Sunday, December 31, 2017

HienLinhb - Có chính đạo, mà không sống theo chính đạo, thì không bằng những kẻ không chính đạo nhưng sống theo đạo của lương tâm




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

(7-1-2018)

Bài đào sâu

Có chính đạo, mà không sống theo chính đạo,
thì không bằng những kẻ không chính đạo
nhưng sống theo đạo của lương tâm




  TIN MỪNG: Mt 2,1-12

Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu Hài Nhi


Câu hỏi gợi ý:
1. Các thượng tế và kinh sư Do Thái biết rõ Đấng Cứu Thế sinh ra ở đâu lại không đến gặp Ngài, còn các nhà chiêm tinh ở mãi tận đâu đâu, phải nhờ các thượng tế và kinh sư Do Thái chỉ cho, thì lại gặp được Ngài. Tại sao lại có chuyện mỉa mai và nghịch lý như vậy? 
2. Rút kinh nghiệm từ bài Tin Mừng thì để gặp được Thiên Chúa, điều quan trọng nhất là gì? Cần phải có tôn giáo chân chính, hay phải có thiện chí và quyết tâm đi tìm Ngài? Cái nào là yếu tố quyết định để gặp được Ngài? 
3. Động lực gì khiến vua Hêrôđê muốn giết hài nhi Giêsu, cho dù biết hài nhi ấy là người của Thiên Chúa? Tuy Kinh Thánh không đề cập đến, nhưng ta thử đoán xem các thượng tế và kinh sư Do Thái – với bản chất của họ như ta đã thấy trong các Tin Mừng – đã có thái độ nào trước tội ác của Hêrôđê: can đảm ngăn cản nhà vua hay mặc kệ Đấng Cứu Thế mà họ mong chờ ra sao thì ra?


Suy tư gợi ý:

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy ba hạng người khác nhau với ba thái độ khác nhau đối với Đức Giêsu mới sinh ra. Trước hết là các nhà chiêm tinh đến từ phương Đông, sau là các thượng tế và kinh sư tại Giêrusalem, và cuối cùng là vua Hêrôđê. 



1. Thái độ của các nhà chiêm tinh đông phương

Các nhà chiêm tinh được nói đến như những người thuộc dân ngoại, không phải là người Do Thái giáo. Họ đại diện cho các dân tộc, các quốc gia trên thế giới đến thờ lạy Đức Giêsu, Đấng trong tương lai và vĩnh cửu sẽ là vua của toàn thể thế giới và vũ trụ. Thái độ của các nhà chiêm tinh là thái độ của những người tìm kiếm, khắc khoải đối với Thiên Chúa, với tha nhân, với chân lý, công lý và tình thương. Và chính vì họ quyết tâm lên đường và ra công tìm kiếm nên họ đã gặp, đúng như Đức Giêsu nói: «Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho» (Mt 7,8). 

Khi ngôi sao biến mất, việc tìm kiếm bị thử thách, họ không nản chí bỏ cuộc, vẫn tiếp tục tìm kiếm, vì họ đã quyết tâm và hết lòng tìm kiếm: «Các ngươi tìm Ta thì các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta» (Gr 29,13); «Kẻ yêu Ta sẽ được Ta yêu lại, người tìm Ta ắt sẽ gặp Ta» (Cn 8,17).



2. Thái độ của các thượng tế và kinh sư tại Giêrusalem

Các thượng tế và kinh sư Do Thái là những bậc thông thái, hiểu biết Kinh Thánh, thông thạo các lẽ đạo của tôn giáo chân chính do chính Thiên Chúa thiết lập. Vì thế, họ đại diện cho những người có chính đạo. Họ là những người có Kinh Thánh trong tay, nắm vững những kiến thức thần học, họ rao giảng và bảo vệ chân lý của Thiên Chúa. Nhưng khi Đức Giêsu đến, những hiểu biết rộng rãi và sâu xa của họ chẳng giúp ích gì cho họ trong việc tìm gặp Ngài. Họ biết rất rõ Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem, vì Kinh Thánh cho biết như thế. Nhưng họ biết để mà biết, để mà dạy người khác, để mà tự hào rằng mình hiểu biết, chứ không phải biết để áp dụng vào đời sống, để đem ra thực hành. Vì thế, cái biết của họ trở nên vô ích cho họ.

Cũng vậy, rất nhiều Kitô hữu hiểu biết rất sâu xa về Thiên Chúa, về chân lý, nhưng họ biết chỉ để biết, để khoe, để dạy người khác, để rao giảng, chứ không phải để áp dụng sự hiểu biết ấy vào đời sống thực tế. Vì thế, sự hiểu biết ấy không đem lại sự cứu rỗi cho họ. 

Đức Giêsu nói: «Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá… Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát» (Mt 7,24.26). «Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành» (Lc 8,21); «Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em» (Ga 13,17); «Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa» (Lc 11,28). 

Dụ ngôn người gieo giống (Lc 8,11-15) cho thấy những người nhận được Lời Chúa mà không đem áp dụng vào đời sống thực tế cũng giống như những mảnh đất «vệ đường», đầy «đá sỏi», đầy «bụi gai», khiến Lời Chúa không phát triển được. Còn những ai đem Lời Chúa ra thực hành, giống như mảnh đất mầu mỡ khiến Lời Chúa sinh hoa kết trái.



3. Bài học cho những ai đang theo chính đạo

Câu chuyện về hai mẫu người trên cho chúng ta bài học quí giá. Những người tưởng rằng mình đang nắm được Thiên Chúa cùng với chân lý, công lý và tình thương trong tay, đồng thời ngủ say và an tâm trong sự lầm tưởng ấy, họ sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài và thực thi được những giá trị kia. Vì Thiên Chúa, chân lý, công lý và tình thương là những thực tại sống động, không phải thứ đồ vật tĩnh lặng có thể nắm được trong tay, nên chỉ có thể tìm kiếm và gặp được trong từng thời điểm, chứ không thể nắm bắt một lần cho mãi mãi. 

Cho nên muốn gặp Thiên Chúa, muốn sống trong chân lý, công lý và tình thương, ta phải không ngừng lên đường tìm kiếm, ra sức thực hiện trong từng thời điểm. Ngừng tìm kiếm, ngừng nỗ lực, thì những thực tại cần thiết ấy sẽ vuột khỏi ta ngay, và sự ngừng nghỉ ấy sẽ tạo cho ta một ảo tưởng rằng mình đang nắm được Thiên Chúa, chân lý, công lý và tình thương ở trong tay. Trong khi ấy, thực tế là ta đang xa rời Thiên Chúa và thường hành động ngược lại với chân lý, công lý và tình thương. 

Thật vậy, những ai dù đang theo chính đạo, tự hào tự mãn về chính đạo của mình, tưởng mình đang nắm được chân lý trong tay, nhưng trong thực tế lại không sống đạo của mình, lại còn khinh chê người khác, họ sẽ trở thành những kẻ tự lừa dối chính mình: «Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình» (Gc 1,22). 

Những ai chỉ biết rao giảng Lời Chúa cho người khác, còn chính bản thân mình lại không thèm áp dụng, hãy lo ngại cho số phận mình như thánh Phaolô: «Tôi phải bắt thân thể tôi chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại bỏ» (1Cr 9,27).

Chuyện các nhà chiêm tinh – mà truyền thống Giáo Hội coi là đại diện cho người ngoại và các dân tộc – cho thấy: dù là người ngoại giáo hay không có tôn giáo chân chính, nhưng nếu người ta thật sự nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa thì họ sẽ gặp được Ngài, nếu thật sự muốn thực thi chân lý, công lý và tình thương thì họ sẽ thực hiện được. Còn những người có tôn giáo chân chính, nhưng lại thờ ơ với việc tìm kiếm Thiên Chúa, với việc thực thi chân lý, công lý và tình thương, người ấy sẽ chẳng gặp được Ngài, và trong người ấy không có chân lý, công lý và tình thương

Tôn giáo chân chính được ví như một chiếc xe hơi tốt, có thể giúp ta đi đến nơi cần đến một cách an toàn, nhanh chóng và bảo đảm. Còn các tôn giáo khác như những loại xe kém hơn. Nhưng có đi đến nơi hay không, không tùy thuộc vào loại xe cho bằng ý chí quyết tâm muốn đi đến nơi. Người không có xe, phải đi bộ mà quyết tâm đi thì chắc chắn sẽ tới nơi, còn có xe tốt và bảo đảm đến đâu, nhưng chính bản thân lại không quyết tâm đi, thì không thể đến nơi cần đến được. Thiên Chúa vẫn luôn luôn tôn trọng đồng thời đòi hỏi sự tự do và quyết định của con người.



