Sunday, March 31, 2019

chay5b - Hãy thông cảm và tha thứ để được Chúa thông cảm và thứ tha



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay

(03-04-2022)

Bài đào sâu

Hãy thông cảm và tha thứ
để được Chúa thông cảm và tha thứ


  TIN MỪNG: Ga 8,1-11

Người phụ nữ ngoại tình



Câu hỏi gợi ý:
1. Tôi có dễ dàng thông cảm và tha thứ cho những người phạm một tội nào đó khi nghĩ rằng chính mình cũng đã có những lần sai phạm giống như họ không?

2. Những lầm lỗi hay khuyết điểm của tôi có làm tôi khiêm nhượng hơn, dễ thông cảm hơn với những lầm lỗi của những người chung quanh tôi không?


Suy tư gợi ý:

1.  Ai sạch tội, hãy ném đá trước đi!

Đây là một đoạn Tin Mừng mà tôi rất thích. Thích vì nó rất phù hợp trong việc ngăn cản tôi kết án người khác, nó làm cho tôi nguôi giận ngay mỗi khi có ai đó làm tôi bực mình muốn lên tiếng chửi bới, v.v... Gặp những trường hợp đáng bực bội đó mà kịp nghĩ đến lời Đức Giêsu: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi» (Ga 8,7), thì tôi lại cười xòa, và mọi cơn giận hay khuynh hướng muốn kết án bị giập tắt ngay. Tại sao? Vì chính tôi cảm thấy rằng mình cũng đã từng làm một ai đó bực mình, bị thiệt hại, bị buồn phiền, và đã từng làm những điều hết sức ngu xuẩn, v.v... như người vừa mới làm phiền tôi, hay vừa làm một điều ngu xuẩn nào đó.

Chẳng hạn, ngoài công lộ, một ai đó chạy xe ẩu làm tôi suýt bị té, khiến tôi bực bội đến nỗi buột miệng chửi toáng lên. Nhưng khi tôi chợt nghĩ rằng trước đây mình cũng đã từng làm cho một vài người suýt bị té y như vậy, thì tôi hết bực mình ngay. Nhiều khi con cái tôi làm tôi tức lộn ruột lên, khiến tôi muốn phạt chúng một trận nên thân, nhưng khi chợt nhận ra rằng tôi cũng đã từng làm cho cha mẹ tôi tức lộn ruột y như vậy, thì tự nhiên cơn giận tôi biến mất ngay.

Làm sao tôi có thể kết án người khác, khi chính tôi cũng đã từng phạm một lỗi như họ? Đọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi khá bất bình với những người giả bộ đạo đức đem người phụ nữ ngoại tình đến với Chúa để Ngài kết án. Nhưng khi nghe thấy họ từ từ rút đi hết sau khi nghe Đức Giêsu nói: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi», thì tôi cảm phục họ. Ít ra là họ cũng còn liêm sỉ khi thành thật nhận ra mình cũng chẳng tốt lành gì, để rồi lặng lẽ rút lui.

Nhưng có lẽ cũng có khá nhiều người Kitô hữu không đủ liêm sỉ bằng những kinh sư và những người Pharisiêu trong bài Tin Mừng này. Họ sẵn sàng kết án người khác, nuôi lòng hận thù với người khác, và rất khó tha thứ, đang khi chính họ cũng đã từng làm những hành vi tội lỗi tương tự như thế, hoặc còn hơn thế nữa.



2.  Tội hồng phúc, những khiếm khuyết hồng phúc

Tôi nhận thấy tội lỗi hay khiếm khuyết cũng có mặt tích cực của nó. Nhờ tôi đã từng phạm một số lầm lỗi, sai lạc, yếu đuối, hay ít ra bị cám dỗ nặng nề về một số tội nào đó, mà tôi trở nên bao dung, dễ tha thứ và sẵn sàng thông cảm với những yếu đuối hay lầm lỗi của người khác hơn. Tôi cảm thấy nếu tôi chưa từng phạm những lầm lỗi, những điều đáng trách ấy, thì có thể tôi đã không dễ dàng thông cảm với những yếu đuối của tha nhân.

Trong hai trường hợp sau đây, nếu phải chọn một, thì bạn chọn trường hợp nào?

- một là không hề phạm một lỗi nào cả nên khó thông cảm tha thứ cho những yếu đuối của người khác,

- hai là đã từng yếu đuối, sa ngã, lầm lỡ, nên trở nên độ lượng, bao dung, dễ cảm thông với những yếu đuối lầm lỡ của người khác.

Riêng tôi, tôi sẽ nghĩ đến trường hợp thứ ba là tuy không phạm lỗi bao giờ nhưng lại rất thông cảm với những lầm lỗi người khác, và tôi cho trường hợp này là tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, có lẽ trường hợp này khá hiếm. Nhưng nếu chỉ có hai trường hợp trên, thì tôi thích trường hợp thứ hai hơn. Loại người thứ hai chắc chắn được nhiều người thương mến hơn loại người thứ nhất. Và chắc chắn Chúa cũng thích như thế.

Nói thế không có nghĩa là tôi khuyến khích người ta phạm tội để họ có được sự thông cảm với những người tội lỗi. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã từng yếu đuối, lỡ sa ngã phạm tội, thì hãy nhìn ra khía cạnh tích cực của tội lỗi. Nhận ra tội lỗi hay sự yếu đuối của mình sẽ giúp ta khiêm nhường, thông cảm, nhờ đó dễ tha thứ cho người khác. Đức khiêm nhường mà ta có được do nhìn nhận tội lỗi mình thì còn quí giá hơn là trong sạch mà kiêu căng, muốn tự hào và cho rằng mình hơn người vì sự trong sạch đó.



3.  Thái độ thông cảm của Đức Giêsu đối với người tội lỗi

Đức Giêsu rất thánh thiện, không hề sai phạm một lầm lỗi nào, thế mà Ngài vẫn luôn luôn thông cảm được với sự yếu đuối của người tội lỗi, Ngài không kết án mà sẵn sàng tha thứ. Còn chúng ta, chúng ta cũng yếu đuối như tất cả mọi người, thế mà ta lại khó thông cảm với những yếu đuối của người khác, nhất là khi họ làm thiệt hại đến ta, đến quyền lợi, danh tiếng, hay cản trở ý muốn của ta. Có thể ta dễ dàng kết án người khác, làm như thể ta hoàn toàn vô tội, không hề phạm những sai lỗi như thế bao giờ. Kết án người khác dễ dàng, điều đó chứng tỏ ta không liêm sỉ bằng những người tự động rút lui sau câu nói của Đức Giêsu: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi».

Trong cuộc đời, nhiều khi ta khó chịu với những kẻ lên mặt đạo đức hay kết án hơn là với những kẻ phạm nhiều lầm lỗi. Chắc hẳn Thiên Chúa cũng không ưa những kẻ hay kết án cho dù đời sống của họ có tốt đẹp đến đâu. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho kẻ có tội nếu họ biết ăn năn hối lỗi, nhưng Ngài khó tha thứ cho những kẻ hay kết án. Ngài đã từng nói: «Anh em đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa kết án» (Mt 7,1). Điều đó có nghĩa: kết án người khác chính là cách chắc chắn nhất để Thiên Chúa quay ngược lại kết án chúng ta! Vậy thì ta đừng bao giờ dại dột kết án người khác.

Tôi vẫn nghĩ rằng cách tốt nhất để Thiên Chúa khỏi kết án ta là ta đừng bao giờ kết án người khác. Nếu chúng ta luôn luôn tha thứ cho người khác một cách vô điều kiện, chắc chắn Thiên Chúa cũng không thua kém lòng quảng đại của chúng ta, Ngài cũng sẽ tha thứ cho chúng ta như vậy. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta vẫn xin Chúa tha nợ chúng ta, giống như chúng ta tha nợ cho những kẻ nợ chúng ta. Ta tha thứ cho người khác kiểu nào, Thiên Chúa cũng tha thứ cho ta kiểu ấy. Ta chấp tội người khác thế nào, Thiên Chúa cũng chấp tội ta thể ấy (x. Mt 7,2). Vậy, một cách nào đó, chính ta quyết định việc ta có được Chúa tha thứ hay không.



CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con ý thức được thân phận yếu đuối và tội lỗi của mìnhđể con thông cảm dễ dàng với những yếu đuối của anh chị em chung quanh con. Xin đừng để con kết án ai bao giờ, nhưng luôn luôn tìm ra những lý lẽ để thông cảm cho những lỗi lầm của họ. Xin cho con đủ bao dung quảng đại để sẵn sàng tha thứ một cách vô điều kiện cho bất kỳ ai xúc phạm đến con. Và con nghĩ đó là cách khôn ngoan nhất để con được Chúa tha thứ cho con một cách vô điều kiện.

Nguyễn Chính Kết



Chay5 - Luật yêu thương đòi hỏi thông cảm và tha thứ




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay

(03-04-2022)


Luật yêu thương đòi hỏi thông cảm và tha thứ



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 43,16-21: (19) Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao ? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.

  Pl 3,8-14: (8) Vì Đức Kitô, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô (9) và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô.

  TIN MỪNG: Ga 8,2-11

Người phụ nữ ngoại tình

(2) Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. (3) Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, (4) rồi nói với Người: «Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. (5) Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?» (6) Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. (7) Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi». (8) Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. (9) Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (10) Người ngẩng lên và nói: «Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?» (11) Người đàn bà đáp: «Thưa ông, không có ai cả». Đức Giêsu nói: «Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!»





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Luật Môsê –cũng là luật của Thiên Chúa– buộc phải xử tử những kẻ ngoại tình bị bắt quả tang. Đức Giêsu có tuân theo luật ấy không? Tại sao?

2. Luật mới của Đức Giêsu –luật yêu thương– đòi hỏi những gì? Nếu không biết thông cảm và tha thứ, mà chỉ thích phán xử và kết án, ta có phải là kẻ giữ luật mới của Ngài không?


Suy tư gợi ý:

1.  Các kinh sư Do Thái gài bẫy Đức Giêsu

Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo muốn dùng trường hợp người phụ nữ ngoại tình này để gài bẫy Đức Giêsu hầu tìm ra cớ tố cáo Ngài. Nếu Ngài tuyên bố không nên ném đá phụ nữ này, thì Ngài đã không tuân luật Môsê. Môsê viết: «Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai phải bị xử tử» (Đnl 22,22; x. Lv 20,10). Mà Ngài đã không tuân luật Môsê, thì họ sẽ tố cáo Ngài trước dân chúng, và dân chúng buộc phải tẩy chay Ngài. Vì giữa luật Môsê và Ngài, thì dân chúng phải tin vào luật Môsê hơn. – Nếu Ngài tuyên bố phải ném đá, thì họ sẽ tố cáo Ngài với chính quyền Rôma, và Ngài sẽ bị chính quyền Rôma xét xử, vì Ngài đã vi phạm luật Rôma. Theo luật Rôma, người dân thuộc địa không có quyền lên án giết ai cả (x. Ga 18,31). Nhưng cách giải quyết của Ngài chẳng những giúp Ngài thoát cái bẫy này một cách tài tình, mà còn làm ê mặt các nhà lãnh đạo tôn giáo, đồng thời còn cho họ và cho chúng ta một bài học để đời.



2.  Tại sao Đức Giêsu không tuân theo luật Môsê?

Luật Môsê là luật của Thiên Chúa (x. 2Mcb 7,11; Tv 1,2; Lc 2,23-24). Thời Cựu ước, dân Do Thái ai nấy đều tin rằng đã là luật của Thiên Chúa thì sẽ là luật muôn đời không bao giờ thay đổi. Trong Kinh Thánh, có rất nhiều câu xác định luật này là luật vĩnh viễn cho con người (x. Xh 12,17.24; 27,21; 30,21; Lv 6,11.15; 7,34; Br 4,1; v.v…), là luật chung cho cả địa cầu (x. 1Sb 16,14; 2Sm 7,19; Tv 105,7). Và con người phải tuân giữ luật, vì có như thế mới là tôn kính và yêu mến Thiên Chúa (Đnl 17,19; Gs 22,5; Hc 2,16; 15,1). Ai tuân giữ luật thì được hạnh phúc, được sống đời đời (Tv 119,1.165; Cn 29,18; Kn 6,18). Ai không giữ luật thì chính mình và cả con cháu ba bốn đời sẽ Thiên Chúa bị nguyền rủa, trừng phạt (x. 1Sb 15,13; Xh 34,7; Er 7,26; Gr 19,15).

Vậy, luật Môsê buộc phải xử tử hình những kẻ phạm tội ngoại tình, tại sao Đức Giêsu không tuân theo luật ấy mà lại tìm cách tha cho người phụ nữ này? Đức Giêsu không giữ luật? Có phải vì Ngài không muốn vi phạm luật Rôma nên đành vi phạm luật Môsê? Hay Ngài chỉ muốn tìm cách nào thoát khỏi cái bẫy này? Hay Ngài là một nhà làm luật mới?



3.  Đức Giêsu đến lập luật mới là luật yêu thương và tha thứ

Nhiều người tưởng rằng hễ đã là luật của Thiên Chúa thì sẽ là thứ luật muôn đời không thay đổi theo không gian và thời gian, nghĩa là luật của Ngài phải được áp dụng cho mọi dân tộc trong mọi thời đại. Nhưng không phải như vậy! Thiên Chúa lập luật cho con người chứ không phải cho Ngài. Luật đó vì con người, nên phải phù hợp với con người. Mà con người thì luôn luôn thay đổi: trình độ tâm linh và sự hiểu biết của con người luôn luôn tiến triển. Nên để phù hợp với con người, luật Chúa cũng phải thay đổi. Thật vậy, lịch sử cứu độ cho thấy luật cũ của Môsê đã được thay thế bằng luật mới của Đức Giêsu: «Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê» (Rm 3,21; x. Ep 2,15; Dt 7,18). Các tông đồ đã chính thức tuyên bố bãi bỏ luật Môsê (x. Cv 15,28-29).

Con người thời Cựu ước giống như nhân loại còn là trẻ con. Khi ta còn là trẻ con, cha mẹ ta ra luật cho ta, và bắt ta giữ. Nếu ta không giữ thì bị đòn, nếu ta giữ thì được khen thưởng. Động cơ giữ luật của ta là sợ phạt và ham thưởng. Nhưng khi lớn lên, ta không còn giữ những luật đơn sơ ngày xưa nữa, không giữ luật một cách nô lệ nữa. Động cơ khiến ta giữ luật không còn là sợ hãi hay ham thưởng nữa, mà là tình yêu (đối với Thiên Chúa, với chân, thiện, mỹ, với cha mẹ, với mọi người). Khi trưởng thành, ta biết điều nào là đúng, là hợp lý, là phù hợp với tình yêu, và ta biết ta phải hành động thế nào.

Thời Đức Giêsu, nhân loại đã trưởng thành về tâm linh hơn thời Môsê, nên Ngài đã khai mạc một kỷ nguyên mới, với luật mới của Ngài. Luật của Ngài chỉ có một khoản duy nhất: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Vì thế, Ngài cũng như chúng ta, những kẻ theo Ngài, không còn hành xử theo luật Môsê nữa, mà hành xử theo sự thúc đẩy của tình yêu.



4.  Luật yêu thương đòi hỏi sự thông cảm và tha thứ

Tình yêu đòi hỏi phải thông cảm và tha thứ… Thông cảm vì bản thân ta cũng như mọi người khác đều rất yếu đuối và bị lệ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh. Kết cuộc, con người «ai cũng phạm tội» (Rm 5,12): «Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không» (Rm 3,10; x. 1Ga 1,10). Nếu mình cũng phạm tội, mà mình lại kết án người khác, thì quả thật có chút gì «vô liêm sỉ» ở trong đó.

Đức Giêsu tuy không hề phạm tội (x. 1Pr 2,22), nhưng Ngài lại không lên án ai (trừ những người đạo đức giả như những người Pharisêu). Ngài đã từng chịu ma quỉ cám dỗ, nên Ngài rất am hiểu sự yếu đuối của con người. Vì thế, đứng trước người phụ nữ này, Ngài hiểu hết những tình huống đã dẫn chị ta đến với cơn cám dỗ, và từ cơn cám dỗ đến những hành vi tội lỗi. Ngài hoàn toàn thông cảm với chị. Ngài ghê tởm những kẻ tuy cũng cảm thấy mình yếu đuối như chị, cũng đã từng sa ngã khi gặp cám dỗ như chị, nhưng lại vẫn muốn kết án chị. Dường như kết án chị, họ mới thỏa mãn niềm kiêu hãnh phát xuất từ một ảo tưởng rằng họ vô tội. Họ thích sống trong ảo tưởng đó, và muốn củng cố ảo tưởng đó bằng cách kết án người khác. Họ nghĩ càng kết án thì càng chứng tỏ mình trong sạch, vô tội.

Đức Giêsu thấy ác tâm của họ, Ngài kêu gọi lương tâm họ, đánh thức tính liêm sỉ trong lòng họ. Ngài bảo họ: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi» (Ga 8,7). Ngài biết đã là con người yếu đuối, nếu không có ơn siêu nhiên giúp, họ không thể nào tránh được tội lỗi. Lời nói của Ngài buộc họ phải tự xét lại chính mình. Và một khi đã tự xét mình một cách thành thật, chắc chắn ai cũng thấy ít nhiều tội lỗi của mình. Ngài đã cho họ một kinh nghiệm tâm linh: hãy thông cảm với tội lỗi của kẻ khác, vì chính bản thân mình cũng có tội.

Một khi đã thông cảm với tội lỗi người khác, thì chỉ còn biết tha thứ, bỏ qua, rồi lại tiếp tục yêu thương, tôn trọng họ.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con cảm thấy mình rất yếu đuối. Nhiều khi con đã phạm tội, và con đã từng phải xấu hổ vì tội của con. Nhưng lạ thay, khi thấy tha nhân chung quanh con phạm tội, nhiều khi con lại mạnh mẽ lên tiếng kết án họ. Khi con phạm tội, con muốn Cha và tha nhân thông cảm và tha thứ cho con. Nhưng khi người khác phạm tội, con lại không muốn thông cảm và tha thứ cho họ. Tại sao con lại mâu thuẫn như vậy? Con là như vậy sao? Trái tim con quả là bằng đá. Xin Cha hãy sửa dạy con. Cho con một trái tim bằng thịt thật sự, biết yêu thương, thông cảm với những yếu đuối của mọi người, và sẵn sàng tha thứ tất cả.


Friday, March 29, 2019

Chay4b - Thái độ cần có đối với những người sai lầm, tội lỗi



Thái độ cần có
đối với những người sai lầm, tội lỗi

1. Sự thánh thiện cốt ở tình yêu hơn ở sự trong sạch hay nhân đức
Đọc Tin Mừng, ta thấy: mặc dù Đức Giêsu là người hết sức thánh thiện, nhưng Ngài lại sống một cách rất hòa đồng với những người tội lỗi (x. Lc 15,2). Thái độ của Ngài đối với người tội lỗi khác hẳn với những người Pharisêu. Những người này luôn luôn tìm cách tránh xa những ai họ cho là tội lỗi, và họ rất khó chịu trước thái độ gần gũi người tội lỗi của Đức Giêsu.
Thật ra họ cũng có lý của họ, vì Cựu ước đã đưa ra những luật lệ về sự «thanh sạch» rải rác ở nhiều nơi, đặc biệt ở sách Lêvi các đoạn từ 11 đến 16. Những luật này khuyên người Do Thái không ăn, không tiếp xúc, và tránh xa những vật bị coi là ô uế. Chẳng hạn những người bị phong cùi (x. Lv 13, 2-17), những người mắc bệnh lậu (x. Lv 15, 2-15), những phụ nữ có tháng; những loài sống dưới nước mà không có vảy (x. Lv Đnl 14, 9-10), hay những loài chim như đại bàng, diều hâu, ó biển, quạ, đà điểu, cú, bồ nông, ó, cò, diệc… (x. Đnl 14, 11-18), và nhiều loài vật khác. Xác chết của những con vật ấy mà đụng vào ai hay bất kỳ vật gì, thì người ấy, vật ấy trở nên ô uế, cần phải tẩy uế. Những người tội lỗi cũng bị coi là ô uế và người tốt lành không nên đến gần họ (x. Ds 16, 26).
Người Pharisêu xa lánh những vật mà Cựu ước cho là ô uế một cách nhiệm nhặt và chi tiết hơn cả chính luật lệ đòi hỏi nữa. Họ nghĩ sai lầm rằng càng giữ nhiệm nhặt những luật đó, thì họ càng trở nên thanh sạch, thánh thiện trước mặt Thiên Chúa và đạo đức trước mặt mọi người. Vì dân chúng cũng nghĩ như thế, nên khi họ giữ luật đó càng nhiệm nhặt bao nhiêu thì họ càng được mọi người ca tụng là đạo đức bấy nhiêu. Và càng được tiếng là thánh thiện thì họ càng phải tránh giao tiếp với những người tội lỗi để giữ được danh tiếng tốt đẹp ấy.
Còn Đức Giêsu, Ngài không suy nghĩ và hành động như họ. Đang khi họ lấy việc giữ luật và việc cử hành những nghi thức tôn giáo bề ngoài làm chuẩn mực quan trọng cho sự thánh thiện, thì Đức Giêsu lại rất coi thường chuẩn mực ấy. Ngài coi tình yêu đối với mọi người và lòng khoan dung đối với người tội lỗi mới là chuẩn mực và là cốt yếu của sự thánh thiện. Vì cốt tủy của thánh thiện là nên giống như Thiên Chúa, nguồn mạch thánh thiện. Mà để giống Thiên Chúa thì điều cốt yếu nhất là phải giống Ngài về mặt bản chất, nghĩa là phải có tình yêu. Vì «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16) chứ không phải là bất kỳ điều gì khác. Ngài thì vô cùng quyền năng, Ngài thì vô cùng thanh sạch, v.v… nhưng Ngài không là quyền năng, không là thanh sạch, v.v… mà chỉ là tình yêu.
Vì thế, nếu giống Ngài ở trong mọi phẩm chất khác, mà không giống Ngài ở tình yêu, thì không phải là thánh thiện. Người nào trong sạch như thiên thần, hay có đủ mọi nhân đức nhưng lại không có tình yêu, người ấy không phải là người thánh thiện, vì cốt tủy của người ấy không giống Thiên Chúa. Còn những người tuy ít nhân đức, tuy còn ít nhiều tội lỗi, nhưng lại có nhiều tình yêu, thì người ấy giống Thiên Chúa hơn. Thật vậy, trước mặt Thiên Chúa, một người thu thuế bị mang tiếng là tội lỗi nhưng có tình yêu và lòng khiêm nhượng vẫn có thể được Đức Giêsu coi là thánh thiện và công chính hơn một người Pharisêu hằng được mọi người nể phục vì sống trong sạch và giữ luật hết sức nhiệm nhặt nhưng lại thiếu tình yêu và lòng khiêm nhượng (x. dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: Lc 18,9-14). Do đó, là người theo Chúa, ta nên biết điều chủ yếu phải bắt chước Thiên Chúa là điều gì. Nếu không, việc theo Chúa của ta chỉ là «công dã tràng».

2. Tình yêu đòi hỏi cứu người tội lỗi chứ không phải xa lánh họ
Quan niệm của Đức Giêsu như thế, nên Ngài không ngần ngại đến với những người tội lỗi, hòa mình với họ để có thể cảm hóa họ. Đối với Ngài, dù họ tội lỗi đến đâu, họ cũng là «con cháu tổ phụ Ápraham» cả (Lc 19,9; x. 13,16), nên họ cần được cứu khỏi tình trạng tội lỗi ấy. Mà muốn cứu họ thì không thể cứ xa lánh họ như chủ trương của những người Pharisêu, mà phải đến gần họ, tiếp xúc với họ, sống chan hòa với họ, để họ cảm nghiệm được mình thương yêu họ. Họ có cảm được mình yêu thương họ thì họ mới chịu nghe và thực hành những điều hay lẽ phải mình giãi bày. Còn tỏ ra khinh bỉ và xa lánh họ thì chỉ khiến họ xa mình và đẩy họ vào con đường tội lỗi hơn. Đối với Ngài, điều quan trọng là cứu họ chứ không phải là giữ luật về sự «thanh sạch» của Môsê. Tình yêu chân thật đòi buộc phải nghĩ như thế! Giao du với những người tội lỗi này, Ngài đành phải chấp nhận Ngài bị mất uy tín –thứ uy tín giả tạo và phi lý– trước mặt những người Pharisêu và giới lãnh đạo tôn giáo, khiến họ trách móc Ngài. Ai sợ mình mất uy tín hơn là sợ người ta mất linh hồn thì tình yêu của người ấy đối với tha nhân quả là quá mỏng!
Ngài đã dạy các môn đệ: «Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em» (Lc 6, 27-38). Kẻ thù hay kẻ đang làm hại mình mà mình cũng phải yêu thương, huống gì những anh chị em mình đang lầm lỡ, yếu đuối, lạc đường và đang tiến về vực thẳm…! Chính Thiên Chúa và Đức Giêsu đã làm gương này cho chúng ta. Thánh Phaolô viết: «Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ hoằn lắm có người dám chết vì một người lương thiện. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta» (Rm 5, 7-8).
Nếu Thiên Chúa nại vào sự thánh thiện của Ngài mà xa tránh và khinh bỉ những người tội lỗi, thì số phận của loài người chúng ta hiện nay ra sao? Lúc ấy ai cũng đều là tội lỗi thì còn ai dám tự hào rằng mình thánh thiện? Tình yêu đã khiến Thiên Chúa bất chấp sự thánh thiện của mình để đến hòa mình với nhân loại tội lỗi. Thiên Chúa đã coi tình yêu quan trọng hơn sự thánh thiện của Ngài, và chính vì thế Ngài mới đúng là thánh thiện. Vì sự thánh thiện hệ tại tình yêu hơn là hệ tại sự trong sạch hay hệ tại có được vô vàn nhân đức!
Vậy, ta thánh thiện được bao nhiêu mà lại tự hào về sự thánh thiện ấy để xa tránh anh chị em mình mà mình cho là tội lỗi? Hãy noi gương Đức Giêsu, Ngài không hề dị ứng với những người tội lỗi, mà chỉ dị ứng –thậm chí rất dị ứng– với những người mang danh đạo đức mà lại kiêu ngạo, tự mãn, ích kỷ, thiếu tình thương, thích bắt bẻ, khinh bỉ và kết án người khác (x. Mt 12, 1-14; Ga 9, 40-41; Mt 23; v.v… ).

3. Giá trị của một người tội lỗi ăn năn trở lại
Đức Giêsu hỏi những người Pharisêu: «Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?» (Lc 15,4). Câu hỏi ấy của Đức Giêsu –với cụm từ «Người nào trong các ông… lại không…» –cho thấy việc bỏ lại 99 con chiên không bị lạc để đi kiếm con chiên lạc, là một cách hành xử thường tình của con người. Ngữ cảnh của đoạn văn này khiến ta phải hiểu là người chăn chiên đã phải lo cho 99 con còn lại ở một nơi an toàn có người khác canh giữ trước khi ra đi tìm con chiên lạc. Chứ Đức Giêsu không phải là người không biết tính toán: chỉ tìm có một con chiên lạc mà liều để mặc cho 99 con kia ra sao thì ra! Hiểu theo cách ấy xem ra không đạt lý!
Tuy nhiên, điều đáng cho ta suy nghĩ và thắc mắc tìm hiểu là câu kết luận của Đức Giêsu: «Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn» (Lc 15,7). Tại sao lại có vẻ nghịch lý như vậy?
Thường thì người tội lỗi nào thật sự ăn năn trở lại –nghĩa là quyết định dứt khoát không quay về con đường cũ tội lỗi nữa– thì cũng đều có một giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa mà có thể những người thánh thiện khác ít có được, vì:
– Họ đã có một quá khứ tội lỗi, nên họ không bao giờ dám tự hào về bản thân mình. Nhờ đó họ dễ khiêm nhường sâu xa hơn, mà khiêm nhường lại chính là nền tảng rất vững chắc của sự thánh thiện.
– Họ đã kinh nghiệm được sự yếu đuối và mỏng dòn của con người, nên họ rất dễ thông cảm sâu xa với những người yếu đuối, tội lỗi khác. Sự thông cảm này khiến họ bao dung và yêu thương người tội lỗi hơn. Sự cảm thông và bao dung này lại là một giá trị lớn trước mặt Thiên Chúa. Và một khi họ đã trở nên thánh thiện, họ cũng dễ dàng cảm hóa được người tội lỗi hơn nhờ kinh nghiệm trở lại của họ.
– Họ càng phạm tội nhiều thì khi được Thiên Chúa tha tội, họ càng cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa nhiều hơn, và do đó họ yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn: «Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít» (x. Lc 7, 36-50).
– Đối với trần gian, những người tội lỗi quay trở về thường có nhiều kinh nghiệm về cuộc đời, nhất là về mặt trái của nó. Do đó, họ thường có một sự khôn ngoan nào đó mà người chưa từng phạm tội không có được.
Nếu họ thật sự quay trở về và yêu mến Thiên Chúa, Ngài có thể biến chính quá khứ tội lỗi của họ trở thành một giá trị đem lại lợi ích lớn lao cho chính họ và cho người khác (x. Rm 8, 28), nhờ tình yêu họ có được đối với Thiên Chúa và sự cảm thông và yêu thương đối với đồng loại.
Vậy chúng ta đừng tự hào về sự thánh thiện hay đạo đức của mình mà khinh bỉ hay xa lánh người tội lỗi. Rất có thể khi họ quay trở về với Thiên Chúa, thì họ lại thánh thiện và có giá trị cao hơn chúng ta rất nhiều trước Thiên Chúa. Thánh Âu Tinh là một thí dụ điển hình cho trường hợp này.

Nguyễn Chính Kết

Chay4 - Hãy vui mừng đón nhận những người tội lỗi hối cải




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay

(21-03-2022)



Hãy vui mừng đón nhận
những người tội lỗi hối cải



ĐỌC LỜI CHÚA

  Gs 5,9a.10-12: (9) Đức Chúa phán với ông Giôsuê: «Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai Cập».

  2Cr 5,17-21: (17) Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, cái mới đã có rồi. (19) Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa.

  TIN MỪNG: Lc 15,1-3.11-32

Dụ ngôn người cha nhân hậu

(1) Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. (3) Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:

(11) «Một người kia có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng, “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (14) Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ, “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người, “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, (19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

(20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng, “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng, “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, (23) rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Có ai trong cuộc đời mà không dại dột, lầm lỡ, sa ngã không? Sự dại dột, lầm lỡ, sa ngã ấy có thể đem lại một lợi ích nào cho đương sự không?

2. Khi đứa con hoang đàng trở về, những kinh nghiệm về quá khứ tội lỗi của nó có ích lợi gì cho đời sống sau này của nó bên cha nó không? Ích lợi gì?

3.  Ta cần có quan niệm và thái độ nào đối với những người tội lỗi muốn thật lòng trở về đường ngay nẻo chính? Thiên Chúa quan niệm thế nào?


Suy tư gợi ý:

1.  Lầm lỡ, sa ngã là chuyện thường, nhưng người sa ngã cần chỗi dậy

Cuộc đời ai mà chẳng có lúc lầm lỡ, nhất là trong thời mình còn non người trẻ dạ. Thật vậy, có ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần? Và nhiều khi nhờ cái dại mà trở nên khôn, tương tự như «thất bại là mẹ thành công». Kết quả của sự dại dột về mặt tâm linh là tình trạng tội lỗi. Nhiều khi nhờ có một quá khứ tội lỗi mà người ta trở nên khiêm nhường hơn, thông cảm với những lầm lỗi của người khác hơn. Sự khiêm nhường và thông cảm ấy lại là một yếu tố quan trọng và cần thiết của sự thánh thiện. Như vậy cái dại, sự lầm lỡ, cũng như tội lỗi không chỉ có những khía cạnh tiêu cực, mà chúng vẫn có thể có những khía cạnh tích cực của chúng. Trái lại, cái khôn, sự thành công, sự tốt lành không chỉ có những mặt thuận lợi, tốt đẹp, mà vẫn có thể có mặt trái nó: nó có thể làm ta kiêu căng, tự mãn.

Điều quan trọng để sự dại dột, lầm lỡ hay tội lỗi của mình trở thành một cái gì tích cực và có lợi, đó là sự chân thành ăn năn hối lỗi, thật lòng muốn quay trở về đường ngay nẻo chính, biết rút kinh nghiệm từ những sa ngã và yếu đuối của mình… Lúc đó, Thiên Chúa sẽ biến sự dại dột, lầm lỡ hay tình trạng tội lỗi của ta thành một thuận lợi, một hồng phúc, đến nỗi cuối cùng chúng trở thành ích lợi cho sự nên thánh của ta hơn là nếu ta không hề lầm lỡ hay phạm tội. Vì nếu người ta có thể biến điều xấu thành điều tốt được, thì Thiên Chúa có thể biến điều xấu nhất thành điều tốt nhất. Có như thế, Ngài mới chính là Thiên Chúa toàn năng!



2. Kinh nghiệm phải trả giá của đứa con hoang đàng

Nếu cả hai đứa con của người cha đều ở nhà cả, thì không có gì đáng nói. Cả hai đứa sẽ sống trong cảnh êm đềm, ấm cúng của gia đình, và chẳng ai biết khổ là gì. Nhưng nhiều khi cuộc đời không xuôi chảy như người ta nghĩ. Cha mẹ trong nhà nhiều khi không ngờ có những đứa con không chịu đi theo chiều hướng mình đã hoạch định cho chúng. Chúng muốn ra khỏi vòng tay yêu thương và chăm sóc của mình.

Người cha trong bài Tin Mừng hôm nay đã gặp cảnh ấy. Đứa con thứ đã yêu cầu ông chia gia tài cho nó để nó thoát ly gia đình. Sau khi phân tích cho nó thấy cái hay cái dở trong dự định của nó, ông đã thực hiện theo quyết định của nó, vì ông tôn trọng tự do và sự trưởng thành của con cái. Ông hy vọng nó sẽ chịu khó làm ăn và sự may mắn sẽ đến với nó. Nhưng nó không được như vậy

Rời xa gia đình, nó đã bị cám dỗ sống đời xa hoa, phóng túng và tội lỗi. Kết quả là chẳng bao lâu, phần tài sản mà người cha chia cho nó đã hết nhẵn. Thế là nó lâm cảnh túng quẫn, nghèo khổ đến tận cùng. Thật đáng đời cho đứa con phung phá! Đến bây giờ nó mới biết thế nào là hậu quả của một cuộc sống hưởng thụ trong tội lỗi. Lâm vào cảnh này nó mới biết thế nào là nghèo khổ, thiếu thốn, đói khát, lạnh lẽo, nhục nhã, cô đơn, bị đời hất hủi… Như vậy, trong cuộc đời, nó đã trải qua nhiều kinh nghiệm quí giá:

– Nó đã được sống trong cảnh ấm no sung túc của gia đình, nhưng lúc ấy nó không cảm thấy đó là hạnh phúc.

– Nó đã được sống trong khoái lạc của một cuộc đời tội lỗi trác táng. Lúc đó, rằng sướng thì có sướng, nhưng cái sướng ấy dẫn đến những hậu quả thật xấu, thật hãi hùng.

– Và cuối cùng nó phải trải qua một kinh nghiệm khủng khiếp do sự dại dột của nó. Chỉ lúc này, nó mới nhận ra cuộc sống êm đềm ấm cúng của một người con trong gia đình mà nó từ bỏ thật là hạnh phúc. Dù chỉ được làm công trong gia đình ấy cũng đã hạnh phúc lắm rồi! Hóa ra hạnh phúc chỉ là hạnh phúc sau khi bị mất, hay sau khi đã nếm mùi đau khổ.

Bị tuột xuống bậc thang tận cùng của xã hội, cuộc đời của nó hoàn toàn đi vào bế tắc. Làm gì bây giờ? Cuối cùng, nó tìm ra một lối thoát duy nhất khả dĩ có thể thoát khỏi cơn khốn cùng hiện tại: đó là trở về nhà cha nó, bày tỏ lòng sám hối, xin lỗi cha nó, và chấp nhận tất cả mọi hình phạt mà cha nó dành cho nó. Và nó đã quyết định trở về.



3.  Thái độ của người cha

Khi nó trở về, người cha đã nhìn thấy và nhận ra nó. Nó đã bị cuộc sống tội lỗi và khốn khổ làm thay hình đổi dạng đi ít nhiều, thế mà cha nó đã nhận ra nó dù nó còn ở đằng xa. Thì ra từ khi nó ra đi, cha nó hằng nhớ thương và ngày nào cũng ra đường ngóng trông nó trở về. Ông đã phải đau khổ rất nhiều vì nó. Chắc chắn ông giận nó lắm, nhưng giận thì rất giận, mà thương thì vẫn rất thương. Cơn giận khiến ông dự tính khi nó trở về sẽ phải đập hay mắng cho nó một trận nên thân. Nhưng trong thực tế, khi gặp lại nó, tình thương tràn ngập lòng ông và giập tắt cơn giận. Ông không còn nghĩ đến quá khứ hư đốn hay tội lỗi của nó, mà lòng ông chỉ tràn ngập vui mừng vì cầm bằng như nó đã chết mà nay đã sống lại. Còn niềm vui nào lớn bằng niềm vui thấy đứa con mình vô cùng yêu thương đã chết nay sống lại?


4.  Giá trị của đứa con hoang đàng khi trở về

Khi một người tội lỗi quay trở về đường ngay nẻo chính, người đời –và khá nhiều Kitô hữu– thường coi người ấy như một «công dân hạng hai», một người có tỳ vết. Từ đó, họ đối xử với người ấy với một con mắt nghi ngờ, đầy thành kiến, không dám tín nhiệm, với nỗi lo ngại «ngựa quen đường cũ». Họ có lý của họ, có sự khôn ngoan của họ. Nhưng nhiều khi cách đối xử đầy thành kiến và nghi ngờ ấy khiến cho người tội lỗi muốn trở lại ấy không ngóc đầu lên được, và nhiều khi buộc người ấy phải trở lại con đường cũ đầy tội lỗi mới có thể sống được. Đó chính là thái độ của người anh cả trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng đó không phải là thái độ hay cách suy nghĩ của cha anh ta, lại càng không phải là quan niệm hay cách hành xử của Thiên Chúa hay của các môn đệ Chúa.

Theo quan điểm của người cha, khi đứa con hoang đàng trở về, đó là một điều vui mừng không chỉ cho chính nó, mà cho cả gia đình. Trước hết, có thể coi nó như «đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy». Ngoài ra, ông còn thấy nó trở về mang theo những kinh nghiệm hay bài học quí báu về hạnh phúc và đau khổ. Nhờ kinh nghiệm này, nó có thể trở nên hữu ích hơn, không chỉ cho chính nó mà cho cả gia đình. Nó đã biết thế nào là hậu quả của tội lỗi, của sự ham lạc thú, của sự bất hiếu… Nhờ đó, quyết tâm trở nên người tốt, nếu được củng cố, sẽ làm cho nó trở nên tốt hơn, bản lĩnh hơn.

Đức Giêsu cũng cho thấy tâm lý của Thiên Chúa khi người tội lỗi thật lòng sám hối và trở về với Ngài: «Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn» (Lc 15,7). Ta sẽ ngạc nhiên và lấy làm phi lý về điều ấy nếu ta không biết rằng: người tội lỗi thật lòng sám hối và quay về với Thiên Chúa, sẽ được đánh giá rất cao, đôi khi cao hơn những người lành thánh không cần quay trở lại. Tại sao vậy? Vì khi đã phạm biết bao tội lỗi mà được tha, người ấy sẽ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa đối với mình một cách cụ thể hơn. Nhờ đó họ yêu mến và sẵn sàng hiến thân cho Ngài quảng đại hơn: «Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít» (Lc 7,47).

