Sunday, March 25, 2018

PS1b - Làm sao tin Đức Giêsu đã thật sự sống lại?


Làm sao tin Đức Giêsu
đã thật sự sống lại?



Tin Đức Giêsu sống lại là một ơn của Thiên Chúa. Vì không dễ gì tin điều ấy. Tuy nhiên, đã có nhiều người trí thức, triết gia, khoa học gia tìm đủ mọi lý lẽ để bác bỏ niềm tin ấy, nhưng không thể bác bỏ được. Vì những sự kiện xảy ra – được các sách Tin Mừng thuật lại – đã biện hộ cho niềm tin ấy chống lại tất cả những lý lẽ viện dẫn từ những kẻ vô tín ấy. 
Chúng ta hãy thử đi vào những lý chứng bênh vực niềm tin của chúng ta.
***

Nếu Đức Giêsu sống lại, Ngài đích thực là Con Thiên Chúa

Đức Kitô chết, nhưng đã sống lại. Đó là niềm tin căn bản của người Kitô hữu. Vì «nếu Đức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ích» (1Cr 15,14). Nói cách khác, cho dù có Đức Kitô, nhưng nếu Ngài không sống lại, thì sẽ không có Kitô giáo, vì người ta không có một bằng chứng cụ thể và chắc chắn nào để tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa.

Nhưng nếu đích thực Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết đúng như Ngài đã tuyên báo nhiều lần, thì chúng ta phải kết luận rằng những điều Ngài nói về thần tính của Ngài là xác thật. Vì nếu Ngài chỉ là thường nhân, và những điều Ngài xác nhận về thần tính của Ngài chỉ là bịp bợm, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ không bao giờ cho Ngài sống lại, vì «Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người thì Người nhậm lời kẻ ấy» (Ga 9,31).

Vậy, vấn đề mấu chốt là: Ngài có sống lại hay không? và chúng ta dựa vào đâu để xác quyết rằng Ngài đã sống lại? Chúng ta cần phải nắm vững những chứng cứ để củng cố niềm tin căn bản của chúng ta.



1. Chứng tá của các tông đồ

Các tông đồ là những người đã sống đồng thời với Đức Kitô, bên cạnh Đức Kitô. Các ông đã làm chứng suốt cuộc đời rằng Đức Kitô đã chết, nhưng 3 ngày sau đã sống lại và đã hiện ra với các ông. Các ông đã sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết vì lời chứng đó.

Không ai ngu dại đến nỗi sẵn sàng hy sinh cả đời mình để rao giảng và nhất là lại sẵn sàng lấy đau khổ và cái chết của mình ra để làm chứng cho một người nói dối hay nói sai: vì Đức Kitô đã tiên báo trước đó khá lâu rằng Ngài chết được 3 ngày sẽ sống lại.

Nếu Ngài không sống lại như Ngài đã nói trước thì khó có thể nghĩ được rằng những kẻ vốn nhát đảm như các tông đồ lại có thể can đảm mạnh dạn rao giảng về Ngài và coi việc chết vì Ngài như một vinh dự. Hãy nghĩ lại sự hèn nhát của các tông đồ khi Đức Kitô bị bắt: các ông trốn sạch, thậm chí đã chối Thầy, mặc dù trước đó đã thề thốt nặng lời rằng sẽ không bao giờ bỏ Thầy. Tin Mừng thuật lại: «Phêrô nói : “Dầu có phải chết với Thầy con cũng không chối Thầy”.Tất cả các môn đệ khác cũng đều nói như vậy» (Mt 26,35)

Sự hèn nhát đó có nguyên nhân của nó, vì các ông tuy đã tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia vì nhiều dấu chỉ và chứng cớ khá rõ, nhưng chưa xác tín, vì chưa có chứng cớ nào đủ mạnh. Chỉ có sự sống lại đích thật của Đức Giêsu mới có thể giải thích việc các ông trở nên can đảm một cách nhanh chóng như thế.



2. Các tông đồ có thể ngụy tạo việc Chúa sống lại chăng?

Việc các tông đồ ngụy tạo quả là khó tin. Các ông đều là những ngư dân dốt nát, nhát đảm, lẽ nào lại có khả năng qua mặt được các kinh sư, luật sĩ, là những người trí thức và khôn ngoan. Việc tạo ra một huyền thoại hết sức khó tin nhưng lại được vô số người tin như thế, mà cho tới nay người ta vẫn chưa thể chứng minh là phi lý, không phải chuyện đơn giản mà những người dốt nát như các tông đồ có thể làm được. Vả lại, nếu đó là huyền thoại thì việc tạo ra huyền thoại này đã hoàn tất trong một thời gian kỷ lục: chưa đầy 10 năm. Đang khi đó, trong lịch sử các tôn giáo, mọi huyền thoại đều phải hình thành trong những thời gian lâu hơn rất nhiều.

Việc những con người đơn sơ chất phác tạo ra một huyền thoại một cách hết sức thông minh, để rồi sẵn sàng chết vì huyền thoại ấy, là điều hết sức khó chấp nhận.



3. Lính canh mồ

Vì lời Đức Kitô tuyên bố Ngài sẽ sống lại đã tới tai những người chủ mưu giết Ngài, nên họ đã đề phòng việc các môn đệ Ngài đến đánh cắp xác của Ngài. Vì thế, họ đã xin Philatô cho lính đến mộ để canh gác (xem Mt 27,62-66). Và sau khi Đức Giêsu sống lại, các thượng tế đã bảo họ: «Các anh hãy nói thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự» (Mt 28,13-15).

Chuyện phao tin là các tông đồ đến đánh cắp xác Đức Giêsu thật phi lý. Khi Ngài bị bắt mà các ông đã sợ hãi trốn mất, thậm chí khi nghe các phụ nữ báo tin Ngài đã sống lại, các ông vẫn còn sợ hãi đến độ vào buổi chiều ở trong nhà mà phải đóng kín cửa vì sợ người Do Thái (xem Ga 20,1819)Nhát như thế thì có gan đâu mà dám ăn trộm xác Ngài khi có lính canh với độ cảnh giác rất cao (vì đã được báo trước để đề phòng). Vả lại, kỷ luật của quân đội đế quốc Rôma rất nghiêm khắc, canh phòng không kỹ lưỡng hoặc ăn hối lộ để sổng mất người phải canh giữ thì chỉ có nước bị tử hình. Ở đây, họ phao tin như thế mà vẫn vô sự nhờ có sự can thiệp đặc biệt của các tư tế với Philatô (x. Mt 28,13-15).



4. Mồ trống và khăn liệm để lại

Sự kiện mồ trống chứng tỏ xác Đức Kitô không còn ở đó. Có hai lý do mà những người muốn bác bỏ việc Ngài sống lại đã giả thiết ra để giải thích:

– một là do có người đem đi,
– hai là do một trận động đất nào đó nuốt xác Ngài.

Nếu hai lý do ấy không vững thì chỉ có thể là lý do thứ ba: Ngài đã thật sự sống lại.