4. Thái độ của vua Hêrôđê, nhà cầm quyền

Nói tới Hêrôđê, ta thấy ông có một nỗi sợ hãi khi nghe các nhà chiêm tinh cho biết: «Đức Vua dân Dothái mới sinh» (Mt 2,2). Ông sợ hài nhi mới sinh ấy sẽ lật đổ vương quyền của ông. Và dù biết hài nhi ấy đến từ Thiên Chúa, ông vẫn quyết tâm trừ khử. Như thế, tính tham quyền cố vị – ngoài xã hội cũng như trong Giáo Hội – có thể làm người ta mất hết lương tri, sẵn sàng gây nên tội ác, hay ít ra là im lặng để mặc sự ác phát triển. Hêrôđê quyết tâm tìm giết con trẻ Giêsu bằng cách «sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống» (Mt 2,16). 

Tin Mừng không nói đến thái độ của các thượng tế và kinh sư trước tội ác của nhà cầm quyền. Như đã nói trên, sự hiểu biết của họ về việc sinh ra của Đấng Cứu Thế chỉ là thứ hiểu biết để mà hiểu biết, để mà rao giảng, chứ không hề làm cho họ trở nên lo lắng cho số phận của Đấng Cứu Thế hài nhi. 

Đối với họ, sinh mạng của Đấng Cứu Thế chẳng là gì cả, chuyện quan trọng đối với họ là sự an toàn bản thângiữ cho vững những «chiếc ghế» của họ trong tôn giáo Do Thái. Theo họ, lên tiếng để làm gì cho liên lụy đến bản thân, cho mất quan hệ tốt đẹp với nhà cầm quyền? 

Im lặng cho mọi sự qua đi, bất chấp tốt xấu, đó không phải là thái độ của những ngôn sứ hay mục tử đích thật. Nếu họ sẵn sàng «bỏ chiên mà chạy khi thấy sói đến» (Ga 10,12) thì họ cũng sẵn sàng im lặng bỏ mặc Đấng Cứu Thế mà họ rao giảng ra sao thì ra, dẫu Ngài có nguy hiểm đến tính mạng.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con tưởng cứ theo chính đạo do Cha sáng lập là bảo đảm được cứu rỗi. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, kẻ ngoại giáo quyết tâm tìm kiếm Cha – chân lý, công lý và tình thương – thì lại bảo đảm gặp được Cha hơn là người có chính đạo mà lãnh đạm với Cha. Xin Cha đừng để con say ngủ trong chính đạo mà thờ ơ với những gì là chân lý, công lý và tình thương. Amen.



HienLinha - Biết đạo, mà không sống đạo, cái biết ấy vô ích

CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

(7-1-2018)

Biết đạo, mà không sống đạo,
cái biết ấy vô ích



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 60,1-6: (1) Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.

  Ep 3,2-3a.5-6: (6) Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. 


  TIN MỪNG: Mt 2,1-12

Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu Hài Nhi

(1) Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, (2) và hỏi: «Đức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người». (3) Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: «Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: (6) “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời”». 

 (7) Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: «Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người». (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Lúc Đức Giêsu sinh ra, những ai biết được Ngài đã sinh ra và sinh ở đâu? Họ biết được là nhờ phương tiện gì? Phương tiện nào giá trị và chính xác nhất? Và phương tiện nào đã giúp đương sự thật sự gặp được Đức Giêsu? 
2. Biết về Thiên Chúa một cách đúng đắn và chính xác có bảo đảm là sẽ thật sự gặp gỡ và cảm nghiệm được Ngài không? Những kẻ không biết đúng đắn và chính xác về Ngài có thể gặp gỡ và cảm nghiệm Ngài không? Yếu tố quan trọng để gặp gỡ và cảm nghiệm Ngài là gì? 
3. Bạn rút ra bài học gì về khả năng được cứu rỗi của dân ngoại? Điều quan trọng để được cứu rỗi là tin, là biết cho chính xác, hay là thực hiện điều mình tin, điều mình biết, tức thật sự sống tinh thần yêu thương của Thiên Chúa?


Suy tư gợi ý:

1. Ba cách biết khác nhau về sự kiện Đấng Cứu thế sinh ra

Cách đây khoảng 2000 năm, Đức Giêsu – Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã tiên báo hàng trăm năm trước – đã sinh ra một cách rất âm thầm tại làng Bêlem. Âm thầm, nhưng vẫn có những người biết sự kiện này. Đó là các mục đồng, rồi đến các nhà chiêm tinh ngoại giáo, sau cùng là vua Hêrôđê và các kinh sư Do Thái. Họ biết theo những cách thức khác nhau, và phản ứng của họ sau khi biết cũng rất khác nhau. 

● Các mục đồng đơn sơ chất phác thì được các thiên sứ trực tiếp đến báo tin. Đây là cách biết dễ dàng nhất, mau lẹ nhất, khỏe nhất, không đòi hỏi tài năng hay suy luận cao xa, không đòi hỏi phải chủ động tìm kiếm rồi mới biết, mà lại chính xác nhất… Tất cả đều do Thiên Chúa sắp đặt và cho biết một cách vô điều kiện. Và sau khi biết Đấng Cứu Thế sinh ra ở đâu, các mục đồng đã đến thăm viếng Ngài.

● Các nhà chiêm tinh thì biết theo kiểu khác. Các ông khám phá ra sự xuất hiện của một ngôi sao lạ. Các ông dùng kiến thức về chiêm tinh học để suy đoán ra ý nghĩa của ngôi sao ấy. Và điều rất quan trọng là các ông đã lên đường tìm kiếm «Đức Vua Dân Do Thái mới sinh» (Mt 2,2), dù xa xôi. Và các ông đã gặp được Ngài là một hài nhi nằm trong máng cỏ. Cách biết này mang tính tự nhiên, không chính xác, đòi hỏi thêm nhiều kiến thức tự nhiên của con người. Tuy vậy, cách biết bất toàn này đã giúp các ông thật sự gặp được Đấng Cứu Thế mới sinh.

● Vua Hêrôđê và các kinh sư Do Thái lại biết theo kiểu khác nữa. Nếu không nhờ các nhà chiêm tinh đến hỏi thăm thì họ sẽ chẳng bao giờ đặt vấn đề hay tìm hiểu về việc Đấng Cứu Thế sinh ra. Nhưng phải công nhận là sau khi được hỏi tới, họ biết được ngay nơi Đấng Cứu Thế sinh ra nhờ tra cứu Kinh Thánh, là mặc khải siêu nhiên và bảo đảm của Thiên Chúa. Nhờ Kinh Thánh, họ biết đích xác nơi Đấng Cứu Thế sinh ra là tại làng Bêlem. Nhưng khác với hai loại người trước, họ biết rồi để đấy, cái biết của họ – tuy rất chính xác và bảo đảm – chỉ là một cái biết thuần túy, chẳng dẫn tới hành động, chẳng dẫn họ đến với Đấng Cứu Thế, cội nguồn ơn cứu độ.



2. Phải lên đường đi tìm, phải biến cái biết thành hành động

Như vậy, để biết về Thiên Chúa, về Đức Giêsu, hay về chân lý có thể có nhiều cách biết khác nhau. Có cách do tự nhiên, có cách do siêu nhiên; có cách hoàn toàn do Thiên Chúa, có cách đòi hỏi sự góp phần của con người; có cách bảo đảm đúng và dễ dàng, có cách còn mơ hồ và còn phải nỗ lực nhiều mới đạt được sự chính xác… Nhưng xem ra không phải những ai biết chính xác về Thiên Chúa thì sẽ đương nhiên gặp được Ngài, còn những ai không biết đúng về Ngài thì sẽ không gặp được Ngài. Nhiều người biết rất chính xác về Thiên Chúa nhưng lại chẳng có một nỗ lực nào đi tìm Ngài, nên cái biết ấy vô ích chẳng khác gì không biết! 

Ngược lại, có những người biết về Ngài rất lờ mờ, thậm chí sai lạc, nhưng lại có quyết tâm đi tìm Ngài. Cuối cùng chỉ những người thật sự đi tìm Ngài mới gặp được Ngài. Vì đối với Thiên Chúa hay Chân Lý, thì «ai tìm, sẽ thấy» (Mt 7,7-8). Còn nếu chỉ biết do nghe nói về Ngài, mà không lên đường đi tìm Ngài, thì cái biết ấy vô ích. Cái biết ấy tuy quí giá, nhưng chẳng khác gì một món tiền lớn đựng mãi trong két sắt, chẳng bao giờ được đem ra xài, nên chẳng lợi ích gì cho người chủ của nó: chủ nó thiếu thốn vẫn tiếp tục thiếu thốn. 

