Sunday, November 26, 2017

Vong01b - Chuẩn bị ngày Chúa đến bằng việc cải thiện chính bản tính yêu thương của ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng
(03-12-2017)


Bài đào sâu

Chuẩn bị ngày Chúa đến bằng việc
cải thiện chính bản tính yêu thương của ta




  TIN MỪNG: Mc 13,33-37

Phải tỉnh thức và sẵn sàng


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Mua bảo hiểm để đề phòng rủi ro bất ngờ có phải là khôn ngoan không? Ta có bảo hiểm cho sự sống vĩnh cửu đời sau không? Bảo hiểm tránh rủi ro đời này có quan trọng bằng bảo hiểm tránh rủi ro đời sau không? 
2. Ngày Chúa đến cần được hiểu thế nào? Ngày ấy có bất ngờ không? Nếu biết ngày ấy sẽ đến bất ngờ thì ta phải chuẩn bị thế nào cho khôn ngoan? 
3. Cách chuẩn bị ngày Chúa đến cách khôn ngoan nhất là gì? Có cách chuẩn bị nào vừa thường hằng suốt cuộc đời ta,vừa  lại không làm ta bị căng thẳng, hồi hộp, vì Chúa đến bất kỳ lúc nào và cách nào thì ta vẫn luôn sẵn sàng không?


Suy tư gợi ý:

1. Sự khôn ngoan đòi hỏi phải đề phòng rủi ro đến bất ngờ

Hiện nay, các công ty bảo hiểm làm ăn rất phát đạt, vì càng ngày người ta càng cảm thấy cần thiết phải đề phòng những rủi ro bất ngờ xảy đến: bệnh tật, tai nạn, chết chóc… Có bảo hiểm, khi những rủi ro xảy đến, họ không đến nỗi bị thiệt hại vì sẽ được đền bù. Điều khiến người ta lưu tâm và phải quyết định bảo hiểm đó là tính bất ngờ của sự rủi ro. Vì nếu người ta biết trước hay dự đoán trước được chính xác ngày giờ xảy đến và xảy đến thế nào, thì gần đến ngày giờ ấy, người ta mới phải chuẩn bị đề phòng. Nhưng nếu nó xảy ra bất ngờ, và có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, thì người ta phải luôn luôn đề phòng, và đề phòng không ngừng. Và lỡ có lúc nào không thể chuẩn bị hay đề phòng, thì lúc đó người ta không an tâm. Chính vì thế, người ý thức được tính bất ngờ của những rủi ro thì tìm cách mua bảo hiểm càng sớm càng tốt, để tâm hồn họ luôn luôn được bình an.

Những rủi ro, và thiệt hại từ rủi ro, có tính nhất thời và có ảnh hưởng nhất thời thì con người biết lo xa, đề phòng. Nhưng thật buồn cười và phi lý thay, những rủi ro và thiệt hại to lớn hơn vô cùng, có ảnh hưởng vĩnh viễn, đời đời, thì rất nhiều người lại chẳng thèm quan tâm, chẳng đề phòng hay chuẩn bị gì cả. Lý do rất đơn giản là vì họ không nghĩ đến, hay chưa đủ tin rằng có một cuộc sống vĩnh cửu sau cái chết, và chưa ý thức rằng cuộc sống đó hạnh phúc hay đau khổ tùy thuộc vào đời sống ngắn ngủi hiện tại. Họ có thể tin rằng nếu công cuộc làm ăn mà họ đang tiến hành bị thất bại, thì họ sẽ lâm vào thế kẹt khoảng 10 năm, vì thế họ phải cố gắng hết sức để thành công trong cuộc làm ăn này. Nhưng họ không quan tâm bao nhiêu đến sự thành bại của cả cuộc đời họ, đến cái hậu quả hết sức bi thảm và kéo dài vô tận nếu đời sống tâm linh của họ ở đời này bị thất bại.



2. Tính bất ngờ của ngày Chúa đến

Điều quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm đó là tính bất ngờ của ngày Chúa đến. «Ngày Chúa đến» ở đây có thể hiểu cách thực tế và cụ thể nhất là ngày Chúa gọi ta về với Ngài, tức ngày tận cùng của đời ta. Nếu ngày đó được ta chuẩn bị chu đáo, thì nó không có gì đáng sợ hay khủng khiếp đối với ta, vì đó là ngày mà ta bước vào một cuộc sống mới vĩnh cửu đầy hạnh phúc. Nhưng nếu ngày đó không được chuẩn bị tốt đẹp nên chúng ta phải ra trước tòa Chúa với một tình trạng tội lỗi, nghĩa là tâm hồn thiếu vắng tình yêu, đầy tính vị kỷ, thì ngày ấy đến với ta có thể sẽ rất khủng khiếp vì ta hoàn toàn chưa sẵn sàng để đối diện với sự phán xét công thẳng của Ngài. Ngày Chúa đến cũng có thể hiểu theo nghĩa lớn rộng hơn, là ngày tận cùng của toàn nhân loại, ngày Đức Giêsu trở lại để phán xét toàn nhân loại.

Dù hiểu theo nghĩa nào, ngày Chúa đến vẫn là ngày bất ngờ: bất ngờ chẳng những về thời gian mà còn về cách thức nữa. Người ta chẳng những không ai biết được mình sẽ chết ngày nào giờ nào, mà ngay cả chết cách nào cũng không ai chắc chắn được. Người chết trên giường bệnh, kẻ chết ngoài đường vì tai nạn xe cộ, người chết khi đang làm việc, kẻ chết khi đang nghỉ ngơi, người chết trong tình trạng sẵn sàng ra đi, kẻ chết không nhắm mắt vì còn tiếc nuối một điều gì, người chết trong hy vọng một số phận vĩnh cửu tốt đẹp, kẻ chết trong lo sợ vì không biết số phận đời sau mình ra sao… Và cũng chẳng ai biết được ngày Chúa đến phán xét toàn nhân loại sẽ xảy ra thế nào, rất có thể khác hẳn với những gì người ta dự kiến. 

Kinh nghiệm khi Đức Giêsu đến lần thứ nhất cho thấy: mặc dù đã được các ngôn sứ tiên báo từ mấy trăm năm trước, nhưng khi Ngài đến thì chẳng mấy ai biết, vì họ không ngờ được Ngài lại đến theo cách ấy, hoàn toàn ngoài dự kiến của họ. Giới lãnh đạo tôn giáo thời ấy đâu có ngờ trước được rằng chính họ lại là những kẻ chủ mưu trong việc xúc phạm và giết chết chính Đấng mà họ mong ngóng đợi chờ suốt bao nhiêu năm? Họ luôn nghĩ rằng họ là người công chính nên ai phản đối họ, lên án họ thì đều là kẻ phá hoại tôn giáo và đáng giết chết! Thế mà Đức Giêsu lại là người phản đối và lên án họ nặng nề nhất! Vì cố chấp vào thành kiến của mình, nên con người thường không học được những bài học từ kinh nghiệm lịch sử!

Chính vì tính bất ngờ của cái chết mà người khôn ngoan luôn luôn phải chuẩn bị sẵn sàng để có thể ra trước tòa Chúa bất kỳ lúc nào, dẫu Ngài đến dưới bất kỳ hình thức nào mà thường là không ngờ trước được!  Vậy phải chuẩn bị cách nào để bất kỳ lúc nào Chúa gọi, ta cũng ở trong tình trạng đẹp lòng Thiên Chúa, nghĩa là tâm hồn ta phải luôn tràn ngập tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chuẩn bị như thế chính là sống thái độ «tỉnh thức» mà Đức Giêsu đề nghị trong bài Tin Mừng này.



3. Tỉnh thức nhưng lại phải hoàn toàn an tâm 

Nếu chúng ta sống trong tâm trạng hồi hộp, lo âu đón chờ Chúa đến, thì đó không phải là cách tỉnh thức mà Đức Giêsu muốn chúng ta có. Tâm trạng hồi hộp, âu lo, sợ sệt là điều bất lợi cho tâm lý và thần kinh của ta. Ngài muốn ta tỉnh thức nhưng đồng thời lại hoàn toàn an tâm, không phải lo âu hồi hộp chút nào. Ngài muốn ta chuẩn bị trong tâm trạng bình an, vui tươi, thoải mái và hạnh phúc. Muốn chuẩn bị thế, ta cần củng cố tình yêu trong lòng chúng ta.

Một người sống trong tâm trạng yêu thương – yêu Thiên Chúa và thương mọi người – chắc chắn là một người đẹp lòng Thiên Chúa. Nếu yêu thương đã trở thành bản tính của ta, thì ta không thể sống mà không yêu thương. Dù yêu thương là tình trạng tâm hồn hay được thể hiện thành hành động, nếu yêu thương đã trở thành bản tính của ta, thì ta không thể làm bất kỳ việc gì mà không phải do yêu thương. 

Biến yêu thương trở thành bản tính của ta, đó là chuẩn bị ngày Chúa đến cách tốt nhất, hoàn hảo nhất. Lúc ấy yêu thương không còn là một hành động nhất thời khi thì có lúc thì không, mà là bản tính hay tâm trạng thường hằng của ta. Tất cả mọi hơi thở, mọi cử động, mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của ta, dù là vô tình hay hữu ý, đều thấm nhuần tình thương. Tình thương phải là phản xạ tự nhiên trong tất cả mọi sinh hoạt của đời sống ta. Người có bản tính yêu thương thì nói lời yêu thương hay hành động yêu thương còn dễ dàng hơn là nói lời khó nghe hay hành động vị kỷ.

Muốn có được bản tính yêu thương như thế, trước tiên ta phải giác ngộ thâm sâu rằng tha nhân chính là bản thân nối dài của ta, hay nói cách khác, tha nhân chính là «cái tôi khác» của ta. Bất cứ điều gì ta làm cho tha nhân cũng là làm cho chính ta, và cũng là làm cho chính Thiên Chúa. Bất kỳ điều tốt đẹp nào ta làm cho tha nhân thì sự tốt đẹp ấy cũng trở về với chính ta. Và bất kỳ điều xấu ác nào ta làm cho tha nhân thì sự xấu ác ấy sớm muộn gì cũng trở về với chính ta. Vì toàn thể nhân loại chỉ là một «cái tôi» hay một thân thể duy nhất, trong đó Đức Giêsu là đầu, còn tất cả mọi người đều là chi thể (x. 1Cr 12,12-26). Cái tay mà làm cho con mắt bị mù, thì rồi cái tay sẽ bị mất hẳn năng lực của mình, chẳng còn làm được nhiều việc như xưa nữa. 

Giác ngộ được như thế rồi, ta còn phải luyện tập để sống phù hợp với sự giác ngộ ấy. Lâu dần, sự luyện tập trở thành thói quen, và thói quen được duy trì sẽ trở thành bản tính. Bản tính sẽ chi phối toàn bộ con người ta, từ quan niệm, tư tưởng, đến lời nói và hành động. Một người có bản tính yêu thương như thế thì trở nên giống Thiên Chúa. Đó chính là thánh thiện, là đạo đức đúng nghĩa nhất. Và một khi ta đã đạt được bản tính yêu thương đó, thì cả cuộc đời ta sẽ chẳng còn cần phải chuẩn bị chút nào cho ngày Chúa đến nữa, chính bản tính yêu thương của ta là sự chuẩn bị tốt đẹp nhất, chu đáo nhất cho cái ngày trọng đại ấy. Chuẩn bị như thế, chẳng bao giờ ta phải sống trong hồi hộp lo âu cả. Tâm hồn ta sẽ luôn luôn bình an và hạnh phúc.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu yêu cầu con phải tỉnh thức để khi Ngài đến thì con đã sẵn sàng trong tình trạng tốt đẹp. Nhưng lúc nào cũng tỉnh thức thì sẽ làm con dễ mệt mỏi và căng thẳng. Con nghĩ ra một cách tỉnh thức mà không bị mệt mỏi, đó là làm sao để bản tính của con giống như bản tính của Cha, đó là bản tính yêu thương. Nghĩa là yêu thương không chỉ còn là những hành động nhất thời lúc có lúc không, mà là một tâm trạng, một thái độ thường hằng in sâu trong bản chất của con. Chuẩn bị một lần thay cho tất cả, thì con sẽ chẳng phải sống trong tình trạng căng thẳng của sự tỉnh thức chuẩn bị. Và đó chính là cách tỉnh thức tốt nhất. Xin Cha giúp con chuẩn bị ngày Ngài đến theo cách ấy.


Vong01a - Tỉnh thức là gì?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng

(03-12-2017)

Tỉnh thức là gì?



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 63,16b-17; 64,1.3b-8: (5) Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.

  1Cr 1,3-9: (6) Lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, (7) khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.

  TIN MỪNG: Mc 13,33-37

Phải tỉnh thức và sẵn sàng

(33) Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: «Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. (34) Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. (35) Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. (36) Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. (37) Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!»



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu biết trong tuần tới kẻ trộm sẽ đến nhà bạn, không biết vào lúc nào, ngày hay đêm, bạn có làm gì khác lạ hơn bình thường không? Tại sao? 
2. Tỉnh thức nghĩa là gì? Cho một vài thí dụ khác nhau về tỉnh thức. 
3. Để tỉnh thức theo tinh thần bài Tin Mừng hôm nay, một cách cụ thể thì phải làm những gì?

Suy tư gợi ý:

1. Nếu tôi biết tuần này kẻ trộm sẽ đến nhà tôi, thì… tôi sẽ làm gì?

Chúng ta thử xét một cách thật nghiêm túc xem: phản ứng, tư tưởng và thái độ của ta sẽ thế nào khi được báo tin chắc chắn rằng một bọn trộm cướp đã dự định đến «thăm» nhà ta tuần này. Được tin ấy, thử hỏi ban đêm ta còn ngủ yên như mọi khi không? Nếu ta đoán kẻ trộm cũng có thể đến cả vào ban ngày nữa, thì ta có đề phòng cả ban ngày không? Ta có dám bỏ nhà đi đâu xa những ngày này, và giao phó nhà cửa cho đám con cái còn bé nhỏ chưa kinh nghiệm không? 

– Nếu đoán biết kẻ trộm sẽ đến, chắc chắn ta sẽ gia tăng đề phòng, không để cho chúng lấy đi của ta bất kỳ đồ vật gì. Muốn đề phòng hữu hiệu, ta phải canh thức liên tục, không ngừng nghỉ. Ngừng đề phòng lúc nào là kẻ trộm có thể đến lúc ấy, nhất là vào những lúc chúng biết ta mệt mỏi, lơ là. Nếu đề phòng liên tục, chắc chắn kẻ trộm sẽ thất bại.

Chỉ vì sợ mất của cải vật chất chóng qua mà ta lo canh phòng như vậy, lẽ nào mạng sống tâm linh của ta, của cải tâm linh của ta là những thứ quí hơn hàng trăm ngàn lần của cải vật chất, tại sao ta lại không lo lắng canh giữ?



2. Cách sống hiện tại quyết định số phận vĩnh cửu

Số phận vĩnh cửu của ta tùy thuộc cách sống hiện tại của ta. Cuộc sống hiện tại trong thời gian là mầm cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây xấu. Cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu ngay trong cuộc sống hiện tại, và định hình vĩnh viễn ngay khi ta chấm dứt cuộc sống này, nghĩa là ngay khi ta chết. 

Nhưng ta chết lúc nào? Không ai biết được! Những người chết trong những vụ khủng bố những năm gần đây tại Âu Châu, Hoa Kỳ… khi đang cầu nguyện trong nhà thờ hay đang shopping ngoài chợ…; những người chết trong những thiên tai, những tsunami…; hay những người chết trong vụ khủng bố nổi tiếng 911 tại hai tòa nhà cao tầng ở New York ngày 11-9-2001, không ai ngờ được trước khi vào đó rằng hôm ấy là ngày tận số cuộc đời mình. Không ngờ được vì thấy rằng còn gì bảo đảm an toàn hơn khi ở trong những tòa nhà kiên cố ấy?

Thế mới biết tai họa hay cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ nơi nào. Đối với cái chết, chẳng lúc nào, chẳng nơi nào, chẳng tình trạng sức khỏe nào là an toàn cả! Thật đúng như thánh Phaolô nói: «Khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!” thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống» (1Tx 5,3). Cái chết đến quả thật như kẻ trộm! không thể biết trước hay đoán trước được lúc nào, cách nào, và thế nào! 

Tuy nhiên, chết lúc nào, cách nào không phải là chuyện quan trọng. Vấn đề hết sức quan trọng chính là: số phận đời sau của mình thế nào?

Số phận của chúng ta đời sau chính là kết quả của cách sống đời này. Nếu đời này chúng ta sống vị tha, yêu thương mọi người đúng theo bản chất của mình là «hình ảnh của Thiên Chúa» (x. St 1,26-27) cũng là «con cái Thiên Chúa» (x. Gl 4,5-7; Ep 5,1), thì đời sau chúng ta sẽ được sống trong một môi trường đầy yêu thương, được gần gũi với chính Thiên Chúa của Tình Thương. 

Trái lại, nếu đời này ta sống ích kỷ, ít tình thương, không tình nghĩa, thường lãnh đạm, nhạt nhẽo, ganh ghét, hận thù… với tha nhân, thì đời sau chúng ta sẽ phải sống trong một môi trường không có tình thương, đầy hận thù và xa cách Thiên Chúa. Điều đó xảy ra không khác gì một quy luật, luật nhân quả: «Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu» (Mt 7,17).

Tương tự, một người luôn yêu thương và vui vẻ với mọi người, dễ dàng hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt thòi cho người khác, thì tự nhiên người ấy tạo ra chung quanh mình một bầu khí vui tươi, thoải mái, yêu thương, và những ai ở gần người ấy đều tự nhiên cảm thấy hạnh phúc và quí mến người ấy. Trái lại, một người ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, chẳng biết yêu thương hay hy sinh cho ai, chỉ mong người khác hy sinh, chịu thiệt cho mình, tự nhiên người ấy sẽ tạo ra chung quanh mình một bầu khí ảm đạm, căng thẳng, buồn tẻ, và chẳng mấy ai cảm thấy hứng thú gì khi ở với người ấy.


3. Ngày của Chúa

Đối với mỗi cá nhân, Ngày của Chúa – hay ngày Chúa đến – chính là ngày ta chấm dứt cuộc đời trần thế để đến trình diện trước mặt Chúa hầu được quyết định về số phận vĩnh cửu của mình (x. Mt 25,31-32). Đối với toàn thế giới, Ngày của Chúa chính là ngày tận thế, ngày mà tất cả mọi người đã từng sống trên trần gian đều phải trình diện trước mặt Chúa (x. Rm 14,10b,12). Ngài sẽ phán xét Giáo Hội cũng như tất cả mọi thể chế trần gian, mọi tôn giáo, mọi chủ nghĩa, mọi ý thức hệ, mọi nền văn hóa, mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi tập thể… 

Lúc đó mọi dân, mọi nước, mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa sẽ biết rõ ràng và dứt khoát đâu là đúng đâu là sai. Lúc đó, tất cả mọi bí mật trên thế giới trong tất cả mọi lãnh vực đều được tỏ lộ, phanh phui cho tất cả mọi người thấy, không một che dấu nào mà không bị hiển lộ… (x. Mt 10,26b; Lc 12,2; Dt 4,13b; 1Tm 5,25; 2Cr 5,11b). Trước mọi sự được tỏ bày, ai nấy đều tự mình biết mình là công chính hay tội lỗi, và công chính hay tội lỗi ở mức độ nào. Mọi người sẽ tâm phục khẩu phục khi thấy số phận của mình, của mọi người và từng người được ấn định một cách hết sức công bằng, hợp lý và quang minh.

Ngày ấy sẽ là ngày vui mừng, vinh quang cho những người thật sự công chính, vì họ sẽ được giải oan, được mọi người nhìn nhận sự trong sạch, ngay thẳng, và tất cả những gì tốt đẹp của mình, đồng thời được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng ngày ấy sẽ là ngày u buồn, nhục nhã, xấu hổ cho những người giả công chính, giả đạo đức, những kẻ gian ác, vì mọi giả dối, xấu xa, gian ác của họ, dù được giấu diếm kỹ càng đến đâu cũng đều bị lột trần, phanh phui trước mọi người, và số phận của họ sẽ là đau khổ muôn đời.


4. Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng

Ngày của Chúa đến như kẻ trộm (x. Mt 24,42-44; 1Tx 5,1-4; 2Pr 3,10) không ai biết trước được, và là ngày qui định dứt khoát số phận đời đời của ta. Vì thế, thái độ khôn ngoan nhất của ta là luôn luôn tỉnh thức, lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng, để ngày ấy dù có bất ngờ tới đâu, cũng là ngày đem lại vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu cho ta. Như vậy, thái độ tỉnh thức là thái độ nào?

Tỉnh thức trái với ngủ quên, trái với tình trạng mê mải, bị thu hút bởi một sự việc gì, khiến ta quên mất điều ta phải nhớ, phải canh chừng. Một minh họa cụ thể: Nhiều khi người nhà tôi bận việc, yêu cầu tôi canh chừng ấm nước sôi. Tôi nhận lời với tất cả ý thức. Nhưng chờ lâu quá, để tiết kiệm thì giờ, tôi lại tiếp tục viết bài. Tới lúc chợt nhớ tới ấm nước thì đã quá muộn, ấm đã cạn sạch nước. Chậm một chút nữa là ấm sẽ bị cháy! Công việc đã thu hút tôi đến mức làm tôi quên canh chừng!

Tỉnh thức theo nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay là luôn luôn ý thức được mục đích cuộc đời mình là sống xứng với phẩm giá cao cả của mình là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa, nhờ đó đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Điều đó đòi hỏi tôi phải sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương, cụ thể nhất là yêu thương những người gần mình nhất. 

Điều tôi cần quan tâm không chỉ là tránh gây nên những bất lợi cho tha nhân, mà còn là làm những gì họ cần tôi làm cho họ. Trong đoạn Tin Mừng về ngày phán xét cuối cùng (x. Mt 25,31-46), ta thấy Thiên Chúa đặc biệt phán xét về những thiếu sót, những điều mà ta không làm cho tha nhân khi họ cần ta làm. Ta thường tưởng rằng mình không làm điều gì bất lợi cho tha nhân thì có nghĩa là mình vô tội, mình công chính. Nhưng thực ra khi mình không làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân, thì mình đã trở thành kẻ có tội và đáng bị kết án rồi. 

Cụ thể như khi đứng trước một bất công, giả như tôi lên tiếng thì bất công ấy đã không xảy ra, hoặc sự công bằng đã được trả lại cho người bị bất công, nhưng tôi đã không lên tiếng chỉ vì một sợ hãi mơ hồ nào đó. Điều đó chứng tỏ rằng tôi không có đủ tình thương. Chính những tội về thiếu sót ấy làm tôi không xứng đáng với hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúng ta có thể trở nên «mê ngủ», mất tỉnh thức khi ta bị thu hút bởi danh, lợi, quyền, thú vui trần tục. Nhiều người mê mải tìm kiếm tiền bạc, quyền lực… đến nỗi chẳng những quên đi bổn phận mình phải làm cho tha nhân (đói cho ăn, khát cho uống, lên tiếng trước bất công…), mà còn sẵn sàng làm những điều bất lợi cho tha nhân nữa (vu khống, gây bất công, thù oán, giết người…) Bất kỳ điều gì có thể làm chúng ta say mê trong cuộc đời, thậm chí là những điều tốt (công việc, chuyện làm ăn, sở thích…), cũng có thể làm ta mất tỉnh thức. 

Ngay cả việc thờ phượng Chúa (dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện…) cũng có thể ru ngủ ta, làm ta quên cả bổn phận mình phải làm cho tha nhân. Thờ phượng Chúa kiểu này chắc chắn không phải là kiểu đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài rất nhờm tởm kiểu thờ phượng này (x. Is 1,11-19). Đáng lẽ việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực phải giúp ta ý thức đến bổn phận của ta đối với tha nhân một cách hữu hiệu. 

Vậy, một cách cụ thể, tỉnh thức chính là luôn luôn ý thức, quan tâm làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, thì ra có rất nhiều điều có thể làm con mê ngủ, không tỉnh thức. Điều làm con rất ngạc nhiên là ngay cả những đam mê tốt lành như đam mê đi lễ, đam mê cầu nguyện, đam mê làm tông đồ, đam mê làm ăn… có thể làm con quên đi bổn phận mà con phải làm đối với những người chung quanh con: cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, hàng xóm… Con có bổn phận rất quan trọng là phải làm cho họ nên tốt lành và được hạnh phúc. Xin Cha đừng để những đam mê tốt lành ấy làm con mất tỉnh thức.


Saturday, November 18, 2017

Cuộc cách mạng tâm linh của Đức Giêsu




Cuộc cách mạng tâm linh của Đức Giêsu



Dẫn nhập

Thiên Chúa và thế giới tâm linh là những thực thể siêu nghiệm, vượt khỏi khả năng suy nghĩ, hiểu biết, diễn tả và ngôn ngữ của con người. Nhưng để giải quyết những vấn đề liên quan đến cứu cánh của mình, con người có nhu cầu hiểu biết về Thiên Chúa và thế giới tâm linh. Nhưng để giải quyết nhu cầu ấy, quả thật việc đó rất nhiêu khê chứ không hề đơn giản, vì sao?

Thế giới vật chất thì hữu hạn, hữu hình và con người có thể thí nghiệm, khám phá, rồi dùng ngôn ngữ con người để diễn tả cho người khác hiểu. Thế giới vật chất tuy hữu hạn, nhưng càng khám phá, con người càng thấy nó bao la, và việc khám phá vẫn còn tiếp tục, không biết đến bao giờ mới hết, có thể không bao giờ hết. Thế mà Thiên Chúa và thế giới tâm linh thì vô hình và còn vĩ đại bao la hơn rất nhiều, nhưng con người lại không có khả năng thí nghiệm, khám phá, mà chỉ có thể biết được nhờ mặc khải từ Thiên Chúa, hoặc các nhà thần bí có thể cảm nghiệm được phần nào (Dẫu có cảm nghiệm được thì cũng không cách nào diễn tả những cảm nghiệm ấy cho người khác hiểu được).

Mặc khải về những thực thể siêu nghiệm, vốn vượt khỏi những kinh nghiệm đã có của con người (về thế giới hữu hình), tương tự như một người sáng mắt mà phải nói về mầu sắc cho một người mù bẩm sinh để người này hiểu và cảm được; nhưng dường như vô phương. Vì mầu sắc là điều mà người sáng mắt cứ mở mắt là thấy ngay, rất cụ thể, nhưng nó lại là một thực thể siêu nghiệm đối với người mù bẩm sinh, nói cách nào người mù cũng không tưởng tượng được mầu xanh, mầu đỏ, mầu vàng là gì, chỉ cho đến khi người mù ấy được chữa cho sáng mắt (1*).
(1*) ● Xem thêm chú thích ở cuối bài để hiểu rõ hơn vấn đề này.

Vì thế, khi mặc khải cho con người về Thiên Chúa và thế giới tâm linh, Ngài phải dùng những gì mà con người kinh nghiệm được trong thế giới hữu hình để giúp con người hiểu chút ít về những thực thể siêu nghiệm, vốn không thể diễn tả ấy, hầu con người có thể tạm hiểu về những thực thể siêu nghiệm ấy trong mức độ rất hạn chế của con người. Và mặc khải này phải rất tiệm tiến qua thời gian, với nhiều cấp độ khác nhau, và phải thay đổi tuỳ theo sự phát triển trí tuệ và tâm linh của con người mà mặc khải thêm. Không thể mặc khải một lúc mà hết được. Con người chỉ có thể hiểu được Thiên Chúa đúng như Ngài là khi nào «lên thiên đàng», nghĩa là được «mặt giáp mặt» với Ngài (2*)
(2*)  ● 1Cr 13,12 => «Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi».

Do đó, không thể nói rằng những gì Thiên Chúa và Đức Giêsu đã mặc khải, hay những gì Giáo Hội hiểu và nói về Thiên Chúa như hiện nay là đã hết, vì còn vô số điều về Thiên Chúa và thế giới tâm linh mà Thiên Chúa chưa mặc khải, và Giáo Hội cũng như nhân loại chưa hề biết hay nghĩ tới (3*).
(3*) ● Ga 16,12 => «Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi» . (Tương tự như dụ ngôn “Nắm lá trong tay và số lá trong rừng” của Đức Phật. Do đó, «Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ… biết chỉ có ngần có hạn” cho đến khi “được mặt giáp mặt"» [1Cr 13,12]). 
       ● Ga 21,25 => «Còn có nhiều điều khác Ðức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra».

Học hỏi để hiểu biết về thế giới vật chất và hữu hạn này mà con người cần những trường học từ thấp lên cao (tiểu, trung, đại, cao học, v.v...) phải học hàng mười mấy năm... nhưng vẫn chưa hết, vì các nhà bác học vẫn còn tiếp tục khám phá ra rất nhiều điều. Thế giới vật chất hữu hình, hữu hạn, cảm nghiệm được mà còn như vậy, huống gì Thiên Chúa và thế giới tâm linh thì vô hình, vô hạn và siêu nghiệm?

Nếu việc học hỏi về thế giới vật chất mà còn tiệm tiến và dài hạn, có nhiều trình độ khác nhau như thế, thì việc mặc khải cho con người về Thiên Chúa và thế giới tâm linh cũng phải tiệm tiến, có nhiều trình độ khác nhau, và cũng phải rất dài hạn.

Trong tương lai, Thiên Chúa sẽ còn tiếp tục mặc khải cho nhân loại bằng nhiều cách. Vấn đề là chúng ta có chịu đón nhận những hiểu biết mới cao hơn hay không (tương tự như trình độ tiểu học lên trung học, đại học...)(4*).
(4*) ● 1Cr 13,10-11 => «Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con».
       ● Dt 5,12-14 => «Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ».

Do đó, đừng quyết tâm bám vào những kiến thức cũ để chối từ những mặc khải mới như những tư tế, luật sĩ và người Pharisêu ngày xưa đã làm: họ quyết tâm bảo vệ những kiến thức tôn giáo cũ đến nỗi đã xúc phạm và giết chết Đức Giêsu chỉ vì Ngài đưa ra những mặc khải mới mà họ không chấp nhận (tương tự như cha ông họ đã làm cho các ngôn sứ) (5*).
(5*) ● Mt 23,29-32 => «Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. Các người nói: “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ”. Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!» 
          (Con người thường tôn vinh các ngôn sứ trong quá khứ, nhưng lại không nhận ra nên bách hại hoặc giết chính các ngôn sứ sống cùng thời với mình, thường vì những lời ngôn sứ không lọt được lỗ tai họ).



Sự phát triển trí tuệ và tâm linh của con người

Sự phát triển của cả nhân loại cũng tương tự như sự phát triển của một con người: có sự tiến hóa theo thời gian (nghĩa là thay đổi theo hướng tích cực). Do đó, các tiêu chuẩn về giá trị, về sự trưởng thành, cũng như các phương pháp giúp phát triển cũng phải thay đổi theo, hầu phù hợp với trình độ phát triển của con người ở mỗi thời điểm.

Hãy so sánh sự phát triển và trưởng thành giữa một em nhỏ và một người lớn để thấy sự khác biệt:


Nơi một em nhỏ: để được đánh giá là một em bé ngoan và tốt, em cần vâng lời cha mẹ và các nhà giáo dục. Một em bé biết vâng lời cha mẹ thì đã được coi là một em bé ngoan. Để giúp em vâng lời, thì cha mẹ áp dụng phương pháp thưởng phạt: nếu vâng lời, làm theo ý cha mẹ thì được thưởng (bánh, kẹo, quà…), còn không vâng lời thì bị phạt (roi, quỳ gối...). Động lực thúc đẩy hoặc buộc em phải vâng lời là sự sợ hãi và tính ham vui (sợ bị phạt, sợ đau, sợ khổ, và ham phần thưởng). Mục đích của việc giáo dục giai đoạn này là giúp em phân biệt đúng/sai, lẽ phải/trái, đồng thời biết làm theo điều đúng và tránh điều sai.

Nơi một người lớn: để được đánh giá là một người tốt, trưởng thành, người thanh niên phải phân biệt được đúng/sai, lẽ phải/lẽ trái (đó là lương tri đã đạt được thời còn nhỏ nhờ sự dạy dỗ của cha mẹ và các nhà giáo dục), và luôn luôn/thường xuyên làm theo điều đúng, tránh điều sai. Lúc này, người trưởng thành làm theo lương tri và lẽ phải hơn là làm theo ý muốn của cha mẹ. Động lực thúc đẩy anh ta là lương tâm, lẽ phải, tình yêu, chứ không còn là ham thưởng sợ phạt từ cha mẹ nữa.

Minh họa: một cây khi còn nhỏ, để có thể mọc thẳng đứng thì cần bám vào một cái cọc. Nhưng khi các mô mộc trong thân cây đã cứng, thì không cần cọc ấy nữa mà vẫn mọc thẳng lên được, vì các mô mộc trong thân cây đã thẳng đứng rồi. Cái cọc bên ngoài đã trở thành “cái cọc” trong chính thân cây.




Nhân loại về mặt tâm linh cũng tiến bộ tương tự như vậy

Tương tự như sự phát triển của một cá nhân, sự phát triển tâm linh của nhân loại trong quá khứ đã có 2 giai đoạn: thời Cựu Ước (tương ứng với thời còn nhỏ) và thời Tân Ước (tương ứng với thời trưởng thành). Và chắc chắn còn nhiều giai đoạn khác.

Mỗi thời, mỗi giai đoạn đều có những vị ngôn sứ như những vị thầy dạy hay những nhà giáo dục đến để dạy dỗ, mặc khải cho con người về mặt tâm linh. Thời Cựu Ước có Môsê và các ngôn sứ, thời Tân Ước có Đức Giêsu và các tông đồ (cùng những người kế tục). Người đương thời thường không nhận ra nên thường bạc đãi những ngôn sứ thật của thời đại mình. Những ngôn sứ ấy chỉ được những thế hệ sau nhận ra và tôn vinh. Thế hệ sau nhờ tiến bộ về tâm linh hơn các thế hệ trước nên nhận ra giá trị những điều dạy dỗ của các ngôn sứ ấy (Tương tự như Galilê bị người đương thời kết án, nhưng hiện nay nhờ tiến bộ khoa học, chúng ta biết rằng ông mới đúng, còn kẻ kết án ông là sai. Xin xem thêm chú thích 5* ở trên). 

Mỗi thời có những tiêu chuẩn, động lực, phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, nhân loại gồm nhiều thành phần khác nhau, có người tiến bộ nhanh, theo kịp lớp của mình, có những người ở lại lớp, là những người chậm tiến hóa. Nghĩa là có những người tuy sống trong thời Tân Ước, nhưng trình độ tâm linh và cách sống đạo vẫn còn thuộc vào thời Cựu Ước.

Ta hãy so sánh hai thời Cựu Ước và Tân Ước qua bảng dưới đây:


Thời Cựu Ước 
(thời nhân loại còn nhỏ):

Tiêu chuẩn để được gọi là tốt:
− Giữ luật Môsê: Kính sợ Thiên Chúa
− Mến Chúa, yêu người (2 giới răn khác biệt)
− Mẫu người lý tưởng: Gioan Tẩy giả

Động lực thúc đẩy: từ bên ngoài:
− Sợ khổ và ham sướng
− Tốt: thưởng, xấu: phạt

Khuynh hướng:
− Thiên về hình thức, bên ngoài, cụ thể
− Thể hiện thành những gì dễ thấy

● Cung cách thờ phượng:
− Sát tế con vật
− Biểu lộ bằng hình thức bên ngoài.

Thời Tân Ước 
(thời nhân loại trưởng thành hơn):

Tiêu chuẩn để được gọi là tốt:
− Luật Đức Kitô: Yêu thương đồng loại
− Mến Chúa bằng cách yêu người (1 giới răn)
− Mẫu người lý tưởng: Đức Giêsu

Động lực thúc đẩy: nội tại trong tâm:
− Lương tri (lẽ phải, công bằng, hợp lý)
− Tình yêu 

Khuynh hướng:
− Thiên về nội dung, bên trong
− Chủ yếu: xảy ra trong nội tâm, khó thấy

● Cung cách thờ phượng (6*):
− Sát tế “cái tôi”, ý riêng (để hoàn toàn theo thánh ý Thiên Chúa)
− Tinh thần «Từ bỏ mình» và «vác thập giá».
(6*) ● Dt 10,9 => «Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới».

Bây giờ, chúng ta hãy nói về việc nâng cấp tâm linh của Đức Giêsu cho nhân loại khi Ngài đến với thế giới cách đây khoảng 2000 năm. Đó là một cuộc cách mạng tâm linh, vì Ngài mặc khải những điều mới và đưa ra những tiêu chuẩn hay lề luật mới, với những quan niệm, cách nhìn mới, lối suy nghĩ và đường lối hành động mới so với quan niệm, cách nhìn cũ của thời Cựu Ước.




Cuộc cách mạng tâm linh của Đức Giêsu


1) Quan niệm về Thiên Chúa

− Đức Giêsu kéo Thiên Chúa xuống gần con người hơn, như quan niệm & gọi Thiên Chúa là Cha (7*) (không còn coi Thiên Chúa như một vị vua quá cao sang, quá uy nghi, đáng sợ, khó gần).
(7*) ● Mt 6,7-15 => Kinh Lạy Cha: «Lạy Cha chúng con là Ðấng ngự trên trời...»  
      ● Mt 23,9 => «Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời». 
      ● Mt 5,16 => «… để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời.»;  
     ● Mt 6,1 => «… chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng»;  
      ● Mt 18,14 => «Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất»;  
      ● Mc 11,25 => «Hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Ðấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em»;  
      ● Lc 12,30 => «Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó»; v.v...   

− Thiên Chúa được quan niệm là người cha yêu thương con cái, sẵn sàng tha thứ (8*), đặc biệt quan tâm đến những đứa con hư hỏng (được phản ảnh qua quan niệm và cách đối xử của Đức Giêsu với người tội lỗi) (9*).  Ngài không quan niệm Thiên Chúa như một số sách hay một số câu trong Cựu Ước mô tả: một Thiên Chúa hay thịnh nộ, hay nguyền rủa, sẵn sàng giáng họa xuống trên cả người vô tội (x. Đnl 20,13-18; 21,11-13; Ml 2,2-3; v.v…) mà đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa trái ngược lại.
(8*) ● Lc 15,11-31 => Dụ ngôn người cha nhân hậu. 
      ● Lc 6,36b => «Cha anh em là Ðấng nhân từ». 
      ● Ga 3,16 => «Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời». 
(9*) ● Ga 3,17 => «Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ». 
      ● Mt 18,12.14 => «Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? (...) Cũng vậy, Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất». 
      ● Ga 12,47 => «Tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian». 
      ● Mt 9,13b => «Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi» 

− Do đó, người Kitô hữu có thể phó thác mọi nhu cầu của mình cho Ngài (10*)  để chỉ lo thực hiện thánh ý Ngài (Đây mới là điều cốt yếu nhất mà người Kitô hữu phải thực hiện)
(10*) ● Mt 6,30-34 => «Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo».

− Nội tâm hóa Thiên Chúa: Thiên Chúa ở ngay trong bản thân mình (11*)
(11*)     ● 1Cr 3,16 => «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?» 
● 1Cr 3,17b => «Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em».  
            ● 1Cr 6,19 => «Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần mà chính Thiên Chúa đã ban cho anh em» 
● Cv 17,27b-28 => «Thực sự, Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: 'Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người».
● Thánh Augustinô đã giác ngộ điều ấy khi ngài viết: «Ngài vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con và vì thế con đã tìm Ngài ở bên ngoài» (Confessions, X,27); hay «Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên con đã không gặp được Chúa của lòng con», và «Con đã yêu Chúa quá muộn… Chính Chúa vẫn ở trong con, còn con thì lại ở ngoài con» (Confessions, VI,1).
● Hai câu rất nổi tiếng của thánh Augustinô là «Deus est intimior intimo meo» (tạm dịch: "Thiên Chúa thân mật với tôi còn hơn chính tôi thân mật với tôi nữa"), «Deus est interior intimo meo et superior summo meo» (tạm dịch: "Thiên Chúa còn ở sâu thẳm hơn cả nội tâm của tôi, và cao cả hơn cái cao cả nhất ở nơi tôi") (Confessions, III, 6.11). Hai câu này có thể nói cách dễ hiểu hơn là “Thiên Chúa còn ‘là tôi’ hơn chính tôi ‘là tôi’ nữa”.

− Nơi Thiên Chúa ngự: không phải trong đền thờ do con người làm ra (12*).
(12*) ● Cv 17,24-25 => «Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền thờ do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự». 
       ● Cv 7,47-48 => «Chính vua Salômôn mới xây nhà cho Người. Tuy nhiên, Đấng Tối Cao không ở trong những ngôi nhà do tay người phàm làm ra».


2) Nội tâm hóa đời sống tâm linh

− Cung cách thờ phượng Thiên Chúa được nâng cao (13*)
(13*) ● Dt 10,9 => «Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới» 
            (Việc tế lễ mới − tức Thánh lễ Misa − cần thực hiện trong nội tâm hơn là trong những nghi thức bên ngoài. Khi dâng Thánh Lễ Misa, thái độ nội tâm − kết hợp chính việc sát tế “cái tôi” của mình với việc “tự sát tế” của Đức Kitô để dâng lên Thiên Chúa Cha − quan trọng hơn rất nhiều so với những nghi thức thấy được).

− Việc thờ phượng Thiên Chúa được thực hiện chủ yếu trong nội tâm con người hơn là ở bên ngoài (14*), và không lệ thuộc vào không gian vật chất (15*).
(14*) ● Ga 4,23-24 => «Giờ đã đến và chính lúc này đây giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Chữ “thần khí” viết chữ thường có nghĩa là “linh” hay “tâm linh”, tiếng Anh dịch là “spirit”). 
         ● Việc thờ phượng Thiên Chúa trong Cựu Ước chú trọng tới việc sát tế bên ngoài, là sát tế con vật. Việc thờ phượng Thiên Chúa trong Tân Ước chú trọng tới việc sát tế bên trong, là sát tế “cái tôi” của mình, nghĩa là chấp nhận «từ bỏ mình và vác thập giá» (Mt 16,24) để sống xả kỷ và yêu thương. Đó cũng là 2 điều kiện mà Đức Giêsu đòi hỏi những người theo Ngài. 
       − “Từ bỏ mình” là coi nhẹ “cái tôi” của mình cùng những gì thuộc về mình như ý kiến, quan điểm, v.v...  
       −  “Vác thập giá” hay sẵn sàng chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi vì yêu thương tha nhân, là hình thức “sát tế” có ý nghĩa nhất, phù hợp với ý Thiên Chúa nhất, hơn là “sát tế” bất cứ thứ gì khác. 
(15*) ● Ga 4,20-22 => (Người phụ nữ Samari hỏi:) «“Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này (=núi Garizim); còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi thờ phượng Thiên Chúa”. Ðức Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Ðấng các người không biết”».
− Tội, phúc do tâm (16*)
(16*) ● Mt 5,27-28 => «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi». (Xem thêm 1Cr 13,1-3 ở chú thích 20* bên dưới). 
      ● Mc 12,41-44 => «… Ðức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người điều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”». 
       ● Mt 15,11 => «Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế» (“từ miệng” = từ trong tâm).
− Thiên Chúa ngự ngay trong tâm hồn ta, trong bản thân ta (17*)
(17*) ● Xem 1Cr 3,16.17b; 1Cr 6,19; Cv 7,48 (đã trưng dẫn ở chú thích 11* phía trên).
− Nước Trời ở trong mỗi người và ở giữa mọi người (18*)
(18*) ● Lc 17,20-21 => (Đức Giêsu trả lời những người Pharisêu:) «“Triều Ðại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này!” hay “Ở kia kìa!”, vì này Triều Ðại Thiên Chúa đang ở trong/giữa các ông”» (có 2 cách dịch: in you & in your midst, nghĩa là ở trong mỗi người và ở giữa nhiều người).



3) Phân biệt mục đích và phương tiện, cốt yếu và tùy thuộc, nội dung và hình thức

− Tình yêu là yếu tố cao nhất, cần thiết nhất trong đời sống tâm linh, hơn cả lễ tế (19*)
(19*) ● Mt 12,7 => «Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế». 
        ● Mt 5,23-24 => «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình». 
        ● Mt 25,40/45 => «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm (không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (không làm) cho chính Ta vậy». 
        ● Lc 10,29-37 => Dụ ngôn người Samari tốt lành. 
        ● 2Cr 2,8 => «Tôi khuyên anh em hãy đặt tình bác ái lên trên hết».
− Không có tâm yêu thương, mọi việc làm, mọi tình trạng dù có vẻ tốt đẹp đều vô giá trị trước mặt Thiên Chúa (20*)
(20*) ● 1Cr 13,1-3 => «Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi».
− Từ bỏ mình và chấp nhận đau khổ vì yêu thương (21*)
(21*) ● Mt 16,24 => «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo».
− Khiêm nhường (22*), thông cảm và tha thứ (23*)
(22*) ● Mt 18,4 => «Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời». 
       ●1Ga 1,8-10 => «Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta».  
(23*) ● Lc 6,37b => «Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha».  
       ● Mt 6,14,15 => «Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em». 
      ● Mt 18,21-22 => «Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Ðức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”».  
       ● Mt 18,23-35 => Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót. 
       ● Mt 11,25-26 => «Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Ðấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em”. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Ðấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em». 
       ● 1Cr 13,7 => «Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả».
− Đừng xét đoán hay kết án ai (24*)
(24*) ● Mt 7,1-2 => «Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy». 
       ● Lc 6,37a => «Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án». 
       ● Rm 2,1 => «Dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình». 
       ● Ga 7,24 => «Các ông đừng xét đoán theo bề ngoài nữa, nhưng hãy xét đoán cho công minh».
− Điều chính yếu nhất là thực hành ý muốn Thiên Chúa (25*)
(25*) ● Mt 7,21-23 => «Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!»
− Nội dung và hình thức đều cần thiết và quan trọng, nhưng nội dung quan trọng hơn hình thức (26*)
(26*) ● Hình thức tuy rất cần thiết, nhưng chỉ cần thiết và có giá trị khi có nội dung. Hình thức không nội dung thì hầu như hoàn toàn vô giá trị và vô ích. Quả trứng chỉ có giá trị khi có ruột. Vỏ trứng rỗng thì người ta bỏ vào sọt rác. Cũng tương tự như vậy đối với các bao bì: bao bì có đẹp đến đâu, hấp dẫn người mua đến đâu, thì khi lấy ruột ra rồi, người ta bỏ bao bì vào thùng rác.



4) Nâng cao tiêu chuẩn công chính của Cựu Ước lên một bậc

− Đức Giêsu đến trần gian để nâng cao sự hiểu biết và trình độ tâm linh của con người lên một bậc. Nâng cao, hoàn thiện chứ không phải phá bỏ. (Những kiến thức của bậc trung học hoàn chỉnh hơn bậc tiểu học, v.v... chứ không phủ nhận. Tương tự như khi lên trung học, ta không dùng sách của bậc tiểu học, nhưng sách của tiểu học vẫn được các học sinh tiểu học sử dụng chứ không dẹp bỏ) (27*).
(27*) ● Mt 5,17-18 => «Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành». 
           Kiện toànnghĩa là thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, chứ không phải hủy bỏ.
− Trình độ tâm linh của Tân Ước cao hơn Cựu Ước (28*)(tương tự như trung học cao hơn tiểu học, hay đại học cao hơn trung học) (29*).
(28*) ● Mt 11,11 => «Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông» (Tương tự như người thấp nhất của bậc trung học vẫn cao hơn người cao nhất của bậc tiểu học. Nước Trời trong câu trên ám chỉ trình độ tâm linh của thời Tân Ước). 
(29*) ● Mt 5,20 => «Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời».

5) Bãi bỏ luật cũ để theo luật mới

− Thời mới thì có luật mới, luật cũ không còn phù hợp (30*).
(30*) ● Dt 7,12 => «Một khi chức tư tế thay đổi, thì nhất thiết phải thay đổi Lề Luật» (Vị tư tế của Tân Ước là Đức Giêsu, không còn là Menchisedech của Cựu Ước). 
        ● Rm 3:21 => «Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng». 
        ● Mt 9,16 => «Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế mới giữ được cả hai». 
        ● Mt 15,1-2 => «Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”» (// Mc 7,2; Lc 11,37-38) 
        ● Mt 9,14 => «Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Ðức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”» (// Mc 2,18). 
        ● Lc 6,1 => «Vào ngày sabát, Ðức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pharisêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?"» 
        ● Một trong những biểu hiện của sự công chính thời Cựu Ước là ăn chay, giữ luật Sabat, nên các môn đệ Gioan luôn ăn chay, những người Pharisêu giữ luật sabat rất nghiêm nhặt. Nhưng môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay, không giữ luật sabat, không rửa tay khi dùng bữa, vì đó không còn là biểu hiện của sự công chính thời Tân Ước.  
       Sự công chính thời Tân Ước tùy thuộc vào “cái tâm” bên trong hơn là những gì thấy được bên ngoài. Một nhà tu đức nói: «Sanctus videtur, sed non est; sanctus est, sed non videtur» (tạm dịch ý: kẻ làm ra vẻ thánh thiện thì không thánh thiện; người thánh thiện đích thực thì không làm ra vẻ thánh thiện).
− Luật mới cao hơn luật cũ (31*)
(31*) ● Mt 5,43-44 => «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em». 
       ● Mt 5,21-22 => «Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt».
− Các tông đồ bãi bỏ luật Môsê (32*).
(32*) ● Cv 15,28-29 => «Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi». (Nghĩa là không buộc dân ngoại tin theo Đức Giêsu [tức dân của Tân Ước] phải cắt bì và giữ luật Môsê).»
        ● Gl 5,18 => «Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa». 
        ● Mt 12,1-2 => «Khi ấy, vào ngày Sabát, Ðức Giêsu băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Những người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Ðức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!”»
− Luật Chúa áp dụng cho con người không bất biến mà phải thay đổi (33*)
(33*) ● Đức Giêsu không bãi bỏ luật Môsê, nhưng kiện toàn, nghĩa là thay đổi nó để làm cho nó đúng hơn, cao hơn. Cốt tủy của luật Môsê và cốt tủy của luật Đức Giêsu chỉ là một, nhưng được biến đổi theo trình độ tâm linh của con người. 
         Luật Chúa cho con người cũng như mọi lề luật khác áp dụng cho con người luôn luôn phải tùy thuộc 2 yếu tố: đường lối hay ý chí của Thiên Chúa (cốt tủy của lề luật, bất biến, là hằng số) và hoàn cảnh hay trình độ của con người (thay đổi, là biến số). Tương tự như một hàm số y = ax (a=hằng số, x=biến số, do đó, y thay đổi theo 2 yếu tố đó, chứ không bất biến).

6) Luật mới của Đức Giêsu

− Điều răn mới: yêu thương đồng loại (34*)
(34*) ● Ga 13,34-35 => «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau». 
       ● Ga 15,12 => «Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em». 
       ● Lc 6,31 => «Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy». 
       ● Rm 13,10 => «Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại ; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy». 
       ● Rm 13,8 => «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật». 
       ● Gc 2,8 => «Luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình». 
       ● Gl 5,14 => «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình».
− Phục vụ anh em (35*)
(35*) ● Ga 13,14-15 => «Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em». 
       ● Mt 20,25-28 => «Nhưng Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”»
− Tình yêu phải trải rộng đến cả kẻ thù (36*)
(36*) ● Mt 5,44-47 => «Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?» 
        ● Lc 6,27-31 => «Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Anh em muốn hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại». 
        ● Lc 6,35 => «Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác».

7) Quan niệm về lề luật

− Công chính nhờ đức tin (tức trong nội tâm), không phải nhờ giữ lề luật (37*)
(37*)● Rm 3,20 => «Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy». 
       ● Rm 3,28 => «Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy».
       ● Rm 4,3 => «Ông Ápraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính».
− Phải coi luật Thiên Chúa quan trọng hơn truyền thống của tôn giáo (38*)
(38*) ● Mt 15,1-3 => «Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?”» 

8) Hợp lý hơn

− Trong việc cầu nguyện (39*)
(39*) ● Mt 6,7 => «Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. Ðừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin». 
        ● Ga 2,25b => «Chính Người biết có gì trong lòng con người». 
         ● Mt 6,32 => «Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó».

9) Phần phụ thêm

Để hiểu rõ hơn sự khó khăn trong vấn đề mặc khải của Thiên Chúa về những thực tại siêu nghiệm cho con người, ta thử đặt mình vào trường hợp của một ông tiến sĩ toán phải trình bày cho một em bé trình độ tiểu học về đạo hàm, về tích phân, về số ảo… Đương nhiên, ông sẽ chỉ có thể sử dụng những gì mà em đã có sẵn trong đầu vốn rất giới hạn để giải thích. 

Cũng vậy, khi mặc khải về việc tạo dựng vũ trụ cho con người thời sơ khai, Thiên Chúa đành phải sử dụng hình ảnh − như: Ngài lấy bùn đất nặn nên con người rồi thổi hơi vào − để con người có một ý niệm về sự tạo dựng của Ngài. Nếu Ngài mặc khải cho con người thời nay, thời đại Internet, Iphone 8, v.v... chắc chắn Ngài sẽ phải sử dụng những hình ảnh khác cao cấp hơn nhiều.

Hoặc hiện nay, người ta dùng hình ảnh một ông già đẹp lão để giúp con người có được hình ảnh rất đơn sơ về Thiên Chúa Cha vốn vô hình vô ảnh. Nếu ta cứ nghĩ những hình ảnh ấy chính là hình ảnh thực của Ngài, thì chúng ta là kẻ rất ngây thơ. Hoặc người ta thường dùng hình người có hai cánh để chỉ các thiên thần (nhưng các thiên thần thì vô hình vô tướng, di chuyển mọi phía đều dễ dàng, cần gì phải có cánh).

Để hiểu rõ hơn nữa về khả năng giới hạn của con người trong việc hiểu được những mặc khải về những thực tại siêu nghiệm về Thiên Chúa và thế giới tâm linh, xin mời đọc thêm chú thích trong chú thích cuối cùng (40*).
(40*) ● Có một con cá được người ta nuôi trong một cái hồ thủy tinh từ hồi sinh ra. Cá chỉ sống trong nước, không biết gì ngoài nước và những gì nó thấy trong nước. Một hôm, người ta bắt được một con rùa ở bờ sông và đem về nuôi chung trong cái hồ thủy tinh ấy. Hai con vật lâu ngày quen nhau, và con rùa kể cho cá nghe những gì mình đã thấy, đã gặp trên đất liền. Nói tới bất cứ cái gì thì cá cũng ngạc nhiên, không hiểu được điều rùa mô tả là cái gì. Chẳng hạn, rùa mô tả về đất. Cá hỏi:  
+ Đất là gì? 
− Là cái mà người ta đi lên, dẵm chân lên. 
+ Vậy nó là cái đáy hồ mà anh đang đi, đang dẵm chân lên, phải không? 
− Đúng rồi, nhưng không phải là như vậy.  
+ Tại sao đúng rồi mà không phải là như vậy? 
− Đúng ở chỗ nó là cái người ta đi lên, dẵm lên, nhưng không đúng ở chỗ nó không phẳng phiu và trơn láng như đáy hồ này.  
+ Vậy là nó giống như cái lưng của anh phải không? 
− Đúng rồi nhưng không phải là như vậy.  
+ Tại sao đúng rồi mà không phải là như vậy? 
− Đúng ở chỗ nó không phẳng phiu và trơn láng, nhưng không đúng ở chỗ nó không đồng chất với đáy hồ.  
+ Cái lưng của anh cũng đâu có đồng chất với đáy hồ, tại sao nó không giống như cái lưng của anh? 
− Nó không đồng chất với đáy hồ, mà cũng không đồng chất với lưng của tôi, cũng không đồng chất với da thịt chị, với đồ ăn của chúng ta.  
+ Vậy thì nó là cái gì? 
− Cái chất đó không giống như bất cứ chất gì trong cái hồ này, nên tôi không thể diễn tả được. Nhưng nó khô chứ không ướt át như mọi thứ trong hồ này.  
+ Thế nào là khô và thế nào là ướt nhỉ? 
− Khô là không có nước, còn ướt là có nước.  
+ Nước là gì? 
− Nước là cái đang bao bọc chung quanh chúng ta. Chúng ta đang bơi lội trong nước.  
+ Vậy nước cũng là cái khoảng không giữa anh và tôi phải không? 
− Phải.  
+ Vậy thì không có nước, tức là không có cái khoảng không này à? 
− Ồ, giữa chị và tôi không phải là khoảng không trống rỗng, mà là nước.  
+ Vậy thì không có nước, hay khô là gì? Tôi hoàn toàn chưa thể quan niệm được. 
− Tôi không biết phải nói làm sao. Nhưng khô thì không trơn, không mát mẻ, không êm dịu…  
+ Vậy là tôi chẳng hiểu gì cả, chẳng hiểu đất là gì mà cũng chẳng hiểu khô là gì. 
− Tôi nói rõ ràng và chân thật như thế mà chị không hiểu sao?  
+ … . ?! ?!
Nguyễn Chính Kết