Sự kiện khăn liệm Ngài còn để lại đã bác bỏ hai giả thiết đầu. Gioan đến trước, nhìn vào trong mồ và «thấy những băng vải còn ở đó» (Ga 20,5). Simon đến sau, cũng nhìn vào trong mộ và cũng «thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi» (Ga 20,38).

Khăn liệm này hiện còn lưu lại đến ngày nay. Và kết quả của những nghiên cứu khoa học về khăn liệm này rất ăn khớp với những bài tường thuật trong các sách Tin Mừng.

– Nếu có ai đó đem xác Ngài đi thì chắc chắn trong hoàn cảnh lén lút và gấp rút, người ấy sẽ phải đem cả khăn liệm Ngài đi. Thật không thể nào hiểu được trong hoàn cảnh như thế mà người ta lại thay khăn liệm, hoặc cởi bỏ khăn liệm để đem thân xác trần trụi của Ngài đi, và nhất là có đủ thì giờ để cuốn lại, xếp lại và để riêng khăn che đầu ra khỏi các băng vải.

– Còn nếu có trận động đất thì quả là khó hiểu nếu đất nuốt thân xác Ngài mà lại chừa không nuốt khăn che đầu và băng vải quấn chung quanh.

Vậy, chỉ có thể kết luận bằng lý do thứ ba là Ngài đã thật sự sống lại.



5. Sự thành thật và kín đáo của các nhân chứng

Sự ngay thật của những người viết Tin Mừng bộc lộ qua sự kín đáo khi nói về sự sống lại và các cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh. Mátthêu dành ra 2,4% Phúc Âm của mình, Luca 3,6%, Máccô 4,5%, và Gioan 6,1%. Việc Đức Kitô sống lại là cốt lõi của Tin Mừng mà các tông đồ muốn loan báo, thế mà số trang dành cho biến cố này quá ít ỏi. Chính vì khi ngay thật, người ta không thêm thắt vẽ vời!

Các thánh sử không đả động gì đến thời điểm Đức Kitô sống lại và cách Ngài ra khỏi mồ, đơn giản chỉ vì các ông không được chứng kiến. Các bài tường thuật hết sức đơn giản, không mở đầu bằng một tuyên bố ầm ỹ về biến cố xảy ra.

Nếu là ngụy tạo, không ai lại để cho người làm chứng đầu tiên là một phụ nữ như Maria Mađalêna. Thời đó, chứng từ của một phụ nữ dường như không có giá trị, nhất là khi phụ nữ đó đã từng là gái điếm, đến nỗi theo luật Rôma, phụ nữ không được gọi ra làm chứng trước tòa án. Và nếu là ngụy tạo, có lẽ số lần Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ sẽ nhiều hơn để gây niềm tin. Nhưng các thánh sử chỉ thuật lại có 5 lần Ngài hiện ra trong một thời gian dài tới 40 ngày từ lúc sống lại tới ngày lên trời.



Kết luận

Với những lý chứng như vậy, chúng ta có thể xác tín hơn về việc Đức Giêsu đã thật sự sống lại. Ngoài ra, còn có những chứng từ của vô số các Kitô hữu suốt dòng lịch sử. Biết bao Kitô hữu đã cảm nghiệm Đức Giêsu đang thật sự sống động trong bản thân họ, ảnh hưởng mãnh liệt đến cuộc đời họ, khiến họ có thể xả thân, chịu khó, hy sinh, dám chấp nhận mọi đau khổ và cả cái chết thê thảm và nhục nhã nhất để làm chứng về Ngài, về sự sống lại của Ngài. 

Vậy, chúng ta hãy củng cố niềm tin của chúng ta. Niềm tin thật sự về việc Ngài sống lại sẽ đem lại sức mạnh cho chúng ta trong cuộc sống hiện tại.


Nguyễn Chính Kết

PS1 - Sự phục sinh của Đức Giêsu ích lợi gì cho đời sống tâm linh của tôi?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Phục Sinh

(1-4-2018)


Sự phục sinh của Đức Giêsu
ích lợi gì cho đời sống tâm linh của tôi?




ĐỌC LỜI CHÚA

  Cv 10,34a.37-43: (40) Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, (41) không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.

  Cl 3,1-4(1) Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, (2) […] chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. (3) Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.

  TIN MỪNG: Ga 20,1-9

Ngôi mộ trống

(1) Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: «Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu».

(3) Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. (6) Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Việc Đức Giêsu sống lại có ảnh hưởng gì trên đời sống của bạn không? Đã bao giờ làm cho bạn thật sự thay đổi con người bạn chưa? 
2. Muốn được sống lại với Đức Giêsu trong tâm hồn, nghĩa là trở nên con người mới, con người sống theo Thần Khí, điều cần thiết và cụ thể là ta phải làm gì?

Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu sống lại, một biến cố vĩ đại

Hôm nay, chúng ta hân hoan kỷ niệm ngày Đức Giêsu phục sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn, chết trên thập tự và mai táng trong mồ. Đó quả là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho niềm tin của chúng ta. 

Thánh Phaolô nói: «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng» (1Cr 15,14); «Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người» (1Cr 15,17-19)



2. Ngài sống lại thì ích lợi gì cho cuộc sống hiện sinh của tôi?

Nhưng thử hỏi biến cố Đức Giêsu sống lại có ảnh hưởng hay ích lợi gì cho đời sống hiện sinh của tôi, nghĩa là đời sống thực tế bây giờ và tại đây của tôi không? Biến cố này có ảnh hưởng trên đời sống của tôi, hay nó chỉ là một kỷ niệm được lập lại hàng năm, chỉ để tưởng nhớ một biến cố đã hoàn toàn qua đi? 

Vì biết bao năm phụng vụ trôi qua, năm nào cũng có Tuần Thánh, cũng có lễ Phục Sinh, mà nào tôi có thay đổi gì đâu! Chuyện Đức Giêsu sống lại với một đời sống mới, con người mới, cách hiện hữu mới, tất cả đều đã trở thành quá khứ, chẳng có ảnh hưởng gì trên hiện tại của tôi, nên tôi vẫn sống với con người cũ, cách sống cũ, chẳng có gì thay đổi! Phải vậy chăng, hay việc Ngài sống lại vẫn là một biến cố hiện sinh, vẫn có khả năng biến cải đời tôi?

Nếu Ngài chỉ sống lại trong lịch sử, cách đây 2018 năm, mà không sống lại trong lòng tôi, thì việc sống lại ấy ích lợi gì cho tôi? Vấn đề quan trọng là Ngài phải sống lại trong tâm hồn tôi. Và vấn đề ấy tùy thuộc ở tôi rất nhiều, ở quan niệm và thái độ nội tâm của tôi đối với việc sống lại của Ngài.



