Monday, June 24, 2019

TN14b - Loan báo Tin Mừng chỉ là phương tiện để cứu độ nhân loại, cứu độ nhân loại mới là mục đích

CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 14 Thường Niên

(31-06-2022)

Bài đào sâu


Loan báo Tin Mừng chỉ là phương tiện 
để cứu độ nhân loại; 
cứu độ nhân loại mới là mục đích


  TIN MỪNG: Lc 10,1-12.17-20

Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi giảng Tin Mừng



Câu hỏi gợi ý:
1.      Ngoài 12 tông đồ, còn có 72 môn đệ được Đức Giê-su sai đi tiếp nối sứ mạng của Ngài. 72 môn đệ đó tượng trưng cho ơn gọi nào trong Giáo Hội?

2.      Tình hình nhân sự trong việc tiếp nối sứ mạng của Đức Giê-su trên thế giới hay trong xã hội chúng ta đang sống như thế nào? Khi ý thức điều ấy, bạn có nghe thấy Đức Giê-su mời gọi bạn làm gì không?

3.      Để làm tông đồ, tức tiếp tục công việc cứu thế của Đức Giê-su, chúng ta phải làm gì? Chúng ta đã làm gì? Có gì cần sửa chữa trong quan niệm của chúng ta?


Suy tư gợi ý:

1.  Ơn gọi làm tông đồ giáo dân

Ngoài số 12 môn đệ được Đức Giêsu huấn luyện đặc biệt để sau này tiếp nối sứ mạng của Ngài, Tin Mừng Luca còn nói tới số 72 môn đệ được Ngài sai đi. Người ta thường ví ơn gọi của 12 môn đệ với ơn gọi tông đồ của hàng giáo phẩm và giáo sĩ, là những người thường được huấn luyện đặc biệt có trường lớp để tiếp nối sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu. Và ví ơn gọi của 72 môn đệ với ơn gọi tông đồ của giáo dân, là những người được huấn luyện ở trình độ phổ thông để làm tông đồ.

Đấy cũng là một cách hiểu khá hợp lý. Thực ra, bất kỳ người Kitô hữu nào một khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, đều được Đức Giêsu mời gọi tiếp tục sứ mạng của Ngài là cứu độ nhân loại. Vì thế, việc cứu độ nhân loại không phải là công việc dành riêng cho hàng giáo sĩ, mà là nhiệm vụ của bất kỳ người Kitô hữu nào, dù là giáo dân, đạo gốc hay tân tòng. Bài Tin Mừng hôm nay là một dịp nhắc nhở người giáo dân nhiệm vụ tông đồ hay cứu thế của mình. Đặc biệt những Kitô hữu đã có từng được đào tạo để làm tông đồ trong các chủng viện hay tu viện, mà nay lại đứng trong hàng ngũ giáo dân. Những người này thường được Thiên Chúa kêu gọi đặc biệt hơn những giáo dân khác.



2.  Sứ mạng của Đức Giêsu còn bao nhiêu việc phải làm

Hễ nói tới câu Tin Mừng «Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về» (Lc 10,2), chúng ta thường nghĩ ngay tới cánh đồng truyền giáo, làm như Giáo Hội chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là truyền giáo. Thực ra, Đức Giêsu đến là để cứu chuộc nhân loại, mà trong đó việc truyền giáo hay loan báo Tin Mừng chỉ là một phần, và chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích cứu thế của Đức Giêsu. 

Nhiều khi người Kitô hữu quá quan tâm đến phương tiện này mà quên đi mục đích của nó, nghĩa là lấy chính việc loan báo Tin Mừng làm mục đích của việc tông đồ. Mục đích của Giáo Hội cũng như của Đức Giêsu không phải là loan báo Tin Mừng, mà là cứu nhân loại, không chỉ đời sau mà còn cả đời này nữa. Cứu nhân loại là làm cho nhân loại hay con người thoát khổ và hạnh phúc hơn. Loan báo Tin Mừng chỉ một trong những phương tiện phải làm để đạt được mục đích cứu độ đó.

Ý thức lại vấn đề như vậy, chúng ta thử tự hỏi: chúng ta đã quan tâm tới vấn đề cứu độ con người như Đức Giêsu chưa? Một cách cụ thể, chúng ta đã làm gì để những người chung quanh ta bớt đau khổ và hạnh phúc hơn? Sự hiện diện của ta, với tư cách người Kitô hữu hay tập thể Kitô hữu, có làm cho gia đình ta, những người chung quanh ta, xã hội ta đang sống bớt khổ đau và hạnh phúc hơn không?

Thế giới và xã hội con người hiện nay còn biết bao tội lỗi, đau khổ, bất công. Sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu chưa thực hiện được bao nhiêu, và còn biết bao việc phải làm. Nhưng có được bao người muốn dấn thân tiếp nối sứ mạng của Ngài? Việc thì nhiều mà nhân sự thì ít. Người Kitô hữu, dù là giáo dân hay giáo sĩ, có nghe thấy lời mời gọi tha thiết của Ngài không? Và nếu muốn tiếp tục sứ mạng của Ngài, chúng ta phải làm gì?



3.  Trình tự những việc phải làm của người môn đệ Đức Giêsu

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu sai 72 môn đệ đi. Hãy coi lại xem Ngài truyền bảo họ những gì. Có những điều chính yếu được xếp theo trình tự thời gian mà cũng có thể là theo thứ tự quan trọng như sau:

a) Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép: ý nói đừng quá lo toan về những nhu cầu vật chất, mà hãy chú tâm vào sứ mạng của mình. Việc này được đề cập đến đầu tiên, ắt nhiên là một điều rất quan trọng. Muốn cứu rỗi người khác mà lại quan tâm đến những nhu cầu vật chất của mình, vốn đòi hỏi rất nhiều tâm trí và năng lực của mình, thì còn đâu tâm trí và năng lực để cứu rỗi người khác?

b) Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường: ý nói sứ mạng khẩn cấp, cần tập trung thì giờ và năng lực vào sứ mạng của mình. Ngoài nhu cầu vật chất, còn những nhu cầu cá nhân khác, cũng cần phải dẹp bớt để tập trung thì giờ và năng lực vào việc cứu rỗi con người.

c) Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: «Bình an cho nhà này!» Ý nói phải quan tâm tới sự bình an, thoải mái cho người mình gặp. Sự bình an, không phải sống trong lo âu, sợ sệt, về tinh thần cũng như thể chất là điều mà người môn đệ Chúa cần phải quan tâm thực hiện đầu tiên cho mọi người mình được sai đến. Đây là nhu cầu căn bản và cần thiết nhất của mọi người sống trong trần thế.

d) Hãy chữa những người đau yếu trong thành: ý nói hãy quan tâm đến đau khổ và hạnh phúc của mọi người, và cứu giúp họ trong khả năng của mình. Người môn đệ của Chúa cần phải quan tâm đến những nhu cầu hết sức cụ thể của con người. Phải cảm thông với niềm vui nỗi buồn, với hạnh phúc và đau khổ của mọi người, đồng thời phải cứu khổ và tạo điều kiện hạnh phúc cho họ một cách hữu hiệu.

e) Và sau cùng mới là nói với họ: «Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông» (Lc 10,9): ý nói là phải loan báo Tin Mừng cho họ, tức nói với họ về Thiên Chúa, về nhu cầu tâm linh, về những gì thiêng liêng.

