Sunday, January 28, 2018

Nhờ đâu Đức Giêsu có khả năng cứu giúp người khác lạ lùng như thế?


Nhờ đâu Đức Giêsu có khả năng
cứu giúp người khác lạ lùng như thế?


1. Tại sao người ta theo Đức Giêsu đông như thế?

Nhân loại thời nào cũng chìm đắm trong đau khổ. Con người có đủ mọi thứ khổ: giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ; có địa vị cũng khổ, không có địa vị cũng khổ; có con cũng khổ, không có con cũng khổ; bệnh thì khổ đã đành, mà không bệnh cũng vẫn thấy khổ… Vì thế, biết ai có thể giúp mình thoát khổ thì mình sẽ chạy đến người ấy. Vì thế, sở dĩ rất nhiều người đi theo Đức Giêsu xin Ngài cứu giúp vì Ngài luôn luôn có lòng cứu giúp những ai đau khổ, đồng thời Ngài cũng có quyền năng giúp họ thoát khổ [*].
[*] Đức Giêsu đã cứu chữa rất nhiều người bệnh tật đến với Ngài, sự việc này được các tác giả Tin Mừng kể ra một số trường hợp cụ thể như:  
− Ga 4,46-54 => chữa đứa con sắp chết của một sĩ quan cận vệ của nhà vua
− Ga 5,1-9
 => chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bétthêđa
− Mt 8,2-4 => chữa một người cùi (x. Mc 1,40-45; Lc 5,12-15)
− Mt 9,2-8 => chữa người bại liệt (x. Mc 2,3-12; Lc 5,17-26)
− Mt 12,9-14 => chữa người bị bại tay (x. Mc 3,1-6; Lc 6,6-11)
− Ga 9,1-7 => chữa một người mù từ thuở mới sinh
− Mc 8,22-26 => chữa người mù ở Bétxaiđa
− Mt 9,27-31 => chữa hai người mù
● và rất nhiều trường hợp khác:
− Cho kẻ chết sống lại: Mt 9,18-26 (//Mc 5,22-43; Lc 8,41-56); Lc 7,11-15; Ga 11,1-44
− Chữa người bị quỷ ám: Mc 1,21-28; Mt 12,22; Mt 8,28-34; Mt 9,32-34; Mt 15,21-28; Mt 17,14-21
− v.v... 
Chung quanh ta cũng thế, có biết bao người đang đau khổ, nhiều người đau khổ tột cùng. Nhưng có được bao nhiêu người chạy đến với ta, hy vọng ta cứu giúp họ? Họ không hy vọng nơi ta, vì ta chưa có đủ lòng yêu thương để sẵn sàng hy sinh cứu giúp họ, và cũng vì ta không có khả năng cứu giúp họ nữa.




2. Điều kiện phải có để có thể cứu giúp tha nhân đau khổ

Muốn cứu giúp những người đau khổ, điều quan trọng trước tiên là chính ta phải yêu thương họ, thật sự muốn cứu giúp họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, đau khổ cho họ. Đức Giêsu yêu thương mọi người đến nỗi sẵn sàng chịu đau khổ và chết cho họ. Tình yêu đích thực và mãnh liệt ấy đã thúc đẩy Ngài «đi tới đâu thì thi ân giáng phúc tới đó và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế» (Cv 10, 38). Tại sao một người mẹ dám chạy vào trong một căn nhà đang cháy để cứu con mình đang khi những người khác mạnh mẽ hơn lại không dám? Vì bà yêu thương con bằng một tình yêu mãnh liệt, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho con mình.

Điều quan trọng thứ hai là ta phải có khả năng cứu giúp họ. Không có khả năng ấy thì có muốn cứu giúp họ cũng không được. Nếu người mẹ vừa nói trên bị què chân không đi được thì dù có yêu con mãnh liệt, bà cũng không thể chạy vào căn nhà cháy được.

Nhưng làm sao để có khả năng cứu giúp ấy? Nhờ đâu mà Đức Giêsu có khả năng ấy?


3. Nhờ đâu mà Đức Giêsu có khả năng cứu giúp người khác?

Nếu có ai hỏi ta câu ấy, ta thường trả lời: Ngài là Thiên Chúa đầy quyền năng, làm gì cũng được, vì «đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được» (Lc 1,37). Nói thế rất đúng, nhưng ta quên rằng Ngài cũng hoàn toàn là con người, cũng bị giới hạn như chúng ta khi Ngài nhập thể làm người. Ngài cũng sợ hãi, cũng yếu đuối, mệt nhọc, buồn bã, cũng bị cám dỗ, bị thử thách về đức tin, về lòng trung thành… như chúng ta [**].
[**] Khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể thành con người Đức Giêsu,
● Ngài cũng giống chúng ta hầu như mọi phương diện:
− cũng lo sợ hồi hộp đến đổ mồ hôi máu và các thiên thần phải đến an ủi, khích lệ trước khi Ngài bị bắt để chịu tra tấn và bị giết (x. Lc 22,43-44). 
− cũng cảm thấy tâm hồn buồn rầu, bị chao đảo: «Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được"» (Mt 26,37-38).
− Ngài sợ đến nỗi phải xin Chúa Cha tha cho khỏi chết: «Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này». Dẫu sợ nhưng vẫn sẵn sàng vâng ý Chúa Cha: «
Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha» (Lc 22,42).
− Ngài cũng dạt dào tình cảm, cũng thổn thức, xao xuyến và khóc khi đứng trước mộ Ladarô: «Thấy cô Maria khóc, và những người Dothái đi với cô cũng khóc, Ðức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. (...) Ðức Giêsu liền khóc. Người Dothái mới nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!”»
− Thầy đám đông lầm than vất vưởng, Ngài cũng mủi lòng: «Thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt» (Mt 9,36)
 .
● Ngoại trừ tội lỗi ra, Ngài giống như tất cả chúng ta về mọi phương diện, kể cả việc chịu ma quỉ cám dỗ và cũng phải chống trả cám dỗ (x. Mt 4,1-11). Thánh Phaolô đã xác nhận điều đó nhiều lần, chẳng hạn như:
− Ngài «mang thân phận yếu hèn» (2Cr 13,4; x. 1Tm 3,16).
– «Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện» (Dt 2,17).
– «Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội» (Dt 4,15)
 
● Ngài trở nên hoàn hảo, có được những ưu điểm hơn người, cũng nhờ Ngài phải cố gắng, phải chiến đấu, phải trải qua biết bao đau khổ, nghĩa là cũng phải «trầy da tróc vẩy» mới được như thế, chứ không phải tự nhiên Ngài đã được như vậy đâu. Thánh Phaolô xác nhận:
− 
«Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8).
− «Thiên Chúa (…) đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ» (Dt 2,10 ).
 
● Bản thân tôi, người viết bài này, cảm thấy Đức Giêsu như các sách Tân Ước diễn tả, rất gần gũi với tôi, dễ làm tôi yêu thương và được an ủi hơn một Đức Giêsu vốn đã hoàn hảo ngay từ khi sinh ra, chẳng cần phải luyện tập gì cả. Như vậy thì Ngài mới làm gương cho tôi được, nếu Ngài hoàn hảo ngay từ đầu, làm sao tôi bắt chước?
 Trong rất nhiều lần chữa bệnh cho người khác, Đức Giêsu nói với những người được Ngài cứu giúp: «Lòng tin của con đã cứu chữa con» (Mt 9,22; Mc 5,34; Lc 17,19), «Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi» (Mc 5,37; Lc 8,50).

Như vậy, để được cứu giúp, đức tin là chuyện tối cần thiết. Và đó cũng là điều kiện tối cần để có khả năng cứu giúp người khác. Tuy Thánh Kinh không nói trực tiếp như thế, nhưng ta có thể suy ra từ những lời của Đức Giêsu như: «Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em» (Lc 17,5-6).