3. Ngài sống lại để biến ta thành con người mới

Đức Giêsu sống lại là để đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên những con người mới, ngay bây giờ và chính tại đây, như thánh Phaolô nói: «Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới» (Rm 8,11)

Điều quan trọng là làm sao có được sự sống mới ấy? Câu Kinh Thánh vừa trưng dẫn cho biết: Thần Khí làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng chính Thần Khí ấy sẽ biến cải chúng ta nên con người mới, với sức sống mới. Chỗ khác, thánh Phaolô nói: «Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại» (1Cr 6,14)

Nhưng vấn đề cụ thể là chúng ta phải làm gì để Thần Khí ấy biến cải chúng ta nên con người mới?



4. Muốn nên con người mới, con người cũ phải chết đi

Đức Giêsu chỉ sống lại sau khi chết đi, nên ta chỉ có được sự sống mới sau khi chết đi con người cũ. Vì thế, muốn có sự sống mới, muốn trở nên con người mới, ta phải cùng chết với Đức Giêsu, chết với tất cả những thói hư tật xấu và tội lỗi của con người cũ: «Chúng ta biết rằng, con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa» (Rm 6,6)

Thánh Phaolô còn nói rõ hơn: «Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện» (Ep 4,22-24).



5. Con người cũ là con người ích kỷ, cần được lột bỏ

Như vậy, để có được sự sống mới, ta phải dứt khoát từ bỏ con người cũ, là con người ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình, lo cho mình, chỉ quan tâm tới hạnh phúc và đau khổ của chính mình, không quan tâm gì tới ai, không lo cho ai. Nếu đã lấy mình làm trung tâm thì sẽ coi mọi người, thậm chí cả Thiên Chúa, chỉ là phương tiện. Có diệt trừ thói ích kỷ, là nguyên nhân mọi tội lỗi, chúng ta mới có được sự sống mới: «Nếu sống nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em thì anh em sẽ được sống» (Rm 8,13).

Sự sống mới là một sự sống phong phú, nhưng lại đòi hỏi một sự lột xác, một tinh thần tự hủy: «Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn mãi là hạt lúa; còn nếu chết đi, nó sẽ sinh nhiều hạt khác» (Ga 12,24). Tương tự, theo khoa vật lý nguyên tử, hạt nguyên tử, nếu không bị phá hủy, nó sẽ mãi mãi là một nguyên tử nhỏ bé, im lìm, bất động, không làm nên một công lực hữu ích nào; nhưng nếu bị phá hủy, nó sẽ phát sinh một năng lượng khủng khiếp, có thể làm nên những thành tựu lớn lao. 

Cũng vậy, khi ta phá hủy «cái tôi ích kỷ» của ta, thì «cái tôi» ấy không hề mất đi, mà sẽ chuyển hóa thành một thực tại mới, con người mới, thành «cái tôi vị tha», vĩ đại, cao quí, và sức sống của con người mới ấy sẽ phong phú, mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn lên ngàn lần. 



6. Một nghịch lý thực tế  

Đừng tưởng cứ ôm khư khư lấy «cái tôi ích kỷ» của mình, chăm chút lo cho nó, thì nó sẽ có một sức sống phong phú, tốt đẹp và hạnh phúc. Trái lại, càng quá quan tâm đến nó, thì lại càng làm cho sức sống của nó hạn hẹp lại, càng làm giảm bớt giá trị và hạnh phúc của nó. Đức Giêsu nói: «Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời» (Ga 12,25)

Kinh nghiệm cho ta thấy: những kẻ ích kỷ, chỉ lo lắng cho bản thân mình, không bao giờ được hạnh phúc và cũng chẳng làm cho ai hạnh phúc. Họ không bao giờ hài lòng với chính họ, với những gì họ đang có. Và càng tìm kiếm thêm cho mình, càng lo cho bản thân mình nhiều hơn, thì họ càng lún sâu vào đau khổ hơn. Trái lại, những vị thánh, những người sống quên mình, xả thân, lại là những người cảm thấy hạnh phúc nhất, mặc dù xem ra họ có vẻ bị thiệt thòi nhất, phải chịu khổ cực nhiều hơn ai hết. 



7. Con người mới là con người vị tha, biết yêu thương

Con người mới được thánh Phaolô xác định: «Con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa» (Ep 4,24); «Con người mới là con người đổi mới luôn luôn để nên giống như hình ảnh Đấng dựng nên mình» (Cl 3,10). Như vậy, con người mới chính là con người hoàn nguyên, nghĩa là trở về với tình trạng tốt đẹp nguyên thủy khi được Thiên Chúa tạo dựng, trước khi con người phạm tội. Đó là con người phản ánh trung thực bản chất của Thiên Chúa, là Tình Yêu. 

Vậy, để có một đời sống mới, một tinh thần mới, để trở nên con người mới, với một sức mạnh mới, ta cần có một quyết tâm từ bỏ con người cũ là con người ích kỷ, chỉ quan tâm lo cho bản thân mình, để mặc lấy con người mới là con người sống vị tha, sống yêu thương, sống vì tha nhân. Khi ta quyết tâm như thế, với một ý chí cương quyết, lập tức, Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, sẽ tiếp sức với ta, biến đổi ta nên con người mới. Điều quan trọng và tối cần thiết là ta phải quyết tâm từ bỏ nếp sống vị kỷ để sống đời sống vị tha, sống yêu thương. 

Sau đó, «hãy để Thần Khí canh tân đổi mới anh em thấu tận trí khôn» (Ep 4,23); «Hãy để cho Thiên Chúa biến hóa anh em cho tâm trí anh em đổi mới» (Rm 12,2). Nếu ta tiếp tục quảng đại, Ngài sẽ biến đổi ta một cách toàn diện, từ quan niệm, cách suy nghĩ, đến cách ăn nói, hành động để trở thành con người mới thực thụ. Có như thế, việc sống lại của Đức Giêsu mới thật sự ích lợi cho đời sống Kitô hữu của ta.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, đã bao năm qua, con mừng Đức Giêsu phục sinh chỉ như kỷ niệm một biến cố hoàn toàn quá khứ, chẳng ăn nhập gì tới đời sống cụ thể của con. Vì thế, đã bao năm, con chẳng có gì thay đổi. Nhưng năm nay, con quyết tâm trở nên một con người mới, một con người sống vị tha, yêu thương mọi người. Xin Thánh Thần của Cha hãy biến đổi con.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây . 


Wednesday, March 21, 2018

Lễ Lá 2 − Đức Giêsu yêu thương chúng ta thế nào, chúng ta cũng hãy yêu thương nhau như vậy




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Lá

(bài thương khó)

(25-3-2018)

Đức Giêsu yêu thương chúng ta thế nào,
chúng ta cũng hãy yêu thương nhau như vậy



ĐỌC LỜI CHÚA

  Mc 11,1-10 (nghi thức rước lá): (9) Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: «Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!» 

  Is 50,4-7: (6) Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.

  Pl 2,6-11: (6) Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa (…) (7) Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. (8) Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.

  TIN MỪNG: Mc 14,1–15,47

Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập tự giá

(…) (15,15) Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Baraba, truyền đánh đòn Đức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá (…) (22) Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Đồi Sọ (…)  (24) Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. (25) Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba. (26) Bản án xử tội Người viết rằng: «Vua người Do-thái». (27) Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. (28) Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp.

 (29) Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: «Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, (30) có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!» (31) Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau: «Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. (32) Ông Kitô vua Ítraen, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin». Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.

 (33) Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. (34) Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: «Êlôi, Êlôi, lama xabácthani!» Nghĩa là: «Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?» (…) (37) Đức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. (38) Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. (39) Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: «Quả thật, người này là Con Thiên Chúa» (…)



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu có run sợ trước đau khổ và sự chết không? Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài là do Ngài bị ép buộc hay do tự nguyện? Động lực khiến Ngài tự nguyện là gì? 
2. Cái chết khủng khiếp của Đức Giêsu nói lên điều gì? Có phải vừa nói lên sự công thẳng và nghiêm túc của Thiên Chúa đối với tội lỗi, vừa nói lên tình thương bao la của Thiên Chúa đối với con người không? Công thẳng ở chỗ nào? Tình thương ở chỗ nào? 
3. Bài học thực tế mà chúng ta học được qua mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành trong Tuần Thánh là gì? Thiên Chúa và Đức Giêsu yêu thương và hy sinh cho chúng ta như thế, các Ngài mong ước điều gì nơi chúng ta?


Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu chịu đau khổ để cứu nhân loại khỏi đau khổ

Mầu nhiệm được cử hành trong Tuần Thánh – làm cho chúng ta hết sức cảm động – là Đức Giêsu đã chấp nhận chịu đau khổ và chết thay cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi đau khổ và sự chết trong cảnh giới vĩnh cửu. Tất cả đều vì yêu thương chúng ta: «Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Nhờ Người mang những vết thương của anh em mà anh em đã được chữa lành» (1Pr 2,24).

Theo niềm tin Kitô giáo, Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Ngài chẳng những là người hoàn toàn vô tội, mà còn là một con người hoàn hảo nhất của nhân loại. Thế nhưng Ngài lại phải chịu những cực hình khủng khiếp, đau đớn nhất của con người. Những đau khổ ấy, Ngài đã tự nguyện chịu, mặc dù từ thâm tâm Ngài cũng rất sợ hãi trước đau khổ. Việc Ngài lo buồn đến mức đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu (x. Lc 22,44) nói lên nỗi sợ hãi hết sức cao độ ấy. Nhưng dù biết trước những cực hình khủng khiếp đã khiến Ngài phải sợ hãi như thế, Ngài vẫn tự nguyện đón nhận, vì muốn hoàn thành thánh ý Chúa Cha là cứu độ loài người, và vì chính Ngài cũng yêu thương con người, muốn cứu họ khỏi tội lỗi và hậu quả khủng khiếp của tội lỗi. 

Dù bản năng có ham sống sợ chết, ham sướng sợ khổ, Ngài vẫn vui lòng chấp nhận đau khổ và chết, để con người được sống và sống hạnh phúc: «Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha» (Mt 26,39).



2. Đức Giêsu thực hiện sự công bình và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi

Vì tội của nguyên tổ và của riêng từng người, đáng lẽ nhân loại chẳng những bị mất hạnh phúc vĩnh cửu mà còn phải chịu đau khổ đời đời. Sự công bình nơi bản tính của Thiên Chúa đòi buộc mọi tội lỗi đều phải đền trả, nghĩa là con người phải chịu hình phạt xứng đáng. Nếu thế con người sẽ phải đau khổ đời đời! Nhưng tình yêu vô biên của Ngài đối với con người đòi hỏi Ngài phải ra tay cứu họ, nếu không thì không còn là tình yêu nữa! 

Vừa bắt con người phải đền tội, vừa phải ra tay cứu họ, đối với trí óc của con người điều đó quả là mâu thuẫn và nan giải! Nhưng sự khôn ngoan vô biên của Ngài đã giải quyết nan đề ấy bằng cách cho Con của Ngài xuống thế làm người, đại diện cho toàn nhân loại, chịu đau khổ và chết, để đền tội thay cho cả loài người. Theo cách đó, sự công bằng và tình yêu của Ngài đều được thỏa mãn.

Đức Giêsu – là Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa trong bản tính nhân loại – đã đảm trách việc hòa giải giữa hai đòi hỏi trái ngược nhau của sự công bằng và tình yêu Thiên Chúa, và cũng là hòa giải giữa con người với Thiên Chúa. Vì thế, sứ mạng của Đức Giêsu là phải làm sao cho con người thấy được công lý của Thiên Chúa phải được thực hiện nghiêm túc thế nào, đồng thời cũng biểu lộ cho con người thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với con người bao la thế nào.

Chân lý, công lý và tình thương, đó là những thuộc tính hết sức quan trọng trong bản tính Thiên Chúa. Thiết tưởng người Kitô hữu – là người ý thức hơn ai hết con người là hình ảnh của Thiên Chúa – cần phải phản ánh và thể hiện ba thuộc tính ấy trong đời sống của mình. Đức Giêsu đã nhấn mạnh sự quan trọng của ba thuộc tính ấy: «Những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và tính chân thật» (Mt 23,23).



3. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu hiện nơi Đức Giêsu

Thiên Chúa yêu thương con người, điều ấy đã được Thánh Kinh nói đến rất nhiều: 

● «Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa» (1Ga 3,1)

● «Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời» (Ga 3,16)

● «Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống» (1Ga 4,9)

● «Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta» (Rm 5,8).

Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại được thể hiện cụ thể qua tình yêu của Đức Giêsu đối với con người: 

● «Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy» (Ga 15,9)

● «Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga 13,1).



4. Hãy thể hiện tình yêu của Thiên Chúa ra cho tha nhân

Đức Giêsu đã chấp nhận đau khổ để con người được hạnh phúc, chấp nhận chết để con người được sống. Chính tình yêu đối với con người đã thúc đẩy Ngài làm điều ấy. Sự việc ấy cho thấy đau khổ của ta có thể biến thành hạnh phúc cho người khác, cái chết của ta có thể biến thành sự sống cho người khác. Nghĩa là ta có thể chấp nhận đau khổ để người mình yêu được hạnh phúc, chấp nhận chết để người mình yêu được sống. 

Vì thế, đau khổ và chết cho người mình yêu là cách tuyệt hảo nhất để biểu lộ và thể hiện tình yêu: «Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13). Thiết tưởng người Kitô hữu cần sử dụng thường xuyên cách biểu lộ và thể hiện tình yêu tuyệt hảo này trong đời sống (đáng lẽ phải) đầy tràn yêu thương của mình.

Cũng như tình yêu của Chúa Cha đối với Đức Giêsu là gương mẫu cho tình yêu của Ngài đối với nhân loại: «Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy» (Ga 15,9); thì Ngài rất mong tình yêu của Ngài đối với chúng ta cũng là gương mẫu để chúng ta yêu thương nhau: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12). Thánh Gioan đã diễn tả ý tưởng trên như sau: «Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau» (1Ga 4,11); «Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước» (1Ga 4,19); «Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em» (1Ga 3,16)

Vậy, chúng ta hãy áp dụng tinh thần yêu thương và hy sinh cho người mình yêu, trước hết và đặc biệt cho những người gần gũi với chúng ta nhất: cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè… sau đó cho những người xa hơn, và cuối cùng cho cả những người ghét và làm hại chúng ta. «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn Luật Đức Kitô» (Gl 6,2).

