mấy cha độc thân để dự phòng sau này làm Giám mục kế vị chúng tôi, vì Giáo luật đòi buộc các Giám mục phải độc thân, không có gia đình.

«Lại còn phức tạp do luật buộc linh mục chỉ được kết hôn một lần trước khi chịu chức thánh; có những trường hợp linh mục mới 30 tuổi, 35 tuổi mà đã goá vợ, tay bồng tay bế, lũ con nheo nhóc không ai nuôi dưỡng. Thực là nan giải!

 «Đối với các giáo phận có một linh mục qua đời để lại một gia đình neo đơn, con thơ vợ dại thì thực là một gánh nặng tài chánh rắc rối. Bên Giáo Hội La tinh, một linh mục chết rồi chẳng phải giải quyết gì cho gia đình cả!

 «Trong lãnh vực mục vụ càng phức tạp hơn: mặc dù tập quán linh mục đã có từ xưa truyền lại, giáo dân vẫn quí mến linh mục độc thân hơn: các ngài có ở xa hoặc đi đến đâu, họ cũng tìm cách gặp gỡ để xin lễ, xưng tội.

 «Linh mục có gia đình chỉ phục vụ trọn vẹn trong ngày chúa nhật, còn những ngày khác thì đi làm ăn để chu cấp cho gia đình. Như thế làm sao tiếp xúc được với đồng đạo giáo dân?

 «Thuyên chuyển một linh mục có gia đình thật là một vấn đề khó khăn. Được lệnh ông sẽ bảo: Con sẵn sàng đi nhưng nhà con đang mắc làm việc ở công sở kia, các cháu lại đang theo học ở trường nọ, gia đình con không nhất trí đến địa phương ấy!

«Lắm lúc vị linh mục ấy thì tốt, nhưng bà vợ hoặc con cái chưa nói là xấu, chỉ nói là giáo dân không có thiện cảm, thì cũng đủ để họ ghét luôn ông linh mục, rồi dần xa việc đạo; trường hợp xảy ra sự thù hằn thì họ mất đức tin luôn!

«Mà nếu thuyên chuyển vị linh mục ấy không được thì cha truyền con nối, tiếp tục giữ nhà xứ thế hệ này sang thế hệ khác, làm sao giáo xứ phải chịu sự áp bức của một gia đình, nên đời sống đạo hạnh sa sút không thể tưởng.»

Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

_______________

Ghi chú: 


Bản văn của Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận được viết dưới thời Đức Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, là vị giáo hoàng kiên quyết với lập trường «linh mục độc thân», nên bài viết cùng những lập luận trong đó phản ánh lập trường của vị chủ chăn toàn Giáo Hội.

Rất tiếc bản văn chỉ trình bày một chiều, không đưa ra những quan điểm trái chiều để độc giả có thể so sánh.

Để có một cái nhìn khách quan và trung dung hơn, ta cần nhìn nhận rằng lập trường nào cũng đều có những lý luận mà người chủ trương cho rằng hợp lý. Và phương cách nào −độc thân hay không độc thân− cũng đều có những thuận lợi và bất thuận lợi của nó.

Tác giả của bài này chỉ đưa ra những bất lợi của phương cách «có gia đình» mà không hề đưa ra một bất lợi nào của phương cách «sống độc thân» để độc giả có thể nhìn được cả hai chiều.

Nguyễn Chính Kết



Sunday, May 20, 2018

Lễ Ba Ngôi Thiên Chúa - Sự khác biệt và đa dạng trong vũ trụ vạn vật và nơi con người là tự nhiên và cần thiết


Sự khác biệt và đa dạng trong vũ trụ vạn vật và nơi con người là tự nhiên và cần thiết

1.  Ba Ngôi khác biệt nhưng hiệp nhất thành một Thiên Chúa

Một trong những đặc điểm khiến Kitô giáo khác với một vài tôn giáo hữu thần khác, đó là quan niệm Thiên Chúa có ba ngôi. Trong khi Hồi giáo chẳng hạn, quan niệm Thiên Chúa chỉ có một ngôi duy nhất. Ba ngôi Thiên Chúa, trong Kitô giáo, tuy không giống nhau, nhưng hoàn toàn bằng nhau. Nói cách khác, giữa Ba Ngôi, có sự khác biệt và đa dạng, nhưng lại có sự bình đẳng tuyệt đối. Thật vậy, trong Ba Ngôi, mỗi Ngôi có một đặc tính riêng, một nhiệm vụ riêng phù hợp với bản chất riêng của mình. Ngôi Nhất là Cha: là Đấng Sáng Tạo, tạo dựng nên vũ trụ muôn loài. Ngôi Hai là Con: là Lời, là phát ngôn viên của Chúa Cha, cũng là Đấng Cứu Chuộc vũ trụ. Ngôi Ba là Thánh Thần: là tình yêu giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, cũng là Đấng thánh hóa, đổi mới muôn loài.