Ngài nói ra câu ấy vì chính Ngài đã cảm nghiệm được chân lý ấy khi tin vào quyền năng của Thiên Chúa ở trong Ngài. Thánh Phaolô cũng nói: «Tôi có thể làm được tất cả nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13). Cũng vậy, chúng ta có thể làm được tất cả nhờ tin vào quyền năng của Thiên Chúa trong bản thân chúng ta. Chính nhờ tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa, cộng với tình yêu và ý chí mãnh liệt muốn cứu giúp tha nhân mà Đức Giêsu có thể chữa lành bệnh tật, đuổi quỷ cho tha nhân, và làm cho người đã chết sống lại. Chúng ta chưa có sức mạnh, chưa làm được những gì chúng ta muốn, chính vì niềm tin vào Thiên Chúa của chúng ta quá yếu kém. Chúng ta chỉ tuyên xưng đức tin mạnh mẽ, rao giảng hùng hồn đức tin ấy, chứ thật sự chúng ta chưa tin đủ vào quyền năng của Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta mới chỉ là đức tin lý thuyết chứ chưa phải là đức tin sống động, đích thực.




4. Làm sao để có đức tin sống động, đích thực?

Muốn tin mãnh liệt và thật sự vào một người nào, ta phải thử nghiệm tính đáng tin của người ấy. Nếu không, ta chỉ là một kẻ cả tin và rất dễ bị lừa dối. Giả như ta là giám đốc một công ty, khi muốn nhận một ai làm quản lý tiền bạc cho mình, hay khi muốn làm ăn lớn với một người khác, ta phải làm gì? Ta cần thử nghiệm tính đáng tin của người đó. Sau khi thử nghiệm cách thật khéo léo, sáng suốt, ta mới dám tin người ấy. Chẳng hạn, ta thử tạo cho người ấy những cơ hội để họ có thể gian lận hay ăn trộm của mình. Ban đầu thử họ bằng một món tiền nhỏ, rồi đến những món tiền lớn hơn, rồi đến những món tiền thật lớn, nếu người ấy vẫn không hề tỏ ra một dấu hiệu muốn gian lận, thì ta mới dám nhận họ làm việc hay làm ăn với mình. Và trong quá trình làm việc hay làm ăn với họ, nếu họ vẫn tỏ ra ngay thẳng, chân thật, thì ta mới giao cho người ấy những công việc quan trọng hơn, hay làm ăn lớn hơn với người ấy.

Cũng vậy, muốn đức tin ta thật sự lớn mạnh chứ không chỉ lớn mạnh trên nguyên tắc hay lý thuyết, ta cũng phải sống đức tin của mình trong những chuyện rất cụ thể hằng ngày. Ban đầu ta cần thật sự dấn thân tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa trong những trường hợp nho nhỏ đòi hỏi sự tin tưởng phó thác. Chắc chắn ta sẽ cảm nghiệm được quyền năng của Ngài tỏ ra những trường hợp ấy nếu ta dám thật sự tin tưởng phó thác cho Ngài. Nhờ kinh nghiệm đó, ta dám dấn thân tin tưởng Ngài trong những trường hợp lớn hơn, và rồi sẽ cảm nghiệm được quyền năng của Ngài trong những trường hợp lớn hơn ấy. Cứ tiếp tục như thế, niềm tin của ta vào Thiên Chúa sẽ lớn mạnh theo thời gian. Nếu không thực nghiệm như vậy, đức tin của ta mãi mãi vẫn chỉ là thứ đức tin lý thuyết, chưa phải là thứ đức tin thực nghiệm và sống động.

Người viết bài này đã và đang thử nghiệm như vậy, nhờ đó ngày càng chứng nghiệm được sự hữu hiệu của niềm tin vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào việc ta có dám” dấn thân thật sự cho niềm tin trong những biến cố hay thử thách lớn hơn mà Ngài để xảy đến cho cuộc đời ta hay không.

Đặc biệt trong những việc đòi hỏi ta phải “dám” bất chấp nguy hiểm, bấp bênh… để dấn thân làm theo đòi hỏi của lương tâm, của thánh ý Ngài. Nếu ta vẫn cố bám vào những bảo đảm của trần gian mà không dám liều làm theo thánh ý Ngài, ta sẽ không chứng nghiệm được quyền năng của Ngài trong những trường hợp ấy, và niềm tin của ta sẽ ngừng tại đấy, không phát triển nữa. Nhưng quả thật, bất cứ trường hợp dấn thân nào, người viết bài này cũng đều nhận thấy quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện thật sự. Nhờ đó, đức tin của tôi ngày càng tăng trưởng và trở nên vững mạnh hơn.

Nếu chúng ta không có một chứng nghiệm nào về sự chính xác, chân thực của những lời Đức Giêsu nói, thì đức tin của ta chỉ là một đức tin thuần lý, không được thể hiện thành những hành động thực tế của đời sống. Khi cần phải tin tưởng và phó thác cho tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, chẳng hạn khi lương tâm đòi buộc ta phải chấp nhận hiểm nguy như tình yêu đòi hỏi, ta không dám. Đức tin thuần lý của ta không thể biến thành những hành động thực tế quả cảm trong đời sống được. Đức tin thuần lý không được chứng tỏ bằng hành động chỉ là «đức tin chết» (x. Gc 2,17.26).

Nguyễn Chính Kết

(Bấm vào đây để trở về bài Chia sẻ Tin Mừng)

Saturday, January 27, 2018

TN5 - Tình yêu tạo nên sức mạnh




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 5 Thường Niên

(4-2-2018)


Tình yêu tạo nên sức mạnh



ĐỌC LỜI CHÚA

  G 7,1-4.6-7: (7) Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

   1Cr 9,16-19.22-23: (16) Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!

  TIN MỪNG: Mc 1,29-39

Đức Giêsu chữa nhạc mẫu ông Simôn

(29) Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. (30) Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. (31) Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.


Đức Giêsu chữa cho nhiều người

 (32) Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. (33) Cả thành xúm lại trước cửa. (34) Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. 


Đức Giêsu đi khắp miền Galilê

 (35) Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (36) Ông Simôn và các bạn kéo nhau đi tìm. (37) Khi gặp Người, các ông thưa: «Mọi người đang tìm Thầy đấy!» (38) Người bảo các ông: «Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó». (39) Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.





CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Có phải Đức Giêsu đến trần gian để cứu chữa những người bệnh hoạn, tật nguyền, quỷ ám không? Sứ mạng của Ngài là gì? Tại sao Ngài làm những việc ấy? 
2. Bạn có nghĩ rằng: nếu mình mà làm được phép lạ như Đức Giêsu, mình cũng sẽ chữa bệnh, trừ quỉ… và đi tới đâu cũng sẽ thi ân giáng phúc tới đó y như Ngài vậy? hiện nay mình chỉ kém Ngài vì không có bản tính Thiên Chúa thôi? 
3. Theo bạn thì tình thương làm nên phép lạ, hay phép lạ làm nên tình thương? Nói cụ thể hơn, muốn giúp người, điều quan trọng nhất là có tình thương hay có tài năng? Tình thương làm nên tài năng, hay tài năng làm nên tình thương?

