Wednesday, December 19, 2018

Giang-sinh - Thiên Chúa nhập thể để cùng chia sẻ đau khổ với chúng ta, vì đau khổ cần thiết cho chúng ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Chúa Giáng Sinh (lễ đêm)
(25-12-2018)


Thiên Chúa nhập thể
để cùng chia sẻ đau khổ với chúng ta,
vì đau khổ cần thiết cho chúng ta



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 9,1-6: (5) Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. 

  Tt 2,11-14: (11) Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.  (12) Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.

  TIN MỪNG: Lc 2,1-14

Đức Giêsu ra đời.
(1) Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.  (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri.  (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.  (4) Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít.  (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai.  (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.  (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.


Những người chăn chiên đến viếng thăm

(8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.  (9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.  (10) Nhưng sứ thần bảo họ : «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân :  (11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.  (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.»  (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.»



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu có gặp nhiều nghịch cảnh như chúng ta không? Giữa Ngài và ta, ai nhiều nghịch cảnh hơn ai? Ta có thể rút ra kết luận gì về điều này? 
2. Có cha mẹ nào yêu thương con mà lại bắt con phải chịu đau khổ một cách vô ích hoặc không cần thiết không? Nếu các ngài cứ bắt ép con mình phải chịu đau khổ, thì người con phải hiểu đau khổ ấy thế nào? có cần thiết hay không? 
3. Vì yêu con người, Thiên Chúa muốn chia sẻ đau khổ với con người. Nếu ta yêu tha nhân, ta sẽ phải làm gì khi thấy họ phải đau khổ?

Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu cũng gặp bao nghịch cảnh như chúng ta

Đức Giêsu chính là Thiên Chúa nhập thể, mặc lấy thân phận con người y hệt như chúng ta, chỉ khác với chúng ta ở chỗ không có tội lỗi mà thôi. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ngài cũng gặp biết bao nghịch cảnh như chúng ta, thậm chí ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ và khi vừa mới sinh ra. 

Gần tới ngày Ngài chào đời thì cha mẹ Ngài phải lên đường đến một nơi cách nhà mình trên 120 cây số vì lệnh kiểm tra dân số của chính quyền. Tại nơi xa lạ này, gia đình Ngài đã không kiếm được một chỗ trọ để Ngài chào đời một cách xứng với phẩm giá một con người. Vì thế, hai ông bà đã phải chấp nhận cảnh sống bụi đời là tìm một chuồng chiên bò nào đó ở ngoài đồng để sinh con và tạm trú qua ngày. Và Đức Giêsu đã sinh ra trong một chuồng chiên bò. Ôi, thật là nhục nhã! Nghịch cảnh đâu đã hết, nó còn theo Ngài suốt cuộc đời: nào là phải trốn sang Ai Cập, rồi trở về Nadarét, nào là cảnh nghèo khổ, nào là tình trạng bị giới lãnh đạo tôn giáo ghen ghét và bách hại, bị dân chúng và cả môn đệ mình phản bội, bị đánh đòn, bị xỉ vả nhục nhã, bị chết thảm thương, v.v… Xét về hoàn cảnh, chúng ta may mắn hơn Ngài rất nhiều. Ngài vốn là Thiên Chúa, giầu sang quyền quí vô cùng, thế mà phải chịu như vậy. Chúng ta là ai mà lại mong muốn được ưu đãi hơn Ngài? Suy nghĩ điều ấy sẽ phát sinh một niềm an ủi rất lớn cho chúng ta.



2. Đau khổ và nghèo khó có giá trị của nó

Thân phận con người là một thân phận đau khổ và nghèo khó như một hậu quả tất yếu của tội nguyên tổ. Nếu đau khổ hoàn toàn không có ích lợi gì cho chúng ta, chắc chắn vì yêu thương chúng ta vô hạn, Thiên Chúa sẽ dùng quyền năng vô biên để giải phóng chúng ta hoàn toàn khỏi mọi đau khổ. Nhưng nếu Thiên Chúa vẫn để chúng ta phải đau khổ, và chính Ngài cũng sẵn sàng đau khổ cùng với chúng ta, tất nhiên đau khổ ấy phải có ích lợi rất lớn cho chúng ta. Nếu không như thế, thì phải kết luận rằng: một là Ngài là người tàn ác, không yêu thương gì chúng ta, hai là Ngài không toàn năng, nghĩa là không đủ khả năng để giải phóng chúng ta khỏi đau khổ. Nếu Ngài yêu thương ta vô cùng lại toàn năng, mà lại để chúng ta đau khổ, ắt nhiên đau khổ ấy phải rất cần thiết và rất ích lợi cho chúng ta.

Một minh họa tuy què quặt nhưng giúp ta dễ hiểu điều ấy: Cha mẹ yêu thương con không bao giờ muốn con phải khổ, dù chỉ là khổ một chút xíu. Nhưng nếu cha mẹ bắt con cái mình phải uống một thứ thuốc rất đắng, hay phải chịu roi vọt rất đau đớn, và chính cha mẹ cũng phải vất vả vô cùng mới kiếm được thứ thuốc đắng ấy, hay phải quặn ruột nhìn con khóc thét dưới lằn roi, tất nhiên thuốc đắng hay roi vọt ấy phải là cần thiết hoặc ích lợi cho đứa con. Thật vậy, thà bắt con khổ vì uống thuốc, đau vì roi vọt, còn hơn để con phải bệnh hoạn tật nguyền suốt đời, hay trở nên người hư hỏng hoặc vô giá trị sau này. 



3. Đau khổ rất cần thiết và ích lợi để nên thánh, để hạnh phúc

Kinh nghiệm cho ta thấy đau khổ nhiều khi rất cần thiết để đạt được những ích lợi lớn hoặc để tránh những tổn thất nặng nề, chẳng hạn như: «quân trường thấm mồ hôi, chiến trường ít đổ máu», «gieo trong nước mắt thì gặt giữa vui mừng» (Tv 126,5-6). Kinh điển Phật giáo cũng nói: «Tất cả các phiền não đau khổ đều là hạt giống Như Lai. Tương tự như nếu mình chẳng lặn xuống biển sâu thì không thể tìm thấy châu báu vô giá. Cũng vậy, nếu mình chẳng chịu ngụp lặn trong bể cả phiền não, ắt mình không thể tìm được của báu là cái trí tuệ biết hết tất cả» (Kinh Duy-Ma-Cật, Phẩm 8: Phật Đạo). Theo Phật giáo, phiền não đau khổ là hạt giống Như Lai, sinh ra trí tuệ giải thoát. 

Ta thấy: trên đời, những người có bản lãnh đều là những người phải kinh qua rất nhiều đau khổ, đều được đào luyện trong đau khổ. Đau khổ dạy cho chúng ta –thậm chí cả Đức Giêsu– nhiều bài học quí giá: «Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8). Ngay cả đối với Đức Giêsu, đau khổ cũng rất cần thiết để Ngài trở nên vị lãnh đạo hoàn hảo: «Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa con người tới nguồn ơn cứu độ» (Dt 2,10). Muốn sử dụng ai, Thiên Chúa thường dùng đau khổ để sửa dạy, để thánh hóa, để huấn luyện người ấy nên hoàn hảo: «Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt» (Dt 12,6). Gương của các thánh chứng minh điều ấy. 