Tuy khác biệt và đa dạng, nhưng Ba Ngôi luôn yêu thương nhau và hiệp nhất với nhau thành một Thiên Chúa duy nhất, chứ không phải là ba Thiên Chúa khác nhau. Vì thế, Ba Ngôi chính là một mẫu gương tuyệt vời cho nhân loại về sự hiệp nhất trong đa dạng.
2.  Ba Ngôi khác biệt và đa dạng đã tạo dựng một vũ trụ cũng đầy khác biệt và đa dạng

Do khác biệt và đa dạng từ bản tính, Ba Ngôi cũng tạo dựng nên một vũ trụ mang đầy dấu ấn bản tính của mình là đa dạng và khác biệt. Thật vậy, vũ trụ có hàng tỷ tỷ tinh tú, khác nhau đủ kiểu: về tính chất, hình dạng, về cấu tạo, độ lớn… Vạn vật, chỉ riêng trên trái đất ta đang sống, đã có hàng tỷ loài khác nhau. Riêng loài người – là một trong muôn loài của vũ trụ – cũng có nhiều chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, quốc gia… khác nhau. Ngay trong cùng một chủng tộc, một tôn giáo hay một gia đình, con người cũng khác biệt nhau: «bá nhân bá tính». Thiên Chúa muốn duy trì sự khác biệt và đa dạng ấy, vì nó làm cho vũ trụ luôn phong phú, muôn màu muôn vẻ.

Ta thử tưởng tượng theo chiều ngược lại xem: nếu các loại hoa trên thế giới được thống nhất để chỉ thành một loại hoa duy nhất, theo mẫu một loại hoa đẹp nhất, diễm lệ nhất hiện nay, thì thế giới sẽ đẹp hơn, phong phú hơn, hay sẽ đơn điệu và buồn thảm hơn? Nếu các loại khác trên thế giới cũng đều được thống nhất tương tự như thế, thì thế giới sẽ ra sao? tốt hơn hay dở hơn? Xét thế để ta biết đường lối của Thiên Chúa thế nào: thích khác biệt hay thích đồng dạng? Ta phải theo hướng nào mới phù hợp với đường lối Ngài?
3.  Khác biệt là để bổ túc lẫn nhau hầu cùng tồn tại và phát triển, chứ không phải để tranh đấu với nhau một mất một còn

Sách Sáng Thế viết: «Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ» (St 1,27). Câu này có cấu tạo về lý luận tương tự như: «Ông A sinh ra một đứa con giống hệt ông, nó là hình ảnh của ông, nó rất trắng trẻo và đẹp trai». Đọc câu này, ai cũng có thể kết luận: như vậy là ông A cũng «rất trắng trẻo và đẹp trai», mặc dù câu trên không trực tiếp nói ông A như thế. Cũng vậy, cứ theo ngữ cảnh của câu Kinh Thánh trên, nếu hình ảnh của Thiên Chúa là con người mà có nam có nữ, thì ắt hẳn Thiên Chúa cũng có nam có nữ, mặc dù Kinh Thánh không trực tiếp nói như thế. Vì hình ảnh của Ngài – là con người – được Kinh Thánh mô tả thế nào thì chính Ngài ắt hẳn cũng tương tự như vậy. Người và ảnh ắt phải giống nhau, nếu không thì ảnh không còn là ảnh nữa. Một số nhà thần học có khuynh hướng cho rằng Ngôi Ba Thánh Thần có nhiều nữ tính, nên có thể Ngài là nữ. Đây chỉ là một tư tưởng thần học trong Giáo Hội chưa được khai thác và bàn luận nhiều: tuy chưa được Giáo Hội xác nhận, nhưng không phải là kém hợp lý.

Không chỉ con người mới có nam có nữ, các loài động vật khác cũng có đực có cái, có trống có mái, v.v… Ngay cả vật chất cũng được phân thành âm dương: nguyên tử có âm điện tử và dương điện tử, các hợp chất chẳng hạn như muối ăn (NaCl) cũng được cấu tạo bởi phần dương Na+ và phần âm Cl–. Trong vũ trụ và đời sống con người, âm dương, nam nữ… tuy khác biệt nhau, mâu thuẫn nhau, nhưng không phải là để đấu tranh đến độ một mất một còn, mà để cả hai cùng bổ túc cho nhau hầu cùng tồn tại và phát triển. Trong gia đình, vợ chồng khác biệt nhau không phải để xung đột nhau, để người mạnh ép người yếu phải nên giống mình, mà để bổ túc cho nhau, để cần lẫn nhau, và để yêu thương nhau, hiệp nhất với nhau nên một. Sự khác biệt và đa dạng trong thế giới và nhân loại quả là cần thiết và ích lợi tương tự như vậy.
4.  Chiều hướng phản tự nhiên của con người

Nhưng con người –một khi nắm quyền hành trong tay– thường bị cám dỗ muốn thống nhất tất cả theo khuôn mẫu của mình, là khuôn mẫu mà mình cho là hay là đẹp nhất. Họ muốn «kéo cẳng vịt ra cho dài, thu cẳng cò lại cho ngắn», để biến tất cả thành đồng dạng. Vì thế, họ gây nên bao đau khổ cho con người. Đó là khuynh hướng chung của những chế độ độc tài, của những tôn giáo cuồng tín… 

Hiện nay, nhiều nhà thần học Á châu nhận ra rằng ngay cả tình trạng đa tôn giáo trên thế giới cũng có thể là chính ý muốn của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa chỉ muốn Kitô giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới, ắt Ngài đã để Đức Giêsu sinh ra trước các giáo chủ của những tôn giáo khác, để tranh thủ truyền đạo Kitô giáo trước. Vì nếu người ta đã tin và hiểu rõ sự hợp lý của một tôn giáo nào rồi, thì rất khó và rất ít khi họ theo một tôn giáo khác. Nhưng Thiên Chúa đã không làm thế, mà để Đức Giêsu xuống thế sau các vị giáo chủ khác cả hàng mấy trăm năm. 

Nhiều nhà thần học cũng nhận ra rằng suốt mấy thập niên qua, dân số của Kitô giáo (gồm Công giáo, Tin Lành, Chính Thống…) trên thế giới ngừng ở tỷ lệ 1/3 và tỷ lệ ấy có nguy cơ giảm đi chứ khó có thể tăng lên. Nhiều nhà tư tưởng cũng nhận ra rằng con người càng cố thống nhất mọi người, cố ép mọi người đi theo chiều hướng phe phái mình, thì càng tạo nên chia rẽ, và càng gây nên đau khổ, tai họa cho con người.

Nói chung, con người cứ muốn thống nhất mọi sự, muốn mọi sự trở nên đồng dạng giống như mình, như tập thể hay bè phái của mình, và sẵn sàng cưỡng ép mọi người theo mục đích ấy. Điều này rõ ràng ngược lại tự nhiênphản lại đường lối của Thiên Chúa.
5.  Hiệp nhất khác với thống nhất

Thiên Chúa của chúng ta có Ba Ngôi. Ba ngôi tuy khác biệt nhau, nhưng lại hiệp nhất thành một Thiên Chúa duy nhất. Sự hiệp nhất này rõ ràng không đòi hỏi phải hy sinh sự khác biệt giữa Ba Ngôi. Trái lại, chính vì tuyệt đối tôn trọng sự khác biệt và bình đẳng của nhau mà Ba Ngôi có thể hoàn toàn hiệp nhất với nhau nên một. Sự hiệp nhất trong đa dạng này khác hẳn với sự thống nhất trong đồng dạng mà con người thường hay theo đuổi.

