Monday, November 28, 2016

Sự thánh thiện, đạo đức Kitô giáo hệ tại điều gì



Sự thánh thiện, đạo đức Kitô giáo
hệ tại điều gì?


(Bài đang viết, chưa xong)


Muốn nên thánh thiện, điều cần thiết là phải biết thánh thiện hệ tại điều gì

Muốn nấu cơm, thì điều cốt yếu nhất phải có là gạo. Không có gạo thì không bao giờ có cơm, vì cơm chính là do gạo biến thành. Yếu tố này người Đông phương gọi là «nhân». Những yếu tố khác như lửa, bếp, nồi, nước, v.v... cũng rất cần thiết, không có chúng thì cũng không nấu gạo thành cơm được, nhưng đó chỉ là những điều kiện cần thiết để giúp việc chuyển hóa gạo thành cơm. Những điều kiện này người Đông phương gọi là «duyên». Cả «nhân» và «duyên» đều cần thiết, nhưng «nhân» mới là cái chính yếu.

Cũng vậy, muốn nên thánh thiện, ta cần phải biết cái «nhân» của sự thánh thiện, hay sự thánh thiện cốt yếu hệ tại điều gì. Không có nó thì không bao giờ có thể thánh thiện được. Vậy điều cốt yếu của sự thánh thiện là gì? − Thưa: Thiên Chúa mới chính là nguồn gốc của sự thánh thiện, nên sự thánh thiện hệ tại việc giống Thiên Chúa.

Thiên Chúa có nhiều đặc tính như yêu thương, tuyệt đối, toàn năng, công bằng, vô hình, bất khả tư nghị, duy nhất, là nguồn phát sinh mọi sự mọi vật hữu hình và vô hình, v.v... Vậy, để trở nên thánh thiện, ta phải giống Thiên Chúa ở đặc tính nào? − Thưa: Phải giống Thiên Chúa ở bản chất của Ngài, và bản chất của Ngài chính là Tình Yêu, đúng như thánh Gioan đã định nghĩa (1Ga 4,8.16 [1*]). Những đặc tính khác của Thiên Chúa chỉ là đặc tính chứ không phải là bản chất. 

Vậy, điều cốt yếu nhất của sự thánh thiện là giống Thiên Chúa ở bản chất yêu thương hay tình yêu của Ngài. Tình yêu của Ngài là thứ tình yêu vị tha chứ không vị kỷ [2*]. Nếu không có tình yêu vị tha như vậy, thì cho dù ta có đầy đủ những yếu tố cần thiết khác, như dâng thánh lễ hằng ngày, siêng năng cầu nguyện, chăm chỉ tìm hiểu Lời Chúa, làm vô số việc được gọi là «việc đạo đức», v.v... ta cũng không phải là người thánh thiện. Những việc đạo này tuy rất cần thiết nhưng chỉ là «duyên», không phải là «nhân» của thánh thiện. Cũng như có đầy đủ những yếu tố cần thiết để nấu cơm như lửa, bếp, nồi, nước, v.v... mà không có gạo, bèn lấy cát, lấy đậu, lấy bắp mà nấu thì chẳng bao giờ thành cơm được.


Sự thánh thiện hay đạo đức theo quan niệm của Đức Giêsu 

Muốn trở nên đạo đức, thánh thiện đích thực, nghĩa là được chính Thiên Chúa hay Đức Giêsu đánh giá là đạo đức thánh thiện, thì một yếu tố khác cần thiết là phải biết Thiên Chúa hay Đức Giêsu quan niệm thế nào về vấn đề này, và sự thánh thiện đạo đức theo quan điểm của Đức Giêsu dựa trên những tiêu chuẩn nào để theo đó mà sống. Nếu chúng ta cứ sống theo quan điểm riêng của chính chúng ta, hoặc theo quan điểm của con người về sự thánh thiện, thì rất có thể chúng ta tưởng mình thánh thiện, hoặc được mọi người đánh giá là thánh thiện, nhưng chúng ta không hề thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Vì cách đánh giá sự thánh thiện của chúng ta có thể rất khác, thậm chí ngược lại với cách đánh giá của Thiên Chúa.

Sự khác biệt giữa cách đánh giá của Thiên Chúa và của con người 

.

.

.


.

.
_________________

Ghi chú: 

[1*] Tình yêu vị kỷ là một tình cảm hướng đến người khác nhưng cuối cùng lại quy về chính mình. Ai cũng bị hấp dẫn bởi những cái hay, cái đẹp, cái có lợi cho mình nơi sự vật hoặc nơi người khác, khiến cho mình thích thưởng thức cái hay, đẹp, có lợi ấy để mình vui thú, hạnh phúc hơn. Tình yêu vị kỷ là sự gắn bó với một vật hay một người để có thể thưởng thức cái hay, đẹp, có lợi cho mình nơi vật hay người đó. Ta thích tiếng hót của một con chim vì nó làm ta thích thú, quên đi sầu não. Vì thế, ta nuôi nó, trìu mến nó, vì nó có lợi cho ta. Chung quy ta gắn bó với nó cũng vì nhu cầu của hay hạnh phúc của ta. Khi ta yêu một người chỉ vì người ấy đẹp, người ấy dễ thương, ở bên người ấy thì ta dễ chịu, thoải mái, và vì người ấy thỏa mãn được nhu cầu tình cảm, v.v… của ta. Tình yêu đó là một tình yêu vị kỷ.

Để dễ hiểu về tình yêu vị kỷ, xin đưa ra một minh họa cụ thể:

Cách đây mười mấy năm, tôi có quen một chị sống bụi đời từ hồi còn nhỏ, lúc ấy chị đang làm nghề mua bán ve chai. Chị có một đứa con trai còn nhỏ, kết quả mối tình bụi đời của chị. Cha đứa trẻ đã «truất ngựa truy phong» bỏ rơi hai mẹ con chị, và đứa con của chị trở thành người chị yêu quý nhất trên đời. Chị cảm thấy khó có thể sống mà thiếu nó.

Nhưng cuộc sống đầu đường xó chợ của chị không cho phép chị săn sóc và giáo dục con chu đáo được, vì chị phải lam lũ suốt ngày ngoài đường mới đủ sống. Vì thế, đứa con càng lớn lên càng tỏ ra tiêm nhiễm những thói xấu của những đứa trẻ bụi đời khác: xấc xược, gian xảo, thích gây lộn… Chị chẳng đủ tiền cho con đi học, vả lại, sống bất hợp pháp và không có hộ khẩu như chị thì khó mà cho con đi học.