Quả thật, nhiều người Kitô hữu tự hào về tôn giáo của mình là tôn giáo mặc khải, là tôn giáo chân chính phát xuất từ Thiên Chúa. Họ biết rất nhiều và rất chính xác về Thiên Chúa. Nhưng cái biết ấy chẳng đem lại lợi ích gì cho tâm linh và sự sống đời đời của họ. Vì họ chẳng đem cái biết ấy ra thực hành. Đức Giêsu nói họ chẳng khác gì những «người ngu dại xây nhà trên cát» (Mt 7,26). Giữa việc biết và việc thực hành cái biết ấy là cả một vực thẳm phải vượt qua, như một linh mục nọ thường nói: «Từ cái tai đến cái tay là cả một khoảng cách» (Lm Nguyễn Văn Siêu, sj). 



3. Nỗ lực thành công của dân ngoại đến tìm Chúa

Bài Tin Mừng của lễ Hiển Linh hôm nay cho thấy: dân ngoại mà nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa thì sẽ gặp được Ngài, còn chính dân của Thiên Chúa nếu không nỗ lực tìm kiếm Ngài thì chẳng gặp được Ngài. «Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý» (1Tm 2,4; x. Dt 2,9), nên đối với những người ngoài Kitô giáo, Thiên Chúa vẫn dành cho họ những con đường riêng biệt để đến với Ngài. Nhưng «bằng cách nào thì chỉ có Chúa biết thôi» (Công Đồng Vatican II, MV 22,5).

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy có những con đường đến với Thiên Chúa, bằng một trình thuật đầy oái oăm:

● Những kẻ có tôn giáo chân chính, có Kinh Thánh hay Lời Chúa trong tay, hiểu biết rất chính xác về Thiên Chúa thì lại không gặp được Ngài. 

● Còn những kẻ không có tôn giáo chân chính, không có phương tiện hữu hiệu để biết Ngài, thì lại gặp được Ngài nhờ quyết tâm tìm kiếm Ngài. 

Điều ấy thật ứng nghiệm lời Kinh Thánh: «Dân mà trước đây không phải là dân của Ta, thì Ta sẽ gọi là Dân của Ta» (Os 1,10, Rm 9,26). 

Với những kẻ tự hào mình có tôn giáo chân chính, có Lời Chúa trong tay mà không chịu sống tôn giáo ấy, không chịu thực hành Lời Chúa, thánh Phaolô viết: «Còn bạn, bạn mang danh là đạo Do-thái, lại ỷ rằng mình có Lề Luật, và tự hào vì có Thiên Chúa; bạn được biết ý Người, được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải; Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa! Thật đúng như lời chép: Chính vì các người mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân» (Rm 2,17-18.23-24). 

Những người này, cũng theo thánh Phaolô, trước mặt Thiên Chúa, không giá trị bằng những người ngoại mà sống đúng theo luật lương tâm: «Còn phép cắt bì, đã hẳn là có ích, nếu bạn thi hành Lề Luật. Nhưng nếu bạn vi phạm Lề Luật, thì bạn có được cắt bì cũng kể như không cắt bì. Nếu người không được cắt bì mà giữ những điều Luật dạy, thì tuy họ không được cắt bì, Thiên Chúa chẳng coi họ như đã được cắt bì sao? Người không được cắt bì trong thân xác mà vẫn chu toàn Lề Luật, người ấy sẽ lên án bạn, vì bạn có Lề Luật ghi chép hẳn hoi và bạn đã được cắt bì, mà vẫn vi phạm Lề Luật» (Rm 2,25-27).

Do đó, được là người Kitô hữu là một ơn rất lớn lao và đặc biệt. Nhưng lại cũng là một trách nhiệm, vì ai nhận nhiều thì sẽ bị đòi hỏi phải sinh lợi ra nhiều, ai nhận ít thì bị đòi hỏi ít (x. dụ ngôn yến bạc: Mt 25,14-30). Nếu ta sống đúng tinh thần của người Kitô hữu là luật yêu thương của Đức Giêsu (x. Ga 13,34), thì hạnh phúc và phần thưởng cho chúng ta, đời này cũng như đời sau (x. Lc 18,30; Mc 10,30), sẽ vô cùng lớn lao. Nhưng nếu ta không đem tinh thần yêu thương của Đức Giêsu ra thực hành trong đời sống, thì giá trị của ta không bằng người ngoại giáo biết sống đúng theo lương tâm của họ. 



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, là người Kitô hữu, chúng con thường tự hào rằng tôn giáo của mình là chính giáo. Nhưng quả thật, nhiều khi chúng con lại không sống tinh thần yêu thương của Đức Kitô bằng nhiều người ngoại giáo. Qua bài Tin Mừng lễ Hiển Linh hôm nay, xin cho chúng con ý thức được nguy cơ này: coi chừng chúng con cũng giống như Hêrôđê và các kinh sư Do Thái, có tôn giáo chân chính, có phương tiện để gặp Cha, để được cứu rỗi trong tay, nhưng cuối cùng tất cả những ưu đãi ấy đều trở thành vô ích vì sự ù lỳ của chúng con. Đang khi ấy, nhiều người ngoại giáo lại có diễm phúc gặp Cha và gần Cha hơn chúng con, chỉ vì họ biết dấn thân quảng đại đáp lại những ơn Cha ban, dù ơn đó họ được ít ỏi hơn chúng con. Xin cho chúng con biết thật sự sống tinh thần yêu thương của Đức Giêsu, để chúng con xứng đáng là người Kitô hữu đích thực.  


Monday, December 25, 2017

Tình yêu và luật lệ, điều nào quan trọng hơn?


Tình yêu và luật lệ,
điều nào quan trọng hơn?




1. Hai cung cách giữ đạo khác nhau

Trong đoạn Tin Mừng về việc Đức Giêsu làm sáng mắt một người mù bẩm sinh vào ngày sabát (Ga 9,1-41), ta thấy hai não trạng hay hai cung cách giữ đạo khác nhau giữa Đức Giêsu và người Pharisêu. Một đằng nhìn thấy con người để yêu thương, còn một đằng chỉ nhìn thấy lề luật, nguyên tắc để tuân giữ. Nghĩa là một đằng quan trọng hóa con người, còn một đằng quan trọng hóa lề luật. 

Khi thấy một người mù cần được giúp đỡ, thì Đức Giêsu động lòng thương và ra tay cứu giúp, bất chấp hôm đó là ngày sabát, là ngày mà luật Môsê cấm ngặt không được làm việc. Như vậy, Ngài coi việc cứu người quan trọng hơn việc giữ luật sabát, cho dù đây là luật buộc rất ngặt: người vi phạm ở mức nghiêm trọng có thể bị tử hình (x. Xh 31,14-15; 35,2). Thế mà Ngài lại «hay chữa bệnh vào ngày sabát» (Ga 5,16). Còn người Pharisêu coi việc giữ luật sabát quan trọng hơn việc cứu người, vì họ cho đây là luật buộc rất ngặt. Theo họ, thà để người khác tiếp tục bị mù, bị thiệt hại, bị chết, còn hơn là vi phạm lề luật của Thiên Chúa.



2. Quan niệm khác nhau giữa người Pharisêu và Đức Giêsu

Hai thái độ ngược nhau đó luôn luôn tồn tại trong cách giữ đạo của các tín đồ trong mọi tôn giáo. Thái độ nào cũng có những lý do chính đáng và hợp lý của nó. Thái độ nào cũng đúng, nhưng đúng ở những mức độ tâm linh cao thấp khác nhau, tùy theo quan niệm cao thấp khác nhau.

Theo quan điểm của người Pharisêu thì luật giữ ngày sabát là luật Môsê, cũng là luật của Thiên Chúa. Vì thế, người công chính phải tuân giữ lề luật, càng công chính thì càng phải giữ luật một cách chi tiết. Do đó, khi thấy Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày sabát, họ bàn thảo với nhau: «Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát» (Ga 9,16). Họ quan niệm: nếu Đức Giêsu là người của Thiên Chúa thì tất nhiên Ngài phải giữ luật Môsê, thậm chí còn nghiêm chỉnh hơn chính họ nữa. Quan điểm của họ quả hết sức hợp lý vì nó hoàn toàn được xây dựng trên rất nhiều đoạn Kinh Thánh khuyên, thậm chí buộc người ta phải giữ luật (x. Đnl 27,26; 30,10; Gs 22,5; 23,6; 1V 2,3; v.v…). Vì thế, đối với họ, việc giữ luật tôn giáo là vô cùng quan trọng. Do đó, nếu có sự xung đột giữa một bên là giữ luật Chúa, một bên là đòi hỏi của lương tâm và đức ái, thì phải ưu tiên cho việc giữ lề luật.

Nhưng quan điểm của Đức Giêsu thì khác hẳn. Đành rằng luật Môsê là luật của Thiên Chúa, nhưng đó không phải là luật cho Thiên Chúa, mà là cho con người. Luật đó được lập nên vì con ngườicho con người, để phục vụ con người, con người mới là mục đích của luật đó. Do đó, nó phải thích ứng với hoàn cảnh của con người, nhưng cũng phải phù hợp với bản chất yêu thương của Thiên Chúa. Hoàn cảnh của con người thì thay đổi tùy thời tùy nơi, còn bản chất yêu thương của Thiên Chúa thì bất biến, không bao giờ thay đổi [*].
 [*] Luật Chúa cho con người cũng như mọi lề luật khác áp dụng cho con người luôn luôn phải tùy thuộc 2 yếu tố:
● bản chất, đường lối hay ý chí của Thiên Chúa (đây là cốt tủy của lề luật, bất biến, là hằng số, và hằng số này chính là lòng yêu thương) và
● hoàn cảnh hay trình độ của con người (thay đổi, là biến số). Tương tự như một hàm số y = ax (a=hằng số, x=biến số, do đó, y thay đổi theo 2 yếu tố đó, chứ không bất biến).
Yếu tố bất biến ở đây là lòng yêu thương, tức bản chất của Thiên Chúa, thì vô cùng quan trọng, thiếu nó, thì việc giữ luật, cũng như mọi việc làm dù tốt đẹp tới đâu cũng trở thành vô giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã xác định điều quan trọng ấy trong đoạn văn: «Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,1-3).
Giữa lề luật và lòng yêu thương, Thánh Phaolô còn xác định rõ ràng hơn nữa:
● Rm 13,10 => «Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy».
● Rm 13,8 => «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật».
● Gl 5,14 => «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình».
● Rm 3,20 => «Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy».
● Rm 3,28 => «Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy» (Đức tin thật sự phải được thể hiện ra thành đức ái, nếu không thì chỉ là đức tin chết hay đức tin giả hiệu [x. Gc 2,17-18]).
Gl 5,18 => «Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa» (Thần Khí [ở đây viết hoa] là Thần Khí của Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Do đó, để Thần Khí hướng dẫn, phần nào đồng nghĩa với để cho tình yêu thương hướng dẫn, đúng như lập trường của Thánh Augustinô: «Ama, et fac quod vis» = «Cứ yêu đi, rồi làm gì thì làm»).
Thánh Giacôbê cũng đồng quan điểm với Thánh Phaolô:
● Gc 2,8 => «Luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình».

Vì thế, khi có xung đột giữa luật của Thiên Chúa với những đòi hỏi của tình yêu hay đức ái, thì phải ưu tiên tuân theo luật của đức ái. Nếu vào ngày sabát mà tình yêu hay đức ái đòi buộc phải làm việc, phải chữa bệnh, phải cứu người, thì phải chấp nhận lỗi luật sabát mới đúng với ý Thiên Chúa. Đức Giêsu đưa ra trường hợp rất cụ thể khi chữa bệnh cho một người phụ nữ bị quỷ ám: «Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?» (x. Lc 13,10-17).

Vì thế, cho dù lỗi luật sabát có thể dẫn đến tử hình, nhưng Đức Giêsu hoặc các tông đồ đã nhiều lần lỗi luật sabát vì lý do bác ái hay vì một lý do chính đáng khác. Chẳng hạn, các môn đệ Đức Giêsu bứt bông lúa mì (x. Mt 12,1-8; Mc 2,23-28; Lc 6,1-5); Đức Giêsu chữa người bị bại tay (x. Mt 12,9-14; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11); chữa một phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-17); chữa người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6); chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bếtdatha (Ga 5,1-18); chữa một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41), tất cả đều được làm vào ngày sabát. Vì theo Ngài, luật lệ chỉ là phương tiện, con người mới là mục đích. Luật lệ để phục vụ con người, chứ không ngược lại. Ngài nói: «Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát» (Mc 2,27).

Ngài đã bị các kinh sư và luật sĩ cảnh cáo nhiều lần về việc Ngài lỗi luật ngày sabát, và tìm cách giết Ngài, nhưng Ngài vẫn cứ "lỗi luật" sabát (x. Ga 5,16) vì lý do đức ái, bất chấp nguy hiểm. Ngài không hề khuyên bảo người bệnh hãy đến với Ngài vào ngày khác thì Ngài mới chữa bệnh cho như những người Pharisêu đã từng khuyên họ: «Ðã có sáu ngày phải làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!» (Lc 13,14). Ngài không hề bảo họ đừng đến với Ngài vào ngày sabát để Ngài giữ luật sabát cho trọn vẹn, mà phản đối kịch liệt lời khuyên trên của người Pharisêu (x. Lc 13,15-17). 

Cách hành xử của Ngài như thế chẳng phải là một mẫu gương để chúng ta noi theo sao, hỡi những người theo Đức Giêsu và những kẻ tự hào mình theo Ngài?



3. Tình yêu hay đức ái ví như hiến pháp, luật lệ khác ví như các khoản luật

Điều ấy cho thấy luật bác ái cao trọng hơn bất cứ loại luật lệ nào, dù là luật thành văn của Thiên Chúa như luật Môsê, hay luật của Giáo Hội và những luật lệ do con người lập ra. Vì trong Kitô giáo, đức ái được ví như hiến pháp, còn tất cả những luật lệ thành văn khác đều chỉ được ví như luật pháp mà thôi. 

Luật pháp phải thể hiện tinh thần của hiến pháp, giúp hiến pháp được thực hiện trong những trường hợp cụ thể hơn trong đời sống. Vì thế, trường hợp nào mà thi hành một điều khoản của luật pháp trở thành vi phạm hiến pháp thì trường hợp ấy, ta không nên thi hành khoản luật ấy. Nếu ai vẫn cứ thi hành khoản luật ấy, thì người ấy vi phạm hiến pháp. Nếu vì muốn thi hành cho đúng hiến pháp mà đành phải vi phạm một điều khoản trong luật pháp, thì việc vi phạm đó không còn là vi phạm nữa. Vì mục đích của luật pháp là để thực hiện hiến pháp, chứ không ngược lại.

Đức ái chính là hiến pháp, là luật tối thượng bao trùm tất cả mọi khoản luật, nên thánh Phaolô đã dám quả quyết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8; x. 18,10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2). Thánh Giacôbê thì cho đức bác ái là luật cao nhất của Kinh Thánh: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). Lời tuyên bố của hai vị thánh này thật rõ ràng. Thánh Âu Tinh cũng nói: «Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm» (Ama et fac quod vis).

Luật Môsê là luật của Thiên Chúa, được chính Thiên Chúa truyền qua Môsê. Thế mà khi có sự xung đột giữa luật Môsê và đức ái hay điều lương tâm đòi buộc, thì Đức Giêsu đã chấp nhận lỗi luật Môsê (tức luật Chúa) chứ không chấp nhận lỗi đức ái hay lỗi luật lương tâm. Hiện nay, luật của Đức Giêsu đã thay thế luật Môsê, và luật của Ngài là luật yêu thương, nên yêu thương chính là luật tối thượng, đúng như thánh Giacôbê đã nói ở trên (Gc 2,8). 

Luật Môsê là luật của Thiên Chúa mà còn vậy, huống chi những luật do con người lập ra. Ai coi việc thi hành đức ái nhẹ hơn bất kỳ một khoản luật nào đó do con người lập ra, thì câu sau đây của Đức Giêsu đáng để cho họ suy nghĩ: «Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân» (Mt 15,8-9). 

Vậy, chúng ta phải theo lập trường của Đức Giêsu hay của người Pharisêu?



4. Mục đích của lề luật là hình thành đức ái trong lòng con người

Cũng như một cây non cần phải buộc vào một cọc thẳng để cây mọc thẳng lên. Nhưng khi cây đã mọc thẳng và các mô mộc trong cây đã cứng cát rồi, thì người ta bỏ cọc đi. Luật lệ giống như cái cọc thẳng ấy để giúp cho tâm linh còn non yếu mọc thẳng lên. Nó có nhiệm vụ hình thành đức ái ở trong ta. Khi đức ái của ta đã được hình thành và trở nên vững chắc, thì ta phải hành động theo sự đòi hỏi của đức ái đã được hình thành ấy ở trong ta. Lúc ấy lề luật đã đóng hết vai trò và nhiệm vụ của nó.

Thật vậy, theo thánh Phaolô, lề luật được lập nên không phải cho người công chính, mà cho người tội lỗi tức chưa hiểu biết được cốt tủy của sự công chính (x. 1Tm 1,8-10). Ngài cũng nói: «Không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy. Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê» (Rm 3,20-21; x. Gl 3,11). 

