Sunday, November 25, 2018

TN34b - Đức Giêsu đã là Vua của chính bạn chưa?



Đức Giêsu đã là Vua của chính bạn chưa?


1. Đức Giêsu là Vua, nhưng là vua theo nghĩa nào?

Trên trần gian này, có nhiều cách làm vua. Có những vị vua hay tổng thống cai trị đất nước với quyền lực trong tay, ngồi trên ngai vàng và ra lệnh, buộc các thần dân phải tuân phục. Có những vị vua không ngai, không lãnh thổ, nhưng làm chủ một lãnh vực kinh tế nào đó trên thế giới. Họ cũng được gọi là vua, như vua dầu lửa (Rockfeller), vua xe hơi (Ford), v.v…

Hôm nay, Giáo Hội suy tôn Đức Giêsu là Vua, không phải chỉ của thế giới này, mà của toàn vũ trụ. Nhưng chúng ta cần phải xác định xem: Ngài là Vua theo nghĩa nào? Vì quả thật Ngài chưa bao giờ làm vua theo kiểu các vua chúa ở trần gian, cũng chưa bao giờ làm chủ một lãnh vực kinh tế nào. Ngài là Vua theo một nghĩa hoàn toàn khác.

2. Một phần ba nhân loại tôn Ngài là Vua của tâm hồn mình

Hiện nay trên thế giới, 31,6% nhân loại – tức khoảng 2,4 tỷ trên 7,7 tỷ người – là Kitô hữu thuộc nhiều giáo phái khác nhau (Công giáo, Tin Lành, Chính Thống…). Họ là những người theo Ngài, làm môn đệ Ngài, đồng thời, trên nguyên tắc, nhìn nhận Ngài là lẽ sống, là gương mẫu hoàn hảo nhất cho cuộc đời mình, và coi giáo huấn của Ngài là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Họ theo Ngài không chỉ vì giáo huấn của Ngài cao siêu, vì nhân cách của Ngài đáng phục nhất, mà chủ yếu vì họ tin Ngài là Con Thiên Chúa, là thần linh cao cả vô cùng, lại là người yêu thương họ hơn bất kỳ ai khác trên đời, yêu họ đến nỗi sẵn sàng đau khổ và chết cho họ. Nhất là Ngài là người duy nhất có thể đem lại hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu cho họ.

Cảnh Đức Giêsu chịu chết trên thập giá (x. Lc 23,35-43) cho thấy một cảnh tượng cảm động chứng tỏ tình yêu thương vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại. Ngài đã chấp nhận một cái chết thật đau khổ và nhục nhã, giữa sự chế giễu của mọi người, vì yêu thương con người. Và lời Ngài nói với người trộm lành bên phải Ngài: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (Lc 23,43), cho thấy Ngài có khả năng ban hạnh phúc vĩnh cửu cho con người. Ngài có thể ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta, cho dẫu chúng ta tội lỗi đến đâu, miễn là chúng ta thành tâm sám hối và liên kết chặt chẽ với Ngài.

Tin và cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của Ngài, nhiều Kitô hữu đã tự nguyện đáp lại bằng tình yêu thương của họ. Thế là cuộc đời họ trở nên hạnh phúc và mang một ý nghĩa cao đẹp vì yêu và biết mình được yêu. Tương tự như một cô gái yếu đuối hèn mọn được một chàng trai cao sang để ý yêu thương, yêu thương đến độ sẵn sàng hy sinh tất cả cho mình, kể cả mạng sống. Thế là cô thấy đời mình hạnh phúc và có ý nghĩa hoàn toàn khác trước. Để đáp lại tình yêu cao cả ấy, cô tự nguyện dâng hiến đời mình cho chàng, làm tất cả những gì chàng muốn để chàng được hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất của nàng là được biết chàng hạnh phúc, vì chính chàng cũng đối xử như thế với nàng. Chàng trở thành vua lòng nàng, và nàng trở thành hoàng hậu của lòng chàng.

Biết bao Kitô hữu trên đời đã có một tình yêu song phương như thế đối với Đức Giêsu. Đối với họ, Đức Giêsu chính là vị Vua duy nhất của lòng họ, chiếm trọn vẹn trái tim họ. Họ đã hiến trọn cuộc đời mình để phụng sự Ngài nơi những hiện thân cụ thể của Ngài là những tha nhân chung quanh họ, những người họ gặp trong cuộc đời, nhất là những người nghèo khổ nhất, bị bỏ rơi hoặc chịu áp bức bất công nhất trên đời.

Với họ, tình yêu đối với Đức Giêsu được biến thành tình yêu đối với tha nhân. Vì Đức Giêsu đã nhiều lần tự đồng hóa Ngài với những người nhỏ bé nhất, đau khổ nhất trên đời (xem Mt 25,40.45; 10,40; 18,5; Lc 10,16). Hai tình yêu ấy chỉ là hai mặt khác nhau của một tình yêu duy nhất. Đối với họ, sự phân biệt giữa yêu Đức Giêsu và yêu tha nhân chỉ có trong lý thuyết chứ không có trong thực tế của đời sống. Nghĩa là yêu Đức Giêsu thì tất nhiên phải yêu tha nhân, và yêu tha nhân chính là yêu Đức Giêsu. Họ đã yêu Ngài, và phụng sự Ngài trong tha nhân đến mức sẵn sàng chịu tất cả mọi đau khổ có thể xảy đến, thậm chí hy sinh mạng sống mình (điển hình: gương của 2 linh mục Ba Lan Maximilianô Kôlbê và Jerzy Pôpiêlúskô).

3. Đức Giêsu đã là Vua của bản thân ta chưa?

Nếu phải tranh luận về thần học xem Đức Giêsu có phải là Vua của nhân loại, của vũ trụ không, thì chắc chắn biết bao người trong chúng ta sẽ tỏ ra hăng say nhiệt tình như thể sẵn sàng sống chết để bảo vệ luận điểm ấy. Nhưng nếu phải tự xét mình xem Đức Giêsu đã thật sự là Vua của chính bản thân ta chưa, nghĩa là đã chiếm trọn vẹn trái tim ta chưa, đã thật sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của ta chưa, thì chắc chắn rất nhiều người sẽ phải ngập ngừng, hoặc phải trả lời «CHƯA!». 