Suy tư gợi ý:

1. Dù quan tâm hàng đầu là loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu luôn cứu giúp mọi người theo sự thúc đẩy của tình thương

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu chữa các bệnh tật, các chứng quỷ ám. Trong cuộc đời công khai, Ngài đã từng chữa lành biết bao nhiêu con bệnh thuộc đủ mọi loại, biết bao người bị quỷ ám, và làm một số người chết sống lại, v.v… Điều đó khiến nhiều người có cảm tưởng rằng Ngài là một chuyên gia chữa bệnh, chữa quỷ ám. Thật ra không phải như vậy! Ngài đến thế gian chủ yếu không phải để làm những việc ấy, mà để cứu chuộc toàn nhân loại và loan báo Tin Mừng cho họ. Tuy nhiên, khi thực hiện sứ mạng ấy, Ngài đã phải đối diện với biết bao nhiêu cảnh đau thương của con người, về tinh thần cũng như thể chất. Tình thương chan chứa của Ngài đối với con người khiến Ngài biết bao lần «chạnh lòng thương» và ra tay cứu giúp (x. Mt 9,36; 14,14; 15,32; Mc 1,41; Lc 7,13). Sách Công vụ Tông đồ còn cho biết: «Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người» (Cv 10,38). 

Điều chúng ta cần noi gương Ngài không phải là việc chữa bệnh hay làm điều gì, mà chính là khả năng «chạnh lòng thương» trước những đau khổ của tha nhân. Khi đã biết «chạnh lòng thương», thì tình thương sẽ thúc đẩy và dần dần tạo cho ta khả năng hành động phù hợp với sự đòi hỏi của tình thương. Thiết tưởng tất cả mọi Kitô hữu muốn thật sự là Kitô hữu đều phải biết «chạnh lòng thương», biết nhạy cảm trước những đau khổ, trước những cảnh thương tâm đang xảy ra cho những người chung quanh, đồng thời quyết tâm ra tay hành động theo sự thúc đẩy của tình thương. Sự nhạy cảm do tình thương ấy chính là dấu hiệu chắc chắn cho biết Thiên Chúa đang thật sự ở với chúng ta, trong chúng ta. Ai không nhạy cảm như thế là dấu chứng tỏ họ không có Thiên Chúa – là Tình Thương – ở nơi mình: «Ai không yêu thương anh em mình thì không thuộc về Thiên Chúa» (1Ga 3,10; x. 3,17; 4,8).


2. Vì yêu thương và dấn thân hết mình mà Ngài làm nên những phép lạ

• Có phải vì Ngài làm phép lạ dễ dàng, nên Ngài tỏ tình thương với mọi người cũng dễ dàng chăng? 

Nếu ít hiểu biết về Đức Giêsu, chúng ta có thể nghĩ rằng: Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền năng làm phép lạ, có khả năng chữa bệnh, đuổi quỷ, nên Ngài tha hồ mà «thi ân giáng phúc» (Cv 10,38) ở bất cứ nơi nào Ngài đến. Đối với Ngài, việc «thi ân giáng phúc» quả là quá dễ dàng, Ngài có mất mát hay thiệt thòi gì đâu? Còn ta, hễ giúp đỡ ai, làm cho ai hạnh phúc hơn là ta phải mất mát, hy sinh, phải chịu thiệt thòi, phải chấp nhận đau khổ. Nếu Ngài cũng bị hạn chế như ta, làm sao Ngài có thể «thi ân giáng phúc» không cần tính toán như thế được? Nếu ta cũng làm được phép lạ như Ngài, ta cũng sẽ «thi ân giáng phúc» cho mọi người đâu kém gì Ngài!

Hay vì Ngài yêu thương tha nhân hết mình, nên Ngài mới có nhiều khả năng cứu giúp người khác như vậy?

Nghĩ như thế quả cũng có lý! Nhưng theo thiển ý tôi, người viết bài này, nghĩ ngược lại có thể có lý hơn. Nghĩa là: không phải vì Ngài có khả năng làm phép lạ nên Ngài tỏ tình yêu thương một cách dễ dàng; mà ngược lại, chính vì Ngài yêu thương tha nhân hết mình, và cũng hết mình muốn ra tay cứu giúp người khác, nên Ngài mới làm được những phép lạ như thế. Cách nghĩ sau có vẻ hợp với Kinh Thánh hơn.

Đức Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể, có những giới hạn của Ngài

Rất nhiều người nghĩ: Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, mà đã là Thiên Chúa thì ắt Ngài phải biết hết, làm được hết, có đầy đủ mọi nhân đức, ở trong tình trạng hoàn hảo, chẳng cần tập tành khổ luyện gì hết. Nghĩ như thế không phải là không có lý. Nhưng rất có thể họ quên rằng Đức Giêsu là một «Thiên Chúa Nhập Thể», nghĩa là một «Thiên-Chúa-làm-người». Khi nhập thể thì Thiên Chúa vô hạn và tuyệt đối đã mặc lấy thân phận hữu hạn và tương đối của con người (x. Pl 2,6-9). Chẳng hạn, là Thiên Chúa vô hạn, Ngài có thể hiện diện cùng một lúc ở khắp nơi, nhưng cũng chính Thiên Chúa ấy, khi nhập thể, mặc lấy thân phận hữu hạn của con người, thì Ngài không thể ở khắp nơi cùng một lúc như thế. Thiên Chúa và Đức Giêsu chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng Thiên Chúa ấy đã mặc lấy hai cách hiện hữu khác nhau: một đằng là thần linh, vô hạn, bất biến, tuyệt đối; một đằng là con người, hữu hạn, vô thường và tương đối… Nếu không như thế thì đâu còn là nhập thể nữa! 

Kinh Thánh nói về Đức Giêsu

Thánh Phaolô đã nói về sự giới hạn và yếu đuối của Đức Giêsu như sau: Ngài «mang thân phận yếu hèn» (2Cr 13,4; x. 1Tm 3,16); «Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện» (Dt 2,17); «Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội» (Dt 4,15). Thiên Chúa đã «sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta» (Rm 8,3b). Ngài phải chịu ma quỉ  cám dỗ (x. Mt 4,1-11) và chắc chắn cũng phải chiến đấu để thắng nó. Trong việc Ngài cảm thấy sợ hãi đến đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến cuộc tử nạn sắp tới, ta thấy ngay thân phận yếu hèn của một con người ở nơi Ngài, và thấy Ngài cũng phải chiến đấu rất cam go mới thắng vượt được bản thân yếu đuối mà vâng theo thánh ý Chúa Cha (x. Lc 22,41-44).

Khi Ngài còn nhỏ, rất có thể Mẹ Maria cũng phải tập cho Ngài ăn, nói, đi đứng và dạy cho Ngài biết đọc, viết, tính toán như bao người mẹ khác tập cho con mình. Ngài cũng phải cố gắng vất vả khi phải học cho thuộc những bài học, khi làm những bài luyện tập… Ngài cũng phải học thánh Giuse mới biết làm thợ mộc, và khi làm việc cũng cảm thấy mệt mỏi và vất vả. Những gì Ngài có được – như sự hiểu biết, các nhân đức, sự hoàn hảo – không phải sẵn có nơi Ngài do bản tính thần linh vô hạn của Ngài, mà theo thánh Phaolô, Ngài cũng phải học, phải luyện tập với bao gian lao cực khổ không khác gì chúng ta. Thánh Phaolô viết: «Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8); «Thiên Chúa (…) đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ» (Dt 2,10). Cũng thế, Ngài có được những giá trị cao quý ấy phần nào do quyết tâm thực hiện bằng ý chí yếu đuối của con người ở nơi Ngài.

Những phép lạ Ngài làm rất có thể là do tình thương cao độ của Ngài

Trong chiều hướng ấy, ta cũng có thể nghĩ rằng những phép lạ Ngài làm được để cứu giúp người khác một phần đến từ Thiên Chúa, nhưng một phần khác là do tình yêu cao độ và sự dấn thân hết mình của Ngài cho tha nhân. Điều này phù hợp với kinh nghiệm bình thường của con người: chẳng hạn biết bao người mẹ bất tài mà chỉ vì tình thương bao la đối với con mà làm được những chuyện phi thường; những người có tình thương bao la rộng rãi thường phát triển khả năng nhiều hơn những người khác.