Sự công chính không hệ tại việc giữ luật lệ: «Nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích» (Gl 2,21); mà do việc có đức ái hay tình thương đích thực ở trong lòng hay không. Vì sự công chính hay thánh thiện hệ tại việc mình có trở nên giống Thiên Chúa hay không, có Thiên Chúa ở trong mình hay không. Mà Thiên Chúa tự bản chất chính là tình yêu, là đức ái (x. 1Ga 4,8.16). Giống Thiên Chúa là giống ở yếu tố này, chứ không phải ở bất kỳ điều gì khác.


Nguyễn Chính Kết


Sunday, December 24, 2017

LeThanhGiaThat - Gia đình là môi trường ưu việt để thực tập yêu thương




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất

(31-12-2018)

Bài đào sâu

Gia đình là môi trường ưu việt để thực tập yêu thương



ĐỌC LỜI CHÚA

  Hc 3,3-7.14-17a: (3) Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, (4) ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. (5) Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. (6) Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.

  Cl 3,12-21: (18) Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. (19) Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. (20) Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. (21) Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.

  TIN MỪNG: Lc 2,22-24.39-40

Tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa

(22) Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, (23) như đã chép trong Luật Chúa rằng: «Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa», (24) và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.


Hài nhi Giêsu tại Nadarét

(39) Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê. (40) Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Thiên Chúa có ba ngôi, sống và yêu thương nhau tương tự như trong một gia đình. Như vậy gia đình phải chăng là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi? Nếu như thế, gia đình phải sống thế nào mới đúng bản chất của mình? 
2. Lý do thông thường nhất khiến cho một gia đình trở nên bất hạnh là gì? Muốn gia đình trở nên hạnh phúc phải bắt đầu từ đâu? 
3. Vai trò của gia đình trong việc huấn luyện con người biết yêu thương như thế nào? Vậy, các bậc cha mẹ phải tập cho con cái yêu thương như thế nào?

Suy tư gợi ý:

1. Gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa

Nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì có thể nói rằng gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa sống đơn độc, mà là một Thiên Chúa mang tính gia đình, trong đó Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng yêu thương nhau, sống chung, làm việc chung, và kết hợp với nhau thắm thiết như trong một gia đình, tới mức độ tuy là Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất.

Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì «Tập Thể Ba Ngôi» là một môi trường để Ba Ngôi Thiên Chúa thể hiện tình yêu của mình với nhau. Vì Ba Ngôi yêu thương nhau vô cùng, nên sự hiệp nhất của Ba Ngôi đạt được mức độ tối đa là trở thành một Thiên Chúa duy nhất. Tình yêu và sự hiệp nhất ấy tạo nên thiên đàng hay hạnh phúc của Ba Ngôi.

Cũng vậy, nếu gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi, thì mọi thành viên trong đó phải yêu thương nhau, hòa hợp với nhau đến mức hiệp nhất với nhau. Nhờ đó gia đình trở thành một thiên đàng tại thếNhư vậy, mọi thành viên của gia đình đã được hưởng nếm trước phần nào hạnh phúc của thiên đàng mai sau. Hạnh phúc trong những gia đình yêu thương nhau – được biểu lộ và hình thành cụ thể bằng việc quan tâm, lo lắng và hy sinh cho nhau – chính là hình ảnh trung thực của thiên đàng vĩnh cửu. 

Trái lại, nếu các thành viên trong gia đình không yêu thương nhau, không sẵn sàng hy sinh cho nhau, thì họ sẽ biến gia đình thành hỏa ngục tại thế, là hình ảnh của hỏa ngục vĩnh cửu. Trong 8 cái khổ mà Đức Phật kể ra, có cái khổ gọi là «oán tắng hội khổ», nghĩa là khổ vì không ưa nhau, ghét nhau mà cứ phải sống chung với nhau.



2. Tính ích kỷ, nguồn gốc bất hạnh của mọi gia đình

Nhìn vào bất cứ một gia đình bất hạnh nào – nghĩa là một gia đình không hạnh phúc – ta luôn luôn thấy bóng dáng tính ích kỷ của một thành viên nào đó trong gia đình. Chính tính ích kỷ của thành viên này là nguồn gây nên đau khổ trong gia đình. Nếu thành viên ích kỷ ấy là người cha hay người mẹ, thì đau khổ trong nhà sẽ hết sức lớn lao. Gia đình nào càng có nhiều người ích kỷ, gia đình ấy càng bất hạnh. Gia đình mà càng có nhiều người sống vị tha, biết hy sinh cho người khác, gia đình ấy càng ít bất hạnh. Một gia đình mà mọi thành viên đều vị tha, đều quan tâm, chăm sóc và hy sinh cho nhau, đều sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho nhau, gia đình ấy chắc chắn hạnh phúc.

Câu chuyện minh họa về thiên đàng và hỏa ngục sau đây thật phù hợp với thiên đàng và hỏa ngục của gia đình. Cả thiên đàng và hỏa ngục đều dùng bữa với những thức ăn y như nhau, trong khung cảnh giống y hệt nhau, trong đó mỗi người đều phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. Thiên đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau ở chỗ này: trên thiên đàng, mọi người không ai tự gắp thức ăn cho mình, mà gắp cho người khác ăn, vì thế, ai cũng được ăn no. Còn trong hỏa ngục, mọi người chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn cho mình, nhưng vì đũa quá dài, chẳng ai gắp cho mình được gì cả, thế rồi chẳng ai được no, hết giờ ăn mà đói vẫn hoàn đói, từ đó họ trở nên căm thù nhau. 

Cũng vậy, trong gia đình, không ai tự tạo hạnh phúc cho mình được mà không cần đến người khác, nên nếu ai cũng chỉ biết lo cho hạnh phúc của mình, thì chẳng ai hạnh phúc cả, và rồi sẽ phát sinh đủ thứ đau khổ. Tuy nhiên trong gia đình, người ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác, vì thế, nếu mọi người trong nhà đều biết lo cho nhau, tạo hạnh phúc cho nhau, thì ai nấy đều hạnh phúc.

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình thương, nên bản chất của con người cũng là tình thương. Vì thế, chỉ khi con người sống phù hợp với bản tính của mình là yêu thương, và thể hiện cụ thể tình yêu thương ấy với những người chung quanh, thì con người mới hạnh phúc. Nếu con người sống ích kỷ, tức ngược lại bản chất yêu thương của mình, con người sẽ đau khổ và làm cho những người chung quanh đau khổ.



3. Làm sao để có tình yêu thương?

Nhưng làm sao người ta có thể yêu thương nếu không có một động lực, một nguồn yêu thương ngay từ trong lòng mình phát xuất ra? Làm sao có được nguồn yêu thương ấy? – Vì «tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa» (1Ga 4,7), nên chính «Thiên Chúa là nguồn yêu thương» (2Cr 13,11). Vì thế, muốn yêu thương, muốn loại trừ tính vị kỷ, con người phải kết hợp làm một với Thiên Chúa, nguồn tình thương. Kết hợp với Thiên Chúa là luôn luôn ý thức rằng mình «là hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,27; 9,6; Ep 4,24), được tạo dựng giống như Thiên Chúa (x. St 1,26; 5,1), và «được thông phần bản tính của Thiên Chúa» (2Pr 1,4), một Thiên Chúa mà bản chất là yêu thương (x.1Ga 4,8.16). 

Nếu bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, mà ta giống Ngài, là hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính Ngài, tất nhiên bản chất của ta cũng là yêu thương. Ta không yêu thương hay không yêu thương đủ, là ta sống không đúng với bản chất của ta. Nhờ thường xuyên ý thức như thế, tình yêu và sức mạnh của tình yêu ngày càng lớn mạnh trong ta, khiến ta ngày càng yêu thương mọi người cách dễ dàng, và sẵn sàng làm tất cả để mọi người được hạnh phúc. 

Sống đúng với bản chất của mình là yêu thương, là hình ảnh Thiên Chúa, chính là sống thánh thiện.



4. Gia đình là trường thực tập yêu thương

Để giúp con người có một môi trường thuận lợi để phát triển và thực tập tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng và đặt con người sống trong gia đình. 

Khi vừa sinh ra, mọi người đều nhận được một tình thương dồi dào, vô điều kiện, vô vị lợi, cho nhiều hơn nhận của cha mẹ – một tình yêu thuộc loại tốt đẹp nhất trên thế gian – đồng thời được mời gọi đáp lại tình yêu thương ấy. 

Đáp lại tình yêu thương của cha mẹ là một bài tập hết sức dễ dàng về yêu thương mà mỗi người đều có thể thực tập ngay từ thuở nhỏ. Không gì dễ dàng bằng yêu thương người đã hết lòng yêu thương mình và hy sinh cho mình. Tình yêu đáp trả này tự phát sinh do mình nhận được từ cha mẹ mình quá nhiều. Đây là thứ tình yêu nhận nhiều hơn cho

Lớn lên một chút, mỗi người khám phá ra, ngoài cha mẹ mình, thì các anh chị em mình cũng yêu thương mình bằng một tình yêu tương đối vô vị lợi. Với tình yêu này, con người phải tập cho nhiều hơn, và nhận ít hơn so với tình yêu đối với cha mẹ. 

