Saturday, September 30, 2017

TN28b - Trang phục phải mặc để vào Nước Trời là sự công chính




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 28 Thường Niên

(15-10-2017)

Bài đào sâu

Trang phục phải mặc để vào Nước Trời
là sự công chính.

Cốt yếu của sự công chính là tình yêu



  TIN MỪNG: Mt 22, 1-14

Dụ ngôn tiệc cưới


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Hãy so sánh về chủ ý giữa bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước (dụ ngôn những tá điền sát nhân) với bài Tin Mừng hôm nay. Bài dụ ngôn hôm nay có chủ ý gì mới hơn bài trước? 
2.   Ý nghĩa của y phục lễ cưới trong bài Tin Mừng là gì? Phải áp dụng ý nghĩa này trong đời sống Kitô hữu thế nào? 
3.   Theo Thánh Kinh, sự công chính hệ tại những điểm cốt yếu nào?

Suy tư gợi ý:

1.   Hai chủ ý của dụ ngôn tiệc cưới

Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay có hai chủ ý:

-  Chủ ý thứ nhất tương tự như dụ ngôn những tá điền sát nhân Chúa Nhật tuần trước (x. Mt 21, 33-43): ơn cứu độ hay nước Trời ưu tiên dành cho người Do Thái rồi mới tới dân ngoại, nhưng người DoThái đã tỏ ra hờ hững hay bất xứng với sự ưu tiên ấy. Vì thế, sự ưu tiên ấy đã được trao cho các dân tộc khác.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, 

1. Ðức vua ám chỉ Thiên Chúa; 
2. Tiệc cưới => Nước Trời; 
3. Các đầy tớ đi mời dự tiệc => Các ngôn sứ, trong đó có Ðức Giêsu; 
4. Các quan khách ưu tiên được mời mà không thèm đến => Dân Do Thái; 
5. Những người ở ngoài đường được mời dự tiệc => Dân ngoại, các dân tộc khác. 

Chủ ý này đã được khai triển trong bài Chia sẻ Chúa Nhật tuần trước (27 Thường Niên), nên bài này không bàn tới nữa.

- Chủ ý thứ hai là: để vào Nước Trời, cần phải có một nỗ lực cá nhân để trở nên xứng đáng với Nước Trời, tức phải trở nên người công chính. Trong đó, y phục lễ cưới tượng trưng cho sự công chính, hay sự quang minh chính đại mà mọi người Kitô hữu cần phải có.



2.   Giải thích dụ ngôn

Ðây là tiệc cưới mà nhà vua làm cho hoàng tử, nên chắc chắn được tổ chức rất sang trọng và trang nghiêm. Những người được nhà vua ưu tiên mời đã không đến, mặc dù đã được ngài khẩn khoản mời tới hai lần. Chẳng những họ không đến, mà còn có những người sỉ nhục và giết chết những đầy tớ mà nhà vua sai đi mời nữa. Họ đã phạm tội khi quân một cách nghiêm trọng. Những người này ám chỉ dân Do Thái nói chung, đặc biệt những thành phần ưu tú trong Do Thái giáo (hàng tư tế, lêvi, rápbi, kinh sư, luật sĩ.). Họ đã được các ngôn sứ và Ðức Giêsu ưu tiên rao giảng Nước Trời cho họ, nhưng chẳng những họ không thèm nghe để đón nhận Nước Trời, mà còn giết các ngôn sứ và cả Ðức Giêsu nữa. Vì thế, để trừng phạt, dân Do Thái đã bị đế quốc Rôma xóa tên trên bản đồ vào năm 70 sau công nguyên.

Những người ở ngoài đường, đáng lẽ ở ngoài danh sách được mời dự tiệc, nay vì các quan khách ưu tiên từ chối, nên họ được mời thay thế. Vì đây là tiệc cưới của nhà vua, nên theo phép lịch sự, những người được mời đều có bổn phận phải về nhà mặc quần áo cho tề chỉnh để đi dự tiệc. Vả lại, tại những tiệc cưới sang trọng như vậy, thì theo phong tục Do Thái, chủ tiệc cũng sẵn sàng cung cấp những lễ phục phù hợp cho các khách dự tiệc. Vì thế, những ai không mặc lễ phục đám cưới đều phạm tội khi quân vì đã xúc phạm đến nhà vua, và đáng chịu hình phạt.



3.   Áp dụng dụ ngôn cho người Kitô hữu

Chúng ta không là người Do Thái, mà là người thuộc những dân tộc khác vốn bị người Do Thái coi là dân ngoại. Vì thế, trong dụ ngôn này, chúng ta thuộc thành phần những người ởngoài đường được mời vào dự tiệc, tức được Thiên Chúa mời gọi tham dự mầu nhiệm Nước Trời. Chúng ta đã đáp lại lời mời gọi ấy qua bí tích rửa tội, vì thế, chúng ta thuộc về Giáo Hội của Ðức Giêsu, là dấu chỉ của Nước Trời. 

Chúng ta đang ở giai đoạn đã bước vào bàn tiệc cưới nhưng chưa bắt đầu dự tiệc. Trước khi bữa tiệc bắt đầu, nhà vua còn phải vào phòng tiệc và quan sát khách dự tiệc: ai không có y phục lễ cưới thì bị loại ra ngoài. Vì thế, muốn tham dự tiệc cưới, vào bàn tiệc chưa đủ, mà còn phải bận y phục cho thích hợp. Y phục đó tượng trưng sự công chính. Nếu không công chính, chắc chắn ta không phải là đối tượng của Nước Trời. 

Ðiều này cho thấy sự sai lầm của những người quan niệm rằng: chỉ cần là người Kitô hữu, hay chỉ cần được rửa tội là đã đủ để vào Nước Trời, mà không cần phải cố gắng sống cho xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu.

Khi chọn y phục lễ cưới để ám chỉ sự công chính, rất có thể Ðức Giêsu đã dựa vào những câu Kinh Thánh như: «Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang» (Is 61,10; xem thêm Da 3,3-5); Về sau sách Khải Huyền cũng dùng hình ảnh áo cưới để chỉ sự công chính, trong sạch: «Tại Xácđê, ngươi có một ít người đã không làm nhơ bẩn áo mình; họ sẽ mặc áo trắng cùng đi với Ta, vì họ xứng đáng. Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng; Ta sẽ không xoá tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh; Ta sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta và trước mặt các thiên thần của Người» (Kh 3,4-5)



4. Sự công chính là gì?

Ðể hiểu về sự công chính, ta nên theo chỉ dẫn của Kinh Thánh, là cở sở đáng tin cậy nhất, hơn là theo quan niệm, sự hướng dẫn hay truyền thống của người đời.

Ðức Giêsu đã cho ta 3 yếu tố căn bản của lề luật, tức 3 yếu tố căn bản của sự công chính: «Những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và sự chân thật» (Mt 23,23).

Công lý hay sự công bằng: là sự tôn trọng hay đòi hỏi những quyền lợi tinh thần hay vật chất mà mỗi người có quyền đòi hỏi người khác phải trả hay phải tôn trọng. Chẳng hạn đã là người được sinh ra trong xã hội ngày nay thì đều có quyền tự do về thân thể, về tư hữu, về ngôn luận, v.v. mà mọi người khác kể cả chính quyền đều phải tôn trọng. Ai không tôn trọng là có lỗi, là sai trái, là vi phạm công lý hay công bằng. 

Công lý không chỉ bao hàm việc mình phải tôn trọng công bằng đối với người khác, mà còn bao hàm việc mình phải đòi hỏi người khác phải tôn trọng quyền lợi của tha nhân và của tập thể. Im lặng để mặc kẻ ác vi phạm công lý một cách trầm trọng đối với tha nhân khi chính mình có thể can thiệp, cũng là không tôn trọng công lý. 