Như vậy, đau khổ có giá trị của nó, và chịu đựng đau khổ không phải là một chuyện vô ích. Nếu đau khổ và nghèo khó cần thiết và ích lợi cho chúng ta, mà Thiên Chúa lại không bắt chúng ta đau khổ và nghèo khó, thì chắc chắn Ngài chưa phải là người yêu thương chúng ta đích thực: vì «yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi». Hoặc Ngài chỉ yêu chúng ta một cách thuần túy tình cảm và điều ấy sẽ làm chúng ta hư hỏng: «con hư tại mẹ, cháu hư tại bà». 



4. Thiên Chúa cùng chịu đau khổ và nghèo khó với con người

Dù đau khổ và nghèo túng là cần thiết cho chúng ta chứ không phải cho Thiên Chúa, nhưng nếu Ngài để chúng ta phải quằn quại trong đau khổ một mình, còn Ngài chẳng biết một chút gì về đau khổ, thì chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng cô đơn trong đau khổ, và chúng ta khó có thể tin được rằng Ngài yêu thương chúng ta. Nhưng nếu Ngài đã muốn cùng chịu đau khổ với chúng ta, và còn muốn chịu đau khổ hơn cả chúng ta nữa, thì điều đó chứng tỏ rằng Ngài đã yêu thương chúng ta đích thực.

Qua cuộc giáng sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đích thân xuống thế làm người để cùng chịu đau khổ và nghèo nàn với chúng ta. Ngài đã dùng đau khổ của chính mình để xoa dịu những đau khổ của con người, đã dùng thương tích của chính Ngài để chữa lành những vết thương của con người (xem 1Pr 2,24b). Điều ấy làm chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài đối với chúng ta là vô bờ bến, đồng thời cũng nhận ra giá trị của đau khổ và sự nghèo khó. 



5. Hãy bắt chước Ngài chia sẻ đau khổ với những người chung quanh ta, nhất là những người nghèo túng, bị áp bức bất công

Nếu tình yêu đích thực đã thúc đẩy Thiên Chúa phải chia sẻ thân phận đau khổ và nghèo nàn của chúng ta, thì ta có thể rút ra một kết luận cho việc thể hiện tình yêu của chúng ta đối với tha nhân. Nếu chúng ta nói mình yêu ai, mà khi người ấy gặp đau khổ, chúng ta không hề cảm thấy phải làm điều gì để giảm bớt đau khổ cho người ấy, hoặc không tìm cách cùng chia sẻ đau khổ với người ấy, thì chúng ta chỉ là kẻ nói dối, tình yêu ấy chỉ là tình yêu ngoài môi miệng. Hễ yêu ai, thì khi thấy người ấy đau khổ, ta không thể khoanh tay đứng nhìn mà không làm gì. Nếu không làm giảm được đau khổ với người ấy, thì cũng có thể làm một việc gì để tỏ ra thông cảm. 

Chúng ta nghèo, Thiên Chúa cũng đã trở nên nghèo cùng với chúng ta. Vậy, làm sao chúng ta có thể nói rằng mình yêu thương người nghèo, khi chúng ta vẫn vui vẻ sống trên nhung lụa, và không hề quan tâm làm một điều gì cho người nghèo bớt nghèo. Làm sao ta có thể nói rằng mình yêu quê hương, trong khi mà quê hương đang đau khổ, đang tuột dốc xuống bờ vực thẳm, với bao nhiêu người bị bắt bớ, bị đàn áp một cách bất công, ta vẫn thản nhiên như người ngoài cuộc, chỉ biết hưởng thụ cuộc sống an vui mà may mắn đã dành cho ta?



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã cho Đức Giêsu nhập thể thành người để chia sẻ thân phận làm người với chúng con: cũng đau khổ, cũng nghèo khó, cũng đói cũng khát như chúng con. Qua sự nhập thể ấy, xin cho con nhận ra tình thương vô biên của Cha và sự cần thiết của những đau khổ trong đời sống của con. Con tin rằng Cha yêu thương con vô cùng và khôn ngoan vô biên, không bao giờ để con phải chịu đựng đau khổ một cách vô lý và không cần thiết. Con biết rằng hễ Cha để đau khổ xảy đến với con, ắt nhiên đau khổ ấy phải có ích lợi cho con, dù con không hiểu được ích lợi thế nào. Xin cho con biết chấp nhận đau khổ như Đức Giêsu, đồng thời biết yêu thương và cảm thông với đau khổ của mọi người chung quanh con. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ thứ 4 Mùa Vọng:
Thăm viếng là cách biểu lộ tình yêu thương
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/12/vong4a.html). 


Vong4a - Thăm viếng là cách biểu lộ tình yêu thương




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Mùa Vọng

(23-12-2018)


Thăm viếng là cách biểu lộ tình yêu thương



ĐỌC LỜI CHÚA

  Mk 5, 1-4a: Phần ngươi, hỡi Bêlem Épphrata, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítrael. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa (…) Quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. 

  Dt 10, 5-10: Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, Vì đó chỉ là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. 

  TIN MỪNG: Lc 1, 39-45

Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét

Hồi ấy, Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Cô vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng: «Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Ta học được những gì trong việc Đức Maria thăm viếng bà Êlisabét? Thăm viếng có phải là một việc mà tình yêu đòi buộc phải có không? 
2. Thăm viếng cũng là dịp đem Chúa đến cho người khác. Nhưng đem Chúa đến cho người mình thăm viếng bằng cách nào? 
3. Giữa những hành động cụ thể biểu lộ yêu thương đích thực, và những lễ tế, kinh kệ làm theo thói quen, theo luật buộc, Thiên Chúa ưa chuộng cái nào?

Suy tư gợi ý:

1. Viếng thăm là một hành động biểu lộ tình thương

Vừa nghe sứ thần truyền tin cho biết bà Êlisabét có thai được sáu tháng, cô Maria liền vội vã lên đường đến thăm bà. Bà Êlisabét sống ở miền núi, chắc chắn cuộc hành trình của Maria lên miền núi để thăm người bà con không tránh được mệt nhọc, vất vả. Chắc chắn việc Maria đến thăm bà Êlisabét là do sự thúc đẩy của yêu thương. Nếu Cô không đến thăm thì bà Êlisabét chẳng trách Cô được, lý do là bà ấy đâu biết rằng Cô biết bà ấy mang thai. Vả lại chính Cô cũng đang mang thai, mà đường xá lại xa xôi. Nhưng tình thương đã thúc đẩy Cô đi, vì Cô rất giàu tình thương. Và cũng chính vì giàu tình thương mà Cô xứng đáng làm Mẹ của Đức Giêsu, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. 

Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra, chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động, không phải là một tình yêu đích thực. Tương tự như lời thánh Giacôbê: «Đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2, 26). Cũng vậy, tình yêu không việc làm, không được biểu lộ là tình yêu chết. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ, hy sinh cho người mình yêu, làm cho người mình yêu trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Câu tục ngữ «Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua» có nghĩa như thế! 

Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui hoặc buồn. Đức Phật nói: «Yêu nhau mà không được ở gần nhau, mà phải xa cách nhau thì sẽ đau khổ», Ngài gọi cái khổ ấy là «ái biệt ly khổ». Tục ngữ có câu: «Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!» (một ngày không gặp nhau thì dài như ba năm). Do đó, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau. Vì thế, chúng ta hãy năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Mà đã là người Kitô hữu, tất nhiên chúng ta có rất nhiều người mình phải yêu mến, nhất là những người lâm cảnh đau khổ, túng thiếu, những người lâm vào thế kẹt, những người cần chúng ta tới thăm viếng hơn cả. Đến thăm nhau là một cách tuyệt vời để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của Kitô giáo.



2. Đến thăm để đem Chúa đến cho người mình thương

Khi Đức Maria đến thăm bà Êlisabét, Ngài cũng đem Chúa đến cho bà ấy. Nhờ Đức Maria mang Chúa đến, không chỉ bà Êlisabét vui mừng, mà hài nhi trong bụng bà cũng vui theo mà «nhảy lên» trong bụng mẹ. Và chắc chắn cũng chính vì Đức Maria mang Chúa đến, mà niềm vui của bà Êlisabét và hài nhi mới tăng lên một cách lạ thường như thế. Sự hiện diện của Đức Maria cùng với bào thai Giêsu chẳng những mang niềm vui, mà còn biến đổi hai mẹ con bà Êlisabét, khiến hai người được tràn đầy Thánh Thần, và nhờ đó nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria, đồng thời tin vào Thiên Chúa vững mạnh hơn.

Như thế, đến thăm không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến, mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự hiện diện của Chúa do ta mang đến. Chính Thánh Thần của Chúa trong ta, chứ không phải ta, sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện.

Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Có những người nói về Chúa rất nhiều và rất hay, nhưng họ không thật sự có Chúa trong bản thân họ. Chúa là tình thương, ta chỉ mang được Chúa đến cho tha nhân, khi chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực. Đức Maria có nói gì về Chúa với bà Êlisabét đâu! Do đó, ta chỉ có thể mang Chúa đến cho tha nhân khi ta đến họ với ý muốn làm hiện thân của Chúa đối với họ, và coi họ cũng là hiện thân của Chúa đối với mình. 



3. Hãy là hiện thân của Chúa khi đi thăm viếng

Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại vô cùng, nên Ngài đã đến với con người trong lịch sử, cách đây 2000 năm, để cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Có thể nói việc xuống thế làm người của Đức Giêsu chính là cuộc thăm viếng của Thiên Chúa đến với nhân loại. Trong cuộc thăm viếng này, Đức Giêsu đã đem Thiên Chúa, là chính Tình Yêu, đến với nhân loại. 

Khi còn tại thế, Ngài đã đến thăm nhiều người, săn sóc nhiều người, cải hóa nhiều người, biểu lộ tình yêu thương cho nhiều người. Nhưng vì nhập thể làm người, Ngài bị giới hạn trong không gian và thời gian, Ngài chỉ sống tại thế có 33 năm, chỉ quanh quẩn trong đất nước Do Thái, và chỉ có thể tiếp xúc được với một số rất ít người. Do tình yêu vô biên phổ quát của Ngài, Ngài muốn tiếp xúc với tất cả mọi người trên trần gian, để phục vụ, săn sóc họ, từng người một. Nhưng hiện nay Ngài không thể làm điều đó bằng chính thân xác của Ngài. Vì thế, Ngài muốn nhờ chính chúng ta làm điều ấy. Ngài muốn trở thành chính bản thân chúng ta để làm những công việc ấy, và chúng ta có thể giúp Ngài được toại nguyện ý đó. 

Ngài muốn dùng chính bản thân chúng ta để thăm viếng những người chúng ta quen biết, yêu thương. Ngài muốn an ủi, vỗ về, khuyến khích, khuyên lơn, cảnh tỉnh họ bằng miệng lưỡi của ta. Ngài muốn săn sóc, làm việc phục vụ họ bằng chính bàn tay của ta. Ngài muốn yêu thương họ bằng chính trái tim của ta. Ngài muốn quan tâm tới họ bằng chính tâm trí của ta. Qua ta, Ngài muốn biểu lộ tình thương vô biên của Ngài cho họ. Vì thế, Ngài mong muốn ta trở thành hiện thân của yêu thương, thứ yêu thương bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói. Ta có là hiện thân của tình thương, thì ta mới trở nên hiện thân của Ngài. Và chính lúc ấy, ý muốn của Ngài là yêu thương phục vụ họ mới được thỏa mãn hoàn toàn. 

Vấn đề là ta có muốn trở nên hiện thân của Ngài hay không. Ngài không bao giờ muốn ép buộc ta, thúc bách ta, nhưng luôn luôn mời gọi ta. Ta có nghe thấy tiếng Ngài mời gọi không? Nếu có, hãy đáp lại lời mời ấy một cách quảng đại. Đó là cách chứng tỏ cụ thể nhất rằng ta yêu mến Ngài. Yêu mến Ngài thì phải yêu thương giống như Ngài, chứ không phải yêu Ngài bằng cách dâng lên Ngài thật nhiều thánh lễ, đọc thật nhiều kinh kệ, và quỳ hàng giờ trước nhà tạm. Nếu ta yêu Ngài thật sự, thì hãy yêu Ngài, phục vụ Ngài trong những người anh chị em gần gũi ta, như Thánh Phanxicô Khó khăn đã biểu lộ trong kinh Hòa Bình:  «Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người» . Khi ta đến với họ, Ngài cũng muốn ta coi họ như hiện thân của Ngài, nghĩa là như chính bản thân Ngài.

Ngài đã chẳng từng nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi!» (Mt 7,21). Mà ý muốn của Thiên Chúa là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia để nói lên sự chán ngấy của Ngài về việc giữ đạo theo kiểu dâng thật nhiều lễ tế, đọc kinh kệ thật nhiều nhưng thiếu tình yêu thương tha nhân: «Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bò mập, Ta đã ngấy (…) Thôi đừng đem những lễ vật vô ích ấy đến nữa. Ta ghê tởm khói hương, ta chịu không nổi những ngày đầu tháng, những ngày sabát, ngày đại lễ, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình (…) Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn, vì tay các ngươi đầy những máu…» (Is 1,11-15). 

Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô cũng viết những ý tưởng tương tự: «Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, Vì đó chỉ là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền» (Dt 10,8). Qua lời thánh Phaolô, ta thấy tình yêu đích thực thì làm Chúa hài lòng hơn rất nhiều so với những lễ tế được cử hành chỉ vì muốn tuân thủ lề luật! Thật vậy, lễ tế hay việc làm dù tốt lành đến đâu nhưng không do tình yêu thúc đẩy thì chẳng có giá trị bao nhiêu trước mặt Thiên Chúa: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi»  (1Cr 13,3).



CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin giúp con trở thành hiện thân của Chúa để giúp Chúa phục vụ mọi người qua chính bản thân của con. Xin cho con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh con. Xin giúp con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu của con để năng đến gặp gỡ họ, thăm viếng họ, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của họ. Xin giúp con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ. Amen.


Thursday, December 13, 2018

Vong3b - Cần phải sám hối dựa trên ba điều mà Đức Giêsu cho là căn bản nhất trong lề luật



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng

(16-12-2018)

Bài đào sâu

Cần phải sám hối dựa trên ba điều 
mà Đức Giêsu cho là căn bản nhất trong lề luật


  TIN MỪNG: Lc 3,10-18

Sứ điệp của Gioan Tẩy Giả


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Những việc Gioan Tẩy Giả đề nghị làm để tỏ lòng sám hối liên quan đến ai? đến Thiên Chúa hay đến tha nhân?  
2. Theo tinh thần của Gioan Tẩy Giả, để chuẩn bị đón Chúa đến, chúng ta nên làm gì? Cần thực hiện những gì? 
3. Những điều căn bản nhất trong việc sống đạo cần phải sám hối và sửa đổi là gì? Phải dựa trên căn bản theo quan điểm của Kinh Thánh, của Đức Giêsu hay của con người?

Suy tư gợi ý:

Sám hối theo 3 điều căn bản nhất trong đạo

Mùa Vọng là mùa chuẩn bị đón Chúa đến. Để biết phải chuẩn bị thế nào, chúng ta nên làm những gì mà Gioan Tẩy Giả đề nghị, vì ông là người có sứ mạng chuẩn bị cho Đức Giêsu đến với nhân loại. Điều ông làm để chuẩn bị Ngài đến là: «Rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối» (Lc 3,3)

Như vậy, điều quan trọng mà ông đề nghị là sám hối. Và ông định nghĩa sám hối như sau: «Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng» (Lc 3,4-5). Chắc chắn câu trên không thể hiểu theo nghĩa đen là sửa đường, bạt núi, lấp thung lũng, mà phải hiểu theo nghĩa tâm linh, nghĩa là việc sám hối phải được thực hiện từ trong tâm hồn, phải có sự thay đổi thật sự từ bên trong.

Thay đổi từ bên trong, chúng ta nên dựa vào những điều Đức Giêsu cho là căn bản nhất trong lề luật, hay trong tôn giáo, để xét mình và thay đổi. Ngài nói: «Những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là sự công bình, lòng nhân ái và tính thành thật» (Mt 23,23b). Ba điều quan trọng nhất này được Gioan Tẩy Giả đề nghị trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trong việc sám hối, chúng ta đừng bắt chước những người Pharisêu, đó là quan trọng hóa những điều phụ thuộc mà không hề xét đến những điều quan trọng nhất. Đức Giêsu trách họ: «Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người (coi trọng việc) nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ qua những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là sự công bình, lòng nhân ái và tính thành thật. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia» (Mt 23,23). Do đó, chúng ta cần phải xác định được điều quan trọng nhất trong việc sống đạo là gì để ưu tiên thực hành điều ấy.



1) Tôn trọng sự công bằng, cổ võ cho công lý

Khi những người thu thuế đến chịu phép rửa, họ hỏi Gioan Tẩy Giả: «Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?», ông bảo họ: «Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh». Khi những binh lính hỏi ông: «Chúng tôi phải làm gì?», ông bảo họ: «Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình» (Lc 3,12-14)

Những người thu thuế và những binh lính là những người bị coi là thấp kém về mặt tâm linh, thì Gioan Tẩy Giả chỉ yêu cầu họ thực hiện sự công bình đối với người khác, chưa đòi hỏi điều gì cao hơn. Điều đó cho thấy tiêu chuẩn thấp nhất của đạo đức, của mức độ thánh thiện là sống công bình, không gây bất công cho người khác, không tạo nên những bất công trong xã hội. 

Nhân dịp mùa Vọng, ta thử xét mình về tiêu chuẩn thấp nhất của đạo đức, xem ta đã tôn trọng sự công bằng trong đời sống thường ngày chưa. Chẳng hạn: 

− Khi mượn tiền hay mượn đồ đạc của ai, ta có quyết tâm trả cho bằng được và trả đúng kỳ hạn không? 

− Khi hợp đồng với ai điều gì, ta có thực hiện đúng những điều khoản mà ta đã đồng ý sẽ thực hiện trong hợp đồng không? 

− Khi đi làm trong các xí nghiệp, công ty, ta có làm hết giờ, và làm hết năng lực của mình như mình đã chấp nhận lúc xin việc không? 

− Ta có hối lộ hay nhận hối lộ, cho dù chỉ là một món quà, để được ưu tiên hay dành ưu tiên cho ai đó một cách bất công không? 

− Ta có lợi dụng ưu thế của ta trong xã hội hay Giáo Hội, để khuyến khích hay buộc những người dưới quyền phải làm những việc ta phải làm mà không đền bù xứng đáng cho họ chăng? 

− Ta có công bằng đối với con cái, hay với những người dưới quyền ta không? 

− Ta có thực hiện những điều ta đã hứa với người khác không? 

− Ta có dễ dàng nói xấu người khác, làm mất thanh danh của họ không? 

− Ta có tung những tin thất thiệt không kiểm chứng lên mạng internet gây lo lắng, bất ổn cho người khác, hay làm mất uy tín của ai đó một cách phi lý không? 

− V.v… và v.v… 

Nếu sự công bằng với tha nhân và trong xã hội, là đòi hỏi tối thiểu của đạo đức, mà ta không tôn trọng, thì ta đừng bao giờ nghĩ rằng mình là người đạo đức cả.

Đức công bằng cũng đòi hỏi người Kitô hữu phải tạo sự công bằng trong xã hội nữa. Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội đòi hỏi người Kitô hữu phải lên tiếng, phải đấu tranh cho công lý, cho công bằng xã hội, nhất là trong những xã hội đang đầy dẫy những bất công. Chúng ta có quan tâm tới nghĩa vụ xã hội này không?



2) Tình thương đồng loại hay lòng nhân ái

Những người bình thường, được coi là thuộc loại đạo đức trung bình, khi hỏi rằng họ phải làm gì để tỏ lòng sám hối, Gioan Tẩy giả trả lời: «Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có ăn, thì cũng làm như vậy» (Lc 3,10-11). Đó là những việc làm bác ái.

Điều này khiến chúng ta phải chỉnh lại tư tưởng hay thái độ của chúng ta. Vì khi nghĩ đến ăn năn sám hối, là ta thường nghĩ ngay đến sự khô khan nguội lạnh của ta đối với việc thờ phượng Chúa, với việc xưng tội, đi lễ, rước lễ. Điều đó rất đúng, nhưng không phải là điều quan trọng nhất trong việc sống đạo, vì đạo chủ yếu là những gì cần phải đem áp dụng vào mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chứ không phải chỉ là những việc làm tại nhà thờ, khi đọc kinh dâng lễ. 

Nói đến sám hối, rất ít người nghĩ đến cách sống, cách ăn nếp ở, hay cách ăn nói của mình đã làm cho khác phải khó chịu, không bằng lòng, hoặc đã có những hành động gây thiệt hại cho họ. Càng ít người nghĩ đến những trường hợp mình gặp những người đau khổ, khốn khó, cần được cứu giúp hay nâng đỡ, mà mình đã làm lơ, bỏ qua, không làm gì cả, mặc kệ họ ra sao thì ra với nỗi đau khổ, cùng khốn của họ. 