Tóm lại, hãy trở nên hiện thân cho tình yêu Thiên Chúa giữa tha nhân, giữa trần gian. Thiết tưởng đó là những điều thực tế mà trong Tuần Thánh này chúng ta phải quyết tâm thực hiện trong đời sống mình. Nếu không Tuần Thánh này cũng chỉ là một tuần vô bổ, trôi qua không dấu vết trong đời sống chúng ta.



CẦU NGUYỆN

Tôi nghe thấy tiếng Chúa nói với tôi: «Con ơi, Cha yêu con, yêu con vô cùng. Cuộc tử nạn và cái chết của Đức Giêsu chính là bằng chứng rõ rệt nhất cho tình yêu của Cha. Cha mong mỏi con đáp lại tình yêu của Cha như một tình nhân mong được người mình yêu đáp trả lại bằng tình yêu. Cách đáp trả tình yêu mà Cha mong muốn nhất nơi con, chính là con ban rải yêu thương một cách thật quảng đại, thậm chí phung phí, cho những người sống chung quanh con, những người con thường gặp hằng ngày. Hãy trở nên hiện thân của tình yêu Cha giữa mọi người».

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để trở về bài chia sẻ Tin Mừng (trong nghi thức rước lá):
Con người yếu đuối, rất dễ thay lòng đổi dạ


Tuesday, March 20, 2018

Lễ Lá 1 − Con người yếu đuối, rất dễ thay lòng đổi dạ




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật Lễ Lá
(nghi thức rước lá)

(25-3-2018)



Con người yếu đuối,
rất dễ thay lòng đổi dạ




ĐỌC LỜI CHÚA


  TIN MỪNG (nghi thức rước lá): Mc 11,1-10

Dân chúng đón rước Đức Giêsu 

(1) Khi Ðức Giêsu và các môn đệ đến gần thành Giêrusalem, gần làng Bếtphaghê và Bêtania, bên triền núi Ôliu, Người sai hai môn đệ (2) và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh tháo dây ra và đem nó về đây. (3) Và nếu có ai bảo: «Tại sao các anh làm như vậy?», thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay.” (4) Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền tháo dây lừa ra. (5) Mấy người đứng đó nói với các ông: «Các anh tháo con lừa ra làm gì vậy?» (6) Hai ông trả lời như Ðức Giêsu đã dặn. Và họ để mặc các ông.

(7) Hai ông đem con lừa về cho Ðức Giêsu, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Ðức Giêsu cỡi lên. (8) Nhiều người cũng trải áo họ xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. (9) Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: «Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa! (10) Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Ðavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!» (11) Ðức Giêsu vào Giêrusalem và đi vào Ðền Thờ. Người rảo mắt, nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bêtania cùng với Nhóm Mười Hai.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao người Do Thái thay đổi nhanh như thế: vừa mới tung hô Đức Giêsu như một vị vua, thế mà chỉ mấy ngày sau đã xin thế quyền đóng đinh Ngài? Tại sao Phêrô quả quyết như đinh đóng cột là dù chết vẫn trung thành với Thầy, thế mà chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đã chối Thầy? Bạn có thể thay đổi nhanh như thế chăng?  
2. Lý do gì đã khiến người ta thay đổi nhanh chóng? Lý do ấy có ở trong bản thân tôi không? Khi nhận ra lý do ấy cũng có trong tôi, tôi có thông cảm với những thay đổi của người khác không?

Suy tư gợi ý:

1. Con người dễ thay đổi

Trong bài Tin Mừng của nghi thức rước lá, ta thấy thái độ của người Do Thái là nhiệt tình tung hô Đức Kitô, như muốn tôn Ngài làm vua. Nhưng trong bài Tin Mừng thương khó, ta lại thấy thái độ của họ là hùa theo sự thúc đẩy của các tư tế mà đòi giết Ngài, đồng thời xin tha Baraba. Hai sự kiện, hai thái độ đó xảy ra cách nhau không bao lâu. 

Điều làm tôi nhiều khi rất ngạc nhiên là tại sao dân chúng lại thay đổi thái độ nhanh như vậy đối với Đức Kitô? Tương tự, trong bài thương khó, khi Đức Giêsu tiên báo «Tất cả anh em sẽ vấp ngã» (Mc 14,17), ta thấy Phêrô quả quyết: «Thưa Thầy, dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không» (Mc 14,29). Nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, ông đã chối Thầy mình tới ba lần, chỉ vì sợ người ta biết mình là môn đệ của Thầy, cho dù lúc đầu chỉ là một đứa đầy tớ gái của vị thượng tế hỏi ông (x. Mc 14,66-72)

Đôi khi tôi tự hỏi: liệu mình có thể thay đổi thái độ nhanh chóng như thế không? Tôi thường tự nhủ rằng mình sẽ không thay đổi, sẽ trước sau như một, sẽ trung thành với Chúa, với lập trường của mình, sẽ chung thủy với người bạn trăm năm của mình mãi mãi, v.v… Và tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ thay đổi. Nhưng kìa chung quanh tôi có biết bao người đã thay đổi! Họ cũng như tôi, tưởng sẽ không bao giờ thay đổi!


2. Kinh nghiệm của tôi

Có những người tôi tưởng rằng sẽ không bao giờ thay đổi, vì tôi đã từng nghe họ tâm sự một cách chân thành về sự quyết tâm không thay đổi của họ. Thế mà họ đã thay đổi! Có những người tỏ ra bất mãn cực độ về thái độ đáng ghét của một người khác, khiến tôi tưởng rằng họ sẽ không bao giờ có thái độ như thế với ai. Nhưng tôi thấy khi họ ở vào địa vị hay trường hợp giống như người kia, thì họ cũng lại hành xử y như thế. 

Đọc lịch sử, tôi thấy có những ông vua: khi còn phải nằm gai nếm mật để chiến đấu với kẻ thù, thì tỏ ra hết mực yêu thương dân chúng, quý trọng những thuộc hạ cùng sống chết với mình, và lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho họ. Nhưng khi đã lên ngôi vua, thì chẳng bao lâu tính tình ông vua thay đổi, trở nên hống hách, tàn ác, sẵn sàng giết hại thuộc cấp, bóc lột dân chúng. Tôi đã từng gặp những người khi còn là chủng sinh hay tu sĩ thì thật là khiêm nhường, dễ thương, tinh thần phục vụ rất cao, nhưng chỉ một vài năm sau khi làm nên danh này phận nọ, thì tính tình và cách xử sự của họ tự nhiên thay đổi hẳn. Có những cặp vợ chồng trước đám cưới thì thề non hẹn biển, dù thế nào đi nữa cũng quyết chung thủy với nhau trọn đời, thế mà chỉ sống với nhau được vài năm thì đã có người thay dạ đổi lòng. Biết bao nhiêu kinh nghiệm khác tương tự như thế! 

Những kinh nghiệm ấy làm tôi không còn dám quả quyết rằng mình sẽ không bao giờ thay đổi. Và cũng không dám kết án những ai thay đổi, làm như thể mình là người không thể thay đổi. Tôi cảm thấy cần phải bao dung, thông cảm cho sự thay đổi của người khác, vì bản tính yếu đuối của con người. Chúng ta hãy xem thái độ của Đức Kitô như thế nào đối với Phêrô, kẻ đã phản bội vì chối Ngài tới 3 lần. Thấy ông hối lỗi, Đức Kitô không những đã không phiền trách ông, mà còn tín nhiệm ông hơn nữa, Ngài đã đặt ông làm thủ lãnh của cả nhóm 12 tông đồ.



3. Con người bị giới hạn về đủ mọi mặt và lệ thuộc vào nhiều điều kiện bên ngoài

Dù không sa ngã, nhưng Đức Giêsu đã cảm nghiệm được sự yếu đuối trong thân phận con người của Ngài. Nhờ sự minh mẫn của thần tính, nên với kinh nghiệm về sự yếu đuối ấy, Ngài hiểu rõ hơn ai hết sự yếu đuối và giới hạn của con người. Vì thế, Ngài luôn luôn thông cảm với những lầm lỗi, tính hay thay đổi, sự bất trung của con người. 

Thái độ của Ngài đối với Phêrô, đối với những người đàn bà ngoại tình, tội lỗi, được diễn tả bằng thái độ của người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, nói lên sự bao dung đầy tính thông cảm của Ngài. Ngay cả khi hấp hối trên thập giá, Ngài vẫn còn nghĩ đến những thầy tư tế, những kinh sư và Pharisêu, là những kẻ đã đưa Ngài đến cái chết vô cùng nhục nhã và thê thảm này, Ngài xin Chúa Cha: «Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm» (Lc 23,34). Ngài đã thực hiện đúng điều Ngài đã dạy «Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em» (Mt 5,44-45). Lời xin đó cho thấy trong lòng Ngài, Ngài đã tha thứ cho họ rồi, bất chấp họ có hối hận hay không, bất chấp họ không hề xin lỗi Ngài.

Chính vì thế, tôi rất thích thái độ và tinh thần bao dung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện nay đối với những người bị người đời khinh rẻ và liệt vào hàng tội lỗi, bất chấp biết bao người bảo thủ phê bình và chống đối ngài. So sánh thái độ của ngài với thái độ của Đức Giêsu, tôi thấy rõ ràng là tương đồng chứ không khác biệt. Tôi thầm nghĩ: nếu Đức Giêsu ở trong vị thế của vị giáo hoàng này, Ngài sẽ còn tỏ ra khoan dung và nhân bản hơn vị giáo hoàng này nhiều. Thiết tưởng người Kitô hữu cũng nên tập cho mình thái độ bao dung và thông cảm ấy, nhất là khi chính ta cũng là con người yếu đuối, chẳng dám tự hào mạnh mẽ hơn ai. 

Khi tự xét bản thân, tôi thấy có những lúc tinh thần tôi lên rất cao, nhưng cũng có lúc tinh thần xuống rất thấp. Điều này tùy thuộc khá nhiều vào ngoại cảnh. Tinh thần tôi thường lên cao vào những dịp tĩnh tâm, khi được một ai đó khích lệ, hay khi sống gần những người đức hạnh, gương mẫu, v.v… Nhưng tinh thần tôi xuống rất thấp khi sức khỏe tôi suy yếu, khi gặp toàn những thất bại, hay khi gặp quá nhiều khó khăn, thử thách, cám dỗ, v.v… 

Tôi nhận thấy độ cứng của lương tâm tôi có giới hạn, nó có thể đứng vững trước những cám dỗ bình thường, nhưng có thể nó sẽ bị gẫy trước những cám dỗ nặng nề và kéo dài. Có thể tôi không bán rẻ lương tâm với giá 1 triệu đô, 2 triệu đô, nhưng rất có thể trước những mối lợi trị giá 100 triệu, 200 triệu, không chừng tôi sẽ sẵn sàng bán lương tâm của tôi chăng!?!?! Quả thật, tôi không dám mạnh miệng tuyên bố là tôi luôn đứng vững. Câu Kinh Thánh «Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã» (1Cr 10, 12) khiến tôi không dám tự hào và chê bai hay kết án ai. Biết bao người thiện chí hơn tôi, thánh thiện hơn tôi rất nhiều đã sa ngã. Tôi chỉ còn biết trông cậy vào ơn Chúa, Chúa có gìn giữ tôi thì tôi mới đứng vững, mới không sa ngã, còn tự sức tôi thì thật đáng nghi ngờ.



4. Trong chính bản thân tôi, có hai lực lượng đối kháng nhau

Lúc nào tôi cũng thấy trong tôi có hai lực ngược nhau tác động trên tôi: một lực kéo tôi lên, khuyến khích tôi làm những việc tốt đẹp, cao thượng, vị tha, một lực trì tôi xuống, thúc đẩy tôi làm những chuyện xấu xa, bỉ ổi, ích kỷ. Muốn làm theo lực kéo tôi lên thì tôi phải cố gắng rất nhiều, phải làm ngược lại ý riêng, bản năng, dục vọng của tôi, điều này thật khó. Còn muốn làm theo lực kéo xuống thì tôi cảm thấy rất dễ dàng, thậm chí thật hấp dẫn, chẳng cần phải cố gắng gì cả. Chính vì thế, tôi luôn luôn cảm nghiệm y hệt như Phaolô: «Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm» (Rm 7, 19).

Như vậy, trong tôi luôn luôn có khuynh hướng xấu, ác. Chính những lúc tôi nghĩ mình yếu đuối, sợ mình không thắng nổi sự ác, nên tôi cậy trông vào Chúa, thì tôi lại không làm điều ác. Nhưng chính những lúc tôi tưởng mình mạnh mẽ, tự cho mình là công chính, nghĩ mình đã hơn được rất nhiều người, tự hào về chính mình, cho rằng mình có khả năng thắng sự ác một cách dễ dàng, thì lại là lúc tôi làm nhiều điều xấu ác, nhiều điều ngu xuẩn, hớ hênh hơn lúc nào hết. Chính vì thế, tôi rất cảm thông với sự yếu đuối khiến người ta thay đổi như những trường hợp đã nói trên.