Thực tế thật đau lòng: Ngài là Vua của cả vũ trụ, nhưng đời sống và cách hành xử của ta lại chứng tỏ Ngài chưa phải là Vua của chính bản thân ta! Chân lý kia chỉ được ta công nhận trên lý thuyết, chứ không trở thành thực tế trong đời sống. Trong thực tế, vua của tâm hồn ta, thường xuyên ảnh hưởng mạnh mẽ đến những động lực của ta không phải là Ngài, mà là tiền bạc, quyền lực, danh vọng, địa vị, lạc thú, hoặc chính bản thân ta!

Nói một cách cụ thể hơn, nhiều khi miệng chúng ta tuyên xưng rất mạnh mẽ rằng Đức Giêsu là Vua của cả vũ trụ, là Đấng Cứu Độ duy nhất của toàn nhân loại, đồng thời kết án và tẩy chay những ai tuyên xưng bằng miệng khác với chúng ta, dẫu chỉ là một chút… Nhưng hành động và cách cư xử của chúng ta đối với mọi người lại tuyên xưng rất rõ ràng rằng tiền hay quyền bính mới là Vua của vũ trụ, mới là đấng cứu độ duy nhất của nhân loại! Thế mà chẳng ai kết án ta cả?! Liệu tuyên xưng kiểu ấy có phù hợp với tinh thần Kitô giáo chăng? Dẫu sao, ta có thể chắc chắn một điều là: nó không phù hợp với tinh thần của Đức Giêsu.

Nếu Ngài chỉ là Vua của thế giới, của vũ trụ, mà không phải là Vua của tâm hồn ta, thì việc tuyên xưng hùng hồn kia ấy có ích lợi gì cho ta? Tuyên xưng thật mạnh mẽ trên lý thuyết, mà thực tế đời sống của ta lại chứng tỏ trái ngược lại, thì sự tương phản ấy chỉ cho thấy sự giả dối hay giả hình của ta thôi! Tôi rất thích lời của tổng thống Bush: «Show, but don’t tell!» Hãy chứng tỏ (bằng thực tế, bằng hành động) chứ đừng nói suông!

Trong ngày sau cùng, khi Đức Giêsu phán xét chúng ta như vị Vua của vũ trụ, Ngài sẽ không thèm hỏi ta đã chấp nhận và tuyên xưng những giáo điều nào, những luận điểm nào, hay đã tuyên xưng Ngài là Vua của cả vũ trụ chưa… Ngài chỉ xét chúng ta những điểm rất thực tế: ta đã thực hành ý muốn của Ngài như thế nào? nhất là đã yêu thương và đối xử với Ngài như thế nào qua hiện thân của Ngài là những người chung quanh ta? Ngài có phải là Vua đích thực của chính bản thân ta không?

Thiết tưởng việc sống đạo của chúng ta cần phải xây dựng trên căn bản là thực tế của đời sống, chứ không phải trên lời nói, lý thuyết, sách vở. Có như thế chúng ta mới là «người khôn ngoan xây nhà trên đá». (Mt 7, 24). Nhân dịp này, ta thử xét lại xem cách sống đạo hiện tại của chúng ta là «xây nhà trên đá» hay «trên cát»?

Nguyễn Chính Kết

TN34 - Đức Kitô là Vua Vũ Trụ, nhưng ta đã coi Ngài là Vua của chính bản thân ta chưa?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 34 Thường Niên

(25-11-2018)


Đức Kitô là Vua Vũ Trụ,
nhưng ta đã coi Ngài là Vua 

của chính bản thân ta chưa?



ĐỌC LỜI CHÚA

  Đn 7,13-14: (13) Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. (14) Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.


  Kh 1,5-8: (7) Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! Amen! (8) Đức Chúa là Thiên Chúa phán: «Ta là Anpha và Ômêga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng».


  TIN MỪNG: Ga 18,33b-37

Đức Giêsu là Vua

(33) Ông Philatô hỏi Đức Giêsu: «Ông có phải là vua dân Do-thái không?» (34) Đức Giêsu đáp: «Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?» (35) Ông Philatô trả lời: «Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?» (36) Đức Giêsu trả lời: «Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này». (37) Ông Philatô liền hỏi: «Vậy ông là vua sao?» Đức Giêsu đáp: «Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi».




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Giáo Hội lại tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Vua của vũ trụ? Ngài có quyền hành gì trên vũ trụ vạn vật? 
2. Ngài là vua, nhưng có gì khác biệt với những vị vua bình thường? Ngài cai trị bằng gì? 
3. Ngài là vua của vũ trụ, nhưng điều ấy ích lợi gì cho tôi, nếu Ngài không phải là vua tâm hồn tôi? Vậy tôi phải làm gì để Ngài trở nên vua của tâm hồn tôi?


Suy tư gợi ý:

1. Chú giải đoạn Tin Mừng

Philatô hỏi Đức Giêsu: «Ông có phải là vua dân Do Thái không?» Nếu người Do Thái hỏi Ngài câu ấy, thì câu ấy nghĩa là: ông có phải là Đấng Mêsia không? Nhưng khi Philatô hỏi, thì câu ấy có nghĩa là: ông có phải là kẻ cầm đầu xui giục dân Do Thái phản loạn không? 

Theo não trạng của dân Do Thái, thì Đấng Mêsia tức vị Cứu Tinh của dân tộc ắt phải là một thủ lãnh của đoàn quân nổi loạn chống lại Rôma để giải phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của đế quốc. Nếu Ngài là người nổi loạn chống lại Rôma, thì dân Do Thái sẽ theo Ngài. Nhưng họ thấy Ngài không phải là người nổi loạn như ý muốn của họ, mà lại có những ý tưởng lạ đời đi ngược lại tư tưởng truyền thống của chính tôn giáo của họ, nên họ muốn tiêu diệt Ngài. Nhưng họ không dám ra tay giết Ngài, mà muốn dùng bàn tay của người Rôma để giết Ngài. Để làm điều ấy, họ chụp mũ Ngài là người phản loạn, chống lại Rôma.

Nhưng Philatô nhận ra ngay là: nếu Đức Giêsu là kẻ đứng về phía người Do Thái để chống lại Rôma, thì họ đã chẳng nộp Ngài cho ông. Vì thế, câu ông hỏi Đức Giêsu chỉ hỏi cho có lệ, chứ ông ta đã biết Ngài vô tội, và chỉ vì ghen ghét mà dân chúng nộp Ngài cho ông. 

Nhưng cũng chính nhờ ông ta hỏi điều ấy mà chúng ta được mạc khải một chân lý quan trọng: Đức Giêsu chính là vua. Nhưng Ngài không phải là vua của một nước trần gian. Chính Ngài xác nhận: «Tôi được sinh ra để làm vua». Thật vậy, có những dấu hiệu báo trước điều ấy: chẳng hạn, khi Đức Giêsu vừa sinh ra, đã có ngôi sao lạ ở phương Đông báo tin cho các vị đạo sĩ đến chiêm bái Ngài như một vị vua mới sinh (x. Mt 2,2). Ngài đã được tung hô như một vị vua khi vào thành Giêrusalem (x. Mt 21,4.9).



2. Đức Giêsu là vua

Nếu Đức Giêsu không phải là vua của một nước trần gian, thì nước của Ngài ở đâu? Ngài là vua của ai?

Làm vua có thể có nhiều cách, không nhất thiết cứ phải có đất đai, lãnh thổ, có quân đội, triều đình… mới là vua. Người ta vẫn nói: «vua dầu lửa», «vua xe hơi», «vua bóng đá», v. v… mặc dù những ông vua này không có quân đội, không cai trị ai. Đức Giêsu không những làm vua hiểu theo nghĩa bóng, mà đích thực Ngài là vua hiểu theo nghĩa đen, nghĩa chính thức của từ «vua».

Trước hết, Ngài là vua, vua của cả vũ trụ, của cả trần gian, của cả nhân loại, vì Ngài chính là Ngôi Lời, một trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật trong vũ trụ. Thánh Kinh viết: «Nhờ Ngài, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành» (Ga 1,3; xem 1,10). Ngài là vua của thế giới, nên đến ngày chung cuộc, chính Ngài sẽ là người đến phán xét trần gian với tư cách một vị vua (x. Mt 25,34).

Thế gian này có nhiều nước, mỗi nước có một ông vua. Nhưng Ngài là vua cả thế gian, cả vũ trụ, nên Ngài là Vua trên hết các vua, là Vua của muôn vua.



3. Ngài thống trị bằng tình yêu

Đức Kitô là vua. Nhưng Ngài khác với các vua khác ở chỗ: để cai trị, các vua khác dùng quyền lực, còn Ngài dùng tình thương. Thật vậy, Ngài yêu thương mọi người, mọi con dân của Ngài như người mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng con chiên một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của chiên (xem Ga 10,11-16). Ngài hành xử như thế vì Ngài là Thiên Chúa, mà «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8). Trong thực tế, Ngài đã hy sinh chết trên thập giá một cách khổ nhục để cứu nhân loại, là con dân được Thiên Chúa trao cho Ngài quyền cai trị.



4. Đức Giêsu là vua các tâm hồn

Đức Giêsu không chỉ là vua vũ trụ, vua của cả trần gian, mà Ngài còn là vua của tâm hồn mỗi người. Vì yêu thương, vị vua ấy ngự ngay trong thâm cung tâm hồn của mỗi người để sẵn sàng thi ân giáng phúc, ban sức mạnh, thánh hóa, làm cho họ ngày càng tốt đẹp, mạnh mẽ và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, Ngài có làm được điều đó hay không còn tùy thuộc vào sự tự do chấp nhận và sự tự nguyện cộng tác của chúng ta. Ngài sẽ không làm được gì cho chúng ta nếu chúng ta không muốn Ngài làm, hoặc nếu chúng ta hoàn toàn thụ động không cộng tác gì vào công việc mà Ngài muốn làm cho ta.

Để Ngài có thể hành động biến đổi con ta nên tốt đẹp, mạnh mẽ, thánh thiện hơn, ta cần tôn Ngài làm vua tâm hồn mình, bằng cách:

– Trước tiên, phải thường xuyên ý thức về sự hiện diện của Ngài ở trong ta.

– Kế đến là ý thức rằng Ngài là tình thương, Ngài yêu thương ta hơn tất cả mọi người, và sẵn sàng làm tất cả những gì ta cần cho sự phát triển và hạnh phúc của ta.

– Đồng thời ý thức Ngài là sức mạnh toàn năng, có thể thực hiện tất cả những gì Ngài muốn nơi ta.

– Vì thế, ta nhường quyền làm chủ bản thân ta cho Ngài, để Ngài hoàn toàn làm chủ bản thân ta. Ta không còn hành động theo ý riêng ta nữa, mà hoàn toàn hành xử theo ý của Ngài.

– Vì Ngài yêu thương ta, sáng suốt và khôn ngoan hơn ta rất nhiều, lại có khả năng làm tất cả những gì Ngài muốn, nên ta hãy hoàn toàn phó thác vận mệnh của ta cho Ngài.

– Và cuối cùng là luôn luôn sống trong bình an, hạnh phúc của một người được Đức Kitô yêu thương và phù trợ. Hãy hưởng niềm hạnh phúc của một người được Vua của cả trần gian này yêu thương và quan tâm săn sóc. Hãy tin tưởng và luôn luôn an tâm rằng nhờ quyền năng của Ngài, tất cả những gì xảy đến cho ta đều hết sức có lợi, đều trở nên vô cùng tốt đẹp cho ta, cho dù hiện nay ta chưa hiểu rõ: «Thiên Chúa làm cho mọi sự phối hợp lại thành ích lợi cho những ai yêu mến Người» (Rm 8,28).

Nắm vững điều đó, ta sẽ thấy có Đức Kitô ngự trong tâm hồn mình là như có được một «cây đèn thần» trong tay, một «bùa hộ mạng» an toàn, một «vị thần bảo trợ» hữu hiệu, một «người tình chung thủy» luôn luôn ở với ta suốt cuộc đời. Lúc đó ta sẽ sung sướng cảm nghiệm được như thánh Phaolô: «Tôi làm được tất cả mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13).



CẦU NGUYỆN

Lạy Đức Kitô, Chúa là Vua của vũ trụ, của nhân loại, và nhất là của tâm hồn con. Con xin phó thác tất cả mọi sự của con trong tay Chúa: mạng sống, tình yêu, hạnh phúc, ý muốn, khát vọng, những người thân yêu của con, hiện tại cũng như tương lai của con, v.v… Con xin phó thác cho Chúa tất cả, và hoàn toàn để Chúa quyết định mọi sự theo ý muốn của Chúa. Xin hãy giúp con ngày càng tin vững vào tình yêu và quyền năng của Chúa hơn. Amen.


Nguyễn Chính Kết



Saturday, November 3, 2018

TN31b - «Nhân» và «duyên» của sự sống đời đời

CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 31 Thường Niên

(4-11-2018)

Bài đào sâu


«Nhân» và «duyên» của sự sống đời đời


1. Lý thuyết «nhân» và «duyên»

Muốn có được cây lúa, điều tối quan trọng là phải có hạt giống lúa, đó chính là «nhân» để có «quả» là cây lúa. Nhưng hạt lúa không thể nảy mầm và phát triển nếu không có những điều kiện thuận lợi như: đất tốt, nước, nhiệt độ, ánh sáng, hoặc phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, v.v… Những điều kiện ấy, triết lý Á Đông gọi là «duyên» (Triết Tây gọi «duyên» là «secondary causes», còn «nhân» là «primery cause»). Nếu những điều kiện để phát triển ấy cho dù hết sức thuận lợi mà không có hạt giống lúa thì cũng không bao giờ có được cây lúa. Như vậy, phải hội đủ cả «nhân» và «duyên» thì mới có thể sinh ra «quả» mong muốn.

Sự thánh thiện hay sự sống đời đời cũng phải hội đủ hai yếu tố «nhân» và «duyên» mới thành tựu được. Cả hai yếu tố đều quan trọng không thể thiếu. Nhưng giữa hai yếu tố ấy, thì «nhân» quan trọng hơn «duyên» rất nhiều. Thiếu «duyên» thì «nhân» khó phát triển, có tồn tại thì cũng èo ọt. Nhưng thiếu «nhân» thì «duyên» có đầy đủ đến đâu, cũng hoàn toàn vô ích.

Muốn trồng lúa mà không lo «nhân» là gieo hạt giống, mà cứ lo «duyên» là lo cày bừa, dẫn nước, bón phân, làm cỏ… rồi mong lúa mọc lên, thì sẽ thất vọng. Vì thế, trong việc nên thánh, hay tìm sự sống đời đời, ta phải biết đâu là «nhân», đâu là «duyên», để có đủ cả hai. Nhưng việc ưu tiên trước hết phải lo cho được là lo cái cốt yếu, tức là «nhân», sau đó mới lo đến «duyên», là những điều kiện giúp cho «nhân» tồn tại và phát triển.

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu có nói đến trường hợp trên (là chỉ có «duyên» mà không có «nhân») vào ngày phán xét: Khi ấy, có những người nói với Ngài: «Nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?» Họ nói thế vì họ tưởng làm được những việc ấy thì đã là thánh thiện lắm rồi, và chắc chắn sẽ được Chúa thưởng bội hậu. Nhưng không ngờ điều Ngài nói đã làm cho họ bật ngửa: «Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (x. Mt 7, 21-23)

Đọc đoạn Tin Mừng này, chúng ta phải tự hỏi tại sao lại như vậy? Liệu chính chúng ta có đang làm những điều tương tự như thế không?

Tại sao lại như vậy? − Tại vì cái cốt yếu nhất là cái «nhân» của sự thánh thiện thì họ lại không có, vì họ không thực hiện cái «nhân», mà chỉ quan tâm thực hiện cái «duyên», là những gì giúp cho cái «nhân» kia lớn mạnh. Nếu chính cái «nhân» không có, mà lại cứ làm những gì để cái «nhân» phát triển, thì chẳng phải là… làm chuyện vô ích sao?

Vậy «nhân» và «duyên» của sự thánh thiện hay của sự sống đời đời là gì?

2. «Nhân» và «duyên» của sự thánh thiện hay sự sống đời đời

Thánh Gioan viết: «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8.16). Nghĩa là bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Mà điều chính yếu của sự thánh thiện chính là trở nên giống Thiên Chúa

giống Thiên Chúa là giống ở chỗ nào? − Thưa, phải giống ở chính bản chất của Ngài là tình yêu, chứ không phải ở những điều phụ thuộc khác. Chính vì thế, chỉ những ai có tình yêu đích thực, mới là người thánh thiện, mới có được sự sống đời đời. Việc giữ hay sống đạo của chúng ta, phải nắm cho được, và phải thực hiện cho bằng được điều cốt yếu này. Nếu chúng ta cứ nỗ lực làm đủ mọi thứ mà chúng ta tự cho là tốt, hay người ta bảo là tốt, còn điều cốt yếu nhất thì chúng ta lại không biết đến, hay không thèm thực hiện, thì việc giữ đạo hay sống đạo của chúng ta sẽ trở nên «xôi hỏng, bỏng không», hay là «công dã tràng» như Chúa đã cảnh báo trong đoạn Tin Mừng trên (x. Mt 7, 21-23).

3. Tình yêu là điều cốt yếu, nhưng phải yêu ai?
a) Theo Cựu Ước:

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Mc 12,28b-34) cho thấy Đức Giêsu xác định 2 điều luật quan trọng nhất trong Cựu Ước là «phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực» (Mc 12,30; x. Đnl 6,4-5), và «yêu người thân cận như chính mình» (Mc 12,31; x. Lv 19,8). Thiên Chúa và tha nhân chính là hai đối tượng của tình yêu, mà Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta.

Ngài yêu Thiên Chúa đến nỗi sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha trong mọi sự, thậm chí sẵn sàng chấp nhận cái chết thảm thương trên thập giá, mặc dù Ngài rất sợ đến nỗi «mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất» (Lc 22,44), và Ngài đã phải xin Chúa Cha: «Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này», dẫu sợ kinh khủng, nhưng Ngài vẫn nói: «Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha» (Lc 22,42).

Và Ngài yêu con người đến nỗi đã chấp nhận bị các lãnh đạo của chính tôn giáo −mà Cha mình thành lập− kết án chết; chấp nhận bị đánh đập tàn bạo và bị chết trần truồng trên thập giá như một tên tử tội. 

Phải nói: Ngài đã yêu Thiên Chúayêu con người «hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực».

Điều đáng cho ta suy nghĩ, đó là tất cả những gì Ngài làm vì yêu thương con người, thì cũng là những hành vi yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa. Việc Ngài xuống thế làm người, sống cuộc đời trần thế với bao khổ đau, chịu khổ hình và chết nhục nhã trên thập giá, và trước khi chết đã lập phép Thánh Thể để ở lại với con người cho đến tận thế, tất cả đều vì yêu thương nhân loại. Và những hành vi yêu thương nhân loại ấy đều được Giáo Hội nhìn nhận là những hành vi thờ phượng Thiên Chúa chính danh nhất, cao cả nhất, và đúng nghĩa nhất.

b) Theo Tân Ước

Vì thế, Đức Giêsu đã tóm gọn hay hiệp nhất hai điều răn có vẻ như tách biệt nhau ấy trong Cựu Ước thành một điều răn duy nhất, và đó chính là sự mới mẻ và tiến bộ của Tân Ước. Điều răn duy nhất ấy là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,34-35).

Thánh Phaolô xác định sự hiệp nhất và duy nhất ấy trong câu: «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gl 5,14) và trong nhiều câu khác tương tự (x. Rm 13,8.10; Gl 5,14; 2Cr 2,8; Gc 2,8).

Đức Giêsu là một gương mẫu trong việc thực hiện điều răn mới, là điều răn hiệp nhất hai điều răn của Cựu Ước, qua những hành vi yêu thương con người đến tận cùng như từ bỏ Trời để xuống trần gian cứu độ con người, lập bí tích Thánh Thể, chết trên thập giá, v.v… Tất cả những hành vi yêu thương con người của Ngài đều là hành vi yêu mến Thiên Chúa như đã nói trên. Qua sự việc này, ta thấy yêu mến Thiên Chúa hay yêu thương tha nhân, chỉ là một tình yêu duy nhất, chứ không phải là hai thứ tình yêu khác nhau.
Tại sao Đức Giêsu lại hiệp nhất hai giới răn của Cựu Ước thành một giới răn duy nhất là «yêu thương nhau»?

Khi quan niệm hai giới răn tách biệt nhau, người ta có khuynh hướng coi việc yêu mến Thiên Chúa quan trọng hơn rất nhiều so với yêu thương tha nhân (Điều này cũng dễ hiểu, vì người ta thường quý trọng những người giàu có, người quyền thế, hơn những người bình thường). Ngài thấy rất nhiều người thời của Ngài chỉ quan tâm tới việc yêu mến Thiên Chúa qua những nghi thức tôn giáo, đến nỗi họ thường xuyên dâng những của lễ toàn thiêu, nhưng lại đối xử với tha nhân không ra gì. Chính Ngôn sứ Isaia đã phải cảnh báo hạng người này, nhất là những người lãnh đạo họ, như sau:

«Hỡi những kẻ làm đầu Xơ-đôm, hãy nghe lời Đức Chúa phán. Hỡi dân Gô-mô-ra, hãy lắng tai nghe Thiên Chúa chúng ta dạy bảo. Đức Chúa phán: “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta? Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ» (Is 1,10-17).

Rất nhiều người tưởng rằng mình đã yêu mến Thiên Chúa, giữ trọn điều răn thứ nhất, khi trung thành với những nghi thức tôn giáo, và cho đó là đủ, là giữ trọn lề luật, là sống đạo tốt đẹp. Nhất là khi họ được nhiều người khen họ là thánh thiện, đạo đức chỉ vì thấy họ làm tốt những điều ấy. Nhưng họ đã đi sai đường vì họ không đọc Kinh Thánh, nhất là không đọc những lời Đức Giêsu dạy bảo, mà chỉ nghe người khác nói hay dạy bảo cách sai lầm. Chính Đức Giêsu đã cảnh báo các kinh sư và những người Pharisêu xưa là «những kẻ dẫn đường mù quáng» khi họ coi những điều phụ thuộc là quan trọng, còn điều chính yếu nhất thì lại coi thường (x. Mt 23,16-22). Ngài nói thẳng với họ: «Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và sự thành thật. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà» (Mt 23,23-24).

Thánh Gioan, môn đệ yêu quý nhất của Đức Giêsu, đã nắm được ý của Thầy mình khi viết: «Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20).

Thật vậy, Thiên Chúa thì vô hình vô tướng, người ta không thể yêu Thiên Chúa vô hình như yêu thương một con người hữu hình được. Người ta chỉ có thể biểu lộ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa bằng cách yêu mến hình ảnh của Ngài, là những con người hữu hình đang sống chung quanh mình mà thôi. Khi người ta yêu nhau nhưng phải xa nhau lâu, thì người ta thường thể hiện tình yêu của họ vào những bức ảnh của nhau. Nhiều người đã hôn những bức ảnh của người mình yêu thương khi không có người mình yêu thương bên cạnh. Do đó, lý luận của thánh Gioan rất có lý khi cho rằng người ta nói dối khi nói rằng mình rất yêu anh A hay chị B, nhưng trong thực tế lại rất lãnh đạm hay không hề quý trọng hình ảnh của anh A hay chị B. 

Cũng vậy, người nói mình yêu Thiên Chúa nhưng lại lãnh đạm hay không yêu thương hình ảnh của Thiên Chúa bên cạnh mình, thì đó là kẻ nói dối, hay kẻ tự lường gạt mình. Mà hình ảnh của Thiên Chúa chính là tha nhân rất hữu hình và cụ thể mà mình gặp hằng ngày. Kinh Thánh đã xác định rất rõ ràng con người là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26-27). Do đó, con người chỉ có thể biểu lộ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa bằng cách yêu thương tha nhân mà thôi.

Chính vì thế, để tránh tình trạng ngộ nhận tai hại mà ngôn sứ Isaia mô tả ở trên (x. Is 1,10-17), Đức Giêsu mới hiệp nhất hai giới răn của Cựu Ước thành một giới răn duy nhất, là «yêu thương nhau». Và khi được một người thông luật hỏi «Nhưng ai là người thân cận của tôi?» (Lc 10,29) thì Ngài trả lời bằng dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10,29-37). Qua đó, Ngài giải thích hay cụ thể hóa «người lân cận» chính là người trước mắt đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

Rất nhiều đoạn trong Tân Ước nói lên sự hiệp nhất thành một hai điều răn quan trọng của Cựu Ước (x. Ga 13,34-35; 15,12; Rm 13,8; 13,10; 2Cr 2,8; 1Cr 13,1-3; Gc 2,8; Gl 5,14; Mc 10,17-21; 1Ga 4,16; 1Ga 4,8; Mt 12,7; Mt 5,23-24).

Có lẽ Đức Giêsu đã nhìn thấy trước cảnh chiến tranh giết nhau giữa các Kitô hữu khác giáo phái, hay những cảnh thánh chiến thảm khốc giữa những người cùng tin vào một Thiên Chúa duy nhất, hay những cảnh chiến tranh tàn khốc giữa các tôn giáo, chỉ vì người ta đặt quá nặng tình yêu và bổn phận đối với Thiên Chúa hay tôn giáo, mà quá coi nhẹ tình yêu và bổn phận giữa con người với nhau. Và Ngài chắc chắn cũng thấy rằng: nếu con người đặt nặng tình thương giữa con người với nhau thì nhân loại sẽ hòa bình và hạnh phúc hơn rất nhiều so với tình trạng người ta chỉ đặt nặng tình yêu và bổn phận đối với Thiên Chúa hay tôn giáo của mình. 

Những tín đồ tôn giáo cuồng tín thường rất nguy hiểm, còn những người đặt nặng tình yêu tha nhân thì luôn hiền hòa, dễ mến, rất hữu ích cho mọi người.

Chính vì thế, Đức Giêsu đã hiệp nhất hai giới răn tách biệt của Cựu Ước thành một giới răn duy nhất, chú trọng tới con người, là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa, hơn là chính Thiên Chúa vô hình mà con người chỉ có thể yêu thương một cách đúng nghĩa khi họ yêu thương nhau.

***

Tóm lại, việc quan trọng nhất và chính yếu nhất trong đời sống tâm linh hay việc sống đạo của chúng ta, những kẻ tin vào Đức Giêsu, là thực hiện giới răn yêu thương của Ngài. Hãy hiểu thật đúng giới răn mới của Ngài và thực hiện. Hãy ưu tiên thực hiện điều cốt yếu nhất, cần thiết nhất, và sau đó hãy thực hiện những điều cần thiết khác. Những điều cần thiết khác này giúp chúng ta có sức mạnh để thực hiện điều cốt yếu và cần thiết nhất kia, chứ hoàn toàn không thể thay thế điều cốt yếu ấy được. Đừng để ngày phán xét cuối cùng, chúng ta cứ tưởng mình được Chúa cho là công chính chỉ vì đã suốt đời làm những việc cần thiết nhưng phụ thuộc, lại bị Chúa kết án vì điều cốt yếu nhất Ngài muốn ta làm thì ta lại không làm.


Nguyễn Chính Kết



Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ:
Tính chất «mới» trong điều răn của Đức Giêsu là hiệp nhất 2 giới răn của Cựu Ước thành một giới răn duy nhất của Tân Ước
(https://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/11/tn31a.html)


Thursday, November 1, 2018

TN31a - Tính chất «mới» trong điều răn của Đức Giêsu là hiệp nhất 2 giới răn của Cựu Ước thành một giới răn duy nhất của Tân Ước




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 31 Thường Niên

(4-11-2018)

Bài đào sâu

Tính chất «mới» trong điều răn của Đức Giêsu
là hiệp nhất 2 giới răn của Cựu Ước
thành một giới răn duy nhất của Tân Ước



ĐỌC LỜI CHÚA

  Đnl 6,2-6: (2) Anh em cũng như con cháu anh em hãy kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, thì anh em sẽ được sống lâu.

  Dt 7,23-28: (27) Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình, và chỉ dâng một lần là đủ.

  TIN MỪNG: Mc 12,28b-34

Điều răn đứng hàng đầu

(18) Khi ấy, có một người trong các kinh sư thấy Đức Giêsu đối đáp hay liền đến gần Người và hỏi : «Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?» (29) Đức Giêsu trả lời : «Điều răn đứng đầu là : Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. (30) Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. (31) Điều răn thứ hai là : «Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó». 

(32) Ông kinh sư nói với Đức Giêsu : «Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. (33) Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ». 

(34) Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : «Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!» Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Đức Giêsu lại ghép hai điều răn khác nhau –mến Chúa, và yêu người– thành một điều răn duy nhất? 
2. Có thể mến Chúa mà không yêu người, hay yêu người mà không mến Chúa được chăng? 
3. Theo tinh thần Tin Mừng, thì giữa việc tham dự các nghi thức phụng vụ và việc thi hành giới răn «mến Chúa yêu người», việc nào cao quí và quan trọng hơn? 


Suy tư gợi ý:

1.  Điều răn quan trọng nhất của Kitô giáo

Trong bài Tin Mừng này, ta thấy Đức Giêsu đã ghép hai điều răn được ghi ở hai nơi khác nhau trong Cựu Ước –điều răn đầu trong sách Đệ nhị luật 6,4-5, điều răn sau trong sách Lêvi 19,8– làm thành một điều răn duy nhất, một điều răn «kép», nghĩa là một điều răn nhưng hai đối tượng, hay hai mặt khác nhau. Và điều răn «kép» này là điều răn quan trọng nhất trong Do Thái giáo cũng như Kitô giáo. Tại sao lại ghép hai điều răn ấy thành một điều răn duy nhất? Đó là điều đáng chúng ta suy nghĩ.