Ngoài gia đình, mỗi người còn có bạn bè do chính mình chủ động chọn lựa và yêu thương. Đến khi trưởng thành, con người có tình yêu hôn nhân. Tình yêu này là một tình yêu do mình chọn lựa và tương đối có điều kiện: mình yêu và đòi hỏi người kia phải yêu lại, nếu đơn phương thì tình yêu sẽ khó tồn tại. Con người chủ động hiến thân và hy sinh cho người mình yêu với một ý chí tương đối tự do. 

Đến khi có con cái, con người tự nhiên yêu thương con bằng một tình yêu vô vị lợi, vô điều kiện, không lựa chọn. Đó là tình yêu cao cả nhấtphản ảnh trung thực nhất tình yêu của Thiên Chúa mà con người kinh nghiệm được trong đời sống gia đình.

Như vậy con người thực tập yêu thương – từ dễ đến khó – trong môi trường gia đình

Trong gia đình, con người kinh nghiệm tình yêu một cách tự nhiên và sâu xa: con người được yêu và chủ động yêu, nhận hy sinh từ người khác và chính mình cũng hy sinh cho người khác. Nhưng con người còn được mời gọi yêu một cách rộng rãi hơn, vượt khỏi phạm vi gia đình, để đến với những người ngoài, không ruột thịt máu mủ. 

Các tín đồ trong các tôn giáo, đặc biệt người Kitô hữu, còn được mời gọi yêu thương cả những người không hề quen biết, thậm chí cả kẻ thù. Yêu như thế khó hơn rất nhiều, nhưng nhờ áp dụng những kinh nghiệm về yêu thương đã có trong gia đình, việc yêu thương người ngoài gia đình, thậm chí kẻ thù, trở nên khả thi hơn. Như vậy, vai trò của gia đình trong việc đào luyện tình yêu cho con người thật hết sức quan trọng, không gì thay thế được.

Nếu những người trong gia đình – là những người cùng máu mủ ruột thịt, những người tự nhiên yêu thương ta nhất và ta dễ yêu thương nhất – mà ta không yêu thương được, thì làm sao ta có thể yêu những người xa lạ, những người khó có cảm tình, nhất là những người thường xuyên gây bất lợi cho ta? Kinh nghiệm cho tôi thấy, những ai đối xử không tốt với chính cha mẹ, vợ/chồng, con cái, anh em mình, thì khi họ đối xử tốt với những người khác, sự tốt ấy thật đáng nghi ngờ! Rất có thể chỉ là giả tạo để đạt một mục đích nào đó, chứ không thể là yêu thương thực tình được!

Vậy, các bậc cha mẹ hãy cho con cái mình những kinh nghiệm về yêu thương tốt đẹp nhất có thể. Đó là những gì tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho con cái họ!



CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, Mẹ và thánh Giuse đã làm cho gia đình của mình trở thành một gia đình gương mẫu vì mọi trong đó đều yêu thương nhau. Xin cho mọi người trong gia đình con thực tập từ bỏ tính ích kỷ để biết yêu thương nhiều hơn, hy sinh cho nhau nhiều hơn, để nên thánh thiện hơn.  


Nguyễn Chính Kết



Sunday, December 17, 2017

DemGSb - Đối tượng ưu tiên trong sứ mạng của Đức Giêsu

CHIA SẺ TIN MỪNG

Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh

(25-12-2017)


Bài đào sâu

Đối tượng ưu tiên trong sứ mạng
của Đức Giêsu và của những ai theo Ngài

là những người nghèo hèn, đau khổ, tội lỗi



  TIN MỪNG: Lc 2,1-14

Đức Giêsu ra đời


Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Thiên Chúa lại để hoàn cảnh lịch sử gây khó khăn đau khổ cho Giuse và Maria, là những người đang cộng tác vào công việc quan trọng của Ngài? Ngài có thật sự thương các vị ấy không? Sao Ngài lại làm như vậy? 
2. Tại sao Con Thiên Chúa vô cùng giàu sang lại sinh ra trong cảnh cơ cực, nghèo nàn và nhục nhã đến như vậy? Muốn người mình yêu thương được hạnh phúc nhưng ta không chấp nhận đau khổ cho họ thì có được không? 
3. Tại sao thiên sứ lại báo tin cho các mục đồng mà chẳng hề báo tin cho các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái? Thiên Chúa hành động ngược đời quá chăng? 
4. Đối tượng cần được quan tâm phục vụ nhất của những người theo Chúa, những người loan báo Tin Mừng là hạng người nào? Thực tế thế nào?


Suy tư gợi ý:

1. Sự việc xảy ra trong lịch sử không vượt ra ngoài sự an bài của Thiên Chúa 

Việc Đức Giêsu sinh ra ứng nghiệm những lời tiên báo trước đó về Đấng Cứu Thế: Ngài là con người chứ không phải thiên thần (x. St 3,15; Dt 2,16), là người Do Thái, con cháu Abraham, chứ không phải dân tộc khác (St 12,1-3; Ds 24,17), thuộc dòng tộc Giuđa (St 49,10), là con cháu Đavít (2Sm 7,1-17), sinh tại Bêlem (Mk 5,2) bởi một người nữ đồng trinh (Is 7,14). 

Sự việc hoàng đế Augúttô ra lệnh kiểm tra dân số khiến Giuse và Maria phải rời Nadarét ở miền Bắc để vào Bêlem, quê hương của Giuse ở miền Nam, để khai tên tuổi xem ra là ý muốn của vị hoàng đế này. Điều này khiến gia đình vừa thành lập của Giuse và Maria phải điêu đứng khổ sở, và Đức Giêsu cũng phải chịu cực theo từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Nhưng sự việc này không nằm ngoài sự xếp đặt của Thiên Chúa. Ngài là chủ tể của lịch sử, là Đấng điều khiển lịch sử. Nhờ đó, lời tiên tri nói Ngài sẽ sinh ra tại Bêlem mới ứng nghiệm. Ta nên nhận ra thánh ý và cách thế hành động của Ngài qua những biến cố lịch sử.

Qua sự việc trên, ta nhận ra rằng có những sự việc trong đời ta và trong lịch sử có vẻ hết sức phi lý dưới con mắt loài người, nhưng chúng không bao giờ vượt khỏi quyền năng và sự an bài khôn ngoan kỳ diệu của Thiên Chúa. Cũng qua sự việc này, ta thấy cách Thiên Chúa huấn luyện những người mà Ngài đặc biệt yêu thương như thế nào. Gia đình Ngài yêu thương nhất mà còn phải trải qua biết bao thử thách, đau khổ và nhục nhã như thế để được thánh hóa, để góp phần vào công việc cứu chuộc của Thiên Chúa, lẽ nào chúng ta muốn nên hoàn thiện, muốn góp phần vào việc của Ngài lại không phải trải qua đau khổ?



2. Tại sao Đức Giêsu sinh ra nghèo hèn, nhục nhã như thế?

Điều đáng chúng ta suy nghĩ là Ngôi Hai Thiên Chúa giàu sang vinh hiển vô cùng lại hạ sinh làm người trong một hoàn cảnh nghèo khổ, cơ cực nhất trần gian. Ngài đã giáng sinh trong một chuồng súc vật hôi hám, lấy máng ăn dơ bẩn của chúng làm nôi để nằm. Tự đặt mình trong hoàn cảnh của Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy nhục nhã lắm! Ngài chấp nhận như thế chỉ vì yêu thương con người, vì muốn nâng con người lên và muốn họ được hạnh phúc. Thánh Phaolô viết: «Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có» (2Cr 8,9). 

Thật vậy, muốn tha nhân hạnh phúc mà mình lại không muốn hy sinh, không chấp nhận ít nhiều đau khổ vì họ, thì đó là một ước muốn không tưởng! Muốn nâng người khác lên mà lại cứ muốn trèo lên đầu lên cổ họ là một ước muốn phi lý! Người thật sự theo Chúa không thể hành động ngược lại với phương cách mà Ngài đã dùng. Nếu không theo cách của Ngài, ta chỉ là một kẻ theo Chúa giả hiệu mà thôi.