Công lý hay công bằng là nền tảng của tình thương. Tình thương hay lòng nhân ái không xây dựng trên nền tảng công lý, thì đó là tình thương giả tạo. Không ai có thể tự hào mình thương yêu người khác khi chính mình đang cố tình vi phạm sự công bằng đối với người ấy.

Tình thương: Công chính hay thánh thiện Kitô giáo theo nghĩa chính xác nhất của danh từ là trở nên hoàn hảo giống Thiên Chúa. Mà yếu tính của Thiên Chúa là tình yêu: «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8.16). Vì thế, cốt yếu của sự công chính hay thánh thiện chính là tình yêu. Không có tình yêu, thì dù có giữ luật hoàn chỉnh đến đâu cũng không phải là công chính hay thánh thiện: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3). Tình yêu là nhân đức cao trọng hơn cả (x. 1Cr 13,13). 

Có thể nói, người có tình yêu đích thực là người công chính hay thánh thiện. Càng yêu thương nhiều thì càng công chính hay thánh thiện. Tình yêu chính là nền tảng của công chính. Nhưng cần nhớ: nền tảng của tình yêu lại chính là công lý hay sự công bằng. Không thể có tình yêu đích thực khi không tôn trọng công lý hay công bằng.

Sự chân thật: là luôn luôn thành thật, không dối trá, không gian xảo, không có ý lừa dối hay lường gạt người khác. Ðây cũng là một đức tính căn bản của sự công chính. Một người có tính không thành thật không thể là một người công chính được, vì điều gì gian dối đều xuất phát từ sự ác, đi ngược lại với công chính. Ðức Giêsu nói: «Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ» (Mt 5,37).

Ngoài những đức tính mà Ðức Giêsu đề ra như nền tảng của công chính, còn một số đức tính khác được đề cập đến trong Thánh Kinh như:

− Ðức Tin: «Dân ngoại (...) được nên công chính là nhờ đức tin» (Rm 9,30; x. 1,17; 5,1; 9,32; 10.6; Gl 3,11.).

− Ðức khiêm nhường: Trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18,9-14), người thu thuế mặc dù tội lỗi nhưng có lòng khiêm nhường nhìn nhận mình tội lỗi, nên Ðức Giêsu tuyên bố ông là người công chính: «Tôi nói cho các ông biết: người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người Pharisêu thì không» (Lc 14,18).

−  Tính quên mình, vị tha, xả kỷ: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23).

Vậy, để vào Nước Trời, ngoài việc chịu phép rửa và gia nhập Giáo Hội, người Kitô hữu cần sống công chính, quang minh chính đại, xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu, với phẩm giá cao quí của con cái Thiên Chúa. Tình thương chính là điều căn bản nhất của sự công chính.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con đã đáp lại lời mời gọi của Cha để trở nên con cái Cha, đã chịu phép rửa và gia nhập Giáo Hội là dấu chỉ của Nước Trời. Nhưng quả thật, con vẫn chưa sống công chính xứng đáng với danh hiệu con cái Cha, hay với danh hiệu Kitô hữu. Con giống như những người dự tiệc cưới của hoàng tử mà không ăn mặc cho xứng đáng, đó chính là tội khi quân. Xin cho con ý thức được việc con mang danh hiệu con cái Cha mà lại không sống công chính xứng với danh hiệu ấy chính là một xúc phạm đến Cha. Vì «chó gầy hổ mặt chủ nhà», hay con cái làm điều xấu thì hổ mặt cha mẹ.



TN28a - Đồng phục của Nước Trời là tình yêu chân thực




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 28 Thường Niên

(15-10-2017)

Đồng phục của Nước Trời là tình yêu chân thực



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 25, 6-10a: (6) Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.

  Pl 4, 12-14. 19-20: (13) Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi làm được hết. (19) Thiên Chúa sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người.

  TIN MỪNG: Mt 22, 1-14

Dụ ngôn tiệc cưới

(1) Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: (2) «Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. (3) Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. (4) Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: «Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!» 

(5) Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, (6) còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. 

(7) Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. (8) Rồi nhà vua bảo đầy tớ: «Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. (9) Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới». (10) Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

 (11) «Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, (12) mới hỏi người ấy: «Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?» Người ấy câm miệng không nói được gì. (13) Nhà vua liền bảo những người phục dịch: «Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! (14) Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít».?




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Dụ ngôn trong bài Tin Mừng có ý nghĩa gì? Ý nghĩa này đúng trong quá khứ, nhưng liệu có đúng trong hiện tại và tương lai không? Nếu đúng trong hiện tại, thì bạn có cảm nghiệm nó đúng thế nào không? Nó diễn tiến trong hiện tại ra sao? 
2.   Nếu dụ ngôn này cũng đang diễn tả tình trạng hiện tại của thế giới, của Giáo Hội, thì chính bạn đang đóng vai trò gì trong đó? 
3.   «Y phục lễ cưới» trong dụ ngôn này ám chỉ điều gì? Ý nghĩa của nó có quan trọng trong đời sống đạo của chúng ta không? 
4.   Các ngôn sứ chỉ có vào thời xưa trong đạo Do Thái, hay cũng có trong mọi thời đại, mọi tôn giáo, mọi xã hội? Nếu có trong mọi thời đại, thì ta có thể nhận ra ngôn sứ của thời đại mình không? Họ là người của Thiên Chúa, nhưng tại sao họ lại cứ bị dân Chúa bách hại, tẩy chay vậy?


Suy tư gợi ý:

1.   Ý nghĩa dụ ngôn tiệc cưới

Dụ ngôn tiệc cưới có ý nghĩa phần nào giống như dụ ngôn những tá điền sát nhân (x. Mt 21,33-46). Nhưng dụ ngôn này nói đến toàn dân Israel nhiều hơn giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái.

a)   Ông Vua ám chỉ Thiên Chúa Cha: Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người bằng cách mời họ gia nhập vào Nước Trời.

b)   Tiệc cưới ám chỉ Nước Trời: Nước Trời trước hết là tình trạng an bình, hạnh phúc ở trong những tâm hồn biết yêu thương, kế đến là một xã hội lý tưởng – vừa tại thế vừa tại thiên – trong đó mọi người đều được an vui hạnh phúc vì biết yêu thương nhau.

c)   Con Vua ám chỉ Đức Giêsu: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đến trần gian để thành lập Nước Trời.

d)   Các quan khách được mời ám chỉ dân Do Thái: Nước Trời được dành ưu tiên cho dân Do Thái, là dân đặc biệt của Thiên Chúa.

đ)   Đầy tớ Vua ám chỉ các ngôn sứ: Các ngôn sứ đã đến trong lịch sử để mời gọi người Do Thái gia nhập Nước Trời. Nhưng người Do Thái đa số không màng tới lời mời ấy, vì họ mải mê tìm những lợi lộc trần gian hơn là tìm sự công chính, lối sống yêu thương.

e)   Người ở các ngả đường được mời vào dự tiệc ám chỉ dân ngoại được mời vào Nước Thiên Chúa. Người Do Thái không chịu gia nhập Nước Trời, nên Thiên Chúa đã mời dân ngoại vào thay thế họ.

g)   Y phục lễ cưới: Theo phong tục văn hóa Do Thái thời ấy, trong đám cưới của nhà vua (hay của những nhà quý tộc), mỗi người vào dự tiệc đều được phát cho một chiếc áo cưới. Từ chối không mặc áo cưới này là tỏ ra khinh thường nhà Vua, nên mắc tội khi quân. 