Sám hối đòi hỏi chúng ta phải chỉnh lại quan niệm của mình sao cho phù hợp với quan niệm của Đức Giêsu, với đường lối của Kinh Thánh. Kitô giáo là đạo của yêu thương được áp dụng trong đời sống, chứ không phải là đạo của những nghi thức bên ngoài, mặc dù những nghi thức này cũng cần thiết như một phương tiện để giúp ta sống yêu thương. 

Cốt tủy lề luật của Kitô giáo là thể hiện tình yêu của mình đối với tha nhân. Thánh Phaolô viết: «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”» (Gl 5, 13b-14). Cho nên điều khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa, đi ngược lại tinh thần Đức Kitô, và không phù hợp với bản chất Kitô hữu chính là những hành động thiếu tình thương của chúng ta đối với tha nhân. 

Như thế, có thể ta không hề làm một điều gì bất công, hay một hành động xấu nào, nhưng ta vẫn chưa được Thiên Chúa hài lòng và chúc phúc, ta chưa trở nên người Kitô hữu đích thực, là vì ta chưa có cái tâm yêu thương, được thể hiện ra thành những hành vi yêu thương người khác thật sự. Yêu thương ai đòi hỏi ta phải quan tâm tới chính người ấy, tới những nhu cầu thiết thực của họ, đồng thời cố gắng đáp ứng những nhu cầu ấy của họ. Lãnh đạm với họ, không quan tâm tới họ, không biết họ cần gì, và không làm gì để giúp đỡ họ, để khiến họ nên tốt hơn, hạnh phúc hơn, thì không phải là yêu thương họ. Và như thế là chưa sống tinh thần bác ái yêu thương của Đức Kitô. 

Biết bao người trong chúng ta tự hào mình là Kitô hữu, thậm chí còn cho mình là một Kitô hữu tốt nữa! Nhưng nếu thử hỏi: ta có luôn cố gắng trở nên hữu ích cho những người chung quanh, có quan tâm tới nhu cầu của những người sống bên cạnh ta, và tìm cách thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ không? có làm họ bớt khổ, bớt xấu hơn không? Có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa dám trả lời «có!». 

Chúng ta cần xét lại: những người bị chúc dữ ngày phán xét không hề bị kết án vì đã làm một điều chi sai trái, mà chỉ vì đã không làm những gì tha nhân cần họ làm (x. Mt 25,41-46). Những điều họ không làm ấy, không ai có quyền đòi hỏi họ làm, nhưng Thiên Chúa lại đòi hỏi những đối tượng của Nước Trời, phải làm những điều ấy như điều kiện tiên quyết để là công dân Nước Trời, là Nước của Tình Yêu.



3) Tính thành thật hay tinh thần tôn trọng sự thật

Khi thấy Gioan kêu gọi sám hối và làm phép rửa, nhiều người nghĩ rằng ông chính là Đấng Mêsia, là vị Cứu Tinh của dân tộc mà các ngôn sứ đã loan báo. Điều đó có thể cũng làm cho Gioan cảm thấy thích thú. Nhưng Gioan không chấp nhận để cho người ta hiểu lầm như thế, ông đã đính chính rất rõ ràng: «Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần bằng lửa» (Lc 3,16).

Tôn trọng chân lý hay sự thật là yếu tố căn bản của đạo đức hay sự thánh thiện. Đức Giêsu nói: «Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ» (Mt 5,37). Người đạo đức không bao giờ cố ý làm gì để người khác hiểu lầm.

Tôn trọng sự thật cũng có nghĩa là hình thức bên ngoài phải phù hợp với nội dung bên trong. Chẳng hạn những nghi thức tôn giáo, những lời cầu nguyện nói với Thiên Chúa phải phản ảnh đúng tâm tình có thực bên trong. Nếu nói «Lạy Chúa, con yêu mến Chúa» mà trong thực tế chẳng có một hành động nào chứng tỏ tình yêu ấy, thì đâu khác gì một chàng sở khanh tỏ tình giả dối với một cô gái. Tất cả mọi hình thức đạo đức giả đều mang tính lừa dối. Những nghi thức linh đình, trang trọng bề ngoài nhưng rỗng tuếch tâm tình bên trong chắc chắn chỉ làm cho Chúa chán ngán (x. Is 1,10-17).




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết sám hối theo cách Cha muốn, nghĩa là chỉnh đốn lại quan niệm và cách suy nghĩ của mình để sống cho đúng thánh ý của Cha. Đức Giêsu để chỉ cho con biết 3 điều căn bản và quan trọng nhất trong lề luật, trong việc sống đạo, đó là thực hiện công bằng, lòng nhân ái và sự thành thật. Xin giúp con can đảm áp dụng 3 điều quan trọng ấy trong mọi hoàn cảnh sống của con, trong gia đình, ngoài xã hội cũng như trong Giáo Hội. Amen

(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/12/vong3a.html)


Sunday, December 9, 2018

Vong3a - Điều quan trọng nhất trong việc sám hối là sửa đổi lại quan niệm cho đúng với tinh thần Tin Mừng




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng

(16-12-2018)


Điều quan trọng nhất trong việc sám hối
là sửa đổi lại quan niệm cho đúng với tinh thần Tin Mừng



ĐỌC LỜI CHÚA

  Xp 3,14-18a: (17) Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.

  Pl 4,4-7: (4) Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!  (5) Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến.

  TIN MỪNG: Lc 3,10-18

Sứ điệp của Gioan Tẩy Giả

Khi ấy, (10) đám đông hỏi Gioan Tẩy Giả rằng: «Chúng tôi phải làm gì đây?»  (11) Ông trả lời: «Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy». (12) Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: «Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?» (13) Ông bảo họ: «Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh». (14) Binh lính cũng hỏi ông: «Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?» Ông bảo họ: «Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình». 

(15) Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia! (16) Ông Gioan trả lời mọi người rằng: «Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. (17) Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi». (18) Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Để giúp mọi người sám hối, Gioan Tẩy giả khuyên mỗi loại người một lời khuyên khác nhau. Tại sao vậy? Ta có thể rút ra kết luận gì về điều ấy? 
2. Công lý và tình thương có liên hệ gì với nhau? Tình thương không được xây dựng trên công lý có phải là đức ái Kitô giáo không? Tại sao? 
3. Sám hối để đón Chúa đến đòi hỏi phải có sự thay đổi: giữa thay đổi quan niệm và thay đổi thái độ hay hành động, cái nào quan trọng và nền tảng hơn? Cần phải thay đổi quan niệm nào và thay đổi thế nào?

Suy tư gợi ý:

1. Công lý và tình thương

Gioan Tẩy Giả kêu gọi sám hối để dọn đường cho Chúa đến. Khi có người muốn đi vào cụ thể của việc sám hối, Gioan đã tùy theo người hỏi ông là loại người nào mà đề ra hai loại việc làm cụ thể. Đối với những người trình độ tâm linh còn thấp, ông đề nghị những việc làm liên quan đến việc thực hiện công bằng hay công lý. Chẳng hạn với người thu thuế, ông nói: «Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh» (Lc 3,13); với bính lính, ông nói: «Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình» (Lc 3,14)

Đối với những người đã thực hiện được sự công bằng hay công lý trong đời sống, ông đưa họ lên một mức độ trọn lành cao hơn, đó là tình thương hay bác ái: «Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy» (Lc 3,11)

Công lý và tình thương hay công bằng và bác ái là hai tinh thần căn bản của Kitô giáo. Hai đức này phải đi đôi với nhau thì mới thật sự là tinh thần Kitô giáo. Nghĩa là công lý Kitô giáo phải là thứ công lý có tình thương, và tình thương Kitô giáo phải là tình thương được xây dựng trên nền tảng công lý. Nói theo ngôn ngữ thông thường là tình và lý phải luôn đi đôi với nhau: lý phải có tình, mà tình phải có lý.



2. Tình thương phải có nền tảng là công lý, công lý phải được xây dựng trên sự thật

Tuy nhiên, còn một điều hết sức căn bản nữa của tinh thần Kitô giáo, đó là tinh thần tôn trọng chân lý hay sự thật. Trong Tin Mừng Matthêu, Đức Giêsu cho biết: «Những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và sự thành thật» (Mt 23,23)

Sự thành thật ở đây chính là tinh thần yêu chân lý, tôn trọng sự thật, nghĩa là: «Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ» (Mt 5,37). Do đó, đạo đức hay thánh thiện mà thiếu tôn trọng một trong ba điều này, là «công lý, tình thương và sự thành thật», thì chỉ là thánh thiện hay đạo đức một cách què quặt. 

Tuy nhiên, trong ba điều này thì sự thành thật hay tinh thần tôn trọng sự thật là nền tảng cho cả hai điều kia. Thiếu tinh thần tôn trọng sự thật thì không thể có công lý và tình thương đích thực. 

Trong ba điều quan trọng ấy, tình thương là cao cả nhất (x. 1Cr 13,2.13) – vì tình thương chính là bản chất của Thiên Chúa (x.1Ga 4,8.16) – nhưng tình thương chỉ là tình thương đích thực khi nó được xây dựng trên nền tảng công bình hay công lý. Tình thương có nền tảng như thế mới có thể là đức ái Kitô giáo. Chính vì thế, đối với những người tội lỗi, ông Gioan chỉ đòi hỏi họ giữ được sự công bằng, là mức đạo đức tối thiểu cần có (vốn chưa phải là công bằng Kitô giáo), trước khi có được mức đạo đức cao hơn. Với người bình thường –giả thiết là đã thực hiện sự công bình– ông mới khuyên họ thể hiện tình yêu thương tích cực với đồng loại, đặc biệt với người nghèo khổ.



3. Nghĩa vụ thực hiện công bằng xã hội

Người Kitô hữu đúng nghĩa là người theo Chúa không chỉ tôn trọng công lý, sống công bằng với mọi người, không đối xử bất công với ai, mà còn phải tích cực tạo sự công bằng xã hộithực hiện bác ái xã hội nữa. Ngôn sứ Isaia viết: «Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục!» (Is 58,6-7)

Nước Trời, nơi mọi người Kitô hữu mong đợi sẽ đến, được thánh Giacôbê định nghĩa là «trời mới đất mới, là nơi công lý ngự trị» (Gc 3,13), nếu ta không yêu chuộng công lý, không tìm cách tạo lập công lý trong xã hội, làm sao ta có thể thích hợp với nơi ta mong đến ấy?

Học Thuyết Xã Hội Công Giáo đã được Hội nghị các Giám mục Hoa Kỳ khi họp tại Washington DC tháng 6-1998 tuyên bố là một phần thiết yếu của đức tin Công giáo. Một trong những điểm chính yếu của học thuyết này là kêu gọi các Kitô hữu không chỉ dấn thân vào các công việc bác ái mà còn phải dấn thân thực hiện công bằng xã hội. Sống trong một xã hội mà bất công lan tràn, nếu người Kitô hữu không hề quan tâm đến những bất công ấy và tìm cách cải thiện nó, thì rõ ràng là không sống đúng điều Chúa Kitô và Giáo Hội đòi hỏi.



4. Sự phán xét của Thiên Chúa

Trong bài Tin Mừng, Gioan cho biết Đấng Mêsia đến sau ông có nhiệm vụ giáo dục, thánh hóa mọi người: «Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa» (Lc 3,16). Ngoài ra, Ngài còn có nhiệm vụ sàng sẩy, thanh lọc, tức phán xét và thưởng phạt mọi người nữa: «Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi» (Lc 3,17).

Mục đích của công việc giáo dục, thánh hóa của Ngài chắc chắn là biến con người trở thành những con người hoàn hảo như Ngài đã nói: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Và con người hoàn thiện theo quan niệm của Ngài ắt phải là người thực hiện được «những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và sự thành thật» (Mt 23,23).

Nếu mục đích của việc giáo dục, thánh hóa của Ngài là như thế, ắt tiêu chuẩn để xét đoán, thưởng phạt của Ngài cũng phải dựa trên ba điều căn bản ấy. Thật vậy, Tin Mừng Matthêu cho ta tiêu chuẩn mà Ngài dùng để phán xét là chúng ta có đối xử với tha nhân của mình bằng tình yêu hay không (x. Mt 25,31-46). Tình yêu mà Đức Giêsu đòi hỏi là phải là thứ tình yêu được xây dựng trên nền tảng sự thật và công lý.



5. Sám hối một cách có nền tảng là sửa đổi quan niệm cho đúng

Các bài Tin Mừng trong mùa Vọng đều ít nhiều nhấn mạnh đến tinh thần sám hối: Gioan «kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội» (Lc 3,3). Sám hối đòi hỏi một sự thay đổi cụ thể: «Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng» (Lc 3,5)

Điều quan trọng nhất mà chúng ta phải thay đổi chính là quan niệm về sự thánh thiện hay lòng đạo đức của chúng ta. Rất nhiều Kitô hữu quan niệm chưa đúng về điều này, nên dù rất khao khát và quyết tâm nên thánh, nhưng trong thực tế chỉ là đạo đức thánh thiện trước con mắt sai lầm của người đời, chứ không phải là thánh thiện đạo đức trước con mắt của Thiên Chúa.

Hồi nhỏ, tôi có quen biết một bà sống độc thân. Bà rất siêng năng đọc kinh, đi lễ, xưng tội, coi đó như là điều quan trọng nhất trong đời. Vì thế, nhiều người coi bà là một người rất đạo đức. Có điều là bà rất khó tính, con cháu dù lớn hay nhỏ đều cảm thấy không thích ở gần bà. Mặc dù con cháu ruột thịt của bà rất đông và nhiều đứa rất nghèo khổ, nhưng trước khi bà mất, bà dùng hết tiền của và tài sản bà có để xin lễ, không để lại cho đứa cháu nào lấy một đồng. Bà lo sợ sau khi chết, con cháu sẽ không có đứa nào xin lễ cho bà, nên bà phải tự lo lắng lấy chuyện ấy. 

Thấy vậy, tôi tự hỏi: không biết cả tài sản của bà mà đem xin lễ như thế có thật sự lợi ích cho phần rỗi linh hồn của bà không? Xét cho cùng thì bà chỉ là một người ích kỷ: bà chỉ nghĩ tới phần rỗi linh hồn, hạnh phúc đời sau của bà, chứ không hề yêu thương gì con cháu. Con cháu ruột thịt của bà mà bà không yêu thương thì bà còn yêu thương được ai? làm sao bà yêu thương được Đấng vô hình như Thiên Chúa? Bà hành động như thế chính vì bà có một quan niệm sai lầm về đạo đức và thánh thiện, mà đáng buồn thay những người có đủ thẩm quyền giúp bà thay đổi quan niệm ấy không mấy ai lại chịu giúp bà!