Ta thấy trình tự trên thật là hợp lý. Người chung quanh ta có được ta quan tâm tạo bình yên và thoải mái cho họ, thì họ mới dám đặt niềm tin tưởng vào ta, và mới có điều kiện thoải mái để nghe ta nói những chuyện xem ra có vẻ ít thực tế hơn đối với đời sống của họ. Thế mà rất nhiều khi người Kitô hữu lại làm ngược lại trình tự mà Đức Giêsu đã đề nghị. Chúng ta lo loan báo Tin Mừng trước, và coi những việc đáng quan tâm hàng đầu kia vào hàng thứ yếu. Chính vì thế mà việc loan báo Tin Mừng của chúng ta trở thành thiếu thực tế, kém hữu hiệu, nên không được đón nhận bao nhiêu từ nhiều thập kỷ nay tại Châu Á. Do đó, chúng ta cần phải sửa lại quan niệm về cách làm tông đồ của chúng ta.



CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, Công Đồng Vatican II nhắc nhở người Kitô hữu phải nhập thể nhiều hơn vào những lãnh vực trần thế để biến cải môi trường mình sống nên tốt đẹp hơn một cách hữu hiệu. Xin giúp con xét lại xem sự hiện diện của con đã biến cải môi trường con sống tới mức độ nào? Có làm cho những nơi mà con hiện diện tốt đẹp và hạnh phúc hơn không? Xin cho con biết quan tâm sống tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương trước đã, trước khi loan báo nó ra để người khác cùng sống theo. Xin giúp con biết yêu thương để quan tâm tới đau khổ và hạnh phúc của những người chung quanh con, và biến con trở nên một đấng cứu thế nho nhỏ trong môi trường nhỏ bé con đang sống, là gia đình con, là môi trường nghề nghiệp của con, khu xóm của con, v.v... Amen.

Nguyễn Chính Kết




TN14a - Tinh thần của người tông đồ đích thực là gì?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 15 Thường Niên

(03-07-2022)


Tinh thần của người tông đồ đích thực là gì?



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 66,10-14c: (14) Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết, và nổi cơn thịnh nộ với các kẻ thù

  Gl 6,14-18: (15) Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới.

  TIN MỪNG: Lc 10,1-12.17-20

Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi giảng Tin Mừng

(1) Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (2) Người bảo các ông:

«Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. (3) Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. (4) Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. (5) Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: «Bình an cho nhà này!» (6) Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. (7) Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. (8) Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (9) Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: «Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông». (10) Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: (11) «Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần». (12) Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó».

«Hãy mừng vì tên anh em được ghi trên trời»

(17) Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: «Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con». (18) Đức Giêsu bảo các ông: «Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống. (19) Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. (20) Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. 72 người được Đức Giêsu sai đi trong bài Tin Mừng khác với nhóm 12 ở chỗ nào? Họ có phải là tông đồ không? tông đồ theo nghĩa nào?

2. Điều quan trọng để trở thành tông đồ đích thực là tinh thần tông đồ hay là danh hiệu tông đồ?

3.  Những hành trang nào là thật sự cần thiết cho người tông đồ? Những hành trang ấy thuộc lãnh vực tinh thần hay vật chất?


Suy tư gợi ý:

1.  72 người được sai đi là những tông đồ không chính thức

Bài Tin Mừng cho thấy ngoài 12 tông đồ là những người chính thức được Chúa chọn với chức danh tông đồ chính thức, Ngài còn sai 72 người –tức 36 cặp– đến các thành, các nơi mà Ngài sẽ đến để chuẩn bị cho Ngài. 72 người này chỉ được nói tới hai lần, duy nhất ở đoạn 10 của Tin Mừng Luca mà thôi (Lc 10:1&17). Họ là những tông đồ không chính thức như nhóm 12, nhưng vẫn có thể là những tông đồ đích thực. Phải chăng ơn gọi của 72 người này biểu trưng cho ơn gọi tông đồ giáo dân?

Làm tông đồ là bổn phận của mọi Kitô hữu không trừ ai, chứ không phải là bổn phận riêng biệt của các linh mục hay tu sĩ. Mọi Kitô hữu đều được Đức Giêsu sai đi làm tông đồ khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức, và nhất là khi họ cảm thấy tiếng Chúa thôi thúc trong tâm hồn, mời gọi họ làm tông đồ của Ngài. Điều quan trọng để làm tông đồ đích thực là phải có tâm hồn tông đồ chứ không phải chỉ có danh hiệu tông đồ, vì «chiếc áo không làm nên thầy tu». Nghĩa là chính tâm hồn tông đồ làm cho người ta thành tông đồ đích thực chứ không nhất thiết phải là người có chức thánh

Tâm hồn tông đồ chính là lòng yêu thương các linh hồn khiến ta sẵn sàng hy sinh mọi sự cho hạnh phúc vĩnh cửu của mọi người. Người không yêu thương và không sẵn sàng hy sinh cho phần rỗi các linh hồn, thì dù có chức thánh, có là linh mục hay giám mục, thì cũng không phải là những tông đồ đích thực (x. Rm 2,25-29).



2.  «Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít»

Nhìn vào nhu cầu loan báo Tin Mừng cho thế giới, Đức Giêsu nhận thấy số người đi loan báo so với số người cần được loan báo quả thật quá ít. Vì thế, điều Ngài yêu cầu là «hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về» (Lc 10,2). Nghĩa là Ngài yêu cầu ta hãy cầu xin Thiên Chúa làm cho số thợ gặt đông lên. Điều lý thú ở đây là Ngài chưa yêu cầu chúng ta làm tông đồ, mà hãy cầu nguyện cho có nhiều tông đồ đã. Khi cầu nguyện như thế, ắt những người cầu nguyện ấy sẽ có nhiều người được ơn Chúa thôi thúc để sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình cho công việc tông đồ.