Y phục lễ cưới này ám chỉ tình yêu thương chân thực, là điều kiện tất yếu phải có để được vào Nước Trời. Không có tình yêu thương chân thực, không thể vào được nước Trời. Vì Nước Trời là thế giới của tình yêu, nên chỉ những ai có tình yêu đích thực mới có thể ở đây. Những ai không có tình yêu đích thực thì bản thân họ không phù hợp với chốn này.



2.   Dụ ngôn này đã ứng nghiệm trong quá khứ

Dân Do Thái là đối tượng ưu tiên được Thiên Chúa mời gọi vào Nước Trời. Ngài đã sai các ngôn sứ đến để mời gọi họ, yêu cầu họ sống tốt đẹp để gia nhập Nước Trời của Ngài. Nhưng hầu hết các ngôn sứ đến với dân Do Thái đều bị bách hại, ném đá hoặc giết chết, vì những lời cảnh cáo của các ngôn sứ không lọt tai họ. Họ chỉ thích nghe những ai nịnh nọt, ca tụng họ, phù hợp với quan niệm cố hữu của họ, chứ họ không thích những lời «thẳng mực tàu đau lòng gỗ» của các vị, hoặc những quan niệm mới mẻ, đúng đắn và phù hợp với thời đại hơn. 

Ngay cả Đức Giêsu cũng bị họ giết chết. Vì thế, bài Tin Mừng nói: «Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng» (Mt 22,7). Câu này đã được ứng nghiệm vào năm 70, sau khi Đức Giêsu bị dân Do Thái giết khoảng 40 năm sau. Năm đó, đế quốc Rôma đã tiêu diệt và phá bình địa đất nước Do Thái. Dân Do Thái bị mất nước và phải lưu lạc mãi đến năm 1947 mới lập quốc trở lại.

Người Do Thái từ chối lời mời gọi vào Nước Trời của Thiên Chúa, nên Ngài đã mời những người ngoài Do Thái vào. Và dân ngoại được Ngài mời gọi vào Nước của Ngài đã trở thành một tôn giáo là Kitô giáo ngày nay. Nhưng để vào được Nước của Ngài, những kẻ được mời phải có một trang phục thích hợp đó là tình yêu thương. Vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16). Nước của Ngài cũng là nước của tình yêu, nên dân trong nước ấy cũng phải là những người có tình yêu đích thực, biết yêu thương và biết sống vì tha nhân. 

Do đó, những người ích kỷ, chỉ biết sống cho mình, không biết nghĩ đến người khác, cho dù có được người đời tưởng là đạo đức tới đâu, hay có chức vụ cao trong tôn giáo tới đâu, đều không thể là đối tượng của Nước Trời. Hiểu được điều này, ta sẽ không lạ gì khi nghe Đức Giêsu nói với «các thượng tế và kỳ mục trong dân»: «Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31). Hoặc nghe Ngài nói với những người có khả năng nói tiên tri, trừ quỷ, làm nhiều phép lạ nhưng thiếu tình người trong ngày phán xét cuối cùng: «Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác» (Mt 7,23).

Nghe bài Tin Mừng này, chúng ta cần nhận thức: khi gia nhập Kitô giáo là ta đã chấp nhận lời mời của Thiên Chúa để vào Nước Trời. Nhưng ta có vào được Nước Trời hay không, điều này còn tùy thuộc vào việc chúng ta có chịu mặc vào mình chiếc «áo cưới», đồng phục của Nước Trời hay không. «Áo cưới» ấy chính là tình yêu chân thực, tương tự như tình yêu của Thiên Chúa. 

Hay ta lại cứ nhất định mặc chiếc «áo cưới» theo ý của ta, là sống đạo kiểu hương nguyện, chủ hình thức, chủ lễ nghi, chủ lề luật giống như những người Pharisêu xưa, mà thiếu hẳn chất «yêu thương», «vị tha», «quên mình» trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Nếu thế, dù ta có mang danh đạo đức cỡ nào trong cách sống đạo ấy, ta vẫn chẳng vào được Nước Trời đâu!



3. Tiếng nói của các ngôn sứ trong đời sống

Ngày xưa, có dân Do Thái và dân ngoại. Dân Do Thái là những người ưu tiên được mời vào Nước Trời, nhưng họ không thèm vào, nên Thiên Chúa đã phải mời dân ngoại vào. Và dân ngoại thời ấy, những người nhận lời mời của Thiên Chúa đã trở thành dân Kitô giáo thời nay. Tuy nhiên hiện nay, ngoài Kitô giáo vẫn còn có dân ngoại mới, là những người ngoài Kitô giáo. 

Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã mời gọi người Kitô hữu sống yêu thương như giới răn chính yếu nhất của Ngài. Nhưng đã đến lúc ta thử xét xem: với tư cách từng cá nhân Kitô hữu cũng như với tư cách tập thể Kitô giáo (chẳng hạn cộng đoàn giáo xứ, hội đoàn, giáo phận, giáo hội địa phương, Giáo Hội hoàn vũ), chúng ta đã đáp lại lời mời gọi sống yêu thương của Ngài chưa?

Khi dân Chúa không sống đúng với lời mời gọi của Thiên Chúa, Ngài thường sai đến những ngôn sứ để nói lên tiếng nói của Ngài. Nhưng thường thì các ngôn sứ đều bị đối xử tàn tệ như được diễn tả trong bài Tin Mừng: «Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết» (Mt 22,5-6). 

Chẳng mấy ai nhận ra được ngôn sứ của thời đại mình, vì các ngôn sứ thường nói ngược lại với quan niệm chính thống của thời đại, để sửa sai, hoàn chỉnh hoặc nâng cấp quan niệm ấy cho phù hợp với trình độ và nhu cầu tâm linh mới của con người thời đại. Vì thế, các vị thường bị những đồng đạo đương thời cho là phá hoại, sai lầm, thậm chí bị tẩy chay, bách hại, giết chết, hay ít ra là không thèm nghe, không đếm xỉa tới. Ngôn sứ đích thật luôn luôn bị đối xử như thế (x. Lc 6,22-23), chỉ có ngôn sứ giả mới được ưu đãi thôi (x. Lc 6,26). Tuy nhiên, những người nào thành tâm thiện chí, luôn luôn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa để sống phù hợp với ý Ngài, sẽ nhận ra chân lý trong lời của các ngôn sứ thật.

Chúng ta có bao giờ để tâm lắng nghe tiếng nói của những ngôn sứ đồng thời với mình, mà Thiên Chúa sai đến để mời gọi ta sống đúng với thánh ý Thiên Chúa, để sửa sai, để nâng cấp quan niệm của thời đại không? Hay chúng ta sẽ hành xử giống những người Pharisêu xưa là: cứ tôn vinh, ca tụng các ngôn sứ thời đại trước mà cha ông họ đã bách hại và giết chết; nhưng chính họ lại bách hại và giết chết các ngôn sứ thời đại mình mà chỉ con cháu họ về sau mới nhận ra và tôn vinh các vị ấy là ngôn sứ (x. Mt 23,29-32)? 

Ôi cuộc đời thời nào cũng thế! Lịch sử cứ lập đi lập lại mãi những màn kịch và bài học giống nhau mà người đời không sao học được, nên cứ lầm lỗi mãi, cho dù đã được cảnh báo trước! Thời nào các ngôn sứ cũng bị người đồng thời đối xử như thế! Những gì đã xảy ra trong Do Thái giáo, liệu có đang xảy ra trong Giáo Hội và thế giới của chúng ta không?