Khi đứa trẻ lên năm, một cơ hội may mắn đến với hai mẹ con chị. Có một đôi vợ chồng giáo viên trẻ ở gần chỗ chị, lấy nhau đã năm sáu năm mà không có con, sắp được di trú sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình. Họ thấy đứa con trai của chị kháu khỉnh dễ thương, đã ngỏ lời xin chị cho nó làm con nuôi của họ, và họ sẽ đem nó sang Mỹ. Họ hứa sẽ yêu thương và nuôi nấng giáo dục nó tử tế như con ruột, vì họ hiện không có con… Chị đã bàn hỏi việc này với nhiều người trong đó có tôi, ai cũng chứng tỏ cho chị thấy: nếu chị chấp nhận cho nó làm con nuôi hai vợ chồng giáo viên ấy và để nó sang Mỹ thì tương lai của nó sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Còn nếu chị giữ nó lại chắc chắn cuộc đời nó sau này cũng sẽ hẩm hiu và đen tối như cuộc đời của chị.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định giữ nó lại với chị vì chị «thương» nó quá, xa cách nó chị làm sao sống được? Chỉ xa nó có một ngày thì chị đã nhớ nó không chịu nổi rồi! Vì thế, chị đã chấp nhận thà rằng tương lai nó không ra gì còn hơn là «mất» nó khỏi tầm tay, hơn là phải sống thiếu nó.


Kết quả quyết định vị kỷ của chị là: đứa trẻ sau này đã trở thành một tên chuyên móc túi và trộm cắp, từng vào tù ra khám nhiều lần. Khi biết được sự lựa chọn ích kỷ của mẹ nó như vậy, nó đã oán thù mẹ nó. Thế là cuối cùng chị cũng vẫn bị mất con, mà mất một cách đáng tiếc hơn nữa.

Suy nghĩ: Bảo rằng người mẹ trong câu chuyện trên không thương con thì không đúng, vì tình cảm của chị đối với con chị thật là sâu đậm. Chính xác hơn có thể nói: Tình yêu của chị là tình yêu vị kỷ hay tình yêu chiếm hữu. Chị yêu con là vì chị, vì hạnh phúc của chị, vì nó thỏa mãn nhu cầu yêu thương của chị, làm chị bớt cô đơn. Chị coi nó như một vật sở hữu, hay như một phương tiện phục vụ cho hạnh phúc của chị. Khi có sự xung đột giữa hạnh phúc của chị với của con, thì chị sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của con cho hạnh phúc của chị. Chị đã đặt nặng hạnh phúc và đau khổ của chị hơn hạnh phúc và đau khổ của con. Có thể nói chị yêu bản thân chị hơn yêu con.



Saturday, November 26, 2016

Vong-2b : Sám hối sâu xa đòi hỏi thay đổi quan niệm theo quan niệm của Đức Giêsu


CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng - Năm A
(bài 2)

(04-12-2016)


Sám hối sâu xa đòi hỏi thay đổi quan niệm
theo quan niệm của Đức Giêsu




ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 11,1-10: (3) Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, (4) nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo hèn.

  Rm 15,4-9: (4) Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.

  TIN MỪNG: Mt 3,1-12

Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng


(1) Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: (2) «Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần». (3) Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 

 (4) Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. (5) Bấy giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. (6) Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. (7) Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: «Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? (8) Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. (9) Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham”. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. (10) Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. (11) Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. (12) Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi». 


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.       Gioan Tẩy Giả kêu gọi chúng ta sám hối để đón Chúa đến. Nhưng để sám hối một cách hữu hiệu và nền tảng, chúng ta cần thay đổi cái gì?
2.       Ðể đón Chúa đến và để được cứu rỗi thì việc lãnh nhận bí tích rửa tội để trở thành Kitô hữu đã đủ chưa? Còn thiếu điều gì nữa?
3.       Gioan yêu cầu mọi người sửa lối cho thẳng. Chúng ta phải thực hiện lời yêu cầu ấy một cách cụ thể như thế nào?

Suy tư gợi ý:

1.   Ðiều căn bản nhất trong việc sám hối là điều chỉnh lại quan niệm của mình theo Tin Mừng

«Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần» (Mt 3,2). Câu nói ấy của Gioan Tẩy Giả cho thấy: nếu Nước Trời sắp đến thì con người cần phải sám hối. Sám hối là gì? Sám hối trước tiên là nhận ra mình đã phạm sai trái, lầm lỗi hay có tội, đồng thời hối tiếc vì thấy được hậu quả tai hại của chúng, sau đó quyết tâm thay đổi, sửa chữa, không tái phạm nữa. 

Nhưng điều quan trọng cần sám hối và sửa sai chính là quan niệm của mình. Quan niệm sai lầm sẽ dẫn đến tư tưởng và hành động sai lầm. Rất nhiều tư tưởng và hành động sai trái nhưng vẫn được người ta cho là đúng, là tốt, là đạo đức, chính vì họ quan niệm sai. Nhưng nhận ra quan niệm hiện có của mình là sai lầm là một điều hết sức khó, vì ai cũng cho quan niệm của mình là đúng. Vì có cho là đúng thì mình mới dùng nó làm căn bản để tư tưởng và hành động. Nhưng làm sao để biết quan niệm của mình đúng hay sai? − Thưa, có một tiêu chuẩn để biết quan niệm của mình đúng hay sai, đó là đối chiếu nó với quan niệm của Thiên Chúa, được bầy tỏ trong Tin Mừng qua Ðức Giêsu. 

Chẳng hạn, rất nhiều Kitô hữu quan niệm sai lầm về đạo đức, về sự thánh thiện. Họ nghĩ đạo đức thánh thiện là siêng năng làm các việc mà họ thường gọi là «việc đạo đức». Ðối với họ, các «việc đạo đức» chủ yếu là tham dự thánh lễ, xưng tội, rước lễ, đọc kinh (chung hoặc riêng), lần chuỗi, bỏ tiền vào nhà thờ, v.v. (*) Và khi siêng năng làm các việc ấy, họ cảm thấy an tâm về phần rỗi của mình vì nghĩ rằng mình là một người đạo đức, mặc dù họ thường cư xử thiếu tình nghĩa với những người chung quanh, mặc dù những «việc đạo đức» ấy chẳng ảnh hưởng bao nhiêu đến cách sống và hành xử của họ. 