5. Áp dụng vào cuộc sống

Hai bài Tin Mừng trong nghi thức làm phép lá và trong thánh lễ cho thấy hai thái độ tương phản nhau của Dân Do Thái và của Phêrô đối với Đức Giêsu chỉ xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Dân Do Thái vừa mới tung hô Ngài một cách rất tưng bừng, nhiệt liệt và trọng thể, thế mà chỉ một vài ngày sau đã bị xách động bởi những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái đến nỗi đã đòi giết Ngài: «Ðóng đinh nó vào thập giá!» (x. Mc 15,11-14). Hay như Phêrô, trong bữa tiệc ly đã thề thốt: «Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy» (Mc 14,31), thế mà chỉ vài giờ sau, ông đã chối Thầy mình tới những ba lần (Mc 14,66-72). Điều đó cho thấy sứ điệp của hai bài Tin Mừng trong Lễ Lá muốn nói lên tính yếu đuối, tính sợ hãi và tính có thể thay đổi của con người.

Tuy nhiên, sứ điệp ấy chưa phải là quan trọng. Còn một sứ điệp khác quan trọng hơn rất nhiều đó là sự thông cảm của Đức Giêsu với những khuyết điểm ấy của con người khiến Ngài sẵn sàng tha thứ cho những yếu đuối ấy. Thật vậy, đối với Phêrô, Ngài không những tha thứ, không những không bất tín nhiệm ông, mà còn tín nhiệm ông nhiều hơn nữa, đến nỗi đã đặt ông làm thủ lãnh các môn đệ của Ngài. Tôi nghĩ có lẽ vì Ngài biết ông ý thức và cảm nghiệm sâu sắc tính yếu đuối, mỏng dòn và dễ thay đổi của con người, nhờ đó ông khiêm nhường và dễ thông cảm hơn với những yếu đuối của người khác. Vả lại, khi được Chúa tha thứ, ông sẽ yêu Chúa nhiều hơn (Lc 7,43.47)

Chính tình yêu, sự khiêm nhường và khả năng thông cảm với những yếu đuối của người khác là một trong những đức tính cần thiết nhất của những người lãnh đạo Giáo Hội. 

Đức Giêsu cũng thông cảm và tha thứ cho những kẻ đã kết án Ngài. Chính lúc đau đớn nhất và nhục nhã nhất trên thập giá, đáng lẽ tâm trí Ngài sẽ phải bị thu hút vào sự đau đớn đang phải chịu, không còn đủ tâm trí nghĩ đến điều gì khác, thế mà Ngài vẫn nhớ đến những kẻ âm mưu giết Ngài để xin Chúa Cha tha thứ. Tình thương và sự thông cảm của Ngài đối với những người tội lỗi là phản ảnh rất trung thực tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại bất trung và tội lỗi. Đức Giêsu đã mô tả tình thương sẵn sàng tha thứ này của Thiên Chúa trong dụ ngôn «Người Cha nhân hậu» (x. Lc 15,11-32).

Trong Năm Thánh 2015 kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Giáo Hội cũng như các Kitô hữu trên thế giới được mời gọi phản ảnh tình thương và sự thông cảm của Thiên Chúa đối với những yếu đuối của con người. Thay vì kết án họ như những người Pharisêu vị luật muốn kết án người phụ nữ ngoại tình, Giáo Hội cũng như các Kitô hữu nên bắt chước Thiên Chúa và Đức Giêsu là hãy thông cảm và thương xót họ. Thật là mỉa mai khi chúng ta một đằng thì vinh danh lòng thương xót của Thiên Chúa, còn đằng khác chính chúng ta lại khép lòng lại để kết án, hoặc mong muốn Thiên Chúa kết án những người tội lỗi. Cách tốt nhất để tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là hết lời ca tụng lòng thương xót ấy cho bằng thật sự bắt chước và thực hiện chính lòng thương xót ấy đối với tha nhân.



CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, trong tuần thánh này, xin cho con nhận ra sự yếu đuối và sự dễ dàng thay đổi của con, để con đừng bao giờ tự hào mình mạnh mẽ hơn người, mà luôn trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Xin cho con học được bài học của Phaolô: chính lúc khiêm nhường tự nhận ra mình yếu đuối, lại là lúc mạnh mẽ nhất vì đã bám vào Chúa. Nhất là xin cho con biết thông cảm với những yếu đuối của tha nhân, như con đã mong Cha thông cảm những yếu đuối của chính con. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để đọc bài chia sẻ Tin Mừng về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu:. 
Đức Giêsu yêu thương chúng ta thế nào, chúng ta cũng hãy yêu thương nhau như vậy


Thursday, March 15, 2018

Quan niệm của Đức Giêsu về hạnh phúc






Quan niệm của Đức Giêsu về hạnh phúc




1. Hai quan niệm trái ngược về hạnh phúc

Những điều nói trong bài Tin Mừng về Bát Phúc (x. Mt 5,1-12a) thật trái ngược với quan niệm thông thường nếu chưa muốn nói rằng chỉ có những người bị cho là «bất thường» mới nghĩ như vậy. Quan niệm thông thường và chung chung của mọi người là: muốn hạnh phúc thì phải giàu sang, phú quí, có nhà cao cửa rộng, có vợ đẹp con khôn, có kẻ hầu người hạ, có địa vị, có quyền lực, được hưởng mọi của ngon vật lạ, mọi thú vui trên đời… Và quan niệm thông thường đó đã thúc đẩy con người tìm đủ mọi cách để đạt được những thứ ấy. 

Để đạt được những thứ ấy, người ta không ngại cố gắng, gian nan và đau khổ, thậm chí không ngại làm những việc độc ác, thất nhân tâm. Viễn ảnh hạnh phúc theo quan niệm thông thường ấy khiến người ta sẵn sàng chấp nhận những khó khăn rắc rối nhiều khi vượt quá sức chịu đựng của con người. Người ta đa số đều nghĩ rằng quan niệm về hạnh phúc như thế là hiển nhiên, khôn ngoan và đúng đắn (x. Gc 3,15; 1Cr 3,18-20).

Nhưng quan niệm của Đức Giêsu về hạnh phúc trong bài Tin Mừng về Bát Phúc thật trái ngược lại với quan niệm thông thường ấy. Những ai theo quan niệm của Ngài thường bị người đời cho là dở hơi, điên khùng hoặc giả hình. Nhiều người mang danh là theo Đức Giêsu cũng phán đoán y như vậy về những kẻ thật sự sống đúng theo quan niệm của Ngài. Sở dĩ họ phán đoán như vậy là vì họ không tài nào hiểu được phần thưởng đời sau dành cho những ai sống theo quan niệm của Đức Giêsu to tát như thế nào.



2. Quan niệm nào khôn ngoan hơn?

Giữa quan niệm thông thường của người đời và quan niệm khác thường của Đức Giêsu, quan niệm nào là đúng, là khôn ngoan? Người Kitô hữu phải theo quan niệm nào? 

Để rộng đường suy nghĩ, ta nên nhớ: Đức Giêsu, người đưa ra quan niệm khác thường ấy không phải là người điên hay bất thường, mà là người được cả thế giới công nhận là khôn ngoan thuộc loại bậc nhất. Ngài được người Kitô hữu nhìn nhận là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,24b.30), là hiện thân của Chân Lý (x. Ga 14,6). Như vậy, quan niệm về hạnh phúc của Ngài chắc chắn là một quan niệm khôn ngoan vượt khỏi sự khôn ngoan thông thường của con người. Chính vì không hiểu được sự khôn ngoan ấy nên người bình thường cho đó là ngu xuẩn (x. 2Cr 1,12b).