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con nhận ra bộ đồng phục mà con cần phải có để vào được Nước Trời chính là tình yêu thương đích thực của con đối với đồng loại. Không có đồng phục này, thì dù con có mặc những y phục khác đẹp đẽ đến đâu, con cũng sẽ không được nhận vào Nước Trời. Xin cho con có được bộ đồng phục ấy.


Thursday, September 28, 2017

TN27b - Liệu Kitô giáo có đi vào vết xe đổ của Do Thái giáo?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 27 Thường Niên

(8-10-2017)

Bài đào sâu

Liệu Kitô giáo có đi vào
vết xe đổ của Do Thái giáo?




ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 5,1-7: (4) Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại? (5) Vậy bây giờ tôi cho các người biết tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi: hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo.

  Pl 4,6-9: (9) Những gì anh em đã học hỏi, lãnh nhận, nghe, thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an của anh em.


  TIN MỪNG: Mt 21, 33-43

Dụ ngôn những tá điền sát nhân

(33) Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: «Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. (34) Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. (35) Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. (36) Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. (37) Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: «Chúng sẽ nể con ta». (38) Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: «Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!» (39) Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. (40) Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?» (41) Họ đáp: «Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông». (42) Đức Giêsu bảo họ: «Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

(43) Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Dụ ngôn trên ám chỉ những ai? Nó chỉ áp dụng cho dân Do Thái và các nhà lãnh đạo Do Thái giáo thời đó, hay nó có tính hiện sinh, nghĩa là có thể đúng với chính Kitô giáo của chúng ta hiện nay? 
2. Liệu Thiên Chúa có thể nói về Kitô giáo như đã nói về Do Thái giáo: «Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại» không? Và Ngài có thể nói về chính bản thân tôi như vậy không? 
3. Thiên Chúa có cần phải thay thế Kitô giáo bằng một tôn giáo mới như Ngài đã phải thay thế Do Thái giáo bằng Kitô giáo không?

Suy tư gợi ý:

1. Ý nghĩa dụ ngôn những tá điền sát nhân

Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn có ý nói bóng gió về tình trạng đã, đang và xảy ra trong dân Do Thái thời của Đức Giêsu, mà trước mắt có sự góp phần của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái trong việc giết Ðức Giêsu. Kết cục được diễn tả trong câu cuối của bài Tin Mừng là: «Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi» (Mt 21,43); ý nói: Dân Do Thái được Thiên Chúa dành ưu tiên trong việc vào Nước Thiên Chúa, nhưng vì họ tỏ ra không xứng đáng, nên chỗ ưu tiên của họ được nhường cho những dân tộc khác.

Thiên Chúa đã yêu quí dân Do Thái, điều này được diễn tả trong bài đọc I: Thiên Chúa cưng chiều dân Do Thái như một người có một vườn nho mà anh ta rất quí: Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho (x. Is 5,2a). Anh quí nó đến nỗi làm cho nó tất cả những gì mà anh nghĩ nó cần nó thích: «Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?» (Is 5,4). Anh ta kỳ vọng rất nhiều vào vườn nho đó, nhưng vườn nho đã làm anh thất vọng: «Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại» (Is 5,2b). Một vườn nho như thế thì người chủ nên làm gì cho nó? Thất vọng vì vườn nho ấy, anh ta đã «hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo» (Is 5,5), «biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống» (Is 5,6). Vườn nho đó được ngôn sứ Isaia xác định: Vườn nho đó «chính là nhà Israen; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, chính là người xứ Giuđa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than» (Is 5,7).

Trong dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu tiếp tục khai triển chủ đề vườn nho của bài đọc I (Is 5,1-7), với những ám chỉ sau đây: 

1. Vườn nho ám chỉ dân Do Thái
2. Ông chủ đất => Thiên Chúa,
3. Bọn tá điền => Các lãnh tụ tôn giáo Do Thái
4. Các tôi tớ của chủ đất => Các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến
5. Người con trai của ông chủ => Ðức Giêsu
6. Các tá điền khác => Dân ngoại.

Toàn bài dụ ngôn nói lên diễn tiến trong lịch sử dân Do Thái: Thiên Chúa chọn Do Thái là dân riêng của Ngài giữa mọi dân tộc. Ngài muốn họ là cầu nối giữa Ngài với mọi dân tộc khác và với toàn nhân loại. Ðể thực hiện mục đích ấy, Ngài đã sai các ngôn sứ đến để dạy dỗ, sửa đổi và cho họ biết ý định của Ngài. Nhưng lời nói của những ngôn sứ này thường không lọt lỗ tai các lãnh tụ tôn giáo Do Thái, vì «trung ngôn nghịch nhĩ», «lời thật mích lòng». Và kết quả là các ngôn sứ này đều bị ném đá chết dưới tay các lãnh tụ tôn giáo Do Thái. Chính ngôn sứ Êlia đã phải than phiền: «Khi cầu nguyện với Thiên Chúa, ông đã tố cáo dân Ítraen rằng: Lạy Chúa, các ngôn sứ của Ngài, chúng đã giết chết; bàn thờ của Ngài, chúng đã phá huỷ. Chỉ còn sót lại một mình con, thế mà chúng cũng đang tìm hại mạng sống con» (Rm 11,3; x. V 19,10.14).

Cuối cùng, Thiên Chúa sai chính Con Một của mình đến cũng để làm công việc ngôn sứ ấy, thì cũng bị họ giết chết một cách dã man và thảm hại. Dân Do Thái vì hèn nhát trước quyền lực nên cũng hùa theo các lãnh tụ của họ. Vì thế, dân Do Thái đã bị Thiên Chúa loại bỏ, mất quyền ưu tiên đối với Nước Trời. Và Nước Trời do Ðức Giêsu thiết lập - gồm những người tin theo Ðức Giêsu - bao gồm những người mà người Do Thái gọi là dân ngoại, gồm đủ mọi dân tộc trên thế giới.

Còn dân Do Thái đã bị đào thải khỏi lịch sử: tháng 9 năm 70, Titus, lúc ấy làm thống soái quân đội Rôma (sau làm hoàng đế năm 79-81), đã bao vây và chiếm Giêrusalem, giết rất nhiều người Do Thái. Kể từ đó, Do Thái bị mất nước, và dân Do Thái phải tản mác khắp nơi trên thế giới. Ðến thế chiến thứ hai, dân Do Thái tại Ðức đã bị Hitler giết tới 6 triệu người. Mãi đến năm 1947, sau gần 19 thế kỷ bị mất nước, Do Thái đã lập quốc trở lại tại vùng đất cũ, nhưng kể từ đó, họ phải chiến tranh liên tục với dân Palestin và Ai Cập cho đến nay.

2. Dụ ngôn đó có áp dụng cho Giáo Hội chúng ta không?

Khi tôi học Cựu Ước, giáo sư dạy Kinh Thánh cho tôi thường nói: «Israel là Giáo Hội, Israel là chính tôi». Vì thế, nếu bài dụ ngôn kia có thể áp dụng cho dân Do Thái, thì cũng có thể áp dụng cho Giáo Hội và cho chính bản thân tôi.

Do Thái giáo là một tôn giáo do chính Thiên Chúa thiết lập qua các tổ phụ, Môsê và các ngôn sứ, với hàng giáo phẩm là các tư tế, lêvi và các rápbi. Thiên Chúa đã trực tiếp can thiệp vào lịch sử của dân tộc này, đã ra tay giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách thống trị Ai Cập, đã đích thân ban hành luật pháp cho họ, đã trực tiếp chỉ định những vì vua cai trị họ. Ngay cả Kitô giáo hiện nay cũng chưa được Thiên Chúa trực tiếp can thiệp như thế. Có ngôn sứ nào trong Kitô giáo oai hùng như Isaia, khi ra lệnh cho dân Do Thái điều gì thì đều nói: «Thiên Chúa là Chúa các đạo binh phán như thế» (x. Is 1,24; 3,15; 5,9; 10,24; 14,22-24; 17,3; 19,4; v. v.) 

Vì thế, dân Do Thái đã rất có lý khi nghĩ rằng tôn giáo của mình do Thiên Chúa thiết lập ắt sẽ vĩnh cửu, và sẽ lan tràn khắp thế giới. Nhưng lịch sử cho chúng ta thấy họ đã lầm. Do Thái giáo đã tàn lụi, và được thay thế bằng Kitô giáo. Có thể nói, Do Thái giáo chính là tiền thân của Kitô giáo.

Kitô giáo hiện nay cũng đang tự hào là tôn giáo duy nhất do chính Thiên Chúa thiết lập, là tôn giáo có giá trị hơn hết mọi tôn giáo trên thế giới, nên mọi Kitô hữu đều tin tưởng nó sẽ tồn tại muôn đời, và sẽ lan tràn khắp thế giới. Nhưng nhiều khi các Giáo Hội Kitô giáo chỉ biết tự hào như thế mà quên đi niềm mong ước của chính Thiên Chúa đối với mình. Liệu Thiên Chúa có phải than phiền về Kitô giáo như đã than về Do Thái giáo không? «Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?» (Is 5,4). Kitô giáo đã hơn Do Thái giáo những gì?

Ðức Giêsu đến để thiết lập một tôn giáo mới dựa trên nền tảng tình yêu thương, và luật của Kitô giáo là luật yêu thương: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34); «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Ðức Kitô» (Gl 6,2); «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8).

Luật của Tân Ước mới hẳn so với Cựu Ước của Do Thái giáo, nhưng các Kitô hữu đã coi trọng luật ấy đủ chưa? đã tập trung mọi cố gắng để thực hành luật ấy đúng mức chưa? Hay Kitô giáo lại đi vào vết xe đã đổ của Do Thái giáo, là thượng tôn nghi thức? là quá chú trọng tới những lễ nghi và hình thức bên ngoài? Còn lề luật chính yếu là sống yêu thương thì lại lãng quên? Có phải hiện nay hình thức của Kitô giáo thì mới mẻ và khác hơn Do Thái giáo, nhưng tinh thần nệ luật, nệ hình thức thì chẳng khác gì người Do Thái ngày xưa? 

Ðã tới lúc chúng ta cần nghiêm túc tự hỏi: ngày nay, người ngoài nhìn vào cách sống của người Kitô hữu, có thể nhận ra đạo của chúng ta là đạo yêu thương như thời Kitô giáo sơ khai không? Ngày nay, lễ bẻ bánh có còn là một dấu chỉ của một sự chia sẻ có thực trong đời sống giữa những người đến tham dự không, hay nó đã trở thành một nghi thức thuần túy, cho dù đầy ý nghĩa nhưng không có gì là thực tế cho lắm?

Mỗi Kitô hữu - nhất là những người có trách nhiệm hướng dẫn, lãnh đạo tôn giáo - cần tự vấn: Thiên Chúa hay Ðức Giêsu có hài lòng với tình trạng Kitô giáo hiện nay không? Còn những người lãnh đạo tôn giáo cần tự vấn thêm: Tôi có giống như những vị lãnh đạo Do Thái giáo xưa, chẳng những không thèm nghe mà còn sẵn sàng bạc đãi hoặc bách hại những tiếng nói ngôn sứ vào thời đại của mình không? Hay ít ra khi họ bị bách hại vì đã chu toàn chức năng ngôn sứ của họ, tôi đã im lặng, làm ngơ, để mặc họ bị bách hại như thể tôi cũng đồng ý với sự bách hại ấy?

Không khéo Kitô giáo của chúng ta chẳng hơn gì Do Thái giáo, khiến Thiên Chúa cũng sẽ phải đối xử với chúng ta như đã đối xử với dân Do Thái: «Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi!» (Mt 21,43).


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Kitô giáo hiện nay thế nào, chính con - cũng như bất kỳ Kitô hữu nào - đều có phần nào trách nhiệm. Xin cho con biết sống đạo Chúa Kitô đúng với với tinh thần yêu thương của Ngài. Xin cho con rút ra được bài học lịch sử của dân Do Thái để tránh được vết xe đã đổ.


TN27a - Tôi đang đóng vai trò nào trong tôn giáo và xã hội ngày nay?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 27 Thường Niên

(8-10-2017)


Tôi đang đóng vai trò nào
trong tôn giáo và xã hội ngày nay?




ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 5,1-7: (4) Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại? (5) Vậy bây giờ tôi cho các người biết tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi: hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo.

  Pl 4,6-9: (9) Những gì anh em đã học hỏi, lãnh nhận, nghe, thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an của anh em.


  TIN MỪNG: Mt 21, 33-43

Dụ ngôn những tá điền sát nhân

(33) Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: «Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. (34) Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. (35) Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. (36) Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. (37) Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: «Chúng sẽ nể con ta». (38) Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: «Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!» (39) Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. (40) Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?» (41) Họ đáp: «Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông». (42) Đức Giêsu bảo họ: «Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

(43) Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Dụ ngôn này có ý nghĩa gì? Những nhân vật trong đó ám chỉ những ai?
2.   Dụ ngôn này chỉ áp dụng đúng cho Do Thái giáo thời của Đức Giêsu thôi, hay còn có thể đúng cho các tôn giáo, các thể chế xã hội thuộc mọi nơi mọi thời?
3.   Nếu đúng cho mọi thời đại, thì ta có đóng vai trò nào trong vở kịch không?

Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu đến hoàn chỉnh tôn giáo cũ và thiết lập Nước Trời

Đức Giêsu đã đến trần gian, Ngài có nhiệm vụ thành lập Nước Trời, là một vương quốc bình an, hạnh phúc, nơi ấy tình yêu luôn ngự trị trong tâm hồn mọi người, và mọi người đều đối xử với nhau bằng tình yêu. Nước ấy trước tiên và cần thiết nhất phải được thành lập trong lòng mỗi người: «Nước Thiên Chúa ở trong các ông», (bản tiếng Anh của NIV là: «The kingdom of God is within you» – Lc 17,21). Và từ trong lòng mỗi người, Nước ấy mới được thể hiện trong xã hội và thế giới thành một vương quốc hoàn hảo, tốt đẹp, trong đó mọi người đều thật sự hạnh phúc. Để thực hiện Nước ấy, Ngài đã hoàn chỉnh, nâng cấp tôn giáo của Cựu ước – mà Môsê đã có công luật pháp hóa thành một tôn giáo có quy củ – bằng cách nội tâm hóa tôn giáo ấy. Ngài chủ trương: «Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật» (Ga 4,21.23).

Nhưng giáo lý mới của Ngài nói chung chỉ được giới bình dân chấp nhận (đặc biệt bọn thu thuế, gái điếm, những người tội lỗi). Còn giới lãnh đạo tôn giáo thời ấy không chấp nhận. Chẳng những không chấp nhận, họ còn cho rằng Ngài là kẻ phá hoại tôn giáo, làm đảo lộn những giá trị truyền thống của tôn giáo, vốn chuộng những hình thức, lễ bái bên ngoài. Họ cho rằng những truyền thống này xuất phát từ Thiên Chúa nên con người không được thay đổi. Vì thế, họ đã tìm cách trừ khử Ngài. Và cuối cùng, do âm mưu của họ, Ngài đã bị kết án tử hình thập giá. Họ giết Ngài với lý do: bảo vệ truyền thống tôn giáo. Nhưng họ hành động như vậy vì quyền lợi của Thiên Chúa thì ít, mà vì quyền lợi của họ thì nhiều. Vì truyền thống ấy đã và đang đem lại nhiều đặc quyền đặc lợi cho họ trong tôn giáo cũng như ngoài xã hội. Ngài biết trước và báo trước họ sẽ giết Ngài (x. Mt 16,21), đồng thời tố cáo tội ác của họ qua dụ ngôn những tá điền sát nhân (x. Mt 21,33-43).



2. Ý nghĩa của dụ ngôn những tá điền sát nhân

Trong dụ ngôn này, bằng hình thức ẩn dụ, Đức Giêsu vạch trần sự sang đoạt quyền lợi của Thiên Chúa và âm mưu giết Con của Ngài – là Đức Giêsu – của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn ám chỉ:

a- Ông chủ vườn nhoThiên Chúa;
b- Vườn nhodân Israel;
c- Các tá điềngiới chức sắc lãnh đạo Do Thái giáo;
d- Đầy tớ của chủ vườn đến thu lợi là các ngôn sứ;
e- Người con trai của chủ vườnĐức Giêsu;
g- Các tá điền khácdân ngoại.

Thiên Chúa lập nên Do Thái giáo và giao cho giới lãnh đạo tôn giáo trông coi để đem lại nguồn lợi – là vinh quang của Ngài cũng là hạnh phúc của dân chúng – về cho Ngài. Nhưng nhiều khi giới lãnh đạo tôn giáo thay vì quan tâm đem lại vinh quang cho Ngài và hạnh phúc cho nhân loại, thì lại chỉ quan tâm tìm kiếm, bảo vệ, củng cố vinh quang, quyền bính và quyền lợi cho bản thân và cho giới chức sắc của mình. Đối với họ, Thiên Chúa và tôn giáo chỉ là bình phong, chiêu bài, để họ tiến thân trong môi trường tôn giáo và xã hội, để họ nắm vững quyền bính và quyền lợi đã đạt được. Quyền bính thay vì họ dùng để phục vụ dân Chúa, đem lại hạnh phúc cho dân, thì họ lại dùng để củng cố vinh quang bản thân họ, để áp đặt lên dân chúng ách thống trị của họ, để họ có được một đời sống giàu sang, phú quý, an nhàn cho họ.

Các ngôn sứ đã lên tiếng cảnh báo họ, yêu cầu họ đi vào đường ngay nẻo chính thì họ tìm cách hãm hại Ngài bằng nhiều cách. Khi Đức Giêsu đến để cải cách tôn giáo, nâng cấp tôn giáo lên, thì giới lãnh đạo Do Thái giáo đã chụp mũ Ngài là phá hoại tôn giáo, là lộng ngôn phạm thượng (x. Mt 9,3; 26,65), chống lại Thiên Chúa, chống lại quyền bính tôn giáo, là kẻ nguy hại cho tôn giáo, cho trật tự xã hội (x. Ga 19,12), v.v… Họ còn cấu kết với chính quyền ngoài đời để kết án Ngài (x. Mc 3,6; Ga 18,28). Họ đã mượn danh nghĩa bảo vệ vinh quang Chúa, bảo vệ tôn giáo để trừ khử Ngài, nhưng kỳ thực họ chỉ muốn bảo vệ quyền bính và những đặc quyền đặc lợi của họ trong tôn giáo và xã hội mà thôi.

Giáo lý mới của Đức Giêsu mang tính nội tâm hóa rất cao, coi nhẹ những hình thức lễ bái bên ngoài mà nhấn mạnh hơn thái độ nội tâm. Mà dân chúng thì càng ngày càng có nhiều người nghe theo giáo huấn của Ngài. Vì thế, họ cảm thấy uy tín của Ngài, những lời giảng dạy có tính cách mạng của Ngài rất nguy hiểm cho quyền bính và quyền lợi của họ (x. Ga 11,50), mà họ cảm thấy phải bảo vệ cho bằng được. Một cách nào đó, họ đã ăn cướp vinh quang của Thiên Chúa, cũng là hạnh phúc của dân chúng.



3. Chúng ta đang đóng vai trò nào trong vở kịch?

Vấn đề đặt ra cho chúng ta là: dụ ngôn này chỉ đúng cho tôn giáo thời của Ngài – là Do Thái giáo – mà thôi, hay nó cũng có thể đúng cho tôn giáo mọi thời đại? Nếu nó chỉ đúng với Do Thái giáo trong quá khứ mà thôi, thì dụ ngôn này không có giá trị cho thời đại chúng ta. Và nếu thế thì 4 sách Tin Mừng đã có những phần không có giá trị thực tế cho mọi thời mọi nơi. Điều này người Kitô hữu khó có thể chấp nhận, vì Tin Mừng được mọi Kitô hữu tin rằng có giá trị cho mọi nơi mọi thời. Vì thế, dụ ngôn này vẫn có thể đúng với mọi tôn giáo trong mọi thời đại. Nghĩa là vẫn có thể đúng trong thời đại chúng ta. Nếu thế, chúng ta thử thật lòng xét mình xem, ta có dự phần vào vở kịch của dụ ngôn này không?

– Ta sẽ đóng vai giới lãnh đạo tôn giáo nếu ta đang là một chức sắc tôn giáo và ta đang cương quyết nhân danh vinh quang và quyền lợi Thiên Chúa để bảo vệ quyền bính và quyền lợi mình. Hơn là thật sự bảo vệ vinh quang và quyền lợi của Ngài, tức bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc của nhân loại, đặc biệt những người bé nhỏ nhất, đang bị đàn áp, bóc lột trong thế giới? Muốn biết điều này rất dễ: Ta chỉ cần xét xem ta có thật sự quan tâm đến hạnh phúc của những kẻ nghèo hèn bé mọn, những kẻ bị áp bức trong xã hội để bênh vực họ không? Đó là những người mà Đức Giêsu đã tự đồng hóa với chính Ngài. Ta có thật sự ưu ái và nâng đỡ họ trong cảnh khốn cùng không, hay ta chỉ ưu ái những kẻ giàu sang, và đứng về phe có quyền bính trong xã hội? Nhất là ta có ác cảm, chụp mũ, mạ lị những ai dám nói thẳng nói thật những bất công, bất hợp lý trong cộng đoàn, xứ đạo hay Giáo Hội không?

– Ta sẽ đóng vai các ngôn sứ của Thiên Chúa nếu ta dám hành động vì vinh quang Thiên Chúa và hạnh phúc nhân loại. Dám làm chứng cho Thiên Chúa, dám lên tiếng và ra mặt bênh vực kẻ cô thân cô thế, bị bóc lột áp bức, bất chấp phải hy sinh quyền lợi, hạnh phúc cá nhân. Ngôn sứ là người của Thiên Chúa, của chân lý, công lý và tình thương, hơn là người của một thế lực trần gian, cho dù thế lực ấy là Giáo Hội. Nhất là những khi Giáo Hội đang đi sai đường lối của Thiên Chúa như đã từng thấy trong lịch sử. Ngôn sứ của Thiên Chúa là người dám lên tiếng cho sự thật, cho tình thương, bất chấp bị đồng đạo hiểu lầm, kết án hay chụp mũ. Số phận các ngôn sứ luôn luôn là như thế (x. Mt 5,12; Lc 6,23).

– Ta sẽ đóng vai dân chúng bị giật dây khi ta sẵn sàng hùa theo giới có chức có quyền để được hưởng chút ít quyền lợi mà họ ban phát cho mình, bất chấp họ làm những điều sai trái. Cũng như dân Do Thái xưa: họ biết Đức Giêsu nói đúng, nói thật nên muốn tôn Ngài làm vua, nhưng khi giới lãnh đạo tôn giáo âm mưu hại Ngài, thì dân chúng lại hùa theo họ, tạo cho họ một hậu thuẫn mạnh mẽ để lên án và giết chết Ngài (x. Mt 27,22.25; Mc 15,13; Ga 19,6). Vì dân chúng là những người dễ bị doạ nạt, không dám suy nghĩ độc lập theo lương tri mình, chỉ biết suy nghĩ và làm theo những gì người có quyền dạy bảo, tuyên truyền. Họ sẵn sàng hành động như đàn cừu Panurge! (con đầu đàn nhảy xuống biển thì cả đàn nhảy theo!) Sức mạnh của giới lãnh đạo nhiều khi dựa trên sự hậu thuẫn này. Thật vậy, nếu dân chúng không hùa theo giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái, mà dám hành động theo lương tri mình, thì giới này chưa chắc đã hại được Ngài. Vì thế, dân chúng cũng có trách nhiệm trước cái chết của Ngài, và của những ngôn sứ đi trước và sau Ngài!

Rất có thể mỗi người chúng ta đều đang đóng một vai trong vở kịch ấy. Đôi khi phải thành thật với chính mình và với Thiên Chúa, đồng thời có can đảm chấp nhận sự thật, chúng ta mới nhận ra mình đang đóng vai trò nào. Điều ta phải lưu ý đó là trách nhiệm của ta gắn liền với vai trò ta đóng. Bài Tin Mừng nói: «Ác giả ác báo» (Mt 21,41) là một lời cảnh cáo!



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, đọc dụ ngôn những tá điền sát nhân của Đức Giêsu, con nhận ra dụ ngôn ấy đang là một thực tại sống động trong thế giới hiện tại con đang sống, mà trong đó con đang đóng một vai trò nào đó, và là một nhân vật nào đó. Xin cho con đủ chân thành và sáng suốt để nhận ra vai trò con đang đóng là vai trò nào, có đẹp lòng Cha không, vai trò đó được Cha chúc lành hay nguyền rủa. Xin giúp con thành thật với chính bản thân con và với Cha.


Sunday, September 24, 2017

TN26b - Cần phân biệt điều cốt yếu và điều phụ thuộc




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 26 Thường Niên

(1-10-2017)

Bài đào sâu

Trong đời sống tâm linh,
cần phân biệt mục đích và phương tiện,
điều cốt yếu và điều phụ thuộc




  TIN MỪNG: Mt 21,28-32

Dụ ngôn hai người con


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Khi giải quyết những vấn đề quan trọng, việc phân biệt giữa điều chính và điều phụ, giữa mục đích và phương tiện, có quan trọng không? Còn trong việc nên thánh, việc giữ đạo, việc vào nước Trời thì sao? Ðiều nào là điều quan trọng nhất để nên thánh?

2.   Ðối với Ðức Giêsu, việc thờ phượng Thiên Chúa, việc cầu nguyện và việc sống yêu thương, việc nào quan trọng nhất? Việc nào là mục đích, việc nào là phương tiện?


Suy tư gợi ý:

1.   Cần phân định chính phụ trong việc sống đạo để nên thánh

Trên đời, biết bao người cùng nhắm một mục đích, nhưng đạt được mục đích ấy lại chẳng được mấy người! Lý do: người ta không biết điều nào chính, điều nào phụ. Vì thế, họ cứ làm những cái phụ thuộc, chẳng cần thiết hoặc ích lợi gì cho mục đích. Việc nên thánh, nên hoàn hảo cũng vậy. Biết bao Kitô hữu lấy việc nên thánh, nên hoàn hảo làm lý tưởng cho cả cuộc đời mình, nhưng cuối cùng họ chẳng đi tới đâu. Tại sao? Họ có một cuốn Kinh Thánh chỉ cho họ đầy đủ con đường để nên hoàn hảo, nhưng họ lại không chịu đọc để xem cái cốt yếu nhất phải làm hầu trở nên hoàn hảo là gì. Họ chỉ nghe người này nói thế này người kia nói thế nọ để bắt chước. Cuối cùng họ chẳng đạt được gì.

Nên thánh là việc chính yếu và quan trọng nhất của đời sống Kitô hữu. Vì thế, thiết tưởng người Kitô hữu cần nắm thật vững điều nào chính yếu và điều nào phụ thuộc trong việc sống đạo của mình. Nếu không, họ giống như một người muốn nấu cơm, mà lại dùng cát để nấu: dù có nấu muôn đời cũng chẳng thành. Hay như người làm ruộng không ý thức được điều cốt yếu nhất là hạt giống lúa, lại cứ lo chuyện phân bón, cày bừa, nhổ cỏ, v.v... Không gieo hạt giống lúa xuống ruộng thì tất cả những việc làm khó nhọc khác đều hoàn toàn vô ích.



2. Những người dẫn đường mù quáng

Theo thánh Mátthêu thì bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu nói với «các thượng tế và kỳ mục trong dân» (Mt 21,23), tức những bậc thầy về tâm linh cho các tín hữu Do Thái giáo. Ðiều thật bất ngờ đối với chúng ta là Ðức Giêsu dám nói thẳng vào mặt họ: «Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông» (Mt 21,31)

Những người thu thuế và các cô gái điếm vốn là những người bị những bậc đạo sư Do Thái ấy coi thường và loại bỏ ngay từ đầu ra khỏi Nước Thiên Chúa theo quan niệm của họ. Lúc nào họ cũng chắc mẩm rằng họ chính là đối tượng ưu tiên của Nước Trời. Vì thế, câu Ðức Giêsu nói làm cho họ bật ngửa. Ðiều thật mỉa mai là: họ là những bậc thầy chỉ dẫn người ta vào Nước Trời, thế mà chính họ lại được vào đấy sau cả bọn đĩ điếm. 

Lý do: họ là «những kẻ dẫn đường mù quáng» (Mt 23,16), «là những người mù dắt người mù» (Mt 15,14). Tại sao? Vì họ chuyên quan trọng hóa những điều phụ thuộc, còn những điều chính yếu và quan trọng nhất thì họ không thèm để ý tới. Ðức Giêsu nói về họ: «Các người bảo: Ai chỉ Ðền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Ðền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc. Ðồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Ðền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn?» (Mt 23,16-22); «Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và sự thành thật» (Mt 23,23). 

Rút kinh nghiệm quá khứ, thiết tưởng để nên thánh, chúng ta nên đọc kỹ Kinh Thánh để nghe chính Ðức Giêsu chỉ dẫn cho ta những điều cốt yếu nhất, và nên dựa trên những gì mà bản thân chúng ta xét thấy hợp lý. Ðừng thuần túy dựa vào ý kiến hay chỉ dẫn của người khác, cho dù người ấy là ai (thuần túy = có nghĩa "duy nhất", "chỉ")

3. Ðức Giêsu chỉ cho chúng ta bí quyết để nên thánh

Bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu hé mở cho chúng ta bí quyết hay điều cốt yếu phải làm để nên thánh qua dụ ngôn hai người con: một người nói mình sẽ làm theo ý cha mình, nhưng lại không làm, còn người kia không nói làm (x. Mt 21,28-32). Người không nói mà làm thì đẹp lòng Thiên Chúa hơn kẻ nói mà không làm

Rất nhiều chỗ trong Tin Mừng, Ðức Giêsu cho biết điều chính yếu để nên thánh là thực hiện thánh ý của Thiên Chúa. Thiết tưởng đoạn sau đây là rõ ràng nhất: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" Bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: "Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!" Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá» (Mt 7,21-27).

