Sunday, April 29, 2018

PS6b − Hãy yêu thương và chủ động làm những gì tình yêu đòi hỏi




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 6 Mùa Phục Sinh

(6-5-2018)

Bài đào sâu

Hãy yêu thương và chủ động
làm những gì tình yêu đòi hỏi


Đức Giêsu yêu thương chúng ta, và cũng yêu thương mọi người, nhất là những người cần được yêu thương nhất, đó là những người đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì thiếu thốn về tinh thần cũng như vật chất... Ngài đã yêu thương chúng ta và mọi người như thế, và Ngài yêu cầu chúng ta hãy bắt chước Ngài để yêu thương mọi người chung quanh ta như Ngài đã yêu thương.

Chúng ta hãy xem Ngài yêu thương thế nào để bắt chước Ngài mà yêu thương như vậy.



1. Dù mệt nhọc, cần nghỉ ngơi, Ngài vẫn đón tiếp dân chúng khi họ đến với Ngài

Sau khi nghe tin Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrốt chém đầu (x. Mt 14,3-12), chắc chắn Đức Giêsu hết sức xúc động, ngậm ngùi thương tiếc người đã từng nhiệt thành làm tiền hô cho mình. Đoạn Tin Mừng Mt 14,13-21 cho biết lúc ấy Ngài «đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt» (câu 13), vì Ngài có nhu cầu ở một mình để tưởng niệm người quá cố, đồng thời để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Nhưng không ngờ dân chúng lại tìm đến Ngài rất đông. Tin Mừng cho biết: «Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ» (câu 14). «Chạnh lòng thương» là phản ứng của người có lòng trắc ẩn, hay thương xót, thông cảm với những nhu cầu, với những hoàn cảnh éo le, đau khổ của tha nhân. Vì thế, mặc dù chính Ngài đang cần nghỉ ngơi, cần ở một mình, nhưng Ngài đã quên nhu cầu của mình mà chỉ nghĩ đến nhu cầu của dân chúng. Ngài đã đón tiếp họ và «chữa lành các bệnh nhân của họ» (câu 14b).

Trong cuộc sống đời thường, ta cũng gặp rất nhiều trường hợp tương tự như Ngài: đang khi cần yên tĩnh nghỉ ngơi sau cả một ngày làm việc mệt nhọc, hoặc khi đang nghỉ ngơi thì có người gọi điện thoại hoặc đến tận nhà nhờ vả ta một điều gì cần thiết. Lúc đó ta phản ứng thế nào? Có thể ta nghĩ rằng: «Mình phải nghỉ ngơi cái đã, vì có nghỉ ngơi thì mới làm việc được. Vả lại mình còn biết bao việc khác phải làm nữa. Phải yêu cầu người ta chờ mình nghỉ ngơi đã!» Hay ta nghĩ rằng: «Người ta cần mình ngay bây giờ nên mới đến vào giờ này. Nếu không giúp họ giờ này thì có thể không còn cơ hội nào giúp họ nữa và công việc của họ sẽ bị lỡ. Thôi mình ráng hy sinh cho họ một chút, mình có thể nghỉ ngơi bù vào lúc khác cũng được mà!»? 

Phải công nhận: nghĩ và làm được như thế là việc rất khó, đòi hỏi nhiều tình yêu và lòng bao dung. Trong quá khứ, một vài lần vì mệt mỏi sau cả ngày làm việc, tôi đã từ chối giúp đỡ một vài người, nay tôi rất hối hận và tự hỏi: không biết người ta bị kẹt đến thế nào khi mình không giúp họ, và họ buồn thế nào vì việc ấy? Tôi thấy mình đã không giống Đức Giêsu Thầy của mình bao nhiêu, vì mình ít tình yêu quá! Tình yêu mình không đủ mạnh để có thể ráng hy sinh cho tha nhân khi họ cần, dẫu mình đã mệt!



2. Người tông đồ phải có tình thương trong lòng trước đã

Ở những vùng dân chúng rất nghèo –như những vùng truyền giáo cho các dân tộc thiểu số– giáo dân phải đi thật xa hàng mấy chục cây số mới đến được nhà thờ để dâng thánh lễ và học hỏi giáo lý. Nhiều vị chủ chăn đã lo cho họ ăn uống cả hàng trăm người trước khi họ ra về (khi thì cơm, khi bánh mì, khi thì mì ăn liền…). Để thực hiện việc này, tháng nào vị linh mục cũng phải đi hàng chục hay hàng trăm cây số đến gõ cửa những nhà hảo tâm quen biết hoặc được giới thiệu để «ăn mày» dùm cho họ. Thật là một hình ảnh rất đẹp về người chủ chăn! Các vị đã thực hiện lời Đức Giêsu: «Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn» (Mt 14,16).

Khi nói câu ấy, Đức Giêsu muốn gây ý thức nơi các tông đồ về tình yêu thương, sự quan tâm mà một mục tử phải có đối với dân chúng. Mặc dù mục đích của người tông đồ là loan báo Tin Mừng chứ không phải là lo chuyện vật chất cho dân chúng, nhưng khi ta biết dân chúng có nhu cầu nào đó, ta nên thể hiện tình yêu thương của ta đối với họ bằng cách giúp họ nhu cầu ấy. Dân chúng có yêu thương mình, lời mình rao giảng mới thấm vào lòng họ. Dân chúng có cảm thấy mình yêu thương họ, họ mới hứng khởi thực hiện những điều mình dạy dỗ

Dân chúng bị hấp dẫn đến với Đức Giêsu không chỉ vì Ngài dạy dỗ họ những điều hay lẽ phải cho bằng vì họ cảm thấy Ngài yêu thương họ, vì Ngài quan tâm săn sóc họ, vì Ngài chữa bệnh cho họ, giúp họ giải quyết những khó khăn trong đời sống họ…

Kitô giáo là đạo của tình thương, lấy tình yêu thương làm bản chất của đạo (x. Ga 13,34-35), nên những người rao giảng đạo này phải là người có dồi dào tình thương hơn mọi người, và tình yêu thương ấy phải được chứng tỏ bằng hành động. Truyền đạo không phải chỉ là cung cấp cho người ta có một số kiến thức về Thiên Chúa, về Đức Giêsu hay về Lời của Ngài, mà là làm cho họ trở thành môn đệ Ngài, theo Chúa, và sống giới luật yêu thương của Ngài. Chính mình không sống tinh thần yêu thương này, làm sao mình có thể truyền tinh thần yêu thương này cho người khác được?



3. Hãy chủ động phần việc của mình trước đã…

Khi yêu cầu các môn đệ hãy tự mình lo cho họ ăn, Đức Giêsu đã thừa biết khả năng hạn hẹp của các ông, và Ngài cũng đã biết mình phải làm gì. Với quyền năng của Ngài, Ngài có thể biến không khí thành bánh và cá nuôi đám dân chúng, không cần đến 5 chiếc bánh và 2 con cá mà các ông tìm được trong dân chúng. Nhưng Ngài không muốn đơn phương làm như vậy, Ngài muốn có sự góp phần của mọi người. Trước tiên, Ngài muốn chính các tông đồ phải có tình thương, có ý thức trách nhiệm đối với dân chúng và thật sự muốn lo cho họ. Ngài nói: «Chính anh em hãy cho họ ăn» (Mt 14,16).

Các tông đồ quả có nhận ra nhu cầu của dân chúng, nhưng tình yêu của các ông đối với dân chúng chưa mạnh đủ để có thể lóe lên sáng kiến hay thúc đẩy các ông tìm cách nào nuôi dân chúng. Vì thế, ngay từ đầu các ông đã nghĩ mình bất lực không thể giúp gì họ được, và các ông đề nghị giải tán dân chúng. Nếu các ông có nhiều tình yêu hơn, các ông sẽ nghĩ ra được mình nên làm gì. Chẳng hạn các ông có thể nói với Đức Giêsu: «Bây giờ chúng ta phải lo cho họ ăn, chúng con chưa biết làm cách nào, nhưng chúng con biết Thầy có cách». Nói như thế, các ông vừa tỏ ra tình yêu và ý thức trách nhiệm của mình, vừa tỏ ra tin tưởng vào quyền năng của Thầy mình.

Trong cuộc đời, rất nhiều khi có những việc nào đó ta nên làm hay phải làm nhưng không làm được chỉ vì ta không đủ tình yêu, không đủ nhiệt thành và lòng hăng say. Thiếu yếu tố quan trọng này, ta thường bi quan yếm thế cho rằng mình không thể thực hiện được. Trong một trận chiến, chưa xuất quân mà ta đã nghĩ rằng mình sẽ thua thì quả thật ta đã thua ngay từ đầu ngay trong tư tưởng của mình rồi. Nguyễn Bá học nói: «Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông». Nhiều việc tốt ta không làm được, không phải vì nó khó hay vì nó không thể làm được, mà vì ta không đủ tình yêu để làm, vì ta đã đầu hàng nó ngay từ trong tư tưởng của ta.

Người Kitô hữu không nên sợ mình không làm được, vì ta luôn luôn có một sức mạnh ở ngay trong bản thân mình, đó là quyền năng của Thiên Chúa. Nếu ta tin tưởng vào quyền năng của Ngài, ta sẽ làm được nhiều việc mà mọi người đều nghĩ rằng ta không thể. Vì «không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được» (Lc 1,37). Vì «tôi có thể làm được tất cả nhờ quyền năng của Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Vì «nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì (…) sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được» (Mt 17,20)

Tại sao có những vị thánh đã làm được rất nhiều phép lạ? Chính vì các ngài có rất nhiều tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, và vì các ngài tin tưởng vững chắc vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng luôn hỗ trợ cho mình. Tình yêu thúc đẩy các ngài hành động, và lòng tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa khiến hành động của các ngài đi đến thành công.

Người đời vẫn nói: «Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên». Qua bài Tin Mừng về Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều này, ta thấy Ngài muốn các tông đồ, tức con người, phải mưu sự trước, và Ngài chỉ là người giúp cho mưu sự ấy thành công

Các nhà tu đức vẫn nói: «nỗ lực rồi cậy trông», nghĩa là chúng ta phải chủ động nỗ lực trước đã, dù nỗ lực ấy chỉ là yếu tố rất nhỏ (chỉ 1%) để thành tựu và phần chủ yếu (có đến 99%) là do Ngài, nhưng nếu không có phần nỗ lực rất nhỏ khởi đầu của ta thì không có sự việc gì thành tựu. Thánh ý Ngài là muốn có phần chủ động cộng tác của ta. Cho dù ngay cả việc chủ động của ta cũng do Thánh Thần Ngài thúc đẩy, vẫn phải luôn có phần của ta, vì nếu thiếu nó, Thiên Chúa cũng không thể làm phần của Ngài!



***

Thiên Chúa luôn muốn mọi người phát triển tình yêu thương trong lòng họ. Ngài muốn mọi điều tốt được thực hiện trên đời này là do sáng kiến của họ, bắt nguồn từ tình yêu thương của họ, chứ Ngài không muốn họ cứ làm theo lệnh Ngài như một cái máy. Ngài rất sung sướng được cộng tác với những công việc tốt đẹp mà chính họ sáng kiến và quyết tâm thực hiện, cho dù sự thành tựu là do Ngài tới 99%. Nhưng Ngài vẫn muốn phải có 1% công lao của con người, mà thiếu nó thì chính Ngài cũng không muốn thực hiện 99% còn lại kia. Chúng ta nên ý thức điều đó. Hãy tự sáng kiến và chủ động trong những việc tốt lành mà với sự cộng tác của Thiên Chúa, ta có thể làm được cho tha nhân, cho thế giới.


PS6a − Hãy làm cho người khác những gì Đức Giêsu đã làm cho ta




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 6 Mùa Phục Sinh

(6-5-2018)

Bài chia sẻ

Hãy làm cho người khác
những gì Đức Giêsu đã làm cho ta




ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 10,25-26.34-35.44-48: (34) «Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. (35) Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận».

  1Ga 4,7-10: (7) Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. (8) Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

  TIN MỪNG: Ga 15,9-17

Đức Giêsu tâm sự với các môn đệ


Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: (9) «Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (10) Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. (11) Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. 

(12) Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (13) Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (14) Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (15) Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

(16) Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. (17) Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu có nói: «Cha Thầy dạy Thầy thế nào, Thầy cũng dạy anh em như vậy, nên anh em hãy dạy nhau như Thầy đã dạy anh em» không? Hay Ngài nói: «Cha Thầy làm gì cho Thầy, Thầy cũng làm điều ấy cho anh em, nên anh em hãy làm cho nhau như Thầy đã làm cho anh em»? Điều đó có nghĩa gì? 
2. Xét về gương của Đức Giêsu: Ngài yêu thương con người đến mức độ nào? Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau ở mức độ nào? 
3. Để yêu thương mọi người, ta có thể làm gì cụ thể và ích lợi cho họ nhất? Họ cần gì nhất?


Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu bắt chước Chúa Cha, sau đó Ngài mời gọi ta bắt chước Ngài

Trong bài Tin Mừng, ta thấy có những lời của Đức Giêsu có hình thức ít nhiều tương tự như sau: «Chúa Cha làm cho Thầy, Thầy cũng làm như vậy cho anh em», nên «anh em hãy làm như vậy cho nhau, giống như Thầy đã làm cho anh em». Chẳng hạn:

– Đức Giêsu nói với các môn đệ: «Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy» (Ga 15,9). Sau đó Ngài mời gọi: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12).

– «Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người» (Ga 15,10b), Vậy «anh em (hãy) giữ các điều răn của Thầy và ở lại trong tình thương của Thầy» (Ga 15,10a).

– «Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết» (Ga 15,15), nghĩa là: Tất cả những gì Cha Thầy nói với Thầy, Thầy lại nói hết với anh em, nên tất cả những gì Thầy nói với anh em, anh em hãy nói hết cho nhau. Vì nói cho nhau biết hết, tức coi nhau như bạn hữu, nên lời trên có thể diễn tả cách khác: Cha Thầy đã coi Thầy như bạn hữu, Thầy cũng coi anh em như bạn hữu, vậy anh em hãy coi nhau như bạn hữu, giống như Thầy đã làm như vậy với anh em.

Như vậy, Chúa Cha nêu gương cho Đức Giêsu noi theo, Đức Giêsu lại nêu gương cho chúng ta noi theo. Đức Giêsu cũng đã nói rõ điều ấy: «Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em» (Ga 13,15). Vì thế, bổn phận của chúng ta là tiếp tục nêu gương tốt cho nhau, và cho mọi người. Nhờ đó, chúng ta trở nên «muối cho đời» và «ánh sáng cho trần gian» (x. Mt 5,13-16).

Trong nghi thức phong chức giáo sĩ, đức giám mục đại diện Giáo Hội trao cho các tân chức bổn phận phúc âm hóa, gồm hai nhiệm vụ được tóm lại trong câu: «Facete et docete» (=«Hãy làm và dạy»). Không phải là không có dụng ý khi Giáo Hội đặt chữ làm trước chữ dạy. Giáo Hội không bảo: «Hãy dạy và làm», mà bảo: «Hãy làm và dạy». Giáo Hội có ý nói: hãy làm gương trước đã rồi hãy dạy bảo sau, vì làm gương thì cần thiết và quan trọng hơn dạy bảo rất nhiều. 

Nhưng dường như nhiều nhà phụ trách phúc âm hóa thời nay thường chú tâm đến việc dạy bảo hơn là làm gương, thậm chí coi rất nhẹ việc làm gương. Nhiều khi lời dạy và việc làm của người dạy trái ngược hẳn nhau. Vì thế, việc phúc âm hóa và việc giáo dục Kitô hữu không đi đến kết quả mong muốn vì chưa đi đúng tinh thần của Đức Giêsu và Giáo Hội. 

Cần nhận thức rõ ràng rằng gương sáng có tác dụng giáo hóa hữu hiệu gấp nhiều lần lời dạy: «Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn». Các nhà phúc âm hóa và giáo dục Kitô hữu nên tránh vết xe đổ của những người Pharisiêu xưa là «nói mà không làm» (Mt 23,3), hay «nói một đằng, làm một nẻo».



2. Gương yêu thương và hy sinh của Đức Giêsu

Điểm nhấn của bài Tin Mừng hôm nay là gương yêu thương và hy sinh của Đức Giêsu, và lời Ngài yêu cầu chúng ta hãy bắt chước Ngài mà yêu thương nhau: «Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12)

Gương của Ngài trong việc yêu thương chúng ta là: Ngài yêu bằng những hành động cụ thể, nghĩa là hy sinh thật sự cho người mình yêu. Khi yêu ai, người ta có thể hy sinh cho người ấy thì giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc, cơ hội, tình cảm khác, v.v… Nhưng hy sinh cao độ nhất là hy sinh chính mạng sống mình: «Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13). Đức Giêsu đã thực hiện chính sự hy sinh cao độ ấy: «Đức Kitô đã chết vì chúng ta» (Rm 5,6.8; x. Ep 5,2; 1Ga 3,16). Không ai thật sự yêu thương mà lại không sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Ai nói mình yêu thương mà lại không muốn hy sinh, kẻ ấy nói dối, hay tình yêu của kẻ ấy chỉ là thứ môi miệng.

Như vậy, một trong những lý do quan trọng khiến chúng ta phải yêu thương nhau, đó là chính Thiên Chúa và Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta: «Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau» (1Ga 4,11); «Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước» (1Ga 4,19); «Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em» (1Ga 3,16).



3. Yêu thương nhau bằng cách làm gương sáng cho nhau: gương tốt nhất là gương yêu thương nhau

Người yêu thương đích thực thì sẵn sàng hy sinh bất kỳ điều gì mà người mình yêu cần đến. Điều mà người mình yêu cần đến có thể rất khác nhau, tùy theo mỗi người và theo từng trường hợp cá biệt. Để hy sinh, để thể hiện tình yêu một cách thích hợp, chúng ta cần phải tìm hiểu xem người mình yêu cần những gì, và cần gì nhất. Đức Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người không trừ ai. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem con người thời nay, nhất là những người chung quanh ta, cần gì nhất.

Trong vô số những nhu cầu tinh thần cũng như vật chất, điều mà con người cần nhất là được cứu rỗi; nói cụ thể và chi tiết hơn là tin vào Thiên Chúa, đồng thời biết sống xứng đáng với phẩm giá của mình là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa để nhờ đó được hạnh phúc vĩnh cửu. Vì thế, người yêu thương tha nhân cách sáng suốt là người biết quan tâm tới sự cứu rỗi của họ, nghĩa là chẳng những giới thiệu cho họ biết Thiên Chúa, tin Đức Giêsu, ý thức phẩm giá cao quí của mình, mà còn giúp họ sống cho xứng với phẩm giá cao quí ấy.

Để sống xứng với phẩm giá cao quí ấy, không gì tốt cho con người bằng thực hiện chính bản tính Thiên Chúa mà Ngài đã chia sẻ hay thông phần cho họ: «Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, là cho anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1,4). Mà điều cốt yếu trong bản tính Thiên Chúa chính là tình yêu: «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16)

Vì thế, sống yêu thương – yêu Thiên Chúa và tha nhân – chính là thực hiện bản chất cao quí nhất của con người, là sống xứng với phẩm giá của con người là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa. Đó cũng chính là điều mà con người cần thiết phải làm để được cứu rỗi. Chính vì thế, Đức Giêsu chỉ truyền cho con người một giới luật duy nhất là yêu thương nhau: «Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau» (Ga 15,17; x. Ga 13,34-35; 15,12; 1Ga 3,23; 2Ga 1,5). Vào ngày chung thẩm, Thiên Chúa chỉ căn cứ vào một điều duy nhất để phán xét chúng ta, đó là tình yêu của chúng ta đối với tha nhân (x. Mt 25,31-46).

Vì thế, tìm cách làm cho những người chung quanh ta yêu thương nhau, hy sinh cho nhau, chính là làm cho họ được cứu rỗi. Và không cách nào hữu hiệu để giúp họ yêu thương nhau cho bằng chính ta làm gương sáng cho họ về điều ấy. Nghĩa là ta không chỉ dạy họ yêu thương nhau và yêu thương mọi người, mà chính chúng ta phải thật sự gương mẫu trong việc yêu thương mọi người và yêu thương chính họ (những người ta dạy dỗ)

Phải sống làm sao để có thể nói được tương tự như Đức Giêsu, chẳng hạn: «Thiên Chúa và Đức Giêsu yêu thương tôi, nên tôi cũng yêu thương anh chị em như vậy… và anh chị em cũng hãy yêu thương nhau giống như tôi đã yêu thương anh chị em». Tình yêu của ta đối với mọi người phải là tấm gương để mọi người nhìn vào đấy mà yêu thương nhau.

Tình yêu thật sự sẽ như một mồi lửa có thể lan truyền từ người nọ sang người kia và cuối cùng biến trần gian này thành Nước Trời. Chính Đức Giêsu đã mong ước lửa tình yêu mà Ngài đã đem đến trái đất lan truyền đến mọi người và bùng cháy lên: «Thầy đã đem lửa đến trần gian, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!» (Lc 12,49). Lửa ấy có bùng lên hay không, điều ấy tùy thuộc vào mỗi người chúng ta có lửa ấy trong tâm hồn mình hay không, và có biết truyền lửa ấy đến tâm hồn những người chung quanh ta hay không!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha và Đức Giêsu đã yêu thương con vô bờ bến, xin cho con cũng biết yêu thương mọi người chung quanh con bằng những hy sinh cụ thể về thì giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc, cơ hội… Xin cho mọi người chung quanh con cảm nghiệm được tình yêu chân thật của con dành cho họ, để chính họ cũng bắt chước con mà yêu thương nhau.


Monday, April 23, 2018

PS5b − Làm sao để «gắn liền với» Đức Giêsu hay Thiên Chúa và «ở lại trong» Ngài?

Chúa nhật thứ 5 Mùa Phục sinh




Làm sao để «gắn liền với» Đức Giêsu hay Thiên Chúa
và «ở lại trong» Ngài?



Chủ đề của bài Tin Mừng về «Cây nho thật» (Ga 15,1-8) là làm sao để người Kitô hữu (được ví như cành nho) có thể «sinh nhiều hoa trái», đó là phải «gắn liền với» và «ở lại trong» Đức Giêsu hay Thiên Chúa (được ví như cây nho hay gốc nho). Muốn thế, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của những từ «gắn liền với» và «ở lại trong» mà Đức Giêsu dùng trong bài Tin Mừng, đồng thời phải biết làm cách nào để thực hiện được nội dung của những từ ấy.

Ý nghĩa của những từ ấy cuối cùng chỉ có nghĩa là «gặp gỡ» và «kết hiệp» với Đức Giêsu hay Thiên Chúa qua «cầu nguyện». Vì thế, chúng ta cần đào sâu ý nghĩa của việc cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa, và biết phải thực hiện nó thế nào cho đúng.



1.  Cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa

Cầu nguyện là một sinh hoạt thường xuyên, rất thân thuộc đối với người Kitô hữu. Có thể nói: một Kitô hữu không cầu nguyện không thể là một Kitô hữu đúng nghĩa. 

Cầu nguyện có thể mang nhiều hình thức: đọc kinh, nguyện gẫm, chiêm niệm, ca tụng, tạ ơn, xin ơn, nói với Chúa và nhất là lắng nghe tiếng Chúa nói trong thâm tâm, hướng lòng về Thiên Chúa, hay để những tâm tình đối với Thiên Chúa trào dâng trong lòng, v.v… Nhưng bản chất của cầu nguyện chính là sự gặp gỡ liên vị giữa Chúa và ta. Và nhờ sự gặp gỡ đó, ta mới cảm nếm được Thiên Chúa, mới hiểu về Ngài. Cái hiểu này đến từ cảm nghiệm, chứ không phải đến từ suy luận hay lý thuyết như khi học hỏi. 

Khi cầu nguyện, nếu không thực sự gặp gỡ Thiên Chúa, thì có thể nói ta chưa đạt được bản chất hay mục đích của cầu nguyện. Thật vậy, có nhiều trường hợp người ta đọc kinh, nguyện gẫm, lần hạt, dâng thánh lễ, rước lễ… mà không thực sự gặp gỡ Thiên Chúa. Vì một khi đã thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, thì tất yếu ta nhận được sức mạnh để thay đổi cuộc sống nên tốt và hạnh phúc hơn. Nếu không thật sự gặp gỡ Ngài khi cầu nguyện, người ta mới chỉ có vẻ cầu nguyện chứ chưa thực sự cầu nguyện, và đương nhiên không cảm nghiệm được Ngài.



2. Gặp gỡ và thưởng nếm Thiên Chúa quan trọng hơn biết về Thiên Chúa

Người ta không gặp gỡ Thiên Chúa vì người ta không đặt nặng việc đó. Người ta thường có khuynh hướng chú trọng nhiều đến việc học hỏi về Thiên Chúa, và ít lưu tâm đến việc gặp gỡ và thưởng nếm Thiên Chúa. 

Suy tư để hiểu biết về Thiên Chúa rất quan trọng, vì có hiểu biết về Thiên Chúa, chúng ta mới yêu mến Ngài: «vô tri bất mộ». Nhưng trong thực tế, biết về Thiên Chúa không quan trọng bằng gặp gỡ Ngài, thưởng nếm Ngài. Cũng như biết nhiều về nước, biết chính xác về nước với các tính chất và thành phần cấu tạo của nước không quan trọng bằng việc uống nước. Không biết gì về nước hay biết sai lạc về nước, không sao cả, miễn là có uống nước. Còn biết hoàn toàn đúng về nước mà không uống nước, thì sẽ bị cơn khát dày vò, thậm chí chết được. 

Cũng vậy, bàn cãi xem Thiên Chúa là hữu ngã hay vô ngã, là một hay là hai với vũ trụ, sáng tạo ra vũ trụ hay biến hóa ra vũ trụ, thực tế không quan trọng bằng việc gặp gỡ Thiên Chúa, hưởng nếm sự dịu ngọt của Ngài, nhận được ân sủng và sức mạnh của Ngài. Rất nhiều thần học gia nói thao thao bất tuyệt về Thiên Chúa nhưng không cảm nghiệm được Thiên Chúa bằng một trẻ em đơn sơ chân thành. Như vậy, biết Thiên Chúa chỉ là phương tiện, cảm nghiệm và yêu mến Thiên Chúa mới là mục đích. Biết mà không dẫn tới yêu mến và cảm nghiệm, thì cái biết đó trở nên vô ích.

Không một tôn giáo nào trên thế giới không nói tới Hữu Thể mà người Kitô hữu gọi là Thiên Chúa, có điều họ gọi Hữu Thể ấy bằng những tên khác nhau, và quan niệm về Hữu Thể ấy rất khác chúng ta. Nhiều khi ta cho rằng họ «vô thần», chỉ vì họ không quan niệm Hữu Thể ấy là «thần» như chúng ta. Không một tôn giáo chính thống nào không lấy Hữu Thể đó làm trọng tâm duy nhất của đời sống tâm linh, và coi việc gặp gỡ, cảm nghiệm và kết hợp với Hữu Thể ấy là thực nghiệm tâm linh quan trọng nhất của đời sống tôn giáo. Và mỗi tôn giáo đều có những cách riêng để gặp gỡ và cảm nghiệm Hữu Thể ấy. 

Nói chung, tất cả các tôn giáo cũng như tất cả các giáo phái Kitô giáo đều chung một mục đích duy nhất là gặp gỡ và thực nghiệm được Hữu Thể mà chúng ta gọi là Thiên Chúa, mặc dù các tôn giáo quan niệm rất khác nhau về Hữu Thể ấy. Vì thế, việc gặp gỡ và cảm nghiệm Thiên Chúa có thể là khởi điểm để các tôn giáo và các giáo phái Kitô giáo có thể gặp gỡ nhau, trao đổi, và cùng múc được chính sự sống tâm linh đích thực, mà không nhất thiết phải đồng ý với nhau về các tín điều vốn rất khác biệt nhau giữa các tôn giáo.

Các tín điều ấy hay sự hiểu biết về Thiên Chúa không hẳn là điều kiện tối cần để có thể thực sự gặp gỡ và cảm nghiệm được Thực Tại Tối Hậu ấy, tức Thiên Chúa. Thật vậy, một người quê mùa được học hỏi rất ít về Thiên Chúa, hay một đạo sĩ trong một tôn giáo Á châu quan niệm về Thiên Chúa khác hẳn chúng ta, vẫn có thể gặp được Thiên Chúa và cảm nghiệm về Ngài (1*) hơn một thần học gia nổi tiếng. 

(1*) Chẳng hạn, trường hợp của Ramakrishna, một đạo sĩ Ấn giáo, là thầy của Vivekananda. Vivekananda kể về Ramakrishna: 

      «Tôi lẻn đến gần người và hỏi người câu mà cả đời tôi thường hỏi kẻ khác: “Thưa ông, ông có tin Thượng Đế không?” -“Có”, người trả lời. -“Vậy ông có thể chứng minh việc ấy được không?” -“Được”. -“Bằng cách nào?”, -“Vì tôi thấy Thượng Đế như tôi thấy anh bây giờ, chỉ có điều là một cách mãnh liệt hơn nhiều”. 

      «Câu trả lời này làm tôi cảm phục ngay. Đây là lần thứ nhất tôi gặp một người dám nói rằng mình đã thấy Thượng Đế, rằng tôn giáo là một sự thực mà ta có thể cảm biết và giác xúc một cách vô cùng cường liệt hơn là ta có thể cảm giác vạn vật». 

       (JOHN YALE, Tôn giáo là gì? Bản dịch của Vương gia Hớn, An Tiêm xb, SàiGòn 1970, trang 21-22). 
Điều tương tự như vậy đã xảy ra trong Kinh Thánh, khi Chúa Giêsu giáng sinh: những người gặp và thấy Chúa không phải là những bậc thầy dạy về Thiên Chúa, mà là các mục đồng biết rất ít về Ngài (x. Lc 2,8-18), và các đạo sĩ ngoại giáo (x. Mt 2,1-12), là những người chắc chắn có quan niệm về Thiên Chúa rất khác các rabbi Do Thái vốn rất tự hào mình được Thiên Chúa mặc khải.

Vì thế, cùng chia sẻ kinh nghiệm về cầu nguyện, về việc cảm nghiệm Thiên Chúa −chứ không phải tìm cách thống nhất những tín điều− chính là khởi điểm để đi đến đại kết và hiệp nhất, giữa các giáo phái Kitô giáo và giữa các tôn giáo. Hiểu biết có thể sai, nhưng cảm nghiệm là cái biết thực tiễn, trực tiếp với đối tượng, không có vấn đề đúng sai. Nói thao thao bất tuyệt về tính chất và cấu tạo của trái chuối không bằng được ăn chính trái chuối. Lý thuyết về trái chuối có thể khác nhau và gây chia rẽ, nhưng cảm nghiệm về nó thì hầu như ai cũng giống ai.



3. Gặp gỡ Thiên Chúa ở đâu? 

Thiền sư Bách Trượng nói về việc tìm kiếm Thực Tại Tối Hậu ấy «hệt như cưỡi trâu tìm trâu». Ấn Độ giáo cho việc tìm kiếm đó giống như một con cá ở biển đi tìm nước. Nghe những chuyện đó ta thấy tức cười, nhưng đích thực khi ta tìm kiếm Thiên Chúa, ta cũng làm một việc tương tự. 

Thật thế, có nơi nào không có Thiên Chúa? Chúng ta và vạn vật hiện hữu, sinh sống, làm bất cứ việc gì cũng đều do Thiên Chúa. Làm sao ta có thể suy nghĩ, viết lách, đi lại, cựa quậy, thậm chí làm những việc dễ dàng nhất như chớp mắt, hít thở, mà không cần đến Thiên Chúa? Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, trong tất cả vạn vật, trong tất cả mọi sinh hoạt dù nhỏ nhất của ta. Nhất cử nhất động đều nói lên sự có mặt của Thiên Chúa. Thế mà ta lại tìm kiếm Thiên Chúa! Và mỉa mai thay lắm khi không gặp được Ngài. Có khác gì con cá dưới biển tìm nước hoài mà vẫn không thấy nước, không gặp được nước!

Mặc dù Thánh Kinh luôn luôn có những câu xác định rõ nơi Thiên Chúa hiện diện, như: «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?… Đền thờ ấy chính là anh em» (1Cr 3,16-17; x.1Cr 6,19; 2Cr 6,16; Ep 2,20-22), nhưng truyền thống Kitô giáo dường như quá nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong giáo đường, trong các bí tích, đến nỗi các Kitô hữu không mấy lưu tâm đến sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình, nơi tha nhân

Nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa thì người ta thường nghĩ ngay đến nhà thờ, đến phép Thánh Thể, không mấy ai nghĩ đến Thiên Chúa ngự ngay trong mình, trong những người chung quanh. Kinh Thánh dường như không ưa việc định vị Thiên Chúa một cách lệ thuộc và hạn định vào không gian vật chất như thế. 

− Nhiều chỗ trong Kinh Thánh khẳng định: «Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa tể trời đất, không ngự trong những đền thờ do tay con người làm nên» (Cv 17,24; x. Cv 7,28; Dt 9,11-12; Is 66,1-2)

− Chính Đức Giêsu, để trả lời cho câu hỏi: phải gặp gỡ Thiên Chúa và thờ phượng Ngài ở đâu, đã nói: «Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết… Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây -giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí (2*) và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những người thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,21.23-24; x. Ga 2,21)

(2*) «Trong thần khí» («thần khí», tiếng Anh: spirit, tiếng Pháp: esprit, viết thường không viết hoa, nên không phải là Thánh Thần), vì thế, có thể hiểu «trong thần khí» là «trong tâm linh» hay «bằng tâm linh». Cách hiểu này rất phù hợp với tinh thần của các câu Kinh Thánh của Phaolô (x. 1Cr 3,16-17; 1Cr 6,19; 2Cr 6,16; Ep 2,20-22).

− Vì thế, thánh Phaolô khuyến kích ta tôn vinh, thờ phượng, gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong bản thân của ta: «Thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần. Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là chính Thánh Thần của Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em» (1Cr 6,20b)

Quả thật, không có nơi nào ta dễ gặp gỡ Thiên Chúa cho bằng ngay bản thân ta. Cho dầu Ngài cũng hiện diện trong vũ trụ vạn vật hay những nơi khác, nhưng nơi gặp gỡ Ngài lý tưởng nhất vẫn là bản thân ta. Có gặp được Thiên Chúa nơi bản thân mình, thì mới gặp được Ngài ở những nơi khác. Chính thánh Âu-Tinh thú nhận: «Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên con đã không gặp được Chúa của lòng con» (3*), và «Con đã yêu Chúa quá muộn, … Chính Chúa vẫn ở trong con, còn con thì lại ở ngoài con» (4*) 

(3*) AUGUSTIN, Confessions, cuốn VI, chương 1.

(4*) AUGUSTIN, Confessions, cuốn X, chương 27.


4.  Có gặp Thiên Chúa nơi bản thân, mới gặp được Ngài ở nơi khác

Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, nên có thể gặp được Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào, tuy nhiên, vẫn có những nơi Ngài hiện diện cách đặc biệt, với mật độ cao, hiện diện một cách «đặc sệt». Nếu nói tới sự hiện diện vật chất của Thiên Chúa, thì phải nói tới phép Thánh Thể. Vì là hiện diện vật chất, nên sự hiện diện ấy lệ thuộc vào không gian và thời gian. Muốn gặp Ngài một cách vật chất, ta phải đến những nơi có Thánh Thể: nhà thờ, nhà nguyện…

Con người gồm cả thể chất lẫn tâm linh, nên sự gặp gỡ đầy đủ vẫn phải có đủ hai mặt ấy. Nhưng dẫu sao, giữa hai mặt ấy, gặp gỡ tâm linh vẫn quan trọng hơn rất nhiều. Vì việc gặp gỡ thể chất chỉ có ý nghĩa khi đã có sự gặp gỡ tâm linh. Vì nếu chỉ gặp gỡ về mặt thể chất thì không phải là gặp gỡ thật sự. Đó là trường hợp «vô duyên đối diện bất tương phùng» (5*), giống như bọn kinh sư Do Thái gặp và chất vấn Chúa Giêsu, nhưng hai bên không thật sự «gặp gỡ» nhau. 

(5*) Trong văn chương Việt Nam ta có câu: «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng», nghĩa là có duyên với nhau thì dù nghìn trùng xa cách vẫn có thể gặp nhau, nhưng không có duyên với nhau thì dù có mặt đối mặt nhau vẫn không thể gặp nhau thật sự.
Như vậy, nếu không có sự gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh, thì có gặp gỡ bằng thể chất, dù là hằng ngày, cũng vô ích. Do đó, điều quan trọng là gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh và trong tâm linh của ta, chứ không phải gặp gỡ bằng thể chất như chúng ta đã từng quá chú trọng, mà coi nhẹ sự gặp gỡ tâm linh. Thật vậy, người ta có thể rước Thánh Thể hằng ngày mà không hề gặp gỡ Thiên Chúa, chỉ vì người ta đã không gặp gỡ Ngài bằng tâm linh, là cách gặp gỡ mà Chúa Giêsu muốn nói đến khi tiếp xúc với người phụ nữ Samari về nơi thờ phượng và gặp gỡ Thiên Chúa (x. Ga 4,21.23-24). Chỉ sau khi gặp gỡ Thiên Chúa trong tâm linh, người ta mới có thể gặp gỡ Ngài ở bất cứ nơi nào khác: trong phép Thánh Thể, trong thiên nhiên, trong vạn vật.



5.  Gặp gỡ Thiên Chúa qua các bí tích

Tuy nhiên, chúng ta không nên coi nhẹ sự gặp gỡ Thiên Chúa qua các bí tích, nhất là qua phép Thánh Thể, vì con người có thể chất, và vì thể chất ảnh hưởng rất mạnh đến tinh thần hay tâm linh. Nếu không có sự gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh, thì gặp gỡ qua thể chất là vô ích. Nhưng nếu chỉ gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh thì chưa đủ đối với con người có hồn có xác. Nếu đã gặp gỡ trên bình diện tâm linh, thì sự gặp gỡ về thể chất sẽ làm cho sự gặp gỡ đó thắm thiết lên gấp bội và ích lợi cho con người cũng tăng lên gấp bội. 

Điều đó tương tự như trong sự gặp gỡ giữa vợ chồng. Nếu không có sự gặp gỡ bằng tâm hồn, bằng tình yêu chân thật, thì sự gặp gỡ thể xác sẽ trở thành vô ý nghĩa. Nhưng nếu đã gặp gỡ bằng tâm hồn, bằng tình yêu chân thật, thì sự gặp gỡ đó đòi hỏi phải có sự gặp gỡ thể xác như một nhu cầu thiết yếu. Và sự gặp gỡ thể xác ấy sẽ làm cho sự gặp gỡ tinh thần kia hạnh phúc lên gấp bội. Và phải gặp gỡ trên cả hai bình diện đó thì đôi vợ chồng mới đúng nghĩa là vợ chồng… 

Cũng vậy, có gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh trước thì việc gặp gỡ Ngài qua thể chất mới có ý nghĩa. Vì thế, Giáo Hội buộc những ai lãnh bí tích Thánh Thể hay các bí tích khác (trừ rửa tội và giải tội) phải chuẩn bị trước, và điều quan trọng là phải sạch tội trọng… Đó là một hình thức Giáo Hội buộc người tín hữu phải gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh trước đã, trước khi gặp gỡ Ngài qua những dấu chỉ hữu hình vật chất. Nhưng đáng tiếc là nhiều tín hữu đã hiểu sự đòi hỏi chuẩn bi trước này một cách quá thô thiển và ngây ngô, nên đã không nếm được «mùi vị tuyệt vời» và hưởng những ơn ích dồi dào do sự gặp gỡ Đức Kitô qua thể chất. Các bí tích khác cũng vậy.

Nếu người nào chỉ bằng lòng với việc gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh, không đếm xỉa gì đến việc gặp gỡ Thiên Chúa qua bí tích, thì việc gặp gỡ bằng tâm linh đó chưa hẳn đã là một sự gặp gỡ đích thật. Thật thế, có cặp vợ chồng nào yêu thương nhau thực sự −tức đã gặp gỡ về tinh thần− mà lại không có nhu cầu gặp gỡ về thể chất? Trong tám cái khổ của Khổ Đế Phật Giáo (6*), có một nỗi khổ rất lớn là «ái biệt ly khổ», nghĩa là nỗi đau khổ do yêu thương nhau mà phải sống xa cách nhau. 

(6*) Khổ Đế là một trong bốn Thánh Đế của Tứ Diệu Đế (Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế) của Phật giáo.

Vì thế, khi đã thực sự gặp gỡ Thiên Chúa bằng tâm linh rồi mà không được gặp Ngài qua thể chất, thì chắc chắn đó phải là một nỗi khổ, vì tình yêu chưa được thỏa mãn. Đấy là lý do khiến các thánh say sưa quì hàng giờ trước Thánh Thể Chúa. 

Gặp gỡ tâm linh càng đậm đà sâu thẳm bao nhiêu, thì gặp gỡ qua bí tích càng là một nhu cầu cấp bách, càng có ý nghĩa và càng sinh hoa trái bấy nhiêu.



6. Quá trình nội tâm hóa Thiên Chúa

Quá trình tìm hiểu, gặp gỡ và sống với Thiên Chúa càng đi vào chiều sâu, thì vị trí của Thiên Chúa đối với tâm hồn con người càng gần gũi hơn, càng đi vào nội tâm con người hơn.

− Khởi đầu, người ta quan niệm Thiên Chúa hoàn toàn ở ngoài con người, sự độc lập về mặt hữu thể giữa Thiên Chúa và con người rất lớn: Thiên Chúa là một thực tại siêu việt hoàn toàn bên ngoài con người.

− Dần dần con người khám phá ra rằng Thiên Chúa cũng ở ngay trong bản thân mình, trong tâm hồn mình, nhưng sự kết hợp chưa đi đến độ thắm thiết. Thiên Chúa ở trong con người, nhưng Thiên Chúa và con người vẫn có thể không gặp nhau, vì tương đối vẫn còn khá độc lập với nhau.

− Đến thánh Phaolô, Ngài đã cảm nghiệm được chính Thiên Chúa sống và hoạt động qua con người mình. Sự kết hợp giữa hai hữu thể đã đi đến độ thâm sâu: con người cảm thấy bản ngã của mình như tan biến đâu mất, chỉ còn có Thiên Chúa chiếm hoàn toàn con người mình, đến độ: «Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20. X. Rm 8,10-11). Thiên Chúa và con người tuy là hai hữu thể khác biệt, nhưng đi đến chỗ kết hiệp với nhau rất mật thiết.

− Đến thánh Âu-Tinh: «Thiên Chúa còn thân mật với tôi hơn cả chính tôi thân mật với tôi nữa» (7*): Thiên Chúa trở thành cái gì căn bản nhất, thâm sâu nhất trong tôi, hơn cả chính bản ngã của tôi.

(7*) «Deus intimior intimo meo»: Không ai thân mật với tôi hơn chính tôi thân mật với tôi, ngoại trừ Thiên Chúa. Ngài còn thân mật với tôi hơn chính tôi thân mật với tôi. Nói khác đi, Ngài còn «là tôi» hơn chính tôi là tôi nữa, nghĩa là Ngài là cái gì thâm sâu nhất trong bản thân tôi, hơn cả chính tôi nữa.
Đó là quá trình nội tâm hóa Thiên Chúa của con người. Thiên Chúa không chỉ siêu việt (transcendant) ngoài con người, mà còn nội tại (immanent) trong chính con người nữa.



7.  Hãy cảm nghiệm Thiên Chúa ngay trong bản thân mình

Thiên Chúa nội tại trong ta và là nền tảng của hữu thể ta. Vậy thì còn phải tìm Thiên Chúa ở đâu nữa? Vấn đề không còn là tìm kiếm Thiên Chúa, mà chỉ là ý thức và giác ngộ được Thiên Chúa ở nơi mình và mình đang sống trong Thiên Chúa. Con cá sẽ không bao giờ tìm thấy nước bao lâu nó chưa biết rằng nó đang sống trong nước và nước cũng đang có trong nó. 

Sở dĩ ta không cảm nghiệm được Thiên Chúa đang đầy tràn chung quanh ta và đầy tràn ngay trong ta, là vì ta đã để cho những biểu hiện của Thiên Chúa che mất chính Ngài. Cũng như khi coi phim, ta không còn thấy màn ảnh nữa chỉ vì mắt ta đã tập trung vào hình ảnh đang diễn ra trên màn ảnh (8*). Màn ảnh vẫn đang ở ngay trước mắt ta mà ta không nhìn thấy vì ta không để ý đến nó. 

(8*) Minh họa này là của Cha ANTHONY DE MELLO(s.j.), trong cuốn Contact with God, Loyola University Press, Chicago1991.
Trong khi xem phim, muốn thấy màn ảnh, ta chỉ cần nhìn vào chính những hình ảnh đang thay đổi, đồng thời dùng trí tuệ để nhận ra cái nền tảng không thay đổi của những hình ảnh ấy, tức màn ảnh. Màn ảnh và các hình ảnh thay đổi ấy, một cách nào đó, «tuy hai mà một», nhưng cũng đồng thời cũng «tuy một mà hai». Lìa bỏ tất cả mọi hình tướng thay đổi của sự vật, ta sẽ nhận ra ngay cái bất biến hiện diện trong chính những cái thay đổi ấy. Đó là một cách để cảm nghiệm Thiên Chúa, một cách rất Đông phương, luôn luôn bàng bạc trong giáo lý của các tôn giáo Đông phương.

Thiên Chúa phần nào cũng như dòng điện, chúng ta không hề thấy dòng điện bao giờ, chỉ thấy được những biểu hiện của dòng điện qua bóng đèn sáng, quạt máy quay, bếp điện nóng, tủ lạnh tỏa hơi lạnh, hay qua những điện kế, v.v... Nếu dòng điện cụ thể đối với chúng ta thế nào, thì tương tự, Thiên Chúa cũng cụ thể với chúng ta y như vậy và còn hơn như vậy. Có vô số những biểu hiện của Thiên Chúa mà ta có thể cảm nghiệm được từng giây từng phút trong bản thân ta và chung quanh ta.

cảm nghiệm được Thiên Chúa, ta mới thưởng nếm được Ngài. Nếm được Ngài, ta mới có sức mạnh, trí tuệ, hạnh phúc và giải thoát. Đáng tiếc thay, rất nhiều Kitô hữu chỉ chú trọng đến sự hiểu biết, các tín điều về Thiên Chúa mà không tìm cách cảm nghiệm Ngài. Do đó, đối với những người ấy, trong đời sống thực tế, tin và không tin dường như chẳng có gì khác biệt hay biến đổi trong đời sống, chẳng làm cho họ nên tốt lành, thánh thiện và hạnh phúc hơn bao nhiêu.

Không gặp gỡ, cảm nghiệm và thưởng nếm Thiên Chúa, đời sống tâm linh của họ trở nên nghèo nàn, yếu ớt, vì tâm linh họ không có của ăn, hay không ăn được những lương thực đích thật bổ dưỡng.



8. Đời sống tâm linh

Sự sống chỉ có một, nhưng được thể hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau: đời sống thực vật, đời sống động vật, đời sống tình cảm, đời sống trí thức, và cao nhất là đời sống tâm linh. Con người hơn con vật ở chỗ có đời sống tình cảm và trí thức, nhưng hơn rất xa con vật ở chỗ có thể có đời sống tâm linh. Mỗi cấp độ của sự sống đều có những của ăn riêng biệt. Đời sống thực vật và động vật cần những của ăn vật chất (nước, glucid, protid, lipid, vitamine…). Đời sống tình cảm được nuôi bằng những cảm xúc, tâm tình. Đời sống trí thức được nuôi bằng kiến thức, kinh nghiệm, suy tư… Đời sống tâm linh đương nhiên cũng cần của ăn riêng biệt thích hợp. Vậy, tâm linh sống bằng gì?

Đời sống tâm linh là đời sống của linh hồn. Con người khác hẳn con vật ở chỗ có linh hồn, nên chỉ có những sinh vật từ con người trở lên mới có đời sống tâm linh. Chính nhờ có linh hồn mà con người là «hình ảnh của Thiên Chúa» (x. St 1,26.27). Thiên Chúa là «Linh» (thần linh), và linh hồn con người cũng là «linh», con người giống Thiên Chúa và là hình ảnh của Ngài chủ yếu về mặt này. Nhờ có linh hồn, con người mới có thể tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa, là sự sống Ngài chỉ ban cho con cái Ngài. Chính nhờ có linh hồn mà tự thâm sâu, con người vẫn tự nhiên hướng về Ngài, một cách ý thức hoặc vô thức, và chỉ được thỏa mãn khi nghỉ yên trong Ngài. 

Có thể nói đời sống tâm linh là đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, khiến ta cảm thấy mình tan hòa trong Ngài, và lúc đó, «cái tôi» nhỏ bé hẹp hòi của mình dường như biến mất, khiến ta không còn thấy mình sống nữa, mình chỉ thấy Thiên Chúa sống trong mình (x. Gl 2,20).

Đời sống tâm linh không phải là một đời sống mà người ta chỉ có thể quan niệm được mà thôi. Thực ra, nó phải là một đời sống mà ta có thể cảm nghiệm được (9*)

(9*) Xem lại cước chú 1 về trường hợp của Ramakrishna, vị đạo sĩ Ấn giáo có thể cảm nghiệm Thượng Đế một cách mãnh liệt, cụ thể.
Một người có đời sống tâm linh cao và phong phú có thể cảm nghiệm được linh hồn mình cũng y như cảm nghiệm được thể xác mình. Và có cảm nghiệm được linh hồn mình, tâm linh mình, thì mới mong cảm nghiệm được chính Thiên Chúa. Không ai có thể tự hào mình có đời sống tâm linh dồi dào khi chính mình không cảm nghiệm được đời sống đó. Cũng như một người có đời sống trí thức dồi dào, thì phải cảm nghiệm được mình hiểu biết, suy tư, ý thức về chính mình. Hay cũng như một người có đời sống tình cảm thì phải cảm nghiệm được những nỗi vui buồn, thương ghét của mình… Vì chúng ta có khả năng biết về mình chứ không vô ý thức như con vật. Vậy, chẳng lẽ chúng ta có đời sống tâm linh thật sự mà lại không cảm nghiệm được nó?



9. Đời sống tâm linh phát triển thế nào?

Đời sống tâm linh của nhiều người chỉ ở dạng «hạt», chưa nảy mầm thành «cây» được, nghĩa là vẫn ở dạng tiềm năng (in potentia), chứ chưa ở dạng hiện thể (in actu). Hạt đó chính là «cái tôi ý thức» của ta, là cái tôi ích kỷ của ta. Cái tôi đó chính là cái hạt có thể nảy mầm để phát sinh ra đời sống tâm linh. Và bí quyết để làm cho hạt đó nảy mầm là nó phải «chết» đi, như Đức Giêsu từng nói: «Hạt lúa được gieo vào lòng đất nếu không chết đi, nó vẫn chỉ là hạt lúa, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác» (Ga 12,24)

Thật vậy, nếu ta không để cho cái tôi ích kỷ của ta nhỏ bé và chết đi, thì hạt giống tâm linh của ta không thể nảy mầm và phát triển được. Nếu ta yêu cái tôi của mình quá, chỉ muốn nó được trương phình ra lấn át cả tha nhân, chắc chắn đời sống tâm linh của ta rất nghèo nàn, què quặt. Đức Giêsu nói: «Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời» (Ga 12,25)

Giữa «Đức-Kitô-ở-trong-tôi» −tức sự sống thần linh trong tôi− với «cái tôi» của tôi luôn luôn có sự tỉ lệ nghịch với nhau: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30). Nếu tôi coi «cái tôi» của mình lớn quá, ắt nhiên «Đức-Kitô-ở-trong-tôi» phải nhỏ đi. Như vậy, cái cản trở đời sống tâm linh của ta nẩy mầm và phát triển, chính là cái tôi ích kỷ của ta. Làm cho cái tôi đó nhỏ lại, chết đi, thì Đức Kitô mới sinh ra và «thành hình trong tâm hồn ta» (Gl 4,19).

Đó quả là một quá trình giác ngộ và lột xác. Và kể từ đây, Đức Kitô trở thành của ăn cần thiết nuôi dưỡng đời sống tâm linh của ta.



10. Đức Kitô, lương thực tâm linh

Chúng ta không nên hiểu Đức Kitô theo kiểu những người đồng làng với Ngài đã hiểu. Họ hiểu Đức Kitô một cách rất cụ thể và phiến diện: là người có tên Giêsu, con ông Giuse và bà Maria, cùng sống ở làng Nazarét với họ và như họ (x. Mt 13,55-56). Nếu ta hiểu Đức Giêsu như thế thì quả không sai, nhưng một Đức Kitô như thế chẳng ích lợi gì cho ta, giống như Ngài chẳng làm được gì cho dân làng của Ngài khi họ quan niệm về Ngài như thế. 

Ta phải thấy Ngài là một thực tại «từ Trời xuống» (Ga 8,23; 6,38), không phải là người «thuộc về thế gian này» (Ga 8,23), nghĩa là một thực tại tâm linh cần phải được nội tâm hóa nơi mỗi người. Có như thế, Ngài mới trở thành của ăn nuôi dưỡng đời sống tâm linh được, vì của ăn phải là tâm linh mới nuôi dưỡng tâm linh được.

Của ăn tâm linh ở đây, tức Đức Kitô, không phải chỉ là một con người cá biệt nào đó, mà là một vị Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, đầy yêu thương, đầy sức mạnh. Biến Ngài thành của ăn, hay «ăn» Ngài, có nghĩa là là nội tâm hóa Ngài, biến Ngài thành tâm linh của ta, thành nội tâm của ta, thành sự sống của ta, để ta không còn thấy ta sống, suy nghĩ, nói năng, hành động nữa, mà là thấy Ngài sống, suy nghĩ, nói năng, hành động trong ta (x. Gl 2,20). Và hành vị «ăn» Ngài ở đây là một hành vị của ý thức, của trí tuệ, chứ không phải là hành vi «nuốt vào bụng». Nghĩa là luôn luôn ý thức Ngài sống trong ta, đang hành động trong ta, đang biến đổi ta. «Ăn» Ngài, chính là lấy Ngài làm lẽ sống, để Ngài chiếm trọn «bầu trời ý thức» của ta.

Và sau một quá trình được nuôi dưỡng bằng lương thực tâm linh ấy, cái tôi ích kỷ của ta càng ngày càng được thay thế dần dần bằng «chất Ngài», hay «tính Kitô», đầy yêu thương, vị tha, phục vụ. Sự sống tự nhiên đầy khiếm khuyết của ta được thay thế dần dần bằng sự sống siêu nhiên toàn hảo của Ngài. Và ta càng ngày càng được tham dự vào tính chất toàn năng toàn thiện, vào tình thương và sức mạnh của Ngài. 

Sự sống đời đời, theo một nghĩa nào đó, chính là đời sống tâm linh mà Đức Giêsu hứa ban, phát xuất từ sự «ăn thit và uống máu Ngài», được hiểu theo nghĩa tâm linh chứ không chỉ được hiểu theo nghĩa thể xác như những người Nazarét thời xưa đã hiểu.


Kết luận 

Tình yêu được nuôi dưỡng bằng những gặp gỡ, những tương quan thân mật giữa hai người, bằng sự hy sinh, bằng những biểu lộ tình yêu qua cử chỉ, ánh mắt, lời nói… Tình yêu sẽ giảm hay mất đi khi thiếu những «lương thực» đó, hoặc trái lại sẽ tăng lên và sinh hoa kết trái nếu được nuôi dưỡng đầy đủ bằng những «lương thực» đó. 

Tương tự, đời sống tâm linh hay sự sống thần linh cũng phải được nuôi dưỡng bằng «lương thực» riêng của nó. Sự sống thần linh là sự sống của chính Thiên Chúa và xuất phát từ chính Thiên Chúa. Vì thế nó phải được nuôi dưỡng bằng chính Thiên Chúa, hay cụ thể hơn, bằng sự gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa. Sự gặp gỡ ấy chính là bản chất của cầu nguyện. Vì thế, nói một cách khác, cầu nguyện là lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh con người.

Nhưng để có thể thật sự nuôi dưỡng đời sống tâm linh, thì cầu nguyện phải là sự gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa. Nhưng, muốn gặp gỡ Thiên Chúa thì trước hết phải «có duyên» với Ngài, như tinh thần của câu: «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng», nghĩa là ta phải một cách nào đó đồng cảm với Ngài. Khi nói chuyện với một người đồng cảm với ta, ta cảm thấy có sự gặp gỡ thật sự. Còn khi nói chuyện với một người quan niệm, suy nghĩ, chủ trương khác hẳn với ta, ta thấy khó nói chuyện, và nếu cứ cố nói chuyện thì chỉ đi đến cãi lộn, tranh chấp, chứ không nhất trí với nhau được. Như vậy, «có duyên» hay «đồng cảm» với Thiên Chúa nghĩa là gì?

Thánh Gioan cho biết: «Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu» (1 Ga 4,7-8). Thánh nhân cho thấy, chỉ những ai có tình yêu, những ai biết yêu thương mọi người bằng một tình yêu vị tha, phổ quát, thì mới là người đồng cảm với Thiên Chúa. Chỉ những người đó mới có thể gặp được Thiên Chúa. Vì thế, nếu bản chất của cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa, thì chỉ những ai biết yêu thương mới có thể cầu nguyện đúng nghĩa được. Và tình yêu đòi hỏi ta phải ra khỏi chính mình, bớt quan tâm đến mình, để có khả năng đến với tha nhân, lưu tâm đến hạnh phúc hay đau khổ của họ, đến những nhu cầu và mong ước của họ, để làm cho họ nên tốt và hạnh phúc hơn.

Như thế, điều kiện tiên quyết để có thể cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa, và nuôi dưỡng đời sống tâm linh, là phải có tình yêu. Vì thế, muốn cho đời sống tâm linh của mình vững mạnh, phải thực tập đức mến, thể hiện những đặc trưng của đức mến trong đời sống của mình: «Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui mừng khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chiu đựng tất cả» (1Cr 13,4-7)

Không có tâm yêu thương hay đức mến (x. 1Cr 13,1-3) được biểu lộ thành những hành động cụ thể (Gc 2,17.26), người ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa, không thể «gắn liền với» Đức Giêsu hay Thiên Chúa và «ở lại trong» Ngài, và do đó, đời sống tâm linh không thể phát triển và sinh hoa kết trái tâm linh được.


Nguyễn Chính Kết





PS5a − Hãy «gắn liền với» Đức Giêsu và «ở lại trong» Ngài để sinh nhiều hoa trái




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 5 Mùa Phục Sinh

(29-4-2018)

Bài chia sẻ

Hãy «gắn liền với» Đức Giêsu 
và «ở lại trong» Ngài để sinh nhiều hoa trái



ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 9,26-31: (31) Hồi ấy, trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ. 

  1Ga 3,18-24: (23) Đây là điều răn của Người, chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. 

  TIN MỪNG: Ga 15,1-8

Cây nho thật

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: (1) «Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (2) Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (3) Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. (4) Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 

(5) Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (6) Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (7) Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (8) Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là, Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy». 



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Câu «cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi» nghĩa là gì? Tại sao gắn liền với Đức Giêsu mà lại không sinh hoa trái? Câu này ám chỉ loại người nào? 
2. Câu «cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn» nghĩa là gì? Chữ «cắt tỉa» ở đây ám chỉ điều gì? Tại sao lại phải «cắt tỉa»? 
3. Từ ngữ «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu phải được thể hiện thế nào trong đời sống của ta?

Suy tư gợi ý:

1. «Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi» (Ga 15,2a)

Đức Giêsu tự ví mình là cây nho, và những người theo Ngài là những cành nho. Cành nho sống được là nhờ thân nho. Rời thân nho, cành nho sẽ khô héo và bị quăng vào lửa. Tuy nhiên, Đức Giêsu đưa ra trường hợp này: có những cành nho, tuy gắn liền với cây nho, nhưng lại không sinh hoa trái. Trường hợp này, cành nho sẽ bị chặt khỏi cây nho. 

Nói đến trường hợp này, người Kitô hữu không khỏi nghĩ về bản thân mình: liệu đó có phải là trường hợp của mình không? Vì người Kitô hữu là người gắn liền với Đức Giêsu, nhưng quả thật có rất nhiều Kitô hữu suốt bao năm trường đã chẳng sinh ra hoa trái nào! 

Biết bao Kitô hữu theo Đức Giêsu từ nhỏ tới lớn, thậm chí tới già, nhưng xét cho kỹ và nói cho khách quan, thì họ chẳng tốt hơn người ngoại loại trung bình chút nào! Nhiều người còn tệ hơn cả những người ngoại loại ấy nữa! Họ sẵn sàng ăn gian nói dối, đối xử bất công, sống không tình nghĩa, v.v… 

Tương tự, có biết bao linh mục, tu sĩ, mang danh theo Chúa hàng chục hay mấy chục năm, nhưng chẳng tốt hơn những giáo dân bình thường bao nhiêu, đôi khi còn tệ hơn! Sách Khải Huyền nói về hạng người này: «Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta» (Kh 3,15-16).

