Giáo
Điểm Trên Cao
Phim Truyền Giáo
Tóm lược truyện phim
Ngược dòng thời gian vào thế
kỷ 18, bộ phim Giáo Điểm (The Mission) nói về các linh mục dòng Tên người Tây
Ban Nha cố gắng bảo vệ một bộ lạc xa xôi vùng Nam Mỹ có nguy cơ rơi vào sự cai
trị của chế độ thực dân Bồ Đào Nha.
Các sự kiện trong bộ phim
này là có thật, và diễn ra giữa biên giới Argentina,
Paraguay và Brazil
vào những thập niên 1750. Cha Gabriel đi vào vùng đất Guarani ở Nam Mỹ với mục
đích truyền giáo cho dân bản địa ở đây. Ngài đã sớm xây dựng được một giáo điểm,
nơi đây ngài nhận Rodrigo Mendoza, một người buôn bán nô lệ, tìm việc đền tội. Hiệp
ước chuyển đất từ Tây Ban Nha cho Bồ Đào Nha, Bồ Đào Nha muốn bắt người dân bản
địa làm nô lệ. Mendoza
và Gabriel quyết tâm bảo vệ giáo điểm, nhưng hai người không đồng ý về cách
thực hiện nhiệm vụ.
Bộ phim này đã dành được giải Oscar và 7 giải thưởng quốc tế lớn nhỏ khác nữa.
Suy tư về bộ phim
Bộ phim cho chúng ta bài học
nào về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, cách riêng đối với các việc truyền
giáo của Giáo Hội Việt Nam?
Quả thật, bộ phim đã để lại
cho chúng ta bài học quý giá về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, và cách riêng
là cho Giáo Hội Việt Nam:
Bài học thứ nhất:
Trước khi nói đến truyền
giáo, thì thiết tưởng cần phải làm thế nào đó để cải thiện đời sống vật chất
của người dân nơi ta đến trước đã. Sau khi trở về từ giáo điểm để tuyển mộ thêm
người cho việc truyền giáo nơi đây, lúc được hỏi về việc truyền giáo như thế
nào, cha Gabriel đã không ngần ngại thừa nhận rằng số người trở lại thì ít
nhưng cuộc sống của những người dân nơi ấy được cải thiện rất nhiều.
Đó là bước đầu tiên và là nền tảng quan
trọng cho công cuộc truyền giáo. Quả thế, ai sẽ nghe chúng ta giảng, ai
sẽ tin những lời chúng ta nói, ai sẽ tin vào vị Thiên Chúa mà chúng ta đang tin
nếu chẳng cho họ thấy được đâu là sự khác biệt, sự đổi thay nơi cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam
hiện nay, cải thiện cuộc sống người dân tại các giáo điểm không có nghĩa là
hoàn toàn mang tiền bạc mua gạo, mắm, muối… rồi phân phát cho họ. Thật chẳng
sinh ích lợi gì, mà nếu có thì ích lợi ấy cũng chẳng được lâu bền, nếu chúng ta
chỉ dừng lại ở đó.
Hay hơn cả, quan tâm cải
thiện đời sống của người dân cần phát xuất từ “cái gốc”. Làm sao để nâng
cao trình độ văn hóa nhận thức cho họ, để dần dần thay đổi lối suy nghĩ ỷ
lại của họ, rồi trao cho họ phương tiện lao động, cung cấp phương
pháp để với sức mình, tự tay họ làm ra những sản phẩm có thể nuôi sống
bản thân, gia đình, và xa hơn là cải thiện đời sống của cộng đồng xã hội
ấy.
Bài học thứ hai:
Đó là cần tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của
những con người nơi ta đến. Các cha Dòng Tên đã đứng ra bảo vệ phẩm giá và đòi
hỏi tôn trọng người Guarani như một con người, chứ không phải là “một con vật
biết tiếng người” như lời của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Để làm được điều này thì cần
sống với họ, hiểu biết về văn hóa của họ mới có thể thông
cảm cho họ về những điều xem ra quá dã man (như việc những người
Guarani giết con của mình sinh ra chẳng hạn). Phải thừa nhận rằng, đây là điều
mà ngày xưa một số vị thừa sai đến Việt Nam không mấy quan tâm, thậm chí còn
lên án các cha Dòng Tên là những người tiên phong trong vấn đề hội nhập văn hóa.
Dù muốn dù không thì chúng
ta cũng cần phải thừa nhận tính tương đối của văn hóa. Đâu phải
cái gì ta mang đến cũng đều tốt đều hay và cái gì của người ta đều là “man di
mọi rợ”. Và ta cũng đâu thể áp dụng chuẩn mực của nền văn hóa này cho một nền văn hóa khác.
Ngày nay, Giáo Hội đã nhấn mạnh đến việc hội nhập văn hóa, vì đó là điều
kiện tối quan trọng cho hạt giống Tin Mừng có thể trổ sinh hoa trái và
phát triển.
Bài học thứ ba:
Đó là thái độ vâng phục của các
tu sĩ Dòng Tên cũng có thể là một trong những bài học cần được xem xét đến. Cha
Rodrigo đã thực thi đức vâng lời để nói lên lời xin lỗi trước cử tọa dù cho
những lời ngài nói trước đó là đúng về việc có nô lệ trên đất Tây Ban Nha. Việc
truyền giáo đôi khi cũng cần phải có những lời xin lỗi như thế. Lời xin lỗi ấy
không phải là thái độ nhu nhược, thỏa hiệp hay bao che cho sự xấu, nhưng thiết
tưởng nó cần thiết cho một sự thiện cảm với Giáo Hội, với Tin Mừng.
Giáo Hội chúng ta đã từng
sai lầm,
đó là điều chúng ta không thể chối cãi, và Giáo Hội đã lên tiếng xin
lỗi thế giới. Tại Việt Nam
chúng ta cũng đã từng có những hiểu lầm đáng tiếc về các tôn giáo bạn. Ngay nay,
việc đối
thoại liên tôn, không chỉ trong toàn Giáo Hội mà ở Việt Nam, cũng
đang được quan tâm và gặt hái được những kết quả đáng khích lệ. Và chúng ta
biết rằng, Giáo Hội tuy thánh thiện nhưng cũng là tập hợp những con người bất
toàn nên chắc chắn sẽ còn có những sai lầm khác.
Vì thế, chúng ta là thành
phần của Giáo Hội, và là Giáo Hội, chúng ta cũng cần “mở to mắt” mình ra để nhận
thấy những sai lầm của mình để bày tỏ lời xin lỗi, chứ không phải biện hộ
cho những sai trái của mình. Có như thế, việc truyền giáo của Giáo Hội trong xã
hội ngày nay mới có thể bám rễ sâu vào lòng người của thời đại này.
Bài học thứ tư:
Ngoài ba bài học trên đây, lẽ
dĩ nhiên là còn có thêm những bài học khác nữa, chẳng hạn như để truyền đạt Tin
Mừng cho những vùng miền xa xôi thì ít ra ta cũng phải biết ngôn ngữ của
người ta, hay là những bài học về kinh nghiệm cuộc sống để
có thể di chuyển nơi những địa hình khó khăn hiểm trở, hay là những kiến
thức để tự bảo vệ sức khỏe mình và giúp người khác…
Nói chung, có nhiều bài học
cho việc truyền giáo nhưng chỉ xin trình bày những bài học chính yếu trên đây, cách
trực tiếp liên quan đến bộ phim “The Mission” này.
***
Cần phải thừa nhận rằng Giáo Hội mà Hồng y Altamirano là vị đại diện có liên quan trực tiếp, nếu không muốn nói là đã góp phần vào cái chết của bộ tộc Guarani và các nhà thừa sai. Là người được cử đến để giải quyết vấn đề liên quan đến các giáo điểm, vị Hồng y đã quá nhu nhược và yếu thế trước hai thế lực đang cấu kết với nhau để loại trừ Giáo Hội, và đặc biệt là loại trừ Dòng Tên. Ngài đã thật “sáng suốt” khi nói sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào cho đến khi được tận mắt chứng kiến các giáo điểm. Vậy mà sau khi ngài đã thăm viếng các giáo điểm, thấy được đời sống của các thổ dân nâng cao, chứng kiến được hạt giống Tin Mừng đang trổ sinh hoa trái thì ngài lại quyết định “Họ phải rời giáo điểm”. Thực tế, nếu ta chú ý đến chi tiết đối thoại giữa vị Hồng y và cha Gabriel, sau khi quyết định của Hồng y bị các thổ dân chống đối, ta biết rằng Hồng y đã biết có quyết định ấy trước khi đến thăm các giáo điểm. Mục đích chuyến viếng thăm là cốt để thuyết phục các cha Dòng Tên đừng chống đối việc chuyển nhượng các giáo điểm, như Hồng y đã thừa nhận.
Nếu ở vào trường hợp của Hồng y Altamirano, có lẽ chúng ta cũng sẽ dễ dàng thông cảm cho ngài chăng, bởi một bên là quyền lợi của Giáo Hội ở Châu Âu và nguy cơ Dòng Tên bị trục xuất khỏi Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, còn bên kia là các giáo điểm của những người thổ dân. Tuy nhiên, dù có biện hộ cách nào đi nữa thì ta cũng không thể phủ nhận trách nhiệm liên đới của Hồng y đến các chết của những con người nơi đây, bởi ta thấy sau khi sự việc đã rồi, chính hai người đại diện của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã quay sang quy trách nhiệm cho ngài: “Tôi đã thực hiện chính nghĩa với phép của Đức Hồng Y”.
Giáo Hội trong lịch sử đã không ít lần sai lầm, và lần này sự sai lầm đã lấy đi biết bao sinh mạng của con cái mình. Làm sao Đức Hồng Y có thể có được bình an khi chính ngài đã thừa nhận và lãnh lấy cái trách nhiệm ấy: “Chính ta tạo nên thế giới, và chính tôi cũng tham dự vào đấy nữa”. Lời thú tội muộn màng của Hồng Y Altamirano, đồng thời là sự dằn vặt nội tâm của ngài sẽ luôn mãi là lời nhắc nhở cho Giáo Hội nói chung, và cách riêng cho những ai mà Chúa đã đặt lên để thay mặt Chúa chăm sóc đoàn chiên, về trách nhiệm bảo vệ con cái mình trước nanh vuốt của thế lực sự dữ luôn có trong mọi thời đại.
.