Thông thường, nói tới việc xin Chúa ban thêm nhiều tông đồ, người Kitô hữu thường nghĩ ngay đến việc xin Chúa ban thêm nhiều linh mục. Thật ra, làm tông đồ không nhất thiết cứ phải là linh mục. Và cũng không phải hễ cứ là linh mục thì sẽ là tông đồ đích thực. Điều chúng ta phải cầu xin là xin Chúa ban cho có những tông đồ đích thực, nghĩa là những «thợ gặt» lành nghề, chịu khó, có tinh thần và lương tâm tông đồ, chứ không phải là những «thợ gặt» lười biếng, thích «chém vè», hưởng thụ, thích ăn trên ngồi trốc, thích được phục vụ hơn là dấn thân phục vụ. 

Thỉnh thoảng chúng ta hãy để ý nghe trong thâm cung lòng mình xem có khi nào Chúa mời gọi ta làm tông đồ trong môi trường mình sống không? Cho dù chúng ta là giáo dân hay linh mục, Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta làm tông đồ đích thực của Ngài. Một tông đồ đích thực, dù là giáo dân, vẫn rất ích lợi cho Thiên Chúa và Nước Trời của Ngài.



3.  «Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói»

Làm tông đồ là phải chấp nhận bị nguy hiểm, bị bạc đãi, bị lâm cảnh «chiên con đi vào giữa bầy sói» (Lc 10,3). Thời Đức Giêsu, sói ở đây có thể là người đồng đạo với mình, có thể là những tư tế, luật sĩ, kinh sư, là những người không thích nghe sự thật, không thích nghe những điều khác hơn những điều họ đã tin, đã biết, nhất là ghét nghe những gì đi ngược lại quyền lợi của họ. Cho dù họ mang danh là theo đạo Chúa, nhưng một khi đã không chấp nhận điều ta rao giảng, họ có thể kết án ta là phản đạo, và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn có thể rất độc ác để loại trừ ta, cho dù miệng họ vẫn luôn nhiệt thành rao giảng về tình yêu. Chính Đức Giêsu và các tông đồ đã từng là nạn nhân của các tư tế, luật sĩ, kinh sư thời ấy, đến nỗi các Ngài hầu hết đã bị họ giết một cách rất thê thảm.

Số phận của những tông đồ đích thực là như thế. Đức Giêsu đã báo trước số phận của những tông đồ đích thực: «Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em» (Ga 15,20). Chính việc bị bách hại ấy chứng tỏ được ai là tông đồ hay ngôn sứ đích thực: «Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế» (Lc 6,22-23). Trái lại, khi ta được mọi người ưu đãi, thì hãy coi chừng, vì Đức Giêsu đã từng nói: «Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế» (Lc 6,26).



4.  «Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép», hãy trang bị những thứ cần thiết hơn

Đức Giêsu không muốn người làm tông đồ trang bị cho mình quá nhiều vật dụng không cần thiết.  Khi làm tông đồ, nhiều người nghĩ rằng phải trang bị cho mình thật nhiều những phương tiện cụ thể. Họ nghĩ: nhờ những phương tiện ấy, việc tông đồ của mình sẽ thuận lợi: vừa đỡ mệt vừa có hiệu quả cao. Chẳng hạn như xe cộ để di chuyển; điện thoại, máy vi tính, internet để thông tin liên lạc, để tìm tài liệu; sách vở, tài liệu, v.v… Thực ra, hành trang vật chất này không quan trọng và cần thiết bằng hành trang tinh thần. Người tông đồ nào đặt quá nặng hành trang vật chất chứng tỏ họ chưa có đủ hành trang tinh thần mà Đức Giêsu đòi hỏi người tông đồ phải có.

Theo Tin Mừng, ta thấy hành trang mà Đức Giêsu đòi hỏi là:

Lòng yêu mến Thiên Chúa: Khi trao sứ mạng chăn chiên cho Phêrô, Đức Giêsu đã cẩn thận hỏi Phêrô đến ba lần: «Này Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy (hơn các anh em này) không?» (x. Ga 21,15-17).

Tình yêu thương tha nhân: Theo quan niệm Đức Giêsu, tình yêu đối với Thiên Chúa phải được thể hiện thành tình yêu thương những người mà ta gặp trên đường đời, đặc biệt những người gần gũi với ta nhất, những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, bị áp bức bất công, không trừ một ai, kể cả những người thù nghịch hay cố tình làm hại ta.

Không có hai thứ tình yêu trên, người tông đồ không phải là tông đồ đích thực, vì họ không thể có động lực trong sáng để làm tông đồ.

Đức tin mạnh mẽ nơi tình yêu, nơi quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa: Có tin như thế, ta mới có cảm nghiệm đích thực về Thiên Chúa. Có cảm nghiệm về Thiên Chúa, ta mới đủ xác tín vào những lời rao giảng của mình. Và lời rao giảng của ta phát xuất từ cảm nghiệm của bản thân chứ không phải từ những kiến thức ta học được hay nghe được của người khác.

Tinh thần quên mình, từ bỏ mình, sẵn sàng chấp nhận đau khổ vì tình yêu: «Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo» (Lc 9,23). Có quên mình thì mới có thể yêu thương được; có sẵn sàng chấp nhận khó khăn và đau khổ mới có thể hy sinh cho tha nhân để thể hiện tình yêu ấy.

Tinh thần cầu nguyện, kết hiệp với Thiên Chúa: Ta không thể yêu thương, không thể có sức mạnh để cảm hóa… nếu không kết hiệp với Thiên Chúa là nguồn mạch của yêu thương và sức mạnh. Thật vậy, Đức Giêsu nói: «Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được» (Ga 15,5b). Nhưng với Thiên Chúa, ta sẽ làm được tất cả: «Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể làm được mọi sự» (Pl 4,13), vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37).

– Sau cùng mới là sự hiểu biết thông thái về Thiên Chúa, những kiến thức thần học, sức khỏe tâm lý và thể lý, cùng những phương tiện vật chất. Hãy xem linh mục Gioan Vianney, cha sở họ Ars, tuy rất kém về mặt thông thái, về kiến thức thần học, và có rất ít những phương tiện vật chất, nhưng lại là một tông đồ nổi tiếng về khả năng cải hóa các tâm hồn. Tại sao? Vì ngài có đầy đủ những hành trang tinh thần cần thiết mà Đức Giêsu đòi hỏi người tông đồ phải có.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin Cha ban cho nhân loại thật nhiều tông đồ đích thực, thiện nghệ, có tình yêu thật sự đối với Thiên Chúa và tha nhân, để họ dám hy sinh cho vinh quang của Cha và hạnh phúc của mọi người. Nhờ đó, Nước của Cha sẽ được thực hiện ngay trên trần gian này.


Sunday, June 23, 2019

MinhMauChua2 - Hãy trở nên «của ăn, của uống» cho tha nhân, như Đức Giêsu đã yêu cầu

CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Mình Máu Thánh Chúa

(19-06-2022)


Hãy trở nên «của ăn, của uống»
cho tha nhân, như Đức Giêsu đã yêu cầu



  TIN MỪNG: Lc 9,11b-17

Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu đến có phải để lo chuyện ăn uống cho dân chúng không? Tại sao Ngài lại làm chuyện ấy? Động lực nào thúc đẩy Ngài làm chuyện ấy?

2. Nơi Đức Giêsu, tình yêu của Ngài đối với dân chúng hay baẻn tính Thiên Chúa của Ngài làm nên phép lạ?

3. Nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta học được bài học gì?


Suy tư gợi ý:

1.  Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu cụ thể của dân chúng

Ta thấy hoạt động của Đức Giêsu được phối hợp giữa việc rao giảng Tin Mừng và việc thỏa mãn những nhu cầu cụ thể của dân chúng: Đức Giêsu tiếp đón dân chúng, Ngài nói với họ về Nước Thiên Chúa, và chữa lành những ai cần được chữa. Điều mà Ngài rao giảng không phải là một cái gì xa vời đối với dân chúng, mà là một cái gì thiết thực, phù hợp với những khát vọng của họ. Đó là Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, một tin vui về việc họ được giải phóng, được thoát khổ và hạnh phúc, là điều mà họ hằng mong ước. Đó là thứ Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, Tin Mừng giải phóng, cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị áp bức được tự do, v.v... (x. Lc 4,18).

Việc rao giảng ấy luôn luôn đi kèm với nỗi quan tâm lo lắng của Ngài đến những nhu cầu cụ thể của dân chúng. Nhờ sự quan tâm và những hành động cụ thể ấy, dân chúng cảm thấy được Ngài yêu thương, chăm nom săn sóc. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy tình yêu nhân bản của Ngài:

Thấy trời đã tối, các môn đệ đề nghị Đức Giêsu giải tán để họ tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn. Nhưng Ngài bảo các ông: «Anh em hãy cho họ ăn» (Lc 9,13). Thật là một quan tâm đầy tình người. Và sau đó Ngài đã làm một phép lạ cả thể.



2.  Tình yêu có thể làm nên những phép lạ

Chúng ta đừng nghĩ rằng Ngài làm như vậy vì Ngài có khả năng làm phép lạ. Còn chúng ta, không làm phép lạ được, nên có gặp trường hợp tương tự, ta sẽ không dám làm như Đức Giêsu, là quan tâm đến nhu cầu cụ thể ấy của dân chúng. Đôi khi chúng ta phải nghĩ ngược lại, chính vì Ngài yêu thương, quan tâm thật sự đến nhu cầu của người khác và quyết tâm thỏa mãn những nhu cầu ấy với bất cứ giá nào, nên Ngài mới làm nên những phép lạ. Chúng ta không làm được những phép lạ, vì chúng ta không thật sự yêu thương và quyết tâm giải quyết những nhu cầu của anh em chúng ta. 

Nguyễn bá Học có nói: «Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông». Trong bối cảnh này, câu ấy có nghĩa: Đừng sợ rằng ta không thể làm được điều gì giúp anh em, mà hãy sợ rằng ta không đủ tình thương, không dám hy sinh vượt khó, không dám chấp nhận gian khổ để thỏa mãn những gì cần thiết cho anh em mình.

Tình thương thật sự có thể làm nên những phép lạ. Nhiều trường hợp trong lịch sử chứng minh điều ấy. Nếu ta thật sự yêu thương, quan tâm và nhất quyết giúp đỡ anh em mình khi họ cần, chắc chắn ta vẫn luôn luôn làm được một cái gì đó ích lợi cho họ. Nếu không đủ tình thương để làm nên phép lạ, thì hãy cố gắng làm tối đa trong khả năng của mình. Nếu không đủ tình thương để cố gắng tối đa, thì chí ít cũng nên làm những gì tối thiểu: có còn hơn không! 

Nếu ta hoàn toàn thờ ơ không làm gì cả trước nhu cầu thực tế của anh em, thì tình yêu của ta có hơn gì những người mà ta cho là phường tội lỗi? Trong bọn họ, biết bao người đã tỏ ra có nhiều tình thương hơn ta (xem dụ ngôn người Samari nhân hậu, Lc 10,29-37).



3.  Đừng chỉ quan tâm đến nhu cầu thiêng liêng của người khác, mà không quan tâm đến nhu cầu cụ thể và thiết thực của họ

Mục đích chính của Đức Giêsu khi đến trần gian là để rao giảng Nước Trời, chứ không phải là để cứu đói, chữa bệnh, trừ quỷ, hay nói chung là cứu khổ về phần xác. Nhưng Ngài đã quan tâm rất nhiều tới những việc này. Thánh Phêrô đã nói lên điều ấy: «Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế» (Cv 10,38).

Rất nhiều Kitô hữu lo lắng đến những nhu cầu thiêng liêng của người khác: lo cho người ta biết Chúa, biết sống đạo đức, ăn ngay ở lành, làm lành lánh dữ, biết chăm sóc đến đời sống nội tâm, v.v... Điều ấy rất quí rất tốt, và cũng hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong số những Kitô hữu nhiệt thành ấy, có khá nhiều Kitô hữu chỉ quan tâm lo cho tha nhân những việc thiêng liêng ấy mà thôi, không hề nghĩ đến những nhu cầu thiết thực, cụ thể trước mắt và rất cấp bách của những người gần gũi chung quanh họ. Chính vì thế, những người được họ quan tâm lo những việc thiêng liêng, không cảm nhận được tình thương của họ một cách cụ thể. Điều ấy làm cho những cố gắng tốt đẹp của họ về mặt thiêng liêng bớt hữu hiệu.

Thiết tưởng một người được đức ái đích thực thúc đẩy, sẽ không phục vụ tha nhân theo kiểu công chức, nghĩa là chỉ phục vụ một số đối tượng nào đó, trong một khía cạnh nào đó, trong một số giờ nào đó mà mình được chỉ định phục vụ. Vì thế, họ không quan tâm phục vụ những đối tượng khác, trong những khía cạnh khác, vào những giờ khác, cho dù có những người cần được họ chăm sóc, phục vụ, nhưng lại vượt ngoài những hạn định ấy. Người có tình yêu đích thực vẫn có thể chọn một loại đối tượng để phục vụ, trong một khía cạnh nào đó mà mình chuyên môn, v.v... Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết mà đức bác ái đòi hỏi, người ấy vẫn có thể phục vụ những đối tượng khác, trong những khía cạnh khác, vào bất kỳ giờ giấc nào. Một người có tình yêu đích thực, có đức ái đích thực, không tự giới hạn lòng yêu thương, sự phục vụ của mình, nhất là trong những trường hợp đặc biệt cần đến lòng yêu thương và sự phục vụ của mình. Một người chuyên phục vụ tha nhân về mặt tâm linh, vẫn nên quan tâm đến những nhu cầu cụ thể của họ.



4.  Hãy noi gương Thánh Thể

Nói tới Thánh Thể, chúng ta thường nghĩ tới việc phải làm sao để nhận được từ Thánh Thể những ơn cần thiết cho mình. Nhưng thiết tưởng chúng ta không nên bỏ qua một bài học tuyệt vời và rất quan trọng của Thánh Thể là sự quên mình và tính vị tha

Không có gì tỏ ra quên mình và vị tha cho bằng trở nên của ăn cho người khác, hay sẵn sàng để cho người khác ăn mình. Thật vậy, đồ ăn hiện hữu vì người ăn nó, chứ không hiện hữu một chút xíu nào vì bản thân mình cả. Tất cả mọi sự, để trở thành đồ ăn thì đều phải chết đi mới có thể nuôi sống người ăn mình. Bản chất của đồ ăn chính là chết đi để nhờ đó người khác được sống, bị tiêu diệt để nhờ đó người khác tồn tại

Thông thường, chúng ta có khuynh hướng bắt người khác phải vì mình, biến họ thành phương tiện hay công cụ phục vụ cho mình. Biến mình thành đồ ăn thì hoàn toàn đi ngược lại khuynh hướng thông thường ấy: sẵn sàng hiện hữu vì người khác, sn sàng chấp nhận làm phương tiện hay công cụ vì hạnh phúc đời này hay đời sau của những người mình yêu thương. Danh ngôn Pháp có câu: «Aimer, c'est permettre d'abuser» (yêu là cho phép người mình yêu lợi dụng mình).

Cả cuộc đời Đức Giêsu là một thứ đồ ăn: Ngài hiện hữu không phải vì bản thân Ngài, mà hoàn toàn vì Thiên Chúa và vì con người. Ngài đã chết để con người được sống, đã tự hủy để con người được tồn tại, đã đau khổ để con người hạnh phúc, đã tự hạ để con người được nâng lên, đã chấp nhận bị đối xử như người tội lỗi để làm cho con người trở nên thánh thiện, v.v... Ngài hiện hữu, Ngài làm mọi sự đều vì người khác, chẳng vì mình một chút nào. Và Ngài đã biểu hiện tính chất là của ăn một cách cụ thể và tuyệt vời khi lập bí tích Thánh Thể. 

Chúng ta ăn Ngài, nhưng chúng ta đừng quên bắt chước Ngài trong tính chất ấy. Ngài đã yêu cầu chúng ta: «Anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy» (1Cr 11,24). Tưởng nhớ ở đây không gì tốt hơn và ý nghĩa hơn là bắt chước Ngài trong tính chất ấy: Hãy trở nên đồ ăn cho những người chung quanh mình, nhất là những người sống gần mình nhất.



CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin hãy ban cho con nhiều tình yêu hơn, để con bắt chước Chúa, là trở nên của ăn cho những người chung quanh con, bằng cách quên mình đi để sống vì họ, cho họ.

Nguyễn Chính Kết




MinhMauChua1 - Tinh thần của Nước Trời là chia sẻ cho nhau




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Mình Máu Thánh Chúa

(19-06-2022)


Tinh thần của Nước Trời là chia sẻ cho nhau




ĐỌC LỜI CHÚA

  St 14,18-20: (18) Ông Menkixêđê, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao.(19) Ông chúc phúc cho ông Ápram và nói: «Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Ápram!»

  1Cr 11,23-26: (24) «Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy». (25) «Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy».

  TIN MỪNG: Lc 9,11b-17

Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều

(11) Đám đông dân chúng đi theo Người. Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. (12) Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: «Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng». (13) Đức Giêsu bảo: «Chính anh em hãy cho họ ăn». Các ông đáp: «Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này». (14) Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: «Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một». (15) Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. (16) Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. (17) Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Mục đích của Đức Giêsu khi xuống thế là rao giảng Tin Mừng về Nước Trời. Khi tập trung năng lực để thực hiện tốt việc quan trọng ấy, Ngài có quan tâm đến những nhu cầu thể chất của dân chúng không?

2. Một mục tử chỉ quan tâm đến việc rao giảng lời Chúa, không hề quan tâm đến những nhu cầu khác của con chiên, không hề biết chia sẻ cụ thể cho họ, thì đó có phải là một mục tử thật sự yêu thương đàn chiên không? Lời rao giảng của mục tử ấy có sức thuyết phục không? Tại sao?

3.  Nếu trong thế giới, người có nhiều biết chia sẻ cho người không có, nước giàu chia sẻ cho nước nghèo, thì có ai bị nghèo khổ thiếu thốn không? Người Kitô hữu đã có tinh thần chia sẻ này chưa? Nếu có, thì ở mức độ nào?


Suy tư gợi ý:

1. Người mục tử tốt lành biết quan tâm tới cả nhu cầu cụ thể của dân chúng

Đoạn Tin Mừng đi trước bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 9,10b-11a; x. Mt 14,13) cho biết: Đức Giêsu và các môn đệ đã mệt nhoài sau một ngày rao giảng Tin Mừng, nên đã âm thầm trốn dân chúng, tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Nhưng dân chúng vẫn còn muốn nghe Ngài rao giảng, nên khi biết Ngài dự định đi đâu, họ bèn đến chỗ Ngài nghỉ ngơi rất đông. Dù mệt mỏi mà không được nghỉ ngơi, nhưng thay vì bực mình từ chối, Đức Giêsu đã ân cần «tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được cứu chữa» (Lc 9,11b). Ngài đúng là mục tử nhân lành!

Sinh hoạt với họ đến khi trời tối tại một nơi hoang vắng như thế, Ngài không nỡ để họ ra về bụng đói. Ngài yêu cầu các môn đệ hãy lo cho họ ăn: «Chính anh em hãy cho họ ăn» (Lc 9,13). Điều này cho thấy Ngài chẳng những không làm ngơ trước những nhu cầu thực tế vật chất của người dân, mà còn muốn các môn đệ Ngài phải biết lo cho họ. Tình yêu đích thực đòi hỏi người mục tử không chỉ quan tâm đến nhu cầu tâm linh của người dân, mà còn quan tâm đến cả những nhu cầu cụ thể của họ. Chính khi người mục tử tỏ ra yêu thương dân chúng và lo cho họ cả những nhu cầu cụ thể, thì họ mới hứng khởi lắng nghe người mục tử nói những vấn đề tâm linh.



2.  Một cách chú giải khác thường về đoạn Tin Mừng này

Đa số các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng khi biến bánh và cá hóa nhiều cho dân chúng ăn, Đức Giêsu đã dùng đến quyền năng Thiên Chúa của Ngài. Tuy nhiên, có những nhà chú giải cho rằng Ngài đã không cần phải dùng đến phép lạ, mà chỉ cần thuyết phục để dân chúng biết chia sẻ của ăn cho nhau thì lập tức mọi người đều được dư đầy. Các nhà chú giải này cho rằng: khi theo Đức Giêsu như thế, thì những người giầu có hoặc những người biết lo xa đã đem theo dư dả thức ăn và thức uống cho chính họ. Đương nhiên cũng có rất nhiều người không chuẩn bị đem theo thức ăn gì cả. 

Trong bài giảng chiều hôm đó, Đức Giêsu nói về Nước Trời (x. Lc 9,11b), tức một xã hội lý tưởng trong đó mọi người đều yêu thương nhau, sẵn sàng chia sẻ cho nhau mọi thứ. Và giảng xong, Đức Giêsu đã yêu cầu họ áp dụng tinh thần yêu thương chia sẻ ấy, bằng cách gom lại hết tất cả mọi thức ăn họ có và chia sẻ đồng đều cho mọi người. Điều vô cùng lạ lùng xảy ra là chẳng những tất cả mọi người đều ăn no, mà còn dư tới 12 thúng.

Chắc hẳn cách chú giải này không được mấy người ưa thích hay chấp nhận, nhất là những người có khuynh hướng đề cao thiên tính của Đức Giêsu. Nhưng không phải vì thế mà nó không có căn cứ hoặc không có ý nghĩa. Cách chú giải này có khuynh hướng nhấn mạnh đến nhân tính của Đức Giêsu, khiến Ngài trở nên gần gũi con người hơn, và con người dễ bắt chước Ngài hơn. Khi Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ: «Chính anh em hãy cho họ ăn» (Lc 9,13), điều đó hẳn có ý nghĩa là Ngài nhận thấy chính các tông đồ –nếu khôn ngoan và thấm nhiễm được tinh thần yêu thương chia sẻ của Ngài– thì có thể giải quyết được khó khăn này theo sức loài người, không cần đến quyền lực thần thiêng. Các Kitô hữu thời sơ khai đã áp dụng tinh thần chia sẻ này, gom tất cả của cải để chia đồng đều theo nhu cầu, theo cách chú giải này về đoạn Tin Mừng trên.

Điều ta có thể chắc chắn là Ngài không bao giờ lại đề nghị với các ông làm một điều mà sức loài người không thể làm được! Chỉ khi các ông không nghĩ ra phải làm cách nào, Ngài mới cho các ông thấy cách giải quyết của Ngài dựa trên sự khôn ngoan biết kích thích tình yêu thương của mọi người, chứ không cần dựa trên quyền năng thần thiêng.

Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của việc hóa bánh ra nhiều theo cách chú giải này.



3.  Con người sẽ không thiếu thốn nếu biết chia sẻ cho nhau

Hiện nay, rất nhiều nơi trên thế giới bị nạn đói, nhiều dân tộc nghèo khổ… Điều đó không phải vì Thiên Chúa không ban cho con người được đầy đủ, mà do sự phân phối của cải và lương thực giữa con người không hợp lý và đồng đều

Những bản thống kê cho thấy: 8/10 của cải trên thế giới đang nằm trong tay 1/10 nhân loại, còn 2/10 của cải kia cũng được chia một cách không đồng đều cho 9/10 nhân loại. Do đó, trên thế giới hiện nay, sự chênh lệch giữa người giầu và người nghèo, giữa nước giầu và nước nghèo hết sức lớn. Có những người hết sức giầu có, sống xa hoa phung phí cả đời mà vẫn không hết tiền. Và cũng có những người hết sức nghèo khổ, không sao thỏa mãn được cả những nhu cầu cơ bản nhất của sự sống, lo chạy gạo từng bữa mà không đủ. Mà của cải thì Thiên Chúa ban chung cho cả thế giới, và ban một cách dư dật để mọi người được dùng đầy đủ, đâu ban riêng cho ai.

Do đó, nếu người giầu không biết chia sẻ của cải cho người nghèo, thì rõ ràng một cách nào đó là họ đã duy trì sự bất công trong nhân loại. Để cho mình quá giầu có giữa những người nghèo khổ, một cách nào đó là phạm một điều bất công. Vì bình thường nếu không nhờ sự bất công −sự bất công đó có thể là hợp pháp mà cũng có thể bất hợp pháp, có thể bất hợp lý mà cũng có thể hợp lý − thì làm sao người ta có thể hơn nhau quá nhiều như thế? Sự bất công đó có thể do từ thời cha ông hay tổ tiên để lại, mà cũng có thể do cơ cấu xã hội chưa hoàn chỉnh tạo ra. Chẳng hạn bọn thực dân đã tới chiếm đất một cách bất công ở các nước thuộc địa, rồi để lại cho con cháu họ. Hàng con cháu đó được giàu có không phải vì chính họ đã làm gì bất công, mà vì sự bất công ấy là do cha ông họ làm. Hay do cơ cấu xã hội không hợp lý khiến có những người kiếm tiền quá dễ dàng và có những người kiếm tiền quá khó khăn…

Nếu của cải và lương thực trên thế giới được phân phối một cách tương đối đồng đều, bằng cách người có nhiều chia sẻ cho người có ít, nước giàu chia sẻ cho nước nghèo, thì không một ai trên thế giới này bị nghèo khổ và thiếu thốn.



4.  Thực hành Nước Trời bằng sự chia sẻ như các Kitô hữu đầu tiên

Theo cách chú giải nêu trên, thì Đức Giêsu đã làm một «phép lạ» bằng cách rao giảng về Nước Trời, rồi đề nghị mọi người thực hành Nước Trời ấy ngay tức khắc và tại chỗ, đó là thực hành yêu thương và chia sẻ cho nhau. Nhờ đó, mọi người đều thấy ngay tại chỗ hiệu quả tuyệt vời của việc thực hành ấy: không những ai cũng no đủ mà còn dư dả nữa.

Việc thực hành Nước Trời cách thực tế ấy đã được các Kitô hữu đầu tiên áp dụng thật sự trong đời sống cộng đoàn của họ. Sách Công Vụ Tông Đồ mô tả: «Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu» (Cv 2,44-45). Kết quả của việc thực hành Nước Trời như thế là: «Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu» (Cv 4,34-35). Chính vì họ thật sự thực hiện tinh thần yêu thương của Nước Trời ngay trong đời sống của họ như thế, nên họ «được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ» (Cv 2,47).

Nhìn lại cách sống đạo của người Kitô hữu ngày nay, ta thấy tinh thần chia sẻ của Nước Trời thật hiếm hoi, ngay cả nơi những người rao giảng Tin Mừng về Nước Trời. Vì thế, chúng ta cần xét lại cách sống Tin Mừng của chúng ta và sửa đổi lại cho đúng.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, trước khi lên đường chịu tử nạn để hy sinh mạng sống cho toàn nhân loại, Đức Giêsu đã «cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”» (1Cr 11,24). Rồi Ngài «nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”» (1Cr 11,25). Ngài yêu cầu chúng con hãy làm như Ngài, là cũng hãy trở nên của ăn của uống cho tha nhân, bị hiến tế vì tha nhân, cụ thể là hy sinh thì giờ, sức khỏe, tiền bạc, lương thực, vật chất… cho những người sống bên cạnh mình, thật sự chia sẻ sự sống của mình cho họ. Xin Cha giúp chúng con làm được như vậy.


Sunday, June 9, 2019

BaNgoib - Ba Ngôi, mẫu gương yêu thương, hiệp nhất trong khác biệt và đa dạng




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi

(12-06-2022)


Ba Ngôi, mẫu gương yêu thương, hiệp nhất 
trong khác biệt và đa dạng


  TIN MỪNG: Ga 16,12-15

Khi Thần Khí sự thật đến


Câu hỏi gợi ý:
1. Có phải tất cả những gì có thể nói về Thiên Chúa đều đã được mạc khải qua Đức Giêsu Kitô, và không còn gì để nói về Thiên Chúa ngoài những mạc khải ấy?

2. Theo Đức Kitô, «Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn» (Ga 16,13). Thần Khí sự thật đã đến chưa, và Ngài đã mạc khải sự thật về Thiên Chúa như thế nào?

3. Có thể có nhiều cách nhìn khác nhau về Thiên Chúa không? Các cách nhìn ấy có thể mỗi cách đều có giá trị riêng của nó không? Tại sao?

4. Ba Ngôi Thiên Chúa có khác biệt nhau không? Sự khác biệt ấy làm cho Ba Ngôi hợp nhất hay chia rẽ? Sự khác biệt giữa mọi loài, mọi vật, mọi tôn giáo trên thế giới, có nằm trong ý muốn của Thiên Chúa không?

Suy tư gợi ý:

1.  Còn nhiều điều phải nói về Thiên Chúa hơn những điều đã nói ra

Đức Giêsu đến thế gian để mạc khải cho con người biết về Thiên Chúa, nhưng đời Ngài quá ngắn ngủi (33 năm), mà trong đó Ngài chỉ dành một phần thời gian rất nhỏ (3 năm) để giảng dạy. Làm sao Ngài có thể nói hết về Thiên Chúa, Đấng vô cùng vô tận? 

Thế giới này là hữu hạn, thế mà con người nghiên cứu hết đời này đến đời khác, thế kỷ này đến thế kỷ khác, và đã có hàng tỷ cuốn sách viết ra về thế giới, thế mà vẫn không hết. Con người lúc nào, thời nào cũng vẫn khám phá ra cái mới về thế giới, vũ trụ. Thế giới hữu hạn mà còn vậy, Thiên Chúa là Đấng vô hạn, lẽ nào Đức Giêsu lại chỉ cần nói trong 3 năm mà hết được? 

Giả như Đức Giêsu có dành ra 100 hay 1000 năm để nói về Thiên Chúa, thì cũng không nói hết được, vì Ngài là Đấng vô biên và phong phú khôn lường! Vì thế, trước khi từ giã các môn đệ để về cùng Chúa Cha, Ngài nói: «Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi» (Ga 16,12). Nghĩa là về Thiên Chúa thì còn nhiều điều phải nói lắm, nhưng có nói thêm thì các tông đồ lúc ấy chẳng lãnh hội được!

«Không có sức chịu nổi» (Ga 16,12)chân lý về Thiên Chúa thì quá cao siêu, mà khả năng hiểu biết của con người thì quá hạn hẹp, nông cạn, làm sao trong một thời gian quá ngắn con người hiểu biết được. Những môn học dành cho cấp 3, thì học sinh cấp 2 không thể lãnh hội được. Cũng vậy, Đức Giêsu không thể nói cho các môn đệ những điều về Thiên Chúa vượt quá khả năng lãnh hội của họ lúc đó được, vì nói mà họ không hiểu thì vô ích. Ngài chỉ nói trong khả năng lãnh hội hạn hẹp của họ mà thôi. Phải chờ trình độ hiểu biết, suy tư và tâm linh của họ cao hơn, thì mới có thể nói những điều cao siêu, khó hiểu hơn.

Vì thế, chúng ta đừng quá ảo tưởng về những điều đã được mạc khải qua Đức Giêsu, cho đó là trọn vẹn, là gồm đầy đủ tất cả những gì có thể nói về Thiên Chúa. Chẳng lẽ Thiên Chúa của chúng ta lại quá hữu hạn như thế sao?



2.  Thần Khí sự thật sẽ tiếp tục mạc khải

Con người có nhu cầu hiểu biết về Thiên Chúa. Vì thế, việc mạc khải về Thiên Chúa vẫn được tiếp tục mạc khải qua lịch sử con người bởi Thánh Thần, như Đức Giêsu đã hứa: «Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn» (Ga 16,13). Thánh Thần đã hiện xuống trên các tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần, nhưng Ngài không nói gì cả. Và chắc chắn trong suốt chiều dài lịch sử con người, Ngài còn xuống trên rất nhiều người khác nữa, thuộc tất cả mọi thời đại

Cách mạc khải của Thánh Thần không phải theo kiểu của Đức Giêsu: nhập thể thành một người để nói với một số người. Mà theo kiểu ngôn sứ Giôen đã báo trước: «Thiên Chúa phán: "Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta, cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ"» (Cv 2,17-18; xem Ge 3,1-2).

Nếu tất cả những gì Đức Giêsu nói không phải là tất cả những gì có thể nói được về Thiên Chúa vô hạn, thì chắc chắn còn nhiều điều được mạc khải về Thiên Chúa là do Thánh Thần của Ngài, ngoài những gì Đức Giêsu đã nói. Theo ngôn sứ Giôen được Phêrô nhắc lại trong sách Công vụ tông đồ, thì trong lịch sử con người, Thần Khí đã được đổ xuống trên rất nhiều người, để họ nói lên những chân lý về Thiên Chúa, và đó chính là mạc khải của Thánh Thần. Những mạc khải ấy ở đâu? là gì? Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ, và rất có thể nhờ đó, ta thấy được chỗ đứng của các tôn giáo trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

Vì khi Ngài là chủ tể điều khiển lịch sử, thì việc xuất hiện các tôn giáo lớn trên thế giới không thể là ngoài thánh ý của Ngài. Nhất là khi Ngài lại để cho các tôn giáo ấy xuất hiện và phát triển trước Kitô giáo. Chẳng hạn tại châu Á, đang khi các tôn giáo khác xuất hiện từ những thế kỷ đầu công nguyên, thì mãi đến thế kỷ 15, Thiên Chúa mới cho Kitô giáo được truyền bá một cách có qui mô tại châu Á

Tại sao Thiên Chúa lại để Kitô giáo đến trễ như vậy? Ngài có muốn Kitô giáo cạnh tranh với các tôn giáo khác không? - Chúng ta phải nhận ra ý muốn của Ngài qua việc Ngài đã làm trong lịch sử, chứ không phải là đoán ý của Ngài qua sự mong muốn của chúng ta! Trời cao hơn đất bao nhiêu thì thánh ý Ngài cao hơn ý chúng ta như vậy! (xem Is 55,8-9)



3.  Muôn loài vạn vật đều đa dạng và đa diện

Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật đa hình đa dạng, và vật nào cũng đều đa diện. Vật nào cũng đều có thể có nhiều cách nhìn khác nhau, do nhiều người khác nhau nhìn từ nhiều vị trí khác nhau. Cùng một vấn đề, nhưng người nhìn thấy thế này, kẻ nhìn thế khác: một bác sĩ khó có thể có cùng một cách nhìn với một kỹ sư, và lại càng khác xa cách nhìn của một bác nông dân. Chẳng ai dám kết luận là cách nhìn này đúng, cách nhìn kia sai, mà chỉ có thể kết luận rằng chúng khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. 

Thiên Chúa vẫn luôn luôn thích có sự đa dạng trong vũ trụ. Chẳng hạn đối với loài hoa, Ngài đã dựng nên hàng triệu loại khác nhau, trong đó mỗi loại đẹp mỗi vẻ. Chắc chắn Ngài và bất kỳ ai trong chúng ta, chẳng ai muốn dẹp đi mọi loại hoa, chỉ để tồn tại một loài mà ta nghĩ là đẹp nhất mà thôi. Như thế, thế giới này sẽ bớt phong phú, sẽ trở nên buồn tẻ hơn. 

Cũng thế, chắc hẳn Ngài cũng không thích trên thế giới này chỉ tồn tại một cách nhìn duy nhất về Ngài, một cách thờ phượng duy nhất dành cho Ngài theo kiểu một tôn giáo nào đó, vì như thế, thế giới sẽ trở nên đơn điệu, buồn tẻ. Chính vì thế, Ngài đã cho lập nên nhiều tôn giáo, nhiều ý thức hệ khác nhau, không phải để nhân loại chia rẽ nhau, mâu thuẫn nhau, mà để bổ túc cho nhau.

Thiên Chúa muốn người ta hợp tác với nhau, yêu thương nhau, chấp nhận sự khác biệt của nhau, hơn cả sự hoàn hảo cá nhân của họ. Chính vì thế, Ngài đã không dựng nên những con người hoàn hảo, có khả năng tự độc lập. Mà Ngài đã dựng nên những con người không hoàn hảo: người được mặt này mất mặt kia, kẻ được mặt kia nhưng lại mất mặt này, để con người cần lẫn nhau, nương nhau mà tồn tại, hầu nhờ đó họ cộng tác với nhau, yêu thương nhau. Cũng như người nam và người nữ nhờ khác nhau, nhờ không hoàn hảo (người được mặt này kẻ được mặt kia), mà họ yêu thương và kết hợp với nhau thành vợ chồng.



4.  Hãy bắt chước Ba Ngôi Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi khác biệt nhau, mỗi Ngôi một vẻ. Nhờ vậy, Ba Ngôi yêu thương nhau, hợp với nhau thành một Thiên Chúa duy nhất. Ba Ngôi tuy khác biệt nhau, nhưng lại chấp nhận nhau, cần lẫn nhau, hợp tác với nhau, yêu thương nhau, sống chung hòa bình với nhau. Ba Ngôi không bao giờ muốn tiêu diệt nhau để chỉ còn một Ngôi tồn tại. Ba Ngôi đều bằng nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng cả sự bình đẳng giữa nhau, không Ngôi nào muốn vượt trội hơn để thống trị Hai Ngôi kia.

Mọi người, mọi gia đình, mọi tập thể, mọi tôn giáo, cần bắt chước Ba Ngôi trong những khía cạnh ấy. Đừng ai mong mình vượt trội hơn những người khác, muốn thống trị những người khác, muốn chiếm địa vị độc tôn, độc quyền. Ba Ngôi của chúng ta là một Ba Ngôi hợp nhất, nhưng hợp nhất ở đây là thứ hợp nhất trong đa dạng, chứ không phải hợp nhất trong đồng nhất. Mọi tập thể, mọi gia đình, mọi tôn giáo, cần phải chống lại cơn cám dỗ muốn hợp nhất bằng cách làm mọi sự thành đồng nhất: muốn mọi người chỉ còn một cách nhìn, một cách suy nghĩ duy nhất là cách của mình. Trái lại, cần phải tôn trọng sự khác biệt và bình đẳng, thì nhân loại mới có nhiều khả năng yêu thương nhau, và sống chung hòa bình với nhau được.

Mọi chia rẽ, chiến tranh trong gia đình, trong tập thể đều phát xuất từ ý của một người nào đó muốn áp đặt ý của mình lên người khác, muốn thống trị, muốn trổi vượt, muốn độc tôn. Và cái ý ngông nghênh ấy cuối cùng chỉ là những hình thức thể hiện tính kiêu ngạo, ích kỷ, muốn tự đề cao mình.



CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho mọi người, mọi tập thể trên trần gian, trong đó có Giáo Hội của chúng con, biết bắt chước tinh thần yêu thương hợp tác của Ba Ngôi: biết yêu thương nhau, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, không áp đặt lẫn nhau, ép người khác trở nên giống mình, nghĩ như mình, nhưng muốn cho nhau cùng tồn tại, để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, yêu thương và hợp nhất với nhau. Đó cũng chính là Nước Trời mà Đức Giêsu muốn xây dựng cho trần gian.    


Nguyễn Chính Kết