Nhờ kinh nghiệm thực tế về tội lỗi, họ thấm thía nhận ra sự mỏng dòn, yếu đuối của con người trước các cơn cám dỗ. Nhờ đó họ trở nên khiêm nhường hơn, thông cảm sâu xa hơn với những người yếu đuối. Nhờ được Thiên Chúa tha thứ, họ trở nên dễ dàng tha thứ cho anh chị em mình hơn. Khiêm nhường, thông cảm, tha thứ… lại là những đức tính hết sức quí giá và tối cần cho sự thánh thiện. Thiên Chúa coi người có những đức tính này –dù quá khứ của họ có tội lỗi đến đâu– còn cao giá hơn cả những người thích tự hào về sự trong sạch dù có thật và không kém thiên thần của mình. Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện chứng tỏ điều ấy (x. Lc 18,9-14). Vậy, chúng ta cần quan niệm và hành xử giống Thiên Chúa đối với những người tội lỗi muốn thật lòng trở lại.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con thường không có thái độ bao dung và quảng đại đối với những người tội lỗi, lỡ lầm, muốn thực tình hối cải và làm lại cuộc đời. Con vẫn thường giữ mãi thành kiến xấu về họ, khiến họ có muốn làm lại cuộc đời cũng gặp rất nhiều trở ngại do chúng con gây ra. Xin Cha giúp chúng con nhìn và cư xử với họ theo quan điểm của Cha, là nhận ra những giá trị tích cực trong quá khứ tội lỗi của họ.


Saturday, March 23, 2019

Chay3b - Khiêm nhường nhận lỗi mình thì đẹp lòng Thiên Chúa hơn là đạo đức mà tự mãn




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Mùa Chay

(20-03-2022)

Khiêm nhường nhận lỗi mình
thì đẹp lòng Thiên Chúa
hơn là đạo đức mà tự mãn



  TIN MỪNG: Lc 13,1-9

Nếu không sám hối, thì sẽ chết hết



Câu hỏi gợi ý:
1. Ta nghĩ gì về những người thình lình bị tai nạn, về những người xấu số hơn ta, có phải họ bị Chúa phạt vì tội lỗi của họ không?

2. Thiên Chúa có hài lòng khi ta nhận ra rằng mình đạo đức hay thánh thiện hơn người không? Tại sao? 


Suy tư gợi ý:

1. Khi thấy ai bị tai nạn, đừng vội nghĩ họ bị Chúa phạt

Ngày xưa, khi thấy một người nào bị tai nạn khủng khiếp, người Do Thái thời ấy thường nghĩ rằng vì người ấy tội lỗi, nên bị Chúa phạt. Nhân xảy ra một vụ có nhiều người bị thảm sát, Đức Giê-su đã chỉnh lại quan niệm ấy. Theo Ngài, tất cả mọi người đều là người tội lỗi trước mặt Thiên Chúa, đều cần phải nhìn ra tội lỗi của mình và sám hối. Thánh Kinh có lời chép: «Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không; chẳng ai có lương tri, chẳng ai tìm kiếm Thiên Chúa» (Cv 3,10-11; xem Tv 14,1-3). Vì thế, trước Thiên Chúa, đừng ai tự hào mình công chính hơn người khác. Thiên Chúa rất ghét sự tự hào này (xem Lc 18,9-17). Đồng thời không nên phán đoán về giá trị đạo đức của người khác, nhất là không bao giờ nên kết án người khác, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có khả năng xét đoán chính xác và được quyền kết án mà thôi. Đức Giêsu nói: «Đừng xét đoán để khỏi bị kết án» (Mt 7,1).

Tốt nhất, khi thấy ai bị tai nạn, ta không nên cho rằng người đó tội lỗi, đáng bị Chúa phạt. Biết bao người hiền lành, thánh thiện bị Chúa thử thách và thánh hóa bằng nghịch cảnh, bằng những tai ương dồn dập. Thánh vịnh nói: «Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân» (Tv 34,20). Các Kitô hữu thời sơ khai, các thánh tử đạo, thường là những người hiền đức nhưng cuộc đời của họ nhiều khi gặp toàn nghịch cảnh, và có khi phải chết một cách thảm thiết, chẳng hạn rất nhiều Kitô hữu bị hoàng đế Nêrô cho sư tử xé xác và thiêu sống tập thể. Chính thánh Têrêxa Avila cũng gặp rất nhiều thử thách, đến nỗi ngài phải than với Chúa: «Bây giờ con mới hiểu tại sao Chúa lại quá ít bạn như thế, vì Chúa thường đối xử với bạn thân thiết của Chúa như thế này đây!». Thật vậy, Chúa thương ai nhiều thì thường thử thách người đó nhiều bằng đau khổ, vì đau khổ có khả năng thánh hóa rất cao. Do đó, không thể cứ thấy ai lâm hoạn nạn là ta nghĩ họ vì tội lỗi nên bị Chúa phạt.



2. Hãy nhận ra lỗi của mình, đừng tự hào rằng mình đạo đức

Thiên Chúa muốn chúng ta tự xét lỗi và nhận ra lỗi của bản thân mình hơn là xét lỗi và thấy lỗi của người khác. Thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi mình chỉ khiến ta phát sinh lòng kiêu ngạo, tự mãn, khinh người. Còn nhận ra tội lỗi hay yếu đuối của mình, sẽ giúp ta khiêm nhường, nhất là cảm thông được những yếu đuối và tội lỗi của người khác. Nếu vì những yếu đuối hay vì một số tội lỗi ta đã phạm mà ta trở nên khiêm nhường và thông cảm với người khác hơn, thì những yếu đuối hay tội lỗi ấy đúng là những tội lỗi hồng phúc. Vì Thiên Chúa đánh giá một người tội lỗi mà khiêm nhượng còn cao hơn một kẻ thánh thiện mà kiêu ngạo. Hạng trước có thể lên thiên đàng, còn hạng sau thì không bao giờ. Luxiphe ban đầu chắc hẳn thánh thiện hơn bất kỳ ai trong chúng ta, nhưng sự thánh thiện ấy trở thành vô giá trị khi đi đôi với tính kiêu ngạo và lòng tự hào. Tính kiêu ngạo phá hủy tất cả mọi nhân đức, mọi việc lành. Minh họa sau đây nói lên điều ấy:

Một người nổi tiếng đạo đức, sáng nào cũng dậy đi lễ và làm rất nhiều việc phúc đức khác, chỉ có điều đáng tiếc là ông ta tự hào rằng mình đạo đức hơn người vì đã làm được những việc tốt lành ấy. Một hôm, ông bị bệnh, và dự định sáng hôm sau sẽ không đi lễ. Nhưng sáng hôm sau, có người lạ mặt đến tận giường đánh thức ông dậy, bảo ông mau dậy đi lễ. Ông hỏi thì người ấy tự nhận mình là ma quỉ. Ông hỏi tại sao quỉ lại khuyến khích ông đi lễ thay vì theo lẽ thường là ngăn cản ông. Quỉ cho ông biết là cám dỗ ông đi lễ thì có lợi cho hỏa ngục hơn, và thiệt hại cho phần rỗi của ông hơn. Vì càng đi lễ nhiều thì ông càng tự hào mình đạo đức hơn người, và điều ấy làm cho ông bớt đẹp lòng Chúa hơn, thậm chí có thể làm ông trở thành đạo đức giả, làm gì cũng là để người khác ca tụng, nể phục. Đó là điều Chúa rất ghét.

Câu chuyện trên minh họa một sự thật, được Đức Giê-su nói đến trong dụ ngôn người thu thuế và người Pharisiêu lên đền thờ cầu nguyện (xem Lc 18,9-17). Người thu thuế tuy tội lỗi nhưng khiêm nhường thì làm Chúa hài lòng hơn người Pharisiêu tuy đạo đức nhưng lại tự kiêu.