3. Tại sao các mục đồng lại được loan báo đầu tiên?

Tại sao tin mừng về việc Đức Giêsu sinh ra lại được loan báo trước tiên cho các mục đồng chứ không phải là các thượng tế, giới chức sắc và kinh sư trong tôn giáo? Đúng ra giới lãnh đạo Do Thái giáo phải được loan báo tin này trước nhất mới phải chứ? Thiên Chúa không hành động như thế. Các mục đồng tượng trưng cho giai cấp thấp hèn nhất, bị bỏ rơi nhất trong xã hội và trong cả tôn giáo. Điều này cho thấy trước rằng sứ mạng của Đức Giêsu là đến vì những người nghèo khổ, bị áp bức, những kẻ thấp cổ bé miệng nhất trong xã hội… Tin Mừng Ngài đem đến là thứ tin mừng giải phóng, chỉ những ai đang bị áp bức, bị giam hãm trong đau khổ, tội lỗi, mới cần được giải phóng. Vì thế, nó phải được loan báo đặc biệt ưu tiên và trước tiên cho những hạng người này. 

Cũng như Đức Giêsu, các ngôn sứ đích thực đều ưu tiên phục vụ, tranh đấu, lên tiếng bênh vực những người nghèo hèn, bé mọn hoặc tội lỗi. Hành động như thế thường gây bất lợi cho giới cầm quyền trong xã hội cũng như tôn giáo, vì thế các ngôn sứ thường bị họ căm ghét, mạ lị và bách hại (x. Lc 6,23).

Chỉ có các ngôn sứ giả mới ưu tiên phục vụ những kẻ giàu sang, quyền thế, nhờ vậy mà họ được giới này ca tụng và ưu đãi (x. Lc 6,26). Họ chỉ muốn phục vụ cho cơ cấu hay tập thể đang đem lại địa vị, sự ưu đãi và quyền lợi cho họ. Phục vụ Thiên Chúa hay phục vụ tha nhân nhiều khi chỉ là chiêu bài họ dùng để được quần chúng ủng hộ mà thôi. Họ chỉ quan tâm phục vụ và củng cố những cơ cấu đem lại lợi ích trần tục cho họ, chứ không thật sự quan tâm phục vụ Thiên Chúa hay những người cùng khổ. 

Ngôn sứ thật và ngôn sứ giả khác nhau ở điểm này, mặc dù bên ngoài họ không mấy khác nhau. Tuy nhiên phân biệt ngôn sứ thật và ngôn sứ giả rất dễ, chỉ cần nhìn vào việc làm hay cách hành xử của họ là nhận ra ngay. Đức Giêsu nói: «Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt» (Mt 7,17-18). Những ai chỉ ưu đãi hoặc coi trọng những người giàu sang quyền thế, đồng thời coi thường hay bạc đãi những người nghèo hèn khốn khổ, chắc chắn không thể là ngôn sứ đích thực được. 

Ngôn sứ thật thì hành động như Đức Giêsu: luôn luôn dành thì giờ và năng lực của mình ưu tiên cho những người bé mọn, hèn kém, đau khổ. Tâm tư Ngài lúc nào cũng hướng đến hạng người này, luôn tìm cách nâng đỡ, bênh vực họ. Dấu hiệu để nhận ra Ngài có phải là Đấng Cứu Thế hay không, được chính Ngài xác nhận: «Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng» (Mt 11,5-6). Ngài thường tự đồng hóa mình với người nghèo hèn đau khổ, đến nỗi ai làm gì cho những người này là làm cho chính Ngài (x. Mt 25,40.45). 

Ngài đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải yêu thương người nghèo như một điều kiện tiên quyết phải có để theo Ngài và để có sự sống đời đời: «Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mt 19,16.21; x. Mc 10,17.21). Các ngôn sứ đích thực xưa nay đều có tinh thần ấy. 

Trong thời đại chúng ta, vẫn luôn có những con người như Martin Luther King (Mỹ da đen), ĐGM Oscar Romero (Salvador), LM Jerzy Popieluszko (Ba Lan)… Các vị này đã coi việc bênh vực người nghèo, người bị áp bức quan trọng hơn cả sự an toàn bản thân, thậm chí hơn cả mạng sống mình. Họ chính là gương mẫu của những người theo Chúa đích thực.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã sinh ra nghèo hèn, đã sống như người nghèo, đã chịu biết bao đau khổ, đã bị bách hại áp bức. Ngài đã yêu thương người nghèo khổ, tội lỗi, đã ưu tiên dành thì giờ và sức lực để phục vụ họ. Con là một Kitô hữu, một người muốn theo Ngài. Xin giúp con nhận thức được rằng, theo Đức Giêsu không phải chỉ là lãnh nhận bí tích rửa tội, thêm sức hay bất kỳ bí tích nào khác. Không phải chỉ là vào một hội đoàn, một dòng tu hay chủng viện. Cũng không phải chỉ là làm một giáo dân, linh mục hay tu sĩ, v.v… Mà là sống theo tinh thần của Ngài, tức tinh thần từ bỏ mình, quên mình, để xả thân cho anh chị em mình, nhất là những người đau khổ, nghèo hèn, thấp cổ bé miệng. Chính Đức Giêsu là gương mẫu cho con về tinh thần này, suốt từ khi sinh ra nghèo hèn đến khi chết thê thảm trên thập giá. Xin giúp con bắt chước Ngài, sống đúng tinh thần của Ngài.



DemGSa - Người được Thiên Chúa chọn thường được Ngài thánh hiến bằng đau khổ!




CHIA SẺ TIN MỪNG

Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh

(25-12-2017)


Người được Thiên Chúa chọn
thường được Ngài thánh hiến bằng đau khổ
!




ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 9,1-6: (5) Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. (6) Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời.

  Tt 2,11-14: (12) Ân sủng cứu độ mời gọi ta từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức.

  TIN MỪNG: Lc 2,1-14

Đức Giêsu ra đời

(1) Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. (5) Ơng lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. 

 (8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ: «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: (11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ». (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu bạn khám phá ra cha bạn – một người rất giàu có – đã xếp đặt để mẹ bạn sinh bạn ra trong một chuồng bò hay chuồng heo của nhà ai đó, bạn sẽ nghĩ thế nào về cha của bạn? Bạn lý giải thế nào về việc Thiên Chúa đã quan phòng để Đức Giêsu, Con Ngài, ra chào đời trong một chuồng bò? 
2. Đặt mình vào địa vị của Đức Maria và thánh Giuse, bạn sẽ nghĩ và nói thế nào về Thiên Chúa khi hai Ngài phải rời Nadarét vào Bêlem, không tìm được chỗ trọ, và phải sinh con trong chuồng bò? 
3. Tại sao Thiên Chúa lại để cho Đức Giêsu phải chịu đau khổ, nhục nhã từ khi sinh ra đến lúc chết? Thiên Chúa ghét và muốn hành hạ Con của Ngài chăng? Nếu không, phải lý giải thế nào về sự kiện ấy?


Suy tư gợi ý:

1. Con Thiên Chúa cao sang lại sinh ra trong cảnh tột hèn kém

Chúng ta thử tưởng tượng xem một vị hoàng đế trần gian nếu biết trước đứa con mình sinh ra sẽ là vị cứu tinh của trần gian, thì hoàng đế ấy sẽ chuẩn bị cho người con ấy chào đời như thế nào? Chắc chắn ông sẽ chuẩn bị cho con mình một nơi thật xứng đáng, với quần áo, tã lót, chăn mền… thật sang trọng. Và cũng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người mẹ sẽ sinh ra con mình. 

Chính vì tưởng rằng Thiên Chúa trên trời cũng suy nghĩ như mình, nên người Do Thái thời Đức Giêsu đã tưởng Đấng Cứu Thế sẽ phải sinh ra trong cung vàng điện ngọc. Nhưng họ không ngờ Thiên Chúa suy nghĩ khác hẳn với cách nghĩ của họ!

Theo Tin Mừng, Đức Giêsu đã sinh ra trong hang bò lừa (Lc 2,7.12.16). Đã là chỗ nuôi và chứa sức vật đương nhiên phải hôi tanh và bẩn thỉu. Chắc chắn Giuse và Maria phải hết sức ngỡ ngàng khi thấy Thiên Chúa đối xử với mình, nhất là với Đấng Cứu Thế hài nhi như vậy! Nhục nhã thay cho Đấng Cứu Thế! 

Bất kỳ ai biết mình đã chào đời trong một chỗ tối tăm và nhục nhã tận cùng như thế đều không tránh được mặc cảm cho rằng cuộc đời mình cũng sẽ tối tăm và nhục nhã như thế!? Trước sự thật phũ phàng trước mắt, chắc hẳn phải có lúc hai ông bà nghi ngờ rằng: liệu lời thiên sứ nói với mình về đứa trẻ mình sinh ra có thật hay không? Nghi ngờ để rồi lại tự nhủ, tự an ủi, tự tìm lấy lý do để cố mà tin cho vững hơn! 