Thông thường, chúng ta phân biệt yêu Chúa và yêu người là hai tình yêu khác nhau. Có người cho rằng yêu Chúa quan trọng hơn yêu người rất nhiều, có người lại cho rằng: Chúa thì trừu tượng quá, yêu không nổi, nên yêu người mới là quan trọng. Cũng có người cho rằng có thể yêu Chúa mà không yêu người, và ngược lại, có thể yêu người mà không yêu Chúa. 

Thực ra, giới răn này chỉ có một nội dung duy nhất là «phải yêu thương», nghĩa là phải có tình yêu, tình thương. Và tình yêu này phải hướng cùng một lúc về hai đối tượng: Thiên Chúa và tha nhân. Và hai đối tượng này không thể tách rời nhau, tương tự như hai mặt của một tờ giấy: không thể có mặt này mà không có mặt kia. Nghĩa là không thể yêu Chúa cách đích thực mà không yêu tha nhân, và ngược lại, không thể yêu tha nhân cách đích thực mà không yêu Thiên Chúa.

Tại sao vậy? Vì tha nhân −tức con người− là hình ảnh của Thiên Chúa, không ai lại yêu một người mà không yêu quý hình ảnh của người ấy, cũng không ai yêu hình ảnh của một người mà lại không yêu chính người ở trong ảnh. Nói khác đi, hễ thật sự yêu Thiên Chúa thì tất nhiên sẽ phải yêu cả hình ảnh của Ngài là những người mình gặp, mình biết, như thánh Gioan đã từng nói: «Nếu ai nói : “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20). Và hễ yêu người thật sự thì cũng chính là đã yêu mến Thiên Chúa. Như vậy, tình yêu đối với tha nhân đã ngầm bao hàm tình yêu đối với Thiên Chúa, và ngược lại: tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa mặc nhiên bao hàm tình yêu đối với tha nhân.

Chính vì yêu thương tha nhân cũng chính là yêu mến Chúa, nên đến thời Đức Giêsu, Ngài đã thu gọn 2 điều răn của Cựu Ước −yêu Chúa và yêu người− thành một giới răn duy nhất: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Cái «mới» của điều răn này là Ngài cho thấy sự đồng nhất của hai giới răn có vẻ như tách biệt của Cựu Ước.

Thật vậy, khi nói về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giêsu đã xác định rằng: yêu tha nhân là yêu chính Thiên Chúa (xem Mt 25,40.45). Và thánh Phaolô cũng viết: «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”» (Gl 5,14); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật của Đức Kitô» (Gl 6,2).



2.  Nơi Đức Giêsu, yêu thương con người và thờ phượng Thiên Chúa chỉ là một thực tại duy nhất?

Nơi con người Đức Giêsu, hành vi thờ phượng Thiên Chúa và hành vi yêu thương con người, chỉ là một hành vi duy nhất. Thật vậy, Ngài xuống thế làm người, sống cuộc đời trần thế với bao khổ đau, chịu khổ hình và chết nhục nhã trên thập giá chỉ vì yêu thương con người. Ngài lập phép Thánh Thể để ở lại với con người cho đến tận thế cũng chỉ vì yêu thương nhân loại. Tất cả những hành vi yêu thương và sự hy sinh ấy của Ngài cho nhân loại đều là những hành vi được Giáo Hội nhìn nhận là những hành vi thờ phượng Thiên Chúa chính danh nhất, đúng nghĩa nhất

Thật vậy, cuộc tử nạn trên thập giá của Đức Giêsu và Thánh lễ Misa hay phép Thánh Thể đều được Giáo Hội coi là hành vi thờ phượng Thiên Chúa cao cả nhất. Nơi Ngài, yêu thương nhân loại và thờ phượng Thiên Chúa chỉ là một hành vi duy nhất. Nói khác đi, theo Ngài, yêu thương nhân loại cũng chính là thờ phượng Thiên Chúa, và thờ phượng Thiên Chúa thì phải gắn liền với yêu thương nhân loại.

Nơi Ngài, không có sự phân biệt giữa hai việc: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Hễ yêu mến Thiên Chúa thì tất nhiên phải yêu thương con người. Mà yêu thương và hy sinh cho tha nhân cũng chính là yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa cách tuyệt hảo nhất. Hai điều đó, hai giới răn đó tự bản chất chỉ có thể phân biệt chứ không thể tách biệt nhau. Tách rời nhau được thì chúng không còn là yêu mến Thiên Chúa hay yêu thương tha nhân đúng nghĩa nữa.

Không biết vô tình hay hữu ý mà Thập Giá −gồm thanh dọc và thanh ngang− được coi là biểu tượng của Kitô giáo và của tình yêu Kitô giáo. Nếu tách rời hai thanh ấy ra thì hai thanh biệt lập ấy không còn là thập giá nữa. Tình yêu Kitô giáo cũng vậy, nếu tách rời tình yêu Thiên Chúa khỏi tình yêu tha nhân, thì cả hai thứ tình yêu ấy không phải là tình yêu Kitô giáo. 

Người yêu Thiên Chúa đích thực thì sẽ thể hiện tình yêu ấy bằng tình yêu đối với tha nhân, vì tha nhân chính là hình ảnh hay hiện thân của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta. Đức Kitô thường tự đồng hóa mình với những người bé mọn, thấp kém, yếu hèn trong xã hội: «Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy» (Mt 25,40.45).



3.  Yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa

Đoạn Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến tầm quan trọng tối thượng của giới răn yêu mến Thiên Chúa. Nếu xét một cách tách biệt hai mặt trong giới răn cao trọng nhất này, thì việc yêu mến Thiên Chúa quan trọng hơn việc yêu mến tha nhân. Và con người phải yêu mến Thiên Chúa «hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực». Nhưng trong thực tế, không thể có sự tách rời giữa hai mặt ấy được, vì hễ đã thật sự yêu mến Thiên Chúa thì tất nhiên phải đồng thời yêu thương tha nhân. Vì thế, nếu thật sự yêu mến Thiên Chúa «hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực», thì cũng sẽ yêu tha nhân «hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực». Đó là điều tất yếu, không thể khác được.

Để tỏ lòng yêu mến, thuận phục và thờ phượng Thiên Chúa, người Do Thái xưa đã sát tế những con chiên, con bò làm của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa, thay vì sát tế chính mình, để nói lên quyền tối thượng của Ngài trên mọi sự, trên cả mạng sống mình. Nghĩa là phải sẵn sàng hy sinh tất cả mọi sự cho Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho ta tất cả và có quyền lấy lại tất cả bất kỳ lúc nào. 

Ngày nay, chúng ta không còn sát tế chiên bò, cũng không phải sát tế chính mình để nói lên quyền tối thượng của Ngài nữa. Điều chúng ta cần làm, là sẵn sàng hy sinh tất cả mọi sự để làm đẹp lòng Ngài, để tỏ lòng yêu mến Ngài trên hết mọi sự, nhất là hy sinh ý riêng, thì giờ, tiền bạc, công sức… đó chính là một hình thức sát tế và thờ phượng Thiên Chúa cao cả nhất. Tuy nhiên, hy sinh tất cả những thứ bên ngoài mình ấy không bằng hy sinh chính «cái tôi» của mình.

Nhưng, theo tư tưởng của Đức Giêsu và thánh Phaolô, thì chắc chắn Thiên Chúa muốn ta thể hiện tình yêu của ta đối với Ngài bằng tình yêu dành cho tha nhân, một cách cụ thể là sẵn sàng hy sinh ý riêng, thì giờ, tiền bạc, công sức… cho hạnh phúc và sự tốt đẹp của tha nhân.



4.  «Hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực»

Yêu «hết lòng, hết trí khôn» thì quả là một điều khá trừu tượng và xem ra có vẻ dễ thực hiện, vì lòng và trí khôn là thứ không thể đếm được, khó kiểm chứng, và dường như có thể dùng hoài, cho hoài không hết. Nhưng còn việc yêu «hết sức lực» thì quả thật là khó, vì lực là một cái gì mang tính vật chất, rất cụ thể, và rất hạn chế. 

Sức lực ở đây nói một cách cụ thể là thì giờ, tiền bạc, của cải, sức khỏe, công lao. Vì nó giới hạn, nên ta không thể cho một cách thoải mái được. Cho thì hao tổn, thì sẽ hết. Nhưng có yêu «hết sức lực» thì mới chứng tỏ được là đã «yêu hết lòng, hết trí khôn». Ai nói rằng mình mến Chúa yêu người «hết lòng, hết trí khôn» mà lại không yêu «hết sức lực» –cụ thể là sẵn sàng hy sinh thì giờ, tiền bạc, sức khỏe, công lao cho Chúa, cho tha nhân– thì người ấy nếu không nói dối thì cũng là kẻ ảo tưởng về chính mình. Chắc chắn Chúa muốn chúng ta thay vì chỉ hy sinh những thứ ấy cho Chúa, thì hãy hy sinh cho tha nhân, vì hy sinh cho tha nhân chính là cụ thể hóa sự hy sinh cho Chúa.

Để thật sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, Đức Giêsu cho chúng ta một bí quyết, đó là «từ bỏ mình» và «vác thập giá» (Mt 16,24). «Từ bỏ mình» là dẹp bỏ «cái tôi» của mình đi, coi «cái tôi» của mình là nhỏ bé. «Vác thập giá» là sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi, mất mát, đau khổ. Có sẵn sàng «từ bỏ mình» và «vác thập giá» thì chúng ta mới có thể yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như Thiên Chúa muốn được.



5.  «Điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ»

Rất nhiều Kitô hữu không hiểu được cốt yếu của việc giữ đạo là gì, họ cho rằng việc đọc kinh, đi lễ, chịu các bí tích là những điều quan trọng nhất. Và họ cố gắng thực hiện những điều ấy một cách toàn hảo. Nhưng thật ra, tất cả những thứ ấy chỉ là phương tiện để giúp người Kitô hữu thực hiện được giới răn quan trọng nhất là «mến Chúa, yêu người». «Mến Chúa, yêu người» mới chính là mục đích của những việc đạo đức trên. Nếu thực hiện những phương tiện ấy mà không đạt được mục đích của chúng thì thử hỏi việc thực hiện ấy ích lợi gì?

Trong bài Tin Mừng, ông kinh sư nói: «Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ» (Mc 12,33). Lời đó đã được Đức Giêsu xác nhận là khôn ngoan, đúng đắn. Cứ theo tinh thần câu nói ấy thì yêu Chúa và thương người hết sức mình quan trọng và quí giá hơn việc tham dự các nghi thức phụng vụ, các bí tích, các kinh nguyện. 

Chỗ khác, Ngài nói: «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24). Rõ ràng qua 2 câu Kinh thánh ấy, Đức Giêsu đã coi tình yêu hay sự hòa thuận đối với tha nhân quan trọng hơn việc «dâng lễ vật trước bàn thờ».

Chính Đức Giêsu mạc khải cho ta biết điều ấy khi nói về ngày phán xét cuối cùng: Thiên Chúa không hề phán xét về việc ta có tham dự các nghi thức phụng vụ hay không, hay tham dự thế nào, mà chỉ xét về việc ta đã làm gì để tỏ ra mình yêu thương tha nhân mà thôi. Đức Giêsu đã tỏ ra trọng phong cách đối xử với tha nhân, sự hòa thuận với những người chung quanh còn hơn việc dâng lễ vật toàn thiêu cho Thiên Chúa nữa (xem Mt 5,23-25).

Biết bao người chu toàn hết sức tốt đẹp những nghi thức phụng vụ mà lại đối xử với tha nhân chẳng ra làm sao, chẳng có tình có nghĩa gì cả, thì thử hỏi đạo đức kiểu ấy có ích lợi gì cho họ trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét?




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu có nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy mới được vào mà thôi. Vì thế, trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, mà trừ quỉ, mà làm nhiều phép lạ sao?” và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: “Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác”» (Mt 7,21-23). Xin cho con hiểu được ý nghĩa thâm sâu của lời nói đó. Xin cho con nhận ra điều quan trọng nhất trong đạo của Cha mà con phải tuân giữ là thực hiện thánh ý Cha, mà điều cốt yếu nhất của thánh ý Cha chính là mến Chúa –cũng là yêu người– hết lòng hết sức. Amen.

Nguyễn Chính Kết