Trường hợp này rất có thể đúng cho tôi, cho bạn. Vì thế, mỗi người chúng ta cần phải tự vấn mình trước mặt Chúa, để sửa đổi trước khi quá muộn. Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng ta sửa đổi, để Ngài khỏi phải ra tay! «Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống» (Ed 18,23; 33,11; x.33,19)



2. «Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn» (Ga 15,2b)

Người làm vườn giỏi biết chăm sóc cây thì biết cắt tỉa cành để nó sinh nhiều hoa trái hơn. Nếu người Kitô hữu là cành nho, Đức Giêsu là cây nho, Thiên Chúa Cha là người trồng nho, thì ắt nhiên Chúa Cha sẽ phải «tỉa cành» để người Kitô hữu «sinh nhiều hoa trái» hơn. 

Người Kitô hữu «sinh nhiều hoa trái» là người có nhiều tiến bộ về mặt tâm linh (mến Chúa yêu người ngày càng nhiều hơn). Và Chúa Cha «tỉa cành» là giúp người Kitô hữu bỏ bớt những bận tâm vô ích để có thể tập trung năng lực vào việc tiến bộ tâm linh. Ngài có thể làm điều ấy bằng cách làm cho người Kitô hữu ấy bị thiệt thòi mất mát về vật chất, thể chất, cũng như tinh thần (danh dự, tình cảm, quyền bính, uy tín, v.v...), hoặc cho người ấy trải qua những đau khổ thử thách. Vì những đau khổ thử thách có khả năng thánh hóa rất hữu hiệu.

Chính Đức Giêsu, thánh thiện như vậy mà cũng được Chúa Cha «tỉa cành» cho Ngài. 

− Thánh Phaolô nói về điều ấy: «Thiên Chúa (…) đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn dẫn đưa mọi người tới nguồn ơn cứu độ» (Dt 2,10). Như vậy, theo thánh Phaolô, nhờ chịu gian khổ mà Đức Giêsu trở nên một người lãnh đạo hoàn hảo. 

− Tin Mừng cũng nói: «Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?» (Lc 24,26)

Còn chúng ta, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta chia sẻ đau khổ với Đức Giêsu, để cùng tham dự vào vinh quang và hạnh phúc của Ngài: 

− «Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người» (Rm 8,17)

− «Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ» (1Pr 4,13)

− «Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường» (1Pr 5,10)

Đọc hạnh các thánh ta thấy hầu như vị thánh nào cũng đều có kinh nghiệm được Thiên Chúa thánh hóa bằng đau khổ. Chẳng hạn, thánh Têrêxa Avila đã bị Thiên Chúa thử thách bằng biết bao đau khổ, đến độ thánh nhân phải kêu lên: «Chúa đối xử với bạn bè Chúa như vậy, hèn chi Chúa ít bạn là phải!» 

«Chúa ít bạn là phải!» vì nhiều người dù biết rằng đau khổ có tác dụng thánh hóa bản thân, nhưng vẫn sợ và tránh né đau khổ: nếu phải đau khổ mới nên thánh thì thôi, thà đừng nên thánh! Nghĩ như thế thật là nông cạn, vì nên thánh, nên hoàn hảo là điều rất quí giá: Những đau khổ ta phải chịu chẳng là gì cả so với vinh quang và hạnh phúc ta được nhờ sự hoàn hảo thánh thiện, và sự thánh thiện hoàn hảo này ta đạt được là nhờ đau khổ. 

− Thánh Phaolô viết: «Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta!» (Rm 8,18)

− Thánh Phêrô cũng khuyên ta đừng sợ hãi đau khổ: «Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến» (1Pr 3,14)

− Vua Đavít cũng nhận ra ích lợi của đau khổ đối với sự thánh thiện: «Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài» (Tv 119,71)

Người tốt chấp nhận đau khổ vì đau khổ Chúa gửi đến cho mình chẳng những làm cho mình nên công chính, mà còn đền tội cho người khác và giúp họ nên thánh thiện nữa: «Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh được tội lỗi của họ» (Is 53,11)

Như vậy, tự nguyện chấp nhận đau khổ (chịu đau đớn, cực hình, chịu thiệt thòi, mất tiền, mất thì giờ, mất sức khỏe, bị nghi ngờ, hàm oan, v.v...) vì tha nhân là một hành vi bác ái, là một phương tiện thực hiện yêu thương. Vì nhờ ta chấp nhận đau khổ mà nhiều người nên công chính và được hạnh phúc. Vì thế, người có lòng yêu thương thật sự sẽ sẵn sàng lợi dụng đau khổ của mình để làm lợi cho người khác. 



3. «Gắn liền với» hay «ở lại trong» Đức Giêsu là gì?

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng nhiều lần hai từ ngữ «ở lại trong» và «gắn liền với» Ngài, và coi đó như điều kiện cần thiết để «sinh hoa trái» (Ga 15,2) hay «sinh nhiều hoa trái» (Ga 15,5). Chẳng hạn câu: «Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy» (Ga 15,4)

Hai từ ngữ ấy có nghĩa gì? Chúng ta đã thật sự «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu chưa? – Thực ra, ai là người Kitô hữu thì cũng, một cách nào đó, đã «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu rồi. Nhưng phải nói rằng tình trạng ấy có nhiều mức độ khác nhau, từ hời hợt bên ngoài đến thâm sâu bên trong.

Thật vậy, nhiều người mang danh Kitô hữu, nhưng chẳng có tinh thần Kitô hữu bao nhiêu. Họ là những người Kitô hữu «hữu danh vô thực». Thánh Phaolô có nói về một tình trạng tương tự như vậy trong Do-thái giáo (x. Rm 2,17-23). Có nhiều Kitô hữu có vẻ rất ngoan đạo, đi lễ và rước lễ hằng ngày, có vẻ rất hăng hái trong những việc liên quan đến nhà thờ, hội đoàn, công tác tông đồ. Nhưng đời sống của họ lại chẳng toát lên được tinh thần Kitô giáo, là chân thật, công bằng, yêu thương, thông cảm, tha thứ (x. Mt 23,23b).

Tình trạng «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu phải được thể hiện trong ba phạm vi:

Ý thức: luôn luôn ý thức Đức Giêsu ở với mình, ở trong mình. Ngài là tình yêu và sức mạnh của mình. Ngài vô cùng quyền năng, nên với Ngài ta có thể làm được mọi sự. Luôn luôn ý thức Ngài yêu thương mình, nên hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho tình yêu của Ngài. Nhờ đó, ta luôn luôn bình an, không phải lo lắng gì cho bản thân mình: «Chúa khoan nhân là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì, tôi không còn e sợ nỗi gì…» (Tv 23). Ý thức này phải trở thành một tâm trạng thường hằng của ta.

•  Tình cảm: luôn luôn yêu mến Ngài, hướng về Ngài, lấy Ngài là lẽ sống cho cuộc đời mình. Vì thế, dấn thân hết mình cho Ngài, cho Nước Ngài, cho kế hoạch cứu độ của Ngài, một cách quảng đại, không so đo tính toán. Ngoài ra, tình yêu của ta đối với Ngài phải được thể hiện cụ thể nơi những hiện thân của Ngài, là tha nhân chung quanh ta, đặc biệt những người gần gũi ta nhất (cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè…)

•  Hành động: luôn luôn làm theo ý muốn của Ngài, theo sự đòi hỏi của tình yêu trong lòng mình. Ý muốn của Ngài được thể hiện qua lời Ngài, qua luật yêu thương của Ngài, qua tiếng lương tâm, qua những biến cố hay hoàn cảnh xảy ra trong đời, đặc biệt những nghịch cảnh.

•   Quan niệm: có cách nhìn, cách quan niệm về mọi vấn đề, mọi thực tại giống như Ngài nhìn hay quan niệm. Có như vậy, ta mới biết được Ngài muốn gì để làm theo ý muốn của Ngài, biết được động lực hay lý do tại sao Ngài làm thế này mà không làm thế kia, để bắt chước, noi gương Ngài. Muốn thế thì phải đọc và suy gẫm Tin Mừng để nhận ra cách Ngài nhìn hay cách Ngài quan niệm vấn đề thế nào. 

Khi luôn luôn «gắn liền với» hay «ở lại trong» Ngài một cách đúng nghĩa, ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, và đời ta sẽ trở thành một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy sức mạnh, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha là nguồn sống, nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu của muôn loài vạn vật. Con muốn «gắn liền với» Cha, hay «ở lại trong» với Cha để nhận được sự sống, sức mạnh và tình yêu hầu sống một cuộc sống tươi đẹp, ích lợi, đồng thời để những ai tiếp xúc với con cũng nhận được sự sống, sức mạnh và tình yêu của Cha từ nơi con. Xin hãy giúp con gắn bó mật thiết với Cha.

Nguyễn Chính Kết