3. Đừng sợ mình không có khả năng, hãy sợ mình không đủ tình thương

Vậy thấy Đức Giêsu cứu giúp biết bao người, chúng ta đừng vội cho rằng: nếu tôi có tài năng như Ngài, tôi cũng sẽ cứu giúp được nhiều người như Ngài. Nghĩ như thế hóa ra Ngài chẳng hơn gì chúng ta! hóa ra nếu có ai cứu giúp ai thì do người cứu giúp ấy có khả năng cứu giúp mà thôi! Nghĩ như thế, đời sống tâm linh và tình thương của chúng ta không bao giờ phát triển được! Muốn làm được những việc như Đức Giêsu, thiết tưởng điều quan trọng nhất là chúng ta phải có tình thương thật sự và cao độ như Ngài. Khi đã có tình thương rộng lớn, bao trùm, tình thương ấy sẽ thúc đẩy chúng ta hành động, thúc đẩy chúng ta luyện tập để có nhiều khả năng cứu giúp người khác. Tại sao ta có thể làm được biết bao chuyện cho cha mẹ, vợ con, anh em ta, mà lại không thể làm như vậy cho người khác? Chính vì ta có rất nhiều tình thương đối với người thân, nhưng lại không đủ tình thương đối với người khác. Vậy, đừng sợ mình không có khả năng cứu giúp người khác, hãy sợ rằng mình không có đủ tình thương đối với họ.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con cảm thấy con chưa hữu ích lắm cho tha nhân chung quanh con, không phải vì con không có tài năng cho bằng vì con chưa đủ tình thương đối với họ. Biết bao người ít tài năng hơn con, nhưng họ lại hữu ích cho tha nhân hơn con, chính vì họ đã yêu thương nhiều hơn con. Vì tình yêu có khả năng khiến người ta làm được tất cả. Điều con thiếu hơn cả chính là tình yêu, xin Cha hãy ban cho con.

Nguyễn Chính Kết


(Bấm vào đây để đọc Bài đọc thêm)

Sunday, January 21, 2018

TN4 - Luật nền tảng nhất mà không tuân giữ, thì việc tuân giữ những điều luật khác đều vô giá trị




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 4 Thường Niên
(28-1-2018)

Lễ Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh


Luật nền tảng nhất mà không tuân giữ,
thì việc tuân giữ những điều luật khác đều mất giá trị




ĐỌC LỜI CHÚA

  Ml 3,1-4: (1) Này Ta sai sứ giả Ta đến dọn đường trước mặt Ta.

  Dt 2,14-18: (17) Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín.


  TIN MỪNG: Lc 2,22-32

Tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa

(22) Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa (23) như đã chép trong Luật Chúa rằng: «Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa», (24) và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 

(25) Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. (26) Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. (27) Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, (28) thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: (29) «Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. (30) Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ (31) Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: (32) Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài». 



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Gia đình của Đức Giêsu tôn trọng lề luật như thế nào? Tại sao phải tôn trọng lề luật? 
2. Các kinh sư Do Thái là những người giữ các luật tôn giáo một cách rất nhiệm nhặt. Họ có vì thế mà trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa không?  
3.  Các kinh sư và Pharisêu giữ luật nhiệm nhặt như thế, tại sao Đức Giêsu lại nói họ không hề giữ luật của Thiên Chúa? Bạn rút ra được bài học gì cho việc giữ luật của bạn?  
4. Tình yêu và lề luật, cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện? Cái nào làm cho bạn trở nên công chính, thánh thiện? 


Suy tư gợi ý:

1. Đức Maria và thánh Giuse tôn trọng lề luật

Bài Tin Mừng cho thấy Đức Maria và thánh Giuse đã chu toàn những tập tục của luật Môsê liên quan đến việc hạ sinh Đức Giêsu. Luật Môsê qui định tất cả các trẻ nam đều phải cắt bì và đặt tên vào ngày thứ 8 sau khi chào đời (x. Lv 12,3; Lc 1,59-60; 2,21). Khi được 1 tháng tuổi, trẻ phải được đem tới đền thờ để làm lễ chuộc lại con, vì mọi con đầu lòng – dù là người hay là thú vật – đều phải tiến dâng cho Thiên Chúa, vì nó thuộc về Ngài, rồi phải chuộc nó lại từ Thiên Chúa (x. Xh 13,2.12-13; Ds 18,15-16). Nếu sinh con trai thì khi nó được 40 ngày, hoặc nếu sinh con gái thì khi nó được 80 ngày, người mẹ phải làm lễ tẩy uế, và phải dâng lễ toàn thiêu bằng một con chiên con, người nghèo có thể thay thế bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non như Đức Maria đã làm (x. Lv 5,7; 12,8). 

Mặc dù biết Đức Giêsu, con của mình, là Con Thiên Chúa, Đức Maria và thánh Giuse vẫn tuân thủ tất cả những gì lề luật đòi buộc. Đó là một gương mẫu cho chúng ta. 



2. Vấn đề: có nên giữ luật như các kinh sư Do Thái không? 

Như vậy là chúng ta phải nghiêm chỉnh tuân giữ lề luật. Nhưng một vấn đề rất cụ thể và hết sức thiết thực đặt ra cho chúng ta là: các kinh sư Do Thái, những người Pharisêu, nổi tiếng là giữ luật một cách nhiệm nhặt, nhưng lại bị Đức Giêsu chê trách rằng họ chẳng hề tuân giữ lề luật. Thật vậy, Đức Giêsu đã từng tuyên bố với các kinh sư Do Thái rằng: «Ông Môsê đã chẳng ban Lề Luật cho các ông sao? Thế mà không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật!» (Ga 7,19). Stêphanô cũng nói với các kinh sư Do Thái tương tự như thế trước khi bị họ ném đá chết: «Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ» (Cv 7,53). 

Vậy phải giữ luật như thế nào mới được gọi là thật sự giữ luật? mới đẹp lòng Thiên Chúa? mới trở nên thánh thiện đích thực? 



3. Cần phân biệt luật tổng quát và luật chi tiết

Trong tôn giáo, lề luật là những điều mà mọi tín đồ phải thực hiện hay tuân giữ để thực hiện tinh thần hay mục đích của tôn giáo: nên trọn lành, được cứu rỗi. 

Luật lệ gồm hai phần mà chúng ta cần phân biệt: 

1) Phần tinh thần, mang tính tổng quát, nền tảng, phát xuất từ Thiên Chúa. Phần này – tương tự như hiến pháp trong một quốc gia – là những nguyên tắc tổng quát, nhưng hết sức quan trọng. Có thực hiện được những nguyên tắc tổng quát này thì mới đạt được mục đích của tôn giáo. Trong Kitô giáo, có hai nguyên tắc tổng quát nhất là: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình» (Lc 10,27); «Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy» (Mt 22,40). 

Hai nguyên tắc nền tảng này đã được thánh Phaolô và Giacôbê tổng hợp lại thành một nguyên tắc duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật (…) Yêu thương là chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2); «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). Chính Đức Giêsu cũng tuyên bố rất rõ ràng: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,35). 

2) Phần cụ thể, mang tính chi tiết, thường do con người lập nên bằng cách suy diễn từ những điều luật tổng quát trên cách áp dụng cụ thể những điều luật ấy trong mọi tình huống của đời sống con người. Phần này – tương tự như luật pháp trong một quốc gia – gồm những điều luật cụ thể giúp thể hiện một cách chi tiết những điều luật tổng quát (trong quốc gia là hiến pháp). 

Kitô giáo có vô số điều luật – trong giáo luật cũng như trong từng lãnh vực của tôn giáo – nhằm cụ thể hóa và chi tiết hóa hai luật căn bản và tối thượng là «mến Chúa, yêu người» nói trên. Mọi Kitô hữu đều phải cố gắng thực hiện những qui định mang tính chi tiết này, để nhờ đó thực hiện cách hoàn hảo hai nguyên tắc tổng quát trên. 



4. Giá trị của hai thứ luật trên

Những điều luật căn bản, mang tính tổng quát thì có giá trị tuyệt đối, con người phải thực hiện trong bất kỳ tình huống nào, và không hề có luật trừ. Đó là luật phát xuất từ Thiên Chúa. Theo tinh thần của đoạn Tin Mừng Mt 25,31-46 thì Thiên Chúa chỉ phán xét con người theo điều luật căn bản và tối thượng này của Ngài mà thôi. 

Những điều luật mang tính chi tiết đều phải nhằm giúp con người thực hiện điều luật căn bản và tối thượng trên trong những tình huống cụ thể của đời sống. Do đó, chúng chỉ có giá trị nếu phù hợp với luật tối thượng ấy, và việc tuân thủ những luật chi tiết này chỉ có giá trị nếu phù hợp với luật tối thượng trên. Do đó, bất cứ điều luật chi tiết nào nếu đem áp dụng trong những hoàn cảnh cụ thể mà phản ảnh đúng hay phù hợp với những nguyên tắc tổng quát trên, thì người tín hữu buộc phải tuân giữ. Trái lại, nếu trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, việc áp dụng những luật cụ thể này lại đi ngược lại tinh thần của điều luật nền tảng trên, thì trong hoàn cảnh cụ thể ấy, người tín hữu không buộc phải tuân theo.

Chính Đức Giêsu đã sẵn sàng lỗi luật ngày sabát khi mà việc giữ luật chi tiết này hóa ra lại vi phạm luật tối thượng là luật yêu thương (x. Mt 12,1-8; 9-14; Lc 13,10-17; 14,1-6; Ga 5,1-18; 9,1-41). Vì khi soạn ra những điều luật chi tiết này, không ai có thể nghĩ ra hết tất cả những trường hợp luật trừ, là những trường hợp mà tuân hành những luật này sẽ trở nên vi phạm những lề luật cao hơn hay tổng quát hơn.

Trong hiến pháp của một quốc gia thường có một khoản qui định rằng bất cứ một điều khoản nào trong luật pháp mà đi ngược lại tinh thần của bất kỳ một điều khoản nào trong hiến pháp, thì điều khoản trong luật pháp ấy trở thành vô giá trị, không phải tuân giữ. Hiến pháp mới là căn bản, luật pháp chỉ là công cụ hay phương tiện để thể hiện hay thực hiện hiến pháp mà thôi. 

Vậy chúng ta cần phải tập trung quan tâm vào việc thực hiện điều luật căn bản và tối thượng của Kitô giáo là «mến Chúa, yêu người» hơn là chú tâm thực hiện những chi tiết của lề luật thành văn. Nói thế không có nghĩa là không cần thực hiện những điều luật chi tiết, vì theo Đức Giêsu thì: «Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ» (Mt 23,23b).



5. Một cám dỗ thường xảy ra đối với việc thực hiện lề luật

Người tín hữu không được giáo dục đức tin đầy đủ thường bị cám dỗ chỉ quan tâm thực hiện những điều luật chi tiết, cụ thể, thậm chí quan trọng hóa cả những chi tiết của luật lệ, mà không hề quan tâm tới tinh thần tổng quát của lề luật. Do đó, thường xảy ra tình trạng như sau: có những tín hữu giữ những luật lệ tôn giáo một cách hết sức chi tiết, tỉ mỉ, được mọi người coi là đạo đức, thánh thiện. Nhưng nếu những người ấy tự xét mình một cách nghiêm túc xem mình đã thật sự mến Chúa yêu người chưa, thì họ phải tự nhìn nhận là chưa, hoặc còn thiếu sót hơn cả những người bình thường khác. 

Điều chúng ta phải lấy làm lạ và phải suy nghĩ thật nghiêm túc là: các kinh sư Do Thái giữ luật nhiệm nhặt như vậy, thế mà Đức Giêsu lại đánh giá rằng «không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật!» (Ga 7,19). Tại sao vậy? Vì tuy họ quan tâm giữ nhiệm nhặt nhiều điều khoản của tôn giáo, nhưng họ lại «bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23). Và những khoản luật mà họ tuân giữ nhiệm nhặt ấy nghĩ cho cùng cũng «chỉ là giới luật của phàm nhân» (Mt 15,9). Nên việc giữ luật nhiệm nhặt ấy cuối cùng lại trở thành «xôi hỏng, bỏng không», hay như «công dã tràng»!

Còn cách giữ Luật Chúa của chúng ta thì sao? Liệu Thiên Chúa có đánh giá chúng ta, những người đang tự hào là giữ luật một cách nghiêm nhặt, tương tự như thế không? Rất có thể, vì chúng ta chỉ chú ý tới cái «xác của lề luật», là những điều khoản thành văn, mà không chú ý tới cái «hồn của lề luật», tức tinh thần của lề luật. Xác mà không có hồn thì chỉ là xác chết, vô giá trị! Chắc chắn tới ngày phán xét, rất nhiều người đã giữ luật một cách nhiệm nhặt không kém gì các kinh sư Do Thái, nhưng lại đứng vào hàng ngũ «quân bị nguyền rủa» (Mt 25,41), chỉ vì «xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống, v.v…» (25,42tt). Tội nghiệp cho họ là những kẻ mà Luật Chúa thì không thèm giữ, chỉ toàn lo giữ «luật của phàm nhân»! 




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết tôn trọng Luật Cha là luật yêu thương. Xin ban cho con tinh thần của thánh Âu-Tinh: «Cứ yêu đi, rồi làm gì thì làm!» Con nhận ra rằng con chỉ chu toàn được Luật của Cha khi con thật sự yêu thương mọi người mà thôi. Vì thế, xin Cha cho con biết yêu thương, và thể hiện tình yêu thương đó như thánh Phanxicô Salê trong Kinh Hòa Bình: «Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người». Amen.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây . 


Sunday, January 14, 2018

Cần nắm vững và giữ trọn điều cốt yếu của Kitô giáo



Cần nắm vững và giữ trọn
điều cốt yếu của Kitô giáo



1. Muốn thành công, phải đi đúng đường, làm đúng lối

Trong đời sống thường nhật, làm việc gì mà muốn thành công thì cần phải làm cho đúng phương pháp hay cách thức của nó. Để thực hiện những kế hoạch lớn, cần phải đi cho đúng hướng, nếu không đúng hướng, sẽ thất bại ê chề: «sai một ly, đi một dặm». Nhiều người khi làm việc gì thì chỉ biết cắm cúi làm, không cần biết làm thế nào cho đúng để có thể chắc chắn thành công và đạt hiệu quả cao nhất. Dường như họ quan niệm: «cần cù bù thông minh»! Làm không đúng cách, đi không đúng hướng, chẳng những không đạt được mục đích, mà còn gây thiệt hại nữa. Vì thế, có danh nhân đưa ra công thức: «Nhiệt thành + ngu xuẩn = phá hoại».

Dù việc nhỏ hay việc lớn ở trần gian này, muốn thành công, đều cần phải làm cho đúng cách, đúng phương pháp. Việc nên thánh, việc đạt được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, theo quan niệm của người Kitô hữu, là việc quan trọng nhất trên đời. Rất nhiều Kitô hữu khi làm ăn hay tính toán chuyện gì, họ đều nghĩ xem phải làm thế nào để chắc chắn thành công và đạt được hiệu quả cao nhất. Nhưng đối với việc đạt được hạnh phúc vĩnh cửu thì họ lại chẳng hề quan tâm hay thắc mắc phải làm cách nào để chắc chắn đạt được mục đích ấy, và điều gì cần thiết nhất để đạt được mục đích ấy. Việc quan trọng như thế mà họ cứ thực hiện theo kiểu mò mẫm, làm theo những hiểu biết không chắc chắn, thiếu chính xác! Vì thế, sẽ có nhiều trường hợp người Kitô hữu trung thành giữ đạo cả một đời, những tưởng sẽ được Thiên Chúa thưởng công bội hậu, nhưng…rốt cuộc tất cả những cố gắng của họ trở thành «công dã tràng», vì điều cần thiết nhất phải làm là thi hành thánh ý Thiên Chúa thì họ lại không làm. Liệu những điều họ cố gắng làm suốt cả cuộc đời có thật sự phù hợp với thánh ý Thiên Chúa không?



2. Muốn vào Nước Trời, phải thi hành thánh ý Thiên Chúa

Trong Tin Mừng, có lần Đức Giêsu cho biết: «Có nhiều người tìm cách vào (Nước Trời) mà không được» (Lc 13,24b) vì họ đã sử dụng những phương cách không đúng, không hiệu quả. Ngài cho thấy cảnh thất bại của họ vào ngày phán xét: họ tưởng những việc họ đã làm ở trần gian để vào Nước Trời sẽ giúp họ vào được Nước ấy. Nhưng sự việc xảy ra thật phũ phàng! Những việc họ đã làm ở trần gian với mục đích vào được Nước Trời, trở thành «xôi hỏng, bỏng không». Tại sao vậy? Vì những việc phụ thuộc và không cần thiết thì họ đã làm một cách thật chăm chỉ, còn những việc chính yếu và cần thiết nhất phải làm mới vào được Nước Trời thì họ lại không thèm làm.

Đức Giêsu mô tả cảnh ấy cách rất rõ rệt trong Tin Mừng Matthêu: «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: "Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!"» (Mt 7, 22-23).

Theo đoạn Tin Mừng trên thì vào ngày phán xét, nhiều người từng được tiếng là tốt lành thánh thiện ở trần gian – vì đã làm được những việc mà mọi người coi là đạo đức, ít ai làm được, như nói tiên tri, trừ quỉ, làm phép lạ – họ tưởng rằng được nổi tiếng là đạo đức vì làm được những việc như thế thì chắc chắn họ phải đủ hoặc dư tiêu chuẩn để vào Nước Trời rồi. Nhưng không ngờ Chúa phán một câu khiến họ bật ngửa: «Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (MT 7,23). Thì ra những việc được gọi là đạo đức ấy, tuy được người đời nể phục và ca tụng, nhưng không phải là những điều «cần và đủ» cho việc vào Nước Trời, nếu không muốn nói là có thể có hại. Có hại vì chúng làm họ lầm tưởng rằng mình thánh thiện thật sự, rồi sinh tự hào, kiêu ngạo, để rồi quên không thèm làm cái điều chính yếu nhất, cần thiết nhất phải làm.

Vậy thì việc gì là cần thiết để vào được Nước Trời? Đức Giêsu nói rất rõ: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi» (Mt 7, 21). Lời Chúa nói thật rõ ràng: điều cần thiết nhất và duy nhất để được vào Nước Trời là thi hành ý muốn của Thiên Chúa (cụm từ «chỉ… mà thôi» trong câu Kinh Thánh trên nói lên tính duy nhất cần thiết ấy). Thực hiện thánh ý Chúa, đó là điều phải làm trong thực tế, nghĩa là phải hành động thật sự chứ không chỉ nói hay tuyên xưng xuông. Câu Tin Mừng trên còn nhấn mạnh sự vô ích của những lời nói, lời tuyên xưng, hoặc những lời cầu nguyện rỗng tuếch không dẫn đến hành động.

Vậy điều quan trọng và cần thiết để vào Nước Trời là thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Nhưng thánh ý Thiên Chúa là gì? Ngài muốn chúng ta làm gì?



3. Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?

«Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16), và Nước Trời là vương quốc của Tình Yêu, trong đó, Tình Yêu thống trị tất cả. Vì thế, chỉ những ai có tình yêu đích thực mới phù hợp với Nước Trời mà thôi. «Thiên Chúa là Tình Yêu», nên Ngài chủ yếu muốn chúng ta – vốn được dựng nên theo hình ảnh của Ngài – phản ảnh trung thực bản tính yêu thương của Ngài. Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài chỉ đưa ra một lề luật duy nhất là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13, 34). Ngài không hề đưa ra một giới luật nào khác, vì Ngài muốn mọi Kitô hữu theo Ngài hiểu được tầm quan trọng duy nhất của việc yêu thương nhau mà tập trung mọi nỗ lực của mình vào đó.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng duy nhất này, Ngài còn mô tả ngày phán xét cuối cùng: Thiên Chúa chỉ xét theo một tiêu chuẩn duy nhất là ta đã yêu thương tha nhân ra sao bằng hành động cụ thể: «Xưa Ta đói, các ngươi đã (/không) cho ăn; Ta khát, các ngươi đã (/không) cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã (/không) tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã (/không) cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã (/không) thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi (/không) đến hỏi han», vì «mỗi lần các ngươi làm (/không làm) như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã làm (/không làm) cho chính Ta vậy» (Mt 25,31-46). Trong đoạn Tin Mừng này, ta tuyệt nhiên không thấy Ngài phán xét theo một tiêu chuẩn nào khác. Vậy, điều Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện để vào được Nước Trời chủ yếu là tình yêu đích thực, nghĩa là biết tích cực yêu thương tha nhân.

Điều rất lạ là Kitô hữu nào cũng biết cốt tủy Kitô giáo là công bằng và yêu thương, nhưng số Kitô hữu – kể cả những người giảng dạy về Kitô giáo – tập trung cố gắng để thực hành điều cốt tủy và cần thiết này dường như không nhiều. Nếu nhiều thì chắc chắn bộ mặt Kitô giáo đã khác hẳn hiện nay. Lời Chúa nói về điều cốt tủy và cần thiết ấy thật chắc chắn và rõ ràng, nhưng người Kitô hữu dường như tập trung cố gắng vào những gì khác chứ không phải vào điều cốt tủy ấy. Họ «lạc đạo» mà họ không hề biết!

Hiện nay, đa số Kitô hữu vẫn còn đi vào vết xe cũ đã đổ của người Do Thái, là quá coi trọng hình thức tôn giáo bên ngoài, những tập tục, nghi thức, chỉ biết lãnh nhận các bí tích một cách chiếu lệ thiếu hẳn chiều kích nội tâm, v.v… Đó là những điều mà các ngôn sứ bao đời và cả Đức Giêsu đã đả phá kịch liệt (x. Is 1,11-17; Am 5,21-24; Gr 6,20; 14,12; Mk 3,4; 6, 6-8; Mt 5,23-24; 9,13; Mc 12,33; v. v…). Hoặc họ tập trung nỗ lực vào việc giữ những luật này lệ nọ, đủ mọi thứ luật, nhưng luật quan trọng nhất phải tuân giữ là công bằng và yêu thương thì lại bỏ qua (x. Mt 23,23-24). Họ giống như một nông dân kia muốn trồng lúa, nên sớm tối cày ruộng, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước đầy đủ, nhưng không hề biết điều cốt yếu là phải gieo hạt giống xuống, nên cuối cùng chẳng gặt được hạt lúa nào, và tất cả công lao sức lực bỏ ra hoàn toàn vô ích.

Chính vì thế, «Có kẻ hỏi Người: Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?» (Lc 22,23) và Đức Giêsu đã khẳng định: «Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít» (Mt 22,14; 20,16b). Vậy chúng ta phải sống đạo thế nào cho đúng thánh ý Chúa, kẻo cả đời giữ đạo Chúa của chúng ta trở thành «xôi hỏng, bỏng không», hay thành «công dã tràng» thì thật đáng tiếc! Đừng để câu Kinh Thánh sau đây đúng với chính chúng ta: «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8, 11-12).