Quan niệm như thế quả rất khác với quan niệm của Tin Mừng. Theo Tin Mừng, người đạo đức là người biết quên mình, biết coi nhẹ «cái tôi» và quyền lợi riêng của mình, biết vượt thắng bản năng ích kỷ để yêu Chúa và thương tha nhân hữu hiệu hơn, sẵn sàng hy sinh, chịu thiệt, chịu khổ vì tình yêu ấy. Ðạo đức thật sự phải được thể hiện cụ thể qua cách sống, cách cư xử đầy công bình và bác ái với mọi người. Các «việc đạo đức» như tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích... chỉ là những phương tiện cần thiết đem lại ơn Chúa và sức mạnh để ta sống đạo đức đích thật, nghĩa là để ta yêu Chúa và tha nhân thật sự bằng những hành động cụ thể. Nếu ta không nhắm thực hiện sự yêu thương ấy như là điều cốt yếu nhất của đạo đức, mà lại coi những «việc đạo đức» kia là chính yếu, thì những «việc đạo đức» ấy trở nên phản tác dụng. Chúng có thể thành cớ để ta tự mãn và lên mặt với mọi người, đang khi thực tế trước mặt Chúa ta chẳng có giá trị gì. Còn biết bao nhiêu quan niệm sai lầm khác ảnh hưởng tai hại đến đời sống tâm linh của ta.

Vì thế, để sám hối, không gì quan trọng và nền tảng bằng lấy ánh sáng Tin Mừng để chỉnh đốn lại những quan niệm sai lầm đang chi phối tư tưởng và cách hành động của ta. Tư tưởng và hành động mà sai trái, chính là vì quan niệm chưa đúng. Khi đã sửa đổi quan niệm cho đúng, tự khắc tư tưởng và hành động cũng sẽ đúng theo. Ðiều này đòi hỏi ta phải đọc và suy gẫm Kinh thánh, đặc biệt Tin Mừng và các thư của các tông đồ, đồng thời dành nhiều thì giờ đặt mình trước mặt Chúa để suy nghĩ, phản tỉnh và tự xét.

2.   Ðừng tự hào mình là người Kitô hữu

Biết bao người cảm thấy an tâm về phần rỗi đời đời của mình, đồng thời tự hào trước mặt mọi người vì mình là Kitô hữu, là tín đồ của một tôn giáo do chính Thiên Chúa thiết lập. Nhưng Gioan Tẩy Giả đã cảnh cáo bọn kinh sĩ: «Ðừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham". Vì, tôi nói cho các anh hay: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham» (Mt 3,9). Ðiều quan trọng là «hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối» (Mt 3,8), «Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa» (Mt 3,10). Như vậy, điều quan trọng và cần thiết để được cứu rỗi không phải là chuyện có là Kitô hữu hay không, mà là có sống tinh thần Kitô hữu, tức tinh thần yêu thương của Ðức Kitô hay không. 

Nếu Thiên Chúa có thể biến những hòn đá thành con cháu Ápraham, thì cũng có thể biến chúng thành những Kitô hữu. Ðiều Thiên Chúa đòi hỏi ta chính là tình yêu, là hoa quả tất yếu của lòng sám hối. Và tình yêu ấy cũng phải sinh hoa kết trái thành hành động, để đem lại bình an, hạnh phúc và những điều tốt đẹp cho những người chung quanh ta, cho Giáo Hội và xã hội. 

Tôi rất thích tư tưởng sau đây của Raoul Follereau: «Thiên Chúa không thích những bàn tay tinh sạch nhưng trống rỗng, cho bằng những bàn tay tuy hơi dơ nhưng lại đầy quà tặng dâng lên Ngài». Ngài đòi hỏi chúng ta nếu có 5 nén thì phải làm lợi thành 10 nén, nếu chỉ có 2 thì cũng phải làm thành 4 (x. Mt 25,14-30, Lc 19,12-27**). Nếu không sinh hoa kết trái, chúng ta chỉ là những Kitô hữu hữu danh vô thực. Chúng ta cần phải tỏ ra mình là người Kitô hữu qua cách hành xử của chúng ta trong mọi tình huống và qua cách cư xử của chúng ta đối với mọi người. Phải làm sao để người khác nhìn thấy Chúa Kitô và tinh thần của Ngài trong cách sống của chúng ta: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35).

3.   Sứ điệp của Gioan: Hãy sửa lối cho thẳng để Ngài đi

Gioan dùng lời của ngôn sứ Isaia để nói lên sứ điệp của mình: «Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Ngài đi» (Mt 3,3). Ðường và lối ở đây chắc chắn không hiểu theo nghĩa vật chất, mà chủ yếu theo nghĩa tâm linh. Nghĩa là tâm hồn chúng ta phải thật thẳng, không quanh quéo. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa của Công Lý, Ngài ưa thích sự công minh chính trực, đường đường chính chính, luôn luôn sáng tỏ. Ngài rất ghét sự quanh co, mờ ám, dối trá. Tuy rất ghét sự xấu, sự ác, nhưng Ngài vẫn sẵn sàng tha thứ cho người xấu người ác khi họ hối cải. Ðiều Ngài ghét thậm tệ là sự xấu ác được che đậy bằng cái vỏ thánh thiện, đạo đức. Ta thấy: Ðức Giêsu cũng như Gioan Tẩy Giả không hề kết án hay chửi rủa những người tội lỗi như bọn đĩ điếm, thu thuế. Ðối tượng để các Ngài kết án và chửi rủa là:

- Những hạng đạo đức giả hình kiểu «khẩu Phật tâm xà», «bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong thì toàn là giả hình và gian ác» (Mt 23,28), họ «rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ» (Mt 23,25). Khi những người đạo đức giả (thuộc phái Pharisêu và Sađốc) đến xin rửa tội, Gioan Tẩy Giả thẳng thừng nói: «Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối» (Mt 3,7-8).

- Những người có chức có quyền trong đạo Do Thái nhưng đã dùng những chức quyền ấy chẳng phải để bênh vực người nghèo, người bị áp bức, mà trái lại để hà hiếp bóc lột họ: «Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ» (Mt 23,14). Những người này đã coi tôn giáo như một cơ hội thuận lợi giúp mình thăng quan tiến chức hầu có thể sống trên đầu trên cổ người khác. Các Ngài chửi rủa họ một cách thậm tệ, có thể nói là «cạn tàu ráo máng»: nào là «Nòi rắn độc kia!» (Mt 3,7***), nào là «mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế» (Mt 23,27), nào là «người mù lại dắt người mù» (x. Mt 15,12-14****), v.v. 

Vì thế, để đón Chúa đến, người Kitô hữu phải tránh tất cả mọi thứ quanh quéo trong tâm hồn, trong lời nói và hành động. Không dùng những xảo thuật như «treo đầu dê bán thịt chó», «lập lờ đánh lận con đen», tráo trở, «có nói không, không nói có», «nói một đằng làm một nẻo». Trái lại, cần phải có tâm hồn ngay thẳng: «hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ» (Mt 5,36). Khi phải lên tiếng thì cứ theo công tâm mà nói, không thiên lệch bên nào, không nói lấy được cho mình, cho phe của mình, cho tôn giáo của mình. Ðiều chúng ta phải bênh vực là công lý và tình thương, chứ không phải một đối tượng nào khác. Nếu có bênh vực người nghèo thì không phải vì họ nghèo, mà vì họ thường là nạn nhân của bất công. Ðừng để cho quyền lợi cá nhân hay tập thể chi phối lời nói và hành động của ta, làm ta mất đi sự trong sáng và công tâm của mình. Ðừng nói quá nhiều quá hay, mà làm thì quá ít quá dở; đó cũng là một thứ thiếu thẳng thắn.

Là người Kitô hữu, môn đệ của Ðức Giêsu, chúng ta phải hành xử làm sao để mọi người có thể tin vào lương tâm, vào lời nói của chúng ta, nhất là những người chính thức mang danh «người theo Chúa». Nếu không, chúng ta sẽ làm ô danh Ðức Giêsu và tôn giáo mà chúng ta theo. Ðó là cách tốt nhất để đón Chúa đến trần gian, nhất là đến trong tâm hồn mình.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, chúng con đang đón chờ Ðức Giêsu trở lại trần gian lần thứ hai. Xin cho chúng con biết đón Ngài đến bằng sự sám hối, bằng một sự thay đổi hữu hiệu, mà quan trọng nhất là thay đổi quan niệm. Xin cho chúng con quan niệm mọi sự giống như Ðức Giêsu đã quan niệm, được bày tỏ trong các sách Tin Mừng. Xin cho chúng con biết yêu những gì Ngài yêu như sự ngay thẳng, công bình, trong sáng, và ghét những gì Ngài ghét như sự giả hình, quanh co, che đậy. Ðể càng ngày chúng con càng nên hoàn hảo, giống Ngài hơn. Amen.

Nguyễn Chính Kết



Phụ chú:

* Những việc như tham dự thánh lễ, xưng tội, rước lễ, đọc kinh (chung hoặc riêng), lần chuỗi, bỏ tiền vào nhà thờ, v.v. được nhiều người gọi là «việc đạo đức» khiến người ta hiểu rằng cứ làm những việc đó cho nhiều thì là người thánh thiện, đạo đức. Nhưng trong thực tế không hẳn như vậy. Khá nhiều người làm rất nhiều, rất tốt những việc gọi được gọi là «việc đạo đức» ấy, nhưng họ sống thiếu tình nghĩa, đời sống của họ không biểu lộ được cái «tâm yêu thương» như bản chất đầy yêu thương của Thiên Chúa bên trong họ. Chính cái «tâm yêu thương» này mới làm cho người ta trở nên thánh thiện hay không, chứ không phải là những việc được gọi là «việc đạo đức» kia.

Những việc ấy là những phương tiện rất cần thiết để có được năng lực, động lực hay ơn Chúa hầu đạt được mục đích của thánh thiện là sống yêu thương theo gương của Thiên Chúa. Nhưng nếu không đạt được mục đích ấy thì những phương tiện tốt đẹp kia có ích lợi gì?

Tuy nhiên, người đạo đức thánh thiện đích thực thì vẫn luôn luôn tôn trọng và thực hiện những phương tiện cần thiết để nên thánh thiện ấy.

(xin tham khảo thêm bài viết: Sự thánh thiện, đạo đức Kitô giáo hệ tại điều gì?)


** Mt 25,14-30 => «(Khi ấy, Đức Giêsu nói:)“Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn dấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” Ông chủ đáp: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý ngươi phải gởi số bạc của ta cho các chủ ngân hàng, để khi ta đến, ta thu hồi của thuộc về ta cùng với số lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng

     Lc 19,12-27 => (tương tự như Mt 25,14-30) «Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười nguời trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến”. Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: “Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi”. “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén”. Ông bảo người ấy: “Khá lắm, hỡi người đấy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành”. Người thứ hai đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh được năm nén”. Ông cũng bảo người ấy: “Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành”. Rồi nguời thứ ba đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo”. Ông nói: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ! Ta cứ lời miệng ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao ngươi không gửi bạc của ta vào ngân hàng? Và khi ta đến, ta sẽ rút ra được cả vốn lẫn lời!” Rồi ông bảo những người đứng đó: “Lấy lại yến bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười yến”. Họ thưa ông: “Thưa ngài, anh ấy có mười yến rồi!” “Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi”.»

*** Mt 3,7 => «Thấy nhiều người thuộc phái Phrisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông (=Gioan Tẩy Giả) nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?»

**** Mt 15,14 => «Bấy giờ các môn đệ đến gần Ðức Giêsu mà thưa rằng: “Thầy có biết không? Những người Pharisêu đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy”. Ðức Giêsu đáp: “Cây nào mà Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Cứ để mặc họ. Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.»


Vọng-2a - Sám hối đòi hỏi phải thay đổi


CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng - Năm A
(bài 1)

(04-12-2016)


Sám hối đòi hỏi phải thay đổi


ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 11,1-10: (3) Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, (4) nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo hèn.

  Rm 15,4-9: (4) Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.

  TIN MỪNG: Mt 3,1-12

Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng


(1) Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: (2) «Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần». (3) Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 

 (4) Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. (5) Bấy giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. (6) Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. (7) Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: «Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? (8) Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. (9) Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham”. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. (10) Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. (11) Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. (12) Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi». 


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Sứ điệp chính của Gioan Tẩy giả là gì? Là sám hối? Nhưng phải hiểu sám hối thế nào? Dựa trên điều gì để biết được một người thật lòng sám hối?
2.   Người Pharisêu và Xađốc là những người nắm giềng mối của tôn giáo, được dân chúng coi là gương mẫu về đạo đức, tại sao Gioan Tẩy giả lại gọi họ là «nòi rắn độc»? Ông có quá đáng không?
3.   Cách đánh giá của Đức Giêsu và Gioan Tẩy giả về đạo đức và thánh thiện có khác cách thường tình của chúng ta không? Các Ngài đánh giá dựa trên tiêu chuẩn nào? Chúng ta thường dựa trên tiêu chuẩn nào?
Suy tư gợi ý:

1.   Gioan Tẩy giả kêu gọi sám hối

Gioan Tẩy giả xuất hiện để dọn đường cho Đức Giêsu. Ông chuẩn bị tâm hồn dân chúng để họ xứng đáng đón nhận Nước Trời do Đức Giêsu sắp đến khai mạc. Theo ông, điều tiên quyết phải làm để đón nhận Nước Trời là sám hối: «Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần» (Mt 3,2).

Sám hối là nhận ra sự sai trái của mình đối với đường lối của Thiên Chúa và quyết tâm sửa sai. Sám hối đích thực phải dẫn đến một sự thay đổi toàn diện, một đời sống mới, với quan niệm mới, nhìn mọi sự và suy nghĩ mọi vấn đề theo cung cách mới, phù hợp với cách nhìn và đường lối của Thiên Chúa. Người nào nói mình sám hối mà đời sống không hề thay đổi, người ấy là người nói dối.

2.   Coi chừng! những người tưởng mình là công chính nhiều khi lại cần sám hối hơn ai hết

Điều khiến ta phải lấy làm lạ là thái độ của Gioan Tẩy giả đối với những người Pharisêu và Xađốc. Họ là những người dạy dỗ dân chúng về tôn giáo, về lề luật của Chúa. Họ nắm giữ những giềng mối của tôn giáo Do Thái, và được coi là mô phạm, là gương mẫu cho dân chúng. Họ là những người giữ lề luật một cách rất nhiệm nhặt, chi ly đến từng chi tiết. Vì thế, dưới con mắt loài người, họ rất có lý khi tự hào về sự đạo đức, thánh thiện của mình.

Ta không hề thấy Gioan Tẩy giả nặng lời với bọn gái điếm, thu thuế, vốn bị coi là hạng tội lỗi. Nhưng ông lại rất nặng lời với những người thuộc hai phái đạo đức này. Ông gọi họ là: «nòi rắn độc!» (x. Mt 3,7*). Sự kiện này rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Thông thường, mọi người đều nghĩ: nếu phải dùng từ «nòi rắn độc» để chỉ ai đó, thì bọn thu thuế và gái điếm xứng đáng với từ này nhất. Nhưng Gioan Tẩy giả không nghĩ như vậy. Ông dùng từ độc địa này để gọi chính những người được mọi người coi là đạo đức nhất trong dân chúng. Ông sai lầm chăng? Nếu cho rằng Gioan sai lầm, thì cũng phải cho rằng Đức Giêsu sai lầm luôn khi Ngài nói thẳng với hai nhóm người đạo đức này: «Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31). Rõ ràng hai vị đồng quan điểm với nhau và rất khác với quan điểm thông thường của chúng ta!

3.   Đức Giêsu nhìn và đánh giá con người dựa trên tình yêu

Đức Giêsu – cũng như Gioan Tẩy giả – không đánh giá con người theo cách của chúng ta. Ngài nhìn thẳng vào chính tâm hồn con người để đánh giá, chứ không chỉ nhìn vào chức vụ, vào những việc làm tốt đẹp, những nhân đức được tỏ lộ ra bên ngoài ai cũng thấy như chúng ta. Vì thế, rất có thể những người bị chúng ta cho là tội lỗi vì những hành động xấu xa bên ngoài, lại được Ngài đánh giá cao hơn những con người được chúng ta cho là thánh thiện, đạo đức vì những nhân đức hay việc làm tốt lành của họ. Chính vì Ngài đánh giá khác con người, nên Ngài mới báo trước một sự đảo lộn không ngờ vào ngày chung cuộc: «Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên đầu» (Mc 10,31; xem thêm Mt 7,22-23; 8,11-12**).

Đức Giêsu đánh giá con người như thế nào? Tiêu chuẩn đánh giá của Ngài chính là tình yêu, tình yêu đích thực, vì bản chất của Ngài chính là tình yêu (x.1Ga 4,8.16***). Ai càng có nhiều tình yêu thì càng giống Ngài và càng có giá trị trước mặt Ngài. Do đó, sự thánh thiện hệ tại tình yêu, tại «cái tâm yêu thương» mà con người có trong lòng mình, chứ không hệ tại những nhân đức hay những việc tốt đẹp mà con người làm được. Những thứ này chỉ là biểu hiện tất yếu của tình yêu chứ không phải là tình yêu. Nếu có tình yêu đích thực thì tình yêu ấy đương nhiên phải được thể hiện thành những nhân đức hay việc làm tốt đẹp. Ai nghĩ hay nói rằng mình có tình yêu, nhưng lại không hề thể hiện tình yêu ấy thành việc làm, thành nhân đức, thì đó là kẻ nói dối hay ảo tưởng. 

4.   Không có tình yêu, mọi việc tốt đẹp đều vô giá trị trước mặt Thiên Chúa

Tuy nhiên người ta vẫn có thể có những nhân đức hay việc làm hết sức tốt đẹp mà chẳng hề có tình yêu ở bên trong. Những nhân đức hay việc làm tốt đẹp ấy có thể phát xuất:

– từ tham vọng cá nhân: một người có tham vọng làm tổng thống, bộ trưởng hay làm một chức sắc cao cấp trong một tôn giáo vẫn có thể tập luyện để có những nhân đức, hay làm được những việc rất tốt đẹp chủ yếu để đạt được những địa vị cao cả đó.

– từ chức năng: một cán sự xã hội, một nhân viên tiếp thị, một đại lý bảo hiểm… phải có những lời nói thật dễ thương, đầy vẻ khiêm nhường và vị tha, phải có thái độ sẵn sàng giúp đỡ… (mà bình thường mình không có) thì mới có thể thành công trong nghề nghiệp của mình. Làm chức sắc tôn giáo cũng phải ăn nói hay hành động thế nào để tỏ ra có tình yêu đúng như chức vụ mình đòi hỏi. Tình yêu này là thứ «tình yêu do chức năng» hay «tình yêu vì mục vụ».

– từ tính sĩ diện, ham được ca tụng, thích được bái phục, hoặc sợ bị chê cười, trách móc: biết bao hành động tốt đẹp trên đời được thành tựu do sự thúc đẩy của động lực rất phổ biến này.

Như vậy, «yêu thật sự» và «có vẻ yêu» thì bề ngoài rất giống nhau đến nỗi bình thường con người không thể phân biệt được, nên trước mặt con người, giá trị của chúng có thể như nhau, nhưng trước mặt Thiên Chúa lại rất khác nhau. Thánh Phaolô cho chúng ta biết về sự vô giá trị trước mặt Thiên Chúa của những hành động tốt đẹp nhưng không phát xuất từ tình yêu, cũng như những đặc sủng không phục vụ cho tình yêu: «Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và các thiên thần (…) Giả như tôi có ơn nói tiên tri và biết hết mọi bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có đức tin chuyển núi dời non (…) Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến (hay cái "tâm yêu thương"), thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,1-3). Không có tình yêu, thì trước mặt Thiên Chúa, mọi nhân đức, đặc sủng, việc làm tốt đẹp, thậm chí đức tin, chỉ là một dãy số không với chữ số to nhỏ khác nhau mà thôi. Có ai hãnh diện vì số không của mình to hơn, đẹp hơn, hay dãy số không của mình dài hơn của người khác không? Đã là số không, thì dù to hay nhỏ, dù đẹp hay xấu, dù là một chữ số hay nhiều chữ số kết hợp lại, thì cũng đều có giá trị bằng không. 

Dãy số không – tượng trưng cho những nhân đức hay việc làm tốt đẹp – dù dài hay ngắn, dù to hay nhỏ, đều không có giá trị gì. Nhưng nếu thêm vào đầu dãy số ấy con số 1, thì giá trị của dãy số hoàn toàn biến đổi. Tình yêu chính là số 1 đứng ở đầu dãy số không ấy, biến tất cả những số không vô giá trị kia thành một giá trị lớn lao. 

Mà tình yêu đích thực lại đặt nền tảng trên tinh thần tự hủy, nghĩa là coi nhẹ «cái tôi» của mình. Đấy chính là ý nghĩa đích thực và chủ yếu của hai chữ «từ bỏ» trong Tin Mừng (x. Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23****). Mọi công trình của con người mà bị đổ bể thường chỉ vì thiếu tinh thần «từ bỏ» này của Tin Mừng. Một người coi «cái tôi» của mình quá quan trọng khó có thể có được tình yêu đích thực.

Vậy, để sám hối hầu đón Chúa đến trong tâm hồn mình, thiết tưởng ta cần nghiêm túc xét xem sự thánh thiện và đạo đức của chúng ta xây dựng trên nền tảng nào: trên tình yêu? hay trên tham vọng cá nhân, trên chức vụ, trên sĩ diện? Nếu sự đạo đức thánh thiện ấy không được xây dựng trên tình yêu, thì chính chúng ta mới là những người phải sám hối trước tiên. Vì rất có thể những kẻ có vẻ tội lỗi hơn chúng ta lại có nhiều tình yêu hơn chúng ta, họ đối xử với tha nhân có tình có nghĩa hơn chúng ta. Nên trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không giá trị bằng họ.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhiều khi con cầu nguyện nhiều hơn người khác, nhưng chính trong khi cầu nguyện, con lại tỏ ra ích kỷ, kiêu ngạo và thiếu tình yêu hơn lúc nào hết, khiến việc cầu nguyện của con làm cho Cha chán ngán. Nhiều khi chúng con giống như những người Pharisêu, cầu nguyện nhiều để được mọi người coi là đạo đức (x. Mt 6,5*), hoặc tự hào về mình trước mặt Cha khi cầu nguyện (x. Lc 18,11-12). Xin cho con hiểu rằng chỉ có tình yêu chứ không phải bất cứ điều gì khác làm cho con trở nên giống Cha, nghĩa là nên thánh thiện thật sự.


_________________

Phụ Chú:

Có những câu Kinh thánh được giới thiệu trong bài nhưng chưa được trích dẫn (có đánh dấu hoa thị *), xin ghi ra đây để Quý Vị dễ dàng tham khảo:

* Mt 3,7 => «Thấy nhiều người thuộc phái Phrisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?» 

** Mt 7,22-23 => «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!»

     Mt 8,11-12 => «Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng”

*** 1Ga 4,8.16 => «Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,  vì Thiên Chúa là tình yêu»; «Còn chúng ta, chúng ta đã biết  tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu:  ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa,  và Thiên Chúa ở lại trong người ấy

**** Mt 16,24 => «Rồi Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.»

         Mc 8,34 => «Rồi Ðức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo

         Lc 9,23 => «Rồi Ðức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo"

* Mt 6,5 => «Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.»

** Lc 18,11-12 => «Ðức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”

Monday, November 14, 2016

Vọng 1b - Phải tỉnh thức thế nào mới đẹp ý Thiên Chúa?


 
CHIA SẺ TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 1 Mùa Vọng - Năm A
(bài 2)

(27-11-2016)


Phải tỉnh thức thế nào mới đẹp ý Thiên Chúa?



ĐỌC LỜI CHÚA


  Is 2,1-5: (4) Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

  Rm 13,11-14: (11) Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia.


  TIN MỪNG: Mt 24,37-44

Phải canh thức và sẵn sàng


Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: (37) «Quả thế, thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. (38) Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. (39) Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. (40) Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; (41) hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. 
(42) «Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. (43) Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. (44) Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến»


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Chúng ta có thể nói gì về những bất ngờ xảy đến khi Ðức Giêsu quang lâm? Có thể có những bất ngờ nào khác ngoài phương diện thời gian?
2.   Sự công minh của Ngài khi xét xử trần gian có siêu việt không? Những kẻ gian ác nhưng biết ngụy trang một cách khéo léo có bị lật tẩy không?
3.   Phải tỉnh thức như thế nào trước những bất ngờ của ngày Chúa đến? để vẫn có thể đứng vững trước mặt Thiên Chúa?

Suy tư gợi ý:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu cho biết Ngài sẽ trở lại trần gian để xét xử nhân loại và cho biết một số điều về ngày ấy như sau:

1.   Ngài đến bất ngờ như kẻ trộm

Ðức Giêsu cho biết: «Chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến» (Mt 24,44; Lc 12,40)*, «Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm» (1 Tx 5,2; 2 Pr 3,10)**. Sự bất ngờ của kẻ trộm có thể về mặt thời gian - nghĩa là không thể xác định được ngày nào, giờ nào - mà cũng có thể bất ngờ về cách thức: không biết được trộm đến theo cách thức nào, vô nhà bằng lối nào, lấy trộm thứ của cải nào, trộm sẽ giả dạng như thế nào, v.v. rất có thể kẻ trộm lại là người rất quen thuộc với ta, thậm chí là người nhà của ta nữa.

Hãy rút ra bài học từ quá khứ. Mặc dù việc Ðức Giêsu đến trần gian đã được báo trước cả mấy trăm năm trước, và được toàn dân Ítraen mong đợi, thế mà khi Ngài đến, chẳng mấy ai nhận ra Ngài. Tệ hơn nữa, họ còn kết án và giết chết Ngài một cách tàn ác. Cách Ngài đã đến khác hẳn với cách mà hầu hết mọi người nghĩ tới trước đó. Cách Ngài đến thật bất ngờ mà người thường không ai có thể tưởng tượng ra nổi. Lời Kinh Thánh báo trước cả mấy trăm năm đều được ứng nghiệm, nhưng ứng nghiệm cách khác hẳn với cách giải thích hay cách hiểu truyền thống.

Ngày Chúa đến lần thứ hai để xét xử nhân loại cũng có thể có nhiều điều hết sức bất ngờ mà con người không thể đoán trước được, không chỉ về thời gian, mà còn về nhiều mặt khác nữa. Có như thế, sự công chính hay gian tà mới lộ diện rõ rệt, vì ở thế gian, sự gian tà rất nhiều trường hợp lại được ngụy trang bằng sự công chính, và tội lỗi lại mang những bộ mặt hết sức thánh thiện. Con mắt thế gian không thể nào khám phá được, nhưng không ai qua mặt được Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã từng nói về các ngôn sứ giả: «Họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi» (Mt 7,15). Thánh Phaolô đã từng vạch mặt những hạng người ấy: «Những kẻ đó là tông đồ giả, là thợ gian xảo, đội lốt tông đồ của Ðức Kitô. Lạ gì đâu! Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng! Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó đội lốt người phục vụ sự công chính. Chung cục, chúng sẽ lãnh nhận hậu quả công việc chúng đã làm» (2 Cr 11,13-15).

2.   Cách phán xử của Ngài công minh không ai ngờ trước được

Nếu Ðức Giêsu đến để xét xử trần gian mà không vạch mặt được những giả hình gian dối ấy, nếu Ngài cũng bị hạng người này qua mặt như đã từng qua mặt mọi người trần, thì sự phán xử của Ngài còn gì là công minh nữa? Với tư cách là vị phán xét trần gian, cách xét đoán của Ngài sẽ phải hết sức công minh, công minh vượt hẳn và khác hẳn cách suy đoán của mọi người. Ngày ấy, biết bao điều bị che dấu thật khôn khéo và kỹ lưỡng, đến nỗi chưa hề có ai biết, sẽ bị đưa ra ánh sáng: «Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết» (Lc 12,2), và «những việc tốt thì đã rành rành; mà cả những việc không tốt cũng chẳng che giấu được» (1 Tt 5,25). Chính vì thế mới có những chuyện bất ngờ như: «Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu» (Mc 10,31; x. Mt 20,16; Lc 13,30)***. 

Nhiều kẻ tưởng mình là công chính hoặc được mọi người tưởng là như thế nhưng lại bị Ngài xét là gian ác, ngược lại có nhiều kẻ tưởng mình thuộc loại xấu đáng kết án hoặc bị mọi người tưởng là như thế, nhưng lại được Ngài xét là công chính. Dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18,9-14) là một thí dụ điển hình cho sự trái ngược ấy. Còn bao nhiêu chuyện trái ngược như thế được biểu lộ trong Thánh Kinh: «Tôi nói cho các ông hay : Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12; nên xem thêm Rm 9,30-33)****. Vì thế, tới lúc ấy, chẳng ai dám tự hào mình công chính, vì càng tự hào thì càng dễ trở nên bất chính do chính sự tự hào ấy: «Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã» (1 Cr 10,12).

Ngày ấy, sẽ có rất nhiều người tưởng mình công chính vì tự thấy mình chưa bao giờ làm một điều gì xấu, lại làm được biết bao việc phúc đức, nhưng lại không được coi là công chính, mà thậm chí ngược lại, vì:

-    biết bao nhiêu lần họ đã bỏ qua không làm những việc quan trọng và cần thiết mà đấng bậc họ buộc phải làm;

-    họ có thói quen thờ ơ trước những đau khổ cùng quẫn của người chung quanh, họ không làm gì cả mà lương tâm chẳng hề cắn rứt;

-    họ thường xuyên nhắm mắt làm ngơ để mặc bất công hoành hành đang khi mình có khả năng can thiệp hoặc chặn đứng lại được;

-    họ hay tự hào về những việc tốt lành của mình đồng thời lên mặt khinh chê người khác;

Và cũng biết bao người tỏ ra khô khan nguội lạnh nên tưởng mình là bất chính nhưng lại được Chúa xét là công chính, vì:

-    đã thực tình sám hối và quyết tâm không bao giờ tái phạm, nhưng họ vẫn tái phạm vì yếu đuối, và họ thật sự hối hận vì sự yếu đuối ấy;

-    biết mình yếu đuối, nên luôn luôn tỏ ra khiêm nhường, biết cảm thông với những yếu đuối, sai lầm của mọi người.

-    khi đụng chuyện cần phải hy sinh cho tha nhân thì đã hy sinh một cách quảng đại, không tính toán, biết quên mình thật sự;

3.   Số phận con người khi ấy được định đoạt khác nhau 

Trong bài Tin Mừng, Ðức Giêsu cho biết: «Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại» (Mt 24,40-41). Chúng ta chưa biết ý nghĩa chắc chắn của hai từ được đem đi và bị bỏ lại, nhưng qua đó, ta biết được số phận mỗi người lúc ấy được định đoạt một cách khác nhau: kẻ bị người được, kẻ khổ người sướng. Tất cả đều tùy thuộc vào cách sống, cách cư xử và hành động của mỗi người ở trần gian: «Ngài cứ theo công việc mỗi người mà xét xử» (1 Pr 1,17; Kh 20,12-13)*, «sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm» (Mt 16,27; x. Rm 2,6)**. Thánh Giacôbê còn cho biết: «Ðừng ham làm thầy thiên hạ, vì anh em sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn» (Gc 3,1).

Ðó là ngày của công lý. Những kẻ gây bất công sẽ phải đền tội: «Thiên Chúa sẽ trả báo, nghĩa là bắt những kẻ gây gian truân cho anh em phải chịu gian truân» (2 Tx 1,6), «Ai ăn ở bất công sẽ được trả theo điều bất công mình làm; không có chuyện thiên vị» (Cl 3,25). Còn những kẻ đã phải đau khổ và chịu bất công vì Thiên Chúa, vì tha nhân, sẽ được đền đáp: «Anh em sẽ được coi là xứng đáng tham dự Nước Thiên Chúa, chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ» (2 Tx 1,5). 

4.   Cần phải tỉnh thức

Vì không ai biết được ngày quang lâm của Chúa xảy đến lúc nào, và xảy ra thế nào, nhưng có điều chắc chắn là sẽ có nhiều điều rất bất ngờ, không ai dè trước được. Chính vì thế, Ðức Giêsu đề nghị với chúng ta một thái độ khôn ngoan, đó là phải tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là phải sống làm sao để dù Chúa đến vào bất kỳ lúc nào, dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc xét xử công minh đến đâu, thì ta vẫn có thể đứng vững trước mặt Ngài. Vậy cần phải tỉnh thức cách nào?

Thái độ tốt nhất trước mặt Thiên Chúa là thái độ tự hủy và yêu thương. Tự hủy là coi nhẹ cái tôi của mình, không coi mình là cái gì quan trọng, không tự hào, không tự cho mình hơn ai, không kết án ai, và cũng không coi ý riêng của mình là sáng suốt, khôn ngoan hơn người. Yêu thương là thể hiện tinh thần tự hủy một cách tích cực hơn, ích lợi hơn cho tha nhân: sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích và hạnh phúc của tha nhân. Yêu thương đòi hỏi phải tự hủy như một điều kiện cần thiết. Không thể yêu thương đích thực nếu không tự hủy. Sống tinh thần tự hủy và yêu thương như thế là cầu nguyện đúng nghĩa nhất: cầu nguyện bằng chính cuộc sống, là kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa nơi tha nhân, một sự kết hiệp thực tế và bằng hành động cụ thể. Ðó là cách tích cực để ta nên công chính trước mặt Thiên Chúa.

Thiên Chúa xét xử ta khoan hay nghiêm tùy thuộc rất nhiều vào sự khoan nghiêm của ta đối với tha nhân: «Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn với ai biết thương xót, thì Người chẳng quan tâm đến việc xét xử» (Gc 2,13). Ngài không thể không tha thứ cho những ai luôn luôn tha thứ. Ngài sẽ phải tha thứ vô điều kiện cho những kẻ luôn luôn tha thứ vô điều kiện. Chắc chắn Ngài không thể thua con người về lòng khoan dung. Vả lại chúng ta đã hợp đồng với Chúa như thế khi đọc kinh Lạy Cha, theo sự chỉ dạy của Ðức Giêsu: «Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con» (Mt 6,12; x. Lc 11,4)***. Khốn cho chúng ta nếu đã hợp đồng với Chúa như thế mà lại không biết tha thứ: «Nếu anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như vậy» (Mt 18,35). Như thế, luôn luôn tha thứ cho mọi người một cách vô điều kiện, dù lỗi họ có nặng đến đâu, không cần họ phải hối hận hay xin lỗi, là một bí quyết giúp ta hoàn toàn trắng án trong ngày đó, cho dù tội lỗi ta có nặng đến đâu.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết sống yêu thương, quên mình, đồng thời biết cảm thông với những đau khổ cũng như những yếu đuối của tha nhân, để con biết ra tay cứu giúp, biết tha thứ những lầm lỗi của họ. Con nghĩ đó là cách tỉnh thức đón chờ Ðức Giêsu đến một cách khôn ngoan nhất. Xin cho con thực hiện được những điều ấy, để ngày ấy Cha sẽ hài lòng về con và ngày ấy cũng sẽ là ngày hạnh phúc nhất của con. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Xin bấm vào đây để đọc một bài suy niệm khác của cùng tác giả cũng về bài Tin Mừng này. 

___________________

Phụ Chú:

Có những câu Kinh thánh được giới thiệu trong bài nhưng chưa được trích dẫn (có đánh dấu hoa thị *), xin ghi ra đây để Quý Vị dễ dàng tham khảo:

* Mt 24,44 => «Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.» 
  Lc 12,40 => «Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.» 

** 1 Tx 5,2 => «Chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.» 
    2 Pr 3,10 => «Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ.» 

*** Mt 20,16 => «Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.» 
     Lc 13,30 => «Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.» 

**** Lc 18,9-14 => «Ðức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.» 

***** Rm 9,30-33 => «Vậy phải nói sao? Phải nói rằng: các dân ngoại không tìm cách để được nên công chính, thì được nên công chính, mà được nên công chính là nhờ đức tin. Còn dân Ítraen tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó. Tại sao thế? Tại vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm. Họ đã vấp phải hòn đá làm cho vấp, như có lời chép rằng: Này đây Ta đặt tại Xion một hòn đá làm cho vấp, một tảng đá làm cho ngã; nhưng kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.» 

* Kh 20,12-13 => «Rồi tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Biển trả lại những người chết nó đang giữ; Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm.» 

** Rm 2,6 => «Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm

*** Lc 11,4 => «Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con.»