Thật ra, sự khôn ngoan của bài Tin Mừng Bát Phúc này chỉ có thể hiểu được trong niềm tin, tin rằng: đời sau thì vĩnh cửu còn đời này chỉ là tạm bợ mau qua, nhưng cách sống ở đời này quyết định cho số phận vĩnh cửu đời sau. Đấy chính là mấu chốt của vấn đề: nếu không có đời sau, thì quan niệm như Đức Giêsu đúng là một quan niệm ngu xuẩn! Đời sống thật ngắn ngủi, không biết hưởng thụ nó thì thật là dại dột: «Vui xuân kẻo hết xuân đi, cái già sồng sộc nó thì theo sau» (Ca dao). Nhưng nếu có đời sau, một đời sau vĩnh cửu – mà đời sau hạnh phúc hay đau khổ lại hoàn toàn tùy thuộc vào cách sống ở đời này – thì quan niệm như Đức Giêsu mới là khôn ngoan.

Thật vậy, nếu chết rồi là hết, nếu sự sống chỉ tồn tại ở cuộc đời ngắn ngủi này, thì những điều nói trong bài Tin Mừng quả là điên rồ: sống nghèo khổ thiếu thốn, chịu bách hại vì Chúa, vì đạo thì quả là ngu xuẩn! khổ cực như thế thì ích lợi gì? Nếu chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi này để sống, thì mục đích của đời này chỉ là hạnh phúc của chính nó, dù chóng qua giả tạm đến đâu. Nhưng nếu còn một đời sau lâu dài hơn, và nếu hạnh phúc đời sau tùy thuộc vào đời này, thì sự khôn ngoan đòi buộc phải lấy hạnh phúc đời sau làm mục đích, còn mọi sự đời này phải được coi là phương tiện. Do đó, phải sống cuộc đời ngắn ngủi này cách nào để đời sau vĩnh cửu được hạnh phúc. 

Nếu sẵn sàng chấp nhận đau khổ vĩnh cửu ở đời sau để được hạnh phúc chóng qua ở đời này thì thật là ngu xuẩn, tương tự như giữa hai món tiền: 1 triệu đồng và 1 đồng, lại đi chọn 1 đồng mà bỏ 1 triệu. Nếu giữa hai phải chọn lấy một, thì phải chọn cái nào có giá trị hơn, lâu dài hơn mới là khôn ngoan.



3. Mấu chốt của vấn đề: có đời sau hay không?

Đối với một bào thai, cuộc sống tăm tối trong bụng mẹ chỉ là cuộc sống tạm bợ ngắn ngủi trong 9 tháng 10 ngày. Cuộc sống ấy không chỉ kéo dài tới đấy là hết, mà toàn bộ cuộc sống ấy là để chuẩn bị cho một cuộc sống khác dài hơn gấp bội, có thể tới 90 năm. 

Cũng vậy, người Kitô hữu quan niệm rằng đằng sau cuộc sống ngắn ngủi này là cả một đời sống vĩnh cửu dài vô tận, và cuộc sống ngắn ngủi đời này chỉ là để chuẩn bị những gì cần thiết cho đời sống mai sau. Vì thế, người Kitô hữu – những kẻ theo Đức Giêsu – tuy sống trong thế giới này nhưng tâm hồn vẫn hướng về một thế giới khác tốt đẹp hơn, rộng lớn hơn, lâu dài hơn rất nhiều. Họ coi thế giới mai hậu ấy mới là đích điểm phải nhắm tới, chứ không phải thế giới này. Vì thế, đối với họ, mọi cơ cấu và thực tại trần gian tự bản chất đều là giả tạm, phụ thuộc.

Tuy nhiên, không vì thế mà họ coi thường cuộc sống hay thế giới này. Họ vẫn coi nó là quan trọng, vì cuộc sống này chính là điều quyết định cho số phận đời sau. Mà yếu tố quyết định cho số phận đời sau chính là tình yêu, niềm tin, lòng thành thật, sự công chính ngay ở đời này (x. Mt 23,23b). Do đó, họ vẫn sống đời sống hiện tại một cách tích cực, vẫn hăng say xây dựng cuộc sống và thế giới này cho tốt đẹp. Nhưng dù coi cuộc sống này quan trọng đến đâu thì họ cũng chỉ coi nó là phương tiện dẫn đến cùng đích là đời sống mai hậu, chứ không bao giờ coi nó là cùng đích cả. Có quan niệm như thế ta mới hiểu được tinh thần bài Tin Mừng Bát Phúc này.

Quan niệm ấy được mô tả trong câu chuyện sau đây. Một vị thánh, khi được hỏi về những hy sinh vĩ đại của ngài, đã trả lời: «Tôi chỉ bỏ có vài cuộn giấy bạc và những thú vui trần tục, thế mà mua được cả một niềm phúc lạc vô biên. So với cái kho tàng tâm linh quí báu này thì đó có thật là một sự hy sinh chăng? Trái hẳn lại, chính những người thế gian mới là người từ bỏ và hy sinh những kho tàng tâm linh vô giá trên đường Đạo để chạy theo những của cải vật chất giả tạm vô thường». 

Như vậy, ai mới là người thật sự hy sinh, và hy sinh cái gì cho cái gì?



4. Sự khôn ngoan của người Kitô hữu

Chọn lựa khôn ngoan trên đã được Đức Kitô cụ thể hóa bằng dụ ngôn kho báu và ngọc quí, trong đó người thương gia sẵn sàng bán hết gia tài của mình để mua kho báu hay viên ngọc ấy (x. Mt 13,44). Lý do, kho báu hay viên ngọc ấy giá trị gấp nhiều lần tài sản của ông ta. Đức Kitô cũng dạy ta: «Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?» (Mt 16,26)

Chính vì nhắm đến hạnh phúc đời sau mà người Kitô hữu sẵn sàng chấp nhận những thua thiệt, nghèo khó, bị bách hại, đau khổ ở đời này. Thánh Phaolô nói: «Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta?» (Rm 8,18). Để được hạnh phúc đời đời, Đức Kitô chỉ cho ta bí quyết: «Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy» (Mt 16,25).

Chỉ trong nhãn quan đức tin ấy, người ta mới hiểu sâu xa nội dung bài Tin Mừng về Bát Phúc, và nhận ra rằng chỉ có những người sống theo tinh thần Bát Phúc mới là những người khôn ngoan đích thật. Và nếu thật sự sống tinh thần ấy, người Kitô hữu sẽ được hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. 

Thật vậy, con người sẽ được hạnh phúc trong đức tin nếu hết lòng gắn bó với đức tin ấy. Hạnh phúc đó có được là do họ coi nhẹ bản thân và những lợi ích chóng qua, nhờ đó, họ dễ dàng hy sinh cho người khác. Chính sự cao thượng này trở thành niềm vui cho họ trong cuộc đời này.