Tóm lại, để sống đạo cho đúng và có hiệu quả, nghĩa là để việc sống đạo đem lại kết quả mong muốn là bình an vui tươi ngay ở đời này, và hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau, ta cần phải nắm cho vững cốt yếu của Kitô giáo là gì, và thực hiện cái cốt yếu ấy cho trọn suốt cả cuộc đời. 

Cốt yếu của Kitô giáo chính là tình yêu đích thực của ta đối với Thiên Chúa, được thể hiện ra thành tình yêu đối với tha nhân. Ai tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa mà tình yêu ấy lại không thể hiện thành tình yêu tha nhân, thì kẻ ấy chỉ là người ảo tưởng (x. 1Ga 4, 20). Cốt yếu ấy – tức tình yêu chân thật – không nằm trên bình diện nghi thức bên ngoài mà nằm ngay trong lòng của ta. Tuy nhiên, nếu có tình yêu trong lòng, thì tình yêu ấy tất yếu thể hiện ra bên ngoài bằng hành động, bằng nghi thức, một cách rất tự động và tự nhiên, không cần phải cố gắng. 

Như vậy, cái ở trong lòng mới là chính yếu, cái thể hiện ra ngoài chỉ có giá trị khi nó xuất phát từ bên trong. Tuy nhiên, người ta chỉ thấy được cái cốt tủy ở bên trong khi nó được thể hiện ra bên ngoài. Tương tự như không ai biết được có điện nếu không nhờ những thể hiện của dòng điện như đèn sáng, quạt quay, bếp nóng… Nói rằng mình có tình yêu ở bên trong mà tình yêu ấy không hề thể hiện ra bên ngoài bằng hành động thì rất có thể tình yêu ấy chỉ là tình yêu giả hiệu, không phải là tình yêu thật sự (x. Gc 2,17.20).

Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta một tình yêu chân thật, không giả dối bề ngoài. Đó chính là điều cần thiết nhất trong việc giữ đạo hay sống đạo của ta.



TN3 - Bản chất của Kitô giáo là tình yêu, cũng như bản chất của Thiên Chúa là tình yêu




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 3 Thường Niên

(21-1-2018)


Bản chất của Kitô giáo là tình yêu,
vì tình yêu là bản chất của Thiên Chúa




ĐỌC LỜI CHÚA

  Gn 3,15.10: (1) Có lời Đức Chúa phán với ông Giôna lần thứ hai rằng: (2) «Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi».

  1Cr 7,29-31: (29) Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu, (31b) vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.

  TIN MỪNG: Mc 1,14-20


Đức Giêsu khai mạc công việc rao giảng

(14) Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (15) Người nói: «Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng».


Đức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên

(16) Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. (17) Người bảo họ: «Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá». (18) Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.  (19) Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. (20) Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người. 

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu đến để xây dựng Nước Thiên Chúa. Bạn quan niệm Nước Thiên Chúa là gì? Nước Thiên Chúa ở ngay trần gian này hay chỉ ở đời sau? Bản chất của nó là gì? 
2. Bản chất của Nước Thiên Chúa chính là Tình Thương. Trong đời sống Kitô hữu, việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích rất quan trọng, nhưng so với việc thực hiện tình yêu thương thì việc nào quan trọng hơn? Cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện? Cần phải quan trọng hóa hay làm nổi bật cái nào?

Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu đến để xây dựng triều đại Thiên Chúa

Khi bắt đầu xuất hiện công khai để loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu tuyên bố với mọi người: «Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng» (Mc 1,15). Ngài nói vậy nghĩa là gì? – Thưa: «Thời kỳ đã mãn» nghĩa là đã hết một thời kỳ, và đã đến lúc bắt đầu một thời kỳ mới. Thời cũ là thời của Cựu Ước, với những tinh thần và luật lệ của Cựu Ước. Thời của Cựu Ước là thời chuẩn bị cho thời của Tân Ước. Và Đức Giêsu đến để khai mở thời kỳ Tân Ước, với những tinh thần và luật lệ mới của Tân Ước (x. Mt 5,21-22.38-39.43-44; Rm 3,21; Dt 7,12; 10,9). Thời Tân Ước là thời xây dựng triều đại Thiên Chúa do Đức Giêsu chủ xướng và thiết lập. Ngài nói: «Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần» (Mc 1,15b). «Đã đến gần» có nghĩa là còn đang đến chứ chưa thành hiện thực. Triều đại ấy có thành hiện thực hay không, còn tùy thuộc vào những người cộng tác với Ngài nữa. 



2. Triều đại Thiên Chúa hay Nước Thiên Chúa là gì?

Triều đại Thiên Chúa mà Đức Giêsu muốn thiết lập là một kỷ nguyên mới, trong đó nhân loại được sống trong an bình hạnh phúc, nhờ biết yêu thương nhau, hy sinh cho nhau, sống cho nhau. Ngài đã đưa ra cho kỷ nguyên mới này một «điều răn mới», Ngài nói: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới. là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34; x. 15,12.17). Và tình yêu thương nhau ấy phải trở thành dấu hiệu đặc trưng của những ai theo Ngài, đặc trưng đến nỗi chỉ việc nhìn vào tình thương họ dành cho nhau, thì mọi người nhận ra họ là người theo Ngài: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,35). Như vậy, làm sao người ta nhận ra được chúng ta là môn đệ của Ngài, khi chúng ta không thật sự yêu thương nhau? và nếu như thế thì chúng ta có phải là môn đệ thật sự của Ngài không? hay chỉ là thứ môn đệ «hữu danh vô thực» của Ngài thôi?

Ngài đã thiết lập Giáo Hội như một cộng đoàn đặc biệt của Ngài nhằm thực hiện Nước Thiên Chúa, trong đó, tình thương thống trị trong lòng mọi người, khiến mọi người trong cộng đoàn đó yêu thương và hy sinh cho nhau, coi nhau như anh chị em, nhờ đó họ luôn luôn đầy đủ và hạnh phúc. Và nhờ sự hấp dẫn luôn luôn có của tình thương, Giáo Hội ấy ngày càng mở rộng, và lan tràn khắp thế giới. Lúc ấy, thế giới sẽ trở thành Nước Thiên Chúa, ngay tại trần gian này. Ngài đã ban cho Giáo Hội những phương tiện rất hữu hiệu là các bí tích để thông ban sức mạnh thiêng liêng để con người thực hiện điều ấy. 



3. Một lý do khiến Giáo Hội chưa thực hiện được Nước Thiên Chúa

Thế nhưng cho đến nay, nhìn vào Giáo Hội và thế giới, người ta không khỏi nghi ngờ: liệu việc xây dựng «Triều đại Thiên Chúa» hay «Nước Trời» của Đức Giêsu có thành tựu được không? Xem ra lý tưởng của Đức Giêsu vẫn còn xa vời lắm, mặc dù Giáo Hội đã nỗ lực thực hiện lý tưởng ấy suốt trên 2000 năm nay. Có thể một trong những lý do khiến chúng ta không thành công là chúng ta chưa quan tâm đủ đến sứ điệp trọng tâm của Đức Giêsu là tinh thần yêu thương, mà quá quan tâm hay chỉ quan tâm đến những phương tiện – là việc cầu nguyện, các bí tích – để đạt được tinh thần yêu thương ấy.

Quả thật, những phương tiện mà Đức Giêsu đặt ra rất cần thiết và hữu ích, nhưng dù thế nào chăng nữa, chúng vẫn chỉ là những phương tiện. Biến những phương tiện ấy thành mục đích hay cứu cánh là vô hiệu hóa chúng, thậm chí làm chúng biến chất, làm chúng trở nên có hại thay vì có lợi. Thật vậy, nếu «đồng tiền là một đầy tớ rất tốt, nhưng lại là một ông chủ rất xấu» như một ngạn ngôn của người Pháp nói, thì tương tự như vậy: các phương tiện Đức Giêsu lập ra như các bí tích, việc cầu nguyện, v.v… là những phương tiện rất tốt, nhưng lại là những mục đích rất xấu. Nghĩa là nếu chúng ta nhắm mục đích rõ ràng là sống yêu thương nhau, và quyết tâm thực hiện sự yêu thương ấy, thì việc cầu nguyện và các bí tích sẽ là những phương tiện hết sức hữu hiệu để đạt được mục đích ấy. Còn nếu chúng ta coi chúng là mục đích, thì chúng sẽ trở thành những yếu tố phá hoại sự yêu thương ấy, cũng là phá hoại tôn giáo.

Khốn thay rất nhiều Kitô hữu không hề ý thức sứ điệp chính yếu của Đức Giêsu là tình yêu thương, nên không mấy quan tâm tới điều chính yếu ấy. Họ chỉ chủ yếu quan tâm tới việc thực hành những phương tiện mà Đức Giêsu lập ra để đạt mục đích ấy, và coi việc thực hành những phương tiện ấy chính là bản chất việc sống đạo Kitô giáo. Họ đã biến phương tiện thành mục đích, vì thế, những phương tiện ấy chẳng những không giúp họ đạt được mục đích mà Đức Giêsu muốn chúng ta đạt được, mà chúng lại trở thành một thế lực ngăn cản hữu hiệu con người đạt đến mục đích ấy. 

Thật vậy, biết bao Kitô hữu cảm thấy mình đạo đức chỉ vì đã đi lễ hằng ngày, vì rất siêng năng lãnh nhận các bí tích, rất chuyên cần đọc kinh cầu nguyện… đang khi họ đối xử với tha nhân, thậm chí với cả những người trong gia đình mình, chẳng mấy tốt đẹp. Như thế họ đã quan niệm sai lầm về việc sống đạo, nhất là về bản chất của Kitô giáo. Điều này thiết tưởng những người có nhiệm vụ rao giảng, dạy dỗ trong Giáo Hội phải chịu trách nhiệm phần nào! Và điều ấy cũng trả lời cho câu hỏi: Tại sao Giáo Hội chưa thể phát triển hữu hiệu hơn nữa? Tại sao Nước Thiên Chúa vẫn chưa thành hiện thực?



4. Để xây dựng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu cần những người cộng tác

Ngay khi bắt đầu sứ mạng loan báo và xây dựng Nước Thiên Chúa, việc đầu tiên Đức Giêsu phải làm là tìm những người có tâm huyết cộng tác với Ngài. Chắc hẳn những người được Ngài mời gọi theo Ngài làm tông đồ, Ngài đã nhận ra nhiệt huyết của họ, và họ cũng nhận ra Ngài là người thế nào trong những lần Ngài nói chuyện với dân chúng về Nước Trời trước đó. Vì thế, khi Ngài mời gọi họ, họ lập tức bỏ mọi sự để lên đường theo Ngài ngay (x. Mc 1,18.20). Và với 12 môn đệ – tức 12 người cộng tác đắc lực – được Ngài tuyển chọn, Ngài đã lập nên cả một Giáo Hội phát triển rộng lớn như ngày nay. Sau 20 thế kỷ khởi công xây dựng Nước Thiên Chúa, người theo Đức Giêsu hiện nay trên thế giới tuy rất đông, nhưng dẫu sao vẫn còn rất ít ỏi so với số lượng đáng lẽ phải đạt được. Vì hiện nay số người Kitô hữu mới chỉ chiếm 1/3 dân số thế giới.

Đó là nói về số lượng, còn phẩm chất người Kitô hữu thì sao? Bao nhiêu phần trăm Kitô hữu thật sự sống tinh thần yêu thương của Đức Giêsu đúng như Ngài đã truyền: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34)? Đối với thế giới, Kitô giáo có phải là một biểu tượng hay gương mẫu của tình thương, của sự khoan dung, hay chỉ là biểu tượng của lễ nghi, của sự khắt khe, không khoan nhượng?

Thời nào Đức Giêsu cũng cần những người có tâm huyết cộng tác với Ngài. Và chắc chắn thời nào cũng không thiếu những con người nhiệt tình sẵn sàng hy sinh cho công cuộc của Ngài. Nhưng nhiệt huyết xuông, không đủ, chúng ta cần phải đi đúng đường lối của Ngài. Nếu không, nỗ lực của Giáo Hội chúng ta sẽ chỉ là những nỗ lực kiểu «dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì». Thiết tưởng chúng ta cần phải nắm vững cái nào là cái chính yếu, cái nào là cái phụ thuộc; cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện; cái nào là bản chất, cái nào là hiện tượng. Nhờ phân biệt rõ ràng như thế, chúng ta mới biết hy sinh cái phụ thuộc cho cái chính yếu, mới coi  trọng mục đích hơn phương tiện, bản chất hơn hiện tượng.

Cứ thử xét cách dùng danh từ của nhà đạo chúng ta thì biết chúng ta đã quan trọng hóa cái gì: cái chính yếu hay cái phụ thuộc? Chúng ta gọi những việc cầu nguyện hay bí tích là những «việc đạo đức». Điều đó khiến nhiều Kitô hữu lầm tưởng rằng cứ cầu nguyện hay lãnh nhận các bí tích cho nhiều là trở thành người đạo đức. Nhưng thật ra rất nhiều người làm được như vậy một cách rất gương mẫu, nhưng chẳng được mấy ai mến phục chỉ vì họ sống thiếu tình thương.

Thực ra, đạo đức được thể hiện trong chính cuộc sống thường ngày: trong cách cư xử, cách làm việc, cách nói năng… Một người có đạo đức khác với những người không đạo đức chủ yếu ở trong chính cách họ cư xử, làm việc, nói năng… chứ không phải trong việc siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Vì thế, thiết tưởng khi chúng ta làm những bổn phận hằng ngày như làm ăn buôn bán, quét nhà nấu ăn giặt giũ, tiếp xúc nói chuyện cư xử với mọi người… nếu chúng ta làm với tinh thần yêu thương vị tha, thì chính khi làm như vậy là ta thực hiện những việc đạo đức. Việc cầu nguyện và các bí tích giúp ta có ơn Chúa, có sức mạnh để làm những việc ấy với tinh thần yêu thương của Chúa, chứ chúng không thay thế tinh thần yêu thương ấy. 

Cầu nguyện hay lãnh nhận các bí tích mà không thể hiện tình yêu thương trong cách cư xử, làm việc, cách ăn nói, suy nghĩ, thì giống như một người đi làm quần quật suốt ngày để có tiền, nhưng chẳng dùng số tiền ấy vào việc gì, cứ cất vào một chỗ để dành. Như thế tiền bạc ấy trở nên vô ích. Tiền bạc chỉ trở nên ích lợi và đem lại hạnh phúc khi được chi tiêu để thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của đời sống. Cũng vậy, cầu nguyện hay lãnh nhận bí tích chỉ có ích lợi và đem lại ơn cứu rỗi khi chúng giúp ta thật sự thực hiện mục đích mà Chúa muốn, là thể hiện tình yêu thương cách hữu hiệu.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, bản chất của Cha là Tình Yêu, và bản chất của Nước Trời do Đức Giêsu thiết lập cũng là Tình Yêu. Do đó, tình yêu chính là mục đích và bản chất của Kitô giáo. Việc cầu nguyện, các bí tích chính là những phương tiện hữu hiệu để thực hiện mục đích hay bản chất ấy. Xin Cha đừng để chúng con lầm lẫn mục đích với phương tiện, điều chính yếu với điều phụ thuộc. Có như vậy, Nước Trời mới thật sự hình thành tại trần gian này. Xin cho chính bản thân con ý thức điều đó.

Nguyễn Chính Kết

Bấm vào đây để đọc bài đào sâu