Thực tế thật phũ phàng, nhưng đó lại chính là thánh ý của Thiên Chúa. Muốn cứu thế giới khỏi những nhơ nhớp của tội lỗi, Con của Ngài cũng phải nhập thể vào chốn nhơ nhớp nhất của trần thế! Muốn đưa con người lên thật cao, Thiên Chúa nhập thể phải xuống cho thật thấp, thấp đến tận cùng! (x. Pl 2,6-8)



2. Cách xếp đặt của Thiên Chúa… thật hết sức nghịch lý!

Thật là nghịch lý và không thể hiểu nổi cách Thiên Chúa đối xử với người Con độc nhất và hết sức yêu quí của Ngài, và với hai người đặc biệt mà Ngài chọn để hạ sinh, bảo vệ và nuôi dưỡng người Con ấy! 

Giuse và Maria đang sống yên lành tại Nadarét, những tưởng đứa con trong bụng nàng sẽ ra đời tại nhà mình ở làng ấy. Chắc hẳn chàng và nàng đã mua sắm đồ này vật nọ để chuẩn bị cho xứng đáng với chức vị cao cả của đứa bé sắp chào đời! Nào ngờ chiếu chỉ kiểm tra dân số của Hoàng Đế Rôma đã đảo lộn tất cả (x. Lc 2,1-4), đã đẩy đôi trai gái đức hạnh – chỉ biết nghĩ đến thánh ý Thiên Chúa – vào một cuộc phiêu lưu bất ngờ đầy gian khổ!

Từ làng Nadarét vùng Galilê thuộc miền Bắc Do Thái, chàng và nàng phải vượt qua vùng Samari đầy đồi núi của miền Trung để về tận làng Bêlem vùng Giuđê thuộc miền Nam Do Thái (x. Lc 2,4). Đường chim bay đo theo tỷ lệ xích trên bản đồ cũng phải là 120 cây số, đường ngòng ngoèo trong thực tế hẳn phải trên 150 cây. Thời ấy có lẽ hai người phải dùng một con la để di chuyển. Hành trình chắc chắn là rất vất vả! 

Điều nghịch lý nhất nằm ở chỗ Thiên Chúa lại quan phòng cho ngày phải di chuyển ấy xảy ra khi Maria mang thai đến thời kỳ sinh nở (x. Lc 2,6). Sau một hành trình vất vả như thế, khi tới nơi những tưởng Thiên Chúa sẽ dành cho Con của Ngài một chỗ để sinh nở tương đối xứng đáng, nhưng khốn thay… tất cả mọi người mọi nơi đều từ chối! Nếu hai ông bà có tiền, chắc hẳn không đến nỗi! 

Chưa sinh ra, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể đã phải đối diện với sự ích kỷ và tính coi trọng tiền bạc hơn tình nghĩa của con người! Không kiếm được chỗ để trọ và sinh con, hai ông bà đành trọ và sinh con trong chuồng súc vật! (x. Lc 2,7)

Kết quả của những nghịch lý ấy là gì? ai phải khổ đây? − Cả gia đình gồm 3 người Giuse, Maria và Giêsu là khổ nhất. Phải chăng Thiên Chúa ghét và muốn đày đọa gia đình này? Chắc chắn không phải! – Có thể nói đây là gia đình quan trọng nhất, được Thiên Chúa quan tâm, ưu ái đặc biệt nhất! Vì thế, nếu đã xảy ra như vậy – đương nhiên là do sự quan phòng vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa – thì ắt hẳn đây phải là cách có lợi nhất cho đại cuộc cứu chuộc nhân loại.

Như vậy, vì đại cuộc, Thiên Chúa buộc những «người của Ngài» phải hy sinh, phải chấp nhận nhục nhã, đau khổ hơn những người khác. Nhưng bù lại, Ngài sẽ ân thưởng cho «người của Ngài» vinh quang, hạnh phúc cao quí nhất! (x. Rm 8,17-18; 1Cr 15,43; 2Cr 4,17)



3. Nghịch lý… nhưng lại rất hợp lý và khôn ngoan

Như vậy, ta thấy Thiên Chúa coi hạnh phúc hay đau khổ, vinh quang hay nhục nhã chóng qua trong hiện tại không quan trọng bằng hạnh phúc hay đau khổ, vinh quang hay nhục nhã lâu dài trong tương lai. Nếu phải chịu khổ hay chịu nhục một chút trong hiện tại để rồi được hạnh phúc hay vinh quang lâu dài trong tương lai, thì ai khôn ngoan cũng đều sẵn sàng chấp nhận (x/ Rm 8,18; 2Cr 4,17). Còn nếu được hưởng hạnh phúc hay vinh quang thật ngắn ngủi trong hiện tại để rồi phải chịu đau khổ và nhục nhã lâu dài trong tương lai, thì chỉ có người ngu mới chấp nhận! 

Những cha mẹ thật sự yêu thương con cái sẵn sàng chọn lựa để con cái mình phải đau khổ hay chịu nhục nhã một chút hầu về sau chúng được hạnh phúc và vinh quang lâu dài. Bạn chưa tin ư? Này nhé, giả như bạn phải chọn lựa cho bạn hoặc cho con cái bạn giữa ba khả thể sau đây, thì bạn chọn khả thể nào: 

● một là đau khổ hiện tại 1 phần, mà hạnh phúc tương lai được 10 phần, 
● hai là đau khổ hiện tại 2 phần, mà hạnh phúc tương lai được 100 phần, 
● và ba là đau khổ hiện tại 3 phần, mà hạnh phúc tương lai là 1.000 phần? 

Chắc chắn bạn sẽ chọn khả thể thứ ba. Thiên Chúa cũng chọn lựa cho những người Ngài đặc biệt yêu thương tương tự như vậy. Chính vì thế, Ngài sẵn sàng để Đức Giêsu, Người Con độc nhất mà Ngài yêu quý nhất phải chịu đau khổ và nhục nhã ngay từ khi chào đời đến giây phút cuối cùng của cuộc đời để cứu chuộc nhân loại, hầu cuối cùng, trong vĩnh cửu, Đức Giêsu trở thành người hạnh phúc và vinh quang nhất không ai sánh bằng!

Thánh Têrêxa Avila − người sáng lập dòng kín Cát-Minh − khi gặp quá nhiều đau khổ trong cuộc đời mình, đã phải than với Chúa: «Chúa đối xử với những người bạn thân yêu nhất của Chúa như thế này, thì Chúa ít bạn là phải rồi!» Thật thế, càng yêu ai, càng chọn ai, thì Chúa càng thánh hóa người ấy bằng cách gửi nhiều đau khổ thử thách đến cho người ấy, vì đó là cách yêu thương vô cùng khôn ngoan của Ngài!

Nếu ta biết nhìn bằng con mắt đức tin và khôn ngoan như thế, thì việc Đức Giêsu phải chịu đau khổ và nhục nhã từ khi sinh ra cho đến hết cuộc đời sẽ trở thành một sự kiện bảo đảm, một căn cứ để hy vọng, và một niềm an ủi lớn lao cho ta khi ta gặp phải những đau khổ lớn lao trong cuộc đời. 

Khi Thiên Chúa dành cho chúng ta đau khổ hay nhục nhã trong hiện tại, thì điều đó không có nghĩa là Ngài ghét bỏ ta. Trái lại có thể là Ngài đang dành cho ta một ưu đãi, một sự yêu thương đặc biệt mà ta có quyền chấp nhận hay từ chối. Nếu tự nguyện chấp nhận thì hạnh phúc và vinh quang của ta sẽ rất lớn, và lớn thế nào tùy thuộc vào chất lượng sự tự nguyện của ta và mức độ đau khổ ta sẵn sàng đón nhận. Nếu từ chối, ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội quí báu mà Thiên Chúa vì yêu thương đã dành cho ta, vì «những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta!» (Rm 8,18).

Vậy, người thường hay kẻ không tin kêu ca về nghịch cảnh, về đau khổ mình phải chịu thì không có gì là lạ. Nhưng người Kitô hữu, người mang danh theo Chúa, người có lý tưởng tông đồ, người được Chúa chọn, được mang danh là «người của Ngài», mà lại than vãn khi gặp nghịch cảnh thì quả là… vẫn còn sống theo tính xác thịt, như thánh Phaolô đã phiền trách: «Tôi không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt» (1Cr 3,1-3).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu sinh ra thật nhục nhã và sống một cuộc đời đầy đau khổ, nhưng đã sống lại trong vinh quang và trở thành Chúa Tể trời đất. Qua sự việc ấy con mới hiểu được giá trị của đau khổ. Đúng lý ra khi gặp đau khổ, nhục nhã, trái ý… con phải vui mừng vì biết khi cho phép xảy ra như vậy là Cha thương con cùng một cách như Cha đã từng thương Đức Giêsu và bao vị thánh của Cha. Đúng ra con nên nói «con được đau khổ» chứ không phải «con bị đau khổ»!