Tóm lại, điều chính yếu nhất để nên thánh và để vào nước Thiên Chúa chính là vâng theo thánh ý Thiên Chúa, tức thực hành những điều Ðức Giêsu dạy

Vậy, chúng ta cần phải nắm thật vững thánh ý Thiên Chúa là gì, hay Ðức Giêsu dạy ta điều gì? Hãy nghiêm túc đặt lại vấn đề này một lần cho cả cuộc đời để đi cho đúng đường, và để đạt được mục đích của mình là nên thánh. Nếu không, coi chừng kẻo chúng ta giữ đạo cả cuộc đời mà vẫn «sôi hỏng bỏng không», hay như «dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì», chỉ vì điều quan trọng nhất thì ta coi thường, còn điều phụ thuộc thì chúng ta lại coi là tối quan trọng. 

Ðọc toàn bộ Tin Mừng, tôi thấy điều quan trọng nhất mà Ðức Giêsu muốn nhấn mạnh là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Ngay câu kế tiếp, Ngài liền nhấn mạnh tầm quan trọng của nó: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13.35). Ngài không hề nói dấu chỉ của người môn đệ Ngài là làm dấu thánh giá (trước khi ăn cơm chẳng hạn), hay một việc làm nào khác.

Ngoài điểm chính ấy, thì tất cả những điều khác, đều là phụ thuộc, và những điều phụ thuộc này dù quan trọng tới đâu thì cũng chỉ là quan trọng hàng thứ yếu. Chính vì thế, vào ngày phán xét, Ðức Giêsu chỉ phán xét mọi người chủ yếu về cách họ đối xử với tha nhân (x. Mt 25,31-46). Thánh Phaolô còn nói thật rõ ràng: Dù có đức tin chuyển núi, làm những việc phi thường như thiêu đốt thân xác, bố thí hết cả gia tài, nhưng nếu không có tâm yêu thương, hay không xuất phát từ tình yêu thương, thì đều vô ích hết (x. 1Cr 13,1-3). Nói về điều cốt yếu nhất trong đạo Chúa, thật không có gì rõ ràng hơn!

Chúng ta cần chú ý tới điều mà Ðức Giêsu muốn nhấn mạnh, nhất là những người dẫn đường thiêng liêng cho quần chúng cũng phải nhấn mạnh giống như Ðức Giêsu. Nếu điều quan trọng nhất lại không nhấn mạnh, mà lại nhấn mạnh những điều phụ thuộc, thì họ cũng chỉ giống như những người dẫn đường thiêng liêng cho quần chúng trong đạo Do Thái mà thôi. 



4. Chúng ta đặt nặng và sống đúng điều quan trọng nhất chưa?

Ðiều quan trọng nhất trong Kitô giáo chính là sống yêu thương: trước tiên là yêu thương những người gần gũi mình nhất (cha mẹ, vợ con, anh chị em.), rồi đến những người xa hơn một chút (bà con, lối xóm, bạn bè, người cùng cộng đoàn), rồi mới đến những người xa hơn nữa (người quen, người gặp ngoài đường), để rồi yêu thương không trừ một ai, kể cả kẻ thù của mình (vì họ cũng là con người, là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa). 

Cần ghi lòng tạc dạ điều quan trọng nhất ấy để thực hành. Tất cả những chuyện khác đều là thứ yếu - nhưng không có nghĩa là không quan trọng, mà chỉ là không quan trọng bằng - thường là phương tiện để giúp ta thực hành điều quan trọng nhất ấy. Chẳng hạn việc thờ phượng Chúa và việc cầu nguyện. Ðây là hai việc được coi là rất quan trọng trong Kitô giáo mà không một Kitô hữu nào được phép coi thường. Nhưng chúng ta không thể coi hai việc này quan trọng hơn điều răn quan trọng nhất là sống yêu thương được. 

Ðọc hết Tin Mừng, tôi không hề thấy có chỗ nào Ðức Giêsu nhấn mạnh đến việc thờ phượng Thiên Chúa hay cầu nguyện bằng hoặc như Ngài đã từng nhấn mạnh bổn phận phải yêu thương cả. Qua câu «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh emấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24), tôi thấy rõ rằng Ngài coi trọng việc thể hiện tình thương đối với đồng loại hơn cả việc thờ phượng Thiên Chúa nữa. 

Ngôn sứ Isaia còn cho thấy Thiên Chúa ghê tởm việc thờ phượng và cầu nguyện của những con người đối xử với đồng loại một cách thiếu tình thương: «Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn ; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu» (Is 1,14-15; nên xem hết cả đoạn Is 1,11-19). 

Hãy nghe Ngài kết án hết sức nặng nề những việc làm thiếu bác ái: «Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Ðồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt» (Mt 5,21-22). 

Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, Ngài có vẻ như cay cú với thầy tư tế và thầy lêvi đã bỏ mặc nạn nhân bị cướp trên đường vì đã coi trọng việc thờ phượng và giữ những chi tiết trong luật Môsê hơn bổn phận bác ái là giới răn quan trọng nhất đối với Ngài (x. Lc 10,29-37). 

Cầu nguyện là để tiếp xúc với Thiên Chúa hầu nhận được sức mạnh của Ngài mà sống yêu thương anh chị em mình. Nó là phương tiện cần thiết để đạt được mục đích là sống yêu thương. Ðừng biến phương tiện thành mục đích để rồi mục đích đích thực của những phương tiện ấy lại không được thực hiện. 

Về việc thờ phượng Thiên Chúa, hãy bắt chước Ðức Giêsu: cả đời chỉ thực hiện tình thương đối với nhân loại đến nỗi hy sinh cả mạng sống, và cuộc đời đầy yêu thương đối với nhân loại ấy chính là hy tế thờ phượng Thiên Chúa đẹp lòng Ngài nhất. Nhưng cũng nên nhớ: chính nhờ cầu nguyện mà Ngài mới có sức mạnh, mới có đủ tình yêu để thực hiện điều ấy. 

Ðối với điều chính và điều phụ, lập trường của Ðức Giêsu là: «Các điều này (tức điều chính yếu) vẫn cứ phải làm, mà các điều kia (tức điều phụ thuộc) thì không được bỏ» (Mt 23,23c). Dẫu phải làm cả hai, nhưng vẫn phải phân biệt điều nào chính điều nào phụ để khi không thể làm được cả hai, thì biết phải chọn lựa điều nào. 


CẦU NGUYỆN

Tôi nghe Chúa nói với tôi: «Lạ thật! Biết bao người nói rằng họ theo Ta, nhưng những điều Ta khuyên hay yêu cầu họ làm thì họ chẳng thèm làm. Họ cứ tưởng: họ bám theo Ta và lải nhải nịnh nọt Ta suốt ngày thì Ta sẽ hài lòng và như vậy mới là theo Ta. Họ làm như Ta là một bạo chúa chỉ thích nghe những lời nịnh nọt! Ta là Thiên Chúa, Ta có cần họ làm gì cho Ta đâu, thế mà họ lại cứ quan tâm đến Ta, đang khi anh chị em của họ ở ngay bên cạnh họ, rất cần họ yêu thương săn sóc - những người đó chính là hiện thân của Ta ở giữa họ - thì họ chẳng thèm màng tới. Quả thật, họ đang làm những chuyện vô ích mà cứ tưởng là cần thiết. Con ơi, con đừng bao giờ suy nghĩ và làm như họ nhé!»