Monday, July 29, 2019

Đức Vâng Phục trong đời sống Kitô hữu



Đức Vâng Phục
trong đời sống Kitô hữu


Nguyễn Chính Kết


Đức Vâng Phục là một đức tính căn bản và trụ cột trong tổ chức Giáo Hội và trong đời sống tâm linh Kitô giáo. Vì thế, chúng ta cần tìm hiểu để thực hành nhân đức này một cách đúng đắn. Nhiều Kitô hữu chỉ hiểu Đức Vâng Phục theo nghĩa cạn cợt là bề trên bảo sao thì làm đúng như vậy, mà không nhìn ra mục đích của Đức Vâng Phục là thực hiện Thánh Ý của Thiên Chúa. Do đó, khi vâng lời chỉ vì luật buộc, chỉ vì muốn lấy lòng bề trên, vì muốn được tiếng khen, chứ không nhằm thực hiện thánh ý Thiên Chúa, nhất là khi biết lệnh của bề trên không phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa mà vẫn cứ vâng lời, thì sự vâng lời đó không phải là nhân đức.
Vâng lời là một cách tích cực góp phần xây dựng Giáo Hội và cũng làm thăng tiến đời sống tâm linh của chúng ta, nên người Kitô hữu cần hiểu rõ Đức Vâng Phục là gì để vâng phục cho đúng.


***
Tính xã hội và tính Giáo Hội của Đức Vâng Phục
Con người là một con vật có tính xã hội, nên mọi người muốn tồn tại và phát triển đều phải sống thành xã hội. Xã hội nhỏ nhất là gia đình, lớn hơn là lớp học, trường học, cộng đoàn, quốc gia, giáo hội, và lớn nhất là thế giới. Xã hội nào cũng có thể ví như một thân thể, trong đó mỗi cá nhân là một phần thân thể. Thân thể nào cũng có một bộ óc để chỉ huy, lãnh đạo và thống nhất toàn thân thể. Sự sống còn và phát triển của toàn thân tùy thuộc vào sự sáng suốt lãnh đạo của bộ óc, và quan trọng hơn nữa là sự vâng phục của mọi phần thân thể đối với bộ óc.
Nếu các phần thân thể không chịu tuân lệnh của bộ óc, thì dù bộ óc có lãnh đạo sáng suốt tới đâu, thân thể cũng không thể tồn tại, thống nhất và phát triển tốt đẹp được. Và các bộ phận trong một thân thể như thế đương nhiên không tránh được số phận hẩm hiu, buồn thảm. Đối với xã hội, Giáo Hội, hay một cộng đoàn, sự vâng phục cũng cần thiết như vậy. Không có sự vâng phục, xã hội cũng như Giáo Hội không thể có trật tự, có sức mạnh để tồn tại và phát triển tốt đẹp và lâu dài.
Chính vì thế, các linh mục, tu sĩ, vốn là rường cột của Giáo Hội, và tất cả những ai muốn tận hiến cho lý tưởng sống trọn lành, cần phải tuyên khấn hay tự nguyện thực hành Đức Vâng Phục như một nhân đức căn bản của đấng bậc mình. Giáo dân, tuy không tuyên khấn giữ đức vâng lời, nhưng lương tâm Kitô hữu luôn buộc họ phải vâng lời những người có trách nhiệm hướng dẫn hay lãnh đạo mình: con cái vâng lời cha mẹ, học sinh vâng lời thầy, tôi tớ vâng lời chủ, thợ thuyền vâng lời giám đốc… Ngoài ra trong Giáo Hội, người giáo dân phải vâng lời giám mục, cha xứ, hội đồng giáo xứ của mình. Và trong xã hội, người dân phải tuân hành pháp luật và vâng lời chính quyền các cấp.
Nhờ Đức Vâng Phục, của giáo sĩ cũng như giáo dân, Giáo Hội mới có thể đứng vững và luôn luôn phát triển bất chấp những hoàn cảnh lịch sử hết sức khó khăn. Công Đồng Vatican II xác nhận: «Đức Vâng Phục là sức mạnh đặc biệt của các thừa tác viên Chúa Kitô, Đấng đã dùng sự vâng phục để cứu nhân loại» (TG 24,2). Nếu người ta nói: «Kỷ luật là sức mạnh của quân đội», thì ta có thể nói: «Đức Vâng Phục chính là sức mạnh của Giáo Hội».
Trong ba nhân đức của sự trọn lành Kitô hữu và của đời sống tận hiến, hai nhân đức Thanh Khiết và Thanh Bần mang nhiều tính cách cá nhân, nên có thể gọi là tư đức, còn Đức Vâng Phục rõ ràng mang nhiều tính xã hội và Giáo Hội, nên có thể gọi là công đức. Thật vậy, Đức Vâng Phục như một chất keo liên kết tất cả mọi giới, mọi cộng đoàn, mọi thành phần trong Giáo Hội lại với nhau thành một khối vững chắc và duy nhất. Vì thế, Đức Vâng Phục là nền tảng và là trụ cột nâng đỡ tòa nhà Giáo Hội. Như vậy, xét về khía cạnh xã hội và Giáo Hội, Đức Vâng Phục quan trọng hơn hai nhân đức kia. Nó là một yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của Giáo Hội. Giáo Hội Công giáo là một giáo hội phẩm trật, nên Đức Vâng Phục là nhân đức hết sức nền tảng của Giáo Hội.
Tương quan hai chiều của Đức Vâng Phục
Trong thân thể, sự vâng phục thật là quan trọng và tối cần thiết. Nhưng các phần thân thể cho dẫu có tuyệt đối vâng phục bộ óc, mà bộ óc lại không có khả năng lãnh đạo sáng suốt và khôn ngoan – chẳng hạn như trường hợp bộ óc bị bệnh – chắc chắn thân thể và mọi phần thân thể sẽ bị thiệt hại. Vì thế, hai chiều trong tương quan giữa lãnh đạo và vâng phục đều quan trọng và cả hai đều phải được thực hiện tốt đẹp.
Trong xã hội con người, hai chiều ấy tương quan với nhau vừa mật thiết vừa mang tính hỗ tương. Lãnh đạo cho dù sáng suốt tới đâu, nếu không có người vâng phục thì trở nên vô ích, chẳng làm nên tích sự gì. Còn vâng phục cho dù mau mắn và tuyệt đối đến đâu, nếu không có người lãnh đạo sáng suốt thì chẳng những không có lợi mà đôi khi còn có hại. Bề trên có lãnh đạo sáng suốt thì bề dưới mới dễ «tuân phục» (vừa tuân lại vừa phục), và bề dưới có tuânphục thì bề trên mới phát huy hết khả năng lãnh đạo và sự sáng suốt của mình. Do đó, khi nói về Đức Vâng Phục, công bình thì phải nói đến cả hai chiều trong tương quan song phương ấy. Chỉ đòi hỏi bề dưới phải vâng phục, mà không nói tới việc bề trên phải lãnh đạo khôn ngoan sáng suốt, thì quả có phần nào thiên lệch.
Người lãnh đạo tốt phải là người vâng phục tốt
Đương nhiên, để có sự sáng suốt khôn ngoan mà lãnh đạo, chính bề trên cũng cần biết vâng phục: vâng phục Thiên Chúa. Nhưng vì Thiên Chúa không trực tiếp ra lệnh, nên con người cần phải nhận ra mệnh lệnh hay ý muốn của Ngài qua lương tri và lương tâm trưởng thành của mình, qua luật pháp của Chúa, của quốc gia, của tu viện, qua các bổn phận đột xuất và thường hằng của đấng bậc mình, cụ thể nhất qua lệnh của các bề trên và qua ý kiến của các bề dưới mình.
Như vậy, bề trên không phải là người lãnh đạo tuyệt đối, mà chỉ là người lãnh đạo trung gian giữa bề trên cấp cao hơn và bề dưới, hay là một trong nhiều trung gian giữa Thiên Chúa và những người dưới quyền mình. Như thế nghĩa là: không phải khi làm bề trên là cứ việc tùy tiện ra lệnh theo ý riêng mình, vì khi bề trên ra lệnh cho bề dưới, thì lệnh đó phải nhắm thi hành một nhiệm vụ mà bề trên cấp cao hơn đã trao phóù cho mình. Như vậy, chính khi lãnh đạo hay ra lệnh cho bề dưới, bề trên phải thi hành Đức Vâng Phục đối với bề trên cấp cao hơn. Chẳng có một thứ bề trên nào dưới trần gian này mà không có bề trên cấp cao hơn để mình vâng phục. Thiên Chúa là chính là bề trên cấp cao nhất mà tất cả mọi bề trên -cũng như mọi người -đều phải vâng phục. Nhưng chính Ngài cũng phải hành động theo bản tính Thiên Chúa của mình, vì Ngài không thể phản bội chính mình, nghĩa là Ngài cũng phải «vâng phục» chính mình, vâng phục «lương tri» hay bản tính hoàn hảo của mình. Và chắc chắn Ngài chính là mẫu gương vâng phục hoàn hảo nhất cho chúng ta.
Như vậy, ngay cả các bề trên cũng phải vâng phục, thậm chí phải là gương mẫu cho bề dưới về Đức Vâng Phục nữa. Mình có ý hướng vâng phục Thiên Chúa, vâng theo tiếng lương tâm hay bề trên của mình, thì lúc đó, lệnh của mình mới thực sự biểu hiện Thánh Ý của Thiên Chúa cho bề dưới. Nếu bề trên không chịu vâng phục Thiên Chúa, không nghe theo tiếng lương tâm hay nghe theo lệnh bề trên cao cấp hơn mình, thì lệnh mình ra cho bề dưới không phải là Thánh Ý Thiên Chúa. Vì thế, khi tuyển chọn một người làm bề trên, ngoài những tiêu chuẩn về tài đức khác, người có trách nhiệm tuyển chọn phải chọn người nào mà mình tin tưởng rằng người đó hằng vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, sẵn sàng vâng phục bề trên cấp cao hơn, để ai vâng phục người đó thì cũng là vâng phục Thiên Chúa.
Vậy, cả người ra lệnh lẫn người thi hành lệnh, cả bề trên lẫn bề dưới, đều phải vâng phục (vâng phục Thiên Chúa, vâng phục bề trên của mình). Như thế là chẳng ai nên làm theo ý riêng mình cả. Và khi nhắm thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa, thì cả bề trên lẫn bề dưới đều thực hành Đức Vâng Phục.
Vâng phục bề trên là vâng phục Thiên Chúa
Những người được trao quyền làm bề trên của ta một cách hợp pháp, thì quyền đó phát xuất từ Thiên Chúa, được ban qua các vị đại diện cho Ngài ở trần gian, hoặc qua những người được các vị đại diện đó ủy quyền. Vì thế, thông thường mà nói, vâng phục bề trên chính là vâng phục Thiên Chúa.
Trong một nước, quyền lãnh đạo quốc gia được ủy thác cho Tổng Thống hay Chủ Tịch nước. Trên nguyên tắc, tất cả mọi người đều phải tuân lệnh vị nguyên thủ đó. Nhưng dân trong nước thì đông và việc nước thì vô số, làm sao vị nguyên thủ đó có thể ra lệnh trực tiếp trong từng việc cho từng người dân được? Ông phải phân quyền cho những người trung gian, đại diện cho ông trước dân chúng: trực tiếp dưới ông là thủ tướng, rồi tới các bộ trưởng, các tỉnh trưởng, huyện trưởng, xã trưởng… và cuối cùng là các chú công an xã, các ấp trưởng, tổ trưởng… Ngay cả những người lãnh đạo cấp thấp nhất này cũng đều nhận quyền hướng dẫn dân chúng từ vị nguyên thủ quốc gia đó. Vì thế, người dân tuân lệnh họ là gián tiếp tuân lệnh vị nguyên thủ, trái lệnh họ là trái lệnh vị nguyên thủ và có thể bị luật pháp trừng trị. Và vị nguyên thủ quốc gia đó lại phải vâng phục ý muốn chung của toàn dân.
Quyền bính từ Thiên Chúa xuống đến các vị bề trên -cho dù là cấp thấp nhất -của chúng ta cũng như thế. Vì thế, vâng phục các ngài là vâng phục chính Thiên Chúa, là tuân theo Thánh Ý Ngài.
Cốt tủy của Đức Vâng Phục là tình yêu
Mục đích của Đức Vâng Phục là thi hành Thánh Ý Thiên Chúa
Như đã nói trên, chẳng có ai là không phải vâng phục, dù là bề trên hay người ra lệnh. Và mọi hành vi vâng phục, cho dù là vâng phục ai đi nữa, rốt cuộc vẫn phải là vâng phục Thiên Chúa, là thi hành Thánh Ý Cha trên trời. Nếu vâng phục ai, cho dù thật mau mắn và tuyệt đối, mà không có mục đích thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, thì sự vâng phục đó không phải là nhân đức, không phải là Đức Vâng Phục.
Như vậy, cần phải phân biệt giữa sự vâng phục thông thườngnhân Đức Vâng Phục. Sự vâng phục của tên ăn cướp đối với chủ tướng của mình không phải là Đức Vâng Phục. Cũng vậy, một bề dưới tuân lệnh bề trên chỉ vì sợ hãi, vì muốn lấy lòng bề trên, vì muốn được tiếng là nhân đức, hoặc sẵn sàng tuân hành một lệnh trái với Thánh Ý Thiên Chúa của bề trên (mà mình đã biết rõ là sai trái) … thì đó không phải là Đức Vâng Phục. Đức Vâng Phục đòi hỏi người vâng phục phải có ý hướng muốn thi hành Thánh Ý Thiên Chúa. Thiếu ý hướng đó thì hành vi vâng phục không phải là Đức Vâng Phục. Như vậy, cũng là vâng phục, nhưng có thứ đúng thứ sai, thứ có công thứ có tội, thứ là cộng tác thứ là đồng lõa, thứ là nhân đức thứ không là nhân đức.
Và nếu cốt tủy của Đức Vâng Phục là thi hành Thánh Ý Thiên Chúa thì ra lệnh cho bề dưới với mục đích thi hành đúng Thánh Ý Thiên Chúa, thì cũng chính là thực thi Đức Vâng Phục.
Ý Chúa quan trọng hơn lề luật, ý bề trên, bổn phận…
Đối tượng của Đức Vâng Phục không phải chỉ là lệnh bề trên, mà còn là vâng phục lề luật, tiếng lương tâm, là thi hành tốt đẹp những bổn phận đột xuất cũng như thường ngày của mình… Tất cả những việc ấy là những hình thức cá biệt của Thánh Ý Thiên Chúa. Làm những việc ấy chính là thi hành Thánh Ý Chúa. Đó là nguyên tắc chung.
Tuy nhiên, nguyên tắc trên vẫn có thể có những trường hợp ngoại lệ, những kẽ hở của nó: những việc ấy không phải trường hợp nào cũng là Thánh Ý Thiên Chúa. Thánh Ý Thiên Chúa phải là sự thể hiện tình yêu – tình yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân – và thể hiện trật tự tốt đẹp trong mọi sự, mọi lãnh vực. Nhưng có những trường hợp tuân giữ đúng như luật định, làm đúng bổn phận, hay nhắm mắt vâng lời bề trên… lại là trái với tình yêu, với trật tự chung, và do đó, không phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Đây là điểm tế nhị mà không phải lúc nào cũng có thể phân định được rõ ràng. Trên nguyên tắc, những khoản luật cụ thể trong luật Chúa, luật Giáo Hội, luật dòng, lệnh của bề trên, bổn phận của ta, và ngay cả lương tâm ta, đều được coi là Thánh Ý Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, không thể hoàn toàn đồng hóa chúng với Thánh Ý Thiên Chúa. Và đây có thể là những thử thách rất tế nhị để chứng tỏ ta có thực sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân có tinh tế hay không, hay ta chỉ yêu Chúa và tha nhân một cách hình thức, theo nguyên tắc, theo luật định. Yêu như thế không phải là yêu đúng nghĩa.
Trong Thánh Kinh ta thấy Đức Giêsu không phải lúc nào cũng tuân giữ đúng như luật Môsê dạy. Luật Môsê cấm rất ngặt làm việc hay chữa bệnh vào ngày Sabbat, nhưng có những lần Ngài lại chữa bệnh vào ngày đó (x. Mt 12,9-14; Ga 5,1-18; 9,1-34). Luật Môsê khuyên không nên giao tiếp với những người tội lỗi, xa tránh những người phung hủi kẻo bị ô uế, nhưng Ngài lại ăn uống với bọn người thâu thuế và tội lỗi (x. Lc 5,29), giao tiếp và chữa lành những người phung hủi, v. v… Tại sao? Vì tình yêu đối với tha nhân đòi hỏi Ngài phải làm theo sự thúc bách của nó, chứ không phải theo lề luật.
Đối với Ngài, Thánh Ý Thiên Chúa là tình yêu hơn là Lề Luật, cho dù Luật đó là Luật của Thiên Chúa. Khi có sự mâu thuẫn giữa lề luật và tình yêu, lúc đó lề luật không hẳn đã phản ảnh đúng Thánh Ý Thiên Chúa. Chính Thánh Kinh cũng xác nhận việc giữ luật một cách máy móc không có tình yêu không làm người ta nên công chính trước Thiên Chúa (x. Rm 3,20.28; Gl 2,16). Dụ ngôn «Người Samari nhân hậu» (x. Lc 10,29-37) cũng nói lên điều ấy. Vị tư tế hay người Do Thái có thể không muốn chạm vào nạn nhân vì không muốn bị ô uế theo Luật Môsê. Nhưng Đức Giêsu không đồng ý với thái độ vị luật ấy khi tình yêu đòi hỏi phải làm khác với lề luật.
Tôi đã từng chứng kiến tận mắt một trường hợp tương tự. Vào một buổi chiều Chúa Nhật nọ, có hai anh em trong đó một người bị sốt rét rất nặng đến xin một y sĩ chữa bệnh. Đây là vùng quê, cả vùng chỉ có một ông y sĩ. Không may cho người bệnh hôm đó vì đã đến đúng lúc ông y sĩ phải đi lễ Chúa Nhật. Lúc đó lễ ở nhà thờ đã bắt đầu, ông có đi xe thật nhanh tới đó thì cũng trễ lễ mất 5,10 phút. Lễ sáng ông không đi được vì bận việc, trong ngày chỉ còn duy nhất thánh lễ này để ông thi hành «điều răn thứ ba của luật Hội Thánh», lỗi điều răn này theo Giáo Luật là tội nặng. Vì thế, bất chấp lời năn nỉ tha thiết xin cứu mạng của người nhà bệnh nhân, ông dứt khoát ra đi «để giữ trọn luật Chúa», phó thác việc sống chết của bệnh nhân cho Chúa quan phòng…
Như thế, ông y sĩ đã hành động vì lề luật chứ không phải vì yêu thương: người ta có chết thì kệ người ta, còn tôi, tôi giữ luật đã, giữ luật thì «chắc ăn» hơn. Ông giống như những kinh sư Do Thái xưa: thà để cho bệnh nhân lỡ mất cơ hội khỏi bệnh -cho dẫu là lâu năm khó chữa -còn hơn là để mình vi phạm luật ngày Sa-bát (x. Ga 5,1-18; 9,1-34). Rõ ràng Đức Giêsu không hành động như thế nếu không muốn nói là đả kích.
Đức Vâng Phục phải thể hiện Đức Ái
«Thiên Chúa là Tình Yêu» (1 Ga 4,8), và đạo của Ngài là Đạo Tình Yêu: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau» (Ga 13,35). Tất cả mọi lề luật, mọi nhân đức, mọi nghi thức, hay tiếng lương tâm… đều chỉ qui về một mối là Tình Yêu. Cốt tủy của Đức Vâng Phục là thực thi Thánh Ý Thiên Chúa. Mà Thánh Ý của Thiên Chúa cuối cùng cũng chỉ là làm sao để Tình Yêu được thể hiện nơi con người, trong bản thân mỗi người, trong gia đình, trong xã hội, trong Giáo Hội. Vì thế, cái làm cho hành vi vâng phục trở thành nhân đức cũng là Đức Ái, là tình yêu thương thực sự. Hành vi vâng lời nào phản lại yêu thương thì không phải là nhân đức.
Cũng trong tinh thần ấy, Thánh Âu Tinh nói: «Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm». Nghĩa là: hễ hành động do tình yêu sáng suốt thúc đẩy, thì sẽ luôn luôn hợp với Thánh Ý Thiên Chúa, cho dù hành động đó đôi khi không phù hợp với lề luật hay lệnh truyền của bề trên. Do đó, không phải cứ tuân hành lề luật cho tốt, cứ nhắm mắt làm theo lệnh bề trên là luôn luôn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Tình Yêu vẫn là yếu tố tối quan trọng để làm cho một hành động có giá trị trước Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết: «Cho dù tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có Tình Yêu, thì chẳng ích lợi gì cho tôi» (1 Cr 13,3). Tương tự như vậy, cho dù tôi có giữ luật từng ly từng chút như các kinh sư Do Thái xưa, có luôn luôn tuân hành bề trên một cách tuyệt đối đi nữa, nếu không có Tình Yêu, thì những hành động ấy chẳng có giá trị bao nhiêu trước mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn «thèm lòng chứ không thèm thịt», như Đức Giêsu đã trưng dẫn lời của ngôn sứ Hôsê: «Ta muốn Tình Yêu chứ đâu muốn lễ tế» (Mt 12,7 // Hs 6,6). Do đó, vâng phục chỉ thực sự là nhân đức khi có tình yêu bên trong.
Trong cuộc sống thường ngày, khi làm cha mẹ hay bề trên, ta dễ nhận ra có một số trường hợp đặc biệt, mà con cái không vâng lời ta thì lại hợp ý ta hơn. Chẳng hạn, ngày tết, cha mẹ bảo con cái đừng tốn tiền trong việc mua lễ vật biếu tết mình vì thấy chúng nghèo. Ta không muốn việc lễ tết trở thành gánh nặng cho chúng, làm thiệt hại đến con cái của chúng, cũng là cháu chắt mình. Nhưng ta sẽ cảm thấy khá hài lòng khi chúng không làm theo lệnh ấy, vì sự bất tuân đó phát xuất từ tình yêu của chúng đối với ta. Hay như bà mẹ chồng thường la rầy nàng dâu mỗi lần nàng đi chợ mua quà về cho bà. Miệng bà la, nhưng lòng bà rất vui vì cảm thấy nàng dâu thương yêu mình: bị la rầy mà vẫn cứ mua cho mình, và bà cảm thấy thương nàng dâu hơn. Nếu nàng dâu cứ vâng lời bà thì cô không chứng tỏ được lòng quí mến của mình đối với mẹ chồng.
Đương nhiên các bề dưới không nên lạm dụng lý do đó để bất tuân lệnh bề trên. Đó chỉ là một thí dụ điển hình chứng minh rằng giữa ý muốn của Thiên Chúa và luật lệ của Ngài, giữa ý của bề trên với lệnh của bề trên không phải lúc nào cũng là một. Trong những trường hợp có sự khác biệt như thế, ta nên làm theo ý của Chúa hay ý của bề trên hơn là những luật lệ hay những lệnh truyền bên ngoài.
Đương nhiên những trường hợp này đòi hỏi nhiều tình yêu cũng như sự tinh tế mới nhận ra được.
Đức Vâng Phục đòi hỏi sự đối thoại
Đối thoại để biết rõ ý Chúa hơn
Bản chất và mục đích của Đức Vâng Phục là thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, nên Đức Vâng Phục, tự bản chất, đòi hỏi phải có sự đối thoại. Nhờ đối thoại, Thánh Ý Thiên Chúa mới được nhận biết chính xác, đúng mức. Nhờ đối thoại, lệnh của bề trên mới có nhiều cơ may đúng với Thánh Ý Thiên Chúa hơn. Vì khi bề trên ra lệnh, vấn đề quan trọng không phải là lệnh của mình có được tuân hành không, mà là Thánh Ý Thiên Chúa có được thi hành hay không. Làm sao một bề trên có thể tự hào là mình luôn luôn sáng suốt, biết rõ Thánh Ý Thiên Chúa để ra lệnh, mà không cần bàn hỏi ai, nhất là bàn hỏi với những người có nhiệm vụ thi hành lệnh của mình? Sự khôn ngoan thận trọng mà bản chất Đức Vâng Phục đòi hỏi – tức Thánh Ý Thiên Chúa phải được thực hiện – buộc rằng vâng phục phải được thực hành trong đối thoại, nhất là trong những việc quan trọng, để bề dưới không chỉ «vâng» mà còn «phục» nữa.
Ý Chúa cũng được biểu hiện qua quan điểm của bề dưới
Đối tượng của Đức Vâng Phục là Thánh Ý Thiên Chúa, nên dù là bề trên hay bề dưới, ai cũng phải tìm Thánh Ý Thiên Chúa mà thực hiện. Nền linh đạo cổ truyền thường chỉ nói một chiều: bề dưới phải tìm Thánh Ý Thiên Chúa nơi lệnh của bề trên, mà ít nói tới bề trên cũng phải tìm Thánh Ý Thiên Chúa nơi ý kiến, quan điểm của bề dưới. Tục ngữ Việt Namcó câu: «Ý dân ý Trời» nói lên tinh thần đó – đương nhiên dân ở trong câu tục ngữ này phải hiểu là đa số bề dưới, chứ không phải chỉ là một cá nhân hay một thiểu số bề dưới nào.
Trong thực tế, quan điểm của bề trên không phải lúc nào cũng đúng hơn, cũng phù hợp với Ý Chúa hơn quan điểm của bề dưới. Lịch sử Giáo Hội cũng như lịch sử các dân tộc cho ta thấy có vô số trường hợp bề dưới suy nghĩ đúng hơn, cao hơn, hợp với Thánh Ý Thiên Chúa hơn bề trên.
Đúng ra bề trên nên mong muốn cho bề dưới điều đó, và vui mừng khi thấy bề dưới được như thế, vì «con hơn cha là nhà có phúc». Vả lại, có nỗ lực giúp cho bề dưới suy nghĩ đúng hơn mình thì xã hội, thế giới, trong đó có giáo xứ, dòng tu, chủng viện, giáo phận, Giáo Hội… mới tiến hóa được. Bề trên mà lúc nào cũng nghĩ rằng chỉ có mình là đúng, thì bề dưới khó bề mà tiến lên được.
Bề trên thường suy nghĩ đúng hơn bề dưới, nhưng không phải luôn luôn.
Bề trên có năng hỏi ý kiến bề dưới, có cho phép bề dưới tham dự vào trách nhiệm mà Chúa trao phó cho mình, thì bề dưới mới khôn lên, mới phát huy sáng kiến và tinh thần ý thức trách nhiệm trong việc thi hành Thánh Ý Thiên Chúa. Một vị bề trên hành xử như vậy thường được bề dưới yêu mến, kính phục và cảm thấy vui tươi thoải mái khi vâng lời ngài. Bề trên nào không chịu tìm hiểu quan điểm, ý kiến, cách suy nghĩ của bề dưới, mà luôn luôn coi thường bề dưới, chỉ biết ra lệnh theo ý riêng và theo suy nghĩ riêng của mình, thường chỉ làm cho bề dưới hoặc bất mãn, bất phục, hoặc chỉ vâng lời như một cái máy, không cần biết đến ý Chúa mà chỉ biết đến ý bề trên thôi. Vâng lời như thế không phải là Đức Vâng Lời. Vị bề trên như thế có lẽ đã nhắm thi hành ý riêng mình hơn ý Chúa, và thường là người độc tài, độc đoán, hay bảo thủ lập trường của mình. Bề trên mà hành động như thế thì chính vị ấy đã lỗi Đức Vâng Lời.
Tuy nhiên, tâm lý đó rất dễ hiểu và dễ xảy ra, vì bề trên thường là bậc thầy của bề dưới, do sinh ra trước cả một thế hệ, nên vừa được học hỏi nhiều hơn vừa lắm kinh nghiệm hơn. Vì thế bề trên dễ nghĩ rằng mình luôn luôn nghĩ đúng hơn bề dưới. Thực ra bề trên chỉ có khả năng nghĩ đúng hơn, và thường nghĩ đúng hơn bề dưới, chứ không phải luôn luôn nghĩ đúng hơn. Thật vậy, bề trên dù có giỏi hay kinh nghiệm gấp trăm lần bề dưới, cũng không hẳn đã nhìn thấy hết được những gì bề dưới nhìn thấy. Vả lại, bề trên tuy hiểu biết và kinh nghiệm nhiều, nhưng thành kiến và định kiến cũng nhiều, tính nhậy bén thích ứng với hoàn cảnh mới không bằng tuổi trẻ, nên có thể có những vấn đề bề dưới thấy rõ và đúng hơn bề trên. Ai làm bề trên thì cũng đã từng có thời gian làm bề dưới, nên chắc chắn có kinh nghiệm rằng: thời gian đã chứng tỏ có một số suy nghĩ của mình cuối cùng lại đúng hơn của bề trên mình.
Cách nhìn của bề trên và bề dưới thường bổ túc cho nhau để thấy rõ ý Chúa hơn
Như vậy, không phải là chỉ bề trên mới có lý hay chỉ bề dưới mới có lý. Mà là bề nào cũng có lý của mình, nhưng bình thường không bề nào nhìn thấy ý Chúa một cách toàn diện cả. Bề trên thấy khía cạnh này mà không thấy khía cạnh kia, còn bề dưới thì lại thấy ngược lại. Thánh Ý Thiên Chúa là một thực tại không đơn giản, không đơn thuần một mặt, mà có thể có nhiều mặt, và thường vượt khỏi cách nhìn của loài người. Vì nhiều mặt, nên mỗi người thường chỉ thấy được một hay vài mặt, người thấy mặt này, kẻ thấy mặt kia, khó có ai thấy được mọi mặt. Muốn thấy ý Chúa một cách toàn diện hơn thì phải có đối thoại, trao đổi giữa bề trên và bề dưới, giữa những khuynh hướng khác biệt nhau để bên này thấy được cái nhìn – mà mình còn thiếu – về Thánh Ý Thiên Chúa của bên kia, và nhờ đối thoại như vậy, hai bên mới có sự thông cảm yêu thương nhau.
Việc đối thoại nên là sáng kiến của bề trên
Việc đối thoại nên khởi từ gợi ý của bề trên hơn từ bề dưới. Bề trên có chủ trương đối thoại, có thiện chí muốn nghe ý kiến của bề dưới, thì bề dưới mới dám an tâm bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình, đôi khi khác hẳn hoặc ngược hẳn với suy nghĩ của bề trên. Tâm lý của bề dưới thường rất ngại ngùng và dè dặt khi phải trình bày một ý kiến ngược lại với lệnh truyền hay với cách suy nghĩ của bề trên.
Nếu bề trên thực sự có tinh thần đối thoại để tìm ra Thánh Ý Thiên Chúa một cách khách quan hơn, thì nên kiên nhẫn nghe bề dưới trình bầy hết ý kiến của họ, rồi tự mình suy xét thêm trước khi quyết định. Dẫu sao quyết định cuối cùng cũng là do bề trên, nên bề trên có nghe bề dưới trình bày thì chẳng những không hại gì, mà còn làm cho quyết định của mình trở nên sáng suốt, khách quan hơn, do mình thấy được nhiều chiều kích của vấn đề hơn.
Đương nhiên đối thoại không nên là cách để bề trên dùng chỉ với mục đích thuyết phục bề dưới hiểu và chấp nhận lập trường đã có sẵn mà mình quyết tâm không bao giờ thay đổi, bất chấp ý kiến của bề dưới hay hoặc dở. Đối thoại phải là cách để hai bên cùng tìm Thánh Ý Chúa: mỗi bên đều nhận ra một khía cạnh nào đó của ý Chúa. Nhờ đối thoại mà cả hai bên đều thấy ý Chúa sáng tỏ hơn.
Vâng lời Thiên Chúa hơn loài người
Điều quan trọng là Thánh Ý Thiên Chúa được thực hiện, nên bổn phận của bề dưới không phải chỉ là vâng phục bề trên, mà còn phải làm cho sự vâng phục của mình, hay sự việc sẽ xảy ra trong tương lai phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa nữa. Vì khi vâng phục bề trên, ta không nhắm vâng phục chính vị bề trên ấy, mà vâng phục Thiên Chúa qua mệnh lệnh của bề trên.
Thứ linh đạo xưa chủ trương «vâng phục tối mặt» -chỉ biết đến ý bề trên chứ không cần biết đến ý của Thiên Chúa, hay hoàn toàn đồng hóa ý của bề trên với ý của Thiên Chúa – không còn hợp thời nữa. Vì thực ra, ý của bề trên không phải lúc nào cũng phù hợp với ý của Thiên Chúa, vì bề trên cũng là một con người, có thể đúng mà cũng có thể sai, có thể đẹp lòng Chúa mà cũng có thể không, có thể thánh thiện mà cũng có thể tội lỗi, có thể muốn thực thi Thánh Ý Thiên Chúa mà cũng có thể chống lại. Mà bổn phận của chúng ta là vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục bất cứ người nào khác, cho dù là vâng phục Chúa thông qua loài người.
Vì thế, khi nhận ra có sự mâu thuẫn rõ ràng giữa ý bề trên với ý Thiên Chúa, bề dưới có bổn phận phải trình bày với bề trên ý kiến của mình, để nhờ sự góp ý đó, bề trên có thể nhận ra ý của Thiên Chúa rõ ràng hơn. Và với ý hướng tìm Thánh Ý Thiên Chúa, bề trên sẽ lắng nghe với tinh thần cởi mở. Biết bề trên ra lệnh sai trái mà vẫn cứ vâng phục, thì vô tình hay hữu ý, ta đã làm trái ý Chúa, hay một cách nào đó là đồng lõa phạm tội với bề trên. Do đó, khi việc vâng phục trái với lương tri hay lương tâm ta, ta không buộc phải vâng phục, và không ai có quyền hợp pháp ép buộc ta làm một điều trái với lương tâm mình.
Quyết định cuối cùng vẫn là ý của bề trên
Tuy nhiên, «vâng phục tối mặt» hay vâng phục mù quáng vẫn có giá trị của nó, nhất là khi người vâng phục chưa có đủ khả năng nhận định được đâu là phù hợp, đâu là trái nghịch với ý Thiên Chúa. Đó là trường hợp vâng phục của trẻ em, của những người chưa đủ trí khôn để phán đoán, hay của những người bối rối không dám nhận định dứt khoát đâu là đúng đâu là sai. Hay là trường hợp của chính chúng ta trong những phạm vi vượt khỏi khả năng phán đoán của mình. Thật vậy, trong những trường hợp đặc biệt, khi ta không xác định được Thánh Ý Thiên Chúa thế nào, thì cách tốt nhất là vâng phục bề trên, vì bề trên thường có nhiều khả năng nhận biết ý Chúa hơn ta, và có nhiều ơn Chúa soi sáng hơn ta.
Cũng vậy, trong trường hợp bề dưới đã trình bày hết ý kiến của mình nhưng bề trên lại quyết định cách khác, thì bề dưới cứ việc an tâm tuân hành ý bề trên và coi đó là Thánh Ý Thiên Chúa. Trừ trường hợp biết chắc chắn và rõ ràng rằng ý bề trên đi ngược lại Thánh Ý Thiên Chúa, lúc đó, đức vâng lời đòi buộc mình phải vâng phục Thiên Chúa hơn bề trên.
Tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X (Đà Lạt) nơi tôi có hân hạnh được tu học, mỗi lần các vị bề trên học viện họp lại với nhau để bàn về một vấn đề gì quan trọng, thì hầu như buổi họp nào cũng là một cuộc tranh luận sôi nổi, ý kiến của bất kỳ người nào, cho dù của linh mục viện trưởng cũng có thể bị phê bình một cách gay gắt, kịch liệt. Nhưng tất cả mọi phê bình, chỉ trích, phản đối, thậm chí bực tức chỉ xảy ra trong buổi họp đó, hay trong những buổi họp kế tiếp nếu chưa giải quyết xong. Một khi đã có quyết định của linh mục viện trưởng – người có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng – thì vấn đề coi như đã giải quyết dứt khoát. Tất cả mọi vị hướng dẫn khác trong học viện đều thi hành quyết định đó một cách vui vẻ, mau mắn, coi đó là Thánh Ý Thiên Chúa, và không bao giờ đưa ra phê bình chỉ trích, tỏ vẻ bất mãn hay đặt lại vấn đề với nhau nữa. Điều đáng lưu ý nữa là trước những buổi họp quan trọng như thế, thì vị giám luật hoặc giám học đã họp tất cả các chủng sinh trong học viện lại -họp chung tất cả hoặc họp theo từng lớp -để hỏi ý kiến họ về một số vấn đề có liên quan đến chính họ và đến học viện. Và những ý kiến khác nhau của họ luôn luôn được nêu lên trong những buổi họp quan trọng ấy để tất cả các vị hướng dẫn cùng cứu xét.
Được hỏi ý kiến như thế, mọi người đều cảm thấy mình được góp phần vào quyết định chung của các bề trên, vào quyết định mà chính mình sẽ phải thi hành. Được góp phần như thế, mọi người đều cảm thấy mình được trân trọng, và thấy quyết định của bề trên không phải là một cái gì hoàn toàn của người khác áp đặt trên mình. Và sự vâng phục của họ đối với những quyết định ấy trở nên ý thức hơn, tự nguyện hơn, vui vẻ hơn.
Cần đối thoại trong cầu nguyện và tìm Thánh Ý Thiên Chúa
Khi cả hai bề – bề trên lẫn bề dưới – đều nhắm thực hiện ý Thiên Chúa chứ không phải ý mình, và cả hai đều chân thành tìm hiểu ý Ngài, thì thường không có gì khó khăn trong vấn đề đối thoại. Và sự cảm thông lẫn nhau cũng trở thành dễ dàng. Trong một giáo xứ nọ, hễ cha sở và cha phó bất đồng ý kiến với nhau về cách giải quyết một vấn đề, thì thay vì tiếp tục tranh luận, cả hai đều vào nhà nguyện nửa tiếng để đặt mình trước nhan Thiên Chúa, cầu nguyện, tìm hiểu ý Ngài và xin ơn soi sáng. Kinh nghiệm của hai vị linh mục này là: nhờ cầu nguyện và tìm hiểu Thánh Ý Chúa mà sau đó hai vị luôn luôn tìm được một giải pháp ổn thỏa, sáng suốt hơn tất cả những ý kiến riêng của mỗi người trước đó, và cả hai đều cảm thấy thỏa mãn.
Kết luận
Mục đích của Đức Vâng Phục là thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa đồng thời duy trì và phát triển trật tự tốt đẹp trong đời sống cá nhân cũng như trong cộng đoàn, hay trong xã hội, Giáo Hội. Đức Vâng Phục do đó luôn luôn mang hai chiều kích: cá nhân và xã hội. Hai chiều kích đó phải hòa hợp với nhau: vừa phải làm cho đời sống cá nhân tốt đẹp, vừa phải làm cho trật tự xã hội được hoàn hảo. Tất cả đều phải được thực hiện trong tinh thần yêu thương của Đức Ái Kitô giáo.
Nếu cả bề trên lẫn bề dưới đều nhắm thực thi Thánh Ý Thiên Chúa và thể hiện tình yêu thương thì Đức Vâng Phục sẽ trở nên dễ dàng không có gì trở ngại. Đức Vâng Phục không phải chỉ là nhân đức của bề dưới, mà còn là của bề trên nữa. Khi bề trên lãnh đạo, hướng dẫn đúng ý Chúa, đúng theo đường hướng của Giáo Hội, của dòng tu, hay của bề trên cấp cao hơn mình, và quan trọng là thực hiện điều đó trong tinh thần phục vụ, yêu thương, đối thoại, thì đó chính là thực hành Đức Vâng Phục. Chính nhờ Đức Vâng Phục này mà lệnh truyền của bề trên mới trở thành Thánh Ý Thiên Chúa cho bề dưới. Và bề dưới, khi thực hành Đức Vâng Phục, không những làm cho đời sống cá nhân mình thánh thiện lên mà còn là cách xây dựng và thánh hóa Giáo Hội nữa.
Nhờ Đức Vâng Phục, các Kitô hữu sát tế ý riêng mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Hy lễ đó là hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, vì sát tế ý riêng cũng là sát tế chính mình. Sát tế những thứ khác không có giá trị bằng. Và đó cũng là phương thế hữu hiệu bậc nhất để tự thánh hóa bản thân. «Hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi thì mãi mãi vẫn chỉ là hạt lúa, nhưng nếu chết đi thì nó sẽ sinh hoa kết trái gấp trăm» (Ga 12,24). Đức Vâng Phục làm cho «cái tôi» của ta chết đi, nhường chỗ cho Đức Kitô ở trong ta lớn lên. Chính Đức Kitô đã nêu gương sát tế ấy cho chúng ta: «Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá» (Pl 2,8).

Nguyễn Chính Kết



TN19b - Cầu nguyện bằng hành động: một cách tỉnh thức chờ Chúa đến




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 19 Thường Niên

(07-08-2022)

Bài đào sâu

Cầu nguyện bằng hành động: 
một cách tỉnh thức chờ Chúa đến


  TIN MỪNG: Lc 12,32-48 

Hãy chuẩn bị kho tàng trên trời
Phải sẵn sàng chờ đón chủ trở về


Câu hỏi gợi ý:
1. Tỉnh thức là để làm gì? Đối với người Kitô hữu, tỉnh thức kiểu nào là hữu hiệu nhất, đẹp ý Chúa nhất?

2. Trong đời sống giáo dân, có thể cầu nguyện khi làm bất cứ việc gì không? Có cách nào biến tất cả mọi việc ta làm thành lời cầu nguyện không?

Suy tư gợi ý:

1.  Hãy tỉnh thức. Hãy sẵn sàng.

Đức Giêsu khuyên chúng ta luôn luôn tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức để làm gì? Để luôn luôn sẵn sàng đến trước mặt Chúa bất cứ lúc nào Chúa gọi, với tâm hồn trong sáng, đầy tình yêu và đáng yêu. Một người luôn sống đẹp lòng Chúa, yêu thương mọi người, thì luôn luôn cảm thấy mình sẵn sàng đến trước mặt Chúa. Tỉnh thức đối với họ không phải là một tâm trạng bất an của người phải luôn canh chừng kẻo kẻ trộm hay kẻ cướp tới nhà. Tỉnh thức ở đây là một tâm trạng luôn luôn bình an, không phải nơm nớp lo sợ, vì mọi sự đã được xếp đặt an toàn, kẻ trộm có đến bất ngờ thì cũng bó tay, chẳng lấy được mình cái gì. Tỉnh thức kiểu này mới là khôn ngoan nhất.

Từ nhỏ tôi đã nghe cha linh hướng của tôi kể câu chuyện về vị thánh còn rất trẻ tuổi là Đaminh Saviô. Đó là câu chuyện tôi rất thích và ảnh hưởng đến đời sống của tôi rất nhiều. 


Một hôm, vào giờ chơi thể thao, Saviô đang chơi với chúng bạn ngoài sân. Cha Bốscô bèn gọi thánh nhân ra hỏi:

-  Giả như 15 phút nữa Chúa gọi con về với Chúa, thì bây giờ con làm gì?

-  Con vẫn tiếp tục chơi!

-  Con không đi xưng tội hay cầu nguyện để dọn mình chết sao?

-  Bây giờ là giờ chơi, mọi người có bổn phận phải chơi để thân thể khỏe mạnh. Vì thế, con nghĩ cứ chơi là đẹp ý Chúa nhất. Dọn mình chết không gì tốt bằng làm điều đẹp lòng Chúa nhất. Vả lại, lúc nào tâm hồn con cũng sẵn sàng trở về với Chúa! .


Khi kể câu chuyện ấy xong, cha linh hướng bảo rằng: «
Nếu vào giờ chơi luật tu viện buộc phải chơi, mà các con vào nhà thờ cầu nguyện, thì việc cầu nguyện ấy không đẹp lòng Chúa đâu! Vả lại, chính khi các con chơi để đẹp lòng Chúa vì Chúa muốn giờ đó các con chơi, thì lúc ấy chơi chính là cầu nguyện, mặc dù các con chẳng có vẻ gì là cầu nguyện, hay chẳng có ý hướng cầu nguyện gì lúc ấy cả.»

Từ khi nghe cha linh hướng kể câu chuyện ấy, tôi bắt đầu có ý nghĩ đến hình thức cầu nguyện bằng hành động hay bằng việc làm, và làm việc trong cầu nguyện.



2.  Tỉnh thức theo kiểu cầu nguyện bằng hành động

Tỉnh thức kiểu của Saviô trên có vẻ như không tỉnh thức, nhưng đích thực là luôn luôn tỉnh thức, có vẻ như không cầu nguyện, nhưng đích thực là luôn luôn cầu nguyện.

Tôi cũng thích câu chuyện 2 người ghiền hút thuốc hỏi cha linh hướng. Một người hỏi: «
Thưa cha, vừa cầu nguyện vừa hút thuốc có được không?» Cha nói: «Không được!» Còn người kia hỏi: «Vừa hút thuốc vừa cầu nguyện có nên chăng?» Cha đáp: «Tốt lắm! Nên lắm!» 

Hai câu trả lời ấy rất đúng nhưng lại làm cho hai người có hai thái độ cầu nguyện khác nhau: một người hễ cầu nguyện thì không dám hút thuốc và hễ hút thuốc thì không dám cầu nguyện; còn người kia thì có thói quen hễ bắt đầu hút thuốc là bắt đầu cầu nguyện.

Thì ra không nên làm gì khác trong khi cầu nguyện, nhưng lại có thể cầu nguyện khi làm bất cứ điều gì. Thế là từ đấy về sau, nhất là trong đời sống giáo dân của tôi vốn không thể dành nhiều giờ để cầu nguyện, tôi thường cầu nguyện và kết hiệp với Chúa khi làm bất cứ điều gì. Vì thế, công việc tôi làm thường được chìm trong ý hướng tỉnh thức và cầu nguyện. Nhờ đó, tôi dễ làm tốt đẹp công việc của mình, với ý hướng siêu nhiên. Và khẩu hiệu của tôi là biến mọi hành động, mọi công việc thành cầu nguyện. Đời sống nội tâm của tôi nhờ thế phát triển hơn, mà có vẻ như rất ít khi cầu nguyện.

Tuy nhiên, tôi vẫn dành ra mỗi ngày vài lần, mỗi lần ít phút để cầu nguyện nghiêm túc, nghĩa là trong những phút cầu nguyện ấy tôi không làm gì khác. Chính nhờ những giây phút cầu nguyện kiểu thuần túy ấy, tôi mới trung thành được với thói quen vừa làm mọi việc vừa cầu nguyện.




3.  Cầu nguyện bằng hành động cũng là cách cầu nguyện tuyệt vời

Cầu nguyện là nói với Chúa. Nhưng quả thật, trong đời sống con người, lời nói không phải luôn luôn đi đôi với hành động. Biết bao người khi cầu nguyện, họ nói với Chúa một đằng, còn trong đời sống thực tế họ lại hành động một đằng khác. Họ nói rất hay mà làm rất dở, giống như người con thứ hai trong dụ ngôn hai người con trong Tin Mừng: hứa với cha sẽ đi làm vườn nho nhưng lại không đi (x. Mt 21,28-32). Đây cũng là một căn bệnh của thời đại, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Tuy nhiên, có những người không nói, hoặc nói ít, nhưng hành động thật sự. Họ không nói hay tuyên bố là họ yêu ai cả, nhưng hành động và cách xử sự của họ chứng tỏ họ yêu thương mọi người thật sự.

Xét điều ấy, ta thấy hành động cũng là một cách nói rất có giá trị. Giữa hai cách: Một là nói «
tôi yêu bạn», hai là biểu lộ tình yêu bằng hy sinh thật sự cho bạn, thì cách nào nói lên tình yêu nhiều hơn và chân thật hơn? Nếu hy sinh thật sự có giá trị hơn lời nói, thì cầu nguyện bằng hành động là một cách cầu nguyện tuyệt vời, chắc chắn có giá trị hơn hẳn trước mặt Thiên Chúa. Đó cũng là kết hợp với Chúa qua ý chí và hành động. 

Nếu chỉ cầu nguyện bằng lời nói xuông, không có hành động kèm theo bảo chứng cho những lời nói ấy, thì hóa ra lời cầu nguyện của ta chỉ toàn là nói sạo, hoặc hứa hão với Chúa! Đức Giêsu cũng nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào thôi» (Mt 7,21)

Như vậy, những Kitô hữu nào không thể dành nhiều thì giờ để cầu nguyện kiểu thuần túy, vẫn có thể cầu nguyện khi làm tất cả mọi việc, hoặc biến tất cả mọi việc ấy thành cầu nguyện. Thiết tưởng đó là một cách tỉnh thức rất hữu hiệu và đẹp lòng Chúa.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, lúc nào con cũng có thể hành động trong ý hướng muốn làm đẹp lòng Cha, và làm theo cách Cha mong muốn con làm. Nghĩa là con phải làm cách nào hoàn chỉnh nhất, hợp lý nhất, đem lại ích lợi và hạnh phúc cho nhiều người nhất. Con muốn hiệp nhất ý của con với ý của Cha trong từng hành động một. Và con nghĩ đó là cách cầu nguyện bằng hành động, hay biến hành động thành cầu nguyện. Xin cho con đủ tình yêu để thực hiện được điều ấy. Amen.

Nguyễn Chính Kết




TN19a - Hãy chuẩn bị hành trang cho cuộc sống mai sau




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 19 Thường Niên

(07-08-2022)


Hãy chuẩn bị hành trang cho cuộc sống mai sau



ĐỌC LỜI CHÚA

  Kn 18,6-9: (9) Con lành cháu thánh của những người lương thiện (…) đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa, là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia.

  Dt 11,1-2.8-19: (13) Tất cả các tổ phụ (…) đều xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. (14) Như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. (15) Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. (16) Thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời.

  TIN MỪNG: Lc 12,32-48

Hãy chuẩn bị kho tàng trên trời

(32) «Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. (33) Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. (34) Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó».

Phải sẵn sàng chờ chủ trở về

(35) «Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. (36) Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. (37) Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. (38) Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. (39) Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. (40) Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến».

(41) Bấy giờ ông Phêrô hỏi: «Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?» (42) Chúa đáp: «Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? (43) Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. (44) Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. (45) Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: «Chủ ta còn lâu mới về», và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, (46) chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

(47) «Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. (48) Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao có nhiều người mải mê tìm kiếm của cải chóng qua ở đời này, mà không màng đến những của cải quí giá và lâu bền hơn cho đời sau? Có phải là trong thực tế họ không tin có cuộc sống vĩnh cửu đời sau?

2. Muốn chuẩn bị của cải cho cuộc sống đời sau thì bây giờ phải làm gì? Của cải dùng cho đời sau là gì?

3.  Nếu ta không chuẩn bị những gì cần thiết cho cuộc sống đời sau, thì đến bao giờ ta mới chuẩn bị? Bạn nghĩ gì về câu «now or never» (= nếu không bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ).
Suy tư gợi ý:

1.  Đừng mải mê thu gom những của cải trần gian

Một bé gái 5 tuổi quí con búp-bê của em vô cùng, đến nỗi khi ngủ, em đòi phải cho búp-bê ngủ với mình. Có lần bị mất búp-bê, em buồn bã khóc lóc cả ngày khiến cha mẹ em phải mua ngay con khác thay thế. Nhưng em vẫn thương tiếc con búp-bê cũ. Nhiều người thử phản ứng của em, đề nghị em đổi búp-bê lấy đồng hồ, tivi, xe gắn máy, xe hơi – toàn là những thứ giá trị gấp 100, gấp 1000, thậm chí gấp 100.000 lần búp-bê – nhưng em nhất quyết không đổi. Đối với em, búp-bê là tài sản quý giá nhất, không gì đổi được. Nhưng đến năm 10 tuổi, em coi búp-bê không ra gì nữa, em bắt đầu thích những đồ chơi điện tử… Đến năm 20 tuổi, em đã trưởng thành, tất cả những thứ mà từ trước đến giờ em cho là vô giá, đều trở nên vô giá trị. Bây giờ em mới bắt đầu thích tiền, vàng bạc, là những thứ trước kia em không thèm, vì hiện nay em đã biết tiêu tiền: em nhận ra nhờ tiền, vàng bạc, em có thể mua tất cả mọi thứ em thích.

Khi còn là em bé, em chưa hiểu và cũng chưa quan niệm được giá trị của đồng tiền, của vàng bạc, chưa có nhu cầu sử dụng tiền bạc. Đối với em, chỉ có con búp-bê là có giá trị, vì nó có khả năng thỏa mãn những nhu cầu rất ít ỏi của em: làm bạn với em, an ủi em, thỏa mãn tình cảm đơn sơ của em. Nhưng khi lớn lên, hiểu được giá trị của tiền bạc, em thấy việc em không chịu đổi búp-bê lấy những của quí giá hơn quả là một sự khờ dại. Cũng vậy, hiện nay, nhiều người suốt đời say mê tìm kiếm những của cải chóng qua, nay còn mai mất, mà không hề biết hay màng đến những thứ của cải lâu bền không bao giờ mất đi được, giá trị gấp triệu lần những của cải họ đang mải mê tìm kiếm. Tại sao? Chỉ vì họ chưa có một quan niệm, chưa hiểu gì về giá trị của thứ của cải lâu bền ấy. Nhìn bằng con mắt tâm linh, cho dẫu đã 4,5 chục tuổi, họ vẫn chỉ là những «em bé lớn tuổi», trí óc họ chẳng khác gì một em bé. Họ đâu biết rằng sau khi chết, khi bước vào đời sống vĩnh cửu, tất cả những của cải họ thu gom suốt cả đời mà họ tưởng rằng rất có giá trị, bỗng trở nên hoàn toàn vô giá trị trong cuộc sống vĩnh cửu. Lúc đó, họ mới thấy họ hoàn toàn trắng tay và nghèo hơn ai hết, vì họ đã không hề tích trữ những của cải cần thiết cho cuộc sống vĩnh cửu.



2.  Hãy chuẩn bị của cải cho cuộc sống mai sau

Sống ở trần gian này ta không thể không cần đến những của cải thích hợp cho cuộc sống tại đây. Nhưng cuộc sống ở trần gian này chỉ kéo dài nhiều lắm là 100 năm. Người Kitô hữu tin rằng sau cuộc sống ngắn ngủi được kết thúc bằng cái chết này, con người bước vào một cuộc sống khác lâu dài hơn rất nhiều, với cách hiện hữu hoàn toàn khác. Lúc đó, con người cần một loại của cải hoàn toàn khác với thứ của cải trần gian. Của cải trần gian dù đã gom góp được nhiều đến đâu, khi ấy, đều trở nên vô dụng. Vì thế, thật là dại dột khi ở trần gian này con người dành hết thì giờ mình có để gom góp thứ của cải vốn chỉ sử dụng được ở trần gian này, mà không biết tìm kiếm những của cải cần thiết cho cuộc sống vĩnh cửu.

Hãy xem những người đang dự tính trong tương lai sẽ định cư lâu dài ở một nước khác: họ coi cuộc sống hiện nay ở trong nước họ đang sống chỉ là tạm bợ. Vì thế, họ không màng tìm danh vọng, địa vị hay mua sắm nhà cửa gì trong nước hiện tại, mà họ chuẩn bị cho cuộc sống tương lai ở nước ngoài. Để chuẩn bị cho tương lai lâu dài ở nước ngoài, nhiều khi họ phải từ chối những việc làm béo bở, những địa vị hái ra tiền, những căn nhà khang trang… trong hiện tại, chỉ vì chúng có thể gây cản trở cho việc ra đi của họ. Nhiều người lo kiếm tiền để gửi ngân hàng ở quốc gia nơi họ sắp đến định cư, để khi đến quốc gia ấy, họ đã có sẵn tài sản cần thiết để xây dựng cuộc sống của họ. – Đó là sự khôn ngoan thường tình mà ai cũng biết. Thế nhưng rất nhiều người lại không hề biết áp dụng sự khôn ngoan ấy để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu của mình trên trời. Bài Tin Mừng cảnh báo chúng ta về sự dại dột ấy và khuyên chúng ta hãy khôn ngoan dùng thì giờ ở trần gian để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Đó mới là cuộc sống đích thực của chúng ta.



3.  Chuẩn bị thế nào cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau?

Cuộc sống vĩnh cửu mai sau là cuộc sống trong vương quốc của tình yêu. Chỉ những người có tình yêu đích thực – nghĩa là những người giống như Thiên Chúa (mà bản chất là tình yêu) – mới có thể nhập vào vương quốc ấy. Vì thế, tình yêu vừa là «» vào cửa, là «visa» để nhập cảnh, vừa là tài sản để sử dụng trong vương quốc ấy. Do đó, muốn chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau, điều quan trọng và tối cần thiết phải làm ở đời này là phải có được tình yêu đích thực. Tình yêu đích thực khác với tình yêu giả tạo, mặc dù tình yêu giả tạo cũng có vẻ là tình yêu. Tình yêu đích thực chỉ có được khi con người biết ra khỏi chính mình, biết từ bỏ mình, biết quan tâm đến vinh quang của Thiên Chúa và hy sinh cho nhu cầu của tha nhân.


Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đề nghị một việc làm cụ thể để có được tình yêu đích thực: «Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời». Khi «bố thí» – ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng là quan tâm đến nhu cầu của tha nhân và hy sinh cho họ – thì ta sắm được «những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời». Có lần Đức Giêsu nói rất rõ: «Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời» (Mt 19,21). Kho tàng ở trên trời ấy chính là tình yêu đích thực ta «sắm» được ở đời này. Nếu ta không chuẩn bị cho mình những gì cần thiết để vào Nước của Thiên Chúa, làm sao ta có thể vào đó được?


4.  Khi nào ta mới chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu?

Phần cuối của bài Tin Mừng nhắc nhở rằng Thiên Chúa có thể gọi ta về bên kia thế giới bất kỳ lúc nào. Có thể hàng mấy chục năm nữa, nhưng cũng có thể là năm sau, tháng sau, mà cũng rất có thể là ngày mai hay chỉ một tiếng đồng hồ nữa. Không ai biết được ngày giờ nào mình phải ra đi! Nếu chúng ta không chuẩn bị cho cuộc sống mai sau ngay từ bây giờ, thì chúng ta sẽ có khuynh hướng dời sự chuẩn bị ấy cho đến lúc chết, để cuối cùng chúng ta ra đi mà chẳng chuẩn bị gì. Điều gì phải làm ngay kẻo trễ thì người ta làm được vì người ta ấn định ngày giờ làm. Điều gì người ta nghĩ còn có nhiều thì giờ để làm, hay lúc nào làm cũng được, thì cuối cùng người ta chẳng bao giờ làm cả. Đúng như câu châm ngôn: «Now or never» (= không bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ). Vì thế, kẻ biết chuẩn bị cho đời sau thì sẽ chuẩn bị ngay từ bây giờ. Còn kẻ không chuẩn bị bây giờ thì dù họ có sống hết cả trăm năm, cuối cùng đến lúc chết họ cũng chưa hề chuẩn bị. Và như thế thì thật là… bất hạnh!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, ra đi và nhất là đi xa, đi lâu, mà không hề chuẩn bị gì thì thật là dại dột! Xin giúp con biết chuẩn bị cho cuộc ra đi cuối cùng để bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Một cuộc ra đi vô cùng quan trọng! Xin giúp con biết chuẩn bị ngay từ bây giờ hành trang cần thiết cho cuộc ra đi vĩnh viễn ấy. Hành trang ấy chính là tình yêu đích thực mà con phải thường xuyên thể hiện ngay bây giờ với những người đang sống chung quanh con. Xin đừng để con chuẩn bị quá muộn màng…


Sunday, July 28, 2019

TN18a - Đừng tham muốn cách ích kỷ; hãy tham muốn cách vị tha




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 18 Thường Niên

(31-7-2022)


Đừng tham muốn cách ích kỷ; 
hãy tham muốn cách vị tha



ĐỌC LỜI CHÚA

  Gv 1,2; 2,21-23: (2) Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.

  Cl 3,1-5.9-11: (1) Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. (2) Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.

  TIN MỪNG: Lc 12,13-21

Đừng thu tích của cải cho mình

(13) Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: «Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi». (14) Người đáp: «Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?» (15) Và Người nói với họ: «Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu»

(16) Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: «Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, (17) mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” (18) Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. (19) Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”  (20) Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (21) Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Có mấy cách tham muốn? Tham muốn những điều tốt lành đặc biệt cho tha nhân và cho tâm linh mình là điều tốt hay xấu? Khi nào tham muốn trở thành xấu?
2. Yêu thương bản thân mình là tốt hay xấu? Khi nào là tốt, khi nào là xấu?
3.  Quan tâm đến hạnh phúc hiện tại của mình mà không quan tâm đến hạnh phúc tương lai của mình là khôn hay dại? Muốn được hạnh phúc lâu dài trong tương lai thì phải làm gì?

Suy tư gợi ý:

1.  Ai cũng có lòng tham

Đã là con người, ai cũng có tính tham, nghĩa là lòng ham muốn có thêm những điều mà mình cho là tốt đẹp, thuận lợi, có khả năng đem lại hạnh phúc cho mình. Thiên Chúa sinh ra con người như vậy, vì có lòng tham muốn, con người mới tiến bộ, xã hội mới thăng tiến. Tham muốn rồi được thỏa mãn là một nguồn vô tận đem lại hứng thú, sinh khí và hạnh phúc cho con người. Do đó, tham muốn chính là một điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã đặt vào lòng của con người ngay khi tạo dựng nên họ

Tuy nhiên, tham muốn cũng là một cái bẫy để Thiên Chúa thử thách về tình yêu mà con người dành cho Ngài và cho tha nhân. Vì tình yêu đòi hỏi tâm thức ra khỏi chính mình để hướng đến đối tượng mình yêu thương.



2.  Hai cách tham muốn

Do đó, có hai cách tham muốn: tham muốn do tình yêu và tham muốn do ích kỷ.

a) Tham muốn do tình yêu dẫn con người đến hạnh phúc cho mình và cho người, đó là tham muốn cách khôn ngoan sáng suốt. Vì «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8.16), mà con người được tạo dựng «
theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa» (x. St 1,26-27; 9,6; Kn 2,23), nên con người chỉ được hạnh phúc khi sống phù hợp với bản tính yêu thương của mình

Do đó, những tham muốn mang tính vị tha, mong cho Thiên Chúa được vinh danh và tha nhân được hạnh phúc, tuy không trực tiếp nhắm đem lại ích lợi cho bản thân, nhưng lại giúp con người đạt đến hạnh phúc đích thực.

b) Còn tham muốn do tính ích kỷ dẫn con người đến đau khổ cả cho mình lẫn cho người, đó là tham muốn cách ngu xuẩn dại dột. Ích kỷ (egoism=duy ngã)chỉ nghĩ và lo cho mình, cho hạnh phúc và đau khổ của mình, mà không nghĩ hay lo gì cho tha nhân, cho hạnh phúc và đau khổ của tha nhân. Điều này đi ngược lại bản tính yêu thương mà Thiên Chúa đã đặt để trong lòng con người. Suy nghĩ và hành động ngược với bản tính yêu thương ấy, con người sẽ gặp đau khổ.




3.  Yêu mình cách sáng suốt và yêu mình cách dại dột

Đã là con người, ai cũng yêu chính bản thân mình, chính Thiên Chúa cũng yêu bản thân mình, và đã tạo dựng nên con người giống như vậy. Thật vậy, Thánh Phaolô viết: «không ai ghét thân mình bao giờ» (Ep 5,29)

Người ích kỷ tự tách rời bản thân mình ra khỏi Thiên Chúa và toàn thể vũ trụ, tách rời lợi ích của mình ra khỏi lợi ích chung của Thiên Chúa và toàn vũ trụ. Trong khi Thiên Chúa và toàn vũ trụ là một toàn thể tương tự như một thân thể duy nhất, trong đó Thiên Chúa là đầu và vũ trụ là thân mình và tay chân (x. 1Cr 12,12-27)

Do đó, Thiên Chúa mới chính là «cái tôi» đúng nghĩa nhất của mỗi người, còn tha nhân và vạn vật trong vũ trụ là «cái tôi nối dài» của mỗi người. Nên bất kỳ hành động nào của ta nào nhằm đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và hạnh phúc cho tha nhân hay vũ trụ đều đem lại kết quả tốt đẹp và hạnh phúc cho bản thân ta. Còn bất kỳ hành động nào gây bất lợi cho Thiên Chúa hay tha nhân, đều đem lại bất lợi và đau khổ cho bản thân ta.

Thánh Âu-Tinh nói: «Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn chính bản thân tôi» (Deus intimior intimo meo). Điều đó có nghĩa Thiên Chúa mới là «cái tôi» sâu thẳm nhất của ta, mới chính là bản thân ta cách đúng nghĩa nhất. Nên điều gì đem lại vinh quang cho Thiên Chúa đều đem lại hạnh phúc cho ta.

Còn tha nhân là «cái tôi nối dài» của ta, tương tự như tay chân và mọi bộ phận trong cơ thể của ta. Chúng không phải là ta, nhưng là «cái tôi nối dài» gần nhất của ta. Một người nọ uống rượu quá nhiều, y sĩ bảo: uống rượu nhiều sẽ làm hại gan. Nhưng anh ta nghĩ: gan ta đâu phải là ta, ta cần gì phải lo cho nó; ta cứ uống rượu cho thỏa thích bản thân ta, vì ta phải yêu bản thân ta. Cuối cùng, khi gan bị bệnh, thì chính bản thân anh cảm thấy đau đớn. Lúc đó anh mới hiểu lá gan của anh chính là «cái tôi nối dài» của anh, nên làm hại lá gan chính là làm hại bản thân mình


Một người khác không thèm quan tâm và lo lắng gì đến vợ con mà còn hành hạ vợ con nữa. Anh ta nghĩ: vợ con mình đâu phải là mình, cần gì phải lo cho họ. Đến khi anh bị bệnh hoặc thất thế, cần có người chăm sóc nuôi dưỡng, khi ấy vợ con anh bỏ mặc, vì trước đó anh có quan tâm đến họ đâu?! Lúc ấy anh mới nhận ra vợ con mình tuy không trực tiếp là mình nhưng là «cái tôi nối dài» của mình, là bản thân mình một cách gián tiếp. Không lo cho vợ con chính là không lo cho bản thân. Làm vợ con đau khổ thì kết quả cuối cùng là làm cho chính mình đau khổ. 

Tương tự, nếu ta không chịu chăm sóc cho chiếc xe của ta, thì có lúc chính chiếc xe ấy sẽ hành hạ ta. Chiếc xe của ta cũng là «cái tôi nối dài» của ta. Tất cả mọi người, mọi vật trên thế giới, kể cả thiên nhiên,  đều là «cái tôi nối dài» của ta. Khi con người vì ích lợi riêng trước mắt của mình mà phá rừng, làm ô nhiễm môi trường… thì cuối cùng con người đã phá hoại chính mình.

Do đó, yêu mình cách sáng suốt nhất là yêu cả Thiên Chúa và tha nhân, mọi hành động đều phải nhắm ích lợi cho toàn thể, nghĩa là phải làm sao để «ích người, lợi ta». Kinh Thánh dạy: «Hãy yêu tha nhân như yêu chính mình»
(Mt 19,19b), lý do rất đơn giản: vì tha nhân rốt cuộc cũng là chính mình nối dài ra. Nếu chỉ ích người mà trước mắt không lợi cho ta, thì sớm muộn gì cái ích lợi ta làm được cho người cũng trở về làm ích lợi cho ta bội phần. Không bao giờ ta làm gì ích lợi cho Thiên Chúa và tha nhân mà ta lại bị thiệt thòi, cho dù trước mắt là ta bị thiệt.



4.  Đừng chỉ quan tâm đến hạnh phúc của mình trong hiện tại, mà quên đi hạnh phúc của mình trong tương lai

Nhà phú hộ trong bài Tin Mừng chỉ nghĩ tới lợi ích và hạnh phúc của mình và lo cho nó ngày càng tăng thêm, ngoài ra không còn nghĩ gì tới lợi ích và hạnh phúc của ai. Ông cũng chỉ nghĩ tới lợi ích và hạnh phúc của mình trong hiện tại mà không nghĩ gì tới lợi ích và hạnh phúc cũng của mình trong tương lai, nhất là tương lai sau cái chết. 

Rất nhiều khi lợi ích và hạnh phúc của mình trong hiện tại đi ngược lại lợi ích và hạnh phúc của mình trong tương lai. Nghĩa là lợi ích và hạnh phúc hiện tại có thể là nguyên nhân gây nên những mất mát hoặc đau khổ trong tương lai. Nhất là khi lợi ích và hạnh phúc trong hiện tại đi ngược lại lợi ích hay hạnh phúc của Thiên Chúa và tha nhân. Vì bất kỳ điều gì ta gây thiệt hại hay đau khổ cho Thiên Chúa và tha nhân thì thiệt hại hay đau khổ ấy đều chắc chắn trở lại với chính bản thân ta một ngày nào đó trong tương lai. Đó là luật quả báo: nhân lành sinh quả lành, nhân ác sinh quả ác, «cây tốt sinh quả tốt, cây xấu sinh quả xấu» (Mt 7,17)

Người khôn ngoan thật sự là người không chỉ biết lo cho hạnh phúc của mình trong hiện tại, mà còn lo cho hạnh phúc của mình trong tương lai, bằng cách ngay trong hiện tại biết lo cho vinh quang của Thiên Chúa và hạnh phúc của tha nhân. Đó chính là sự tham muốn khôn ngoan và chính đáng nhất.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, khi dựng nên con, Cha đã đặt để ở trong con lòng tham muốn để nhờ đó con có động lực mà tiến bộ về mọi mặt, nhất là về tâm linh. Nhưng lòng tham muốn là một con dao hai lưỡi: nếu tham muốn cách ích kỷ, thì lòng tham muốn ấy cuối cùng chỉ gây nên đau khổ cho bản thân con; nếu tham muốn cách vị tha, nó sẽ đem lại cho con niềm vui và hạnh phúc lâu dài. Vấn đề mấu chốt vẫn là con có tình yêu hay không. Nếu có tình yêu, mọi tham muốn của con đều là vị tha và đều đem lại hạnh phúc. Nếu không có tình yêu, mọi tham muốn của con đều là ích kỷ và đều đem lại đau khổ cho con. Xin cho con biết tham muốn cách sáng suốt nhất là tham muốn vinh danh Cha và hạnh phúc của tha nhân.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để đọc bài đào sâu:Người Kitô hữu cần phát triển đời sống tâm linh.
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2019/07/tn18b.html)