3.Tinh thần khiêm nhường, sám hối  

Qua bài Tin Mừng này, ta thấy Đức Giêsu muốn ta có tâm tình sám hối thường xuyên, nghĩa là luôn khiêm nhường, ý thức được tình trạng yếu đuối, mỏng dòn, và tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa, để càng ngày càng cố gắng sống tốt đẹp hơn, mà vẫn luôn khiêm nhượng, không tự cho mình là hơn ai.

Thật vậy, trong cuộc đời ta, lúc nào ta cũng bị vướng vào một số khuyết điểm nào đó, khiến ta không bao giờ có thể tự hào mình hoàn toàn vô tội hay hoàn hảo, khiến ta luôn luôn có lý do để khiêm nhường, để sám hối trước mặt Chúa, để quyết tâm trở nên hoàn hảo hơn. Sự thánh thiện của ta không hệ tại tình trạng toàn hảo cho bằng tình trạng luôn luôn hướng về sự hoàn hảo đó, trong nhận thức rằng mình còn khiếm khuyết để rồi cố gắng hoàn hảo hơn nữa.

Nếu ta thật sự sống lý tưởng «nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo» (Mt 5,48), ta sẽ cảm thấy mình luôn luôn có lý do để sám hối, vì thấy mình còn xa mức đó lắm, vì thấy mình còn vướng nhiều khuyết điểm, tội lỗi, và còn phải sửa sai nhiều chuyện. Chính khi ta có tâm tình khiêm nhường sám hối như thế, không dám nghĩ rằng mình là thánh thiện, thì Cha trên trời lại đánh giá sự thánh thiện của ta rất cao. Ngược lại, chính khi ta tự hào mình là thánh thiện và cảm thấy không cần phải sám hối về điều gì, thì Ngài lại đánh giá sự thánh thiện của ta rất thấp. Mà chỉ có sự đánh giá của Ngài mới chân thực và có giá trị.

Thông thường, khi nghĩ tới sám hối, chúng ta chỉ nghĩ tới những hành vi sai trái, những tội lỗi ta đã phạm, và nhiều người trong chúng ta cảm thấy nghĩ hoài mà không thấy mình có lỗi gì, nghĩa là thấy mình vô tội, hoặc chỉ thấy mình có một vài khiếm khuyết nho nhỏ. Vì thế, ta cảm thấy không có nhu cầu phải sám hối, thậm chí còn nghĩ rằng mình đã thánh thiện lắm rồi, hoặc không mấy ai sống tốt lành được như mình. Nhưng nếu ta xét về những tội do thiếu sót, nghĩa là về những việc mà đáng lẽ ta phải làm nhưng ta đã không làm, thì người lành thánh tới đâu cũng khó tránh khỏi tội, nhất là về đức bác ái, là nhân đức bị Chúa xét tới nhiều nhất trong ngày phán xét.

Khi ta tự nhận ra mình còn nhiều thiếu sót, ta sẽ thấy mình luôn luôn cần phải cố gắng hơn nữa để tiến tới, nhờ đó ta sẽ tiến mãi. Nếu ta tự cho mình là công chính, thì đó là một ảo tưởng khiến ta tự mãn và đứng lại, không tiến tới nữa. Chính sự tự hào tự mãn ấy làm ta không đề phòng những cám dỗ, vì thế, ta có thể sa ngã bất cứ lúc nào. Vì trong thực tế, ta yếu đuối hơn ta tưởng rất nhiều, sự thánh thiện của ta mỏng dòn và bị lệ thuộc vào nhiều điều kiện thuận lợi ta đang có. Những điều kiện đó bị mất, có thể ta sẽ rơi vào tội lỗi ngay. Vì thế, bài đọc hai đã cảnh báo ta: «Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã» (1Cr 10,12). Kinh nghiệm cho chúng ta thấy: có nhiều người đã từng nổi tiếng đạo đức hơn ta, thế mà nay đã sa ngã, bị thiên hạ liệt vào hạng người không tốt.




CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con luôn luôn nhận ra sự yếu đuối và bất toàn của con, đồng thời nhận ra mức độ thánh thiện hay đạo đức mà con đang có được chủ yếu là một hồng ân Chúa ban hơn là do con làm nên. Xin cho con một tinh thần sám hối, luôn luôn nhận ra những thiếu sót của mình để cố gắng hoàn thiện nhiều hơn nữa. Đừng bao giờ để con tự hào về mức độ hoàn thiện của mình. Amen.

Nguyễn Chính Kết




Friday, March 22, 2019

Chay3 - Đừng đoán xét người khác, hãy tự xét chính mình




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Mùa Chay

(20-03-2022)

Đừng đoán xét người khác, hãy tự xét chính mình



ĐỌC LỜI CHÚA

  Xh 3,1-8a.13-15: (7) Đức Chúa phán: «Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập. (8) Ta muốn giải thoát chúng».

  1Cr 10,1-6.10-12: (12) Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.

  TIN MỪNG: Lc 13,1-9

Nếu không sám hối, thì sẽ chết hết

(1) Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. (2) Đức Giêsu đáp lại rằng: «Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? (3) Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. (4) Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? (5) Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy».

Dụ ngôn cây vả không ra trái

(6) Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: «Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, (7) nên bảo người làm vườn: 'Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? ' (8) Nhưng người làm vườn đáp: 'Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. (9) May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi».




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao có người cho rằng những người bị giết hay bị chết trong bài Tin Mừng là những kẻ tội lỗi? Đức Giêsu có quan niệm như thế không? Ngài có đồng ý với việc xét đoán người khác kiểu đó không? Lập trường Ngài thế nào?

2. Áp dụng dụ ngôn cây vả vào đời sống người Kitô hữu hôm nay, thì hoa trái mà Thiên Chúa mong muốn nơi chúng ta là gì? Là việc tham dự những nghi thức tôn giáo cho đầy đủ, hay là tình thương phải có đối với nhau?


Suy tư gợi ý:

1.  Đừng xét lỗi kẻ khác, hãy xét lỗi chính mình

Thời Đức Giêsu, dân Do Thái bị đế quốc Rôma đô hộ. Nhiều người nổi dậy chống lại chính quyền Rôma và đã bị giết. Một số nhà giải kinh cho rằng những người bị Philatô giết ở đây cũng vì lý do ấy. Mặc dù không ủng hộ chính quyền Rôma, người Pharisêu phản đối việc dùng vũ lực chống lại chính quyền. Vì thế, theo quan điểm của họ, những người bị giết này là đáng tội chết. Còn nhóm Dêlốt, một đảng chính trị chuyên khủng bố người Rôma, chủ trương bất hợp tác với chính quyền đế quốc. Vì thế, khi thấy 18 người Do Thái đào đường dẫn nước thuê cho người Rôma và bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, họ cũng kết án những nạn nhân này là đáng tội chết.

Thấy họ thích xét đoán và kết án người khác như vậy, Đức Giêsu lên tiếng phản đối. Theo Ngài, khi ta kết án người khác, thì chính ta lại là kẻ đáng bị kết án hơn cả: «Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán» (Mt 7,1; x. Lc 6,37). Ngài muốn đừng ai xét đoán ai, mà mỗi người hãy tự xét về lầm lỗi của chính mình, đồng thời sám hối và sửa đổi mình trước đã. Vì thói đời thường «thấy cái rác trong mắt người khác, còn cái xà trong mắt mình thì lại không thấy» (Mt 7,3). Vả lại, mỗi người một hoàn cảnh, mình không phải là Thiên Chúa nên không thể biết rõ hoàn cảnh phạm lỗi của người khác để có thể kết án họ. Càng kết án người khác, ta càng bị Thiên Chúa kết án: «Anh em xét đoán (người khác) thế nào, Thiên Chúa cũng sẽ xét đoán anh em như vậy. Anh em đong (cho người khác) bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ dùng chính đấu ấy để đong lại cho anh em» (Mt 7,2). Vậy, ta đừng dại gì mà xét đoán người khác?