6. Đạo đức hay thánh thiện phải được xây dựng trên chân lý, công lý và tình thương

Hiện nay, chắc hẳn vẫn có khá nhiều Kitô hữu quan niệm đạo đức theo kiểu của bà cụ trong câu chuyện trên. Thiết tưởng chúng ta cần phải quan niệm cho đúng về sự đạo đức, thánh thiện thì mới trở nên đạo đức, thánh thiện đúng nghĩa được. Đạo đức hay thánh thiện phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc là chân lý, công lý và tình thương, chứ không phải trên những lễ nghi hay những hình thức của tôn giáo. Làm sao ta có thể nên giống Đức Giêsu, Đấng «muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ» (Hs 6,6; Mt 9,13), đang khi ta lại chủ trương coi hy lễ quan trọng hơn cả lòng nhân?

Thánh Gioan Kim Khẩu viết: «Anh em có muốn tôn kính thân thể Chúa Kitô không? Vậy thì đừng bỏ qua Ngài khi thấy Ngài trần truồng. Đừng tôn vinh Ngài với đủ thứ gấm vóc lụa là trong đền thờ, trong khi lại bỏ mặc Ngài đang run lạnh và trần truồng ngoài trời. Đấng đã từng nói “Đây là mình Thầy” cũng chính là Đấng đã nói “Các ngươi thấy ta đói mà không cho ăn”… Có ích gì khi bàn tiệc Thánh Thể thì chất nặng những chén lễ bằng vàng, trong khi Đức Kitô đang hấp hối vì đói khát? Hãy cho Ngài hết đói khát đã, rồi mới lấy những gì còn lại mà trang hoàng bàn thờ!» (Tông huấn GHTCA trích dẫn, số 41§2). Trong đoạn văn này, Ngài là ai? − Chính Ngài đã giải thích: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm (hay không làm) như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã làm (hay không làm) cho chính Ta vậy» (Mt 25,40/45).
Để đón Chúa đến, thiết tưởng điều sám hối quan trọng nhất là chúng ta cần quan niệm cho đúng về sự thánh thiện. Đạo đức hay thánh thiện Kitô giáo phải được xây dựng trên «những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và sự thành thật» (Mt 23,23), tức «chân lý, công lý và tình thương», chứ không phải xây dựng trên những lễ nghi hay những hình thức đạo đức bề ngoài.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu luôn coi trọng tình thương và cách xử sự giữa con người với nhau hơn cả những nghi thức tôn giáo (x. Mt 6,23-24; 9,13). Xin giúp con thay đổi quan niệm giống như Đức Giêsu để đón Ngài đến trong tâm hồn con như một vị Thầy, một gương mẫu thánh thiện cho cuộc đời của con. Thật là trớ trêu khi con muốn nhận Ngài là Thầy mà lại không muốn quan niệm mọi sự giống như Ngài. Xin giúp con có được những quan niệm giống như Đức Giêsu nhờ đọc và suy gẫm Lời Ngài trong Kinh thánh, để thấy được cách quan niệm, cách suy nghĩ và cách sống của Ngài mà bắt chước. Amen


Sunday, December 2, 2018

Vong2b - Tình yêu đích thực là điều chính yếu và cần thiết nhất để đón Chúa đến




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng

(9-2-2018)

Bài đào sâu

Tình yêu đích thực là điều chính yếu
và cần thiết nhất để đón Chúa đến



  TIN MỪNG: Lc 3,1-6

Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Sứ điệp chính của Gioan Tẩy giả là gì? Là sám hối? Nhưng phải hiểu sám hối thế nào? Dựa trên điều gì để biết được một người thật lòng sám hối? 
2. Người Pharisêu và Xađốc là những người nắm giềng mối của tôn giáo, được dân chúng coi là gương mẫu về đạo đức, tại sao Gioan Tẩy giả lại gọi họ là «nòi rắn độc»? Ông có quá đáng không? 
3. Cách đánh giá của Đức Giêsu và Gioan Tẩy giả về đạo đức và thánh thiện có khác cách thường tình của chúng ta không? Các Ngài đánh giá dựa trên tiêu chuẩn nào? Chúng ta thường dựa trên tiêu chuẩn nào? 


Suy tư gợi ý:

1. Gioan Tẩy giả kêu gọi sám hối

Gioan Tẩy giả xuất hiện để dọn đường cho Đức Giêsu. Ông chuẩn bị tâm hồn dân chúng để họ xứng đáng đón nhận Nước Trời do Đức Giêsu sắp đến khai mạc. Theo ông, điều tiên quyết phải làm để đón nhận Nước Trời là sám hối để được Thiên Chúa tha tội: «Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội» (Lc 3,3).

Sám hối là nhận ra sự sai trái của mình đối với đường lối của Thiên Chúa và quyết tâm sửa sai. Sám hối đích thực phải dẫn đến một sự thay đổi toàn diện, một đời sống mới, với quan niệm mới, nhìn mọi sự và suy nghĩ mọi vấn đề theo cung cách mới, phù hợp với cách nhìn và đường lối của Thiên Chúa. Người nào nói mình sám hối mà đời sống không hề thay đổi, người ấy là người nói dối.



2. Coi chừng! những người tưởng mình là công chính nhiều khi lại cần sám hối hơn ai hết

Điều khiến ta phải lấy làm lạ là thái độ của Gioan Tẩy giả đối với những người Pharisêu và Xađốc. Tin Mừng Matthêu viết: «Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối» (Mt 3,7-8). Những người Pharisêu và Xađốc là những người dạy dỗ dân chúng về tôn giáo, về lề luật của Chúa. Họ nắm giữ những giềng mối của tôn giáo Do Thái, và được coi là mô phạm, là gương mẫu cho dân chúng. Họ là những người giữ lề luật một cách rất nhiệm nhặt, chi ly đến từng chi tiết. Vì thế, dưới con mắt loài người, họ rất có lý khi tự hào về sự đạo đức, thánh thiện của mình.

Ta không hề thấy Gioan Tẩy giả nặng lời với bọn gái điếm, thu thuế, vốn bị coi là hạng tội lỗi. Nhưng ông lại rất nặng lời với những người thuộc hai phái được dân chúng coi là đạo đức này. Ông gọi họ là: «nòi rắn độc» (Mt 3,7)Sự kiện này rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Thông thường, mọi người đều nghĩ: nếu phải dùng từ «nòi rắn độc» để chỉ ai đó, thì bọn thu thuế và gái điếm mới xứng đáng với từ này nhất. Nhưng Gioan Tẩy giả không nghĩ như vậy. Ông dùng từ độc địa này để gọi chính những người được mọi người coi là đạo đức nhất trong dân chúng. Ông sai lầm chăng? 

Nếu cho rằng Gioan sai lầm, thì cũng phải cho rằng Đức Giêsu sai lầm luôn khi Ngài nói thẳng với hai nhóm người được coi là đạo đức này: «Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31). Rõ ràng hai vị đồng quan điểm với nhau!