Hiệp nhất (trong đó, chữ «hiệp» giả thiết có nhiều phần tử khác biệt nhau) là tập hợp những con người hay tập thể khác nhau, có chủ trương khác nhau thành một tập thể lớn có một đường hướng chung, nhưng vẫn tôn trọng và duy trì sự khác biệt giữa nhau. Còn thống nhất là dẹp bỏ tất cả những khác biệt để trở nên một khối đồng nhất, đồng dạng. Như vậy, hiệp nhất trong đa dạng thì tôn trọng tính tự nhiên, phù hợp với ý muốn và bản tính của Thiên Chúa, nên dễ thực hiện và tạo được sự hòa hợp. Còn thống nhất trong đồng dạng thì phản lại tự nhiên, phản lại ý muốn và bản tính của Thiên Chúa, nên thường có tính áp đặt, tạo chống đối, gây chia rẽ, và làm cho nhiều người đau khổ.

Thiết tưởng dịp lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để mọi Kitô hữu chiêm ngắm mẫu gương hiệp nhất trong đa dạng của Ba Ngôi, để bắt chước và áp dụng gương ấy trong gia đình, Giáo Hội, xã hội và trong cả cộng đồng nhân loại. Thiên Chúa luôn luôn muốn chúng ta hiệp nhất (Ut sint unum – x. Ga 17,11)vẫn duy trì sự khác biệt và đa dạng, chứ không muốn chúng ta phải trở thành đồng dạng. Vả lại đồng dạng không hẳn đã dẫn tới hiệp nhất, mà hậu quả thường là chia rẽ.
Kết luận

Người xưa nói: «Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa», nghĩa là: người quân tử, cho dù rất khác biệt nhau, vẫn có thể sống hòa hợp yêu thương nhau và thành một với nhau; còn kẻ tiểu nhân, tuy giống nhau, đồng dạng với nhau, nhưng vẫn không thể sống hòa hợp với nhau. Trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, không hẳn cứ phải đòi hỏi mọi người tin giống nhau, chủ trương giống nhau, thậm chí trong từng chi tiết, thì mới hiệp nhất với nhau được. Bí quyết của sự hiệp nhất nằm trong việc tôn trọng tính khác biệt và đa dạng chứ không nhất thiết nằm trong sự đồng dạng về quan niệm, cách nhìn, niềm tin, suy nghĩ, v.v... Ba Ngôi tuy khác biệt và đa dạng nhưng vẫn yêu thương nhau và nên một với nhau, đó là gương mẫu của sự hiệp nhất trong xã hội cũng như trong Giáo Hội.

Nguyễn Chính Kết



Lễ Ba Ngôi Thiên Chúa - Hiệp nhất trong đa dạng là ý muốn của Thiên Chúa




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Ba Ngôi Thiên Chúa

(27-5-2018)

Bài đào sâu

Hiệp nhất trong đa dạng
là ý muốn của Thiên Chúa




ĐỌC LỜI CHÚA

  Đnl 4,32-34.39-40: (39) Anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.

  Rm 8,14-17: (14) Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. (16) Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.

  TIN MỪNG: Mt 28,16-20

Đức Giêsu hiện ra tại Galilê,
và sai môn đệ đi đến với muôn dân


(16) Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18) Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: «Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, (20) dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế».




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Ba Ngôi Thiên Chúa khác biệt nhau, hay đồng dạng với nhau? Nếu bản chất khác biệt nhau, có Ngôi nào muốn bắt các Ngôi kia phải trở nên giống mình không? Sự hiệp nhất của Ba Ngôi xây dựng trên tinh thần «hiệp nhất trong đa dạng» hay «thống nhất bằng đồng dạng» ?  
2. Vũ trụ vạn vật mà Ba Ngôi tạo dựng là đa dạng hay đồng dạng với nhau? Thiên Chúa có muốn chúng ta biến vạn vật thành đồng dạng không? Bắt mọi người phải đồng dạng với mình thì có hợp với ý Thiên Chúa không? 


Suy tư gợi ý:

1. Hiệp nhất trong đa dạng nơi Ba Ngôi Thiên Chúa

Thiên Chúa theo quan niệm Kitô giáo là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng lại gồm có ba Ngôi –nói nôm na là ba Đấng, ba Vị hay ba «Người»– khác biệt nhau. Ba Ngôi đều là Thiên Chúa, đều cùng một bản tính, nhưng mỗi Ngôi một vẻ, không Ngôi nào giống Ngôi nào. Ba Ngôi khác biệt nhau, nhưng lại hoàn toàn bình đẳng, và không Ngôi nào muốn Ngôi kia phải trở nên giống như mình. Chính vì chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng của nhau, mà Ba Ngôi sống hòa bình với nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau, yêu thương nhau, và hiệp nhất với nhau chặt chẽ tới mức độ chỉ còn là một Thiên Chúa duy nhất. 



2. Sự khác biệt và đa dạng trong vũ trụ vạn vật

Ba Ngôi khác biệt nhau và đa dạng như vậy, nên đã tạo dựng nên một vũ trụ cũng đầy khác biệt và đa hình đa dạng vô cùng. Ngài tạo dựng nên muôn loài khác biệt nhau, và loài nào cũng lại phân chia thành nhiều cấp độ khác nhau với những chủng loại khác nhau. Nhờ đó vũ trụ trở nên vô cùng phong phú, muôn hình muôn vẻ. 

Thật vậy, tinh tú trên trời thì đủ kiểu đủ loại. Con người người thì đủ mọi chủng tộc, đủ mọi ngôn ngữ, đủ mọi nền văn hóa khác biệt nhau. Thú vật và thực vật thì lại càng đa hình đa dạng hơn: loại sống trên trời, loại trên đất, loại dưới nước, loại thật to như đại bàng, cổ thụ, loại thật nhỏ như vi trùng, vi-rút, loại ăn thịt, loại ăn cỏ… Vạn vật phong phú và đa dạng đến nỗi con người từ khi biết khám phá đến nay vẫn chỉ thấy mình khám phá được một phần rất nhỏ. Chỉ riêng loài hoa thôi đã có cả hàng chục ngàn giống khác nhau. 

Vạn vật tuy vô cùng đa dạng như thế, nhưng vật nào cũng có cái hay cái đẹp riêng của nó và trở nên một toàn thể rất hài hòa. Chính vì thế mà vũ trụ mới tươi đẹp huy hoàng làm sao! Thử tưởng tượng xem nếu Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong đó vạn vật đồng dạng với nhau, nghĩa là chỉ có một loài duy nhất, loài này cũng chỉ có một chủng loại duy nhất thì vũ trụ sẽ buồn thảm biết bao! Chỉ cần xét loài hoa: nếu hoa chỉ có một loại duy nhất –dù là loại được hầu hết mọi người coi là đẹp nhất– thì thế giới sẽ bớt đẹp, bớt thơ mộng và phong phú đi biết bao! 

Riêng xã hội con người, Thiên Chúa đã gầy dựng trong đó nhiều dân tộc với những nền văn minh, văn hóa, phong tục, nề nếp suy nghĩ khác nhau. Thiên Chúa cũng cho xuất hiện nhiều tôn giáo với những nghi thức, tín điều, với những cách gọi tên, cách quan niệm hay cách nhìn về Thực Tại Tối Hậu khác biệt nhau; v.v… 

Nói về từng người, thì mỗi người một vẻ, mỗi người một diện mạo, một tài năng, một tính tình, một quan niệm, một lối suy nghĩ khác nhau: «bá nhân bá tính». Ngay như khi cùng nhau nhìn vào một sự vật cụ thể, thì mỗi người lại có một cách nhìn khác nhau, cách diễn tả về vật ấy cũng khác nhau, thậm chí gọi vật ấy bằng những tên khác nhau. Một vật cụ thể hữu hạn mà người ta còn có nhiều cách nhìn khác nhau như vậy, huống gì khi họ suy nghĩ về những thứ vô hình, nhất là những thực tại không thể quan niệm hay suy nghĩ được, chẳng hạn khi suy nghĩ về tuyệt đối, về nguồn gốc siêu hình của vũ trụ vạn vật… làm sao mà họ quan niệm và nhìn cách giống nhau cho được? Thôi thì đủ mọi loại quan niệm, đủ mọi kiểu nhìn, đủ mọi tên gọi khác nhau cho Thực Tại Tối Hậu duy nhất ấy!

Những cách nhìn khác nhau ấy –dù là hướng về một vật hết sức cụ thể hay về những thực tại hết sức trừu tượng– cũng thường bổ túc cho nhau dẫu có mâu thuẫn lẫn nhau, để –nếu tổng hợp lại– sẽ có được một cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Chính nhờ sự khác nhau ấy mà con người mới cần lẫn nhau, mới phải hợp tác với nhau, mới yêu thương nhau. 

Chẳng hạn khi xây một căn nhà, người ta cần có đồ họa của kiến trúc sư, cần khả năng thực hiện tổng quát của nhà thầu khoán, cần sự khéo léo của đủ loại thợ (mộc, xây, trang trí, điện…), cần những nhà cung cấp vật tư khác nhau (gạch, xi măng, sắt, gỗ, ống nước, đồ điện…). Ông kiến trúc sư có tài giỏi đến đâu mà không nhờ thầu khoán thực hiện thì cũng chẳng làm nên trò trống gì! Ông thầu khoán mà không thuê được thợ thì cũng đành bó tay bất lực! Thợ khéo léo hay tài giỏi đến đâu mà không có kiến trúc sư hay thầu khoán thì cũng chẳng biết phải làm gì. Nhờ tài năng khác nhau mà người ta cần lẫn nhau, kết hợp với nhau, yêu thương nhau

Thiên Chúa của chúng ta –gồm Ba Ngôi khác biệt, tuy đa dạng nhưng lại hiệp nhất– đã muốn như thế, chúng ta không nên đi ngược lại đường lối của Ngài!



3. Khuynh hướng «phản đa dạng» của con người

Thế nhưng trên thế giới có biết bao nhiêu con người, bao nhiêu tập thể muốn đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, muốn chống lại luật «vạn vật đa dạng» của Ngài. Họ muốn tất cả mọi người phải nghĩ giống như họ, làm giống như họ, chỉ theo một lập trường duy nhất là lập trường của họ, vì họ cho rằng chỉ có họ là nghĩ đúng, làm đúng, lập trường của họ là duy nhất đúng hoặc đúng hơn cả. Ai khác họ là họ khó chịu, bực bội, kết án, loại trừ. Họ muốn trên thế giới này chỉ có một bè đảng duy nhất là bè đảng của họ, một ý thức hệ duy nhất là ý thức hệ của họ, một tôn giáo duy nhất là tôn giáo của họ, một đoàn thể duy nhất là đoàn thể của họ… Và họ nỗ lực để biến thế giới đa dạng này thành độc dạng hay đồng dạng (uniforme), thậm chí với tất cả thiện chí hay lòng thành của họ. Biện pháp của họ là loại trừ tất cả những ai khác với họ. Ai chủ trương khác với họ thì bị coi là đối lập, là kẻ thù, cần phải tiêu diệt. 

Rất tiếc là trên thế giới này không chỉ có một bè đảng, một tôn giáo, một đoàn thể duy nhất nghĩ mình là duy nhất đúng hoặc đúng hơn cả và chủ trương loại trừ những ai khác với mình, mà có nhiều bè đảng, nhiều tôn giáo, nhiều đoàn thể nghĩ và chủ trương như vậy. Thế là có chiến tranh: bè đảng này tìm cách diệt bè đảng kia, tôn giáo này diệt tôn giáo kia, đoàn thể này diệt đoàn thể kia. Bè đảng nào, tôn giáo nào, đoàn thể nào cũng đều nhân danh sự thiện, sự đúng của mình –mà họ nghĩ là duy nhất thiện, duy nhất đúng– để tiêu diệt những gì mà họ cho rằng chắc chắn là sai lầm, xấu xa. Ai cũng có những «vũ khí» riêng của mình để ép buộc người khác theo mình, trung thành với mình, đồng dạng với mình. Bè đảng thì dùng vũ lực, âm mưu chính trị. Tôn giáo thì dùng những quyền lực thiêng liêng của mình. Đoàn thể thì dùng kỷ luật riêng của đoàn thể.

Nhưng hễ phản lại ý muốn của Thiên Chúa thì chỉ gây rối loạn. Đáng lẽ con người phải tôn trọng sự khác biệt nhau như một hồng ân Thiên Chúa ban để bổ túc lẫn nhau, để hợp tác với nhau, và để nhờ đó mà dễ yêu thương nhau, mà hiệp nhất với nhau. Hiệp nhất ở đây là thứ hiệp nhất trong đa dạng. Có tôn trọng sự khác biệt của nhau thì mới có thể hiệp nhất được

Nhưng con người lại coi tình trạng đa dạng đó như một bất lợi cho «cái tôi tập thể» của mình. «Cái tôi» nào –dù là cá nhân hay tập thể– thì cũng ích kỷ, muốn đề cao mình và những gì của mình, muốn mình phải trổi vượt hơn những «cái tôi» khác, và những gì của mình cũng phải trổi vượt hơn những gì của những «cái tôi» khác. «Cái tôi» nào cũng muốn dùng thế mạnh của mình để hiếp đáp những «cái tôi» khác yếu thế hơn, bắt những «cái tôi» khác phải theo mình, phải đồng dạng với mình. Họ muốn «thống nhất bằng đồng dạng». 



4. «Hiệp nhất trong đa dạng» là ý muốn của Thiên Chúa

Ôi, chính cái ý chí muốn «thống nhất bằng đồng dạng» này đã gây nên biết bao cảnh «nồi da xáo thịt» trong các quốc gia, cảnh các «bè phái ly khai» trong các tôn giáo, cảnh chia rẽ nhau trong các đoàn thể. Đúng là chưa phát triển được ra bên ngoài thì đã bị chia rẽ nội bộ. Thiết tưởng thế giới đã phải đau khổ rất nhiều, phải chịu biết bao cảnh đau thương tang tóc chỉ vì những tham vọng «thống nhất bằng đồng dạng» của các bè đảng, tôn giáo, đoàn thể. 

Nhưng thực tế hiện nay chứng tỏ rằng tham vọng đó càng ngày càng trở nên phi lý, phản tiến bộ và bất khả thi. Thật vậy, khuynh hướng của thế giới, của các quốc gia dân tộc càng ngày càng đòi hỏi phải «đa nguyên chính trị», phải «đa đảng», phải loại trừ độc tài. Chủ trương «độc đảng», «độc tài» đang dần dần bị đào thải khỏi nhân loại vì chủ trương này chỉ làm cho quốc gia dân tộc mình bị băng hoại, nghèo khổ và chậm tiến. 

Các tôn giáo thì tôn giáo nào cũng muốn trở thành tôn giáo toàn cầu và đều nỗ lực tối đa để đạt được điều đó; nhưng dường như ngày nay tôn giáo nào cũng đều đi đến tình trạng «bão hòa», nghĩa là khó có thể phát triển thêm về tỷ lệ dân số. Vì ai đã theo tôn giáo nào thì khó mà bỏ tôn giáo mình để theo tôn giáo khác, vì tôn giáo nào cũng có những biện pháp riêng khá hữu hiệu để giữ tín đồ của tôn giáo mình lại. Tuy vẫn có những người thay đổi tôn giáo, nhưng khi có những người tôn giáo này bỏ sang tôn giáo kia, thì ngược lại cũng lại có những người tôn giáo kia bỏ sang tôn giáo này. Cuối cùng vẫn phải chấp nhận một «thế giới đa nguyên tôn giáo», như một «dấu hiệu của thời đại» (signum temporum) để nhận ra ý muốn của Thiên Chúa. Các đoàn thể cũng tương tự như thế.

Vì thế, đã đến lúc các bè đảng, các tôn giáo, các đoàn thể phải nhận ra rằng càng muốn «thống nhất bằng đồng dạng» thì càng gây nên chia rẽ, xáo trộn, và đau khổ cho nhân loại, vì điều này chống lại luật tự nhiên của Thiên Chúa. Trái lại, càng muốn «hiệp nhất trong đa dạng» –nghĩa là đến với nhau trong tinh thần tôn trọng sự khác biệt và đa dạng– thì càng dễ đoàn kết, càng dễ gắn bó yêu thương nhau. Vì sự «hiệp nhất trong đa dạng» chính là ý muốn của Thiên Chúa. Và sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa chính là gương mẫu toàn hảo nhất của sự «hiệp nhất trong đa dạng» mà chúng ta phải noi theo. Gia đình nào, dân tộc nào, tôn giáo nào, tập thể nào biết noi gương này thì sẽ càng ngày càng trở nên hạnh phúc, thịnh vượng và phát triển. 




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con cũng như các Kitô hữu và mọi tín đồ của các tôn giáo biết noi gương «hiệp nhất trong đa dạng» của Ba Ngôi Thiên Chúa; biết tôn trọng sự khác biệt và đa dạng mà Cha đã tạo nên nơi mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia, mỗi tôn giáo… Xin cho chúng con biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, đừng ép ai phải giống mình. Để chúng con nhận ra rằng chúng con cần lẫn nhau, cần đến với nhau, cần tìm hiểu, thông cảm, hợp tác với nhau, và nhất là cần yêu thương nhau như Cha hằng mong muốn điều đó. Amen.