Khi người ta dẫn một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến để tố cáo với Đức Giêsu, thì thái độ của Ngài là không kết án chị ta, mà mời gọi mọi người hãy xét tội lỗi của bản thân mình trước đã: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá ném trước đi!» (Ga 8,7). Khi được mời gọi xét lại chính mình, những kẻ tố cáo người phụ nữ ngoại tình ấy đã từ từ «bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi» (Ga 8,9). Tại sao vậy? Vì họ vẫn còn liêm sỉ để nhận ra chính mình cũng chẳng phải vô tội! Nếu ta có thái độ «tiên trách kỷ, hậu trách nhân», hay «tiên xét kỷ, hậu xét nhân», thì ta sẽ không bao giờ dám kết tội ai. Vì khi xét mình, ta sẽ luôn luôn nhận ra mình cũng có lỗi. Do đó, kẻ hay kết án người khác chỉ tự chứng tỏ rằng mình rất ít khi xét lỗi của mình. Vì một khi đã xét lỗi mình thì ta sẽ không dám kết án ai.

Rất nhiều lần khi thấy con cái mình phạm một lỗi nặng, tôi muốn nổi trận lôi đình với chúng, dự định la mắng chúng một trận nên thân. Nhưng khi bỗng nhận ra mình ngày xưa cũng phạm những lỗi y hệt chúng ngày nay, thì tôi hết giận ngay. Và tôi chỉ trách mắng chúng một cách nhẹ nhàng; nhờ vậy, việc giáo dục chúng có kết quả hơn. Nhiều lần ra đường bị một ai đó chạy ẩu làm tôi bị té hoặc bị thương, tôi giận muốn điên lên. Nhưng khi nhận ra chính mình cũng đã từng làm cho người khác khốn khổ y như vậy, tôi bèn mỉm cười và cơn giận lập tức tiêu tan.


2.  Hãy tự xét lỗi mình và cải thiện theo đúng đường lối Chúa

Ta chỉ có trách nhiệm xét lỗi của ta, chứ không có trách nhiệm xét lỗi người khác: «Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?» (Gc 4,12). Nếu thấy mình có lỗi thì ta phải sám hối và tự sửa chữa, nếu không, e rằng ta sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt: «Nếu các ông không chịu sám hối, các ông cũng sẽ chết hết y như vậy».

Rất nhiều người cảm thấy mình vô tội, không cần sám hối, vì thấy rằng mình chẳng bao giờ làm điều ác cho ai. Mình vẫn được mọi người cho là ngoan đạo: vẫn đi lễ, rước lễ hàng ngày, xưng tội hàng tháng, vẫn đóng góp vào nhà thờ… Nhưng tới ngày phán xét, rất có thể họ sẽ bật ngửa khi nghe Chúa nói: «Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác» (Mt 7,23). Lúc ấy họ sẽ phân bua: «Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?» (Mt 7,22). Chúa sẽ nói lại: «Quân bị nguyền rủa kia, hãy đi cho khuất mắt Ta. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống…» (Mt 25,41-44).

Quả thật, rất nhiều Kitô hữu không biết được cốt tủy của tinh thần Kitô giáo nằm ở đâu. Họ tưởng nằm ở trong các nghi thức tôn giáo, trong việc lễ lạy, rước sách. Nhưng Đức Giêsu đã nói thật rõ ràng: «Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế» (Mt 9,13; 12,7), và «điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng thành thật» (Mt 23,23) chứ không phải mấy chuyện «nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng» cho đền thờ (nt), thậm chí cả việc dâng lễ vật lên Thiên Chúa nữa. Thật vậy, thánh Phaolô nói: «Những lễ vật và hy lễ dâng tiến Thiên Chúa không thể làm cho lương tâm người cử hành việc phụng tự trở nên hoàn thiện» (Dt 9,9). Điều làm cho con người nên hoàn thiện và nên giống Thiên Chúa là tình thương, vì tình thương chính là bản chất của Thiên Chúa (x. 1Ga 4,8.16).

Nhiều người không hiểu cốt tủy của tinh thần Kitô giáo nằm ở đâu, nên họ hay lên án những ai không giữ những luật lệ giống như họ. Họ hành xử không khác gì những người Pharisêu xưa lên án Đức Giêsu và các tông đồ: nào là vi phạm ngày sabát (chữa bệnh, bứt bông lúa mì…), nào là không giữ luật lệ tiền nhân (ăn không rửa tay, nhậu nhẹt với phường tội lỗi…). Nhưng Đức Giêsu trả lời họ: «Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội» (Mt 12,7). Trước mặt Đức Giêsu, những người Pharisêu này mới chính là kẻ có tội. Nhưng tiếc thay cho họ: tội mình thì không thấy, mà lại thấy tội của những kẻ vô tội! Thời nay, nhiều Kitô hữu trách cứ những người khác là khô khan, nguội lạnh chỉ vì những người này không sốt sắng giữ đạo theo kiểu của họ, đang khi những người bị trách cứ này lại giữ luật yêu thương của Đức Giêsu gấp nhiều lần họ. Thiết tưởng câu của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay đáng cho họ suy nghĩ: «Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã» (1Cr 10,12).


3.  Thiên Chúa kiên nhẫn chờ con người hối cải

Điều Thiên Chúa mong đợi nơi con người là sự hối cải. Hối cải là quay trở với với Ngài: quan niệm giống như Ngài, nói và hành động theo gương Ngài. Theo quan niệm của Ngài, yêu thương là điều quan trọng nhất, cốt yếu nhất, nền tảng nhất. Nhưng rất nhiều Kitô hữu lại quan niệm khác với Ngài, họ coi chuyện yêu thương là thứ yếu, mà coi những nghi thức tôn giáo mới là quan trọng. Họ đã đi vào đúng vết xe đã đổ của các kinh sư, của giới lãnh đạo Do Thái giáo xưa.

Đức Giêsu đến trần gian đã 2000 năm nay để chỉnh đốn lại quan niệm sai lầm xưa. Nhưng cho đến hôm nay, biết bao kẻ mang danh theo Đức Giêsu vẫn coi thường việc chỉnh đốn đó, vẫn tiếp tục đi theo con đường Ngài đã đả phá từ thời đó. Ngài thì đặt nặng quan hệ yêu thương giữa con người với con người, còn họ vẫn tiếp tục coi trọng những nghi thức tôn giáo hơn quan hệ đó. Ngài nói: «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24). Hãy xem Ngài quan trọng hóa quan hệ yêu thương giữa con người với con người hơn các nghi thức tế tự như thế nào! Nhưng rất nhiều Kitô hữu, kể cả những người có trách nhiệm dạy dỗ Kitô hữu, đã quan trọng hóa theo chiều ngược hẳn lại với Ngài!

Thiết tưởng dụ ngôn cây vả không ra trái trong bài Tin Mừng là một lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi Kitô hữu ngày nay. Thiên Chúa đang chờ đợi thêm một thời gian nữa trước khi ra tay trừng phạt chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta sinh hoa kết trái yêu thương, nhưng cho đến nay, phải nói rằng người Kitô hữu chúng ta đã sống với nhau thiếu tình thương một cách trầm trọng. Chúng ta không ý thức được tình trạng nguy hiểm đang chờ chúng ta: «Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa» (Mt 3,10; Lc 3,9). Các Kitô hữu quan niệm không đúng một phần khá quan trọng là do những người có trách nhiệm giáo dục họ đã không chỉ dạy họ cho đúng, hoặc đã không nhấn mạnh đủ điều nào là điều Đức Giêsu đã nhấn mạnh trên tất cả những điều khác.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu kêu gọi sám hối, nếu không sẽ bị trừng phạt tất cả. Nhưng chúng con phải sám hối điều gì đây? Chúng con phải thay đổi điều gì trước tiên? Hoa trái mà Cha mong mỏi nơi chúng con là gì? Đọc kỹ Tin Mừng, chúng con thấy hoa trái mà Cha mong đợi nơi chúng con chính là tình thương. Nhưng chúng con lại quan trọng hóa chuyện khác. Chúng con lại đi đúng vào vết xe đã đổ của người Pharisêu xưa, là quan trọng hóa các nghi thức tôn giáo mà coi thường luật yêu thương của Cha. Xin giúp chúng con sửa đổi lại quan niệm cho đúng.