3. Đức Giêsu nhìn và đánh giá con người dựa trên tình yêu

Đức Giêsu –cũng như Gioan Tẩy giả– không đánh giá con người theo cách của chúng ta. Ngài nhìn thẳng vào chính tâm hồn con người để đánh giá, chứ không chỉ nhìn vào chức vụ, vào những việc làm tốt đẹp, những nhân đức được tỏ lộ ra bên ngoài ai cũng thấy như chúng ta. Vì thế, rất có thể những người bị chúng ta cho là tội lỗi vì những hành động xấu xa bên ngoài, lại được Ngài đánh giá cao hơn những con người được chúng ta cho là thánh thiện, đạo đức vì những nhân đức hay việc làm tốt lành mà ta thấy được của họ. Chính vì Ngài đánh giá khác con người, nên Ngài mới báo trước một sự đảo lộn không ngờ vào ngày chung cuộc: «Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên đầu» (Mc 10,31; xem thêm Mt 7,22-23; 8,11-12).

Đức Giêsu đánh giá con người như thế nào? Tiêu chuẩn đánh giá của Ngài chính là tình yêu, tình yêu đích thực, vì bản chất của Ngài chính là tình yêu (x.1Ga 4,8.16). Ai càng có nhiều tình yêu thì càng giống Ngài và càng có giá trị trước mặt Ngài. Do đó, sự thánh thiện hệ tại tình yêu mà con người có trong lòng mình, chứ không hệ tại những nhân đức hay những việc tốt đẹp mà con người làm được. Những thứ này chỉ là biểu hiện tất yếu của tình yêu chứ không phải là tình yêu. 

Nếu là tình yêu đích thực thì đương nhiên phải được thể hiện thành những nhân đức hay việc làm tốt đẹp. Ai nghĩ hay nói rằng mình có tình yêu, nhưng lại không hề thể hiện tình yêu ấy thành việc làm, thành nhân đức, thì đó là kẻ nói dối hay ảo tưởng. Tuy nhiên, không phải tất cả những việc làm tốt đẹp, những nhân đức thấy được bên ngoài đều xuất phát từ tình yêu.



4. Không có tình yêu, mọi việc tốt đẹp đều vô giá trị trước mặt Thiên Chúa

Thật vậy, người ta vẫn có thể có những nhân đức hay việc làm hết sức tốt đẹp bên ngoài mà chẳng hề có tình yêu ở bên trong. Những nhân đức hay việc làm tốt đẹp ấy có thể phát xuất:

– từ tham vọng cá nhân: một người có tham vọng làm tổng thống, bộ trưởng hay làm một chức sắc cao cấp trong một tôn giáo vẫn có thể tập luyện để có những nhân đức, hay làm được những việc rất tốt đẹp chủ yếu để đạt được những địa vị cao cả đó.

– từ chức năng: một cán sự xã hội, một nhân viên tiếp thị, một đại lý bảo hiểm… phải có những lời nói thật dễ thương, đầy vẻ khiêm nhường và vị tha, phải có thái độ sẵn sàng giúp đỡ… (mà bình thường mình không có) thì mới có thể thành công trong nghề nghiệp mình. Làm chức sắc tôn giáo cũng phải ăn nói hay hành động thế nào để tỏ ra có tình yêu đúng như chức vụ mình đòi hỏi. Tình yêu này là thứ «tình yêu do chức năng» (love by profession) hay «tình yêu vì mục vụ» (love by pastoral duty)

– từ tính sĩ diện, ham được ca tụng, thích được bái phục, hoặc sợ bị chê cười, trách móc: biết bao hành động tốt đẹp trên đời được thành tựu do sự thúc đẩy của động lực rất phổ biến này.

Như vậy, «yêu thật sự» và «có vẻ yêu» thì bề ngoài rất giống nhau đến nỗi con người nhiều khi không thể phân biệt được, nên trước mặt con người, giá trị của chúng có thể như nhau, nhưng trước mặt Thiên Chúa lại rất khác nhau. Thánh Phaolô cho chúng ta biết về sự vô giá trị trước mặt Thiên Chúa của những hành động tốt đẹp nhưng không phát xuất từ tình yêu, cũng như những đặc sủng không phục vụ cho tình yêu: «Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và các thiên thần (…) có ơn nói tiên tri và biết hết mọi bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có đức tin chuyển núi dời non (…) có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,1-3). 

Không có tình yêu, thì trước mặt Thiên Chúa, mọi nhân đức, mọi đặc sủng, mọi việc làm tốt đẹp, thậm chí đức tin, chỉ là một dãy số không với chữ số to nhỏ khác nhau mà thôi. Có ai hãnh diện vì số không của mình to hơn, đẹp hơn, hay dãy số không của mình dài hơn của người khác không? Đã là số không, thì dù to hay nhỏ, dù đẹp hay xấu, dù là một chữ số hay nhiều chữ số kết hợp lại, thì cũng đều có giá trị bằng không.

Dãy số không –tượng trưng cho những nhân đức hay việc làm tốt đẹp– dù dài hay ngắn, dù to hay nhỏ, đều không có giá trị gì. Nhưng nếu thêm vào đầu dãy số ấy con số 1, thì giá trị của dãy số ấy hoàn toàn biến đổi. Tình yêu chính là số 1 đứng ở đầu dãy số không ấy, biến tất cả những số không vô giá trị kia thành một giá trị lớn lao. 

tình yêu đích thực lại đặt nền tảng trên tinh thần tự hủy, nghĩa là coi nhẹ «cái tôi» của mình. Đấy chính là ý nghĩa đích thực và chủ yếu của hai chữ «từ bỏ» trong Tin Mừng (x. Mt 16,24). Mọi công trình của con người mà bị đổ bể thường chỉ vì thiếu tinh thần «từ bỏ» này của Tin Mừng. Một người coi «cái tôi» của mình quá quan trọng khó có thể có được tình yêu đích thực.

Vậy, để sám hối hầu đón Chúa đến trong tâm hồn mình, thiết tưởng ta cần nghiêm túc xét xem sự thánh thiện và đạo đức của chúng ta xây dựng trên nền tảng nào: trên tình yêu? hay trên tham vọng cá nhân, trên chức vụ, trên sĩ diện? Nếu sự đạo đức thánh thiện ấy không được xây dựng trên tình yêu, thì chính chúng ta mới là những người phải sám hối trước tiên. Vì rất có thể những kẻ có vẻ tội lỗi hơn chúng ta lại có nhiều tình yêu hơn chúng ta, họ đối xử với tha nhân có tình có nghĩa hơn chúng ta. Nên trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không giá trị bằng họ.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhiều khi con cầu nguyện nhiều hơn người khác, nhưng chính trong khi cầu nguyện, con lại tỏ ra ích kỷ, kiêu ngạo và thiếu tình yêu hơn lúc nào hết, khiến việc cầu nguyện của con làm cho Cha chán ngán. Nhiều khi chúng con giống như những người Pharisêu, cầu nguyện nhiều để được mọi người coi là đạo đức (x. Mt 6,5), hoặc tự hào về mình trước mặt Cha khi cầu nguyện (x. Lc 18,11-12). Xin cho con hiểu rằng chỉ có tình yêu chứ không phải bất cứ điều gì khác làm cho con trở nên giống Cha, nghĩa là nên thánh thiện thật sự.


Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây .