Sunday, July 30, 2017

TN18b - Sống giới luật yêu thương phải là ưu tiên số một của sứ vụ loan báo Tin Mừng




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 18 Thường Niên

(06-8-2017)


Bài đào sâu

Sống giới luật yêu thương phải là ưu tiên số một của sứ vụ loan báo Tin Mừng



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 55,1-3: (1) Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.

  Rm 8,35.37-39: (38) Tôi tin chắc rằng, cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, (39) trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.

  TIN MỪNG: Mt 14,13-21

Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất

(13) Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. (14) Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

(15) Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: «Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn». (16) Đức Giêsu bảo: «Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn». (17) Các ông đáp: «Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!» (18) Người bảo: «Đem lại đây cho Thầy!» (19) Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. (20) Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. (21) Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Khi ta đang cần nghỉ ngơi, cần cầu nguyện, mà có ai đó cần đến ta, ta sẽ hành xử thế nào?
2.   Đức Giêsu yêu cầu chính các tông đồ phải lo cho dân chúng ăn, điều đó có ý nghĩa gì?
3.   Tại sao Ngài không làm phép lạ hóa bánh và cá từ không ra có, mà lại phải biến bánh và cá do các môn đệ kiếm được từ ít ra nhiều?
4.   Trong công việc của Chúa, phần cộng tác của ta quả thật quá nhỏ bé, mọi việc chủ yếu là nhờ Chúa, do Chúa. Nhưng nếu không có phần cộng tác của ta, của con người, thì việc của Ngài ở trần gian có thành tựu không?

Suy tư gợi ý:

1. Dù mệt nhọc, cần nghỉ ngơi, Ngài vẫn đón tiếp dân chúng

Sau khi nghe tin Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrốt chém đầu (x. Mt 14,3-12), chắc chắn Đức Giêsu hết sức xúc động, ngậm ngùi thương tiếc người đã từng nhiệt thành làm tiền hô cho mình. Đoạn Tin Mừng Mt 14,13-21 cho biết lúc ấy Ngài «đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt» (Mt 14,13), vì Ngài có nhu cầu ở một mình để tưởng niệm người quá cố, đồng thời để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Nhưng không ngờ dân chúng lại tìm đến Ngài rất đông. Tin Mừng cho biết: «Trông thấy đoàn người đông đảo thì Ngài chạnh lòng thương» (Mt 14,14). 

«Chạnh lòng thương» là phản ứng của người có lòng trắc ẩn, hay thương xót, thông cảm với những nhu cầu, với những hoàn cảnh éo le, đau khổ của tha nhân. Vì thế, mặc dù chính Ngài đang cần nghỉ ngơi, cần ở một mình, nhưng Ngài đã quên nhu cầu của mình mà chỉ nghĩ đến nhu cầu của dân chúng. Ngài đã đón tiếp họ và «chữa lành các bệnh nhân của họ» (Mt 14,14b).

Trong cuộc sống đời thường, ta cũng gặp rất nhiều trường hợp tương tự như Ngài: đang khi cần yên tĩnh nghỉ ngơi sau cả một ngày làm việc mệt nhọc, hoặc khi đang nghỉ ngơi thì có người gọi điện thoại hoặc đến tận nhà nhờ vả ta một điều gì cần thiết. Lúc đó ta phản ứng thế nào? Có thể ta nghĩ rằng: «Mình phải nghỉ ngơi cái đã, vì có nghỉ ngơi thì mới làm việc được. Vả lại mình còn biết bao việc khác phải làm nữa. Phải yêu cầu người ta chờ mình nghỉ ngơi đã!»? 

Hay ta nghĩ rằng: «Người ta cần mình ngay bây giờ nên mới đến vào giờ này. Nếu không giúp họ giờ này thì có thể không còn cơ hội nào giúp họ nữa và công việc của họ sẽ bị lỡ. Thôi mình ráng hy sinh cho họ một chút, mình có thể nghỉ ngơi bù vào lúc khác cũng được mà!»? Phải công nhận nghĩ và làm được như thế là việc rất khó, đòi hỏi nhiều tình yêu và lòng bao dung. 

Trong quá khứ, một vài lần vì mệt mỏi sau cả ngày làm việc, tôi đã từ chối giúp đỡ một vài người, nay tôi rất hối hận và tự hỏi: không biết người ta bị kẹt đến thế nào khi mình không giúp họ, và họ buồn thế nào vì việc ấy? Tôi thấy mình đã không giống Đức Giêsu Thầy của mình bao nhiêu, vì mình ít tình yêu quá! Tình yêu mình không đủ mạnh để có thể ráng hy sinh cho tha nhân khi họ cần, dẫu mình đã mệt!



2. Người tông đồ phải có tình thương trong lòng trước đã

Ở những vùng dân chúng rất nghèo – như những vùng truyền giáo cho các dân tộc thiểu số – giáo dân phải đi thật xa hàng mấy chục cây số mới đến được nhà thờ để dâng thánh lễ và học hỏi giáo lý. Nhiều vị chủ chăn đã lo cho họ ăn uống cả hàng trăm người trước khi họ ra về (khi thì cơm, khi bánh mì, khi thì mì ăn liền…). Để thực hiện việc này, tháng nào vị linh mục cũng phải đi hàng chục hay hàng trăm cây số đến gõ cửa những nhà hảo tâm quen biết hoặc được giới thiệu để «ăn mày» dùm cho họ. Thật là một hình ảnh rất đẹp về người chủ chăn! Các vị đã thực hiện lời Đức Giêsu: «Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn» (Mt 14,16).

Khi nói câu ấy, Đức Giêsu muốn gây ý thức nơi các tông đồ về tình yêu thương, sự quan tâm mà một mục tử phải có đối với dân chúng. Mặc dù mục đích của người tông đồ là loan báo Tin Mừng chứ không phải là lo chuyện vật chất cho dân chúng. Nhưng khi ta biết dân chúng có nhu cầu nào đó, ta nên thể hiện tình yêu thương của ta đối với họ bằng cách giúp họ nhu cầu ấy. Dân chúng có yêu thương mình, lời mình rao giảng mới thấm vào lòng họ. Dân chúng có cảm thấy mình yêu thương họ, họ mới hứng khởi thực hiện những điều mình dạy dỗ. Dân chúng bị hấp dẫn đến với Đức Giêsu không chỉ vì Ngài dạy dỗ họ những điều hay lẽ phải cho bằng vì họ cảm thấy Ngài yêu thương họ, vì Ngài quan tâm săn sóc họ, vì Ngài chữa bệnh cho họ, giúp họ giải quyết những khó khăn trong đời sống họ…

Kitô giáo là đạo của tình thương, lấy tình yêu thương làm bản chất của đạo (x. Ga 13,34-35), nên những người rao giảng đạo này phải là người có dồi dào tình thương hơn mọi người, và tình yêu thương ấy phải được chứng tỏ bằng hành động. Truyền đạo không phải chỉ là cung cấp cho người ta có một số kiến thức về Thiên Chúa, về Đức Giêsu hay về Lời của Ngài, mà là làm cho họ trở thành môn đệ Ngài, theo Chúa, và sống giới luật yêu thương của Ngài. Chính mình không sống tinh thần yêu thương này, làm sao mình có thể truyền tinh thần yêu thương này cho người khác được?



3. Hãy chủ động phần việc của mình trước đã…

Khi yêu cầu các môn đệ hãy tự mình lo cho họ ăn, Đức Giêsu đã thừa biết khả năng hạn hẹp của các ông, và Ngài cũng đã biết mình phải làm gì. Với quyền năng của Ngài, Ngài có thể biến không khí thành bánh và cá nuôi đám dân chúng, không cần đến 5 chiếc bánh và 2 con cá mà các ông tìm được trong dân chúng. Nhưng Ngài không muốn đơn phương làm như vậy, Ngài muốn có sự góp phần của mọi người. Trước tiên, Ngài muốn chính các tông đồ phải có tình thương, có ý thức trách nhiệm đối với dân chúng và thật sự muốn lo cho họ. Ngài nói: «Chính anh em hãy cho họ ăn» (Mt 14,16).

Các tông đồ quả có nhận ra nhu cầu của dân chúng, nhưng tình yêu của các ông đối với dân chúng chưa mạnh đủ để có thể lóe lên sáng kiến hay thúc đẩy các ông tìm cách nào nuôi dân chúng. Vì thế, ngay từ đầu các ông đã nghĩ mình bất lực không thể giúp gì họ được, và các ông đề nghị giải tán dân chúng. Nếu các ông có nhiều tình yêu hơn, các ông sẽ nghĩ ra được mình nên làm gì. Chẳng hạn các ông có thể nói với Đức Giêsu: «Bây giờ chúng ta phải lo cho họ ăn, chúng con chưa biết làm cách nào, nhưng chúng con biết Thầy có cách». Nói như thế, các ông vừa tỏ ra tình yêu và ý thức trách nhiệm của mình, vừa tỏ ra tin tưởng vào quyền năng của Thầy mình.

Trong cuộc đời, rất nhiều khi có những việc nào đó ta nên làm hay phải làm nhưng không làm được chỉ vì ta không đủ tình yêu, không đủ nhiệt thành và lòng hăng say. Thiếu yếu tố quan trọng này, ta thường bi quan yếm thế cho rằng mình không thể thực hiện được. Trong một trận chiến, chưa xuất quân mà ta đã nghĩ rằng mình sẽ thua thì quả thật ta đã thua ngay từ đầu ngay trong tư tưởng của mình rồi. Nguyễn Bá học nói: «Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông». Nhiều việc tốt ta không làm được, không phải vì nó khó hay vì nó không thể làm được, mà vì ta không đủ tình yêu để làm, vì ta đã đầu hàng nó ngay từ trong tư tưởng của ta.

Người Kitô hữu không nên sợ mình không làm được, vì ta luôn luôn có một sức mạnh ở ngay trong bản thân mình, đó là quyền năng của Thiên Chúa. Nếu ta tin tưởng vào quyền năng của Ngài, ta sẽ làm được nhiều việc mà mọi người đều nghĩ rằng ta không thể. Vì «không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được» (Lc 1,37). Vì «tôi có thể làm được tất cả nhờ quyền năng của Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Vì «nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì (…) sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được» (Mt 17,20). 

Tại sao có những vị thánh đã làm được rất nhiều phép lạ? Chính vì các ngài có rất nhiều tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, và vì các ngài tin tưởng vững chắc vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng luôn hỗ trợ cho mình. Tình yêu thúc đẩy các ngài hành động, và lòng tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa khiến hành động của các ngài đi đến thành công.

Người đời vẫn nói: «Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên». Qua bài Tin Mừng về Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều này, ta thấy Ngài muốn các tông đồ, tức con người, phải mưu sự trước, và Ngài chỉ là người giúp cho mưu sự ấy thành công. Các nhà tu đức vẫn nói: «nỗ lực rồi cậy trông», nghĩa là chúng ta phải chủ động nỗ lực trước đã, dù nỗ lực ấy chỉ là yếu tố rất nhỏ (chỉ 1%) để thành tựu, và phần chủ yếu (có đến 99%) là do Ngài, nhưng nếu không có phần nỗ lực rất nhỏ khởi đầu của ta thì không có sự việc gì thành tựu. 

Thánh ý Ngài là muốn có phần chủ động cộng tác của ta. Cho dù ngay cả việc chủ động của ta cũng do Thánh Thần Ngài thúc đẩy, vẫn phải luôn có phần của ta, vì nếu thiếu nó, Thiên Chúa cũng không còn muốn làm phần của Ngài nữa!




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha luôn muốn phát triển tình yêu thương trong lòng con người. Cha muốn mọi điều tốt được thực hiện trên đời này là do sáng kiến của con người, bắt nguồn từ tình yêu thương của họ. Cha rất sung sướng được cộng tác với những công việc tốt đẹp mà chính họ sáng kiến và quyết tâm thực hiện, cho dù sự thành tựu là do Cha tới 99%. Nhưng Cha vẫn muốn phải có 1% công lao của con người, mà thiếu nó thì chính Cha cũng không muốn thực hiện 99% còn lại kia. Xin Cha giúp con ý thức điều đó, để con tập sáng kiến và chủ động trong những việc tốt lành mà với sự cộng tác của Cha, con có thể làm được cho tha nhân, cho thế giới.



TN18a - «Chạnh lòng thương» và hành động trước nhu cầu cấp thiết của tha nhân




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 18 Thường Niên

(06-8-2017)


«Chạnh lòng thương» và hành động trước nhu cầu cấp thiết của tha nhân phải là đặc tính của người theo Chúa



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 55,1-3: (1) Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.

  Rm 8,35.37-39: (38) Tôi tin chắc rằng, cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, (39) trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.

  TIN MỪNG: Mt 14,13-21

Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất

(13) Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. (14) Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

(15) Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: «Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn». (16) Đức Giêsu bảo: «Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn». (17) Các ông đáp: «Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!» (18) Người bảo: «Đem lại đây cho Thầy!» (19) Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. (20) Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. (21) Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu bạn ở trong trường hợp Đức Giêsu, đứng trước một đám dân chúng đông đảo từ các thành thị đến nghe mình, bạn có «chạnh lòng thương» không? Sự cảm thương ấy có thúc đẩy bạn làm một điều gì cụ thể cho họ không?
2. Những cảm xúc, bức xúc, bất mãn, than phiền, chỉ trích của bạn trước đau khổ, bất công, sự ác… có khiến bạn suy nghĩ, tìm cách giải quyết hay cải thiện tình trạng ấy bằng một hành động cụ thể không? Bạn có thấy mình có trách nhiệm chút nào trước tình trạng xấu ấy không?

Suy tư gợi ý:

1. Tình thương của Đức Giêsu đối với dân chúng, đồng bào

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy Đức Giêsu – Thầy của chúng ta – là một người thật hấp dẫn. Ngài không hề tìm cách quyến rũ dân chúng, nhưng dân chúng tự nguyện đến với Ngài. Bài Tin Mừng cho thấy chính lúc Ngài muốn tìm một nơi hoang vắng để nghỉ ngơi hay cầu nguyện, thì rất đông dân chúng từ các thành thị đi bộ đến tìm kiếm Ngài. Dân chúng đông đến mức nào thì cuối bài Tin Mừng cho biết: chỉ riêng đàn ông đã có tới 5.000 người, còn phụ nữ và trẻ em, theo tâm lý thường tình, hẳn phải đông bằng hoặc đông hơn. Ở nơi Đức Giêsu có điều gì khiến Ngài hấp dẫn dân chúng đến như vậy? Ngài ăn nói rất có duyên chăng? Lời giảng dạy của Ngài đầy minh triết và rất thiết thực chăng? Hay vì họ tò mò muốn được xem Ngài làm phép lạ? Tất cả những lý do đó chắc chắn đều đúng, và có thể lý do sau cùng là sự tò mò muốn xem phép lạ là mạnh hơn cả.

Nhưng còn một yếu tố nữa rất quan trọng mà bài Tin Mừng hôm nay tỏ cho ta thấy, đó là tình thương bao la của Ngài đối với dân chúng. Tình thương ấy đã được diễn tả súc tích trong câu: «Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ» (Mt 14,14). Từ ngữ «chạnh lòng thương» nói lên tính rất nhân bản đầy tình người của Đức Giêsu. Đó không phải là một tình cảm thoáng qua, mà là một động lực mạnh thúc đẩy Ngài đi đến hành động tức khắc là «chữa lành các bệnh nhân của họ» (Mt 14,14b), và đã cho họ ăn để họ khỏi bụng đói về nhà (x. Mt 14,20).



2. Xét lại bản thân, xã hội và Giáo Hội

Nói tới đây, thiết tưởng chúng ta – những người lấy Đức Giêsu làm gương mẫu cho cuộc đời mình, đặc biệt những người lãnh đạo dân chúng – thử xét lại xem tình thương của ta thế nào đối với tha nhân, đối với vợ/chồng và con cái mình, đối với những người mình có bổn phận chăn dắt, bảo vệ, giáo dục… Trước những nhu cầu không được thỏa mãn, những đau khổ hay bệnh tật của họ, trước những bất công trong xã hội và Giáo Hội đang đè nặng trên họ, ta có cảm thấy xót xa, bức xúc, «chạnh lòng thương» như Đức Giêsu không?

Xã hội hiện nay −nhất là tại Việt Nam− đầy đau khổ, nghèo khó, bất công, chính vì quá thiếu những con người biết «chạnh lòng thương», biết xả thân, biết ra tay hành động! Vì rất nhiều vị lãnh đạo −ngoài đời cũng như trong đạo− chỉ biết an vị với cái «ghế» của mình để an hưởng lợi lộc, chứ không còn nhạy cảm hay bức xúc trước nỗi khổ đau của người khác! Vì động lực của rất nhiều người khi vào hội này đảng kia, khi phấn đấu để có được chức này chức nọ, hay khi đi tu, khi vào chủng viện, chỉ là ước muốn có một đời sống dễ dãi, có nhiều điều kiện để thăng tiến trong xã hội hay Giáo Hội, hầu sống nhàn nhã trên đầu trên cổ người khác, chứ không phải là tinh thần yêu thương, muốn phục vụ như Đức Giêsu.

Nếu «đầu vào» (input) là những người như thế thì «đầu ra» (output) làm sao có được những con người dấn thân thật sự cho tha nhân, dám sống chết cho xã hội hay Giáo Hội? Đây quả là một vấn đề xã hội và Giáo Hội: những người được tuyển chọn để được đào tạo trở nên những người lãnh đạo, những người được dành cho nhiều cơ may để tiến thân trong xã hội và Giáo Hội, đúng ra phải là những người có khả năng «chạnh lòng thương», biết bức xúc trước những nhu cầu, đau khổ của người khác, trước những bất công trong xã hội hay Giáo Hội. Không nên để «đầu vào» là những người ích kỷ, thản nhiên trước mọi đau khổ và bất công, cho dù về mặt luân lý họ được kể là người tốt, thậm chí «đạo đức» hiểu theo nghĩa thông thường!



3. Hãy biến thương cảm thành hành động

Đức Giêsu không chỉ «chạnh lòng thương», chảy nước mắt trước nhu cầu cần được thỏa mãn và đau khổ của người khác, để sau đó bó tay không làm gì cả, mặc cho họ ra sao thì ra. Ngài có thể viện cớ mình là một ông đạo, chỉ chuyên lo về mặt tâm linh của con người, để khỏi phải lo cho họ những nhu cầu khác. Nhưng Ngài đã không làm thế! Ngài đã lo cả những nhu cầu thể chất, vật chất cho họ: nào là chữa bệnh, cho họ ăn, nào là trừ quỉ ám, làm kẻ chết sống lại, thậm chí cứu cảnh hết rượu đột ngột trong tiệc cưới nữa… Chính vì thế, dân chúng mới cảm thấy Ngài yêu thương họ đích thực. Tình thương đích thực không tự giới hạn về mặt nào cả. Không một người nào thương một người khác đích thật mà lại nói với người ấy: «Tôi chỉ thương bạn về mặt tâm linh (hoặc vật chất…) mà thôi!», và đành chấp nhận không can thiệp gì cả khi người kia cần đến mình về mặt khác! Tình thương «kiểu công chức» ấy không phải là tình thương đích thực!

Người Kitô hữu cần phải biết bức xúc như Đức Giêsu trước nhu cầu và đau khổ của người khác. Không chỉ như thế, còn phải bắt chước Ngài trong việc biến nỗi bức xúc ấy thành hành động thực tế. Ngài muốn tập cho các môn đệ điều ấy khi gợi ý cho các ông: «Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn» (Mt 14,16).

Trước đau khổ hay nhu cầu của người khác, nhiều khi ta cũng cảm thấy «chạnh lòng thương», chảy nước mắt. Nhưng ta cũng cần tự hỏi xem tình cảm ấy có thật sự thúc đẩy ta đi đến hành động, thúc đẩy ta phải làm một cái gì cho họ không? hay ta đành chấp nhận «án binh bất động»? Có bao giờ ta chưa thử làm, thậm chí chưa thử nghĩ xem có cách nào để làm không, thì đã tự cho rằng mình không thể làm gì được? rằng mình bị giới hạn đủ kiểu đủ cách? – Đừng sợ mình không làm được, hãy sợ rằng mình không muốn làm, hay không đủ tình thương để làm! Vì quả thật, hễ muốn làm, hễ có tình thương thật sự, mình sẽ làm được rất nhiều việc!

Thử nghĩ xem: một phụ nữ yếu đuối sẽ làm gì khi thấy con ruột mình bị kẹt trong nhà đang bị cháy? Có phải vì nàng thấy mình không thể vào cứu được, nên đành để mặc con chết cháy trong đó mà không làm gì cả không? Nhiều phụ nữ đã bất chấp khả năng của mình, cứ xông đại vào căn nhà cháy, và cuối cùng đã cứu được con ra! Tình thương quá mạnh đã khiến nàng làm được điều mà bình thường nàng không thể làm. Hoặc nếu không trực tiếp xông vào nhà để cứu con, thì nàng sẽ tìm đủ cách để huy động cho bằng được người này người kia làm thay nàng. Hoặc nếu con nàng bị tai nạn, cần một món tiền lớn mới có thể khỏi chết hay khỏi thương tật suốt đời, mà hiện nay nàng không có tiền… Liệu có phải vì thế mà nàng đành không làm gì cả, để mặc con mình chết hay mang thương tật suốt đời không?



4. Hãy biến những bất mãn, những lời than phiền thành những hành động tốt và khôn ngoan

Rất nhiều lần chúng ta than phiền về xã hội, về Giáo Hội, về gia đình mình, về người này người kia: nào là xã hội bất công, Giáo Hội trì trệ, gia đình chia rẽ, người này xấu, người kia bất tài, v.v… Nhưng sau đó, chúng ta chẳng làm gì để cải thiện tình trạng đáng than phiền ấy cả. Như thế, những than phiền ấy chẳng ích lợi gì cả, thậm chí còn gây ra chia rẽ, hiểu lầm, gây bực bội, va chạm… Cách tốt hơn, thay vì than phiền, nói xấu, chỉ trích, tỏ ra bất mãn, ta hãy suy nghĩ xem mình có thể làm gì để cải thiện tình trạng xấu đó, rồi bắt đầu đem ra làm. Là người Kitô hữu, chúng ta cần có một thái độ tích cực trước sự ác, sự xấu, sự dữ, nghĩa là trước tội ác, đau khổ, bất công, bệnh tật, nghèo đói… nghĩa là «Thà đốt lên ngọn nến nhỏ, còn hơn ngồi không mà nguyền rủa bóng tối» (Ý của một bài hát Hướng Đạo).

Trước bất kỳ sự xấu ác nào xảy ra trước mắt, trong gia đình hay ngoài xã hội, trong xứ đạo hay trong Giáo Hội, hãy luôn luôn nghĩ rằng mình có trách nhiệm. Rất có thể, phần nào hay cách nào đó, mình là nguyên nhân – trực tiếp hay gián tiếp – của sự xấu ác ấy. Và mình luôn luôn được mời gọi góp phần làm cho sự xấu ác ấy giảm bớt hay mất hẳn bằng một hành động cụ thể nào đấy. Vô tình quá, nghĩ rằng mình vô can hay không có trách nhiệm gì, không khéo, thứ đạo đức của chúng ta vô tình và ít nhiều trùng hợp với thứ đạo đức của Philatô. Thấy Đức Giêsu bị hàm oan, bị ghen ghét và kết án bất công, thay vì ra tay cứu Ngài, thì ông lại «lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói : “Ta vô can trong vụ đổ máu người này”» (Mt 27,24).




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhiều khi con thắc mắc: tại sao Đức Giêsu lại làm được phép lạ hóa bánh ra nhiều như thế? Con nghĩ một phần là do quyền năng của Ngài, vì Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng một phần khác vì Ngài có tình thương đích thực và bao la đối với dân chúng. Tình thương có thể làm nên những phép lạ! Con còn nghèo tình thương lắm, xin Cha ban thêm tình thương cho con!



Saturday, July 22, 2017

TN17b - «Kho báu» và «ngọc quý» trong dụ ngôn về «Nước Trời» là gì?


CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 17 Thường Niên

(30-7-2017)


Bài đào sâu

 «Kho báu» và «ngọc quý» là gì
trong dụ ngôn về «Nước Trời»?





  TIN MỪNG: Mt 13,44-52

Dụ ngôn kho báu và ngọc quý

 Dụ ngôn chiếc lưới



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Có bao giờ bạn ý thức được bản chất của mình chính là một kho tàng vô cùng quí giá mà Thiên Chúa ban cho, vì ta chính là «hình ảnh của Thiên Chúa», là «con cái Thiên Chúa», «được thông phần bản tính Thiên Chúa»  không?
2. Nếu bản chất ta vốn không phải là thánh, thì ta có thể trở nên thánh được không? Cũng như con nai có thể luyện tập để trở thành sư tử không?
3. Muốn nên thánh, chúng ta cần thực hiện những điều quan trọng nào?


Suy tư gợi ý:

1. Mỗi người có một kho tàng quí giá ngay trong bản chất mình

Mỗi người, người nào cũng đều có một kho tàng hết sức quí báu ở ngay bản thân mình mà hầu như chẳng mấy ai biết hay nhận ra. Rất nhiều người đã nghe nói về kho tàng ấy, nhưng họ chẳng để ý, hay chẳng quan tâm, hoặc chẳng tin. Chính vì thế kho tàng trở thành bị dấu kín, không được dùng tới, nên chẳng đem lại lợi ích gì cho người có nó. Người ấy vẫn thiếu thốn thậm chí suốt cả cuộc đời, và luôn luôn phải ăn mày hay ngửa tay xin xỏ người khác bố thí.

Kho tàng ấy chính là «cái mà con người là» , nó thuộc về bản chất, ở trong con người, chứ không phải là thứ ở ngoài con người hay «cái mà con người có». Kho tàng ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con người là «hình ảnh của Thiên Chúa», được dựng nên «giống Thiên Chúa» (St 1,26.27; 9,6), là «con cái Thiên Chúa» (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), «được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1,4). 

Nếu biết suy xét, ta thấy đó đúng là một kho tàng quí báu. Ý thức và xác tín những điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá của chúng ta hết sức cao quí. Phẩm giá ấy cao quí hơn tất cả những gì mà ta có thể có được ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng cần thiết, con người có thể có tất cả, nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.



2. Cần khám phá ra kho tàng ấy

Chúng ta là con cái Thiên Chúa, được tạo dựng nên giống như Ngài. Thế nhưng hiện nay, chúng ta vẫn sống như thể mình không phải là như vậy, thậm chí không hề ý thức hay biết mình là như vậy. Chúng ta sống y hệt con sử nai trong dụ ngôn của Ấn Độ sau đây, cứ tưởng mình là nai, chứ không biết bản chất của mình là sư tử:

«Một con sư tử có thai sắp tới ngày sinh con. Hôm đó nó phải nhảy qua một con suối rộng. Vì quá ráng sức, nên khi nhảy qua được dòng suối, nó liền sinh ra một con sư tử con rồi chết. Sư tử con được một bầy nai đem về nuôi. Sư tử con lớn lên giữa bầy nai và sinh hoạt y như những con nai khác: cũng ăn cỏ, cũng kêu be be. Sư tử con càng ngày càng lớn, nhưng không hề biết bản chất đích thực của mình. 

«Một hôm, một con sư tử khác trông thấy con sư tử nai cũng to như mình, nhưng lại hiền lành ăn cỏ giữa bầy nai, nó bèn chạy tới xem sao. Sư tử nai thấy sư tử thực tới thì cũng sợ hãi chạy bán sống bán chết như những con nai khác. Con sư tử thực bèn bắt cho bằng được con sư tử nai, và chỉ cho nó thấy rằng nó là sư tử chứ không phải nai. Con sư tử nai mới đầu hết sức ngạc nhiên, không thể tin được. Nhưng khi con sư tử thật cho nó nhìn thấy bóng mình dưới mặt hồ trong, tập cho nó ăn thịt uống máu những con thú khác, và tập cho nó gầm lên, bấy giờ nó mới hoàn toàn thấy nó là sư tử. 

«Từ lúc biết chắc chắn mình là sư tử, con sư tử nai bỗng nhiên cảm thấy như sức mạnh, sự oai vệ hùng hổ của một con sư tử đến với mình. Thế là từ đó, nó là sư tử, nó không còn sống cái kiếp nai như trước nữa».

Qua câu chuyện trên, ta thấy: Một con nai thuần túy sẽ mãi mãi là nai, không bao giờ trở thành sư tử được. Con sư tử nai có thể trở thành sư tử thật, vì bản chất của nó vốn là sư tử. Nhưng nếu con sư tử nai cứ tưởng mình là nai, không hề biết bản chất thật của mình là sư tử, nó sẽ mãi mãi là sư tử nai, không thể trở thành sư tử thật được. Nó chỉ trở thành sư tử thật sau khi biết mình là sư tử, đồng thời biết tập luyện để hành xử đúng như một con sư tử thật.

Tương tự, chúng ta không phải là một phàm nhân thuần túy. Một phàm nhân thuần túy không bao giờ trở nên thánh hay nên con cái Thiên Chúa được. Tuy nhiên, chúng ta được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài, theo hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính của Ngài, nghĩa là tự bản chất chúng ta đã là thần, là thánh. Nhưng chúng ta mới chỉ là thánh hay thần linh trong tiềm năng, nghĩa là có thể trở nên thánh, chứ chưa phải là thánh trong hiện thực. Nói cách khác, chúng ta chưa sống cho ra thần ra thánh, đúng với bản chất của mình.

Điều tiên quyết để có thể nên thánh, sống như thánh, đó là chúng ta ý thức được bản chất của mình là thánh, là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa. Điều thứ hai còn quan trọng hơn nữa là tập sống phù hợp với bản chất thánh ấy.

Nói cách khác, chúng ta cũng giống như một viên bảo ngọc quí giá nhưng chưa được mài dũa, nghĩa là thứ «ngọc còn trong đá», nên vẫn tưởng mình là cục đá tầm thường. Nếu chỉ là cục đá tầm thường, chẳng ai có thể mài dũa nó thành ngọc quí giá được. Bản chất chúng ta vốn là ngọc, nhưng nếu ngọc chẳng được mài dũa, thì đúng là: «Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài, cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi» (Ca dao). Vậy khi biết mình bản chất là ngọc, ta phải biết tự mài dũa để trở nên ngọc vô giá.

Khám phá hay ý thức bản chất mình là thánh, đó chính là giai đoạn «tìm được kho báu». Bên Phật giáo có từ ngữ rất thích hợp để gọi giai đoạn này là «đốn ngộ» (nhanh chóng giác ngộ được bản chất đích thực của mình). Vấn đề còn lại là «vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy». Nghĩa là dám sống hết mình đúng theo bản chất đích thực của mình. Phật giáo gọi giai đoạn này là «tiệm tu» (từ từ tu tập để sống «xứng tánh», nghĩa là sống xứng với bản chất đích thực của mình).



3. Hãy sử dụng kho tàng ấy để làm cuộc đời mình tươi đẹp

Theo bài Tin Mừng, Nước Trời giống như người tìm được kho báu trong ruộng, bèn «vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy». Nay chúng ta biết chính bản thân mình là ruộng ấy, nó chứa một kho tàng hết sức quí báu là «bản tính Thiên Chúa». Bản tính ấy hay kho báu ấy vẫn còn chôn sâu trong lòng chúng ta, chúng ta cần đem hết sức lực để thể hiện nó ra trong đời sống của mình. 

Nếu người lái buôn kia phải «bán tất cả những gì mình có» mới mua được ruộng ấy, thì công việc thể hiện bản chất thánh của chúng ta cũng đòi hỏi chúng ta phải đem hết sức bình sinh của mình ra mới thực hiện được. Nghĩa là chúng ta phải dành tất cả mọi sự ta có để thực hiện công việc trọng đại này, không được tiếc hay để lại bất kỳ sự gì mà không dùng vào việc ấy.

Lý tưởng của mọi Kitô hữu là nên thánh, nên giống Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã khuyến khích ta: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Muốn thực hiện được lý tưởng đó, điều tiên quyết là ta phải ý thức bản chất của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, được tạo dựng giống như Thiên Chúa, và đã mang trong mình bản chất của Ngài. Chính vì thế, chúng ta mới có khả năng trở nên hoàn thiện giống như Ngài. 

Ý thức này chính là hạt giống, là «nhân» giúp ta đạt được «quả» là sự hoàn hảo hay thánh thiện. Không ý thức như thế, mọi cố gắng của ta trở nên khó thành tựu, giống như muốn làm một viên ngọc mà lại dùng dùng gạch để mài. Hay muốn nấu cơm mà không dùng gạo, dù có vo gạo, đốt củi, làm đủ thứ cũng không thành cơm. 

Ý thức bản chất mình là thánh, là con cái Thiên Chúa là điều tối cần thiết để nên thánh, nhưng chỉ thế mà thôi, thì không đủ. Điều quan trọng kế tiếp là phải dốc toàn tâm lực để sống cho đúng bản chất thánh của chúng ta. Điều này nằm trong khả năng của chúng ta, cũng như con sư tử nai chỉ cần thực tập một thời gian là có thể trở thành sư tử thật. Đức Giêsu chính gương mẫu nên thánh của chúng ta, Ngài là vị thánh đã thành, còn chúng ta là những vị thánh đang thành. Ngài đang mời gọi chúng ta nên thánh đấy! [xem chú thích *1]



CẦU NGUYỆN

Tôi nghe tiếng Chúa nói với tôi: «Cha mời gọi con nên hoàn thiện như Cha. Nếu Cha không tạo dựng nên con giống như Cha, theo hình ảnh của Cha, con sẽ không bao giờ nên hoàn thiện như Cha được, và lời mời gọi của Cha là cả một phi lý lớn lao, không thể thực hiện được. Nhưng Cha đã tạo dựng con giống như Cha. Tuy con chưa hoàn thiện, nhưng cái mầm hoàn thiện Cha đã đặt sẵn ở trong lòng con như một kho tàng ẩn dấu. Con phải khám phá, khai quật nó lên, và sử dụng nó vào công việc trọng đại nhất đời con: nên hoàn hảo như Cha. Hãy cố gắng lên, Cha luôn luôn ban sức mạnh cho con. Việc nên thánh của con, Cha đã làm tới 99%, con chỉ cần làm có 1%. Nhưng không có 1% của con là không được. Vì trong mọi công việc của con, Cha luôn luôn tôn trọng tự do và sự góp phần của con».


Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để trở về bài trước

______________

Chú thích:

[*1] Nếu bạn thắc mắc hay không đồng ý về câu này: «Đức Giêsu... là vị thánh đã thành, còn chúng ta là những vị thánh đang thành», xin mời đọc thêm http://chiasethanhuu.blogspot.com/2017/01/co-gi-sai.html.


TN17a - Điều chính yếu nhất để nên thánh là «từ bỏ chính mình»




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 17 Thường Niên

(30-7-2017)


Điều chính yếu nhất để nên thánh
là «
từ bỏ chính mình» để yêu thương



ĐỌC LỜI CHÚA

  1 V 3,5.7-12: (11) Thiên Chúa phán với Salomon: «vì ngươi chỉ xin sự khôn ngoan, chứ không xin sống lâu, xin của cải, (12) nên Ta làm theo ý ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi chẳng ai sánh bằng, và sau ngươi chẳng ai bì kịp».

  Rm 8,28-30: (8) Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người.

  TIN MỪNG: Mt 13,44-52

Dụ ngôn kho báu và ngọc quý

(44) «Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. (45) Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. (46) Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.


 Dụ ngôn chiếc lưới

(47) «Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. (48) Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. (49) Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, (50) rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

 (51) «Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?» Họ đáp: «Thưa hiểu». (52) Người bảo họ: «Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ».


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Trong dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý, tại sao Đức Giêsu cho rằng phải «bán tất cả những gì mình có» (Mt 13,44) – nghĩa là không chừa lại gì cả – thì mới mua được kho báu và viên ngọc quý ấy? Điều ấy có ý nghĩa gì trong đời sống Kitô hữu?
2.   Trong thực tế đời thường, những người theo Chúa đích thực có luôn luôn phải sống nghèo nàn, thiếu thốn vì đã từ bỏ tất cả không? Đòi hỏi trong dụ ngôn là phải «bán tất cả những gì mình có» cần được hiểu theo nghĩa nào?
3.   Điều chính yếu nhất, căn bản nhất của việc theo Chúa, của việc tìm sự sống đời đời là gì? Bạn đã xác định chính xác điều chính yếu ấy chưa?


Suy tư gợi ý:

1. «Vui mừng đi bán tất cả những gì mình có» trước tiên phải là một thái độ nội tâm

Trong dụ ngôn này, để mua được kho báu hay viên ngọc quý, người mua phải «vui mừng đi bán tất cả những gì mình có» (Mt 13,44) thì mới mua được kho báu hay viên ngọc ấy. Với dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói: để đạt được sự sống đời đời, con người phải sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì mình có thì mới xứng đáng với sự sống ấy. Đối với Thiên Chúa, thái độ nội tâm quan trọng hơn việc làm bên ngoài. Người Việt vẫn nói: «Thèm lòng chứ không thèm thịt». Đức Giêsu cũng nói: «Ta muốn tình yêu chứ không cần lễ vật» (Mt 9,13; 12,7). Đương nhiên ai có thái độ nội tâm thật sự, thì thái độ ấy tất nhiên phải thể hiện thành hành động khi cần, hoặc khi có điều kiện thể hiện. Vậy điều chính yếu nhất để đạt được sự sống đời đời là thái độ sẵn sàng từ bỏ mọi sự, không chừa lại cho mình một thứ gì.

Thiên Chúa luôn đòi hỏi những ai theo Ngài một thái độ như vậy trong nội tâm. Một khi ta đã thật sự có thái độ ấy – thường được biểu lộ tự nhiên bằng những hành động cụ thể – thì Ngài không nhất thiết buộc ta phải tiếp tục từ bỏ thật sự bằng hành động. Ngài đã biết rõ lòng ta rồi! Trái lại, trong rất nhiều trường hợp, Ngài còn ban cho ta nhiều điều vượt khỏi tầm mơ ước của ta. Chính Đức Giêsu nói: «Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau» (Mc 10,29-30). Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ngài vẫn luôn đòi hỏi ta phải có thái độ nội tâm là sẵn sàng từ bỏ mọi sự.



2. Điều chính yếu nhất là từ bỏ «cái tôi» của mình

Điều quan trọng nhất mà ta phải ưu tiên từ bỏ, không phải là những gì thuộc vật chất hay quyền lực – cho dù ta vẫn phải sẵn sàng từ bỏ bất kỳ lúc nào – cho bằng từ bỏ chính «cái tôi» của ta. Nếu ta chưa từ bỏ chính «cái tôi» của ta, thì tất cả những gì ta đã từ bỏ, vẫn bị kể như chưa từ bỏ gì cả. Có từ bỏ chính «cái tôi» của ta, thì tất cả những từ bỏ khác của ta mới có giá trị. Vì thế, với những kẻ muốn theo Đức Giêsu, muốn làm môn đệ Ngài, Ngài đưa ra những điều kiện thật rõ ràng: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24; Lc 9,23). Một người không từ bỏ chính mình, dù có chính thức mang danh theo Ngài, thì cũng chỉ là theo Ngài kiểu «hữu danh vô thực» mà thôi. Và việc từ bỏ chính mình phải được thể hiện bằng việc sẵn sàng chấp nhận «vác thập giá mình», nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những thiệt hại, mất mát, đau khổ xảy đến với mình vì sự từ bỏ ấy.



3. Muốn biết ta đã từ bỏ chính mình chưa, thì hãy tự xét xem

Muốn biết ta đã từ bỏ chính mình, tức từ bỏ «cái tôi» của mình chưa, ta chỉ cần xét xem ta phản ứng thế nào trong một vài trường hợp điển hình sau đây:

– Khi có ai nói động chạm đến «cái tôi», đến lòng tự ái của ta, đến quyền lợi, quyền bính, danh dự của ta?

– Khi ta muốn một ai đó gọi ta bằng ông, bằng bố, bằng bác, mà họ lại gọi ta bằng chú, bằng anh, thậm chí bằng em? Ta muốn họ xưng là con, là cháu, mà họ lại xưng là tôi?

– Khi ta đưa ý kiến của ta ra, mà có ai đưa ý kiến ngược lại?

– Khi có ai muốn sửa một lỗi nào đó của ta làm thiệt hại đến việc chung, hay làm mọi người khó chịu?

Nếu phản ứng của ta là nổi giận lên ngay, tỏ vẻ khó chịu tức khắc, muốn ăn thua đủ, muốn “đì” người xúc phạm đến ta, hoặc tìm cách chống chế, chối phăng lầm lỗi mình, chẳng cần xét xem ta có thật sự lỗi lầm hay không… Phản ứng như vậy chứng tỏ ta còn đặt nặng «cái tôi» của mình quá mức, chưa từ bỏ mình chút nào cả, hoặc chưa từ bỏ được bao nhiêu. Con đường tâm linh của ta như thế mới chỉ chập chững những bước đầu tiên thôi; đích thánh thiện mà ta nhắm tới còn xa lắm, phải nói là “xa tít mù khơi”!



4. Nền tảng của việc theo Chúa, của sự thánh thiện

Trong đời sống Kitô hữu, rất nhiều khi ta không nhận chân ra được đâu là điều chính yếu, là điều cốt tủy, mặc dù lời Chúa nói lúc nào cũng cứ rõ rành rành! Vì không nhận ra điều chính yếu nên ta cứ lo thực hiện những điều tùy phụ vốn chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa khi mà điều chính yếu Ngài yêu cầu ta thì ta chẳng quan tâm thực hiện. 

Điều kiện duy nhất mà Ngài buộc ta phải có để theo Ngài là «từ bỏ chính mình» và «vác thập giá mình», nhưng thử hỏi những người tự cho rằng mình đang theo Chúa đã thật sự coi điều này là chính yếu chưa, chứ chưa nói tới việc đã thực hiện được điều đó hay chưa! Khi ta chưa thật sự «từ bỏ chính mình», thì mọi việc đạo đức của ta dù lớn lao đến đâu cũng chẳng có giá trị bao nhiêu. Vì lúc ấy ta làm mọi sự vì ta, chứ không phải vì Chúa hay vì tha nhân, mặc dù xem ra là như vậy. 

Rất có thể ta làm những việc có vẻ vị tha, tốt lành chỉ là để được khen ngợi, được nể phục, được thăng tiến bản thân, hoặc để Chúa trả công bội hậu sau này, v.v… chứ không phải vì yêu thương. Nếu ta chưa thật sự từ bỏ mình, thì hầu như mọi thứ tình yêu của ta chỉ là tình yêu vị kỷ: ta chỉ yêu bản thân mình mà thôi, nhưng lại yêu mình qua tha nhân chứ không phải yêu chính tha nhân… Ta cho ra tình yêu là để nó lại trở về với chính mình.

Tình yêu đích thực được định nghĩa bằng sự ra khỏi chính mình để đến với Chúa hay tha nhân. Nếu ta chưa từ bỏ mình, thì mọi sự ra khỏi chính mình chỉ là giả tạo bề ngoài chứ không có thực chất. «Từ bỏ mình» chính là điều kiện nền tảng của tình yêu chân thực. Không «từ bỏ mình» thì không bao giờ có tình yêu chân thực. Và chỉ có tình yêu chân thực mới làm cho các hành động của ta, dù nhỏ mọn nhất, trở nên có giá trị lớn lao. 

Không có tình yêu, thì việc làm của ta, dù vĩ đại đến đâu, cũng là vô giá trị trước Thiên Chúa (x. 1Cr 13,3). Từ bỏ mình chính là nền tảng của tình yêu, và tình yêu chính là gốc rễ của sự thánh thiện. Sự thánh thiện không có một nền tảng nào khác ngoài tình yêu. Vì thánh thiện là giống như Thiên Chúa, mà «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8.16).

Điều chính yếu mà Thiên Chúa muốn ta làm, ta lại không làm, mà cứ mải mê làm những điều tùy phụ, thì ta sẽ phải rất ngạc nhiên khi đến trước tòa Chúa. Ngài đã cảnh báo trước: «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?” Bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,22-23). 

Chúng ta thử nghĩ xem: làm sao những người coi «cái tôi» của mình quá quan trọng có thể sống hòa thuận được với nhau trên thiên đàng? Cho dù họ có giữ được đủ mọi lề luật, làm đủ mọi việc lành phúc đức ở trần gian này?

Để trồng lúa, điều quan trọng nhất không có không được, là ta phải có hạt lúa. Có hạt lúa rồi mới nói đến chuyện bón phân, tưới nước, làm cỏ… Nếu ta chỉ chăm lo chuyện bón phân, tưới nước, làm cỏ mà không hề nghĩ đến chuyện mua hạt giống, thì mọi sự ta làm dù chăm chỉ và tốn công tới đâu cũng vô ích. Vì thế, chúng ta cần phải đặt lại vấn đề cho đúng, kẻo việc giữ đạo của ta trở thành «xôi hỏng, bỏng không», chẳng được gì cả! 

Thiết tưởng điều căn bản nhất của việc giữ đạo, của việc theo Chúa, chính là «từ bỏ chính mình». Kẻ từ bỏ chính mình để sống yêu thương thật sự, thì dù không mang danh theo Chúa cũng là những người theo Chúa đích thực. Còn kẻ vẫn coi «cái tôi» của mình là quan trọng nhất, thì dù có mang danh theo Chúa cách chính thức đến đâu, cũng chỉ là theo Chúa cách giả tạo mà thôi!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, dụ ngôn chiếc lưới của Đức Giêsu cho biết, ngày tận thế, những người gọi là theo Chúa sẽ bị tách ra làm hai: kẻ theo đích thực và kẻ chỉ theo Chúa cách giả danh. Tiêu chuẩn mấu chốt để phân biệt chính là sự «từ bỏ chính mình» mà Đức Giêsu đã đòi hỏi những ai theo Ngài phải có, như điều kiện tiên quyết và chính yếu. Xin Cha giúp con nhận ra việc từ bỏ mình là chính yếu và quan trọng đến thế nào. Và hãy giúp con biết ưu tiên thực hiện điều ấy trước tất cả những điều tốt lành khác.


Monday, July 17, 2017

TN16b - Khía cạnh tích cực của sự ác và đau khổ



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 16 Thường Niên

(23-7-2017)


Bài đào sâu

Khía cạnh tích cực của sự ác và đau khổ



  TIN MỪNG: Mt 13,24-30.36-43

Dụ ngôn cỏ lùng


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn nhận thấy sự ác có mặt ở những nơi nào? trong bản thân bạn? trong xã hội? trong Giáo Hội? Có nơi nào hoàn toàn vắng bóng sự ác không?
2. Sự xấu ác và hậu quả của nó là đau khổ có vai trò tích cực nào trong đời sống của ta, hay trong xã hội con người không?

Suy tư gợi ý:

1. Trên thế gian, thiện và ác đấu tranh với nhau

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến một thực tại hết sức khó hiểu nhưng cũng hết sức phổ biến trên thế gian. Đó là sự hiện hữu của sự ác. Theo quan niệm Công giáo, trước khi con người xuất hiện, sự xấu ác đã có mặt trong vũ trụ. Thành quả đầu tiên của sự ác trên con người là làm cho ông bà nguyên tổ của con người phạm tội, và vì thế làm cho cả loài người mất đi phần nào hạnh phúc, phải đau khổ ít nhiều từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Từ đó, thế gian luôn luôn có tình trạng tốt và xấu, thiện và ác trộn lẫn nhau, xen vào nhau, trong tất cả mọi thực tại của thế gian: trong mọi người, mọi vật, mọi sự, và trong cả từng người, từng vật, từng sự. Không một sự nào, vật nào hay người nào tốt hoàn toàn hay xấu hoàn toàn, mà xấu tốt luôn luôn lẫn lộn: hay mặt này thì dở mặt kia, được cái này thì mất cái nọ. «Nhân vô thập toàn», chẳng ai được «mười phân vẹn mười» cả.

Trong một con người đã có những mặt xấu mặt tốt lẫn lộn, nên trong xã hội cũng như Giáo Hội hay trong bất kỳ tập thể con người nào, luôn luôn có kẻ tốt người xấu. Gọi là người tốt không có nghĩa người ấy tốt hoàn toàn, mà là tốt nhiều hơn xấu. Cũng vậy, gọi là kẻ xấu không có nghĩa kẻ ấy xấu hoàn toàn, mà là xấu nhiều hơn tốt.

Hai nguyên lý thiện và ác, tốt và xấu đấu tranh với nhau trong nội tâm của từng con người, và trong mỗi xã hội hay mỗi tập thể của con người. Sự ác còn gây nên đau khổ. Có thể nói sự xấu, sự ác chính là nguyên nhân của mọi đau khổ trên trần gian. Bất kỳ hành động xấu nào cũng gây nên đau khổ trước hết cho đối tượng bị nhắm tới, và cuối cùng cho chính người làm sự ác ấy. Vì có sự hiện diện của sự ác, nên thế gian không bao giờ vắng bóng đau khổ.



2. Ý nghĩa tích cực của sự ác và đau khổ

Thông thường, người ta cho sự ác và hậu quả của nó – tức đau khổ – là những thứ hoàn toàn bất lợi cho con người. Nghĩ như thế có thể chưa đạt lý và làm cho ta không thể rút ra được điều gì ích lợi từ sự ác hay đau khổ.

Thiên Chúa cho phép sự ác xuất hiện để thử thách và thanh luyện con người. Thật vậy, ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã dựng nên trong vườn địa đàng một cây «biết lành biết dữ» (St 2,17), còn gọi là cây «thiện ác», đồng thời cho phép con rắn – tức ma quỉ, hiện thân của sự ác – xuất hiện để cám dỗ con người hầu thử thách lòng trung thành và vâng phục của họ đối với Ngài. Và con người đã sa ngã (St 3,1-7). 

Sự thử thách ấy chắc chắn nằm trong ý định của Ngài, vì sự xuất hiện của con rắn sẽ không bao giờ có được nếu không được Ngài cho phép. Trong Thánh Kinh, trường hợp của ông Gióp cho thấy Thiên Chúa đồng ý cho ma quỉ thử thách, cám dỗ ông (x. G 1,12; 2,6). Sự cho phép ấy chắc chắn xuất phát từ tình thương quan phòng của Thiên Chúa, nên chắc chắn cuối cùng nó sẽ đem lại lợi ích cho con người. Điều quan trọng là chúng ta phải khám phá ra những ích lợi của sự ác hay đau khổ.


a) Sự ác và đau khổ giúp ta nhận ra sự cần thiết và ích lợi của sự thiện: 

Khi làm điều ác để thỏa mãn một thú vui nào đó, ta gây ra đau khổ cho người khác, người khác thù hận ta, trả thù ta, nên cuối cùng hậu quả của sự ác là đau khổ lại trở về với ta. Nhiều lần rút kinh nghiệm, ta dần dần nhận ra làm điều ác chẳng ích lợi gì cho ta và tha nhân, mà chỉ gây đau khổ cho chính mình. Trái lại, khi làm điều thiện, làm cho tha nhân được hạnh phúc, thì kết quả của sự thiện ấy cuối cùng rồi cũng trở về với ta, làm ta nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Càng ngày những kinh nghiệm về hậu quả của thiện và ác càng khiến ta cảm thấy cần phải xa tránh điều ác và gắn bó với điều thiện hơn.


b) Đau khổ làm ta nên hoàn hảo hơn: 

Đau khổ thường được gây ra do một sự thiếu hoàn hảo nào đó. Nếu không có đau khổ, ta dễ chấp nhận tình trạng thiếu hoàn hảo đó. Nhưng vì đau khổ làm ta không chịu được, ta bắt buộc phải ra khỏi tình trạng thiếu hoàn hảo để trở nên hoàn hảo hơn. Một minh họa cụ thể và dễ hiểu: khi ta còn nhỏ, những lần đầu tiên sử dụng dao, sự vụng về (hay thiếu hoàn hảo) làm ta bị đứt tay. Bị đứt tay đau điếng một vài lần, ta rút được kinh nghiệm để sử dụng dao khéo léo (hay hoàn hảo) hơn.


c) Sự sa ngã hay đau khổ làm ta khiêm nhượng và thông cảm với tha nhân hơn: 

Nhờ sa ngã một vài lần mà ta thông cảm nhiều hơn với những người tội lỗi hay với những sa ngã của tha nhân. Nhờ ngu một vài lần mà ta thông cảm được với những hành động ngu xuẩn của người khác. Như vậy nhờ đã từng sa ngã và ngu xuẩn mà ta trở nên khiêm nhượng và thông cảm với tha nhân hơn. Tương tự, nhờ đau khổ vì một số tình huống cụ thể (đau dạ dày, đau tim, bị giải phẫu, bị phản bội, con cái hư…) mà ta thông cảm nhiều hơn với những người cùng lâm vào tình huống như ta. Cổ nhân nói: «đồng bệnh tương lân». Nếu không lâm vào những cảnh ấy, ta không thể hiểu được những nỗi đau ấy lớn thế nào. Nhờ sự thông cảm ấy mà tình yêu của ta đối với họ tăng lên. Tình yêu và đức khiêm nhượng tăng có nghĩa là đạo đức thánh thiện tăng.


d) Tội lỗi của người khác làm ta đau khổ nhưng cũng thánh hóa ta: 

Thiên Chúa luôn luôn dùng đau khổ để thánh hóa những người Ngài yêu thương và tuyển chọn. Để tạo đau khổ cho những người Ngài muốn thánh hóa, Ngài thường dùng tay người khác, có thể là người ác mà cũng có thể là người hiền. Kẻ ác gây đau khổ cho ta vì ác tâm hay vì  ích kỷ. Người tốt gây đau khổ cho ta vì hiểu lầm hay vì vô tình. «Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt» (Dt 12,6). Do đó, người hiểu biết nên cám ơn những người gây ra đau khổ cho ta.


e) Điều dữ có thể trở thành điều tốt, và ngược lại: 

Về điều này, ngụ ngôn Trung Hoa có câu chuyện: Một ông già ở gần biên giới có con ngựa rất quí một hôm biến đi đâu mất. Tuần lễ sau, con ngựa ấy trở về đem theo một con ngựa khác cũng đẹp và quí như nó.  Từ khi có hai con ngựa, con trai ông ngày nào cũng cùng với chúng bạn đua ngựa với nhau, nên một hôm bị té ngựa gẫy chân.  Năm sau, giặc tấn công vào các làng mạc ở biên giới, các trai tráng trong làng đều phải nhập ngũ ra trận, cứ 10 người thì chết 9.  Riêng con ông lão vì bị què chân nên không phải nhập ngũ nên vẫn còn sống. Câu chuyện cho thấy điều dữ có thể là khởi đầu cho một điều xấu, và ngược lại. Nếu người ta có thể biến một điều xấu thành một điều tốt, thì Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu có thể biến điều xấu nhất trở thành điều tốt nhất. Thánh Phaolô đã khẳng định: «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người» (Rm 8,28). Bài hát «Mừng vui lên» (Exultet) đêm Phục Sinh gọi tội nguyên tổ (một điều xấu) là «tội hồng phúc», vì nhờ có tội đó mà Thiên Chúa ban Đức Giêsu cho nhân loại (điều tốt).


f) Chấp nhận đau khổ để được hạnh phúc: 

Thiên Chúa đã dùng chính đau khổ (là hậu quả của sự ác) để tiêu diệt sự ác và đem lại hạnh phúc đích thật cho con người: «dĩ độc trị độc». Và những đau khổ ta chấp nhận trong hiện tại sẽ đem lại hạnh phúc cho chúng ta trong tương lai. Một em học sinh nhờ chịu khó học hành mà có được đời sống tươi đẹp mai hậu. Cũng vậy, «những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta» (Rm 8,18). «Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc!» (1Pr 3,14).


g) Chấp nhận đau khổ là một bằng chứng của tình yêu thương: 

Trong đời sống thực tế, đau khổ của ta có thể biến thành hạnh phúc cho người khác. Sự cực khổ của cha mẹ đem lại hạnh phúc cho con cái. Nên chấp nhận đau khổ cho người khác là dấu chứng biểu lộ tình yêu của mình đối với họ. Thiên Chúa đã dùng đau khổ của Đức Giêsu để bày tỏ tình yêu vô biên của Ngài đối với nhân loại.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy chúng ta phải chấp nhận chịu đựng sự lẫn lộn giữa tốt xấu, thiện ác ở trần gian này, ngay trong bản thân ta cũng như trong xã hội và Giáo Hội. Sự xấu hay điều ác cũng có vai trò tích cực của nó. Chúng ta cần phải nhận ra sự tích cực đó để chịu đựng điều xấu ác một cách thanh thản, với tâm hồn bình an. Sự chịu đựng tự nguyện ấy sẽ làm tâm hồn ta thêm cao thượng và vững mạnh. Bài Tin Mừng cũng cho thấy viễn cảnh cuối cùng là sự xấu ác sẽ không còn nữa. Do đó sự chịu đựng điều xấu ác hay đau khổ hiện nay chỉ là tạm thời mà thôi!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết nhận ra khía cạnh tích cực hay lợi ích của sự ác cũng như của đau khổ trong đời sống của con, để con chấp nhận một cách vui tươi và ích lợi hơn. Xin cho con biết tự nguyện chấp nhận đau khổ như một phương cách biểu lộ tình yêu đối với những người chung quanh con, vì nhờ con chấp nhận đau khổ, mà người chung quanh con hạnh phúc hơn. Amen.   


Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây . 

TN16a - Thiên Chúa để kẻ thiện và kẻ ác sống chung cho đến ngày chung cuộc



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 16 Thường Niên

(23-7-2017)


Thiên Chúa để kẻ thiện và kẻ ác sống chung cho đến ngày chung cuộc



ĐỌC LỜI CHÚA

  Kn 12,13.16-19: (17) Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh; còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội. (18) Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.

  Rm 8,26-27: (26) Chúng ta là những kẻ yếu hèn, không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.


  TIN MỪNG: Mt 13,24-30.36-43


Dụ ngôn cỏ lùng

(24) Khi ấy, Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: «Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. (25) Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. (26) Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. (27) Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: «Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?» (28) Ông đáp: «Kẻ thù đã làm đó!» Đầy tớ nói: «Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?» (29) Ông đáp: «Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. (30) Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi».


Giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng

(36) Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: «Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe». (37) Người đáp: «Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. (38) Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. (39) Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. (40) Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (41) Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, (42) rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (43) Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Tại trần gian, người tốt kẻ xấu, người thiện kẻ ác phải chung sống với nhau. Điều đó có nằm trong kế hoạch hay ý muốn của Thiên Chúa không? Chúng ta có dễ dàng phân biệt kẻ tốt người xấu không? 
2.   Kẻ xấu người tốt tương đối dễ phân biệt. Nhưng người tốt thật và người tốt giả thì sao? Có dễ phân biệt không? Có nên xét đoán ai tốt thật ai tốt giả không? Tại sao? 
3.   Tình trạng chung sống giữa kẻ tốt người xấu có kéo dài mãi không? Người tốt giả có lừa dối mọi người mãi được chăng? Kết cục sẽ ra sao?

Suy tư gợi ý:

1. Trần gian, nơi người thiện người ác cùng chung sống

Trên đời, ta thấy người thiện và người ác đều sống chung với nhau trong cùng một xã hội. Môi trường nào cũng có đủ hai hạng người ấy. Trong triều đình luôn luôn có trung thần và nịnh thần. Cai trị xã hội bao giờ cũng có những thanh quan, sống liêm khiết, yêu thương dân, lo cho dân, lẫn những cẩu quan, luôn tham ô, coi dân như đối tượng đàn áp, ức hiếp, bóc lột. Trong một tôn giáo, luôn luôn có những mục tử nhân lành, sẵn sàng sống chết cho đàn chiên, và cũng không bao giờ thiếu các mục tử giả, coi tín đồ mình như một bầy chiên có nhiệm vụ cung cấp «thịt và sữa» (x. Ed 34,2) cho mình, khi nguy hiểm thì sẵn sàng phó mặc đàn chiên cho sói dữ (x. Ga 10,12). 

Hai hạng người tốt và xấu ấy luôn luôn sống cạnh nhau, lẫn lộn nhau, ảnh hưởng nhau, làm lợi mà cũng làm hại lẫn nhau. Người tốt thường phải đau khổ vì bị người xấu hãm hại, ức hiếp để họ được giàu có, uy quyền… Nhưng không thiếu những trường hợp người tốt cảm hóa được kẻ xấu, biến kẻ xấu thành người tốt.

Do ảnh hưởng lẫn nhau, người xấu có thể trở thành người tốt, và ngược lại. Chính vì thế, nếu người tốt biết tích cực hoạt động cho điều thiện, biết làm gương sáng, họ có thể trở thành «men tốt» (Mt 13,33), biến những người xấu chung quanh mình thành người tốt. Gương sáng của họ giống như những «hạt cải» mà Đức Giêsu nói đến (Mt 13,31-32), tuy nhỏ bé, nhưng sẽ lớn lên, ảnh hưởng đến toàn xã hội và thế giới. Trường hợp của Mẹ Têrêxa Calcutta là một điển hình. Giáo Hội mà có được thật nhiều «hạt cải» hay «men tốt» như vậy thì thế giới mới trở thành Nước Trời.

Thiên Chúa vẫn muốn trần gian này người tốt và người xấu sống chung với nhau, để cả hai được lợi. Người xấu có thể nhờ gương sáng của người tốt mà bớt xấu hơn, nhưng cũng có những trường hợp vì hại người tốt mà trở nên xấu hơn. Còn người tốt thì được thánh hóa nhờ những đau khổ do người xấu gây nên. Thiên Chúa vẫn thường thánh hóa những người Ngài chọn, những người Ngài yêu bằng đau khổ. Chính «Đức Giêsu cũng phải trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn» (Dt 2,10) và Ngài cũng «đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8). 

Hãy xem cục đá mài và con dao: sau khi mài, con dao tuy bị mòn nhưng trở nên sắc bén và tăng giá trị lên; còn cục đá mài khi làm cho dao bị mòn thì chính nó cũng bị mòn đi, nhưng nó càng bị mòn thì càng bị giảm giá trị. Cũng vậy, người tốt khi chịu đau khổ vì người ác thì được thánh hóa và tăng giá trị lên. Còn người ác khi làm cho người thiện đau khổ cũng sẽ bị đau khổ vì hậu quả của việc ác, nhưng lại trở nên xấu hơn, kém giá trị đi.



2. Trần gian, nơi người thật người giả không phân biệt

Giữa người xấu và người tốt, người tinh tường có thể phân biệt được. Nhưng giữa những người được coi là tốt, vẫn luôn luôn có những người tốt thật và những người tốt giả. Trong số những người được tiếng là đạo đức, luôn luôn có những người đạo đức thật và những người đạo đức giả. Họ cùng làm những hành động tốt y như nhau, nhưng được thúc đẩy bởi những động lực khác nhau. Người tốt thật thì làm điều tốt vì thật sự yêu Chúa và thương tha nhân; còn kẻ tốt giả thì làm điều tốt là để được khen, để lấy lòng người, để được thăng tiến trong xã hội hay tôn giáo mình, v.v… Toàn là vì những động lực vị kỷ, chứ không vì yêu thương. 

Thánh Phaolô nói về cách đánh giá của Thiên Chúa đối với những người tốt giả này: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3). Chính Đức Giêsu cũng nói: «Khi bố thí, đừng như bọn đạo đức giả thích biểu diễn để người ta khen. Thầy bảo thật: họ đã được phần thưởng rồi» (Mt 6,2; x. 6,5; 6,16).

Con mắt hay trí tuệ người trần khó có thể phân biệt được tốt thật và tốt giả, vì tiêu chuẩn để phân biệt thật hay giả nằm sâu trong đáy lòng người: «Sông sâu biển rộng dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người?» Các nhà tu đức diễn tả thực trạng khó phân biệt này bằng câu: «Sanctus est sed non videtur, videtur sed non est»: người thánh thiện thực thì lại không có vẻ thánh thiện (vì không cố ý ra vẻ thánh thiện), còn người thánh thiện giả thì cố làm ra vẻ thánh thiện để mọi người nể phục, ca tụng.

Cứ so sánh Đức Giêsu, người thật sự thánh thiện, với những người Pharisêu, những kẻ cũng được tiếng là đạo đức thì thấy rõ điều ấy. Đức Giêsu chẳng làm ra vẻ thánh thiện bao giờ: Ngài thật “bụi đời”, hay giao thiệp với hạng tội lỗi, lại ăn uống nhậu nhẹt với họ, và hay vi phạm luật sabát. Ngài cũng chẳng có vẻ gì là gắn bó với đền thờ cho lắm, lại còn nói một câu thật khó lọt tai người Pharisêu: «Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải tại (đền thờ) trên núi này hay ở Giêrusalem» (Ga 4,21). Còn mấy ông Pharisêu thì lúc nào cũng làm ra vẻ đạo mạo, đáng kính, thích cầu nguyện, bố thí ở những nơi công cộng, có ăn chay thì cũng làm ra vẻ âu sầu cho mọi người biết mình đang ăn chay. Họ có vẻ thánh thiện hơn Đức Giêsu nhiều! Nhưng Ngài nói về họ: «bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác» (Mt 23,28).

Để dễ hiểu hơn, ta hãy so sánh hai chàng nọ theo đuổi một cô nhà giàu kia: một anh yêu cô chân thực, còn anh kia có ý “đào mỏ”. Anh “đào mỏ” có vẻ yêu cô hơn: những dịp sinh nhật, bổn mạng, ngày phụ nữ 8-3 hay ngày Valentine, anh mau mắn tặng cô những bông hoa thật tươi, những tặng phẩm đắt giá… Còn anh kia nếu không xảy ra những chuyện hệ trọng thì xem ra chẳng sốt sắng mặn mà với cô được như vậy. Nhưng cô gái tinh ý sẽ nhận ra ai thật sự yêu mình. Nếu khờ khạo thì cô sẽ phải lòng anh “đào mỏ”!



3. Chung cuộc: thiện ác, thật giả phân minh

Người đời thật khó mà phân biệt được người tốt thật và người tốt giả, vì họ chỉ có thể nhìn thấy những gì bề ngoài, chứ không thấy những gì xảy ra trong đáy lòng con người. Vì thế, việc xét đoán người tốt người xấu, người tốt thật người tốt giả không phải là chuyện của con người, mà là của Thiên Chúa. Chỉ mình Ngài mới có khả năng «dò thấu lòng dạ con người» (Tv 7,10; Kh 2,23). Chúng ta không nên làm công việc mà chỉ Thiên Chúa mới làm được và chỉ dành cho Ngài: «Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán» (Mt 7,1). «Chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, chúng ta là ai mà dám xét đoán người khác?» (Gc 4,12).

Dụ ngôn cỏ lùng cho thấy Thiên Chúa muốn ở trần gian này người tốt và người xấu sống chung với nhau, người tốt thật và tốt giả lẫn lộn nhau khó mà phân biệt. Nhưng đến ngày chung cuộc, kẻ tốt người xấu sẽ tách biệt nhau, kẻ tốt thật người tốt giả đều ra trước ánh sáng. Ngày ấy không ai che giấu ai được điều gì, vì «không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ» (Mt 10,26). «Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ» (Mt 13,43); còn «mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ bị tống ra khỏi Nước của Người, bị quăng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 13,41-42).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con đủ kiên nhẫn để chịu đựng những đau khổ mà người ác tâm gây ra cho con. Xin cho con biết yêu thương họ, dù họ làm hại con. Xin giúp con năng cầu nguyện cho họ, mong những điều tốt đẹp đến với họ, nhất là tìm cách làm họ nên tốt hơn. Xin cho con mặc lấy tâm tình yêu thương và cứu độ của Đức Giêsu: «Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi» (Mt 9,13). Có yêu thương họ thì mới cứu họ được. Xin cho con yêu cả những người ác với con. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây .